kiến sắc văn thanh

Phật Quang Đại Từ Điển

(見色聞聲) Nói đủ: Kiến sắc minh tâm, văn thanh ngộ đạo. Tiếng dùng trong Thiền lâm. Thấy sắc sáng lòng, nghe tiếng ngộ đạo. Nghĩa là nhờ mắt thấy sắc mà thấu suốt được nguồn tâm, do tai nghe tiếng mà ngộ được Thánh đạo. Từ Kiến sắc văn thanh bắt nguồn từ 2 công án trong Thiền tông, đó là: Linh vân kiến đào minh tâm và Hương nghiêm kích trúc ngộ đạo. Vào đời Đường, thiền sư Linh vân nhân thấy hoa đào nở rộ bỗng thấu suốt tâm tính của mình. Thiền sư Hương nghiêm Trí nhàn thì nhân nghe viên sỏi bắn vào gốc tre phát ra tiếng mà hoát nhiên ngộ đạo. Hai công án này đều nổi tiếng, cho nên được truyền tụng đến ngày nay và rất được người đời ưa thích. Tắc 78, Bích nham lục (Đại 48, 205 trung), ghi: Chớ bám dính vào hang ổ, tất cả chỗ đều là cửa đưa vào lí Quan âm, cổ nhân cũng có người nghe tiếng mà ngộ đạo, thấy sắc mà sáng lòng.