TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư
Chuyển ngữ: Tử Hà
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày 15 tháng 05 năm 2010

 

TẬP 40

Các vị pháp sư, các vị đồng học, mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ 42, dòng thứ hai từ dưới lên, chúng ta học từ câu thứ hai.

Hựu, Như Lai Bất Tư Nghì Cảnh Giới Kinh vân, Bồ tát liễu tri, chư Phật cập nhất thiết pháp giai duy tâm lượng, đắc tùy thuận nhẫn, hoặc nhập Sơ địa, xả thân tốc sanh diệu hỷ thế giới, Cực lạc Tịnh Phật độ trung.

Ngày hôm qua chúng ta học đến đoạn này, hết giờ nên không thể giảng giải kỹ được. Đoạn kinh ngắn này thôi nhưng rất quan trọng: Bồ tát liễu tri, liễu là hiểu rõ, tri là biết, chỗ này trong Phật pháp gọi là khai ngộ, nhưng mà ngộ có giải ngộ và chứng ngộ, giải ngộ thì có thể đạt được cảnh giới này, gọi là thâm nhập kinh tạng, trường thời huân tu. ở trong đây cũng có hai trường hợp, đều đạt được lợi ích. Hạng thứ nhất là đọc qua nhiều, bác học đa văn, thời đại hiện nay hạng người như thế rất nhiều, Phật giáo Đại thừa, Bát tông phái phổ biến xem qua, nhưng cần có thời gian, cũng cần phải có thầy hay hướng dẫn. Người này đối với cảnh giới của chư Phật Như Lai có thể hiểu được, đây thuộc về giải ngộ, bản thân không đạt được thọ dụng giống như pháp thân Bồ tát.

Phương thức thứ hai là nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu. Hạng người này thời gian học một bộ kinh, tu tập một pháp môn rất dài, chắc chắn có thể được tam muội, tam muội thì hàng phục được phiền não, được tự tại, được khai trí huệ. Công phu tam muội sâu dày, thì hốt nhiên được đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, đó là vị này chứng ngộ, hoàn toàn khác với cảnh giới giải ngộ. người này thật sự siêu việt lục đạo, siêu việt Thập pháp giới, được thọ dụng thật sự.

Hai hạng này đều có thể liễu tri, liễu tri điều gì? Chư Phật cập nhất thiết pháp giai duy tâm lượng. Ngày nay các nhà khoa học nói là lượng tử lực học, rất tương ưng với câu kinh văn này. Lượng tử là gì? Là một điểm ánh sáng cực kỳ vi tế, điểm ánh sáng này từ đâu mà có? Từ chấn động mà có, nó không phải là tĩnh, nó là động, giống như tia sáng, từng tia từng tia, tốc độ của nó rất nhanh. Một tia sáng chính là một hiện tượng lượng tử, cái này giống như một ý niệm nói trong kinh điển Đại thừa, ý niệm cực kỳ vi tế. Trong kinh Nhân Vương đức Phật có dạy rằng: Một khảy móng tay có 60 sát na, 1 trong 60 phần trong một khảy móng tay gọi là 1 sát na, một khảy móng tay có 60 sát na, trong một sát na có 900 sanh diệt. Nói cách khác, lượng tử thấy  ánh sáng của tia sáng, một sát na có 900 lần ánh sáng, trong ánh sáng đó có hiện tượng tinh thần và hiện tượng vật chất. Khi không mê thì hiện tượng tinh thần là kiến văn giác tri, khi mê thì gọi là thọ tưởng hành thức, thọ tưởng hành thức chính là kiến văn giác tri, mê ngộ bất tương đồng. Trong kiến văn giác tri, chẳng những không có phân biệt chấp trước, mà ngay cả khởi tâm động niệm cũng không có, trong tự tánh vốn sẵn có, không hề có sanh diệt. Khi mê, hiện tượng này gọi là A Lại Da, gọi là vọng tâm, có sanh diệt, thời gian sanh diệt rất ngắn, các nhà khoa học phát hiện được rồi. Chúng ta học đến đoạn Đức Thế Tôn đối thoại với Di Lặc Bồ tát, thì nói càng rõ hơn. Di Lặc Bồ tát nói một khảy móng tay, một khảy móng tay có 32 ức bá thiên niệm, Ngài không nói đến sát na, cũng không nói đến sanh diệt, một khảy móng ta 60 sát na, một khảy móng tay 900 sanh diệt, vẫn chưa gọi là nhiều, chưa nhiều bằng Di Lặc Bồ tát nói. Di Lặc Bồ tát nói một khảy móng tay có 32 ức bá thiên niệm, có nghĩa là chúng ta tính ra thì bằng 320 triệu, một khảy móng tay có 320 triệu niệm. Đó chính là điểm sáng mà trong lượng tử lực học thấy được, mỗi điểm sáng đều là độc lập, ánh sáng này diệt, ánh sáng kia sanh. Các nhà khoa học suy nghĩ cũng rất có lý, sau khi tia sáng phía trước diệt rồi, tia sáng phía sau lại tiếp tục, ở giữa nhất định có khoảng trống, vi tế hơn nữa thì ở giữa cũng vẫn  còn có khoảng trống, không thể không có khoảng trống. Giống như thước phim của máy chụp hình vậy, khi đặt vào máy chiếu để mở ra, cũng là ống kính đóng mở, mở là sanh, đóng là diệt, giữa sự đóng mở của mỗi tấm hình, chắc chắn ở giữa có khoảng cách, nhưng mà cự ly của khoảng cách này quá ngắn, nhục nhãn của chúng ta không thể phân biệt kịp, thì nó đã tiêu mất rồi, nhưng chắc chắn là có. Cho nên tất cả đều là tâm hiện thức biến, Chư Phật Như Lai, tất cả vạn pháp. Chân tướng là gì? Chân tướng là tâm hiện thức biến. Hiểu rõ chân tướng sự thật này rồi, cho nên Bồ tát chứng được tùy thuận nhẫn. Nhẫn là gì? Nhẫn là định, nhẫn là tam muội, nhẫn là không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước. Nhất thiết vạn pháp, vô lượng vô biên sát độ của chư Phật, Thập pháp giới y chánh trang nghiêm để trước mắt, mà không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, hơn nữa còn liễu liễu phân minh, giống như cái gì? Giống như chúng ta xem Ti vi vậy, những tiết mục trong Ti vi có phải là sát na sanh diệt hay không? Trong lượng tử lực học nói, nghĩa là ánh sáng cực kỳ vi tế sát na sanh diệt, hợp thành hiện tượng này, phải dùng lượng tử, chúng ta nói dùng khoa học cũng được, dùng ánh mắt lượng tử khoa học để xem Ti vi, nó chính là từng tia từng tia ánh sáng liên tục. Liên tục không thể gọi là tương tục, tương tục là trước và sau hoàn toàn tương đồng, còn ở đây mỗi điểm sáng đều không tương đồng, cho nên nó là tướng liên tục, chứ không phải là tướng tương tục. Tướng liên tục này, trên thực tế là không vô sở hữu, nó sanh diệt quá nhanh, hốt sanh hốt diệt, sanh diệt không ngừng, là hiện tượng như vậy. Cho nên trong hiện tượng này, giống như trong kinh Bát Nhã đức Thế Tôn đã nói, nhất thiết pháp, chư Phật Như Lai nhất thiết pháp, vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc, đó gọi là tùy thuận nhẫn. Người này ở trong tất cả pháp, nghĩa là trong tất cả mọi hiện tượng, không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, được tùy thuận nhẫn. Đây là người chứng ngộ, chúng ta nói đó là pháp thân Bồ tát, vị này ở trong tất cả hiện tượng, đã có thái độ như thế, tuyệt đối chính xác. Chẳng phải vị này không thấy rõ, chẳng phải là không nghe rõ, mà thấy rõ ràng, nghe rõ ràng, gọi đó là Như Lai, người này chính là Như Lai, Ngài sanh trí huệ không sanh phiền não, không khởi tâm không động niệm, sanh trí huệ gì? Sanh căn bản trí. Trong kinh Bát Nhã nói, “Bát Nhã vô tri”, đó là căn bản trí, không khởi tâm không động niệm là căn bản trí. Khởi tác dụng là, có người đến thỉnh giáo với vị này, vị này giảng giải cho họ, đó là “vô sở bất tri”, Bát nhã vô tri, vô sở bất tri. Cho nên Ngài ứng hóa trong Thập pháp giới, khi đối diện với những kẻ phàm phu, thì Ngài vô sở bất tri, khi không đối diện với những kẻ phàm phu này thì Ngài là vô tri. Vô tri và vô sở bất tri là một chẳng phải hai, ý này rất sâu. Vô tri là gì vậy? Vô tri là ẩn, vô sở bất tri là hiển, ẩn hiện bất đồng. Khi đối mặt với chúng sanh là duyên, khi không còn duyên, thì ẩn không hiện nữa, khi gặp được duyên, thì từ chỗ ẩn hiển lộ ra, hiển lộ ra rồi thì vô sở bất tri. Vì sao vậy? Vì tất cả pháp, không có một pháp nào ra khỏi tự tánh, cho nên người kiến tánh, đã khế nhập được cảnh giới này, mục đích học Phật cuối cùng không gì khác, ngoài việc dạy bạn minh tâm kiến tánh. Chư Phật Như Lai không hề có chút tơ hào tâm đố kỵ, không hề có mảy may tâm chướng ngại bạn, đều hy vọng bạn mau chóng quay trở lại tự tánh, những điều chúng ta chứng đắc hoàn toàn tương đồng. Trong chứng phần của Cổ Phật, chẳng có một chút gì tăng, ở chỗ người sơ chứng nhập cảnh giới, cũng không thiếu một tí nào, không tăng không giảm, không sanh không diệt, được Tùy thuận nhẫn. Tuy chúng ta chưa chứng được, ngày nay chúng ta từ trong thánh giáo của chư Phật Bồ tát, nghe rõ ràng, mà hiểu được, cho nên cần học chư Phật Bồ tát, trong tất cả mọi cảnh giới, chúng ta đều có thể tùy thuận. Bồ tát Phổ Hiền dạy chúng ta rằng: “Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”. Vì sao phải hằng thuận? Vì sao phải tùy hỷ? Vì biết được tất cả pháp vô sở bất tri, tất cánh không, bất khả đắc. Sự tùy thuận này của bạn là tự nhiên, thuật ngữ trong đạo Phật gọi là “pháp nhĩ như thị”, pháp vốn là như vậy mà. Tự tại tùy duyên. Tự tại từ trong tùy duyên mà thấy được, tùy duyên từ trong tự tại mà thấy được. Nói cách khác, không thể tùy duyên thì làm cách nào cũng không thể được tự tại, bị phiền não ràng buộc, người thật sự tự tại thì chắc chắn là tùy duyên. Từ chỗ này có thể quan sát người đó, ngộ nhập cảnh giới sâu cạn có khác nhau, có thể thấy được công phu tu chứng của vị này.

Hạng người khác nữa là, hoặc nhập Sơ địa, xả thân về thế giới Tây phương Cực lạc, thân cận Phật A Di Đà, đó là nhân duyên đặc biệt, kỳ thật là Bồ tát. Biết được pháp môn Tịnh độ, cũng phải nhờ vào nhân duyên, nếu không có nhân duyên kỳ thật có rất nhiều Bồ tát, không nghĩ ra việc này, không có duyên mà. Nếu có người nhắc họ, họ sẽ học nhanh hơn chúng ta. Vì sao vậy? Vị họ có định lực. Ở trong thiền định, không có khái niệm về thời gian và không gian, cho nên chỉ cần có người nhắc nhở, vị này lập tức thấy được thế giới Cực lạc. Tuy nhiên Thập phương chư Phật, nỗ lực hoằng dương Tịnh độ, nhưng vẫn có rất nhiều vị Bồ tát không tin. Đương nhiên những vị Bồ tát không tin này, là các vị trước Sơ địa, tuy đã đoạn được phân biệt chấp trước, nhưng tập khí phân biệt chấp trước vẫn còn, nhập vào Sơ địa thì tập khí mới đoạn. Thấy được Phật A Di Đà, thấy được thế giới Cực lạc, chỗ này là nơi thích hợp nhất cho việc tu hành chứng quả. Đến nơi đó không gì khác ngoài việc, tu hành chứng quả, khế nhập vào cảnh giới của chư Phật, vì việc này mà đến thế giới tây phương Cực lạc, ở đó tu hành thành tựu, nghĩa là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Ở thế giới này của chúng ta tu tập cũng được, cũng có thể vào được cảnh giới này. Tuy cũng là khai ngộ như nhau, nhưng trong cảnh giới khai ngộ vẫn có chỗ khác nhau, đại thể tương đồng, nhưng nhìn kỹ thì còn có chỗ sai biệt, đây chính là 41 cấp bậc trong kinh Hoa Nghiêm, không tính Thập tín ở trước, bắt đầu tính từ Sơ trụ. Tiêu trừ những cấp bậc này, trở về chỗ cứu cánh đại viên mãn, phải tốn thời gian ở thế giới Cực lạc không lâu, còn ở quốc độ của chư Phật, thì phải dùng thời gian tương đối lâu,  thế giới Cực lạc là thu nhỏ lại của đại phước độ, cho nên nói ở đó là môi trường tốt để tu học, họ đi rồi. Ý nghĩa này chúng ta phải hiểu, chúng ta phải nghiêm chỉnh nỗ lực học tập, trong cuộc sống hàng ngày, phải học hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức.

Dưới đây lão cư sĩ dẫn chứng Di Đà Sớ Sao của đại sư Liên Trì, trong Sớ Sao nói: “Cố tri niệm Phật, Bồ tát chi phụ, sanh dục pháp thân, nãi chí thập địa thủy chung, bất ly niệm Phật, hà đắc sơ tâm tự túc, bất nguyện vãng sanh, khả kiến Tịnh độ pháp môn chánh khế Bồ tát chi cơ”.

Nói pháp môn niệm Phật là cha của Bồ tát, đây là ví dụ. Ví dụ điều gì? Ví dụ bạn có thể chứng được pháp thân. Thực tế mà nói, pháp thân vốn sẵn có, pháp thân bất sanh bất diệt, pháp thân chính là Thường tịch quang mà pháp môn Tịnh độ đề cập đến. Chân như bổn tánh, bổn tánh của chúng ta mê rồi, tuy có đó, thực tế mà nói nó chưa từng bỏ chúng ta, chỉ vì chúng ta không nhận ra nó thôi. Pháp thân, pháp thân là pháp tánh của tất cả pháp, Pháp thân tuy là đứng về mặt tướng mà nói, tánh tướng là một, chẳng phải hai. Cái gì là tánh? Tướng là tánh. Cái gì là tướng? Tánh là tướng, tánh tướng nhất như, tánh tướng bất nhị, đó là bạn thật sự thấy được, thật sự hiểu rõ được, sanh diệt là tướng, bất sanh bất diệt là tánh. Sanh diệt và không sanh diệt, hợp lại là một không thể tách rời, cho nên sanh diệt vĩnh viễn không gián đoạn. Nguyên nhân vì sao vậy? Vì tánh bất sanh bất diệt thì làm sao có gián đoạn được. Chỉ cần ly tướng, ly ở đây là không chấp trước tướng, không phân biệt, ở trên tướng không khởi tâm động niệm, thì gọi là ly tướng, “ly nhất thiết tướng, tức nhất thiết pháp”, chỉ cần bạn không phân biệt, không chấp trước, không khởi tâm, không động niệm, thì tất cả vạn pháp chẳng pháp nào không phải là tự tánh, lúc này cảnh giới tâm hiện thức biến, bạn hoàn toàn thấy được.

Sớ Sao dùng pháp môn niệm Phật, dùng pháp môn này phục hồi tự tánh, bởi vì bạn vốn là Phật, bây giờ lại niệm Phật. Vốn là Phật là nhân, bây giờ niệm Phật là duyên, nhân gặp được duyên, thì quả báo sẽ hiện tiền, quả báo này nghĩa là bạn nhập cảnh giới Phật. Cho nên lấy niệm Phật ví dụ cho cha mẹ, có thể sanh ra pháp thân, đây là dùng ví dụ mà nói.

Dưới đây nói: “nãi chí thập địa thủy chung bất ly niệm Phật”. Bồ tát tu tập tu đến giai đoạn cao nhất, giống như chúng ta đi học, học đến nghiên cứu sở, học lên tiến sĩ. Ở giai đoạn này tu cái gì đây? Toàn bộ là tu pháp môn niệm Phật. Thủy là Sơ địa, chung là Thập địa, từ thủy đến chung không rời niệm Phật. Chúng ta coi Thiện Tài Đồng tử Ngũ thập tam tham, Thập địa thủy chung không rời niệm Phật, chính là nói về Ngũ thập tam tham. Vị thiện tri thức đầu tiên mà Thiện Tài Đồng tử tham vấn, là Kiết Tường Vân tỳ kheo, chúng ta thấy trong Tứ Thập Hoa Nghiêm. Kiết Tường Vân tỳ kheo là địa vị nào? Ngài là Sơ trụ của Viên Giáo, là sơ Địa của Biệt Giáo, Ngài tu pháp môn niệm Phật, ngài tu Ban Châu Tam Muội, chuyên niệm Phật A Di Đà cầu sanh thế giới Cực lạc. Thập địa là Pháp Vân địa, trong kinh Hoa Nghiêm giảng lại càng cao hơn, giảng đến Đẳng Giác, cao hơn một tầng so với Thập địa, đến Ngũ thập tam tham, Thiện Tài Đồng tử tham vấn với Bồ tát Phổ Hiền, Thập đại nguyện vương của Bồ tát Phổ Hiền quy về Cực lạc, là chung! Kiết Tường Vân tỳ kheo là thủy. Thiện Tài Đồng tử ngũ thập tam tham, chuyên niệm Phật A Di Đà, không sai chút nào, trong đó tuy phải trải qua 51 tầng lớp, quảng học đa văn. Mục đích là gì? Mục đích là khai Hậu Đắc Trí. Hậu Đắc Trí là gì? Là vô sở bất tri. Ngài đi tham vấn, tham học khắp nơi, khắp nơi quan sát, khảo sát, học tập, vô sở bất tri, đã làm để cho chúng ta thấy. Vô tri và vô sở bất tri, cùng một lúc cùng một nơi thực hiện, cái này hay quá! Vì sao có thể cùng một lúc cùng một nơi vậy? Vì tướng có tánh không, có là huyễn có, không là chân không, nó không chướng ngại, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Cảnh giới này ở đâu vậy? Ở ngay trước mặt chúng ta. Vì sao chúng ta không biết được vậy? Vì chúng ta mê. Làm sao lại mê? Vì bạn có tự tư tự lợi, bạn có ngã kiến, bạn có ngã chấp, có  pháp chấp, có phân biệt, có vọng tưởng, chính là ngay đây! Chỉ tiếc bạn không thấy được. Sau khi đại triệt đại ngộ, người ta hỏi bạn, bạn vẫn như thế, không thay đổi chút nào, khi chưa ngộ là như vậy, ngộ rồi cũng vẫn là như vậy. Khi chưa ngộ, trong thiền tông có một công án, đó là một câu chuyện nhỏ rất có ý nghĩa, khi chưa ngộ “thấy núi là núi, thấy nước là nước”. Trong quá trình tu học công phu có tiến bộ, thì thấy núi chẳng phải là núi, thấy nước chẳng phải là nước, sau khi đại triệt đại ngộ, thì thấy núi vẫn là núi, thấy nước vẫn là nước. Ba giai đoạn tu tập, nói lên trước khi chưa ngộ, mê mà không giác, trong quá trình tu tập giác mà không mê, nhưng mà không tròn, lệch qua một bên, thật sự giác ngộ rồi, thì mê giác không hai, mê ngộ là một, là một việc. Người giác ngộ hiểu rõ chân tướng sự thật, kẻ mê hoặc thì không biết được, cũng sống qua một đời. Giác không phải là việc khó, chỉ cần chịu buông bỏ một chút, thì trí huệ sẽ mở ra một chút. Chưa chứng được viên giác, thì vẫn còn tạo nghiệp, vì sao vậy? Vì còn tập khí, tập khí phiền não vẫn khởi tác dụng, cho nên vẫn còn tạo nghiệp. Tuy tạo nghiệp, tuy chịu quả báo, nhưng giác ngộ nhanh hơn người khác. Tuy thọ quả báo, nhưng giác ngộ rồi thì có thể chuyển đổi được, chỉ cần chuyển mê thành ngộ, trong môi trường thực tế, bạn có thể chuyển khổ thành vui, ngày nay chúng ta nói người này có thể hóa giải được tai nạn. Nếu là mê thì bạn phải chịu tai nạn, sau khi giác ngộ thì có thể hóa giải được tai nạn, triệt để giác ngộ thì tai nạn không còn nữa, đó chính là cảnh giới không tương đồng. Cho nên pháp môn không gì sánh bằng là niệm Phật, ở đây nói về pháp môn, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, pháp môn nào là số 1? Pháp môn niệm Phật, hơn nữa cho chúng ta biết là trì danh niệm Phật, là số 1 trong số 1. Bạn không thâm nhập thì không hiểu được, sau khi thâm nhập mới hiểu được, pháp môn này vô cùng thù thắng. Chúng ta cũng học, học nhiều năm như thế nhưng chẳng có hiệu quả gì, nguyên nhân vì sao vậy? Vì bạn không biết niệm. Vì sao người khác có hiệu quả mà bạn lại không có? Tối hôm qua có một bạn đưa cho tôi xem một cái đĩa, Lưu Tố Vân giảng, khi cô ấy giảng đĩa đó là 62 tuổi, năm nay cô ấy 66 tuổi, giảng 4 năm về trước. Cô ấy đi ra nơi đâu cũng tuyên dương pháp môn Tịnh độ, nói lên tâm đắc trong việc tu tập của mình, điều này cho thấy cô ấy biết niệm, cô ấy báo cáo với mọi người, cuộc đời mình chỉ có một bộ kinh Vô Lượng Thọ, một câu A Di Đà Phật bốn chữ này thôi. Cô ấy tin mình chắc chắn sẽ sanh về Tịnh độ, không có niệm thứ hai, cô ấy không nghĩ gì hết, thiên kinh vạn luận vô lượng pháp môn, cô ấy không đụng đến, cô ấy tri túc thường lạc, những thứ tôi có quá đủ rồi, những thứ khác tôi không cần, không có tâm tham. Cho nên thời gian học Phật không dài, công phu không sâu, kinh luận biết được rất ít, nhưng mà khi giảng giải với mọi người thì rõ ràng mạch lạc, thao thao bất tuyệt, có thể liên tục giảng 7,8 tiếng đồng hồ. Đó là gì vậy? Là cô ấy biết niệm! Chúng ta ngày nay thì sao? Chúng ta ngày nay không biết niệm. Tâm không chuyên, ý không kiên quyết, lòng tin mơ hồ không rõ ràng, người ta thật là chân tín thiết nguyện, nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu. Cô ấy đi con đường này, thời gian không lâu, bạn xem cô ấy giảng giải rõ ràng mạch lạc, cô ấy thực hành công phu thiết thực, đó là một người học Phật, là một tấm gương tốt.

Sau đây là câu cảm thán của đại sư Liên Trì: “Hà đắc sơ tâm tự túc, bất nguyên vãng sanh”, chỉ cần bạn vãng sanh, là bạn chứng được đại viên mãn. Cho nên thật sự chọn được pháp môn này, giữ vững không bỏ, người này không phải là bậc thượng thượng căn thì ai là bậc thượng thượng căn đây.

Trong đoạn dài này, cổ đức nói có 3 loại. Ba loại này, cuối cùng đây là “chuyên tiếp thượng căn, bàng cập trung hạ”, chính là nghĩa này, chuyên tiếp thượng căn. Thế nào là thượng thượng căn? Là năng tín, năng giải, năng nguyện, năng hành. Tín giải nguyện hành, đều đạt được hết, thì người này chính là bậc thượng căn.

Chúng ta học đoạn kế tiếp:  “Do thượng khả kiến, trì danh niệm Phật, nãi quả giác nhân tâm chi pháp”. Học Phật cũng không tách rời nhân quả, nhân tâm quả giác, nhưng mà pháp môn này rất đặc biệt, danh hiệu Di Đà là quả giác, chúng ta dùng quả giác làm nhân tâm, pháp môn này thù thắng kỳ đặc, không gì sánh bằng. Nói cách khác pháp môn này bắt đầu tu từ quả, vừa hạ thủ là tương ưng với quả giác. Cho nên nói, chỉ có Phật với Phật mới có thể cứu cánh thể dụng, cứu cánh là viên mãn không hề khiếm khuyết một tơ hào nào hết, chỉ có Phật mới biết được. Phật ở đây không phải Phật trong Thập pháp giới, mà là Phật chứng được cứu cánh viên mãn pháp thân, các Ngài hiểu một cách triệt để. Trong kinh Hoa Nghiêm nói, ít nhất là Bát địa trở lên, có thể cứu cánh thể dụng, từ đó cho thấy, không ra khỏi Thập pháp giới thì không thấy được.

Thị pháp vô thượng thâm diệu, quảng thâm như hải, mộc kỳ trung giả, hạ căn nhân thiển du hải tân, diệc tức thân tại đại hải, bính đắc hải thủy dục chi lạc.

Ví dụ này hay quá, dùng nước biển tắm để làm ví dụ, Pháp môn trì danh niệm Phật, thật sự sâu rộng như biển, chỉ có Phật và Phật mới có thể cứu cánh.

Mục kỳ trung giả, bậc hạ căn bơi lội ở đâu? Bơi lội ven bờ biển, nước không sâu, nhưng cũng là tắm biển. Điều này ví dụ cho cái gì? Phàm thánh đồng cư độ ở thế giới Cực lạc, Thật báo trang nghiêm độ được ví cho biển sâu, Phàm thánh đồng cư độ là ven biển, cùng chung một biển lớn. Bạn có thể đạt được sự vui trong cảnh giới quả địa của chư Phật Như Lai, đó chính là bạn đã đạt đến thế giới Cực lạc, bạn chính là Bồ tát A Duy Việt Trí, có phải chính bản thân mình chứng được không? Không phải, cách ly cảnh giới của mình rất rất xa. Bản thân một phẩm phiền não cũng không đoạn, Phàm thánh đồng cư độ hạ hạ phẩm vãng sanh, cũng có thể được hưởng thụ sự tiếp đón giống như Bồ tát A Duy Việt Trí, cấp bậc như thế, nhận sự tiếp đón như vậy. Ở chỗ này là ví dụ cho việc đó, bạn không thể tưởng tượng được đâu.

“Nhược dục thâm cùng kỳ để, tắc duy lại thượng căn lợi trí chi sĩ”. Bạn muốn đem thế giới Cực lạc, cảnh giới của Di Đà Như Lai, và sự thiện xảo của Di Đà Như Lai, tiếp dẫn các loài chúng sanh căn tánh bất đồng, về thế giới Cực lạc bình đẳng thành tựu, hiện tượng này, đạo lý này, thì phải cần thượng căn lợi trí. Thượng căn lợi trí chỉ cho ai vậy? Chỉ cho chư Phật Như Lai, chỉ có các Ngài mới thật sự biết được, các Ngài lặn xuống nước, phải là nhân viên này mới có thể lặn xuống đáy biển, các Ngài biết được tình hình dưới đáy biển, người không có công phu này thì không làm được.

“Cố vân chuyên tiếp thượng căn, bàng cập trung hạ”, cho nên bậc cổ đức có cái nhìn như vậy.

“Dĩ thượng Ất Bính lưỡng thuyết, văn dị chỉ đồng”, đây là đoạn thứ hai và đoạn thứ ba. Đoạn thứ nhất không nói, đoạn thứ nhất nói bậc thượng thượng căn, đó là tứ địa trở lên. Trung thượng cũng phải là các vị Bồ tát mới có phần, A La hán, Bích Chi Phật trở lên, phàm phu không có phần. Đoạn thứ hai và đoạn thứ ba, nói về Tứ độ tam bối cửu phẩm, phàm phu đều có phần, thế nên thế giới Cực lạc mới thù thắng, ở sát độ của chư Phật trong mười phương tìm không ra.

Đoạn thứ hai nói: “Bổn vi phàm phu, kiêm vi thánh nhân”. Đoạn thứ ba nói: “chuyên tiếp thượng căn, bàng cập trung hạ”. Thượng căn ở đây và thượng căn ở đoạn trước ý nghĩa không giống nhau, thượng căn ở đây là chân tín vừa mới giảng, thật sự có thể lý giải, thật sự phát nguyện, thật tu. Hạng người này chính là bậc thượng thượng căn, họ không phải là Bồ tát, họ là phàm phu, họ đầy đủ 4 điều kiện này, tu hành như lý như pháp, họ có thể về Thật báo trang nghiêm độ, thế mới phù hợp với đại nguyện độ sanh của Di Đà. Vì sao vậy? Vì tất cả chúng sanh vốn là Phật, chỉ do nó mê, nó giác ngộ rồi, giác ngộ triệt để rồi, thì nó là Phật.

Cho nên hai đoạn Ất và Bính, văn tự hình như là có khác, nhưng ý nghĩa thì tương đồng.

“Kháp tư Lô sơn, hoành khán thành lãnh, trắc khán thành phong, hiện tướng hữu sai, bổn thể thị nhất”. Ở đây lấy Lô sơn làm ví dụ, rất hay. Vì sao vậy? Vì Tịnh tông ở Trung Quốc khơi nguồn từ Lô sơn, sơ tổ của Tịnh tông Trung Quốc là Huệ Viễn đại sư. Ngài vào thời Đông Tấn, kiến lập niệm Phật đường ở Lô sơn, tên là Đông Lâm Niệm Phật Đường, đây là tổ đình của Tịnh độ tông. Tôi vẫn chưa đi tới Lô sơn, trong thơ của người xưa có tán thán như thế, “hoành khán thành lãnh, trắc khán thành phong”, ý là như vậy.

Cố lưỡng thuyết văn tự tuy dị, đản tất giai xiển minh lưỡng độ đạo sư, bi trí vô lượng, phước huệ song viên.

Sau đây hai cách nói này nhấn mạnh sự thù thắng khó sánh của Tịnh tông. Nói lên lưỡng độ đạo sư, đạo sư của thế giới tây phương Cực lạc là Phật A Di Đà, đạo sư của thế giới Ta Bà chúng ta đây là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bi trí vô lượng, phước huệ song viên. Bi trí, phước huệ, đều là gia trì cho tất cả chúng sanh trong thế giới Ta bà này. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở thế gian này, nhiều lần tuyên giảng kinh Vô Lượng Thọ, đây là bi trí, Đức Thế Tôn giảng tất cả kinh, suốt đời chỉ giảng một lần, chứ không giảng lần thứ hai, duy nhất kinh Vô Lượng Thọ ngài giảng nhiều lần. Từ bây giờ lưu truyền tiếp theo, có 5 bản dịch đối chiếu xem, trong đó có sự sai biệt rất lớn, đó không phải là giảng một lần, cho nên phán đoán là Ngài giảng ít nhất 3 lần trở lên. Nhưng mà bản dịch của chúng ta có 7 bản bị thất truyền, trong 7 bản dịch đó, có còn sự khác biệt nữa hay không, điều đó không biết được, cho nên bây giờ mọi người giảng từ ba lần trở lên, không ít dưới ba lần đâu.

“Ngôn chuyên tiếp thượng căn giả, chánh hiển Như Lai chi đại trí đại huệ.” Chuyên tiếp thượng căn, thượng căn ở đây cần chú ý, gặp được pháp môn này tín tâm kiên cố, suốt đời tuyệt đối không thay đổi, nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, chắc chắn vị này thành tựu, đây là bậc thượng căn. Rất rất nhiều người thành tựu, họ đã dùng thời gian bao lâu? Từ ba đến năm năm, người này không phải bậc thượng căn, thì ai là bậc thượng căn đây.

Hình như 3, 4 năm về trước, Hoàng Trung Xướng cư sĩ ở Thâm Quyến, mới có 30 tuổi, còn rất trẻ, nghe được pháp môn này, cậu ấy phát tâm nhập thất chuyên tu, nhập thất 3 năm, Hướng Tiểu Lợi cư sĩ hộ thất, 2 năm 10 tháng, còn hai tháng nữa thì viên mãn, cậu ấy biết được giờ đi, niệm Phật vãng sanh, bạn nghĩ cậu ấy căn tánh gì? Có thể gọi là bậc thượng thượng căn không? Trong ba năm nhập thất, mỗi ngày một bộ kinh Vô Lượng Thọ, danh hiệu Phật không gián đoạn, khi đó đến hỏi tôi, tôi dùng phương pháp dạy người niệm Phật tu tập của Lão hòa thượng Đế Nhàn, phương pháp của Lão hòa thượng, thật sự là thiện xảo phương tiện, chính là một câu A Di Đà Phật. Niệm mệt rồi thì bạn nghỉ ngơi, nghỉ khỏe rồi thì lại niệm tiếp, bạn xem đối với cơ thể, đối với tinh thần không có áp lực gì hết, mệt rồi thì nghỉ, nghỉ khỏe rồi thì niệm, không phân biệt đêm ngày, khi nào mệt thì khi đó nghỉ ngơi, nghỉ khỏe rồi dậy tu tiếp, cậu ta đã dùng phương pháp này, phương pháp này của Đế lão hay quá! Không có áp lực gì hết. Hai năm 10 tháng, Phật A Di Đà đã rước cậu ấy về thế giới Cực lạc. Chính là chỗ này nói “chuyên tiếp thượng căn”, cậu ấy chính là bậc thượng căn, nghe được pháp môn này, lòng tin vững chắc, không hề có chút nghi ngờ, có nghi thì không được, tâm sẽ không thể định được. Cho nên chúng ta thấy có rất nhiều người nhập thất, nhập được 2,3 tháng thì âm thầm trốn ra, đó là vì sao vậy? Vì họ chịu không nổi. Ở trong thất không có ai nói chuyện với họ, cho nên không có tín tâm kiên cố thì không dễ đâu! Thời gian 3 năm ở trong thất không thể đại triệt đại ngộ, thì cũng được Niệm Phật tam muội, điều này chắc chắn làm được. Được Niệm Phật tam muội rồi, thì vãng sanh không còn vấn đề gì nữa, được Niệm Phật tam muội rồi, đó thật sự là nhất niệm tương ưng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật, tâm niệm của bạn thông với Phật A Di Đà, Phật đến tiếp dẫn bạn, bạn xem có thù thắng không. Cho nên nhất định chúng ta không được xem thường niệm Phật đường, niệm Phật đường như lý như pháp, còn trang nghiêm thù thắng hơn đạo tràng lớn. Vì sao vậy? Vì có  nhiều người vãng sanh! Một người vãng sanh nghĩa là một người thành Phật, hai người vãng sanh, là hai người thành Phật, điều này có hay không! Một niệm Phật đường nhỏ, trong đó là cái trạm để Phật A Di Đà tiếp dẫn vãng sanh, thật tin, thật nguyện, thật tu, không thiếu sót cái nào. Giác Minh Diệu Hạnh Bồ tát, thật sự là một niệm Phật đường nhỏ, chỉ có 8 người, 8 người này người nào cũng thành tựu, thế có hay không! Viên mãn rồi! Cuốn Tây Phương Xác Chỉ của Giác Minh Diệu Hạnh Bồ tát, cuốn nhỏ này thôi, là tin tiết lộ ra từ chỗ xin quẻ, Ấn Quang đại sư làm chứng cho vị này, xin quẻ là của quỷ thần, không thể tin tưởng, chỉ có điều này là thật, không phải giả đâu nhé, Ấn Quang đại sư làm chứng cho, cho nên cuốn sách này cũng được ghi vào tùng thư của Tịnh tông, là tấm gương học Phật cho thời mạt pháp của chúng ta.

Ý nghĩa của thượng căn chúng ta cần nên hiểu rõ ràng, nghĩ lại bản thân mình xem, mình thuộc hạng căn tánh nào? Điều này rất quan trọng. Nếu là thượng căn, bắt buộc phải được định, bắt buộc phải khai trí huệ, thế thì khó lắm, chúng ta không làm được.

Pháp môn tịnh độ này, “nãi Di Đà trú chân thật huệ tùng chân thật chi tế chi sở khai hóa hiển thị, cố duy Phật dữ Phật nãi năng cứu cánh”. Ở đây nói lên Tịnh tông có thể thù thắng như vậy, là do Phật A Di Đà từ trong trí huệ chân thật lưu xuất ra. Chân thật chi tế nghĩa là chân như tự tánh, là trực tiếp, nó không phải là gián tiếp. Rất nhiều Phật pháp, từ chân thật chi tế thấu qua thức A Lại Da mà biến hiện ra vô lượng pháp môn, pháp môn này không thấu qua thức A Lại Da, nó gọn gàng dứt khoát, thấy thì quá dễ dàng, quá đơn giản, cho nên khiến người ta khó tin, cái lý là vậy. Mấy câu này rất quan trọng, có thể hóa giải rất nhiều nghi hoặc của chúng ta đối với Tịnh tông. Đối với pháp môn này, chúng ta luôn luôn có nhiều nghi hoặc, một câu này có thể hiểu rõ ràng, phục hồi tâm thanh tịnh của chúng ta. Tịnh tông thường nói, “tâm tịnh tắc Phật độ tịnh”. Tâm của chúng ta thường có nghi hoặc, cho nên nó thường không thể thanh tịnh. Không thể thanh tịnh, nguyên nhân thứ nhất là có ta, ngã chấp kiên cố, trong kinh Kim Cang nói là ngã kiến, ngã kiến là Mạt na thức. Ngã kiến, ngã ái, ngã mạn, ngã si, tứ đại phiền não thường tương tùy, tứ đại phiền não này sanh ra là có. Cho nên mê chính là căn bệnh này, giác ngộ rồi thì bạn phục hồi lại bình thường, bệnh thái này nếu gặp được duyên thì nó sẽ phát bệnh, không gặp duyên thì không sao. Tuy có bệnh nhân, nó tiềm phục, nó không khởi tác dụng, gặp được duyên thì nó khởi tác dụng, khiến cho những tế bào mạnh khỏe trên cơ thể bạn, chuyển biến thành tế bào mang bệnh, đó chính là bạn bị bệnh. Nguyên nhân chúng ta bị bệnh là như vậy, cái lý này hiểu rõ ràng rồi, chúng ta quay đầu lại nhìn xã hội ngày nay, xã hội ngày nay không bình thường, hỗn loạn trước nay chưa hề có. Kế đến xem tình hình địa cầu, động đất, sóng thần, thời tiết bất thường, ngũ cốc thiếu hụt, hạn hán, ngập lụt, mang theo ôn dịch, số lượng lớn động vật biến mất khỏi địa cầu, đây là hiện tượng vô cùng bất thường, đây là tai nạn! Tai nạn từ đâu mà có? Là tâm niệm của con người sống trên quả địa cầu này cảm ứng nên. Ngày xưa những người sống trên quả địa cầu này, có sự dạy dỗ của Lão tổ tông, sự dạy dỗ của đại Thánh đại hiền nhân, các vị thần thánh trong tôn giáo, chư Phật Bồ tát trong Phật giáo. Tâm của cư dân sống trên địa cầu thuần hậu nên có thể tiếp nhận, cho nên thân tâm mạnh khỏe, gia đình hòa hợp, phong điều vũ thuận, không có những tai nạn tự nhiên nhiều như thế. Ngày nay cư dân trên địa cầu này không cần đến tổ tông, chẳng những không cần Tổ tông mà không cần cả cha mẹ nữa, tự tư tự lợi, khởi tâm động niệm, đều là tổn người lợi mình, điều này thật ghê gớm! Cố ý phá hoại sự thăng bằng của sinh thái tự nhiên, cho nên tạo nên xã hội bất an, địa cầu nơi đâu cũng tai nạn dồn dập, cái lý là ở chỗ này. Nếu như chúng ta thật sự giác ngộ, thật sự hiểu rõ, hóa giải tai nạn có khó không? Không khó!

Gần đây có một bạn tặng cho tôi một cuốn sách, tên là Giải Độc Mạt Thế Dự Ngôn, tôi có xem qua chưa xem hết, trong đó giảng về lượng tử lực học của thời cận đại, cái nhìn đối với vũ trụ, rất gần với giáo lý Đại thừa. Tôi nhớ trong đó có nhà khoa học nói, căn cứ sự nghiên cứu của ông ta, ông ta nói trên thế gian này vốn không có vật chất, điều này rất gần với giáo lý Đại thừa. Vật chất là gì? Là hiện tượng ba động, nó từ lượng tử lực học, là một tia sáng cực kỳ vi tế, tia sáng này là hiện tượng từng tia từng tia liên tục, ông ta nói tần số của nó không đồng, tần số chậm thì biến thành vật chất, thành sơn hà đại địa, tần số nhanh hơn một chút, thì biến thành hoa cỏ cây cối, các dạng thực vật, nhanh hơn một chút nữa thì thành động vật, nhanh nhất là giống như trong Ti vi của chúng ta ngày nay, đó là nhanh nhất, ông ta nói hoàn toàn là do tần số ba động không đồng, ngoài thứ này ra, thì vốn không có sự tồn tại của vật chất. Giống như trong kinh Nhân Vương nói, như kinh Bồ Tát Xứ Thai nói, nghĩa là sự đối thoại giữa Bồ tát Di Lặc và đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một khảy móng tay có 32 ức bá thiên niệm, niệm ở đây chính là tia sáng trong lượng tử lực học nói. Rất khó được! Nhưng Phật pháp nói lại cao hơn một lớp nữa, tia sáng này từ đâu mà có? Lượng tử lực học không nói đến tia sáng này từ đâu mà có. Cho nên Phật pháp nói đến chỗ rốt ráo, là nó vẫn có tự tánh, danh từ trong kinh Phật gọi là “tánh”, tự tánh, bổn tánh, chân tánh, pháp tánh, nói rất nhiều, đây là một cách nói pháp thiện xảo của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thiện xảo giảng dạy, cho bạn biết không nên chấp trước vào danh tự, không nên chấp trước vào ngôn ngữ, đó hoàn toàn là giả, bạn hiểu cái ý nghĩa của nó là được rồi, cái đó là thể, nó vĩnh hằng, nó bất biến, minh tâm kiến tánh rồi. Khi Lục Tổ Huệ Năng kiến tánh có nói, tánh như thế nào? Ngài nói tánh là thanh tịnh, “hà kỳ tự tánh, bổn tự thanh tịnh”, nó vĩnh viễn không bị nhiễm ô, thật sự như vậy. Vì sao nó không bị nhiễm ô? Vì tướng nhiễm ô này là giả, không có thật, thì làm sao có thể nhiễm ô được nó. Vốn không sanh diệt, phát hiện tia sáng cực kỳ nhỏ của lượng tử, nó vẫn còn sanh diệt, tự tánh thì bất sanh bất diệt, cho nên trong Phật pháp nói phàm có sanh diệt đều không có thật, đều là giả. Thật là bất sanh bất diệt, chân tánh bất sanh bất diệt. Tia sáng này từ đâu mà có? Là từ tự tánh mà có, cũng có nghĩa là hiện tượng ba động khởi lên từ trong tự tánh, nhưng tự tánh không phải là ba động, tự tánh có thể khởi hiện tượng ba động này, điều này rất khó hiểu. Trong Phật pháp nói, chỉ có chứng ngộ mới biết được, bản thân bạn khế nhập vào cảnh giới thì bạn sẽ biết được, không khế nhập cảnh giới, bạn không dễ gì cảm nhận được chân tướng sự thật này. Cho nên Phật pháp là khoa học, nói có bằng chứng, phải đích thân bạn chứng mới được, bạn không thân chứng mà chỉ nghe Đức Phật nói thì không được, Đức Phật chỉ dẫn đường cho bạn, nói cho bạn biết sự thật này, bản thân bạn bắt buộc phải chứng được, dùng phương pháp nào để chứng được đây? Buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước, vọng tưởng là khởi tâm động niệm, nếu bạn có thể, chúng ta nói đến cảnh giới lục căn tiếp xúc với lục trần, ở trong đó thật sự đạt được không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, thì bạn có thể chứng được. Bạn không chứng được chính là những thứ này làm chướng ngại bạn, khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, thì bạn không thấy được. Cho nên trong Đại thừa kinh giáo nói rất hay, thật sự buông bỏ chấp trước, không còn chấp trước vào pháp của thế và xuất thế gian, cửa thứ nhất phá được, thì lục đạo luân hồi sẽ không còn nữa. Vì sao vậy? Vì lục đạo luân hồi từ chấp trước biến hiện ra, nó là giả, chẳng phải thật, có chấp trước thì nó có, không chấp trước thì nó không có, đó không phải là thật. Tứ thánh pháp giới, nằm ngoài lục đạo, là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát, Phật, nó cũng không phải thật, từ đâu mà có? Từ phân biệt mà có. Bạn có tâm phân biệt, thì có cảnh giới này xuất hiện, đoạn hết phân biệt, thì nó không còn nữa. Không khởi tâm, không động niệm, thì Thập pháp giới không còn, nó không có thật. Trong Đại thừa kinh giáo thường nói, Thật báo trang nghiêm độ của chư Phật Như Lai, có thật không? Nó cũng không có thật, “phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, không hề nói Thật báo trang nghiêm độ của chư Phật là ngoại lệ, không nói như vậy? Vậy cái gì tạo thành Thật báo độ đây? Là tập khí khởi tâm động niệm, không phải là khởi tâm động niệm, khởi tâm động niệm là Phật  pháp giới trong Thập pháp giới, tập khí của khởi tâm động niệm, nếu tập khí không có, thì Thật báo độ cũng không còn, vậy còn lại cái gì, là quay về tự tánh, gọi là Thường Tịch Quang, nó là thật, vĩnh hằng bất biến. Trong triết học nói, đó là bản thể của vũ trụ vạn vật. Tuy nó không phải là tinh thần, cũng không phải là vật chất, nhưng nó năng sanh, năng hiện tinh thần và vật chất, bạn cần nên biết, nó năng hiện không phải là thật, những hiện tượng sở hiện này đều là sanh diệt. Nghĩa là trong lượng tử lực học phát hiện, tất cả đều là tia sáng cực kỳ vi tế, tia sáng này là tướng liên tục, không nói nó là tương tục, mà nói nó là liên tục. Vì sao vậy? Vì mỗi cái nó độc lập riêng, giống như thước phim của điện ảnh vậy, mỗi cái đều độc lập riêng, cho nên nó không phải là tương tục, nó là liên tục. Điều này nói rất hay! Tương tục là một thứ, mỗi cái đều như nhau, thế thì được, ở đây nó không giống nhau, mỗi cái đều không giống nhau, tuyệt đối không có hai cái tương đồng, vô lượng kiếp rồi tìm không ra hai cái tương đồng. Như thế mới tiết lộ được thật tướng của các pháp, ngày nay người ta nói là tiết lộ bí mật, bí mật này bị thấy rõ rồi, đó là chân tướng sự thật. Do đó tất cả mọi hiện tượng đều là thức biến. Thức là gì? Thức là phân biệt chấp trước. Tâm niệm của chúng ta, tâm niệm thiện thì biến thành thiện, tâm niệm bất thiện thì biến thành bất thiện. Cho nên nếu chúng ta niệm niệm đều là tham sân si mạn, thì là bất thiện, đó là niệm độc, chắc chắn bạn sẽ bị bệnh. Nếu như niệm niệm của bạn đều là Giới định huệ, niệm niệm đều là nhân nghĩa đạo đức, niệm niệm đều là an định hòa bình, thì đó hoàn toàn là thiện, do đó là cảnh giới do tâm niệm bất thiện biến hiện ra. Ngày nay chúng ta giác ngộ rồi, lập tức sửa đổi lại tâm niệm có được hay không? Được! Có hiệu quả không? Có hiệu quả, tai nạn sẽ không còn nữa. Bạn xem người niệm Phật có giỏi không, người trên thế gian này đều niệm ác, đều niệm bất thiện, tai nạn khởi lên, người niệm Phật hàng ngày niệm Phật A Di Đà, tai nạn khởi lên, thì họ về thế giới Cực lạc, cõi Ta bà này không liên quan đến họ, điều này rất hay! Người tín ngưỡng tôn giáo, họ niệm Thượng Đế, họ niệm Thần, niệm niệm họ nghĩ đến lời dạy của thần thánh, họ y giáo phụng hành, họ cũng được về thiên đường.

Trong Đại thừa giáo dạy chúng ta rằng, cõi trời có 28 tầng trời, đều rất thù thắng. Phước báo của cõi trời cõi nhân gian chúng ta không thể so sánh được, họ thọ mạng lâu. Người Trung Quốc chúng ta nói, người Ấn Độ gọi là trời Đao Lợi, người Trung Quốc gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế, ở trời Dục giới, đừng nói những điều thù thắng khác, chỉ nói về thọ mạng. Trời Đao Lợi và chúng ta ở đây có thời gian khác nhau, cõi nhân gian 100 năm, bằng trời Đao Lợi 1 ngày, thọ mạng của cõi trời Đao Lợi là bao nhiêu? Thời gian của họ ở đó, một năm cũng là 360 ngày, đứng về mặt chu vi tròn mà nói, một vòng tròn có 360 độ, 1 năm là 360 ngày, một ngày của họ bằng 100 năm của cõi nhân gian chúng ta, một năm của họ bằng 3 vạn 6 ngàn năm của chúng ta, thọ mạng của họ là 1000 tuổi, phước báo lớn ! Càng lên trên thì thọ mạng càng cao hơn, một ngày ở cõi trời Dạ Ma, bằng cõi nhân gian của chúng ta 200 năm, thọ mạng của họ là 2000 tuổi. Bồ tát Di Lặc ở cõi trời thứ tư, cõi trời Đâu Suất, một ngày của cõi trời Đâu Suất bằng 400 năm của cõi nhân gian, thọ mạng của họ 4000 tuổi. Cho nên Bồ tát Di Lặc ở cõi trời Đâu Suất thọ mạng hết, mới đến thế giới này để thành Phật, đức Phật Thích Ca nói cho chúng ta biết như vậy. Bây giờ chúng ta tính thử xem còn bao lâu nữa? còn 56 ức 7 ngàn vạn năm sau, Bồ tát Di Lặc sẽ đến thế giới của chúng ta. Thế giới của chúng ta có hủy diệt hay không? Không. Thế giới này có tai nạn lớn hơn nữa thì cũng không hủy diệt được, tương lai Bồ tát Di Lặc còn đến đây thành Phật mà.

Cho nên ý niệm làm chủ tất cả, điều này là có thật. Tôi thấy những bài báo cáo này của các nhà khoa học, Giải Độc Mạt Thế Dự Ngôn, trong đó nói rất có lý, cho nên hiểu được lý này rồi, thì tai nạn có hiện tiền cũng không sợ, biết được phương pháp hóa giải, chuyển lại tâm niệm là hóa giải được, nhưng phải cần ý thức tập thể mới có được hiệu quả. Ý thức tập thể, chúng ta kêu tất cả mọi người trên thế giới này hồi tâm hướng thiện, điều này không làm được, họ không tin, họ nói đó là tôn giáo, là mê tín. Thế phải làm sao đây? Chúng ta tìm đến những người tin tôn giáo, những người mê tín này, những người mê tín này đoạn ác tu thiện, chúng ta thay đổi thì họ cũng có lợi vậy. Tuy họ có lợi đó nhưng họ vẫn xem thường chúng ta, chúng ta không nên để ý, không nên để trong lòng. Tóm lại cứu người, cứu mình đó là việc tốt, tuy phải chịu đựng sự sỉ nhục rất nhiều, nhưng đó là tiêu nghiệp chướng cho chúng ta, có gì là không tốt đâu! Cho nên người học Đại thừa kinh giáo, mấy năm gần đây tôi thường nói, Đức Phật nói cho chúng ta biết thế gian này, giờ giờ là giờ tốt, ngày ngày là ngày tốt, tôi tiếp theo hai câu, người người là người tốt, việc việc là việc hay. Như thế thì chúng ta sống trên thế gian này sẽ vui sướng biết bao, hạnh phúc biết bao. Tôi cảm thấy thế gian này rất đẹp, không có người ác, họ làm ác là do nhất thời hồ đồ, mê mất đi tự tánh, bổn tánh bổn thiện, chúng ta tin bổn tánh của họ là thiện, “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Họ bất thiện là vì họ không có được sự giáo dục tốt, họ học điều xấu, xã hội ngày nay học điều xấu rất dễ dàng, có rất nhiều thầy giáo dạy bạn học điều xấu. Thầy giáo đầu tiên chính là Ti vi, ngày nay thầy giáo Internet còn lợi hại hơn thầy Ti vi nhiều, nó đã dạy bạn đó! Ngày nào bạn cũng học với nó, chẳng có ngày nào là không thân cận nó, bạn có thể không học điều xấu được chăng? Đó là chuyện không thể. Ngay cả chư Phật Bồ tát mà học với nó, tôi tin rằng cũng sẽ học điều xấu. Cho nên chúng ta chỉ có duy nhất một phương pháp, tôi chẳng thể hạn chế Ti vi của bạn không chiếu, nhưng tôi có quyền không coi. Đạo tràng của chúng ta, có không ít những gia đình học Phật, trong nhà không có Ti vi, có Ti vi nhưng không bắt được sóng, vì không có ăng ten, họ đã mở đĩa giảng của chúng tôi. Hàng ngày chúng ta tiếp xúc là chư Phật Bồ tát, hàng ngày tiếp xúc là sự dạy dỗ của thánh hiền, chúng ta gián đoạn với những tin tức bên ngoài. Tôi đã hơn 40 năm, gần 50 năm rồi, không xem Ti vi, không nghe đài, không đọc báo, không đọc tạp chí, cho nên nhiều người nói về tai nạn, đến hỏi tôi, tôi nói không có, mỗi ngày thiên hạ đều thái bình, cuộc sống rất tốt, không hề có việc gì phải lo lắng cả. Đó chẳng phải là vấn đề của tâm sao, bạn chịu buông bỏ, thì chẳng có chuyện gì, buông bỏ Ti vi, buông bỏ đài, tất cả mọi môi giới đều buông bỏ, buông bỏ báo, buông bỏ tạp chí, thậm chí ngay cả sách cũng buông bỏ. Nhà sách hiện nay không giống như nhà sách ngày xưa, nhà sách 60 năm trước, bạn bước vào có khí phách của sách, từ trường rất tốt, bạn bước vào thư viện, bước vào nhà sách, tâm bạn an định, cảm giác rất hay. Ngày nay thì không, ngày nay bước vào nhà sách từ trường ở đó không tốt. Nguyên nhân vì sao vậy? Vì nội dung những cuốn sách trên kệ không tốt. Khi tôi còn trẻ tôi rất thích đến các nhà sách, đi đến thư viện, bây giờ thì không đi nữa, bây giờ chỗ tôi ở, trong phòng để toàn là kinh sách, kinh sách của Phật giáo, những kinh sách của tôn giáo khác tôi cũng sưu tập, sách của Trung Quốc, Tứ Khố Toàn Thư, Tứ Khố Hội Yếu, tôi chỉ để những loại sách này, những loại sách này từ trường rất tốt.

Xã hội ngày nay người tốt ít, không tìm được người bạn tốt, chúng ta làm bạn với các bậc cổ nhân, làm bạn với chư Phật Bồ tát, hay! Họ vĩnh viễn không thay đổi. Từ đó cho thấy, hạnh phúc hay tai nạn đều do chính bản thân mình lựa chọn mà thôi. Bạn đừng trách người khác, trách người khác là sai, do mình lựa chọn thôi. Cuộc đời này bạn chọn hạnh phúc mỹ mãn, thì thật sự bạn sẽ có một cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn, nếu bạn chọn những điều thập ác, sát đạo dâm vọng, bạn chọn những thứ này, thì cuộc sống của bạn sẽ phải chịu tai nạn dập vùi. Cho nên tôi thấy rất nhiều dự ngôn rồi, tôi không hề cảm thấy lạ lùng chút nào, tôi biết được rất nhiều tai nạn vì sao nó có, vì sao lại có tai nạn, tôi cũng biết được phương pháp hóa giải, chẳng phải việc khó!

Cho nên thế giới Cực lạc, là trí huệ Bát nhã trong tự tánh vốn sẵn có của Phật Di Đà, nghĩa là chân thật huệ, từ chỗ này khai hóa hiển thị. Khai là khai mở, mở cửa ra, hóa là giáo hóa. Dùng phương pháp nào để giáo hóa? Dùng phương pháp hiển thị, ngày nay chúng ta nói, thân hành chính là hiển thị, ngôn giáo. Bản thân làm để cho mọi người thấy, mọi người tin tưởng. 48 nguyện của Phật A Di Đà, nguyện nào Ngài cũng làm được, nói được làm được, không câu nào giả hết, cho nên được người khác tin tưởng. Rốt cuộc là quay về điều gì? Chỉ có người minh tâm kiến tánh mới biết được.

Di Đà chi nhất thừa nguyện hải, lục tự hồng danh, viên dung cụ đức, siêu tình ly kiến, cử thể thị sự lý vô ngại, sự sự vô ngại chi nhất chân pháp giới, cố phi tư lượng phân biệt chi sở năng tri, ngữ ngôn văn tự chi sở năng cập, cố vân phi cửu giới tự lực sở năng tín giải.

Đoạn này hơi dài một chút, thật sự Niệm công đã vì chúng ta mà giảng nói rõ ràng. Sự vĩ đại của Tịnh tông, là ở chỗ Di Đà nhất thừa nguyện hải. Hải là hình dung từ, là đại nguyện, hoằng nguyện! Nguyện điều gì vậy? Mong tất cả chúng sanh trong một đời đều được viên thành Phật đạo, đây gọi là nhất thừa nguyện hải. Nhất thừa là thành Phật, nhị thừa là nói về Đại thừa và Tiểu thừa, Đại thừa là Bồ tát, Tiểu thừa là A La hán. Tịnh tông không mong các bạn thành A La hán, thành Bồ tát, không mong điều này, Tịnh tông mong bạn đời này chứng được, viên mãn giống như Phật A Di Đà, đây là bổn nguyện của Di Đà. Hơn nữa dùng phương pháp quá vi diệu, dùng lục tự hồng danh, trên thực tế chỉ có 4 chữ, A Di Đà Phật. Đại sư Liên Trì niệm Phật chỉ niệm bốn chữ, trong Trúc Song Tùy Bút có ghi lại một đoạn như sau: Có người đến thỉnh giáo với Ngài, hòa thượng niệm Phật, ngài niệm cách nào? Niệm 4 chữ. Còn dạy người khác? Dạy người khác 6 chữ. Vì sao lại khác nhau? Ngài nói, đời này tôi quyết định phải vãng sanh về thế giới Cực lạc, thân cận Phật Di Đà, cho nên không thêm vào những lời khách sáo, trong kinh nói rất rõ ràng, chấp trì danh hiệu, danh hiệu là 4 chữ. Ý nghĩa của chữ Nam Mô, Nam Mô là cung kính, là quy y, là quy mạng, những lời khách sáo này thì miễn đi. Tôi dạy người khác, người khác không có tâm nguyện thật sự cầu vãng sanh, cho nên thêm vào chữ quy y A Di Đà Phật, quy mạng A Di Đà Phật, kết duyên với Phật A Di Đà, đời sau lại tiếp tục niệm, là ý nghĩa như vậy. Thật sự một đời này vãng sanh, thì bạn nên học Đại sư Liên Trì, miễn đi những lời khách sáo, chúng ta làm thật, chứ không làm giả. Làm thật là 4 chữ A Di Đà Phật, 4 chữ này viên dung cụ đức, 4 chữ này có thể phiên dịch, nhưng không dịch. Vì sao lại không dịch? Tôn trọng không dịch, dịch thành ý nghĩa của Trung Quốc, thì A dịch là Vô, Di Đà dịch là Lượng, Phật dịch là Giác, Vô Lượng Giác. Vô Lượng Giác là đối với ai mà nói? Là đối với chân như bản tánh mà nói, cho nên nó là danh hiệu của tánh đức, niệm Phật A Di Đà là niệm tự tánh của chính mình. Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy chúng ta rằng: Tất cả chúng sanh đều có đức tướng trí huệ của Như Lai, Phật A Di Đà chính là đức tướng trí huệ Như Lai, vô lượng trí huệ, vô lượng đức, vô lượng tướng hảo, niệm tự tánh, chứ không niệm gì khác. Cho nên viên dung cụ đức, viên dung cụ đức, chúng ta dùng một câu này trong kinh Hoa Nghiêm, thì ba việc trí huệ, đức năng, tướng hảo đều đầy đủ, không hề thiếu điều nào.

Siêu tình ly kiến, tình là tình chấp, ở đây không có tình chấp, kiến là ngã kiến. Tình, người Trung Quốc nói thất tình ngũ dục, kiến là ngã kiến trong 4 loại phiền não của Mạt na thức. Từ ngã kiến phát sinh ra ngã ái, ngã mạn, ngã si, chỉ cần không còn ngã kiến thì những cái sau sẽ không còn nữa. Cho nên nửa kinh Kim Cang phía sau dạy bạn ly kiến, phá tứ kiến, ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, phá được tứ kiến rồi, thì bạn siêu lên Thập pháp giới. Phía trước nói về 4 tướng, ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, phá được tứ tướng thì bạn siêu việt lục đạo luân hồi, tứ kiến phá rồi thì siêu việt Thập pháp giới. Một câu danh hiệu siêu tình ly kiến, người niệm Phật A Di Đà rất đông, người hiểu được cảnh giới, nghĩa lý của câu danh hiệu Phật A Di Đà  không nhiều. Cho nên vì sao người niệm Phật, còn phải thật sự học kinh Vô Lượng Thọ? Học kinh Vô Lượng Thọ, bạn sẽ hiểu rõ lý sự tánh tướng nhân quả của Tịnh tông, thì sự niệm Phật của bạn sẽ hoàn toàn khác với người ta, thật sự là nhất niệm tương ưng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật, bạn mới có được vô lượng pháp hỷ, bạn sẽ niệm thấy thoải mái, niệm nhanh, niệm hoan hỷ, cái lý là ở chỗ này.

Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.

HẾT TẬP 40