Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 68
Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày: 25 tháng 06 năm 2010
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội- HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem “ Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”. Hôm nay chúng học tiếp đoạn trước “Duyên khởi thập nghĩa”.

7- Đồng thể tướng nhập nghĩa. Đông thể tướng nhập giả, vị nhất duyên đa duyên vô biệt thể, cố danh vi đồng thể, nhược nhân duyên hữu lực, tắc năng trì đa nhất. Nhược đa nhất vô lực, tắc y bỉ nhất duyên. Thị cố nhất năng nhiếp đa, đa tiện nhập nhất, đa năng nhiếp nhất, nhất tiện nhập đa dã”. Đoạn này nghĩa là đồng thể tương nhập

Nhất duyên_Hiện tiền đây, đạo tràng nhỏ này của chúng ta. Mỗi người trong đạo tràng nhỏ, nhiều người như vậy tập hợp lại hình thành nên đạo tràng này. Đoàn thể là đa duyên. Mỗi phần tử trong đoàn thể đó là nhất duyên, đều phát tâm tu học Tịnh độ. Đặc biệt hiện nay mỗi vị đều phát đại Bồ đề tâm để tu Lục hòa kính. Vì sao tu Lục hòa kính? Vì khi thiên tai xảy ra, chúng ta phải cứu mình, cứu gia đình,  cứu xã hội,  cứu đất nước,  cứu thế giới, và cứu địa cầu này. Chúng ta đều có sứ mạng, đều có  nghĩa vụ này. Ở trong tiểu đoàn thể, cùng nhau học tập, một người là nhất duyên, đoàn thể chính là đa duyên_đây gọi là đồng thể.

Câu dưới nói: “Nhược nhất duyên hữu lực”. Đoàn thể của ta nhiều người như vậy, trong đó có một người có lực. “Lực” không dễ hiểu, ta nói đến phước báo vậy, một người có phước_Ngạn ngữ có câu: “Nhất nhân hữu phước, liên đới nhất ốc”_Người trong đoàn thể nhỏ này đều có phước hết. Cho nên một người có lực “năng trì đa nhất”. “Đa nhất” là mỗi người. Mỗi người đều có lợi, đều được lợi ích, gọi là “đa nhất thọ huệ”. “Nhược đa nhất vô lực”, như Giới Khoa học nói, hiện nay họ bàn luận về việc hoá giải thiên tai.

Trên địa cầu này hiện nay có hơn 60 ức người. Đây là “đa”, đây là “đa nhất”. Hơn 60 ức người này, đại đa số đều đang tạo tác vô số điều bất thiện. Tạo tác bất thiện  thực tế nói là không có phước. Không nên nhìn thấy họ có tiền, họ có địa vị, cuộc sống hiện tại của họ vô cùng sung túc, thật hiếm thấy. Nhưng khi thiên tai xảy ra, cái gì cũng không còn nữa. Đời sau thì sao? Đời sau càng khổ. Nên phước là gì? Phước không tách rời luân lý đạo đức. Luân lý đạo đức là phước báo chơn chánh nhất. Vậy học Phật, niệm Phật phước báo còn lớn hơn gấp bội. Tại sao? Vì ta biết niệm Phật, phát nguyện cầu sanh tịnh độ, thì trong đời này ta sẽ thành Phật.

Quý vị thử nghĩ xem, phước báo của thế và xuất thế gian, có loại phước báo nào có thể so sánh với quý vị? Biến pháp giới, hư không giới, đệ nhất phước là thành Phật, trở về tự tánh. Trong kinh điển Đại thừa Đức Thế Tôn dạy rằng: Tất cả chúng sanh đều có đức tướng trí huệ của Như Lai. Trí tuệ và đức tướng trong tự tánh đều hiện tiền. Phước báo này, dù mười phương Chư Phật có nói đến vô lượng kiếp cũng không tận,  cũng không hết. Phước báo này quá lớn!

Như tình trạng hiện nay vậy, hiện nay trên thế giới, rất nhiều người không tu phước mà tạo nghiệp! Nhưng “nhất duyên”_ “đa nhất vô lực, tắc y bỉ nhất duyên”_Nhất duyên là thiểu số. Các nhà Khoa học nói: nếu trên địa cầu này, có được tám ngàn người, cách tính này của họ là tính một trên một căn số bậc hai. Một trên một trăm sáu mươi ức căn số bậc hai, đại khái chưa đến tám ngàn người. Đây là thiểu số, chúng ta đem nó tính làm một_nhất. Tám ngàn người tu phước, 60 ức người được nhờ, hưởng phước của họ. Tuy tạo nghiệp cũng không đến nổi gặp đại thiên tai_ chính là ý này.

Quý vị nghĩ xem, như thế có thể tin tưởng được chăng? Một người có phước có thể giúp nhiều người tạo nghiệp sao? Giới khoa học còn có một ví dụ vô cùng rõ ràng. Giả thuyết của họ là lấy một trăm vạn nhân khẩu ở thành phố, chỉ cần có một trăm người có phước là được rồi. Một trăm vạn mà một trăm người thật sự tu phước, đoạn ác tu thiện, chuyển mê khai ngộ, y theo giáo huấn của Chư Phật, Chư Bồ Tát, chư cổ Thánh tiên Hiền siêng năng tinh tấn thực hành, sẽ có năng lực lớn lao như vậy. Có một số ít người, như đạo tràng này của chúng ta, một trăm người cũng tìm không ra người thật sự phát tâm.

Được hay không? Người xưa có nói như vầy, quí vị đều nghe qua, đều biết là có chuyện như vậy. Cổ nhân nói tà không thắng chánh. Đa số người tạo nghiệp, đó là tà_tà tri tà kiến, tà hành tà nghiệp. Thiểu số người tuy rất ít, toàn thế giới chỉ có tám nghìn người. Một trăm vạn người trong đô thị chỉ có một trăm người. Một trăm người này chánh tri chánh kiến, chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ. Mỗi ngày siêng năng nỗ lực theo cổ Thánh tiên Hiền, theo Chư Phật, Bồ Tát học tập. Sức mạnh này rất lớn. Như thế mới thật sự  gọi là tà không thắng chánh.

Chúng ta sống trên thế gian này, cần phải lặng yên để phản tĩnh. Ta đến thế gian này, như lời Đức Thế Tôn nói “Nhân sinh thù nghiệp”. Quý vị đến để làm gì? Trong kinh Phật nói rất hay, đại đa số người là đến đền trả nghiệp báo. Sống trong qúa khứ tu phước thì đến thế giới này để hưởng phước. Còn sống trong quá khứ tạo nghiệp thì đến thế giới này để chịu tội. Đây là điều Đức Thế Tôn nói với chúng ta. Vì sao đến thế gian này? Do hai nguyên nhân này mà đến. Điều mà Đức Phật Thích Ca nói là quả báo. Có phải nó bất biến chăng? Không phải. Ở trước chúng ta đọc qua, tất cả pháp không có tự thể, do duyên mà sanh, nên không có pháp nào là pháp nhất định. Nó thay đổi trong từng sát na. Vì sao bị biến đổi? Tuỳ theo ý niệm mà thay đổi. Tất cả pháp chắc chắn không tách rời ý thức của ta. Ý thức chính là ý niệm. Ý niệm thiên biến vạn hoá. Niệm trước là ác, niệm sau là thiện, đó chính là biến. Biến nhanh, biến chặt chẽ. Sau khi biến rồi còn  duy trì được, là lời dạy của thánh hiền. Chúng ta biết trong quá khứ có rất nhiều suy nghĩ sai lầm, rất nhiều quan niệm sai lầm, hiện nay rất phổ biến.

Con người nghĩ đến điều gì? Con người nghĩ đến tiền, nhìn đến tiền. Mắt chỉ thấy tiền thì không thể thoát ra được. Đó chính là xã hội ngày nay. Trên toàn cả thế giới, bất luận là quốc gia địa phương nào. Chúng tôi thường đi du lịch đi tham quan nên biết. Giá trị quan thật là điên đảo. Người xưa coi tiền rất nhẹ, còn đạo đức thì rất coi trọng. Nên xã hội xưa, người cũng có địa vị trong xã hội. Trước đây trong xã hội này có câu: “Sĩ nông công thương”. Người xưa sắp thứ tự này là từ trái qua phải. Đây là khi ta nhìn đối diện. Sĩ, Nông, Công, Thương. Nhưng người ngoại quốc thì nhìn tương phản với chúng ta. Người ngoại quốc nhìn vật gì là từ bên này bắt đầu. Từ bên này, thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư. Như đằng sau giảng đường của chúng ta chữ của Lão Triệu Bộc viết “tri ân báo ân” là sắp xếp theo cách của truyền thống xưa_Tri ân báo ân. Ngoại quốc thì ngược lại “ân báo ân tri”, họ đọc như vậy. Nhưng Sĩ Nông Công Thương đọc phản lại thì đọc cách nào? “Thương Công Nông Sĩ”, Thương sắp lên hàng số nhất.

Thật vậy, khắp xã hội đều là thương nhân. Quý vị xem, Thầy giáo dạy học, Thầy giáo cũng là học thương_học buôn. Đem việc học để mua bán. Nhà trường biến thành tiệm học_ tiệm học. Bác sĩ là y thương. Bất kể làm nghề gì, họ đều đem tiền để ở hàng đầu, đây chính là thương. Điều này so với trước đây thì hoàn toàn điên đảo, đem luân lý đạo đức xếp ở sau cùng. Thậm chí cuối cùng cũng không còn nữa, xem thường nó, không dùng, không cần nữa. Không cần những thứ này, có tiền là được rồi. Cho nên quý vị hãy quan sát thật kỹ càng, Đến cả Tôn giáo cũng biến thành tiệm buôn.

Nếu nhìn theo thứ tự sĩ nông công thương, thì có thể nhận ra. Sĩ nông công thương đây là bình thường. Nếu Sĩ là thứ nhất, thì duyên này có lực, tốt! Họ có thể chỉ đạo Nông công thương ở bên dưới, xã hội sẽ có trật tự. Nếu như đem đồng tiền xếp ở vị trí đầu tiên, điều này không thể được!

Thời nay là xã hội dân chủ, các vị quan trong xã hội dân chủ là tuyển cử. Tôi nghe nói, mà rất nhiều người nói với tôi. Tuyển cử chỉ cần quí vị có tiền, là có thể mua phiếu tuyển. Như vậy chức vụ cũng biến thành “thương” rồi. Quý vị xem, họ có tiền để mua phiếu tuyển, sau khi được tuyển, họ nhất định sẽ trục lợi một số lớn về lại. Họ nhất định sẽ kiếm, một lần lợi gấp vạn lần. Hình như thế giới này hoàn toàn bị đồng tiền thống trị rồi. Thời cổ đại không phải như vậy. Cổ đại là luân lý đạo đức, học thuật trong xã hội được người tôn trọng nhất.

Xã hội ngày này có vấn đề, nhưng vấn đề ở đâu? ở nơi điên đảo của Sĩ nông công thương, biến thành thương công nông sĩ, vấn đề là ở đây. Địa cầu cũng có vấn đề, rất nhiều thiên tai phát sanh, nguyên nhân là gì? Nguyên nhân vẫn là giá trị quan điên đảo. Nguyên nhân thật sự là do con người làm ra, trong kinh điển Đức Phật cũng nói như vậy. Nho giáo và Đạo giáo cũng nói như vậy. Hiện nay đỉnh cao của lượng tử học cũng đã nói như vậy. Chúng ta không có lý do chẳng tin. Cho nên xã hội loạn động và thiên tai tấp nập, có biện pháp để cứu vãn chăng? Đáp án là khẳng định. Đây chính là “nhất duyên hữu lực”.

Trong xã hội hiện nay, “nhất duyên” là ai? “Nhất duyên” là người học tập nền văn hoá truyền thống. Là người học Phật học Đạo, họ phải cần thực học mới được. Thực sự học Nho giáo phải lập chí làm Khổng Tử, làm Mạnh Tử, quý vị mới thực sự có thể học được! Người học Đạo giáo phải lập chí học Lão Trang. Người học Phật giáo phải lập chí làm Phật.

Tối hôm qua tôi trở về, có người bạn đồng tu đến thăm tôi, nói cho tôi biết một thông tin. Có một vài đệ tử Phật, muốn ở Quảng Châu xây Chùa Lục Tổ_Thiền Tông Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư_ làm một ngôi chùa, đây là việc tốt! Hy vọng tương lai tôi ở nơi đó giảng bộ “Pháp Bảo Đàn Kinh”. Tôi nhận lời Ông ta, được! “Nhất duyên hữu lực”.

Học Phật, quý vị nhìn Lục Tổ quá tốt. Ta phải biết khi Lục Tổ gặp Ngũ Tổ là 24 tuổi, đến Hoàng Mai đi tham vấn Ngũ Tổ. Ngũ Tổ hỏi Ngài: “Ông đến đây làm gì?”. Ngài trả lời: “Con đến làm Phật”. Lục Tổ với người khác không giống nhau. Người khác đến gặp Ngũ Tổ,  Ngũ Tổ hỏi ngươi đến làm gì? Họ trả lời con đến cầu  bình an, cầu thăng quan phát tài. Đều là cầu cái này. Quý vị xem, Lục tổ vừa mở miệng là nói mình đến làm Phật. Đại khái trong đời của Ngũ Tổ, chưa từng gặp một người như vậy. Ngài đến làm Phật và Ngài thực sự đã làm Phật rồi. Ngũ Tổ không có phụ lòng Ngài, Thực sự đã giúp Ngài thành Phật. Đây là gì? đây gọi là học Phật. Học Phật chính là phải học làm Phật, học làm Bồ Tát. Thật sự học làm Phật đó là được giáo hoá chúng sanh. Phật Thích Ca Mâu Ni thành Phật rồi, một đời giáo hoá.

Tôi nói với quý vị, Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo ba nhà đều là làm Thầy. Địa vị của họ trên xã hội đều làm Thầy, đều là dạy học. Trong ba nhà, thành tích hiệu quả của Phật là lớn nhất. Nguyên nhân gì? được Hoàng Thượng ủng hộ. Lão bá tánh và nhân dân khi thấy Hoàng Đế ủng hộ, vậy ai không muốn học! Trước đây Phật giáo là do Hoàng Thượng quản.

Thứ hai thì Nho giáo cũng không tệ. Nho Giáo là do Tể Tướng quản, là quốc gia ủng hộ. Còn Đạo thì duyên kém hơn một tí, nhưng cũng không ít. Vì sao? Vì thành tựu của Đạo là Thần tiên. Người muốn học Thần tiên không ít. Người học Thần tiên thì đi đến Đạo giáo. Ba đạo này đều dạy học. Đạo Phật có “Đại Tạng Kinh”. Đạo gia có “Đạo Tạng”. Nho gia thì cận đại một vài học giả biên tập “Nho Tạng”. Quý vị đi xem điển tịch của ba đạo thì sẽ biết. Dùng cách nói của thời nay, thì nó là học phái, nó là giáo dục. Nên ba đạo này ta không thể coi nó là Tôn giáo. Như vậy là nhìn sai. Trung Quốc không có Tôn giáo. Nếu nói Trung Quốc có Tôn giáo, đó là Trung Quốc bái Tổ Tông. Bái Tổ Tông là kỷ niệm Tổ Tông, không quên ân đức của Tổ Tông. Ý nghĩa quan trọng nhất, như Khổng tử nói. Nếp sống này trong xã hội thực hành rất phổ biến, có thể nhận được cái đức cái hậu cho dân.

Quý vị xem một ngàn trăm năm sau đối với lão Tổ Tông vẫn nhớ mãi không quên, đối với cha mẹ hiện tiền làm gì có lý là bất hiếu. Kỷ niệm Tổ Tiên là khởi phát hiếu tâm cho con người, khởi động hiếu hạnh nơi con người, ý nghĩa này rất thâm sâu.

Hiếu là gốc của văn hoá xưa, là gốc truyền thống giảng dạy. Không có gốc thì làm sao có thành tựu. Nên ý nghĩa này vô cùng sâu rộng. “Nhất duyên hữu lực” chính là nói điều này. Nó “năng trì đa nhất, đa nhất vô lực”, đó chính là “y bỉ nhất duyên”. Cho nên ở xã hội xưa, bất luận là môn nào, chẳng thể không nương vào hiếu kính. Phật pháp cũng như vậy. Pháp môn của Phật pháp là tám vạn bốn ngàn, đó là “đa nhất”. Còn “nhất pháp” là gì? là hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưỡng. Đệ nhất phước của Tịnh Nghiệp Tam Phước, đây là “nhất pháp”. Nên truyền thống văn hoá xưa là lấy hiếu thân tôn sư làm căn bản. Phật pháp cũng lấy hiếu thân tôn sư làm căn bản. Nho với Phật là đồng một cái gốc. Căn bản đã tương đồng, làm gì có đạo lý không dung hoà, tự nhiên dung hoà.

Những năm gần đây chúng tôi tiếp xúc rất nhiều Tôn giáo trên thế giới, đem Kinh điển của họ triển khai để xem, cũng lấy hiếu thân tôn sư làm căn bản. Nói cách khác, Tôn giáo của toàn thế giới ắt có đạo lý dung hoà, đây là lý, lý là ở đây. Tôn giáo từ đây mà sanh, quí vị quan sát kỹ, trên thế gian này có pháp nào không phải từ đây mà sanh!

Ngày nay mọi người đều hy vọng, xã hội êm ấm, tộc quần êm ấm, quốc gia êm ấm, thế giới êm ấm, Phật giáo  nói vũ trụ êm ấm. Có thể làm được không? Có thể làm được. Đồng một tự tánh, hiếu thân tôn sư là tánh đức. Trong tự tánh vốn có. Đây là “nhất pháp”, đây là “nhất pháp hữu lực”, không phải là “vô lực”. Tất cả pháp đều có thể nương vào “nhất pháp” này. Đó chính là có phước rồi. Nếu làm ngược “nhất pháp” này, thì thiên tai liền đến,  chính là như vậy.

Đạo Phật thường nói: “khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn”. Nếu ta quay lưng với tánh đức, bất trung bất hiếu, bất nhân bất nghĩa. Đó chính khổ hải vô biên. Ta  thấy xã hội  ngày nay động loạn, địa cầu biến dị, cái gì cũng không bình thường. Quí vị “hồi đầu” sẽ tìm thấy “hữu lực” này. “Hữu lực” nàychính là Ngũ luân Ngũ thường, Tứ duy, Bát đức. Phật pháp nói là Tam quy ngũ giới, thập thiện nghiệp đạo. Chúng ta thực sự có thể học tập và lập tức có thể đạt được hiệu quả, tự mình thân tâm an lạc, phiền não ít, trí tuệ trưởng, gia đình hoà mục, sự nghiệp thuận lợi, xã hội an định, thế giới hoà bình. Lập tức nhìn thấy hiệu quả này. Nhất định phải nhớ, pháp không có pháp nhất định, tuỳ theo ý niệm mà chuyển. Ý niệm của con người thời này chuyển đổi sai hết rồi.

Thật may mắn, chúng ta ở trong thời đại này, được thân người, nghe được chánh pháp, học tập văn hoá truyền thống, thân cận Chư Phật Bồ Tát. Đây là phước báo rất lớn, đây là nhân duyên vô cùng thù thắng !  Chúng ta đã quay đầu, đã tìm được phương hướng, tìm được mục tiêu. Trở về với “hữu lực”, đây là “nhất duyên hữu lực”. Ta siêng năng học tập, mỗi người đều “hữu lực”, thật sự phát tâm.  Mọi người cùng nhau tu Lục hòa kính, mỗi người đều “hữu lực”. Hy vọng với sức mạnh này, quí vị phát huy ở gia đình mình, tự mình tu lục hòa, trở về nhà cùng cả nhà tu lục hòa, rồi từ từ khiến thân bằng hảo hữu tu Lục hòa, những người lân cận tu Lục hòa. Thật tu, bắt đầu tu từ đâu? Từ “Đệ Tử Quy” bắt đầu, từ lễ kính Chư Phật bắt đầu, điều đầu tiên là học lễ phép.

Trước đây ta sơ suất, gặp người không chào hỏi. Bây giờ đã hiểu rõ, chúng ta cần hoà mục.  Không cần cầu người khác hoà với mình, nhưng mình phải hoà với người khác. Mình phải hòa với người, nhìn thấy người khác phải thân thiết chào hỏi. Cái này cần phải có trí tuệ,  phải biết chừng mực và nắm bắt cho chuẩn. Đặc biệt là sống ở Đô thị. Bây giờ toàn ở nhà chung cư, mọi người cùng ở dưới một ngôi nhà lớn, khi gặp mặt gật gật đầu mỉm cười hỏi thăm. Chừng mực này, thái độ này làm ba tháng, sau ba tháng có thể cúi người một chút trước họ. Từ từ họ sẽ quen. Nếu mới bắt đầu mà gập mình 90 độ hành lễ, sẽ làm họ giật mình. Người này như vậy là sao, sẽ giật mình. Cho nên cứ từ từ. Chúng tôi tin rằng, chỉ từ nửa năm đến một năm, nơi chung cư đó sẽ hoà mục,  một người dìu dắt quần thể này, quí vị phải thật sự làm mới được. Thành tâm thành ý, thật thành tâm. Chủ động vì đại chúng phục vụ, kết duyên với đại chúng.

Như trước đây tôi học giảng ở Đài Trung, Thầy Lý nói với tôi, người giảng Kinh hoằng pháp, thì Pháp duyên vô cùng quan trọng. Có người không có Pháp duyên, giảng thì không tệ, rất tốt, nhưng người nghe rất ít, không được mấy người nghe. Có vài người giảng không ra làm sao, nhưng pháp duyên tốt, thính chúng đặc biệt đông, Đây là đạo lý gì? Thầy Lý nói với tôi là do pháp duyên không giống nhau, quí vị cần phải kết duyên với người khác. Kết duyên cách nào?  Khi Thầy giảng kinh đây, giảng kinh hôm đó, những người học giảng kinh, ra trước cổng làm tiếp tân. Đặc biệt là nhìn thấy người lạ, những người này, hoặc là mới đến, hoặc là từ vùng khác đến. Chúng ta phải thân thiết tiếp đãi họ, dẫn họ tìm chỗ ngồi, lo cho họ, đây chính là kết pháp duyên. Thầy Lý còn nói với tôi, mua một ít kẹo đem theo bên mình, một người đến nghe kinh đưa một cái kẹo để kết duyên. Như vậy khiến người khác có thiện cảm. Khi người khác đến đạo tràng này, cảm thấy người ở đây rất thân thiết, khách đến có cảm giác như được về nhà mình. Đây đều là đang tu Lục hòa Kính. Bình thường ở nhà hoặc ở nhà láng giềng cũng vậy, đặc biệt là ở nơi chung cư, nhà nhà đều biết lo cho nhau. Trong Phật pháp nói là phải biết thăm hỏi. Còn điểm tâm nhẹ, một tuần có thể đưa một hai lần, tốn không nhiều, vô cùng có hạn, nhưng vui vẻ.

Ở đây chúng tôi có đĩa, có những cuốn sách nhỏ để kết duyên. Có thể đem tặng cho nơi chúng ta ở. Họ thích thì giới thiệu cho họ, vấn đề là quí vị phải thật có tâm giúp đỡ người khác phá mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc. Tâm này là Bồ đề tâm, là tâm độ chúng sanh. Có tâm đương nhiên cần phải có hành động, sức một người không đủ thì nhờ đoàn thể, nương nhờ đoàn thể, vì đoàn thể có lực.

Bên dưới nói: “Thị cố nhất năng nhiếp đa, đa tiện nhập nhất, nhất năng nhiếp đa”. Chúng ta  nói đến đạo tràng. “Tràng” này có đạo. Đạo là “nhất”, có thể “nhiếp đa”. Rất nhiều người có thể đến đây. “Đa năng nhiếp nhất”, “nhất” sẽ “nhập đa”, tự nhiên có thể dung nhập đoàn thể này. Đây nghĩa là “đồng thể tương nhập”.

8- Đồng thể tương tức nghĩa. Đông thể tương tức giả, vị bổn nhất đa nhất, đồng thị nhất thể, cố tương tức dã.

Ví dụ chúng ta nói “bổn nhất” là một người có trí tuệ, “đa nhất” là đại chúng. Hoặc chúng ta nói trong việc dạy học, dùng ví dụ này cũng được, “bổn nhất” là Thầy giáo, “đa nhất” là học sinh, đồng là nhất thể, cho nên nó tương tức.

“Cái bổn nhất hữu thể”, thể này là trí tuệ, là kỹ năng. “Năng tác đa nhất” là có thể cho mọi người, tức là chỉ đạo mọi người. Có năng lực này để dẫn dắt đại chúng. “Đa nhất” là đại chúng. “Đa nhất vô thể”, những học sinh này không có trí tuệ của Thầy, cũng không có năng lực kỹ thuật của Thầy. “Do bổn nhất thành”, Thầy giáo chỉ đạo họ, dạy dỗ họ, học sinh đều thành tựu, tất cả điều này đều thuộc về duyên khởi. “Đa nhất tức bổn nhất dã”, sau khi học sinh học thành đạt, năng lực trí tuệ của Thầy và trò là tương đẳng.

 Cố bổn nhất hữu thể, tắc đa nhất vô thể, đa nhất hữu thể, tắc bổn nhất vô thể.

Đoạn này muốn nói gì? Mới đầu Thầy giáo dạy học sinh, nhưng kết quả sau cùng quá tốt, học sinh vượt qua Thầy giáo.

Người xưa thường nói: “Thanh xuất ư lam nhi thắng ư lam”. Dạy học như vậy là đã thành công. Nếu người Thầy giáo giỏi này một đời dạy học, học sinh đều không thể vượt qua Thầy, dạy học như vậy là thất bại. Vì sao? Vì thời nay là thời đại lớn, trình độ ngày càng thấp, thời đại này không như thời đại trước. vậy thời này không bằng thời trước thì trách nhiệm thuộc về ai? Thầy giáo chịu. Vì Thầy giáo không tận tâm tận lực, Thầy giáo không giáo dục tốt.

Quý vị xem, cha mẹ kỳ vọng con cái, luôn hy vọng con cái  giỏi hơn mình, là phước của gia đình. Nếu đời này không như đời trước thì suy yếu rồi. Nhà như vậy thì sự nghiệp cũng như vậy. Khi quí vị kinh doanh một nghề, đời sau không được như mình, lại thêm một đời nữa càng không được như vậy, thì sự nghiệp của quí vị coi như hết. Làm cách nào quí vị phải duy trì đời này hơn đời trước. Không có ngành nghề nào mà không như vậy. Chính trị cũng như vậy.

Quý vị xem ngày trước làm quan đội cái mũ, cái mũ đó gọi là “Tấn Hiền Quan”. Tầng ở trước thấp, tầng ở sau cao hơn, tượng trưng cho cái gì? Tầng ở trước là tượng trưng cho thời đại của tôi, tầng ở sau là tượng trưng cho đời sau, hy vọng thành tựu của đời sau vượt qua tôi. Vì sợ quên, nên cho họ đội mũ đó khi xử lý công vụ để họ nhớ lại. Học sinh mà không hơn Thầy, như vậy là giáo dục thất bại. Thầy giáo cảm thấy xấu hổ. Cho nên học sinh vượt qua thầy giáo là thành tựu nên có. Vì sao? Học trò đạp lên trên vai Thầy mà đi lên. Đây mới là Thầy giỏi, thật sự là một người Thầy.

Nhưng chúng ta cũng từng nhìn thấy, nghe thấy  nhiều là Thầy giáo không thích học sinh hơn mình. Học sinh giỏi hơn, Thầy giáo sinh ra đố kỵ. Chuyện này có không? Có! Từ xưa đã có rồi. Trong Lịch sử cũng ghi rất nhiều ví dụ, đây không phải là Thầy giáo tốt. Nhưng Thầy giáo đó rất có đức hạnh, rất có học vấn, chỉ là phiền não đố kỵ quá nặng, không dễ gì hoá giải được nó. Phiền não này sinh ra là có rồi. Nó từ đâu đến? Từ ngã mạn đến. Ngã mạn là một trong bốn đại phiền não của Mạt na thức. Ngã mạn là không tốt, là chướng đạo, là tạo tội nghiệp.

Cha mẹ đối với con cái là trách nhiệm, phải nuôi dưỡng, phải dạy dỗ, phải thành tựu cho con cái. Thầy giáo đối với học sinh cũng như vậy. Nhưng ngày nay Thầy giáo không dễ tìm được, Thầy giáo của nhà trường là tiệm học. Thầy giáo đều biến thành thương nhân, vấn đề là mua bán tri thức. Cầm được tiền mới dạy, không cầm tiền thì không dạy. Cầm được tiền nhiều hơn nữa cũng chưa chắc đã thật tâm dạy, thật sự là quá khó. Đúng là thời thế đạo đức ngày càng đi xuống. Nên vì sao ngày càng có nhiều thiên tai như vậy, thì chúng ta hiểu, sẽ minh bạch. Chúng ta tự mình phải làm cách nào cũng đã biết rồi, là tận tâm tận lực đi giúp người. Nhưng Thầy giáo muốn tìm một học sinh thật sự muốn học là việc không dễ dàng gì. Trước đây Thầy Lý nói với tôi mấy lần, một học sinh hiếu học, muốn tìm một vị Thầy giáo tốt thật sự dạy họ, nhưng có thể gặp mà không thể cầu.

Trong một đời nếu ta thật sự gặp được, thì khẳng định sẽ thành tựu. Có thể nói là chẳng thể không thành tựu. Có vị thầy giỏi nào, không hy vọng mình có truyền thừa. Mà còn hy vọng người truyền thừa này nhất định phải giỏi hơn mình. Vì sao? Vì Thầy giáo sẽ đem tất cả kiến thức sở đắc truyền trao cho học trò. Học trò ngoài việc thừa truyền của Thầy, họ còn phải học nhiều thứ khác, nên nhất định sẽ giỏi hơn Thầy. Bất luận là tài năng hay đức hạnh, khẳng định phải hơn thầy. Được vậy Thầy giáo sẽ rất vui mừng.

Thầy giáo tìm được một người truyền thừa như vậy rất khó. Đến đâu để tìm? So với học sinh tìm Thầy giáo còn khó hơn nhiều. Nên trong quá khứ, một Thầy giáo tốt một đời tìm không được người truyền thừa, chỉ có một phương pháp là trước tác “trước thư lập thuyết”. Hy vọng hậu thế có người đọc được sách của mình, và học tập theo giáo huấn của mình. Trước mắt tìm không thấy, thì ký thác vào tương lai. Đây là ý chính của “trước thư lập thuyết”. Chúng ta hãy xem dụng tâm của cổ nhân, lương thiện biết bao và thuần chân biết bao, hiện nay thật là tìm không thấy.

Trong đời tôi, gặp được ba vị Thầy, thật là không dễ dàng chút nào. Bình tĩnh mà suy nghĩ thì đây là nhân duyên vô cùng thù thắng. Tôi gặp được ba vị Thầy không phải là “học thương”_học buôn. Tôi chưa nộp một đồng học phí nào cho ba vị Thầy này, nhưng đã theo học với họ thời gian rất dài, không nộp học phí. Họ đặc biệt dành thời gian để dạy tôi, không bao giờ tìm được những người Thầy như vậy nữa.

Câu cuối cùng là “đa nhất hữu thể, tắc bổn nhất vô thể”. Đa nhất hữu thể, như trong số học sinh, có người đắc tam muội, có người khai ngộ, có người chứng quả. Đôi khi thầy giáo chưa khai ngộ, chưa chứng quả, nhưng học sinh đã thành tựu.

9- Câu dung vô ngại nghĩa. Câu dung vô ngại giả, vị dung tiền đồng thể, tương nhập tương tức, nhị chủng giai vô ngại dã.

Vô ngại chủ yếu chính là vì không có tự tánh. Tất cả pháp không có tự tánh. Tánh mà vô tánh chính là chân như bổn tánh. Chân như bổn tánh không phải vật chất, cũng không phải tinh thần. Chẳng thể nói nó là không, cũng chẳng thể nói nó là có. Sự biến hoá của tất cả pháp là do ý niệm, ý niệm chính là suy nghĩ. Suy nghĩ chuyển biến rất nhanh, cho nên không có định pháp. Thiện trong sát na có thể biến thành ác. Ác trong sát na thời gian có thể biến thành thiện. Then chốt là ở nơi ý niệm. Sự việc này đã bị giới Khoa học hiện đại phát hiện.

Các nhà Lượng tử vật lý học, họ cũng đã phát hiện. Chứng minh những điều  cổ Thánh tiên Hiền nói là thật chứ không phải giả. Hiểu rõ đạo lý này có thể thay đổi vận mệnh chính mình. Có thể thay đổi vận mệnh gia đình mình. Có thể thay đổi vân mệnh của thế giới. Và có thể thay đổi vận mệnh của địa cầu. Chính là nguyện lực này, là suy nghĩ này.

Tại sao ta không nghĩ điều thiện mà phải đi nghĩ điều ác? Nếu ta nghĩ điều ác, thì không có một pháp nào là chẳng ác. Nếu ta nghĩ thiện, thì không có một pháp nào là chẳng thiện. Nhiễm tịnh, thiện ác chỉ trong một niệm. Một niệm tham sân si mạn nghi chính là ma. Một niệm giới định tuệ chính là Phật Bồ Tát. Khi hiểu rõ được đạo lý này, ta thật sự muốn cầu được hạnh phúc chơn chánh viên mãn, niệm niệm đều là thiện niệm, được vậy tốt biết bao. Ý niệm nào là đại thiện? Ý niệm nào là vĩnh hằng? Ý niệm nào là phước báo thứ nhất của thế xuất thế gian? Tôi nói với quý vị, chính là ý niệm A Di Đà Phật . Vì sao? Vì A Đi Đà Phật là đức hiệu của tự tánh chúng ta chứ không phải người khác.

Rất nhiều người đã tham gia Tam thời hệ niệm. “ Tam thời hệ niệm” do Trung Phong Thiền Sư viết ra. Ngài là người sống dưới triều Nguyên. Trong lời khai thị Ngài nói: “Tự tánh Di Đà, duy tâm tịnh độ”. Phật A Di Đà là ai? Là tự tánh của chúng ta! Tự tánh của ta gọi là A Di Dà. A Di Đà là phạn ngữ, nghĩa là gì? “A” nghĩa là “vô”, “Di Đà” nghĩa là “lượng”_Tự tánh.

Trong Kinh Hoa Nghiêm đức Thế Tôn nói, trong tự tánh có vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, vô lượng tướng hảo. Chỉ cần ta nghĩ ra được, có thể nói ra được, toàn là vô lượng. Vô lượng vô biên, vô tận vô số. Câu A Di Đà Phật này bao hàm tất cả. Là tổng danh xưng. Ta niệm ai? Niệm A Di Đà Phật chính là niệm tự tánh. Đạo lý này, chân tướng sự thật này chẳng thể không biết.

Mật tông nói tam mật tương ưng, trong đó có quán tưởng. Câu A Di Đà Phật chính là tất cả. “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất”_Nó bao hàm tất cả. Như vậy ta sẽ hiểu, khi ta đọc Kinh A Di Đà hay là đọc Kinh Vô Lượng Thọ. Một là tất cả, tất cả là một.

Tất cả Kinh giáo mà mươi phương ba đời tất cả Chư Phật nói, đều ở trong bộ kinh này. Nếu ta thật sự thông hiểu bộ kinh này. Thông cái gì? Thông đến tự tánh. Quý vị cần phải hiểu, bí quyết khai ngộ chính là nhất, đa thì không cách nào khai ngộ. “Đa” là gì? là tâm lực của ta không tập trung, tuy học rất nhiều thứ, nhưng lực lượng bị phân tán, nên rất khó khai ngộ . Vì thế trước sau nên học một thứ. Cổ nhân nói rất hay, ta có thể dùng bao nhiêu thời gian? Ba năm. Quý vị xem “Truyền Đăng Lục”, “Ngũ Đăng Hội Nguyên”, trong đó người khai ngộ dùng bao nhiêu thời gian? Cũng chỉ là ba năm hoặc năm năm. 3 năm, 5 năm cái gì cũng không nghĩ đến, đều buông bỏ hết, chỉ nghĩ một thứ là họ phải định, vì định có thể khai ngộ! Bắt buộc là phải được định trước, sau đó mới khai ngộ. Không định thì đến khi nào mới hoát nhiên đại ngộ.

Nếu học nhiều, nhiều quá là không được. Nhiều quá thì tinh thần phân tán. Ý niệm phân tán, niệm lực không thể tập trung, thời gian cũng phân tán. Vậy ta học được những gì? Học cái mà hiện nay người thường giảng là học Phật học, chứ không phải học Phật. Phật học là trí thức không phải trí tuệ. Người học Phật là họ cầu trí tuệ. Trí tuệ nhất định phải là “Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu” mới có thể đạt được.

Bất luận là Tông Môn hay giáo môn,  Tiểu thừa hay Đại thừa, đạo lý chỉ có một, nguyên lý chỉ có một. Tông môn là nói tham ngộ, không dùng Kinh điển. Ngày xưa Tổ Sư Đạt Ma truyền đến Trung Quốc là pháp môn “Quán tâm”. Sau đó Tổ Sư cải đổi thành “tham hoạt đầu”. Giáo môn là một bộ kinh, một bộ luận. Kiên nhẫn, chuyên chú. Cứ bền chí một môn như vậy sẽ khai ngộ. Sau khi ngộ rồi lại quảng học đa văn. Chẳng phải không học rộng vì pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Chưa khai ngộ thì không được. Chưa khai ngộ họ không thể học, vì khi học  nhiều quá, vĩnh viễn sẽ không khai ngộ. Sau khi ngộ mới học, học thêm nữa cũng quá dễ dàng. Được như vậy quí vị sẽ giống như Long Thọ Bồ tát. Một bộ “Đại Tạng Kinh” cần bao nhiêu thời gian mới học hết? Ba tháng là học xong. Long Thọ Bồ tát như vậy.

Lục Tổ Huệ Năng cũng như vậy. Vì họ đã kiến tánh. Lục căn vừa tiếp xúc lập tức thấu suốt, đâu cần phải phí công sức! Những đạo lý này ta cần phải hiểu. Phương pháp đơn giản nhất, phương pháp ổn định nhất và cũng là phương pháp nhanh nhất. Là ta không cầu gì cả, ta chỉ nhất tâm nhất ý cầu vãng sanh. Lục Tổ Huệ Năng nói: “Đãn đắc kiến Di Đà, hà sầu bất khai ngộ” chỉ cần nhìn thấy được Phật A Di Đà là khai ngộ. Điều này là thật chứ không phải giả. Tổ Sư không gạt người khác.

Ở đây khai ngộ thật không dễ, nhưng đến thế giới Cực lạc để khai ngộ lại rất dễ. Vì sao? Một câu A Di Đà Phật niệm ba năm, ta quyết định được sanh Tịnh độ. Nhất tâm nhất ý, ngoài câu A Di Đà Phật ra, cái gì cũng không nghĩ. Quý vị xem Hoàng Trung Xướng không phải là điển hình cho ta thấy đó sao?

Trước đây vài năm, ở Thẩm Quyến, mọi người đều biết có một thanh niên khoảng ba mươi mấy tuổi. Anh ta nghe trong đạo Phật có một vài phương pháp, anh ta rất mừng, đến thử, và anh ta đã đến làm thí nghiệm. Nhập thất ở Thâm Quyến, cư sĩ Hướng Tiểu Lợi hộ thất cho anh ta. Anh ta định thời gian ba năm. Kết quả mới hai năm mười tháng, còn thiếu hai tháng nữa là viên mãn. Nhưng anh ta dự biết được giờ chết và đã ra đi. Đi một cách tự tại, rất thoải mái,  không bệnh tật gì. Trong ba năm đó nhất tâm niệm Phật. Anh ta mỗi ngày đọc một bộ “Vô Lượng Thọ Kinh”, niệm danh hiệu Phật không dán đoạn. Tôi giảng về phương pháp của Pháp Sư Đế Nhàn, anh ta học theo. Pháp Sư Đế Nhàn dạy người thợ hàn, niệm mệt rồi thì nghĩ, nghĩ xong rồi thì tiếp tục niệm, không hề bị áp lực. không hề bị ràng buộc, rất tự tại. Hai năm mười tháng đã thành công, đã về Thế giới cực lạc  làm Phật.

Chúng ta ở đây giảng kinh dạy học. Đây là “Khuyến chuyển” trong Tam Chuyển Pháp Luân._Khuyến khích mọi người. Hoàng Trung Xướng biểu diễn chiêu này là “Chứng Chuyển”. Anh ta đã chứng minh cho chúng ta thấy. Quý vị xem, câu Phật hiệu này có lợi ích không. Thật lợi ích! Mỗi ngày đọc một bộ kinh, anh ta không nghe nữa. Sanh đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc thân cận Phật A Di Đà. Vậy còn có pháp nào có chướng ngại, còn có pháp nào không thể thành tựu! Chúng ta học anh ta như vậy và tự mình cũng thành tựu. Nếu anh ta không vãng sanh thì đạo tràng cũng thành tựu. Một vị có tâm như vậy chủ trì đạo tràng, đao tràng có thể không thành tựu sao! Thật sự là trí tuệ viên mãn, đức hạnh viên mãn. Quý vị nghĩ xem như vậy có thể cứu được thế giới không? Khẳng định có thể tiêu tai giải nạn. Nên ta phải phát đại tâm và phải siêng năng thực hành. Sau khi học xong quan trọng nhất là phải thực sự xả thân, học rồi mà không ứng dụng cũng như chưa học.

Người học Tịnh độ, tinh điển của Tịnh độ tông là ít nhất trong các tông phái. Chỉ có sáu cuốn “Lục kinh nhất luận”. Nhất luận là “Vãng sanh Luận”. Chúng ta cần phải học hết sao? Không nhất định. Có thể học hết thì tốt, còn không thì trong sáu cuốn này chỉ học một cuốn là được. Mục đích học kinh giáo là gì? Chính là tiêu nghiệp chướng. Giúp chúng ta tín nguyện. Kinh giáo là giúp chúng ta đoạn nghi sanh tín. Sau khi thực sự đã tin thì phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Thật tin và  thật nguyện sẽ được vãng sanh. Kinh giáo có thể không cần thiết. Một câu Phật hiệu là được. Mỗi ngày phải đọc một bộ kinh đó là để nhiếp tâm. Vì chúng ta còn tập khí phiền não. Khi đọc bộ kinh này sẽ làm cho tâm định lại, không cho vọng tưởng phân biệt khởi dậy, tác dụng là ở đây.

Kinh Vô Lượng Thọ  phân lượng rất tốt, không nhiều không ít, có thể hàng phục được tập khí của ta. Trong ngày đó ta niệm Phật A Di Đà, thì trong đầu không xen tạp vọng tưởng, chính là ý này. Người lớn tuổi đọc “Kinh Vô Lượng Thọ ” có khó khăn, phân lượng quá nhiều, nên đổi đọc “Kinh A Di Đà ”. “A Di Đà Kinh” ngắn, có thể đọc một biến, hai biến, ba biến. Đọc bao nhiêu biến tự mình có thể quyết định.

Quý vị biết đọc kinh này để làm gì không? Đọc kinh này để hàng phục tập khí. Một biến là có thể hàng phục rồi, là được rồi, một biến là được. Nếu đọc một biến vẫn còn tập khí, vẫn còn vọng tưởng thì đọc hai biến. Phải nên hiểu vì sao mà tụng Kinh này, điều này cần phải hiểu rõ. Không phải niệm để Phật A Di Đà nghe. Hoàn toàn là vì chính mình, cần phải biết điểm này.

Đồng thể đương nhiên “tương nhập tương tức”, đều không chướng ngại, “cái thể vô bất dụng, tắc hữu đồng thể tương nhập”. Có thể đương nhiên có dụng, ngược lại có dụng dương nhiên có thể. Thể và dụng không rời nhau. Khẳng định nó có tác dụng. Nên nó có “đồng thể tương nhập”.Nhi vô tương tức chi nghĩa”. Bên dưới nói: “Dụng vô bất thể, tắc hữu đồng thể tương tức nhi vô tướng nhập chi nghĩa”. Hai cái này hợp lại,“kim ký toàn thể toàn dụng, tắc diệc nhập diệc tức dã”. Có thể có dụng, có dụng có thể, nên tương tức tương nhập.

  “Duyên khởi thập nghĩa” ở trong nhất thiết pháp đều có thể nhìn thấy, trong thân thể của ta cũng có thể nhìn thấy. Ví dụ như trong thân thể, có thể có dụng. Mắt là thể, tác dụng của nó là thấy. Mũi là thể, tác dụng là ngửi mùi. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân bao hàm trong lục phủ ngũ tạng. Mỗi cái đều có thể của nó. Nhưng cùng một thân thể, đồng ở trên một thân, nên tương tức tương nhập, không hề có chướng ngại. Thể có dụng là nó có đồng thể tương nhập mà không tương tức. Nhưng có tác dụng gì? Dụng nhất định có thể, nó sẽ có đồng thể tương tức. Nên ở trong bất kỳ cơ quan nào, đều có thể nhìn thấy tương dung, tương tức, tương nhập. Tất cả đều nhìn thấy. Quý vị hãy quan sát trên nhiều góc độ, nhiều phương diện mới thực sự có thể nhìn thấy hiện tượng của duyên khởi. Toàn bộ hiện tượng ở trong ba loại trí tuệ gọi là Đạo chủng trí, chính là nhất thiết pháp, Nguyên tắc nào hiện ra hiện tượng này. Trí tuệ này là trí tuệ của Bồ tát. Tam chủng trí là nhất thiết trí. Đạo chủng trí là nhất thiết chủng trí. Nhất thiết trí là A La hán chứng được_ tổng tướng của các pháp . Tổng tướng là gì? tổng tướng là bất khả đắc.

Trong Kinh bát Nhã nói: “Nhất thiết pháp vô sở hữu tất cánh không, bất khả đắc”. Đây là nói về tổng tướng, hiện nay trong lượng tử lực học cũng đã phát hiện. Nhất thiết pháp là gì? Là tổng tướng. Là hiện tượng do ý niệm liên tục tích luỹ. Nên tất cả tướng đều có thể trở về với một loại tần số ánh sáng. Tần số của vận tốc ánh sáng chính là lượng tử quần, đều có thể trở về. Điều này nói rõ vạn pháp giai không. Nên A la hán chỉ biết “không” mà không biết “hữu”. Quý ngài biết vạn pháp giai không, nên không chấp trước. So với A La hán Bồ tát hiểu hơn một bước nữa về “không”, cũng hiểu nhất thiết vạn pháp này, do nguyên tắc nào biến hiện ra, sao lại phức tạp như vậy, sao lại nhiều như vậy. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói là vô lượng nhân duyên. Vô lượng nhân duyên quy nạp thành mười loại lớn. Nên ở trong bất cứ một pháp nào, ta đều có thể nhìn ra. Trong thân thể ta cũng có thể nhìn ra, mà còn rất rõ ràng. Thậm chí đối với các khí quản  trong thân, ở trong một khí quản cũng có thể nhìn thấy hoàn toàn.

Trong “Hoàn Nguyên Quán” cũng vậy. Hiền Thủ Quốc Sư cử nhất trần cho chúng ta thấy. Nhất trần là gì? Nhất trần chính là một Tiểu quang tử ở trong lượng tử. Có lẽ chính là nhất niệm mà Di Lặc Bồ tát đã nói. Nhất niệm đó hữu hình. Hình ở đây chính là hiện tượng vật chất, “Hình giai hữu thức”, đồng thời nó cũng có hiện tượng tinh thần. Trong một niệm này đầy đủ vô lượng duyên khởi. vì sao? Vì trong nhất trần đó có vũ trụ, có thế giới. Biến pháp giới hư không giới đều ở trong một vi trần đó. Các trần như thế, mỗi một hạt vi trần cũng đều như thế, Đây là cảnh giới bất khả tư nghị.

Sau cùng của Hoa Nghiêm Kinh là “Phổ Hiền Hạnh nguyện Phẩm” . Bốn mươi quyển kinh văn, chính là nói cho chúng ta cảnh giới này. Quý vị hãy nhìn đề mục của phẩm này “Nhập bất tư nghị giải thoát cảnh giới Phổ Hiền hạnh Nguyện phẩm”_đây là tựa đề của phẩm này. Phổ Hiền Bồ Tát đã vào cảnh giới này, thế giới trong một vi trần. Trong vi trần thế giới còn có vi trần, và vi trần đó có thế giới trùng trùng vô tận. Cảnh giới này hiện nay giới khoa học còn chưa nói đến. Chỉ nói đến phát hiện vi trần. Trong vi trần có thế giới, trong thế giới có vi trần. Trong vi trần còn có thế giới, thì điều này các nhà khoa học chưa nói tới. Cho nên một vi trần đầy đủ vô lượng duyên khởi. Như vậy chúng ta mới có thể lãnh hội được trí tuệ của Bồ Tát, so với A la hán cao  hơn nhiều!

Trí tuệ của Như Lai gọi là Nhất thiết chủng trí. Nhất thiết chủng trí là gì? A la hán là nhất thiết trí, nghĩa là biết “không”. Bồ tát là đạo chủng trí, nghĩa là biết “hữu”. Đạo chủng trí và nhất thiết chủng trí hợp lại mới thực sự đạt đến cứu cánh viên mãn. Đó là trí tuệ của Phật. Đây mới gọi là trí tuệ cứu cánh viên mãn. Nên cảnh giới Phật chứng đắc gọi là Vô Thượng chánh đẳng Chánh Giác. Quý vị nhất định phải biết.

Đức Phật thường nói thất thiết, đều là nói chính chúng ta. Điều này cũng phải hiểu cho rõ ràng. Từ trước đến nay chưa từng nói đến ngoài tự thân ta ra. Trong tất cả kinh điển đều là nói chính mình. Chính mình với môi trường sinh hoạt của mình. Tức là Y báo và Chánh báo. Nhưng nhất định phải ghi nhớ Đức Phật đã dạy, y chánh là một không phải hai. Câu nói này vô cùng quan trọng!

Y chánh là một không phải hai, chúng ta mới thật sự thể hội được, biến pháp giới hư không giới với chính mình là một thể.

Trong Lục hòa Kính, “kiến hoà đồng giải”, phải kiến lập trên cơ sơ này. Đó là đại Viên Mãn.  Ngày nay tại sao ta phải làm như vậy? Vì nhất thể. Chúng sanh hạnh phúc thì ta hạnh phúc. Chúng sanh vui vẻ ta cũng vui vẻ. Chúng sanh chịu khổ ta chịu khổ theo_là do nhất thể. Chúng ta mê muội quá sâu nặng, quá lâu, nên không dễ gì lãnh hội được.

Ví dụ duyên giữa mẹ và con. Quý vị xem mẫu thân đối với con cái quan tâm yêu thương săn sóc_đó là nhất thể. Trên trực tế vẫn còn hai loại “thể” nữa. Nhưng ở Trung Quốc trên quan niệm là nhất thể. Mẫu tử là nhất thể. Mẫu tử nhất thể ở nơi mẫu thân là thật. Còn ở nơi con cái thì chưa biết, vì họ chưa lãnh được. Nơi mẫu thân xác thực là thật, là nhất thể. Nên tình thương của người mẹ rất vô tư, nghĩa là cho ra mà không cầu hồi báo.

Từ xưa đến nay, nền giáo dục xưa dạy điều gì? Chính là dạy con cái phải biết chân tướng sự thật này, như vậy con cái mới biết hiếu thuận phụ mẫu, mới biết cảm ân. Lấy tình thương của phụ mẫu đối với họ mà đi đối đãi với cha mẹ. Đây là mục tiêu thứ nhất của nền giáo dục truyền thống xưa. Điều này tìm không thấy trong các dân tộc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sanh ở nơi này, làm một con người nơi này. Đối với chính mình thì ân đức đó của tổ tông ngàn vạn  năm trước, cái tình cảm đó, không phải ta có thể lý giải. Nếu ta không biết nhất thể, thì tình cảm yêu thương này không sanh khởi được, bị mê muội rồi. Tình cảm yêu thương này là nó vốn có trong mỗi chúng ta. Nó vốn có trong tự tánh, không phải từ bên ngoài đến, cũng không phải học được. Thầy giáo chỉ dạy dỗ ta, gợi ý cho ta, khiến  tánh đức từ trong tự tánh hiện ra mà thôi. Chứ không phải Thầy giáo cho ta, Thầy giáo chỉ gợi ý và dạy ta từ từ trừ bỏ chướng ngại. Thì chân thành, chân tình của nội tâm sẽ hiển lộ. Một pháp như vậy, các pháp đều như vậy.

10- Đồng dị viên mãn nghĩa. Đồng dị viên mãn giả, vị tiền cửu nghĩa hữu đồng hữu dị tổng hợp vi nhất, thành đại duyên khởi.

Đại duyên khởi này trong Phật pháp nói là pháp giới hư không giới và bây giờ một số người gọi là vũ trụ, là đại vũ trụ. Sự xuất hiện của vũ trụ, trong vũ trụ, tất cả vũ trụ thông thường Phật pháp gọi là mười pháp giới y chánh trang nghiêm. Còn giới khoa học nói là vô số thiên hà và tinh cầu. Trong tinh cầu có sinh vật. Không có tinh cầu nào mà không có, như người ta ra bên ngoài vũ trụ đi thám hiểm, đi đến tinh cầu khác phát hiện không có người. Trong phật pháp nói không phải chẳng có người, mà bất đồng không gian duy thứ. Trong đó có người, chỉ là ta không nhìn thấy họ, họ không nhìn thấy chúng ta. Duy thứ của họ cao hơn mình, thì mình nhìn không thấy họ nhưng họ nhìn thấy ta.

Không gian ba chiều này là cõi Thánh Phàm đồng cư. Trên địa cầu này có thánh nhân ở trong đó. Chúng ta  không nhìn thấy họ nhưng họ nhìn thấy ta. Họ có thể nhìn thấy chúng ta. Ngũ đài Sơn là đạo tràng của Văn Thù Bồ Tát, Thánh nhân ở nơi đó. Hàng Phàm phu nhìn không thấy các ngài nhưng các ngài sẽ nhìn thấy chúng ta. Nếu có nhân duyên đặc thù, có khi ta sẽ nhìn thấy họ.

Tổ Sư Pháp Chiếu đời thứ tư của Tịnh Độ tông, người thời nhà Đường. Ngài đến Ngũ Đài Sơn lễ bái Văn Thù Bồ Tát, gặp được rồi. Nhìn thấy Đại Thánh Trúc Lâm tự, đạo tràng thù thắng trang nghiêm. Văn Thù Bồ Tát đang ở đó giảng kinh. Tổ Sư Pháp Chiếu đi vào nghe hết một bài giảng, rồi thỉnh giáo Văn Thù Bồ Tát. Bây giờ đã đến thời kỳ mạt pháp, chúng sanh, tức là một số đại chúng, nên học pháp môn nào dễ thành tựu? Văn Thù Bồ Tát dạy Ngài pháp môn niệm Phật, rồi còn niệm vài câu Phật hiệu. Ngài lãnh hội, truyền lại đời sau gọi là Ngũ hội niệm Phật, tức là phương pháp niệm Phật. Hiện nay có cuốn Phổ Ngũ hội niệm Phật. Nhưng cuốn sách này là người đời sau biên tập lại. Những điều Ngài Pháp chiếu truyền lại do Bồ Tát văn Thù dạy đại khái đã thất truyền, đã không còn người biết đến nữa_Ngũ hội niệm Phật_ Đây là phương pháp niệm Phật. Ngài rời Trúc Lâm tự, đi dọc đường Ngài làm ký hiệu. Chuẩn bị để lần sau đến lại, không bị lạc đường nữa. Ngài ra đi làm mấy lần ký hiệu, nhưng khi nhìn lại, không có, đạo tràng không còn nữa, một rừng núi hoang. Ngài chỉ còn hướng lên trên núi lạy vài lạy rồi đi_Có duyên thì gặp được đạo tràng của Bồ tát.

Trong Từ Bi Tam Muội Thuỷ Sám, thấy Ngài Ngộ Đạt Quốc Sư đi tham bái Ca Nặc Ca Tôn Giả, đạo tràng A la hán ở Tứ Xuyên, cũng là tình trạng như vậy. Trong rừng là một mãnh hoang sơn. Ngài Ngộ Đạt cùng Tôn Giả có duyên. Tôn giả nói với Ngộ đạt Quốc Sư đến chỗ của Ngài, khi nhìn thấy hai cây đại thọ thì đứng một bên chờ, và đạo tràng tự nhiên hiện ra. Vị La hán này giúp Ngài trị mụt mặt người. khi trị lành ra đi rồi, Ngài quay đầu nhìn lại, chỉ còn một mãnh hoang sơn, đạo tràng không thấy nữa. Cho nên trên địa cầu cũng thế, cõi phàm thánh đồng cư độ. Ở thế gian này có thiên tai, nhưng chỗ các Ngài thì không. Vì sao? Vì ý niệm không giống nhau. Nhớ đến nhà thì tương ưng với tự tánh. Ngày nay chúng ta chỉ tương ưng với phiền não. Vậy làm sao được? khởi tâm động niệm đều là tự tư tự lợi. Khởi tâm động niệm đều là danh dự lợi dưỡng, đều là ngũ dục lục trần. Đều là tham, sân, si, mạn. Như thế thì hỏng mất. Hoàn toàn trái ngược với tự tánh. Trong tự tánh nhũng thứ này tuyệt đối không có. Chư Phật Bồ tát dạy chúng ta buông bỏ. Buông bỏ điều gì? Trong tự tánh không còn, hoàn toàn buông bỏ là đúng rồi. Trong tự tánh có gì? nói với quý vị, một câu A Di Đà Phật bao hàm tất cả tự tánh. Câu A Di Đà Phật này là tánh đức viên mãn của tự tánh. Là tổng danh xưng. Nếu câu A Di Đà Phật này, không rời tâm của ta, không rời miệng của ta, thì trên thế gian này, bất luận ở đâu ta đều được bình an, ta đều được chư Phật Như lai hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ. Vì sao? Vì ta hoàn toàn tương ưng với tánh đức.

Đứng về lý mà nói, từ  sự mà nói, thì ta thật sự là đệ tử của Di Đà. Phật A Di Đà ở mười phương thế giới, không có vị Phật nào không tôn kính ngài, không tán thán Ngài, làm đệ tử vinh quang của Di Đà! Mười phương Như Lai tán thán Thầy, đương nhiên cũng khen ngợi học trò, đối với học trò đặc biệt long trọng. Ta nên làm hay không? Nếu muốn làm, phải làm thật sự. Trong tâm ngoài Phật A Di Đà ra, không có những tạp niệm khác. Thân thể còn trên thế gian này, thì tuỳ duyên mà qua ngày sẽ không bị phan duyên, tuỳ duyên tự tại. Đối với người, với việc, với vật tự nhiên như không, không để trong tâm. Như vậy ta sẽ chuyển phiền não thành Bồ Đề. Chuyển ác nghiệp từ vô thỉ kiếp đều biến thành thiện nghiệp. Trong sát na liền chuyển được. Sau khi chuyển qua rồi, tâm tình của ta không giống nhau nữa. Tự tại vui vẻ vô cùng. Điều này là thật không phải giả.

 “Linh đa nghĩa môn, đồng thời cụ túc”. Đa nghĩa môn chính là vô lượng nhân duyên. Mười  pháp giới y chánh trang nghiêm đồng thời cụ túc, “giai tất viên mãn dã”. Bất cứ  pháp nào cũng đầy đủ đồng dị viên mãn nghĩa. Lớn thì đến hư không pháp giới, nhỏ thì đến một vi trần, đầu sợi lông.

Duyên khởi thập nghĩa này. Thập nghĩa này đều là giải thích “huyền môn vô ngại thập nhân” câu thứ ba “duyên khởi tương do”. Chúng ta đọc qua câu này: “ Vị duyên khởi chi pháp, đệ tương do tịch, nhiên pháp giới duyên khởi, nghi môn vô lượng, lược cử thập nghĩa”. Đây là Thập nghĩa mà ta đã học ở trước. “Duyên khởi phương thành, cố vân duyên khởi tương do dã. Cố bỉ thử tất hữu khả viên dung chi lý, hoà dung chi lý”. Nên tự tánh là hài hoà, tự tánh là hoà bình. Bình là bình đẳng, hoà là hoà mục, hài hoà. Ta phải thật sự có nhận thức này. Đối với người, với vật, và với sự việc, ta có thể hài hoà chăng? Nếu không hài hoà là sai. Vì sao ta không hài hoà? Vì mê mờ tự tánh. Vì sao ta hài hoà? Vì tự đã ngộ tánh . Mê là phàm phu, ngộ chính là Phật Bồ tát. Học Phật là học cái gì? Học khai ngộ chứ không  học gì khác.

Phật pháp trong thời đại này, con người trong xã hội ngày nay đã hiểu sai Phật pháp. Tại sao lại có sự hiểu lầm sâu nặng như vậy? Rất nhiều nguyên nhân, rất phức tạp. Chúng ta ngày nay có duyên, thực sự được thiện tri thức dẫn dắt, nên ta hiểu rõ. Phải hiểu Phật giáo cho rõ ràng, thật không dễ_ phải có duyên. Chúng ta thật sự nhận thức Phật giáo tức là giáo dục của đức Phật, phải siêng năng học tập cho tốt. Đối với chúng ta lợi ích rất lớn! Ở nơi thế gian này không có lợi ích nào có thể so sánh với việc học Phật, không có! Lợi ích này thật là ly khổ đắc lạc.

Người trong thế gian hiện nay đều kêu khổ, vậy tại sao không học Phật? Học Phật sẽ an vui. Nhưng họ nói đạo Phật là mê tín, là tôn giáo, nên không muốn tiếp xúc. Cũng khó trách họ, vì sao? Ngày xưa khi tôi chưa gặp thầy Phương Đông Mỹ cũng nghĩ như vậy, so với họ cũng không có gì khác, vô cùng cố chấp. Người Thầy này không dễ, thầy muốn trong tâm mình, tôn kính thầy, ngưỡng mộ thầy, là phải thật nghe lời thầy. Thầy  sẽ thật dạy quí vị, như vậy mới được. Trong tâm quí vị không cung kính thầy giáo thì chẳng được. Thật vậy, điều này cũng giống như Ấn Quang Đại Sư thường nói: “một phần thành kính được một phần lợi ích. Thành kính mười phần thì được mười phần lợi ích”. Chúng tôi đối với Thầy giáo có mười phần tâm tôn kính. Thực tế mà nói, tôi chưa được mười phần, chắc được khoảng 5-6 phần. Cho nên tôi làm gần đến 60 năm rồi. Tín tâm này mỗi năm càng thêm sâu, đối với ân đức của Thầy giáo thì mỗi năm tình nghĩa càng sâu nặng thêm. Nghĩ đến nếu không có Thầy giáo chỉ dẫn thì làm sao tiếp xúc được. Mặc dù tiếp xúc rồi, nhưng không hiểu! nhìn không hiểu! Nên ân đức này không gì sánh kịp, báo không hết! Phương pháp báo ân duy nhất, là đem những điều tốt mà mình học được, chia sẻ với tất cả đại chúng. Đây chính là báo ân. Trong đại chúng có người thiện căn thành thục, trong lúc chia sẻ họ cũng đã giác ngộ, họ cũng minh bạch và cũng có thể làm được. Chúng tôi luôn hy vọng, trong quí vị có người chơn chánh học Phật. Ba năm, năm năm thành tựu hơn tôi, là tôi đã thành công! Nếu không giống tôi thì tôi sẽ rất bi ai. Nên từ chỗ này “vô ngại thập nhân” đây mới điều thứ ba.

Từ đó chúng ta thật sự có thể hiểu rõ, “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, quan niệm này là thật. Biến pháp giới hư không giới. Tất cả nhân sự vật với ta là một thể. Quan niệm này quan trọng hơn tất cả, chúng ta mới thật sự có thể hy sinh  để giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn. Xã thân vì người, như vậy sẽ giống điều gì? Mẹ hiền vì con cái mà không tiếc hy sinh tánh mạng, người mẹ có thể làm được. Trong cơn động đất chúng ta có thể nhìn thấy những người mẹ bảo hộ con nhỏ của họ. Dùng thân thể mình bảo hộ những đứa con thơ, họ đã chết nhưng con thơ còn sống sót. Ngày nay chúng ta tu Lục Hòa Kính, giúp đỡ chúng sanh khổ nạn trên địa cầu. Cần phải có tinh thần này, cần phải có tình thương yêu này. Chân thành thương yêu sẽ làm được. Vì sao? Là vì nhất thể. Ta nên biết có sanh tử chăng? Không có! Thường nói sanh tử là thân thể, còn thì linh tánh bất diệt. Chúng ta không nói linh hồn, mà nói về linh tánh. Linh hồn là mê, linh tánh là giác ngộ. Học nhiều năm rồi, nên đem linh hồn chuyển biến thành linh tánh, như vậy mới đúng.

Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây thôi.

HẾT TẬP 68