TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang

 

TẬP 18

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem kinh bổn Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang mười bảy, hàng thứ sáu, xem từ hai chữ cuối cùng.

“Vô tướng giả, ly nhất thiết hư vọng chi tướng. Vô tướng tức ly tướng” (Vô tướng là lìa hết thảy các tướng hư vọng, vô tướng chính là lìa tướng). Mấy câu này, nói thật ra, cụ Hoàng đã giảng rất rõ ràng, chúng ta phải chú tâm đọc. Kinh dạy: “Thật Tướng vô tướng”, vô tướng là gì? Vô tướng là lìa hết thảy các tướng hư vọng. Do vậy, vô tướng và ly tướng có cùng một ý nghĩa, ly tướng là vô tướng. Hết thảy các tướng hư vọng là gì? Kinh Phật đã vô số lần dạy chúng ta: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”. Vì sao? Do hết thảy các hiện tượng đều là pháp sanh bởi nhân duyên, Trung Luận nói rất hay: “Nhân duyên sở sanh pháp, ngã thuyết tức thị không” (Pháp sanh bởi nhân duyên, ta nói nó là Không), “ngã” ở đây là đức Phật nói, trích dẫn lời Phật dạy. “Ly” là lìa như thế nào? Lìa chấp trước, chẳng chấp trước sẽ lìa. Chấp trước là chẳng lìa! Chớ nên chấp trước chúng (hết thảy các tướng), đừng nên phân biệt chúng. Đối với tất cả hết thảy các hiện tượng, chớ nên khởi tâm động niệm, quý vị sẽ lìa toàn bộ. Vì thế, không khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, người ấy thành Phật, vì sao? Đã lìa sạch sành sanh! Tướng có tồn tại hay chăng? Tướng tồn tại, tướng là huyễn tướng, tướng là pháp sanh diệt. Thật Tướng là chẳng sanh, chẳng diệt, Thật Tướng là nói theo Thể, còn tướng hư huyễn là nói theo hiện tướng (tướng được biến hiện), lớn thì như hư không, pháp giới; trọn khắp pháp giới hư không giới đều là một huyễn tướng.

Chúng ta đã học Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, quý vị cũng rất dễ hiểu [những điều này]. Chân là gì? Chân là Thể, nhất thể. Thể là một, tự tánh thanh tịnh viên minh thể, đó là Chân. Vì sao là Chân? Huệ Năng đại sư lúc khai ngộ đã nói rất hay: Thể ấy “vốn tự thanh tịnh”, chưa hề bị ô nhiễm; nay có bị ô nhiễm hay không? Chẳng bị ô nhiễm, vĩnh viễn chẳng ô nhiễm, chẳng sanh, chẳng diệt. “Vốn tự trọn đủ”, câu này rất trọng yếu, trong Tịnh Tông gọi tự tánh thanh tịnh viên minh thể là Thường Tịch Quang Tịnh Độ, trong ấy, không có hiện tượng vật chất, mà cũng không có hiện tượng tinh thần, nhưng chẳng thể nói nó là không, vì sao? Vốn tự đầy đủ, thứ gì nó cũng chẳng thiếu, nhưng nó chẳng hiện tiền. Câu nói thứ tư của Huệ Năng đại sư là: “Vốn chẳng lay động”; nói cách khác, nó là định. Sáng hôm qua, đài truyền hình đến phỏng vấn tôi, họ có nói một câu: “Con người hiện thời thường nói ‘nhân định thắng thiên’, phải khai thác, phát triển thiên nhiên”. Nhân định thắng thiên, nói không sai, nhưng hiểu sai ý nghĩa rồi! Nhân định thắng thiên nên giảng như thế nào? Chính là câu thứ tư của Huệ Năng đại sư: “Nào ngờ tự tánh, vốn chẳng lay động”, đó là tự tánh vốn định. Nếu quý vị chứng đắc điều ấy, sẽ “thắng thiên”, thật đấy, chẳng giả tí nào! Chứ chẳng phải là nói con người chúng ta thông minh, trí huệ thì khoa học, kỹ thuật nhất định sẽ có thể chiến thắng thiên nhiên. Đừng nói thiên nhiên, ngay cả địa cầu còn chưa chiến thắng được! Địa cầu vừa chấn động đã chịu không nổi, làm sao quý vị có thể thắng nó? Một đại đô thị có mấy ngàn vạn người sống trong ấy, một trận động đất lớn là xong, mọi người đều biết chuyện này! Chưa thắng được trời! Nhưng tự tánh vốn định, nếu quý vị chứng đắc thì sẽ có thể thắng.

Câu cuối cùng: “Nào ngờ tự tánh, có thể sanh ra vạn pháp”. Câu “có thể sanh ra vạn pháp” và câu “vốn tự trọn đủ” trong phần trước là hai mặt thuận và nghịch. “Vốn tự trọn đủ” là ẩn, Phật pháp gọi đó là ẩn; “có thể sanh ra vạn pháp” là hiển, tức hiện hành. Tự tánh thanh tịnh viên minh thể giống như cái TV nay đang ở trước mặt chúng ta. Thể là gì? Thể là màn hình TV, cái gì cũng đều không có. Nó cái gì cũng đều không có, nhưng quý vị chẳng thể nói nó là không, vì sao? Nhấn nút một cái, hình ảnh sẽ xuất hiện. Hình ảnh xuất hiện, chẳng thể nói là nó có. Quý vị biết chân và vọng, màn hình là chân, hình ảnh là vọng, chân và vọng là nhất thể, vọng há có thể rời khỏi chân ư? Chẳng có cách gì rời khỏi, rời khỏi màn hình, các hình ảnh sẽ chẳng thể hiện ra được! Có chân nào chẳng ở trong vọng? Trong màn hình này, mỗi tấc vuông đều có hình ảnh, nhưng chân là chân, vọng là vọng, chân chẳng phải là vọng, vọng chẳng phải là chân, đúng hay không? Nói cách khác, chân là vọng, vọng là chân, chân và vọng là một, chẳng hai, đúng hay không? Cũng đúng! Quý vị hiểu rõ điều này! Do vậy, đức Phật đã nói: “Thật Tướng ly tướng”. Thật Tướng ly tướng tức là Thật Tướng vô tướng, Thật Tướng vô bất tướng, chúng là cùng một chuyện. Do vậy, xem TV mà biết xem thì sẽ là cảnh giới Hoa Nghiêm! Khi biết xem, có thể ngộ nhập tự tánh thanh tịnh viên minh thể, đấy là thành Phật; nhưng vấn đề là quý vị có hiểu hay không! Vì sao chúng ta không hiểu? Do lúc quý vị đang xem, bèn khởi tâm động niệm, có phân biệt, có chấp trước, cho nên quý vị chấp tướng. Do quý vị chấp tướng, nên chẳng phải là ly tướng, mà là chấp tướng. Chấp tướng là lục đạo phàm phu, trong Phật pháp nói “ly tướng là A La Hán”, chẳng phải là phàm phu! Người đạt được ly tướng sẽ chẳng còn chấp trước hết thảy các hiện tượng; tâm bình đẳng, sẽ vượt thoát lục đạo luân hồi, chứng quả A La Hán. Chẳng phân biệt, quý vị là Bồ Tát. Không khởi tâm, không động niệm, quý vị sẽ thành Phật. Ở đây, điều trọng yếu nhất là dạy chúng ta: Sau khi liễu giải chân tướng sự thật, đừng chấp trước nữa, phải thực hiện từ chỗ này!

Lục đạo xuất hiện như thế nào? Có thể sanh vạn pháp, lục đạo từ đâu mà có? Lục đạo từ chấp trước mà có. Tứ thánh pháp giới do đâu mà có? Phía trên của mười pháp giới là tứ thánh pháp giới, tức Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật, do đâu mà có? Từ phân biệt mà có. Thật sự chẳng khởi tâm, chẳng động niệm thì mười pháp giới cũng không có, mười pháp giới bèn ẩn, chẳng hiển lộ nữa! Nhưng tập khí vô minh từ vô thỉ chưa đoạn, chẳng có cách nào buông tập khí xuống; do còn chưa buông xuống, cho nên còn có một cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Cõi Thật Báo Trang Nghiêm do đâu mà có? Bốn mươi mốt phẩm tập khí vô minh, tập khí trong ấy có dày hay mỏng khác nhau; vì thế, đức Phật chia thành bốn mươi mốt đẳng cấp. Tuy có bốn mươi mốt đẳng cấp, nhưng chẳng trở ngại quý vị mảy may! Vì sao? Quý vị đã không khởi tâm, không động niệm, chẳng cần phải quan tâm tới cái vô minh ấy, lâu ngày, nó sẽ tự nhiên chẳng còn nữa! Phải mất thời gian bao lâu? Kinh nói là ba A-tăng-kỳ kiếp, [tập khí phiền não] sẽ tự nhiên chẳng còn nữa. Sau khi không còn, đó là cõi Thật Báo Trang Nghiêm viên mãn hiện tiền, trở về tự tánh, chứng đắc Phật quả rốt ráo, chuyện là như vậy đó! Nói chung, phải hiểu rõ, minh bạch. Sau khi minh bạch, quý vị mới chịu buông xuống. Nguyên nhân khiến không chịu buông xuống là do chưa hiểu rõ chân tướng sự thật, nên mới có phân biệt, chấp trước. Đây là một chướng ngại rất lớn.

Nếu chẳng thật sự buông xuống, cả đời này, quý vị sẽ làm gì? Phật học, chẳng phải là học Phật. Người Phật học rất nhiều, người thật sự học Phật chẳng mấy! Học Phật là gì? Học Phật là buông xuống. Lúc tôi mới học, Chương Gia đại sư dạy tôi: “Thấy thấu suốt, buông xuống”, bắt đầu làm từ đâu? Thực hiện từ buông xuống. Quý vị có buông xuống được thì mới thật sự có thể thấy thấu suốt. Thấy thấu suốt lại giúp quý vị buông xuống một tầng nữa. Từ Sơ Phát Tâm đến địa vị Như Lai là “thấy thấu suốt bèn buông xuống, buông xuống bèn thấy thấu suốt”; hai phương pháp này giúp đỡ lẫn nhau thành tựu từ Sơ Phát Tâm cho đến địa vị Như Lai. Đến cuối cùng, buông luôn tập khí vô minh xuống, quý vị bèn thành Phật. Đó gọi là học Phật. Nếu chẳng phải dùng phương pháp thấy thấu suốt và buông xuống này, quý vị là Phật học. Phật học và học Phật là hai chuyện [khác hẳn nhau]! Phật học chẳng thể liễu sanh tử, không thể thoát khỏi tam giới; ngay cả niệm Phật vãng sanh vẫn phải buông xuống. Hễ có mảy may lưu luyến thế giới này, sẽ không bỏ xuống được, chẳng thể vãng sanh! Chẳng có thứ gì trên thế gian này có thể mang qua thế giới Cực Lạc được! Do vậy, thật sự cầu vãng sanh thì hết thảy mọi thứ ở nơi đây, thường nói là “thân, tâm, thế giới hết thảy đều buông xuống” thì mới có thể ra đi được!

Khó buông xuống nhất là thân tình, thứ này khó lắm! Phải thật sự thực hiện, thật sự mong liễu sanh tử, thoát tam giới trong một đời này thì phải bắt đầu từ đâu? Trước hết, phải nhạt bớt thân tình, “nhạt bớt” chẳng phải là bất hiếu với cha mẹ! [Nếu bất hiếu] thì quý vị đã phạm lỗi mất rồi! Quý vị phải thật sự thực hiện Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp, tuy thi hành nhưng lại chẳng chấp trước, tâm địa thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. Bên ngoài thực hiện vô cùng chu đáo, đó là gì? Bên ngoài thực hiện vô cùng chu đáo nhằm phổ độ chúng sanh, nêu gương tốt nhất cho người thế gian. Bên trong thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần, đấy là nâng cao linh tánh của chính quý vị, mỗi ngày đều tương ứng với thế giới Cực Lạc, tương ứng với A Di Đà Phật. Quý vị thấy pháp xuất thế gian và pháp thế gian có cùng một Thể, ta xử sự đãi người tiếp vật, sinh sống, làm lụng chẳng khác gì kẻ khác, nhưng đối với người thế gian mà nói thì khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác, hoàn toàn tùy thuận Pháp Tánh, điều này trọng yếu! Luân lý, đạo đức đều do Tánh Đức tự nhiên lưu lộ. Nếu quý vị chấp tướng, chấp tướng sẽ phải tu thiện. Đoạn ác, tu thiện! Chẳng chấp tướng sẽ thành Phật, thành Bồ Tát. Tuy chẳng chấp tướng, nhưng trọn chẳng lìa tướng. Mọi người mỗi ngày đều xem TV, hãy nghĩ tới tỷ dụ của tôi, đối với màn huỳnh quang và sắc tướng hiện trong ấy, quý vị thường nghĩ đến điều ấy, chúng có lìa hay không? Chẳng lìa, chẳng tức. Màn hình là thật, vĩnh viễn chẳng đổi; nhưng tướng cảnh giới trong ấy, tức là tướng được hiện ra sẽ biến đổi trong từng sát-na, chẳng ngưng dứt. Tốc độ biến đổi nhanh như thế nào? Mọi người đều có kiến thức thông thường này, chúng ta hình dung nó [biến đổi trong] từng sát-na, chẳng phải là từng giây một! Nó biến hóa trong từng một phần trăm giây, một phần ngàn giây, một phần vạn giây.

Nhưng vũ trụ là tướng được hiện giống như hình ảnh hiện ra trên màn hình, tốc độ nhanh như thế nào? Di Lặc Bồ Tát cho chúng ta biết trong một giây biến hóa bao nhiêu lần? Một ngàn hai trăm tám mươi triệu lần. Nguyên văn trong kinh điển là: Trong một cái khảy ngón tay, có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm. Trong một cái khảy ngón tay có bao nhiêu? Ba mươi hai ức trăm ngàn niệm. Trăm ngàn là mười vạn, ba mươi hai ức nhân với mười vạn là ba trăm hai mươi triệu, trong một khảy ngón tay có ba trăm hai mươi triệu. Chúng ta khảy ngón tay [thì trong một giây] có thể khảy bốn lần, tôi tin có người còn khảy ngón tay nhanh hơn tôi. Khảy tới năm lần, sẽ là một ngàn sáu trăm triệu, trong một giây, chứ không phải là một phần vạn hay một phần mười vạn giây, chẳng phải! Biến hóa ở trong ấy, cứ một niệm là một tướng được hiện; niệm trước vừa diệt, niệm sau lại sanh. Do vậy, chúng ta thấy những hiện tượng này, sự thật là gì? Là “tương tự tương tục tướng” (tướng gần như liên tục), chúng chẳng phải là thật sự liên tục, mà là tương tự liên tục. Chúng biến hóa, nghe theo ai chỉ huy? Trong kinh, đức Phật đã dạy: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”, tâm tưởng chỉ huy chúng (các hiện tượng ấy). Tâm tưởng thiện thì các tướng được hiện sẽ là lành. Tâm tưởng ác, tướng được hiện là ác. Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng! Chúng ta mong bản thân tướng mạo đẹp đẽ, thân thể khỏe mạnh, quý vị nghĩ đến điều lành cho nhiều bèn đạt được! Bởi lẽ, tâm thái quyết định tướng mạo và sức khỏe của chúng ta. Tâm thái, chứ chẳng phải thứ gì khác!

Hoàn cảnh sống của chúng ta tốt hay xấu cũng tùy thuộc vào tâm thái. Nếu mỗi cá nhân trong các cư dân trên địa cầu đều nghĩ tới Thập Thiện Nghiệp Đạo, địa cầu này sẽ chẳng khác gì thế giới Cực Lạc. Vì sao? Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói vì sao Tây Phương Cực Lạc thế giới tốt đẹp như vậy? Toàn là những người thượng thiện nhóm họp một chỗ, cư dân bên đó nghĩ tưởng những điều thượng thiện, nói những lời thượng thiện, làm những chuyện thượng thiện, nguyên nhân là như vậy đó! Hiện thời, địa cầu của chúng ta rắc rối quá, hiện nay chẳng nói đến tai nạn cũng không được, tai nạn nhiều quá! Hôm qua, đài Phượng Hoàng phỏng tôi với chủ đề là “tai nạn”, trước nay chưa hề thảo luận vấn đề này. Tôi cũng bảo họ, năm nay trong cuộc phỏng vấn năm tôn giáo tại Úc, trong quá khứ, khi gặp gỡ giữa các tôn giáo, chúng tôi cũng chưa hề bàn đến tai nạn. Khi tham dự phỏng vấn lần này, mọi người lấy tai nạn làm chủ đề hội thảo, có thể thấy rất nhiều người đã khá coi trọng vấn đề này. Tai nạn do đâu xảy ra? Đức Phật đã dạy: Trước hết là do cái tâm của quý vị. Tâm quý vị xấu xa, trong tâm có tham, sân, si, mạn, nghi, chúng được gọi là Ngũ Độc. Quý vị thấy trong tâm của chính mình có Ngũ Độc. Cảnh giới vừa hiện tiền, nhất định sẽ khiến quý vị phản ứng, từ Ngũ Độc nẩy sanh phản ứng gì? Oán hận, áo não, giận dữ, phiền muộn, thôi rồi, thân thể quý vị sẽ đổ bệnh, ngã bệnh, quý vị bệnh là do vậy. Chúng ta thường gọi chất độc bên trong là “tam độc phiền não”, tức là tham, sân, si, còn thêm vào hai thứ nữa, thành tham, sân, si, mạn, nghi Ngũ Độc. Năm thứ này kết hợp với năm duyên “oán, hận, não, nộ, phiền”, tế bào của chúng ta lập tức biến thành tế bào bị bệnh, nó biến hóa, thay đổi, đó là nguyên nhân khiến quý vị nhiễm bệnh. Phải như thế nào mới không bị bệnh? Đức Phật đã dạy chúng ta một câu, quý vị thật sự ghi nhớ, thật sự thực hiện thì bách bệnh chẳng sanh. Đức Phật dạy quý vị điều gì vậy? “Siêng tu Giới, Định, Huệ, dứt diệt tham, sân, si”, hóa giải virus gây bệnh từ trong tâm mình, sẽ vĩnh viễn chẳng sanh bệnh. Bởi lẽ, tâm thái quyết định hết thảy, đạo lý này tương thông với y học Trung Quốc. Y học Trung Quốc bảo: Chữa bệnh thì tác dụng trị liệu của thuốc men tối đa chỉ chiếm ba phần, bảy phần là tâm thái. Hễ tâm thái chuyển biến, có lúc căn bản là không cần tới thuốc thang, tự nhiên lành bệnh, điều này chẳng có gì hiếm lạ, mà có căn cứ lý luận, ai nấy đều làm được. Vì thế, tâm con người phải tốt đẹp!

Tổ tiên Trung Quốc dạy con người, tôi nghĩ tổ tiên Trung Quốc đều là chư Phật, Bồ Tát tái lai, chẳng phải là phàm nhân. Thuở tôi còn trẻ, học Phật, thỉnh ý thầy Lý: “Cổ thánh tiên hiền của Trung Quốc như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn Vương, Võ Vương, Châu Công, Khổng Tử, Mạnh Tử có phải là Phật, Bồ Tát tái lai, hóa thân tại Trung Quốc hay chăng? Họ nên dùng tư cách thánh hiền để độ người, bèn hiện thân thánh hiền để nói pháp”. Tôi thỉnh ý thầy, thầy đáp: “Nói theo Lý thì hợp lẽ, nhưng trên mặt Sự chẳng có chứng cứ”. Cụ nói hay quá! Các Ngài lại chẳng bộc lộ thân phận, chẳng nói mình là Bồ Tát nào tái lai, chẳng hề nói! Nói theo Lý thì thông suốt, vì trong giáo pháp Đại Thừa thường nói “nên dùng thân gì để độ được, bèn hiện thân ấy”, chúng ta phải hiểu điều này! Thật sự hiểu rõ, minh bạch, quý vị sẽ thật sự làm, đoạn hết thảy ác, buông hết thảy ác xuống, tu hết thảy thiện. Tu hết thảy thiện, đừng chấp tướng; chẳng chấp tướng thì sẽ khai ngộ, sẽ kiến tánh, sẽ đắc định, đắc tam-muội, sẽ khai ngộ, sẽ chứng quả. Chấp tướng thì sao? Chấp tướng thì là thiện pháp nhân thiên, quả báo ở trong nhân thiên, chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi. Đoạn ác nhưng chẳng chấp vào tướng đoạn ác, tu thiện nhưng chẳng chấp tướng tu thiện, ly tướng, lìa hết thảy các tướng hư vọng, làm như vậy là đúng, đó là thật sự học Phật. Chúng ta lại xem câu kế tiếp: “Hựu Thật Tướng vô bất tướng, phi ngoan không dữ đoạn diệt” (Lại nữa, Thật Tướng chẳng phải là không có tướng, chẳng phải là hư không trơ trơ và đoạn diệt). Chúng ta vẫn lấy màn hình TV làm tỷ dụ, Thật Tướng là gì? Thật Tướng giống như màn hình TV, đó là Thật Tướng. Thật Tướng vô bất tướng, “vô bất tướng” là có tướng, đúng vậy! Ta vừa mở máy liền có tướng, chẳng phải là vô tướng, mà là có tướng; tuy có tướng, nó vẫn là Thật Tướng. Tôi vừa mới nói rất rõ ràng, Thật Tướng và vọng tướng dung hợp lại, tuy là hai chuyện, nhưng chẳng thể phân biệt! Quý vị chẳng thể phân biệt cái nào là vọng tướng, cái nào là Thật Tướng, không thể phân biệt! Vọng tướng là Thật Tướng, Thật Tướng là vọng tướng; nhưng Thật Tướng và vọng tướng đúng là khác nhau. Chúng ở cùng một chỗ, vĩnh viễn chẳng tách rời, cũng có thể nói là tất cả hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần trong khắp pháp giới hư không giới đều do Thật Tướng biến hiện, toàn là tự tánh. Chân Như tự tánh ở đâu? Không có một pháp nào chẳng phải [là Chân Như tự tánh]. Ta lấy cái này, nó có phải là Chân Như tự tánh hay không? Phải! Lẽ nào chẳng phải? Thứ nào cũng đều phải, bản thể của chúng là Chân Như tự tánh. Tùy tiện lấy một pháp nào, cũng đều là Chân Như tự tánh. Người kiến tánh và kẻ chưa kiến tánh có gì khác nhau? Khác nhau ở chỗ kẻ chưa kiến tánh chấp trước, phân biệt; người kiến tánh chẳng chấp trước, chẳng phân biệt. Kẻ chưa kiến tánh tâm lượng rất nhỏ, thứ gì cũng đều so đo. Người kiến tánh tâm lượng to như hư không pháp giới, tâm bao thái hư, lượng trọn khắp các cõi nước nhiều như cát, người ấy chẳng so đo, chẳng chấp trước. Khác hẳn! Người kiến tánh pháp hỷ sung mãn, sung sướng; kẻ chưa kiến tánh phiền não trùng trùng, cuộc sống rất khổ, làm sao giống nhau cho được? Người kiến tánh thấy thấu suốt, người chưa kiến tánh chẳng thấy thấu suốt. Do vậy, Thật Tướng chẳng phải là ngoan không, ngoan không là gì? Là nói tới hư không, cái gì cũng đều không có. Màn hình này chẳng phải là cái gì cũng đều không có, nó có, mở máy lên sẽ có thể hiện tướng. Cũng không phải là đoạn diệt, đoạn diệt là gì? Là trừ bỏ tướng này, đó là đoạn diệt! Có thể đoạn diệt hay không? Chẳng đoạn diệt được! Chẳng trừ khử được!

Do vậy, “phi như quy mao, thố giác” (chẳng giống như lông rùa, sừng thỏ), rùa không có lông, thỏ chẳng có sừng, đó là gì? Đây là một tỷ dụ về ngoan không, đoạn diệt, [Thật Tướng có] ý nghĩa khác hẳn những thứ này. “Nhất thiết hư vô” (hết thảy hư vô), nó chẳng phải là hết thảy đều hư vô, mà là thật sự có, nhưng “thật sự có” là có tướng, nhưng tướng ấy chắc chắn là giả tướng, chẳng thật! Đây là từ một Thể phát khởi hai tác dụng, hai tác dụng bèn hiện tướng, đó là giả tướng. Hai tác dụng thì thứ nhất là y báo, tức là vũ trụ, trọn khắp pháp giới hư không giới. Chúng ta đọc phẩm Hoa Tạng Thế Giới và Thế Giới Thành Tựu của kinh Hoa Nghiêm, quý vị thấy những điều được giảng trong hai phẩm ấy chính là vũ trụ quan của Đại Thừa Phật pháp, giảng cặn kẽ hơn triết học hiện tại. [Vũ trụ quan theo cách diễn giải của] các khoa học gia và triết gia hiện thời đều thua kém thế giới Hoa Tạng quá xa! [Vũ trụ quan theo] kinh Hoa Nghiêm là trùng trùng vô tận, khoa học lẫn triết học vẫn chưa nói tới điều này. Những điều kinh Phật giảng là sự thật ư? Thật đấy, chẳng sai chạy chút nào! Trong vi trần có thế giới, thế giới ấy giống hệt như vũ trụ của chúng ta, chẳng sai khác! Trong vi trần có thế giới, trong thế giới đó lại có vi trần, trong vi trần lại có thế giới, trùng trùng vô tận! Do vậy, nói: “Kỳ đại vô ngoại, kỳ tiểu vô nội” (cái lớn không ra ngoài, cái nhỏ không ở trong), thật đấy! Vì tự tánh là viên mãn, không có lớn nhỏ, chẳng có trước sau. Không có trước sau là không có thời gian; không có lớn nhỏ là chẳng có không gian. Thời gian và không gian cũng chẳng tồn tại, đấy là thuộc về Thường Tịch Quang. Thường Tịch Quang ở đâu? Trọn khắp hết thảy các nơi, không lúc nào, không chỗ nào nó chẳng tồn tại, vì nó có thể biến, [tức là] có thể sanh, có thể biến (năng sanh, năng biến); vũ trụ vạn vật là sở sanh sở biến (cái được sanh ra, cái được biến ra). Năng và Sở là một, chẳng hai!

Vì thế, xưa kia tiên sinh Âu Dương Cánh Vô đã nói: “Phật pháp chẳng phải là triết học”. Ông ta nói cũng rất có lý, vì sao? Trong triết học có Năng và Sở (chủ thể và khách thể), tuy Phật pháp nói đến Năng và Sở, nhưng Năng và Sở là một, chẳng hai, Năng Sở bất nhị. Trong triết học chẳng có cách nói này! Do vậy, ông ta nói: “Phật pháp chẳng phải là triết học, cũng chẳng phải là tôn giáo, mà là thứ cần thiết cho đời hiện tại”. Thế giới hiện thời chẳng thể thiếu Phật giáo, quả thật Phật giáo có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề xã hội, dùng Đại Thừa Phật pháp để giải quyết vấn đề xã hội hiện thời. Do hiện thời xã hội loạn lạc, trên địa cầu tai nạn rất nhiều, thật sự dùng Đại Thừa Phật pháp, dùng kinh Vô Lượng Thọ, dùng kinh Hoa Nghiêm để giải quyết vấn đề hiện tại, cần bao lâu? Chưa đầy một năm, xã hội an định, tai nạn chẳng còn nữa! Thật đấy, chẳng giả đâu! Quý vị không tin thì chẳng có cách nào hết, chẳng tin tưởng mà! Cổ nhân Trung Quốc có nói một câu: “Bất thính lão nhân ngôn, ngật khuy tại nhãn tiền” (Chẳng nghe lời người già, bị thua thiệt ngay trước mắt). Quý vị phải hứng chịu những sự hỗn loạn trước mắt, tất cả những tai biến trên địa cầu quý vị cũng phải hứng chịu vì quý vị không nghe lời người già. Người già là ai vậy? Thích Ca Mâu Ni Phật là người già, Khổng Tử, Mạnh Tử là người già, Gia Tô (Jesus), Mục Hãn Mặc Đức (Mohamed) đều là người già, quý vị chẳng nghe lời các vị ấy, sẽ chịu thiệt thòi to lớn.

Tiếp đó, Hoàng lão cư sĩ dẫn một câu trong kinh Kim Cang để nói: “Kim Cang kinh vân: – Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai” (kinh Kim Cang nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng thì chính là thấy Như Lai”). Như Lai là tự tánh viên minh thể, quý vị có thể thấy “chư tướng phi tướng” sẽ kiến tánh, “tức kiến Như Lai” là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Quý vị có thể thấy “chư tướng phi tướng” thì hết thảy các hiện tượng là gì? Tôi vừa mới nói, chúng sanh diệt trong từng sát-na, là tương tự tương tục tướng, không có gì là thật, kể cả thân thể của chúng ta, [vậy thì] quý vị có còn chấp trước nữa chăng? Quý vị có còn dấy lên ý niệm muốn khống chế, muốn chiếm hữu hay chăng? Vì sao sẽ không khởi lên những ý niệm này? Vì chúng là Không. “Đương thể tức không, liễu bất khả đắc” (bản thể là không, trọn chẳng thể được). Thuở trẻ, tôi có xem bộ kinh Đại Bát Nhã sáu trăm quyển một lần, tôi tổng kết được mười hai chữ, những điều do Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng trong hai mươi hai năm là gì? Ngài dạy chúng ta: “Nhất thiết pháp, vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc” (hết thảy các pháp vô sở hữu, rốt ráo không, chẳng thể được). Quý vị thật sự hiểu [mười hai chữ ấy] sẽ không chỉ chẳng khởi lên ý niệm khống chế, chiếm hữu hết thảy cảnh giới bên ngoài, mà đối với thân tâm của chính mình cũng chẳng có ý niệm ấy. Thân, tâm, thế giới đều là huyễn tướng, đều là phi tướng. Vạn pháp đều là Không, thưa quý vị, nói đến cuối cùng, thật sự minh tâm kiến tánh thì nhân quả cũng là không.

Nhưng trong Phật pháp nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không” (vạn pháp đều là không, nhân quả chẳng không) là nói với ai? Nói với kẻ chưa kiến tánh. Chỉ cần quý vị chưa kiến tánh, sẽ có nhân, có quả; kiến tánh rồi bèn không có. Kiến tánh là gì? [Kiến tánh là] quý vị đã thấy Như Lai; “thấy Như Lai” là gì? Quý vị thành Như Lai! Cũng là như trong Hoa Nghiêm thường giảng, những gì có nhân quả? Mười pháp giới chẳng lìa nhân quả; Phật trong mười pháp giới vẫn chẳng lìa nhân quả, vì sao? Ngài chưa thể chuyển thức thành trí. Khi nào Ngài tiến cao hơn, chuyển tám thức thành bốn trí, sẽ chẳng còn nhân quả. Thật ra, chúng ta nói tới nhân quả báo ứng thì chỉ thuộc trong mười pháp giới; Phật pháp giới trong mười pháp giới hễ tiến cao hơn sẽ chẳng còn [nhân quả] nữa! Tiến cao hơn chính là cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai. Nếu chúng ta hỏi: Trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm còn có nhân quả hay không? Có! Vì sao mà có? Do tập khí vô minh từ vô thỉ chưa đoạn cho nên người trong cõi ấy (Thật Báo Trang Nghiêm) có [nhân quả]. Họ còn có bốn mươi mốt phẩm vô minh, “vô minh” ấy chính là tập khí vô minh! Nói rành rẽ sẽ là bốn mươi mốt phẩm tập khí vô minh. Vô minh đã đoạn rồi, vì nếu chưa đoạn vô minh, sẽ không thoát khỏi mười pháp giới; do vô minh đã đoạn, mười pháp giới chẳng còn nữa, nhưng tập khí vô minh vẫn còn. Do vậy, còn có cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Sau khi đoạn được tập khí, cõi Thật Báo chẳng còn, hoàn toàn trở về tự tánh. Trở về tự tánh thì nhân quả chẳng còn nữa, thật sự chẳng có!

Do vậy, chúng ta hiểu vạn vật: Đối với cái có thể sanh ra vạn vật thì cái nhân có thể sanh [vạn vật] chính là “một niệm bất giác”, đó là nhân. Ý niệm ấy dấy lên, dao động vô cùng vi tế, chúng ta chẳng có cách gì nhận biết được! Không riêng mình chúng ta chẳng có cách nào nhận biết, mà kinh còn nói: Thất Địa Bồ Tát cũng chẳng cảm nhận được, từ Bát Địa trở lên mới có thể cảm nhận. Bậc Bát Địa trong Viên Giáo nhận biết. Bát Địa, Cửu Địa, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác, năm địa vị này đều biết. Do vậy, [một niệm bất giác ấy] gọi là vô thỉ vô minh. Hai chữ “vô thỉ” hay lắm, vô thỉ nghĩa là gì? Vô minh cũng chẳng thật; do vậy, quý vị chớ nên nghĩ cõi Thật Báo Trang Nghiêm là thật, chẳng có chuyện này! Cõi Thật Báo Trang Nghiêm cũng chẳng thật! “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Đức Phật chẳng nói cõi Thật Báo Trang Nghiêm là ngoại lệ, chẳng nói như vậy! Vì thế, ngay cả cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai cũng là hư vọng; bất quá, trong ấy chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, mà cũng chẳng có khởi tâm động niệm, đúng là lợi hại! Các Ngài có năng lực cảm ứng đạo giao cùng hết thảy chúng sanh trong mười pháp giới. Đừng tưởng chúng ta khởi tâm, động niệm chẳng ai biết! [Nếu nghĩ như vậy], quý vị đã lầm lẫn quá đỗi! Quý vị nhìn vào duyên khởi của vũ trụ và tác dụng của nó: Một niệm dấy lên, trong tự tánh liền biến hiện A Lại Da. A Lại Da là vọng tâm, vọng từ chân khởi, nó chẳng phải là chân, nhưng nó nương vào chân để khởi lên. Giống như những hình ảnh trong cái màn hình, màn hình không có hình ảnh, nhưng hình ảnh nương vào màn hình để hiển hiện. Không có màn hình, chúng chẳng hiện ra được. Nó là tướng được biến hiện do nương vào tự tánh, đấy là y báo. Chánh báo là chính mình. Chính mình và cảnh giới khởi lên cùng lúc, đó gọi là ba tế tướng của A Lại Da, ba tế tướng hoàn thành trong một niệm.

Nói như các nhà khoa học hiện thời, Nghiệp Tướng là năng lượng. Năng lượng có thể biến thành tinh thần, mà cũng có thể biến thành vật chất. Biến thành tinh thần là thức thứ bảy, biến thành vật chất thì là Tướng Phần. Chúng ta nói Kiến Phần và Tướng Phần cho dễ hiểu, thì Kiến Phần là tinh thần, Tướng Phần là vật chất; nó cũng là Cảnh Giới Tướng. Tinh thần là Chuyển Tướng và Kiến Tướng, nó thật sự chuyển biến. Cái vốn có trong tự tánh là kiến văn giác tri (thấy, nghe, hay, biết), những điều này vốn sẵn có. “Nào ngờ tự tánh vốn tự trọn đủ”, nó có kiến văn giác tri. Trong A Lại Da, kiến văn giác tri biến thành Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Do đâu mà có Thọ, Tưởng, Hành, Thức? Từ kiến văn giác tri biến hiện ra. Nếu quý vị đã chuyển thức thành trí, Thọ, Tưởng, Hành, Thức chẳng còn nữa, chúng lại hồi phục thành kiến văn giác tri. Thường Tịch Quang có khởi tác dụng hay chăng? Khởi tác dụng. Vì sao? Nó có kiến văn giác tri. Do vậy, Thường Tịch Quang cảm ứng đạo giao cùng hết thảy chúng sanh. Chúng sanh cầu Phật, Thường Tịch Quang sẽ thật sự khởi cảm ứng. Kinh dạy có bốn loại cảm ứng, trong khi giảng kinh Hoa Nghiêm, chúng tôi đã giảng rất rõ ràng: Hiển cảm hiển ứng (cảm lẫn ứng đều rõ rệt), hiển cảm minh ứng (cảm rõ rệt, ứng ngấm ngầm), minh cảm hiển ứng (cảm ngấm ngầm, ứng rõ rệt), và minh cảm minh ứng (cảm lẫn ứng đều ngấm ngầm), bốn loại! Thật sự có cảm ứng, nhưng chúng ta vô tâm sơ ý, chẳng cảm nhận được. Niệm niệm đều có cảm ứng, do vậy, Phật chẳng hề rời khỏi chúng ta, mười phương ba đời chư Phật chẳng hề rời khỏi. Phật là gì? Phật là tự tánh, [nói đến sự cảm ứng đạo giao tức là nói đến] đức năng trong tự tánh.

Hiền Thủ quốc sư đã dựa theo kinh Hoa Nghiêm để soạn luận; bài luận văn Hoàn Nguyên Quán là một tác phẩm dựa theo giáo nghĩa của kinh Hoa Nghiêm để viết. Quý vị thấy khi nó (tự tánh) khởi tác dụng, bất luận là tinh thần hay vật chất, đều có tác dụng trọn khắp pháp giới, tốc độ ấy vô cùng nhanh. Ý niệm vừa dấy lên đã trọn khắp pháp giới vô cùng nhanh, nhanh hơn ánh sáng, nhanh hơn dòng điện. Ánh sáng và điện chẳng thể trọn khắp pháp giới, thua kém quá xa! Lẽ nào nó chẳng có cảm ứng? Điều thứ hai [trong sách Hoàn Nguyên Quán] là nói: “Xuất sanh vô tận”. Xuất sanh là biến hóa, biến hóa vô cùng. Điều thứ ba là “hàm dung Không và Có”. Nếu chúng ta hiểu được chân tướng sự thật này, mới biết: Ý niệm không chỉ là chủ tể của thân thể, tướng mạo, và sức khỏe của chúng ta, không chỉ chủ tể những thứ ấy, mà còn là chủ tể của địa cầu, núi, sông, đại địa, chủ tể trọn khắp pháp giới hư không giới, chủ tể các tinh hệ trong hư không khiến chúng vận hành theo đúng quỹ đạo và quy luật. Vũ trụ do ai sáng tạo? Do ý niệm sáng tạo, ý niệm lợi hại lắm. Nếu ý niệm hơi bất chánh, quý vị sẽ gặp nhiều tai ương, lắm bệnh hoạn, lắm nỗi ưu sầu, nhiều nỗi lo toan, cuộc sống rất nhọc nhằn! Nếu ý niệm trở về chánh đạo, sẽ là cuộc sống đúng mực trong cõi trời người, đúng là hạnh phúc viên mãn trong đường trời người; nhưng chớ nên lưu luyến nhân thiên đạo. Lưu luyến nhân thiên đạo sẽ chẳng tránh khỏi tạo tội nghiệp. Tạo tội nghiệp thì hễ biến hóa sẽ lại biến thành ngạ quỷ, địa ngục, thảy đều do ý niệm của quý vị biến ra, chẳng có gì do bên ngoài đưa tới. Ngoài tâm chẳng có pháp, ngoài pháp chẳng có tâm!

Cụ Hoàng nói bốn câu ấy trong kinh Kim Cang: “Ý vị tức tướng ly tướng, ly tận hư vọng chi tướng” (Có nghĩa là: Từ ngay nơi tướng mà lìa tướng, lìa hết sạch các tướng hư vọng). Câu này nên giảng như thế nào? Lìa hết sạch các tướng hư vọng, cội rễ của tướng hư vọng là tam tế lục thô trong A Lại Da. Trừ bỏ tam tế lục thô, quý vị sẽ buông xuống các tướng hư vọng. Thảy đều buông xuống, chẳng còn phân biệt, chẳng còn chấp trước, thậm chí chẳng còn khởi tâm động niệm nữa. “Tức kiến Thật Tướng” (liền thấy Thật Tướng), [tức là] quý vị sẽ thấy tự tánh thanh tịnh viên minh thể. Quý vị hãy nhớ: Chúng ta mắt thấy, tai nghe, sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, quý vị sẽ thấy tự tánh thanh tịnh viên minh thể. “Cố vân tức kiến Như Lai” (nên nói: Liền thấy Như Lai). Chúc mừng quý vị, quý vị đã viên mãn thành tựu rốt ráo, thành tựu Pháp Thân Như Lai. “Thử chỉ Pháp Thân Như Lai dã. Pháp Thân Như Lai ly nhất thiết tướng, cố vân Thật Tướng vô tướng” (đây là nói về Pháp Thân Như Lai. Pháp Thân Như Lai lìa hết thảy tướng, nên nói Thật Tướng vô tướng). Vô tướng là thể tánh, giống như tỷ dụ màn hình mà chúng tôi đã nêu: Màn hình là Thật Tướng, quả thật chẳng có hết thảy các tướng. Hết thảy các huyễn tướng hiển hiện trong ấy, nhưng nó (màn hình) chẳng tiêm nhiễm mảy may, chẳng bị trở ngại mảy may! Nói cách khác, về căn bản là [những huyễn tướng ấy] chẳng liên quan gì với nó! Phải hiểu ý nghĩa này: Chúng ta đã thành Phật, ta đã thành Phật, nhưng còn có rất nhiều người còn chưa thành Phật, mặt gương của ta (Đại Viên Kính Trí) thanh sạch, những kẻ chưa thành Phật ấy hiển hiện tướng trong tâm ta, có nhiễm bẩn cái màn hình ấy hay chăng? Chẳng nhiễm! Tuy ta thành Phật, nhưng những kẻ chưa thành Phật ấy chẳng hề nhiễm bẩn chúng ta mảy may nào! Cùng sống một chỗ như nhau, [mà Phật, Bồ Tát] sung sướng; còn họ (kẻ chưa thành Phật) đang tạo nghiệp. Phật, Bồ Tát thì sao? Phật, Bồ Tát giúp họ giác ngộ, giúp họ quay đầu để họ giống như chính mình. Vì thế, học Phật mà chẳng phát Bồ Đề tâm, chẳng phát tâm độ chúng sanh, sẽ chẳng thể thành! Vì sao quý vị chẳng phát tâm? Chẳng phát là vì quý vị chưa buông xuống. Chưa buông chính mình xuống thì còn làm sao được nữa? Quý vị còn có cái Ta, còn chấp trước, còn có thành kiến, quý vị là phàm phu chính cống. Vì thế, chướng ngại do đâu mà có? Do chính mình mà có! Trừ chính mình ra, chướng ngại gì cũng không có. Hễ quý vị một niệm giác ngộ, chướng ngại chẳng còn nữa. Khi mê, chướng ngại trùng trùng.

“Đản phi vô Pháp Thân, cố vân Thật Tướng vô bất tướng” (nhưng chẳng phải là không có Pháp Thân, nên nói Thật Tướng chẳng phải là không có tướng). Vô bất tướng là tác dụng của Thật Tướng. Nếu Ngài đến nhân gian độ các chúng sanh, có phải hiện tướng hay không? Phải hiện! Phải hiện thì là vô bất tướng (chẳng phải là không có tướng). Thích Ca Mâu Ni Phật hiện tướng; nếu Ngài chẳng hiện tướng sẽ chẳng thể giảng kinh, thuyết pháp, chẳng thể giúp đỡ chúng ta. Tuy Ngài hiện tướng, nhưng tướng được hiện là tướng giác ngộ, chẳng phải là tướng mê hoặc. Tướng mê hoặc tạo nghiệp, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác thảy đều tạo nghiệp, tạo nghiệp gì vậy? Tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi. Tạo thiện nghiệp sanh trong tam thiện đạo, tạo ác nghiệp sanh trong tam ác đạo, quyết định không thoát khỏi lục đạo luân hồi. Lúc thị hiện, Ngài chẳng tạo thiện mà cũng không tạo ác, chúng ta gán cho điều này cái tên là “tịnh nghiệp”, do thanh tịnh nên gọi là tịnh nghiệp. Do Ngài thị hiện tướng này, hằng ngày khởi tác dụng, nhưng chẳng dính dáng tới lục đạo. Không chỉ chẳng dính dáng tới lục đạo, mà mười pháp giới cũng chẳng liên can. Nếu Ngài chưa đoạn hết vô thỉ vô minh thì vẫn trụ trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Đoạn hết vô thỉ vô minh tập khí, sẽ trụ trong cõi Thường Tịch Quang. Không sao cả! Vạn pháp là nhất thể, phải biết điều này. Vì sao có thể cảm ứng đạo giao cùng hết thảy chúng sanh? Phật độ kẻ hữu duyên, nói theo nghĩa rộng, hết thảy chúng sanh và Phật là nhất thể, có chúng sanh nào chẳng có duyên với Phật? Thảy đều có duyên, nhất thể mà! Làm sao có thể chẳng có duyên cho được? Hết thảy y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều do tự tánh biến hiện, lẽ nào chúng chẳng có duyên với tự tánh? Đâu có đạo lý ấy!

Phật độ kẻ hữu duyên, đó là gì? Duyên chín muồi, chính là nói về điều này. Duyên chưa chín, Phật tới độ kẻ ấy, hắn sẽ chẳng nghe, chẳng bằng lòng tiếp nhận, đó gọi là “vô duyên”, chứ chẳng phải là thật sự vô duyên! Do vậy, khi chúng ta nghe câu này phải biết nghe, đừng nhụt chí! Nghe xong, kẻ ấy có thể tin, hiểu, thật sự hành, đó là duyên đã chín muồi! Người như vậy chắc chắn đắc độ trong một đời này; Phật, Bồ Tát giúp đỡ, dạy bảo, hướng dẫn kẻ ấy, kẻ ấy nhất định xuất ly tam giới, thoát ly lục đạo luân hồi, đấy là gì? Chúng sanh căn cơ chín muồi. Gặp pháp môn Tịnh Độ, kẻ ấy đời này thật sự niệm Phật vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, cũng là viên mãn đắc độ. Loại kém hơn là những kẻ nghe xong cũng rất hiểu, nhưng ngũ dục lục trần trong thế gian này không bỏ xuống được, vẫn còn tham luyến, kẻ ấy đoạn ác tu thiện, đời sau hưởng phước báo nhân thiên. Kẻ ấy cũng tin tưởng Phật pháp, nhưng duyên chưa chín muồi. Đối với những kẻ này, Phật, Bồ Tát giúp họ tiến lên; vì thế, gặp Phật, Bồ Tát họ cũng được lợi lạc, chắc chắn không bị tổn thất gì. [Đối với kẻ] phiền não tập khí nặng nề, chướng duyên sâu đậm, Phật, Bồ Tát gieo chủng tử trong A Lại Da thức của kẻ ấy, [khiến cho kẻ ấy] thấy sắc, nghe tiếng, [tức là] thấy hình tượng Phật, nghe âm thanh thuyết pháp của đức Phật, một phen thoảng qua tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo, [tạo thành] chủng tử trong A Lại Da. Cơ hội này cũng chẳng nhiều, trên cả thế giới bao nhiêu người suốt đời chẳng có duyên này, chẳng thấy tượng Phật, chẳng nghe âm thanh của Phật, rất nhiều! Phật chẳng lìa bỏ chúng sanh, nhưng chúng sanh chẳng muốn, mê man trong ngũ dục lục trần, mê quá sâu, không quay đầu được, tuy gặp gỡ những nhân duyên này, họ vẫn tránh né. Chúng ta biết họ vẫn phải chịu khổ trong lục đạo, còn có rất nhiều nỗi khổ họ phải gánh chịu. Chịu xong các nỗi khổ, khổ tận cam lai, chịu hết khổ rồi họ mới quay đầu, mới có ý niệm mong được siêu độ.

Câu kế tiếp nói rất hay: “Sanh diệt chi pháp, toàn thuộc hư vọng, đản sanh diệt chi trung, hữu cá bất sanh bất diệt đích” (Pháp sanh diệt hoàn toàn thuộc về hư vọng, nhưng trong sanh diệt có cái chẳng sanh, chẳng diệt). Phải biết: Trong sanh diệt có cái chẳng sanh diệt, cái “chẳng sanh diệt” là gì vậy? Là tự tánh. Tự tánh là như thế nào, nó có hình dạng ư? Có! Kiến văn giác tri (thấy, nghe, hay, biết). Trong hội Lăng Nghiêm, Thích Ca Mâu Ni Phật đã bảo vua Ba Tư Nặc: “Nhục thân này của bệ hạ là sanh diệt; nhưng trong nhục thân ấy có cái chẳng sanh diệt. Cái chẳng sanh chẳng diệt chính là cái Ngã thật sự”. Vua hỏi: Nó ở đâu? Đức Phật dạy: “Tánh Thấy”. Chư vị phải biết: Nhãn Thức có sanh diệt, tánh Thấy chẳng sanh diệt. Đức Phật hỏi nhà vua: “Bệ hạ thấy nước sông Hằng lần đầu vào lúc mấy tuổi?” Vua suy nghĩ: Lúc ba tuổi, mẹ dẫn vua đến bên sông Hằng, biết con sông ấy tên là Hằng Hà, vua thấy nước sông Hằng. Sau đấy, đức Phật lại hỏi vua: “Lúc bệ hạ mười tuổi, có cảm thấy thân thể già suy hơn lúc ba tuổi hay chăng?” “Đúng vậy!” Lúc hai mươi tuổi thì sao? Hai mươi tuổi lại già suy hơn mười tuổi. Bị già suy thì là sanh diệt. Năm nay bệ hạ bao nhiêu tuổi? Sáu mươi hai tuổi! Vua Ba Tư Nặc và Thích Ca Mâu Ni Phật cùng tuổi, sáu mươi hai tuổi. Đức Phật nói: “Khi nhà vua sáu mươi hai tuổi nhìn sông Hằng thì cái thấy ấy có biến đổi hay không?” Vua thưa: Thấy chẳng thay đổi! [Đức Phật dạy]: Chẳng biến thì là thật. Thân thể biến đổi, mỗi năm phải già đi, đó là giả, là sanh diệt. Do vậy, trong cái thân sanh diệt có tánh chẳng sanh diệt. Tánh Thấy chẳng sanh, chẳng diệt, tánh Nghe chẳng sanh, chẳng diệt. Tuổi già mắt hoa, đó là gì? Đó là công cụ có vấn đề, chẳng phải là tánh Thấy có vấn đề. Quý vị mang kiếng vào sẽ lại [nhìn] bình thường; do vậy, Nhãn Thức là sanh diệt, [điều này] chứng tỏ tánh Thấy chẳng sanh diệt, tánh Nghe chẳng sanh diệt. Nhãn Thức là gì? Sau khi quý vị thấy, bèn phân biệt, chấp trước, đó là do thức thứ sáu, tức Ý Thức, và thức thứ bảy thao túng ở phía sau. Ý Thức, tức thức thứ sáu, phân biệt, thức thứ bảy chấp trước, chúng thao túng quý vị. Nhưng nói tới kiến văn giác tri thì chúng chẳng hề liên quan gì đến thức thứ sáu và thứ bảy. Do vậy, trong sanh diệt có cái chẳng sanh diệt. Chẳng sanh chẳng diệt gọi là Pháp Thân, hay Pháp Tánh. Do vậy, phải quý trọng, nhờ cái thân giả này để tu những thứ chân thật, [đó gọi là] “tá giả tu chân”. Giả là thân, tức căn thân có lục căn, chân là gì? Chân là chân tánh.

Giao Quang đại sư giảng kinh Lăng Nghiêm, Ngài có bản chú giải mang tên Chánh Mạch, viết rất hay! Do trước thời Ngài, Giao Quang đại sư là người đời Minh, cùng thời đại với Liên Trì đại sư. Trước thời Ngài, hễ giải thích kinh Lăng Nghiêm, quá nửa đều dùng thuyết Tam Chỉ Tam Quán của tông Thiên Thai nhằm giải thích Xa Ma Tha, Tam Ma và Thiền Na trong kinh Lăng Nghiêm. Giao Quang đại sư đưa ra cách nhìn mới mẻ. Ngài nói trong kinh Lăng Nghiêm “bỏ thức dùng căn”, khác hẳn tông Thiên Thai, vì sao? Thiên Thai chẳng lìa tâm ý thức, còn kinh Lăng Nghiêm là “bỏ thức dùng căn”; cho nên, cách giảng và tư tưởng chẳng giống với tông Thiên Thai. Vì thế, Ngài soạn một bản chú giải khác gọi là Chánh Mạch. Quý vị đọc lời tựa [của bộ chú giải ấy], thấy có một đoạn nhân duyên: Ngài đã hết tuổi thọ, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn Ngài, Ngài xin phép A Di Đà Phật: “Kinh Lăng Nghiêm chú giải chưa viên mãn, con phải soạn một bản chú giải mới”. Ngài xin A Di Đà Phật hãy chờ, chờ Sư chú giải hoàn tất sẽ lại đến thế giới Cực Lạc. A Di Đà Phật đồng ý, ra đi. Ngài chẳng nói lời giả dối, trong lời tựa có một câu chuyện như thế. Do vậy, Lăng Nghiêm là bỏ thức dùng căn, dạy chúng ta tu hành như thế nào? Quý vị nhìn thì chớ nên dùng Nhãn Thức để nhìn, hãy dùng tánh Thấy để thấy; nghe thì chớ nên dùng Nhĩ Thức để nghe, hãy dùng tánh Nghe để nghe, giống như Quán Thế Âm Bồ Tát, xoay cái nghe để nghe tự tánh, tánh thành vô thượng đạo. Nói khá lắm, nhưng chẳng dễ dàng! Bỏ thức dùng căn chẳng dễ dàng!

Bỏ thức dùng căn có nghĩa là gì? Buông khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước xuống, quý vị dùng toàn là kiến văn giác tri, [kiến văn giác tri là] căn tánh của sáu căn, chẳng phải là sáu thức. Những đạo lý này chúng ta đều hiểu rõ thì gọi là “giải ngộ”. Chúng ta chưa làm được, chưa làm được là chưa buông xuống. Buông xuống sẽ là thật sự [làm được], bèn gọi là “chứng ngộ”. Hiểu rõ nhưng chưa làm được là giải ngộ. Giải ngộ cũng là do huân tập kinh giáo nhiều lần, trường thời huân tập sẽ dần dần hiểu rõ. Hiểu rõ gọi là “thấy thấu suốt”, biết chân tướng sự thật là như vậy. Do vậy, trong cuộc sống hằng ngày, trong hội Lăng Nghiêm, đức Phật dạy chúng ta, phải gắng hết sức dùng căn tánh của sáu căn, đừng nên dùng sáu thức. Tôi nhắc lại lần nữa, thức là gì? Thức là chấp trước, Mạt Na là chấp trước, ý thức là phân biệt, thức thứ sáu, tức ý thức, là phân biệt, A Lại Da là giữ lại ấn tượng. Năm thức trước chịu ảnh hưởng từ ba tế tướng của A Lại Da, đi theo chúng. Vì vậy, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân bèn tạo nghiệp, năm thức trước bèn tạo nghiệp. Nếu vâng theo tự tánh, vâng theo kiến văn giác tri, năm thức trước sẽ gọi là Thành Sở Tác Trí, thành tựu sự hóa độ hết thảy chúng sanh của Như Lai, biến thành công cụ để độ chúng sanh, vô lượng công đức. Nói thật ra, bỏ thức là thức thứ sáu, tức ý thức, chớ nên phân biệt; bỏ thức thứ bảy, chẳng chấp trước; bỏ A Lại Da thức, không lưu dấu vết, đó là cảnh giới gì? Thanh tịnh bình đẳng giác trong kinh Vô Lượng Thọ! Chẳng chấp trước, tâm bèn thanh tịnh; chẳng phân biệt, tâm bèn bình đẳng; chẳng mê hoặc sẽ khai ngộ. Giao Quang đại sư chú giải rất hay. Vì vậy, những bản chú giải kinh Lăng Nghiêm trước thời ngài Giao Quang đều gọi là “cựu chú”; sau ngài Giao Quang, rất nhiều người học theo Ngài, gọi bản chú giải ấy là “tân chú”. Cựu chú cũng rất khó có, vì sao? Người bình thường học tập khá dễ. “Tân chú” thì chú giải hay lắm, nhưng kẻ mới học chẳng dễ gì đạt tới. Đây là nhắc nhở chúng ta: Trong sắc thân sanh diệt này, thật sự tồn tại cái không sanh diệt. Cái tánh chẳng sanh chẳng diệt ấy, trừ kiến văn giác tri ra, chẳng có cách nào nêu bày được! Nói tới kiến văn giác tri thì cũng phải có đôi chút cơ sở nơi pháp Đại Thừa; không có cơ sở sẽ khó giảng rõ ràng, rất khó hiểu được!

“Chư sanh diệt pháp thị sai biệt tướng, đản sai biệt chi trung, hữu cá vô sai biệt đích. Bất sanh bất diệt, vô hữu sai biệt, tức thị bình đẳng tướng” (Các pháp sanh diệt là tướng sai biệt, nhưng trong sai biệt có cái chẳng sai biệt. Chẳng sanh chẳng diệt, chẳng có sai biệt, tức là tướng bình đẳng). Câu này cũng chẳng dễ hiểu. Sai biệt là gì? Sai biệt là tướng, chúng ta nói một cách thông thường sẽ là tướng tương tự liên tục, sanh diệt trong từng sát-na, đó là sai biệt. Vô sai biệt: Vô sai biệt là tánh. Chúng ta dùng màn hình TV [để diễn tả] sẽ dễ hiểu. Âm thanh và sắc tướng trong màn hình sanh diệt trong từng sát-na, có sai biệt; nhưng màn hình không có sai biệt, màn hình là tướng bình đẳng, sai biệt và vô sai biệt chẳng hai. “Cố vân Thật Tướng nãi bình đẳng nhất tướng dã” (vì thế nói Thật Tướng là một tướng bình đẳng). Một niệm ấy có hình, có thức, đều chẳng thể được, đó gọi là “bình đẳng nhất tướng”. Hiện tượng tinh thần và hiện tượng vật chất đều do một niệm khởi. Quý vị phải biết: Một niệm ấy chính là “nhất niệm” như Di Lặc Bồ Tát đã giảng; trong một giây có bao nhiêu “nhất niệm”? Nếu chúng ta nói khảy ngón tay năm lần [trong một giây], khảy nhanh sẽ được năm lần, [trong một giây] sẽ có một ngàn sáu trăm triệu niệm, lẽ nào chúng chẳng bình đẳng? Đương nhiên là bình đẳng, đấy là huyễn tướng, chẳng thật!

Chúng ta lại lật sang trang mười tám, vẫn là nói về vấn đề này. “Thật Tướng nghĩa thâm”, [tức là] ý nghĩa [Thật Tướng] này quá sâu! “Nhược minh Thật Tướng, tức vi ngộ Đại Thừa lý” (nếu hiểu Thật Tướng, tức là ngộ lý Đại Thừa). Lý là gì? Lý là Thể của kinh, mà cũng là cái để nương vào mà nói kinh này. Kinh có đạo lý, đạo lý ấy là lý Đại Thừa. Kế đó, lão cư sĩ dùng tỷ dụ để giảng rõ. “Tư dĩ dụ minh: Thí như dĩ kim chế tác tháp, tượng, bình, oản, xuyến, hoàn” (ở đây, dùng tỷ dụ để giảng rõ: Ví như lấy vàng chế thành tháp, tượng, bình, chén, xuyến, vòng), những điều này chúng ta đều hiểu, chúng là đồ vật được chế bằng vàng. “Các hiển sai biệt chi tướng” (mỗi thứ đều tỏ lộ tướng sai biệt). Nó có hình cái tháp, tướng ấy có thể là tượng Phật, mà có thể là tượng người, có thể mang hình dáng của những món đồ chơi, đó là gì? Vật dụng! Dùng vàng và đồ vật làm tỷ dụ, mỗi món đều có hình tướng khác biệt. “Thảng tương chúng khí, trùng nhập dã lô, phục hóa vi kim, nguyên hữu chư tướng tận giai tiêu diệt, đản các khí bổn thể chi kim nhưng cựu như thị” (Nếu đem các món đồ lại bỏ vào lò nung, chúng lại hóa thành vàng, các tướng vốn có đều bị tiêu diệt sạch, nhưng chất vàng là bản thể của mỗi món vẫn y như cũ). Đều đem nung chảy ra, chúng chính là vàng. “Khả kiến các khí sai biệt chi tướng, hữu sanh, hữu diệt, giai thuộc hư vọng; đản các khí bổn thể chi kim, bình đẳng nhất tướng, bất sanh, bất diệt, bất tăng, bất giảm” (Có thể thấy tướng sai biệt của các món đồ có sanh, có diệt, đều là hư vọng; nhưng chất vàng là bản thể của các món đồ là một tướng bình đẳng, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng tăng, chẳng giảm). Tỷ dụ này dễ hiểu. Cổ đại đức dùng một câu để nói: “Dĩ kim tác khí, khí khí giai kim” (dùng vàng chế đồ vật, món nào cũng là vàng). Lấy vàng sánh với tự tánh thanh tịnh viên minh thể, đó là tự tánh; sánh ví hiện tượng tinh thần và hiện tượng vật chất trong khắp pháp giới hư không giới như các món đồ, chúng đều do cái Thể ấy biến hiện. Thể có thể sanh, có thể hiện, A Lại Da Thức có thể biến. Vì sao trong Nhất Chân pháp giới, mọi thứ chẳng thay đổi, vĩnh hằng bất biến? Chúng ta bèn hiểu rõ: A Lại Da có thể biến, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới là cái được biến (sở biến). Trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm không có A Lại Da, A Lại Da đã chuyển thành Đại Viên Kính Trí. Vì vậy, nó chỉ có thể sanh, có thể hiện, chẳng có sở biến lẫn năng biến. Do đó, trong thế giới ấy, vĩnh hằng bất biến. Người trong thế giới ấy hóa sanh, dung mạo vĩnh viễn bất biến, thân vĩnh hằng bất biến, đúng như chúng ta thường nói: “Bồ Tát Bồ Tát, niên niên thập bát” (Bồ Tát năm nào cũng là mười tám tuổi), Ngài chẳng già! Ngài vĩnh viễn chẳng già, vì sao? Ngài không có A Lại Da thức. Chúng ta bị biến đổi vì A Lại Da thức. A Lại Da thức có thể biến, do vậy, chúng ta sanh, lão, bệnh, tử là vì bị nó biến. Chính nó lại có sanh diệt, cho nên những thứ do nó biến ra thảy đều có sanh diệt. Do vậy, trong Nhất Chân pháp giới, chúng ta gọi là cõi Thật Báo Trang Nghiêm, trong ấy không có sanh diệt, vì các Ngài chẳng dùng A Lại Da. Do vậy có thể biết: Tứ thánh pháp giới có biến đổi hay chăng? Quý vị hãy suy nghĩ: A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, Phật, tức là Phật trong mười pháp giới đều có biến, họ dùng A Lại Da, bất quá tốc độ biến đổi chậm một chút, không nhanh như chúng ta, [chúng ta] biến đổi rất nhanh, họ biến đổi chậm hơn một chút. Vì thế, đạo lý là ở chỗ này!

Hoa trong thế giới Cực Lạc vĩnh viễn chẳng tàn, vĩnh viễn chẳng khô; khí hậu chẳng quá lạnh hay quá nóng, không có những hiện tượng này. Vì sao? Người trong thế giới ấy chẳng dùng A Lại Da; người đới nghiệp vãng sanh cũng chẳng dùng, điều này rất lạ lùng! Vì sao người đới nghiệp vãng sanh chẳng dùng? Được bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì, quý vị thấy bốn mươi tám nguyện đã nói rất rõ ràng, sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát, [chuyện này được] nói trong nguyện nào? Trong nguyện thứ mười chín, tức là nguyện phát Bồ Đề tâm, đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát. A Duy Việt Trí là gì? Từ Thất Địa trở lên! Tuy là đới nghiệp vãng sanh, phiền não tập khí đúng là một phẩm cũng chưa đoạn, nhưng sự hưởng thụ, đãi ngộ trong thế giới Cực Lạc là sự đãi ngộ Thất Địa Bồ Tát. Quý vị chẳng phải là Thất Địa Bồ Tát, nhưng tới đó, hưởng thụ sự đãi ngộ dành cho Thất Địa Bồ Tát, do ai ban cho quý vị? A Di Đà Phật ban cho quý vị, hưởng ké từ A Di Đà Phật, cậy vào phước báo của A Di Đà Phật, chẳng phải là của chính mình. Trong thập phương chư Phật thế giới, không có sự thù thắng này, chỉ có thế giới Cực Lạc là có sự đãi ngộ đặc thù này! Đức Phật chẳng nói “đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát, trừ cõi Phàm Thánh Đồng Cư ra”, Ngài chẳng nói lời ấy! Nếu chẳng nói lời ấy, hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư cũng có sự đãi ngộ này. Quý vị thật sự hiểu rõ, minh bạch chuyện này, há còn có thể chẳng cầu sanh Tịnh Độ ư? Còn làm chuyện khác nữa ư? Làm chuyện khác, mệt chết luôn, nhưng chưa chắc đã thành tựu trong một đời. Quý vị khăng khăng một mực niệm một câu A Di Đà Phật này, đôi ba năm sẽ thành công, sẽ đạt được, còn làm [điều gì khác] nữa? Quý vị thật sự buông xuống vạn duyên; vì sao người khác chưa buông xuống được? Chưa hiểu rõ. Do vậy, sau khi hiểu rõ, ta thường khuyên người khác; nhưng cũng chẳng phải là khuyên bất cứ ai vì kẻ ấy chưa chắc đã tiếp nhận. Ta khuyên mọi người, chúng ta hãy suy nghĩ cho nhiều, học theo Liên Trì đại sư. Liên Trì đại sư đã giác ngộ, đã hiểu rõ, bèn nói: “Tam Tạng mười hai bộ, nhường cho người khác ngộ”, quý vị ưa thích thì hãy dụng công nơi đó, tôi chẳng làm! “Tám vạn bốn ngàn hạnh, dành cho người khác hành”, tôi cứ một bộ kinh Di Đà, một câu A Di Đà Phật, định rồi! Liên Trì đại sư chẳng làm nữa, nêu gương tốt cho người đời sau. Tịnh Độ ngũ kinh đều được, thọ trì toàn bộ ngũ kinh cũng được, mà thọ trì một kinh trong ngũ kinh cũng được, quý vị thấy pháp môn này thuận tiện lắm, chẳng thể nghĩ bàn lắm!

Đối với pháp môn này, giảng giải Tánh, Tướng, Lý, Sự, nhân quả thấu triệt nhất, minh bạch nhất là kinh Vô Lượng Thọ. Quả thật, khó thể đọc trọn cả năm bản dịch gốc của kinh Vô Lượng Thọ. Vì vậy, đời Tống, cư sĩ Vương Long Thư hội tập đầu tiên, có thể nói là cổ nhân đã sớm nghĩ hội tập là chuyện bắt buộc phải làm, đến phần sau sẽ có một đoạn chuyên nói rõ [chuyện này]. Sau đấy, chúng ta mới thật sự nhận biết bản hội tập này của Hạ lão cư sĩ chẳng thể nghĩ bàn, hội tập thật viên mãn, chẳng dùng ý tưởng của chính mình, ngay cả tựa đề kinh cũng là hội tập. Bản dịch gốc đời Tống dịch là Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, quý vị thấy cụ bỏ chữ Kinh, dùng Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm; bản dịch đời Hán là Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, nay hai tựa đề kinh được gộp thành một, trở thành Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, đúng là áo trời không vết may, chẳng thêm vào một chữ nào! Bản hội tập của Vương Long Thư có tựa đề là Đại A Di Đà Kinh, nhưng trong kinh chẳng có những chữ này! Còn tựa đề kinh của cụ Hạ là nguyên văn, chúng ta chẳng thể không bội phục Ngài. Đề mục này tuyệt quá, phô rõ nhân quả của thế giới Cực Lạc. Đại Thừa là trí huệ, Vô Lượng Thọ là đức, Trang Nghiêm là tướng hảo. Quý vị thấy quả báo là như đức Thế Tôn trong kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”, quý vị thấy chẳng phải là đề mục này hay sao? Đại Thừa là trí huệ, Vô Lượng Thọ là đức, trang nghiêm là tướng, quả đấy! Quả đức. Cách tu quả ấy ra sao? Thanh tịnh, bình đẳng, giác! Bởi lẽ, quý vị tu “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, sẽ chứng Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm. Quý vị thấy tựa đề này viên mãn lắm!

Đối với tỷ dụ này của cụ Hoàng, chúng ta niệm niệm đều [thấu hiểu] là được rồi. Có thể thấy tướng sai biệt của các món đồ, có sanh, có diệt, đều là hư vọng, nhưng chất vàng bản thể của các món đồ là bình đẳng nhất tướng, chẳng sanh, chẳng diệt. “Dĩ thượng, dĩ kim dụ chân thật bình đẳng chi Thật Tướng, dĩ kim khí dụ chủng chủng sai biệt tướng” (trên đây, dùng vàng để sánh ví Thật Tướng bình đẳng chân thật, dùng các vật dụng bằng vàng để sánh ví các tướng sai biệt), y báo và chánh báo trong mười pháp giới sai biệt. “Do thượng dụ khả minh, nhược khán phá chư kim khí (tháp, tượng, bình, oản, xuyến, hoàn đẳng) hư vọng sai biệt chi tướng, tức kiến chư khí trung bình đẳng chân thật chi kim” (nếu thí dụ trên đây có thể nói rõ: Nếu thấy thấu suốt tướng sai biệt hư vọng của các món đồ bằng vàng (tháp, tượng, bình, chén, xuyến, vòng v.v…), sẽ liền thấy chất vàng bình đẳng chân thật). Quý vị hãy thấy vàng, đừng chấp trước tướng. Quý vị lấy vàng, bèn tùy tiện lấy món nào cũng đều là vàng. Bảo quý vị lấy vàng ra, quý vị thấy cái này là tháp, cái kia là tượng, cái đó là bình, quý vị nói “không có vàng, chẳng có hoàng kim” quý vị chấp tướng rồi! Cổ nhân dùng [tỷ dụ] “dĩ kim tác khí, khí khí giai kim”, dùng tỷ dụ này. “Dĩ dụ ly nhất thiết pháp hư vọng chi tướng” (để tỷ dụ lìa tướng hư vọng của hết thảy các pháp), quý vị sẽ thấy Thật Tướng, sẽ thấy chân tánh. Tánh và tướng vĩnh viễn chẳng thể tách rời, nhưng đối với tướng thì sáu căn tiếp xúc được, nhìn thấy nó, sờ được nó, còn tánh thì sáu căn chẳng thể tiếp xúc, nhìn không thấy, nó chẳng phải là vật chất, mà cũng chẳng phải là tinh thần. Chẳng phải là vật chất, nên mắt, tai, mũi, lưỡi, thân chẳng tiếp xúc được; chẳng phải là tinh thần, quý vị tưởng tượng chẳng ra, vì Thọ, Tưởng, Hành, Thức của quý vị đều không thấu đạt. Nếu buông Thọ, Tưởng, Hành, Thức xuống, sau khi buông xuống, Thể của Thọ, Tưởng, Hành, Thức là kiến văn giác tri sẽ thấy được! Kiến văn giác tri là chân tánh.

Trong [chú giải] kinh Lăng Nghiêm, Giao Quang đại sư bảo “bỏ thức dùng căn”, [tức là] dùng căn tánh của sáu căn. Căn tánh là kiến văn giác tri, chẳng phải là Thọ, Tưởng, Hành, Thức; cũng có nghĩa là: Thọ, Tưởng, Hành, Thức là vọng tâm, kiến văn giác tri là chân tánh. Lúc mê, kiến văn giác tri biến thành Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Khi giác ngộ, có thể buông Thọ, Tưởng, Hành, Thức xuống, khiến cho kiến văn giác tri hiện tiền, đó gọi là “chuyển thức thành trí”. Nói cách khác, thấy sắc, nghe tiếng, chớ nên chấp trước, quý vị chẳng dùng Mạt Na; chớ nên phân biệt, chẳng dùng ý thức; chớ nên khởi tâm động niệm, chẳng dùng A Lại Da thức. Trong Thiền Tông, tham Thiền thì “tham” là gì? Lìa tâm ý thức là “tham” (參). Tâm ý thức là biết! A Lại Da là khởi tâm động niệm, Mạt Na là chấp trước, ý thức là phân biệt. Chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, không khởi tâm, không động niệm, đó là lìa tâm ý thức, lìa tâm ý thức thì gọi là “tham”. Do vậy, nghiên cứu giáo, chẳng dùng tâm ý thức thì gọi là “tham cứu”. Nếu dùng tâm ý thức, bèn gọi là “nghiên cứu”. Nghiên cứu và tham cứu khác nhau, tham cứu sẽ kiến tánh, còn nghiên cứu chẳng thể kiến tánh. Dùng nghiên cứu, Phật pháp biến thành triết học, biến thành Phật học; lìa tâm ý thức sẽ là học Phật, thật sự có thể thành Phật. Dùng tâm ý thức chẳng thể thành Phật, nhất định phải biết điều này! Dùng tâm ý thức, nói thật ra, chẳng thể vượt thoát lục đạo luân hồi, vì lục đạo luân hồi do tâm ý thức biến hiện.

Tiếp đó nói: “Ly hư vọng sai biệt chi tướng, cố vân vô tướng” (do lìa tướng sai biệt hư vọng nên gọi là vô tướng). Đây là ý nghĩa tôi vừa mới nói. Sáu căn của chúng ta đối với cảnh giới sáu trần bên ngoài thảy đều là hư vọng. Sáu căn của chính mình đều là hư vọng, lục thức là hư vọng, cảnh giới bên ngoài cũng là hư vọng. Chỉ cần không khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, sẽ lập tức là [vô tướng]! Nó là vô tướng, ngay nơi đó là vô tướng, trọn chẳng trừ khử tướng, mà ngay lập tức là vô tướng. Do vậy, phải hiểu rõ, minh bạch ý nghĩa “tướng” và “vô tướng” này. “Ư hư vọng sai biệt chư tướng chi trung, hữu chân thật bình đẳng chi bản thể, cố vân vô bất tướng. Đương tướng ly tướng, tướng nhi vô tướng, nãi hiển Thật Tướng” (Trong các tướng sai biệt hư vọng, có cái bản thể chân thật bình đẳng, nên nói chẳng phải là không có tướng. Từ ngay nơi tướng mà lìa tướng, có tướng mà vô tướng, nên mới hiển lộ Thật Tướng). Mấy câu này nói hay quá, mười hai chữ này (“Đương tướng ly tướng, tướng nhi vô tướng, nãi hiển Thật Tướng”) vô cùng hay, ngay lập tức là nó, một và nhiều chẳng hai. Ngay trong cuộc sống hằng ngày, trong công tác, trong xử sự, đãi người tiếp vật, chúng ta phải sốt sắng, thực hiện viên mãn, tận tâm tận lực làm, đấy là “đương tướng” (từ ngay nơi tướng). Làm tốt đẹp, trong tâm thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần, đó là “ly tướng”. Do vậy, “đương tướng”“ly tướng” là đồng thời, chẳng cắt rời thành hai thứ thì mới thật sự hữu dụng! Trong cuộc sống hằng ngày, quý vị sẽ sống thật sự hạnh phúc mỹ mãn, tự tại vô cùng! Trong công việc cũng như thế, đãi người tiếp vật cũng như thế, quý vị sẽ khiến cho hết thảy mọi người vui vẻ. Do vậy, trong giáo pháp Đại Thừa có nói: “Bồ Tát sở tại chi xứ, linh nhất thiết chúng sanh sanh hoan hỷ tâm” (Bồ Tát ở chỗ nào cũng có thể khiến cho hết thảy chúng sanh đều sanh tâm hoan hỷ), vì sao Ngài có thể làm cho hết thảy chúng sanh sanh tâm hoan hỷ? Ngài từ ngay nơi tướng mà lìa tướng, ly tướng và đương tướng cùng lúc, ai chẳng vui vẻ! Trước hết là chính quý vị vui vẻ, quý vị đã vui vẻ thì người khác thấy quý vị cũng vui vẻ.

Chúng ta lại xem đoạn kế tiếp: “Đản Thật Tướng ly ngôn thuyết, chánh như Nam Nhạc Hoài Nhượng vân: Thuyết tự nhất vật, tức bất trúng” (Nhưng Thật Tướng lìa ngôn thuyết, đúng như ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng đã nói: “Nói dường như có một vật thì chẳng trúng”). Câu này ở trong Đàn Kinh. Pháp sư Hoài Nhượng khai ngộ, minh tâm kiến tánh trong hội của Lục Tổ Huệ Năng đại sư. Khi Ngài kiến tánh, Lục Tổ giống như đưa ra một đề mục nhằm khảo nghiệm Sư: “Ông kiến tánh, vậy tánh là như thế nào?” Sư trả lời bằng câu này: “Nói dường như có một vật thì chẳng trúng”, nói không được! Lục Tổ gật đầu, ấn khả, Tổ nói: “Ông như thế, mà ta cũng như thế”, ấn chứng Sư thật sự khai ngộ, chẳng phải là giả khai ngộ. “Cố thật phi nhậm hà thế gian thí dụ sở năng thâm minh” (cho nên đúng là bất cứ thí dụ nào của thế gian cũng chẳng thể giảng rõ rệt sâu xa được). Tỷ dụ chỉ có thể sánh ví mường tượng, tuyệt đối chẳng có cách nào tỷ dụ sát sự thật, một tí biện pháp cũng chẳng có. Do vậy, hiện thời khoa học kỹ thuật phát triển, chúng ta dùng hình ảnh nơi màn hình TV để tỷ dụ, so ra gần sát, dễ hiểu hơn những tỷ dụ trước kia. Xưa kia, đúng là khó! Do vậy, khi chưa có những thứ khoa học, mà cổ đại đức, đừng nói là chứng ngộ, chỉ có thể giải ngộ thôi, chúng ta đều bội phục năm vóc sát đất. Hiện thời, chúng ta nhờ rất nhiều những thứ thuộc về khoa học mà thấy, nghe, hay, biết, nên mới có thể thấu hiểu những điều này, mới có thể nói rõ ràng, giảng rõ ràng. Tuy nói rõ ràng, giảng rõ ràng, chỉ là gần sát, vẫn còn cách một tầng. Tầng ấy chính quý vị phải ngộ, bất luận là ai cũng chẳng giúp đỡ được! Phật đến giảng cho quý vị cũng chẳng có cách nào! Phật đến giảng cho quý vị thì cũng chỉ có thể nói đến mức này!

Nói đến mức độ này thì có thể, nhưng nếu quý vị muốn thật sự khế nhập cảnh giới, chứng ngộ, chẳng phải là bảo quý vị buông xuống hay chăng? Quả thật là trong cuộc sống, mỗi ngày quý vị ăn cơm, chớ nên so đo món ăn này, món ăn nọ, đừng nên so đo mùi vị nữa. Mặc quần áo, thứ gì cũng được! Ấm áp là được rồi, đừng nên kén chọn! Đó là gì vậy? Tập khí, tức tập khí phiền não của quý vị. Đấy là gì? Chấp trước, nhất định phải như thế nào đó. Hễ nhất định phải như thế nào đó sẽ phiền phức liền! Phải học theo Đại Thừa Bồ Tát tự tại tùy duyên, bất luận câu thúc gì đều chẳng có, cái gì cũng đều tốt, chẳng có gì không tốt. Người ta làm chuyện tốt, tốt! Người ta làm chuyện xấu, cũng tốt luôn. Người ta hưởng phước, tốt! Người ta đang chịu tội trong địa ngục, cũng tốt. Chịu tội trong địa ngục là gì? Tiêu nghiệp chướng! Kẻ ấy có lắm nghiệp chướng dường ấy, nhất định phải tới đó để tiêu, tiêu hết thì chẳng phải là tốt đẹp hay sao? Cớ sao chẳng phải là chuyện tốt? Sau đấy mới hiểu: Mười pháp giới vốn là bình đẳng. Quý vị làm chuyện tốt nhiều ngần ấy, đến thiên đường để hưởng phước, đó là gì? Tiêu phước báo ấy! Quý vị làm chuyện tốt nhiều ngần ấy thì phải tiêu, làm những chuyện ác thì phải đến tiêu [nghiệp chướng] trong địa ngục. Quý vị thấy đó: Tiêu phước báo, tiêu nghiệp chướng; thảy đều tiêu sạch, chẳng phải là kiến tánh hay sao? Cái đáng quý là buông xuống, chẳng có gì khác! Do vậy, tôi suốt đời tôn trọng thầy, lúc gặp mặt thầy trong ngày đầu tiên, thầy đã dạy tôi “thấy thấu suốt, buông xuống”. Tôi mới biết người tu hành từ Sơ Phát Tâm cho đến địa vị Như Lai tu gì? Thấy thấu suốt, buông xuống! Buông xuống giúp cho thấy thấu suốt, thấy thấu suốt lại giúp buông xuống, hai phương pháp này giúp đỡ thành tựu lẫn nhau từ Sơ Phát Tâm cho đến địa vị Như Lai. Đẳng Giác Bồ Tát nếu buông một phẩm tập khí sanh tướng vô minh cuối cùng xuống, sẽ viên mãn, vẫn là buông xuống! Chỉ có buông xuống mới có thể tiến lên cao; chỉ có hiểu rõ mới thật sự chịu buông xuống. Do quý vị chẳng hiểu rõ, nên không buông xuống được; hễ hiểu rõ sẽ buông xuống.

Hiện thời, điều đáng quý là hiểu rõ, rành rẽ thế giới Cực Lạc, hiểu rành rẽ thế giới này, so sánh giữa hai thế giới, bèn buông thế giới Sa Bà xuống, ta về thế giới Cực Lạc, điều này là trọng yếu. Quý vị thật sự muốn buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống, điều này nói dễ, làm chẳng dễ, thật sự là khó! Do nguyên nhân gì? Nghiệp chướng phiền não tập khí quá nặng, từ vô lượng kiếp đến nay đã tích lũy những thứ này, đâu có dễ dàng nói buông xuống liền buông xuống như vậy được! Nay chúng ta buông thân, tâm, thế giới xuống, đó là phần chút ít, rất nhỏ của tập khí phiền não, chỉ cần chịu buông thứ ấy xuống sẽ có thể vãng sanh. Do vậy, đến thế giới Cực Lạc, nhất định phải tin sâu chẳng nghi: Đức Phật chẳng nói một lời hư giả nào! Nay chúng ta chẳng thể nghe lời con người trong thế gian này, lời giả quá nhiều, nói lời gạt người nhiều quá! Phật, Bồ Tát chẳng nói câu nào lừa người, phải tin sâu chớ ngờ điều này! Nhất định phải tin: Đến thế giới Cực Lạc đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát, lời này chính là “pháp khó tín”. Do vậy, kinh này được gọi là “khó tin”, [pháp môn được giảng trong] kinh này được gọi là “pháp khó tin”. [Trong các thế giới phương khác], đâu có chuyện một phẩm Kiến Tư phiền não chưa đoạn, đến thế giới Cực Lạc bèn có thể hưởng thụ sự đãi ngộ như Thất Địa Bồ Tát, A Duy Việt Trí là Thất Địa. Sự đãi ngộ như Thất Địa Bồ Tát do A Di Đà Phật ban cho, chẳng phải do chính mình có, mà do A Di Đà Phật ban cho.

Sau đoạn này có một câu tiểu kết: “Cố vân: Phàm hữu ngôn thuyết, giai vô thật nghĩa” (Vì thế, nói: Hễ có ngôn thuyết đều chẳng phải là thật nghĩa). Vì ngôn thuyết cũng là tướng. “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, ngôn thuyết cũng là hư vọng, các thứ diễn đạt, biểu thị vẫn là hư vọng, phải biết điều này! Ngôn thuyết có cần hay chăng? Cần chứ! Đối với kẻ chưa khai ngộ thì cần, đối với người đã khai ngộ thì chẳng cần, không cần dùng ngôn thuyết nữa. Do vậy, đối với lục đạo chúng sanh thì phải dùng ngôn ngữ, phải dùng biểu pháp (các hành động, phương cách nhằm biểu thị, diễn đạt pháp); cho đến tứ thánh pháp giới, tuy ít dùng ngôn ngữ, nhưng vẫn cần, dùng biểu pháp khá nhiều; đến cõi Thật Báo Trang Nghiêm thì [ngôn thuyết lẫn biểu pháp] đều không cần dùng tới nữa. Không cần dùng tới vì chính mình chưa viên chứng tự tánh, quý vị thấy kinh đã nói, chắc chắn chẳng giả, người trong thế giới Cực Lạc mỗi ngày nghe [A Di Đà] Phật thuyết pháp, đồng thời họ có thể phân thân, có thể phân thành vô lượng vô biên thân, đến các cõi nước Phật trong mười phương cúng dường Phật. Cúng dường Phật là tu phước, nghe Phật thuyết pháp là trí huệ, phước huệ song tu, vĩnh viễn không ngừng nghỉ! Cái thân ấy của họ hoàn toàn là hóa thân, đến đi tự do. Trong cảnh giới đó, chúng ta biết: Không có không gian tức là chẳng có khoảng cách, ý niệm vừa dấy lên, cảnh giới bèn hiện tiền, ở ngay trước mắt, ngay lập tức, thật sự chẳng có đến hay đi!

Kinh nói “mười vạn ức cõi Phật”, đó là nói phương tiện, nói tùy thuận Tục Đế. Trong sự tưởng tượng của chúng ta, điều ấy khó khăn, thật sự khó, nhưng trong cảnh giới của họ (người trong thế giới Cực Lạc), điều ấy quá dễ dàng! Họ có thân thể, nhưng thân thể họ chẳng giống sắc tướng của chúng ta trong hiện tại. Họ có thân thể, cũng có sắc thân, nhưng trong kinh, đức Phật có nói tới một loại [sắc tướng] là Vô Biểu Sắc. Vô Biểu Sắc là gì? Thí dụ như chúng ta tưởng tượng, chúng ta nghĩ tới Chương Gia đại sư, tôi vừa nghĩ, hình dáng Chương Gia đại sư thuở ấy bèn hiện diện [trong tâm tôi], tôi thấy rất rõ ràng, nhưng quý vị chẳng thấy, sắc ấy là Vô Biểu Sắc. Chúng ta nằm mộng, cảnh giới trong mộng cũng rất rõ rệt, sắc tướng ấy tươi sáng, nhưng ta đang nằm mộng, người bên cạnh nói họ chẳng thấy gì, thật sự có sắc tướng, mà họ nhìn không thấy. Nhưng người có Thiên Nhãn có thể thấy, chứng tỏ sắc ấy chẳng phải giả, người có Thiên Nhãn, hay có công năng định lực sẽ thấy được. Tâm chúng ta chẳng thanh tịnh, nhiều vọng niệm, cho nên chẳng nhìn thấy. Ý niệm dấy lên, nó bèn có tướng, tướng do tâm sanh, hễ khởi niệm bèn có tướng. Tưởng một quả núi, sẽ có tướng núi. Tưởng một cái cây, sẽ có tướng cây. Tưởng hoa, sẽ có tướng hoa. Tưởng gì, tướng ấy đều hiện tiền, lẽ nào chẳng có tướng? Tướng sanh từ tâm tưởng, thật là thiên biến vạn hóa. Sách Hoàn Nguyên Quán nói: “Xuất sanh vô tận”, thiên biến vạn hóa. Khi ấy, tôi đọc câu này chẳng hiểu lắm, vì sao có hiện tượng này? Tôi nghĩ thuở nhỏ chơi kính vạn hoa, chẳng phải là kính vạn hoa rất đơn giản ư? Đúng là thiên biến vạn hóa, sanh ra vô tận. Ba mảnh gương, ở giữa đó cắt một ít giấy vụn màu sắc khác nhau, quý vị vĩnh viễn xoay chuyển, xoay cả tuần, cũng chẳng thể có hai mô thức giống nhau. Theo kinh Phật, tự tánh của chúng ta là bất động, A Lại Da là động. Do vậy, A Lại Da giống như kính vạn hoa, xuất sanh vô tận, biến hóa vô cùng, nhưng toàn là giả, chẳng có gì là thật.

Do vậy, quả thật đều là “chẳng có thật nghĩa”. Đây là nói rõ tất cả hết thảy hiện tượng trong khắp pháp giới hư không giới, hiện tượng vật chất cũng thế, mà hiện tượng tinh thần cũng thế, quý vị đừng nghĩ chúng là thật, đừng mê trong ấy. Nói cách khác, quý vị cũng chớ nên dấy lên ý niệm mong khống chế, chiếm hữu chúng, sai rồi! Chỉ cần khởi lên ý niệm này, quý vị bèn đọa trong luân hồi, chẳng thoát ra được! Do vậy, đối với kẻ giác ngộ, tất cả hết thảy những thứ họ có, nếu quý vị hỏi họ, được! Lấy đi! Họ thật sự chẳng có ý niệm, chẳng phân biệt, chấp trước, ta dùng hay quý vị dùng đều như nhau! Tiền mất đi là để cho người khác lấy dùng, chẳng phải là giống như ta dùng hay sao, đâu có gì khác nhau? Quý vị nói có phải là sống vui sướng lắm chăng? Vui sướng do đây mà có! Vì sao quý vị khổ? Thứ gì cũng đều muốn chiếm hữu, thứ gì cũng đều muốn khống chế, vậy là quý vị khổ chẳng thể nói nổi, quý vị sai rồi, mê mất rồi! Do vậy nói “đều không có thật nghĩa”, ý nghĩa này hay lắm! Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng ta học tập tới đây!