TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư
Chuyển ngữ: Tử Hà
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày 15 tháng 06 năm 2010
Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội HongKong

 

TẬP 58

Các vị pháp sư, các vị đồng học,  mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang năm mươi sáu, hàng thứ sáu từ dưới đếm lên. Bắt đầu từ Thất, nhân đa la võng pháp giới môn, học từ đoạn này. Tôi đọc một đoạn.

Nhân đa la võng pháp giới môn, dĩ thượng vi tế tương dung môn, minh nhất trùng chi tương  nhập tương tức, nhi vị minh trùng trùng vô tận tương nhập tương tức chi nghĩa. Cố giả nhân đà la võng chi dụ dĩ minh thử nghĩa.

Công đức của tự tánh thật sự không thể nghĩ bàn, chúng ta không thể tưởng tượng được. Môn thứ sáu nói về vi tế tương dung, chỉ nói về nhất trùng tương nhập tương tức, và nói đến chỗ tướng vi tế cuối cùng, hiện tượng vật chất, nhỏ đến mức không thể nhỏ hơn nữa. Người xưa nói, nếu chúng ta dùng hai câu này để hình dung tự tánh, cũng rất thích hợp, chính là câu: “kỳ đại vô ngoại, kỳ tiểu vô nội”, hai câu này rất có ý nghĩa, dùng để miêu tả tự tánh rất thích hợp. Khoa học ngày nay nói đến lượng tử, lượng tử gọi là lượng tử quần, không phải đơn độc mà là lượng tử quần, do nhiều tiểu quang tử hợp thành. Đây có phải là một vi trần trong kinh điển đại thừa đức Phật thường nói chăng? Rất khó nói. Nếu khoa học tiến bộ hơn nữa, phát hiện ra lượng tử cũng do nhiều yếu tố nhỏ hợp thành, thì lượng tử quần cũng không phải là vật nhỏ nhất rồi, hiện tượng này là nhỏ nhất. Một hạt vi trần nhỏ nhất đó, lại có thể hàm dung biến pháp giới hư không giới, đại thế giới này ở trong một hạt vi trần, tuyệt đối không phải hạt cải chứa núi Tu Di. Khi mới bắt đầu học Phật, lão hòa thượng thường nói với chúng tôi, trong kinh nói giới tử là hạt cải, hạt cải rất lớn, hạt cải này có thể dung nạp núi Tu Di, chúng tôi nghe như vậy, đúng là như bịp bịp nghe sấm, hạt cải sao có thể dung nạp núi Tu Di chứ? Núi Tu Di không thu nhỏ lại, hạt cải chẳng lớn ra, làm sao dung chứa núi Tu Di đây? Ngày nay thấy trong kinh Hoa Nghiêm, hiện tượng nhất trần đây đem so với hạt cải quả thật vi diệu hơn nhiều. Nhất trần mắt thường không thấy được, nó rất nhỏ. Trong kinh đức Phật dạy rằng: Thiên nhãn của bậc A La Hán thấy được vi trần, vi trần chẳng phải là vật nhỏ nhất, trong kinh nói nhất trần bậc A La Hán không thể thấy được, vi trần còn có vật nhỏ hơn, chúng ta thường thấy trong kinh, gọi là sắc tụ cực vi, là một phần bảy của vi trần, bậc A La Hán không thấy được. Sắc tụ cực vi cũng không phải vật nhỏ nhất, bởi nó còn phân ra được, một phần bảy của sắc tụ cực vi gọi là cực vi chi vi, là vật chất nhỏ nhất trong kinh điển đại thừa, không thể phân ra được nữa, nhất trần trong kinh nói là chỉ cho cực vi chi vi.

Ngày nay chúng ta thấy trong kinh Bồ Tát Xứ Thai, Bồ Tát Di Lặc dạy, lại càng nhỏ hơn nữa. Bồ Tát Di Lặc nói rằng, một khảy móng tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm, niệm niệm thành hình, hình đều có thức. Một niệm là một vi trần, thời gian tồn tại của vi trần rất ngắn, tuy ngắn nhưng trong vi trần đều có thức. Trần là hiện tượng vật chất, là cảnh giới tướng của A Lại Da. Thức là hiện tượng tinh thần, đứng về mặt A Lại Da mà nói đó chính là thọ tưởng hành thức, chúng ta thường nói đến Ngũ Uẩn, Ngũ Uẩn làn nền tảng của vật chất. Một vi trần có đầy đủ ngũ uẩn. Hình là sắc uẩn, hình có bốn hiện tượng, là địa, thủy, hỏa, phong, nó không phải bốn phần, một vi trần có bốn hiện tượng, gọi là tứ đại. Thứ nhất là vật chất, ta thấy được, tuyệt đối không phải dùng mắt thấy được, thiên nhãn cũng không thấy được. Trong kinh đức Phật dạy, đến trình độ nào mới có thể thấy được? đến địa vị Bát Địa mới có thể thấy được. Thiên nhãn của Bồ Tát Bát Địa mới thấy được duyên khởi của vũ trụ, nghĩa là thấy được A Lại Da, tam tế tướng: nghiệp tướng, chuyển tướng, cảnh giới tướng của A Lại Da, tam tế tướng sanh khởi như là đồng thời, bởi nó quá nhanh, một khảy móng tay có một phần trong ba trăm hai mươi triệu, chúng ta không thể tưởng tượng được, ngắn đến mức chúng ta không có khái niệm về nó, nó quá nhanh, người xưa hình dung nó là đá lửa điện quang, thời gian đó vẫn rất dài. Người xưa muốn có lửa dùng cục đá làm ra lửa, lúc nhỏ chúng tôi có dùng qua, thời chiến tranh ở vùng quê còn dùng cách này lấy lửa. Điện quang là chớp, thời gian cũng rất ngắn. Thời gian của tam tế tướng sanh khởi còn ngắn hơn nhiều so với đá lửa điện quang, không thể so sánh được.

Kiến văn giác tri trong tự tánh, trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật dạy, tất cả chúng sanh đều có đức tướng trí huệ của Như Lai. Kiến văn giác tri là đức, thuộc về đức tướng, là hiện tượng tinh thần, hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần đều không hiện hành, trong tự tánh không có những thứ này, nhưng gặp duyên nó sẽ sanh. Chân tánh không có, sao có thể sanh được? Chúng ta dùng ví dụ đại hải, trong biển có sóng và nước, trong nước có sóng chăng? Ta thấy hồ nước nhỏ khi không có sóng, nước trong hồ rất sạch, nước không có sóng, gợn sóng nhỏ cũng không có, như tấm gương vậy, phong cảnh trên bờ hồ đều chiếu xuống nước, nhưng gặp gió nó sẽ có sóng, có những gợn sóng nhỏ. Chúng ta phân sóng ra có sóng nhỏ, sóng vừa, sóng lớn, thật sự không có, gặp duyên mới có. Tự tánh thật sự không có hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần, nhưng gặp duyên nó sẽ khởi lên. Tất cả những hiện tượng này, các nhà lượng tử lực học ngày nay nói rằng, hiện tượng vật chất này do ý niệm tích tụ mà có, ý niệm tích tụ thành huyễn tướng liên tục. Trên thực tế thì không có. Giống như giới khoa học ngày xưa cho chúng ta biết, năng lượng và vật chất có thể hỗ tương chuyển biến, năng lượng biến thành vật chất, vật chất trở lại năng lượng, y theo lý luận này mà phát minh ra hạt nguyên tử, nghĩa là vật chất trở về năng lượng, năng lượng biến thành vật chất cách nào, các nhà khoa học chưa có cách nào tìm ra. Nhưng Phật Pháp đã làm được. Bồ Tát Di Lặc dạy rằng, ngài nói về ý niệm, niệm niệm thành hình, niệm niệm ở đây rất có ý nghĩa, nghĩa là đa niệm chứ không phải một niệm, e rằng trong một niệm vẫn chưa có, một niệm có hình, có hình là thấy được, niệm niệm thành hình là ta thấy được rồi, nhiều niệm tích tụ lại một chỗ, hiện tượng ba động liên tục đó khiến chúng ta nhìn thấy được, một cái thì không thấy được, nhưng tích tụ lại là thấy được. Quí vị đều biết thân người do nhiều tế bào hợp thành, tế bào do phân tử hợp thành, phân tử là điện tử, nguyên tử hợp thành, phân đến chỗ cuối cùng là tiểu quang tử, là lượng tử hợp thành. Chẳng những ta không thấy được lượng tử, mà không thấy được nguyên tử, phân tử, nhưng chúng ta thấy được tế bào, nhục nhãn thấy được tế bào, thấy được một thân người, thấy được vạn vật, tất cả đều do những thứ này hợp thành, hợp thành những hiện tượng vật chất không giống nhau, hình tướng lớn nhỏ có vô lượng vô biên. Nghĩa là thế nào? Các nhà khoa học cho biết, do tần suất chấn động của những hiện tượng này không giống nhau. Nếu tần suất chấn động giống nhau, là một vật chất, đổi thành vật chất khác, tần suất chấn động sẽ không giống nữa, giống như cục đá và khúc cây không giống nhau, cây và động vật cũng không giống nhau, tất cả đều do tần suất chấn động không đồng, mà có nhiều sự khác biệt như thế.

Đoạn trước đức Phật nói, trong một vi trần có đầy đủ vũ trụ, đạo Phật nói vô lượng vô biên sát độ của chư Phật. Trong kinh đức Phật dạy, sát độ của chư Phật lớn nhỏ không giống nhau. Do nguyên nhân gì? Phật Phật đạo đồng, hoàn toàn bình đẳng, vì sao khu vực giáo hóa của các ngài có lớn nhỏ? Hiện tượng này do nhân quả mà có. Có Phật trước khi các ngài chưa thành Phật, còn đang tu hành Bồ Tát đạo, nguyện lực của các ngài rất lớn, nguyện quảng độ chúng sanh, trong tương lai khi các ngài thành Phật, sát độ đó sẽ rất lớn. Có một số vị lại không phát nguyện lớn như vậy, chỉ là phổ độ chúng sanh, tương lai thành Phật, sát độ của vị này là một đại thiên thế giới.

Trong phẩm Thế Giới Hoa Tạng trong kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy trong phẩm Thế Giới Thành Tựu, thật sự có một số Phật sát, là 2-3 đại thiên thế giới, 5-6 đại thiên thế giới, cũng có cái mười mấy đại thiên thế giới, hoàn toàn không giống nhau. Lớn nhất là thế giới Cực lạc của đức Phật A Di Đà. Rốt cuộc thế giới Cực Lạc là bao nhiêu đại thiên thế giới? Vô lượng. Vì sao vậy? Vì nguyện lực của đức Phật A Di Đà quá đặc biệt, nguyện lực này bao gồm tất cả nguyện của chư Phật ở trong đó, cho nên thế giới của ngài rất lớn, không cách nào tưởng tượng được. Tất cả sát độ của chư Phật, bao gồm cả đức Phật A Di Đà, đều có thể hiển hiện trong một vi trần. Vi trần không phóng lớn, thế giới không thu nhỏ. Đây là tánh đức không thể nghĩ bàn, không thể tưởng tượng được. Vì sao vậy? Bởi nó là tự tánh, một vi trần là tự tánh, vô lượng vô biên sát độ của chư Phật cũng do tự tánh hiện ra, không rời tự tánh, tự tánh chẳng lớn nhỏ. Môn thứ sáu trước đây nói về vi tế tương dung, thật là tương nhập tương dung. Đây là chân tướng sự thật. Có ý nghĩa gì đối với người học Phật chúng ta? Ý nghĩa này rất lớn. Lớn thế nào? Trong kinh có câu: “sanh Phật bất nhị”, chúng sanh và Phật là một chẳng phải hai, “tự tha bất nhị”, tha ở đây chỉ cho vạn pháp, mình và vạn pháp không hai, bất luận là người, là súc sanh, là hoa cỏ cây cối, sơn hà đại địa, hay biến pháp giới hư không giới, cùng  với mình không hai không khác. Đạo lý này chúng ta không hiểu, nghe rồi sanh tâm mê hoặc, thường không hiểu rõ. Hôm nay học đến đoạn này là hiểu rõ rồi, tương dung tương tức đấy. Mỗi lỗ chân lông, mỗi một tế bào trong cơ thể ta, đều có biến pháp giới hư không giới tất cả sát độ của chư Phật ở trong đó. Trong tế bào của mình có người, trong tế bào của người có mình. Như thế mới gọi là nhất thể, trong mình có người, trong người có mình. Nếu quí vị nhận biết được sự và lý này, quí vị còn hại người được chăng? Hại người chẳng phải là hại mình đó sao? Quí vị sẽ không hại họ mà còn thương yêu họ. Vì sao vậy? bởi thương người là thương chính mình, mình và người không khác mà. Vũ trụ và mình là một sinh mạng thể cộng đồng, không phải một nhà, một nhà vẫn chưa gọi là thể cộng đồng. Một thể cộng đồng, đây là chân tướng sự thật. Cho nên trong kinh có câu, câu này chúng ta đã học nhiều rồi, bản thân quí vị cũng có thể giảng giải được, nhưng chưa làm được. Vì sao vậy?  Bởi quí vị chưa thật sự lãnh hội được ý nghĩa của nó. Câu đó là: “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Hai câu này có nghĩa là gì? Trong kinh nói đến luân lý đại thừa, luân lý là nói về quan hệ, mối quan hệ này sâu, rất viên mãn, thật sự là một thể. Sinh mạng của chúng ta có sanh diệt chăng? Không sanh diệt. Chẳng những tự tánh không sanh diệt, mà những hiện tượng do tự tánh hiện ra cũng không sanh diệt. Đó gọi là gì? Đạo Phật gọi là liễu sanh tử. Liễu là gì? Là hiểu rõ vấn đề sanh tử. Nhìn sanh tử đến chỗ cuối cùng, chính là sự sanh diệt của tiểu quang tử mà các nhà lượng tử lực học nói. Hiện tượng sanh diệt của tiểu quang tử, trong kinh thường gọi là bất sanh bất diệt. Quí vị nghĩ thử xem, nếu thật sự bất sanh bất diệt, mà còn nói bất sanh bất diệt chẳng phải dư thừa sao? Nó thật sự sanh diệt, gần như sanh diệt đồng thời, cho nên ta không thấy được sanh diệt. Quí vị nói diệt nó lại sanh, nói sanh nó lại diệt, tốc độ rất nhanh. Ngày nay chúng ta xem ti vi, những thứ hiện lên màn hình đó có sanh diệt không? Quí vị đều biết là có mà, nó thật sự là tiểu quang tử sanh diệt, tốc độ sanh diệt rất nhanh, chúng ta không nhìn thấy nó sanh diệt, nó thật sự có sanh diệt. Chúng ta thấy màn ảnh, ta có kiến thức này, sự sanh diệt trên màn ảnh đó, một giây có 24 sanh diệt, chúng ta không thể thấy được, không thể cảm nhận được hiện tượng sanh diệt đó, cứ tưởng nó liên tục. Màn ảnh ti vi nhanh hơn màn ảnh phim nhiều, cho nên xem ti vi càng thấy thật hơn, tốc độ quá nhanh. Trên thực tế trong cuộc sống hàng ngày, tốc độ sanh diệt này, chính là tốc độ sanh diệt của tiểu quang tử mà các nhà lượng tử lực học nói. Trước đây chúng ta nói về lạp tử cơ bản, tiểu quang tử còn nhỏ hơn lạp tử cơ bản. Lạp tử cơ bản do tiểu quang tử hợp thành. Thật sự hiểu rõ rồi, quí vị sẽ coi thế giới này là cơ thể của mình, đó là gì? Đó gọi là pháp thân, quí vị chứng được thanh tịnh pháp thân. Chứng được pháp thân là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Pháp thân Bồ Tát, trong kinh Hoa Nghiêm là Sơ Trụ của Viên Giáo trở lên. Người chứng được pháp thân là siêu việt được mười pháp giới. Vì sao vậy? Bởi mười pháp giới là giả chẳng phải chân, lục đạo cũng là giả, quí vị có thể buông bỏ được chăng? Dĩ nhiên là buông bỏ được. Buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Thân còn ở thế gian, nhưng thân này hoàn toàn khác. Thân đó là gì? Là vì tất cả chúng sanh mà có thân, chứ không phải chiếm lấy riêng mình, hoàn toàn vì người. Bởi tất cả chúng sanh là pháp thân của mình . Cho nên pháp thân không sanh diệt, ứng thân có sanh diệt, pháp thân không sanh diệt. Như cơ thể của chúng ta, đem thân này ví cho pháp thân, còn ứng hóa thân là gì? ứng hóa thân là tế bào của ta. Có thể nói hàng ngày tế bào thay cũ đổi mới không gián đoạn, đó gọi là sự sanh diệt của ứng hóa thân. Thân của chúng ta hình như không thấy có sanh diệt, gọi là pháp thân không sanh diệt. Phật pháp không gì khác ngoài việc nhân biết chính mình, bản lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra. Nó ở đâu? ở ngay đây. Bất quá chư Phật Bồ Tát đã giác ngộ, còn chúng ta mê, mê mà không giác, các ngài giác mà không mê. Ngoài điểm này ra, phàm phu và Phật hoàn toàn giống nhau.

Đoạn này, môn thứ bảy này dạy chúng ta điều gì? Nói về tương nhập tương tức trùng trùng vô tận. Ý nghĩa này rất thâm sâu, chúng ta phải dùng quán tưởng, trong vi trần có thế giới, đại thế giới này ở trong vi trần. Thế giới trong vi trần đó còn có vi trần hay chăng? Có, chắc chắn có! Trong vi trần đó lại có thế giới, trong thế giới đó lại có vi trần, trong vi trần lại có thế giới, trùng trùng vô tận, đó gọi là kỳ tiểu vô nội. Chúng ta dùng Phật pháp để giải thích lời nói của người xưa, ý nghĩa của nó hoàn toàn khác. tiến sĩ Thang Ân Tỷ nói, Phật pháp truyền đến TRUNG QUỐC, được người TRUNG QUỐC chấp nhận, Phật pháp đã khiến cho nền văn hóa xưa thêm phong phú. Vì sao? Chúng ta dùng Phật pháp để giải thích lời nói của người xưa. Quí vị xem, người xưa nói: “kỳ đại vô ngoại, kỳ tiểu vô nội”, chứ không giải thích thêm nữa. Nhưng Phật pháp giải thích cho quí vị, không có biên tế. Gần đây các nhà khoa học phát hiện ra, họ nói vũ trụ này, ngày nay chúng ta nhận ra được chỉ là 10%, còn 90% đâu? 90% đó không thấy nữa, ngay cả dấu vết cũng không có, không thấy nữa. Làm sao giải thích đây? Trong giáo pháp đại thừa rất dễ dàng, nó quay trở về tự tánh rồi. Có thấy được tự tánh chăng? Không thấy được. Vì sao vậy? Bởi quí vị còn vọng tưởng phân biệt chấp trước, nên không thấy được tánh. Nếu buông bỏ được vọng tưởng phân biệt chấp trước, là kiến tánh, là thấy được. Cho nên chúng ta dùng vọng tâm, nghĩa là dùng tám thức và năm mươi mốt món tâm sở, hướng ra ngoài duyên đến vũ trụ, ngày nay gọi là thế giới hồng quan. Hướng nội có thể duyên đến A Lại Da. Giới khoa học ngày nay thật sự duyên đến A Lại Da, họ nói rằng trong vũ trụ chỉ có ba thứ, ngoài ba thứ này ra không có gì hết, ba thứ này chính là tam tế tướng của A Lại Da, giống như các nhà Duy Thức Học, họ nói trong vũ trụ không có gì hết, chỉ có duy thức. Thức là gì? Thức chính là ý niệm. Ý niệm là gì? Là năng biến, năng sanh, năng hiện, năng biến, vũ trụ là sở sanh, sở hiện, sở biến. Họ nói về ba thứ, thứ nhất là năng lượng, thứ hai là vật chất, thứ ba là tin tức, giống như tam tế tướng nói, năng lượng là nghiệp tướng của A Lại Da, tin tức là chuyển tướng của A Lại Da, vật chất là cảnh giới tướng của A Lại Da. Vũ trụ do ba thứ này biến hiện ra. Các nhà khoa học cũng rất thông minh, đáng tiếc họ không học Phật, những người này mà học Phật chắc chắn sẽ thành Phật. Chúng ta tin, vì sao vậy? vì đức Phật nói tất cả chúng sanh vốn là Phật. Nếu họ học Phật, lập tức họ buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước, sẽ thấy tánh, những điều khoa học mà họ nghiên cứu sẽ đạt đến cứu cánh viên mãn, chưa kiến tánh là chưa viên mãn, chỉ ở trong A Lại Da. Phật pháp gọi cảnh giới này là gì? Cảnh giới hướng lên của đạo Phật hoàn toàn từ chỗ đoạn hoặc mới có thể tiến lên, không đoạn hoặc thì chẳng thể tiến lên. Quí vị có thông minh đến đâu, nhưng nếu không tu thập Thiện Nghiệp, thì vẫn ở cõi người, địa vị của quí vị vẫn ở cõi người, ở cõi người giải ngộ, không cách nào lên được cõi trời, hướng lên được nhất định là đức hạnh, đức hạnh và tự tánh tương ưng. Dù giới khoa học thông minh, nhưng nếu không có đức hạnh, địa vị của họ ở cõi người, những sản phẩm khoa học kỹ thuật mà họ tạo ra, có hại lớn đối với tất cả chúng sanh, thậm chí có hại đối với quả địa cầu, tương lai chắc chắn họ phải đọa vào địa ngục. Mười pháp giới, lên cách nào, xuống cách nào, đều có tiêu chuẩn của nó, hoàn toàn không liên quan đến sự thông minh tài trí của quí vị. Chúng tôi thường nói, nó không liên quan đến Phật học, Nho học, Đạo học. Nếu là học Nho, học Đạo, học Phật thì hoàn toàn khác, đó mới thật sự hướng thượng nâng cao. Phải hiểu được đạo lý này. Nếu không hiểu đạo lý này, cho dù quí vị là nhà phát mình giỏi cũng không thể siêu việt lục đạo luân hồi.

Ở đoạn này, đức Phật dùng nhân đà la võng làm dụ, để nói lên ý nghĩa này. Nghĩa là mượn nhân đà la võng. Dưới đây giải thích rằng:

Nhân đà la võng giả, Đế Thích thiên cung sở hiển chi châu võng, võng hữu thiên châu, hỗ tương ương chiếu, nhất nhất châu trung cách hiện nhất thiết châu ảnh, thử thị đệ nhất trùng chi các các ảnh hiện.

Trời Đế Thích là thiên chủ của cõi trời Đao Lợi, người xưa quen tôn xưng ngài là ngọc hoàng đại đế, ngọc hoàng đại đế chính là Đế Thích thiên. Trong cung điện của ngài có la võng, ngoài trần của cung điện có la võng.

Ở cõi nhân gian này, cung điện thời xưa có, tôi đi tham quan qua cung điện của nước ngoài, hình như không có la võng, cung điện của Nhật có, Nhật học theo TRUNG QUỐC mà. Vì sao vậy? Vì cung điện là một tác phẩm nghệ thuật, mỗi viên gạch, mỗi viên ngói, mỗi cây cột, mỗi cây kèo đều là nghệ thuật, đều có hoa văn, đó là một tác phẩm nghệ thuật đắt giá. Sợ chim làm tổ trên những cây kèo đó, cho nên dùng sợi dây đồng kết thành võng ngăn lại, chim không bay vào được, người thấy được nhưng không được đụng vào. Cho nên cung điện thời xưa đều có la võng, ngày nay không còn, nhưng nếu đến Nhật Bản quí vị sẽ thấy được. Một số chùa ở Nhật có mấy ngàn năm lịch sử, vẫn còn la võng, chúng ta có thể thấy được.

La võng của trời Đế Thích rất đắt giá, vì nó dùng bảo châu kết thành, gọi là châu võng, võng có thiên châu, chúng ta có thể tưởng tượng ra, viên châu đó rất lớn, một ngàn viên, trong cung điện có võng, trên võng gắn một ngàn viên châu. Viên châu tròn và trong suốt, như tấm gương có thể soi được, mỗi viên châu có thể soi được những viên châu khác, viên châu tròn, bề mặt của nó lồi ra, chiếu được hết cả cung điện vào trong đó. Chẳng những ngàn viên châu mà tất cả cảnh quan đều thu vào trong đó. Đây là một trùng, quan sát kỹ, mỗi viên châu đều có ngàn viên châu, ánh sáng của 999 viên châu khác đều ở trong một viên châu, giống như hai tấm kính chiếu vào nhau vậy, hai tấm kính chiếu vào nhau, chúng ta đi ở giữa sẽ thấy trùng trùng vô tận. Hiện tiền của viên châu này cũng như vậy, ở trong đó chúng ta nhìn kỹ sẽ thấy được trùng trùng vô tận, chẳng phải một viên.

“Nhất nhất châu trung các hiện nhất thiết châu ảnh”, đây là trùng thứ nhất, môn thứ sáu   có nói.

Nhi nhất châu trung sở hiện chi nhất thiết châu ảnh, phục hiện ư kỳ dư cửu bách cửu thập cửu châu chi trung, thị đệ nhị trùng chi ảnh hiện, như thị thiên châu trùng trùng ương hiện vô hữu cùng tận.

Như hai tấm kính chiếu vào nhau, ở đây là một ngàn tấm, một ngàn tấm kính chiếu vào nhau, quí vị đi ở giữa sẽ thấy được tướng gì?

Đời Tùy Đường, quốc sư Hiền Thủ  nói về trùng trùng vô tận, giảng trong cung đình, hoàng đế nghe không hiểu được, không thể lãnh hội được ý này. Hoàng đế thưa với đại sư Hiền Thủ. Đại sư nói hoàng thượng lập một ngôi đình ngoài cung điện, xây dựng một ngôi đình tám góc. Làm xong rồi, quốc sư nói hoàng thường đặt mỗi góc một tấm gương, gương ngày xưa làm bằng đồng chứ không phải làm bằng kính, cho nên trên dưới cũng có thể đặt kính, tổng cộng là mười mặt. Sau đó mời hoàng thường vào trong đình xem, vừa bước vào trong là hiểu được, trùng trùng vô tận, quang quang tương chiếu. Quí vị xem, trong đó rốt cuộc là bao nhiêu người, đúng là đếm không thể hết. Đây là cảnh giới Hoa Nghiêm, là chân thật, chân tướng, chân tướng sự thật đấy! Chúng ta ngày nay rất tệ. Vì sao vậy? Vì la võng của trời Đế Thích trong suốt, như viên thủy tinh vậy. Mỗi tế bào trong cơ thể của chúng ta, có phải là một viên thủy tinh trong suốt chăng? Có hay không? Có! Trong kinh nói, trong một vi trần một cọng lông đều có đại thiên thế giới mà, chẳng những có đại thiên thế giới mà còn trùng trùng vô tận. Đây là sự thật không giả dối đâu. Khi nào chúng ta mới có thể nhận ra? Minh tâm kiến tánh là nhận ra được. Quí vị sẽ biết được mỗi cọng lông trên cơ thể của mình, mỗi tế bào khởi tác dụng, tác dụng này và đại thiên thế giới vô lượng vô biên sát độ của chư Phật, giống như thông tin qua lại, nó là đồng thời, biến pháp giới hư không giới, lớn là thế giới, nhỏ là vi trần đều có ở trong đó. Đây là khoa học mà đạo Phật nói, tuyệt đối không giả đâu, câu này nói cách đây mấy ngàn năm rồi, khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh Hoa Nghiêm. Sau khi thành đạo, bộ kinh đầu tiên được ngài giảng ở trong định, cảnh giới này không ai có thể hiểu được, nếu khi đó đức Phật nói về cảnh giới này cho mọi người nghe, họ sẽ không chấp nhận,  chẳng ai có thể hiểu được. Vì sao vậy? Phiền não tập khí dày cộm, sao có thể hiểu được? Cho nên Bồ Tát Long Vương mang cất giữ dưới long cung. Sau khi xuất định đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh gi? Ngài giảng kinh A Hàm, điều này chúng ta cần nên học tập, gọi là ứng cơ thí giáo. Hàng phàm phu không biết gì hết, giảng cho họ điều gì? Giảng về đạo lý làm người, như ngày nay chúng ta nói về luân lý, đạo đức, nhân quả, nói về tiểu pháp, họ có thể chấp nhận. Kinh A Hàm là con đường trời người, khuyên người đoạn ác tu thiện, con người nên lập chí sanh thiên. Cõi trời phước báo lớn hơn cõi người, nên đem mục tiêu đặt ở cõi trời. đem bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh mà đức Phật đã giảng trong 21 ngày đó cất đi, cất đi không nói đến nữa. 12 năm giảng kinh A Hàm, nền tảng này vững chắc rồi, kế đến giảng Phương Đẳng 8 năm. Kinh Phương Đẳng là sự bắt đầu của giáo pháp đại thừa, chuyển tiểu thành đại. Giống như mở trung học, Phương Đẳng giảng 8 năm, cộng với 12 năm trước là 20 năm. Có nền tảng 20 năm rồi mới giảng Bát Nhã, Bát Nhã là nói lời chân thật, nói lên điều gì? Nói cho ta biết tất cả đều là giả chẳng phải chân. “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh”, giảng những điều như vậy, không ngừng đưa học trò tiến lên. Bậc căn tánh thật sự đốn ngộ quá ít, hạng người này không nhiều, người căn tánh bình thường chiếm đại đa số. 22 năm giảng kinh Bát Nhã, cuối cùng giảng Pháp Hoa 8 năm, giáo nghĩa của Pháp Hoa và Hoa Nghiêm giống nhau, nói lời chân thật. Đức Phật dạy học có thứ lớp, giống như trường học, tiểu học, trung học, đại học, nghiên cứu sở. Không có hình thức trường học, nhưng quí vị cần nên biết, một đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni, giống như việc dạy học tư thực ngày xưa. Không ít học sinh. Vào thời Khổng Tử là tư nhân dạy học, cũng không tệ đâu, Khổng Tử có 3000 học trò, Khổng Tử dạy học chỉ có năm năm, thời gian không dài.

Sau khi đức Phật Thích Ca khai ngộ, ngài lập chí dạy học, không làm việc gì khác, 79 tuổi ngài nhập Niết Bàn, ngài đã dạy học 49 năm. 49 năm này đều là cách dạy học tư thục ngày xưa, hình thức đó, trạng thái đó, ngài đã dạy rất thành công. Phạm vi dạy học đến cuối cùng vô cùng rộng lớn. Trong số học trò được thành tựu, tỏa ra khắp nơi đi giảng kinh thuyết pháp, mở rộng sự giáo hóa của đức Phật, ảnh hưởng rất lớn. Ngoài Ấn Độ ra, những nước lân cận Ấn Độ, các vị đệ tử ngài đều đã đi qua, cho nên ngài là nhà giáo dục, chứ không phải tôn giáo. Người tín ngưỡng tôn giáo đã học theo đức Phật rất đông, chúng ta thường thấy trong kinh, đức Phật không bảo họ phải thay đổi tín ngưỡng, vì tín ngưỡng tôn giáo nhưng học tập theo đức Phật Thích Ca Mâu Ni, không xung đột, không sao hết. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giống như tư nhân mở trường học, quí vị đến học. Đức Phật dạy điều gì? Giáo dục phổ cập là kinh A Hàm, kinh A Hàm giúp cho ta an định xã hội. Trong đó nói về luân lý, đạo đức, nhân quả rất nhiều. Nam truyền là tiểu thừa, đầy đủ nhất là nước Thái Lan, tôi có đến Thái Lan mấy lần. Rất tiếc, Phật giáo tiểu thừa không đi vào phương hướng dạy học. Nếu họ thực hành giáo dục của Phật giáo, thì đất nước Thái Lai sẽ rất hay, xã hội đó chắc chắn trường trị cửu an, sẽ không có nhiều loạn động như vậy. Khi đất nước Thái Lan không an định, người học Phật sẽ rất kiền thành, làm nghi thức tôn giáo, cầu Phật Bồ Tát gia hộ. Đọc tụng kinh điển nhưng không hiểu ý nghĩa trong kinh. Tuy trì giới, nhưng tại sao phải trì giới, vì sao đức Phật chế định ra những điều này? Họ không hiểu được, cho nên nó thuộc về tôn giáo. Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế ngài là nhà giáo dục, điều này cần nên hiểu rõ. Ngài dạy con người phá mê khai ngộ, mới có thể lìa khổ được vui. Khổ từ đâu mà có? Khổ từ mê hoặc điên đảo mà có. Thế nào gọi là mê hoặc điên đảo? Là không hiểu rõ chân tướng sự thật. Người xưa dạy chúng ta biết được chân tướng sự thật trước mắt, điều này rất cạn, chứ không sâu đâu. Đầu tiên phải biết quan hệ giữa con người với con người, Ngũ Luân là nói về quan hệ, sau khi hiểu rõ được mối quan hệ rồi, kế đến phải biết cách đối xử với nhau. Quan hệ là đạo, thuận theo quan hệ đối xử với nhau là đức, gọi là đạo đức. Đạo là quy luật tự nhiên, chứ chẳng phải người nào đó sáng lập nên. Quan hệ cha con, quan hệ vợ chồng, quan hệ vua tôi, quan hệ anh em, quan hệ bạn bè, những điều này không phải do ai đó phát minh ra, mà là tự nhiên, cho nên nó thuộc về đạo. Phu tử hữu thân, là thân yêu, quân thần hữu nghĩa, là nhân nghĩa, nó thuộc về đức, phu từ tử hiếu là đức. Quân thần, quân nhân, thần trung, trung nghĩa đây chính là đức. Bằng hữu hữu tín là đức. Trường ấu hữu tự, tự là đức, là thứ tự. Giáo dục phổ cập nói đến Ngũ Thường, rất đơn giản, gồm nhân nghĩa lễ trí tín. Nói về Tứ Duy, Bát Đức, là đầy đủ rồi. Mọi người ai ai cũng hiểu và tuân thủ theo, xã hội này sẽ an định hài hòa. Con người phải dạy, nếu không dạy họ sẽ không hiểu. Những thứ này không phải mang ra đọc giống như đọc kinh, đọc như thế sẽ chẳng có lợi ích gì. Nếu thực hành được trong cuộc sống, trong công việc, trong cách đối nhân xử thế. Cho nên Phật giáo là sự giáo dục của đức Phật chứ không phải là tôn giáo. Điều này nhất định chúng ta phải nhận biết rõ ràng. Ngày nay Phật giáo trở thành tôn giáo, biến thành tôn giáo, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ chảy nước mắt đấy. Sao lại ra nông nỗi này? Bất luận hàng tại gia hay xuất gia đã quy y theo Phật, trở thành đệ tử của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nếu không nhận biết chân tướng sự thật này, sao xứng đáng là đệ tử của đức Phật Thích Ca Mâu Ni? Nhất định chúng ta phải đưa tôn giáo trở lại nền giáo dục, thì mới xứng đáng với đức Phật.

Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, năm 30 tuổi ngài bắt đầu giảng kinh dạy học, 79 tuổi ngài nhập Niết Bàn, không bỏ phí một ngày nào, hàng ngày giảng kinh dạy học. Địa vị của ngài là gì? Là thầy giáo, danh từ này rất xứng đáng, ngài là thầy giáo đấy. Ngài dạy điều gì? Tất cả kinh điển ngày nay chính là những bài giảng ngày xưa. Trong kinh điển tiểu thừa, nói về luân lý, đạo đức, nhân quả, rất nhiều. Trong kinh điển đại thừa nói về triết học, khoa học rất nhiều. Chẳng điều gì không có trong kinh giáo. Mọi người gặp đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thỉnh giáo với ngài, có hỏi là có đáp. Những câu vấn đáp này đều có ghi chép trong kinh điển, chúng ta thường thấy trong kinh điển. Tâm của đức Thế Tôn từ bi đến cùng tột, giúp tất cả chúng sanh vô điều kiện. Giúp điều gì? Giúp cho chúng sanh lìa khổ được vui, tiêu tai miễn nạn. Những thiên tai ngày nay đều có ghi chép trong kinh điển. Làm thế nào để hóa giải tai nạn của mỗi cá nhân, hóa giải thiên tai của xã hội, hóa giải thiên tai của quả địa cầu. Có trong kinh điển chăng? Có ! Nghiêm chỉnh học tập, chắc chắn có hiệu quả.

Gần đây hiệp hội của chúng ta, đề xướng tu pháp Lục Hòa Kính. Pháp Lục Hòa Kính có thể hóa giải thiên tai của quả địa cầu. Vì sao vậy? Chuyển đổi tâm niệm bất thiện của chúng ta. Trên thế giới ngày nay có rất nhiều bậc chí sĩ nhân từ, nhà khoa học, nhà triết học, người lãnh đạo đất nước, đều cho chúng ta biết, hài hòa là vấn đề tối quan trọng trong xã hội ngày nay. Nếu mọi người đều nghĩ đến hài hòa, đều đi đến hướng hài hòa, thì thế giới này không còn xung đột, không còn chiến tranh nữa, chiến tranh là tai họa của con người. Ngày nay chúng ta biết được, trình độ của mình hiểu được những điều trong kinh tương đối, biết được thế giới vật chất và mình là một thể. Tâm chúng ta chánh, hành vi chúng ta chánh, thì những thiên tai trên quả địa cầu này đều được hóa giải. Khởi lên một niệm bất luận là vô tình hay cố ý, là thiện niệm hay ác niệm,  sự ba động của nó châu biến pháp giới, dĩ nhiên châu biến khắp quả địa cầu, nó sẽ ảnh hưởng đến quả địa cầu. Ý niệm không tốt sẽ dẫn đến quả địa cầu có những chuyện phiền phức như động đất, gió bão, nước lớn vân vân, thậm chí còn có nạn ôn dịch nữa. Một ý niệm thiện sẽ hóa giải được những thiên tai này. Sao gọi là thiện niệm? Sao gọi là ác niệm? Có một tiêu chuẩn rất đơn giản, tự tư tự lợi là ác niệm, lợi ích xã hội, lợi ích đại chúng là thiện niệm. Quí vị xem tiêu chuẩn này đơn giản như vậy đó. Một đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chưa bao giờ ngài có một ý niệm vì mình, ngài làm bậc mô phạm, là điển hình cho chúng ta. Ngài nhận biết rõ ràng, mỗi ý niệm chẳng những chịu trách nhiệm đối với mình, mà đối với xã hội, đối với quả địa cầu đều phải chịu tránh nhiệm, chịu tránh nhiệm hoàn toàn đối với biến pháp giới hư không giới. Lời nói này chúng ta ngày nay khẳng định được rồi. Vì sao vậy? Khi học đến nhân đà la võng pháp giới môn, học đến vi tế tương dung môn là hiểu được rõ ràng. Trong tâm không có ý niệm ác. Chúng sanh lấy ác niệm đối với mình, mình đem thiện niệm đối với họ, như thế mới có thể giải quyết được vấn đề. Đức Thế Tôn đã làm bậc mô phạm cho chúng ta, khi đức Phật còn tại thế có người hủy báng ngài, có người chướng ngại ngài, có người phê bình ngài, có người hãm hại ngài. Ngài đã đối phó cách nào? Trong tâm ngài những người hại ngài đều là chư Phật Bồ Tát, đều là thiện tri thức, đến để khảo ngài xem những điều ngài giảng, ngài học có thật hay không? Ngài đã trải qua được sự khảo nghiệm. Ngài có chánh niệm, chánh niệm đó là gì? “Tất cả chúng sanh vốn là Phật”. Trong giới kinh có câu: “tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta”, Ngài thật sự đã làm được, đây không phải là ví dụ đâu. Nếu biết quan hệ nhất thể thì sẽ hiểu được vấn đề này. Nếu cha mẹ khiển tránh ta một cách vô lý, ta có oán giận họ chăng? Không thể được. Khi vô cớ hàm oan quí vị, xem quí vị có đức hạnh hay không? Kiểm tra quí vị, xem quí vị nói là ác tâm hay thiện ý? Ác tâm thiện ý không ở  người mà ở mình. Nếu bản thân là thiện ý, tất cả ác tâm bên ngoài đến chỗ mình đều biến thành thiện ý. Người ngoài thiện ý, mình ác tâm, thiện ý bên ngoài đến chỗ mình cũng biến thành ác tâm. Hiện tượng này rất phổ biến trong xã hội ngày nay, quí vị quan sát kỹ sẽ thấy được rõ ràng. Chỉ cần tâm địa thanh tịnh, lương thiện, sẽ nhận biết một cách rõ ràng minh bạch. Khi gặp nạn, quí vị sẽ nghĩ đến đức Phật Thích Ca Mâu Ni,  chư Phật Như Lai, chư đại Bồ Tát, lập tức được hóa giải hết. Dùng tâm gì? Dùng tâm biết ơn để đối phó. Vì sao phải dùng tâm biết ơn? Nếu họ thật sự thiện ý thì chẳng có vấn đề gì, nếu họ bất thiện, với tâm trạng đố kỵ chướng ngại, họ đã tạo nghiệp rất nặng, phải đọa vào ba đường ác. Họ không làm tổn hại mình, nhưng đã tổn hại chính họ. Cho nên bản thân chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, tu tập tất cả công đức hồi hướng cho họ, giúp cho họ tiêu tai giải nạn, tuy đọa vào ác đạo nhưng chịu khổ ít một chút. Sớm có ngày ra khỏi nơi đó. Chúng ta phải học giống như tâm của chư Phật Như Lai, chư đại Bồ Tát, không được dùng phiền não, nếu dùng phiền não là oan oan tương báo, là sai lầm lớn. Như vậy có nghĩa là quí vị ngang hàng với họ. Học Phật nhiều năm như thế mà còn ngang hàng với họ, thì quí vị học đến đâu chứ? Học Phật, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chính là bậc mô phạm của chúng ta, học tập theo ngài, gọi là chân học tập. Kinh điển là ngôn ngữ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong kinh giáo, nếu chúng ta lãnh hội được tâm của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hành vi của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, quí vị đều có thể đạt được, đệ tử Phật giống như Phật, trong tâm không có một người oán hận. Quí vị còn có người oán, người hận, là sai lầm rồi, vẫn còn là phàm phu chưa ra khỏi luân hồi lục đạo. Nhất định quí vị phải giống Ca Lợi Vương cắt thân mình, đem quí vị ra xử tử nhưng trong lòng không chút tơ hào oán hận. Vì sao vậy? vì không có sanh tử, lấy đâu ra sanh tử. Cắt thân, thân này là giả, không có thật, xả thân này rồi, lập tức đổi lại thân khác. Thân giả này bị cắt, bị hư rồi, đổi thân khác, là thân kim cang bất hoại, so với thân giả này tốt biết bao. Cho nên không oán hận mà còn biết ơn, khiến cho mình sớm thay được bộ quần áo mới, cho nên thật sự không chút oán hận. Phải hiểu rõ chân tướng sự thật mới có thể làm được việc này. Nếu không hiểu rõ chân tướng sự thật thì chẳng thể làm được. Đức Phật dạy chúng ta học Phật điều đầu tiên là buông bỏ ngã chấp. Kinh Kim Cang nói: “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”, đây là cảnh giới nhập môn chứ không phải rất cao đâu.  Hàng tiểu thừa Tu Đà Hoàn, đại thừa Bồ Tát Sơ Tín vị, đã phá được bốn tướng này rồi. Chúng ta đã học được chưa? Học được điều này, mới gọi là học trò chính thức của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, địa vị rất thấp, là học sinh tiểu học lớp một, cách ly học vị còn rất xa, học vị đầu tiên là A La Hán, giống như quí vị học đại học, học vị học sĩ, nhận được học vị. Đây mới là Tu Đà Hoàn, cách A La Hán tám giai cấp gồm tứ quả tứ hướng, đến lớp tám mới có thể nhận được học vị, bây giờ mới học lớp 1 thôi. Chúng ta chưa đạt đến cảnh giới này,  mới đang học lớp mẫu giáo, chưa được lên lớp một. Điều này bản thân mình phải nhận biết rõ ràng.

Đức Phật từ bi vô cùng, ngài biết chúng sanh trong thời mạt pháp nghiệp chướng sâu nặng, không có năng lực đoạn hoặc, đây là sự thật, không giả dối đâu. Có người giải ngộ nhưng không có người chứng ngộ. Cho nên chúng ta phải biết ơn đức Phật A Di Đà, chẳng riêng chúng ta biến ơn, mà mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai đều biết ơn đức Phật A Di Đà. Vì sao vậy? Vì pháp môn của ngài người nghiệp chướng sâu nặng không có năng lực đoạn hoặc cũng được độ. Vì sao chư Phật Như Lai phải cảm ơn? Các ngài vì hàng phàm phu chúng ta mà cảm ơn đức Phật A Di Đà. Sao các ngài phải vì chúng sanh? Bởi chúng sanh và ngài là một thể, chúng sanh không biết nhưng ngài rõ, cho nên đức Phật A Di Đà đến độ chúng ta, các ngài rất hoan hỷ, các ngài cảm ơn, tán thán. Có người đến giúp đỡ người thân trong gia đình mình, quí vị có biết ơn không? Đạo lý giống nhau thôi.

Ngày nay chúng ta học được đoạn kinh này trong kinh Hoa Nghiêm, mới thật sự biết được biến pháp giới hư không giới và mình là một sinh mạng thể cộng đồng, không chỉ là một nhà mà quan hệ một thể, quan hệ này thân thiết biết bao, Ngài đã nói cho chúng ta biết, một thể này thật thâm sâu, trùng trùng vô tận, chẳng phải một tầng tương tức tương nhập, trùng trùng vô tận tương tức tương nhập, nền tảng này thật thâm sâu. Ngày nay học đến đoạn này, chúng ta tin tưởng lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài tuyệt đối không lường gạt chúng ta, ngài nói ra những lời chân thật, những điều ngài nói hoàn toàn là chân tướng sự thật, không thêm không bớt tí nào, gọi là không tăng không giảm. Chúng ta nghe được, hiểu được, hiểu rõ ràng, thật không đơn giản! Trong kinh Di Đà nói về thiện căn phước đức nhân duyên. Thiện căn là gì? Nghe đức Phật dạy, tin được, hiểu được, đó là thiện căn. Phước đức là gì? Là năng hành, chân tu, như thế là có phước rồi. Đầy đủ thiện căn phước đức, cầu sanh tịnh độ, đâu có lý không được vãng sanh! Đầy đủ thiện căn phước đức rồi, đức Phật dạy chúng ta phải buông bỏ, xả ly, mới có thể đạt được. Không làm được thì thiện căn phước đức không đầy đủ. Từ chân tướng sự thật này, từ từ chúng ta giác ngộ.

Ân đức lớn nhất của đức Thế Tôn đối với chúng ta là gì? Là giảng kinh dạy học. Nếu không giảng kinh dạy học làm sao chúng ta biết được. Chỉ đọc không, không có người giảng giải sẽ không hiểu được. Cho nên khi đức Phật còn tại thế, suốt 49 năm ngài không nghỉ một ngày nào, gặp một người ngài cũng dạy, gặp hai người ngài cũng dạy, tùy thời tùy xứ đều là đạo tràng, đều là lớp học. Cho nên làm đệ tử chân thật của đức Phật, thật học, thật tu, học được rồi đi đến các nơi giải dạy giống như đức Phật, thì chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ. Vì sao? Vì tôn kính đức Phật, nên kính trọng đệ tử của ngài, đạo lý là như vậy. Quí vị không cần cầu hộ pháp long thần bảo hộ, tự họ sẽ đến che chở cho quí vị. Bởi quí vị thật tu, nếu không thật tu hàng ngày cầu họ họ cũng không đến. Cho nên đối với các vị thần hộ pháp ta không cần phan duyên, nghiêm chỉnh nỗ lực, đó là sứ mệnh, là bổn phận của họ, họ sẽ tận trung gìn giữ làm công việc hộ pháp của mình.

Chúng ta xem tiếp đoạn dưới: Đại Sớ vân, nhược lưỡng kính hỗ chiếu, truyền diệu tương tả.

Đại Sớ là Sớ Sao của đại sư Thanh Lương. Quí vị xem hai tấm kính chiếu vào nhau, vào thời nay, nhiều thang máy bên trong gắn kính, quí vị thường thấy đó, thấy cảnh giới này bèn nghĩ ngay đến kinh văn trong kinh Hoa Nghiêm, từ trong đây chúng ta lãnh hội.

“Tại bổn kinh trung”, trước đây đều nói trong kinh Hoa Nghiêm, bây giờ chúng ta xem kinh Vô Lượng Thọ. “Vô Lượng Thọ Kinh, Bảo Liên Phật Quang phẩm”, đây là phẩm thứ hai mươi mốt, có đoạn kinh như thế này:

Chúng bảo liên hoa châu mãn thế giới, nhất nhất hoa trung. Chú ý câu này, trong mỗi đóa hoa. Quí vị xem hoa sen báu châu biến thế giới Cực Lạc. Về thế giới cực lạc, bất luận đi đến đâu, đều có thể nhìn thấy hoa sen, cho nên nơi đây còn được gọi là thế giới hoa sen.

Nhất nhất hoa trung xuất tam thập lục bá thiên ức quang. Ba mươi sáu không phải là số chữ mà là biểu pháp. Nói lên điều gì? Nói lên sự vô tận, vô lượng, vô số, vô tận nói lên sự viên mãn. Trong Mật tông thường dùng 36, cho nên tông giáo hiển mật đều ở trong kinh Hoa Nghiêm, kinh Vô Lượng Thọ cũng như vậy. Tông môn, tông là thiền tông, giáo là giáo hạ, giáo nghĩa của hiển giáo, mật giáo đều ở trong kinh này. Bộ kinh này gọi là đại viên mãn, thế giới cực lạc cũng như vậy, cũng là đại viên mãn.

Nhất nhất quang trung xuất tam thập lục bá thiên ức Phật. Quí vị nên biết, hoa sen phóng hào quang, trong hào quang có hóa Phật. Một đóa hoa sen vô lượng quang, trong mỗi quang có vô lượng Phật. Quí vị nghĩ xem có bao nhiêu Phật?

Nhất nhất chư Phật hựu phóng bá thiên quang minh phổ vị thập phương thuyết vi diệu pháp.  Các vị hóa Phật này tự nhiên đi đến mười phương, hào quang đến nơi nào, nói đó có duyên với ngài, ngài sẽ đi đến đó. Chúng sanh có cảm, đức Phật có ứng. Những người sống trên quả địa cầu ngày nay, chắc là rất có duyên với đức Phật A Di Đà? Thật sự có duyên rất sâu với thế giới Cực Lạc. Thời quá khứ khi ngài Quán Thế Âm và Đại Thế Chí chưa thành Phật, các ngài đều tu ở thế giới Ta Bà này, có nghĩa là đồng hương với chúng ta đấy, có sự quan hệ như vậy. Ngày nay các ngài ở thế giới Cực Lạc làm trợ thủ cho đức Phật A Di Đà, quan hệ vô cùng mật thiết.

Đức Phật phóng hào quang có chiếu đến chúng ta hay không? Có, chúng ta ở trong ánh hào quang của đức Phật. Vì sao không cảm nhận được? Chúng ta bị một tầng thép dày đè lên, bao trùm chúng ta nên hào quang không thể lọt vào. Tầng thép đó là gì? Là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thật đấy, không giả dối đâu. Nếu vọng tưởng phân biệt chấp trước nhẹ một chút, sẽ cảm nhận được, cảm nhận được Phật quang gia hộ mình. Phật quang gia hộ giúp quí vị sanh trưởng trí huệ, phiền não khinh, trí huệ trưởng. Đáng tiếc bản thân quí vị tự bảo hộ chặt chẽ quá, không tiếp nhận nên đức Phật chẳng miễn cưỡng. Chư Phật Bồ Tát đối với chúng sanh luôn tùy duyên. Phổ Hiền Hành Nguyện Phẩm nói đến tùy hỷ công đức, hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Chư Phật Bồ Tát chưa bao giờ miễn cưỡng một người nào, quí vị làm thiện ngài hoan hỷ, làm ác ngài thở dài, ngài không can thiệp, tùy quí vị thôi. Biết rõ trong tương lai chắc chắn quí vị hồi đầu, chỉ ở chỗ sớm hay muộn mà thôi, chắc chắn sẽ hồi đầu.

Như thị chư Phật các các an lập vô lượng chúng sanh ư Phật chánh đạo. Nghĩa là chư Phật đến mười phương thế giới giáo hóa chúng sanh, hiện thân gì? Cần lấy thân gì để độ, các ngài sẽ hiện thân đó. Tất cả đều là chư Phật, là hóa thân của các ngài trong mười phương thế giới. Cần lấy thân Bồ Tát để độ bèn hiện thân Bồ Tát. Các tôn giáo khác cũng không ngoại lệ. Trong đạo Phật cần hiện thân A Xà Lê bèn hiện thân A Xà Lê, đây là nói đến người xuất gia, gọi là pháp sư. Cần lấy thân mục sư để độ, bèn hiện ra thân mục sự, là nói đến đạo cơ đốc. Cần lấy thân A Hoành để độ bèn hiện thân A Hoành, đạo Hồi giáo. Cần hiện thân đồng nam đồng nữ để độ bèn hiện thân đồng nam đồng nữ, không nhất định. Đây gọi là hằng thuận chúng sanh. Trong kinh Lăng Nghiêm nói: “tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng”. Đều là các vị hóa Phật ở thế giới Cực Lạc, số lượng này không thể tính đếm được, nhiều hơn số người sống trên quả địa cầu này. Trên quả địa cầu có sáu mươi mấy ức người, đáng là bao! Một đóa hoa nơi thế giới cực lạc, mỗi ánh hào quang trong một đóa hoa đó, đã nhiều hơn số người trên quả địa cầu này rồi, chúng ta không thể so sánh được. Cho nên nếu quí vị thật sự hiểu và nhận biết về thế giới cực lạc, quí vị có thể không phát tâm về đó sao? Đâu có lý như vậy! Không muốn về thế giới cực lạc, là vô tri đấy! Một nơi tốt như vậy mà còn do dự, còn hoài nghi, đó là gì? Là bản thân không có phước báo, không đủ thiện căn phước đức. Thật sự hiểu rồi sẽ buông bỏ vạn duyên, nhất tâm nhất ý cầu sanh tịnh độ, chắc chắn là như vậy! Trong đời này cầu sanh tịnh độ chắc chắn thành công, tu pháp môn khác, mặc dù dốc lòng, nhưng trong đời này chưa chắc đã thành tựu. Vì sao vậy? Bởi tập khí phiền não chưa đoạn hết. Có thể thành tựu được ở thế giới tây phương cực lạc là do quí vị đới nghiệp vãng sanh, tập khí phiền não chưa đoạn vẫn được, đây là điều thù thắng không gì sánh bằng. Gặp được cơ hội này, nếu đời này không phát tâm cầu vãng sanh, không về được thế giới tây phương cực lạc, là hàm oan, là sai lầm đấy! Trong một đời, sai lầm lớn nhất của quí vị là như vậy, những việc khác chỉ là chuyện nhỏ thôi. Điều này chẳng thể không biết.

Đoạn kế tiếp nói: Thượng đệ lục môn trung dĩ minh nhất nhất quang trung xuất tam thập lục bách thiên ức Phật, thị vi tế tương dung môn  bỉ nãi nhất trùng chi tương tức tương dung. Cánh vi kỳ tiền hậu chi kinh văn, tắc khả quảng hiển trùng trùng vô tận chi tương tức tương nhập chi diệu nghĩa.

Đúng là thâm sâu không đáy, chúng ta phải lãnh hội được ý nghĩa này, đây là chân tướng sự thật.

A Di Đà Phật quốc trong hữu vô số bảo liên hoa, nhất nhất hoa trung phóng vô số quang, nhất nhất quang trung hữu vô số Phật, nhất nhất Phật phóng quang thuyết pháp an lập vô lượng chúng sanh ư Phật chánh đạo.

Đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn, không cần nói đến những thứ khác ở thế giới tây phương cực lạc, chỉ nói về việc quang trung hóa Phật thôi, quí vị có muốn hướng đến, muốn về đó không? Ở đây nghe nói, nghĩa là miêu tả một điểm nhỏ ở thế giới cực lạc cho quí vị biết, quí vị nghe hiểu rồi, đây chính là nhân duyên, là một trong ba điều kiện để vãng sanh, gồm thiện căn, phước đức, nhân duyên. Quí vị có được nhân duyên rồi, gặp được rồi. Kế đến là vấn đề thiện căn phước đức. Thế nào là thiện căn? quí vị có tin không? Nghe có hiểu không? Nghe hiểu được, tin tưởng, đấy là thiện căn, quí vị đã có thiện căn. Còn thiếu một thứ là phước đức. Quí vị có phước hay không? Phước là gì? Là thật tu, thật sự phát nguyện cầu vãng sanh, cầu vãng sanh trong đời này chính là bộ kinh Vô Lượng Thọ đây, hoặc kinh Di Đà, chỉ cần một bộ là đủ rồi, không cần nhiều, nhiều sẽ phức tạp. Chỉ cần một bộ kinh, không cần đọc chú gì hết, nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu. Thời gian bao lâu? Thông thường mà nói chỉ ba năm là đủ, quí vị nắm chắc phần vãng sanh rồi.

Ba, bốn năm về trước, ở Thâm Quyết có vị cư sĩ còn rất trẻ, khoảng ngoài ba mươi tuổi, là cư sĩ Hoàng, nghe được pháp môn tịnh độ cậu ấy bèn phát tâm. Nghe nói niệm Phật chỉ cần ba năm là được vãng sanh, cậu ta bèn làm thực nghiệm nên nhập thất, cư sĩ Hướng Tiểu Lị hộ thất. Cậu ấy niệm Phật hai năm mười tháng, còn hai tháng nữa mới viên mãn, nhưng đã biết được giờ vãng sanh. Đó là gì? Làm mô phạm cho chúng ta thấy, là chuyện có thật chứ không giả dối đâu. Buông bỏ hết tất cả, ở trong thất chỉ có duy nhất một bộ kinh Vô Lượng Thọ, một câu A Di Đà Phật. Hai năm mười tháng là thành công, Phật A Di Đà đến rước cậu ta, biết được giờ đi, không hề bệnh tật, đi rất tự tại. Đó là sự chứng minh gần đây cho chúng ta thấy, công đức của cậu ta rất lớn. Chúng ta đang khuyến chuyển, khuyên mọi người, còn cậu ta thì chứng minh. Trong tam chuyển pháp luân, đây là tác chứng chuyển.

Chúng ta xem tiếp đoạn cuối cùng. Như thị tắc cực lạc quốc trung, hữu vô số liên, liên phóng quang quang hiện Phật, Phật hiện quốc độ. Độ trung hựu hữu vô số liên liên phục phóng quang hiện Phật, mỗi nhất liên hoa dụ nhất đế châu như thị liên hoa châu biến Phật quốc.

Đoạn này là nói về trùng trùng vô tận. Trong tánh đức điều này vô cùng quan trọng, điều này cũng rất khó hiểu, thật sự có thể giúp chúng ta phá mê sanh tín. Chúng ta thật sự hiểu được thì có lợi rất lớn trong việc tu tập của mình. Nhiều nghi vấn đều được hóa giải, không còn nghi hoặc nữa. Rất nhiều điều không thể buông bỏ được, nhưng sau khi hiểu rồi tự nhiên sẽ buông bỏ hết. Vì sao? Vì quí vị biết được không buông bỏ là chướng ngại. Chướng ngại điều gì? Chướng ngại sự hiện tiền của tánh đức. Tánh đức của quí vị đức Phật nói rất hay, là trí huệ đức năng tướng hảo. Vì sao quí vị không đạt được? Bởi quí vị có chướng ngại, buông bỏ hết chướng ngại sẽ đạt được  toàn bộ. Nhất là người gặp được pháp môn này, nhất tâm cầu sanh tịnh độ, khi chưa về được tịnh độ, ngay bây giờ đã đạt được rồi, hà huống trong tương lai sanh về thế giới cực lạc. Chưa sanh về thế giới cực lạc, ngay đây đã đạt được rồi. Đạt được điều gì? Thân tâm khỏe mạnh, vấn đề của bản thân được giải quyết. Hiện tiền gia đình hạnh phúc, sự nghiệp thuận lợi, tuy cuộc sống hạnh phúc nhưng tâm địa thanh tịnh không nhiễm một bụi trần, đó là gì? Là buông bỏ tất cả, trí huệ khai mở rồi. Bộ kinh Vô Lượng Thọ này triển khai rộng ra là gì? Là gia phả của quí vị, trong đó nói về lịch sử gia đình quí vị, những việc trong nhà quí vị, không phải việc bên ngoài, không liên quan gì đến người khác, hoàn toàn là nhà mình. Nếu có ai hỏi nhà quí vị như thế nào? Hãy tặng cho họ một cuốn kinh Vô Lượng Thọ nói, nhà tôi là như vậy đó. Quí vị xem tự tại và vui biết bao! Quí vị thật sự là người có phước đức lớn, người phước ở đất phước, chỉ cần quí vị ở Hongkong, khu vực Hongkong này sẽ không bị thiên tai, không cần dùng Lục Hòa Kính, chỉ một người là đủ rồi. Đây là sự thật không giả dối tí nào. Vấn đề ở chỗ chúng ta có thấu hiểu được hay không? Thấu đến trình độ nào? Trùng trùng vô tận ở đây có độ sâu. Chúng ta nghe kinh đọc kinh, tự nhiên sẽ có pháp vị, nếm được pháp vị rồi mới thật sự tin lời người xưa dạy: “thế vị không nồng bằng pháp vị”, mùi vị của thế gian không đậm bằng pháp vị, thế vị không nồng bằng pháp vị, quí vị thật sự nếm được rồi, tâm thanh tịnh hiện tiền, tâm bình đẳng hiện tiền, trí huệ cũng hiện tiền, quí vị được đại tự tại. Tâm từ mẫn hiện tiền, tâm thương yêu hiện tiền, nhìn thấy chúng sanh, gặp khổ nạn như ngày nay, quí vị sẽ lân mẫn và giúp đỡ họ. Dùng cách nào để giúp họ?   Dùng phương pháp nghiêm chỉnh tu tập để giúp họ, người khác không nhìn thấy quí vị tu hành chân chánh, khoa học ngày nay nói làn sóng của quí vị không ngừng hướng ra ngoài phát đi, sẽ có lợi đối với họ. Đạo Phật gọi là phóng quang, quí vị thấy hoa sen ở thế giới cực lạc phóng quang, trong hào quang có Phật, Phật lại phóng quang. Ngày nay chúng ta học tập, ta cũng đang phóng quang. Tuy bản thân mình có chướng ngại nên không nhìn thấy, nhưng thật sự là đang phóng quang. Trong kinh đức Phật dạy, ý niệm của ta vừa khởi đã châu biến pháp giới rồi, trong Hoàn Nguyên Quán nói như vậy, lẽ nào lại nói sai? Ý niệm của chúng ta, bất luận vô tình hay cố ý, đều có thể xuất sanh vô tận và hàm dung không hữu. Đây là tánh đức không thể nghĩ bàn. Quí vị có trí huệ, tự nhiên sẽ hiểu được dùng phương pháp nào để giúp những chúng sanh khổ nạn, giúp cho quả địa cầu này.

Cuối cùng là câu tổng kết. Khả kiến bổn kinh chánh hiển Hoa Nghiêm nhân đà la võng trùng trùng vô tận sự sự vô ngại chi huyền môn.

Câu kết này rất hay. Trong kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ ràng, kinh Vô Lượng Thọ cũng nói rất rõ ràng. Điều này nói lên kinh Vô Lượng Thọ và kinh Hoa Nghiêm bằng nhau. Cho nên người xưa nói rằng, kinh Vô Lượng Thọ là trung bổn Hoa Nghiêm, rất có lý chứ không phải tùy tiện nói như vậy đâu. Nếu như không thật sự viên mãn thông đạt kinh Vô Lượng Thọ, thì không thể nói ra những lời như vậy. Nói ra lời này là pháp thân Bồ Tát chứ chẳng phải hàng phàm phu.

Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.

HẾT TẬP 58