TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang

 

TẬP 15

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải trang thứ mười bốn, hàng thứ ba từ dưới đếm lên. Chúng ta xem từ hàng thứ ba, xem từ câu cuối cùng trong trang trước.

Thị cố Di Đà Yếu Giải vân: Thử chi pháp môn, toàn tại liễu Tha tức Tự, nhược húy ngôn Tha Phật, tắc thị Tha Kiến vị vong. Nhược thiên trọng Tự Phật, khước thành Ngã Kiến điên đảo” (Vì thế, sách Di Đà Yếu Giải viết: “Pháp môn này chú trọng liễu giải Tha chính là Tự. Nếu kiêng không nói đến Tha Phật, tức là Tha Kiến chưa mất. Nếu khăng khăng coi trọng Tự Phật, sẽ thành Ngã Kiến điên đảo”). Mấy câu này trong sách Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư có ý nghĩa rất sâu. Sở dĩ phàm phu rất khó thành Phật, mấu chốt là ở chỗ này: Nói chung là do chẳng buông phân biệt, chấp trước xuống được! Ở đây nói về phân biệt và chấp trước. Bất luận tu pháp môn nào, do tập khí từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta rất dễ phạm sai lầm. Tổ sư đã giảng về pháp môn này rất hay: Toàn tại liễu Tha tức Tự, liễu (了) là hiểu rõ, biết Tự và Tha bất nhị, Tha là A Di Đà Phật, Tự là chính mình. A Di Đà Phật và chính mình vốn cùng một Thể, là tự tánh Di Đà. A Di Đà Phật do đâu mà có? Do tự tánh biến. Ta do đâu mà có? Cũng do tự tánh biến; ta và A Di Đà Phật có cùng một tự tánh. Đạo lý này rất sâu, thật sự khế nhập cảnh giới này, khẳng định chuyện này là thật, đó gọi là chứng đắc”, trong Tông Môn nói: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Tha Phật và Tự Phật là một, mười phương tam thế hết thảy chư Phật đều do tự tánh này biến ra, hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới cũng do tự tánh này biến ra. Trong Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, Hiền Thủ quốc sư đã giảng thấu triệt chuyện này, giảng hết sức rõ ràng! Quý vị hiểu chư Phật Như Lai và đông đảo chúng sanh có quan hệ gì với ta, hiểu rõ ràng. Nói theo mặt quan hệ thì là luân lý. Do vậy, tại Trung Quốc, luân lý rất được coi trọng. Từ xưa tới nay, luôn nhấn mạnh luân lý; luân lý là nói tới mối quan hệ giữa con người với nhau. Trong Phật pháp, luân lý được giảng viên mãn nhất. Không chỉ giảng về quan hệ giữa con người với nhau, mà quan hệ giữa con người và tất cả hết thảy động vật, quan hệ với tất cả hết thảy cây cối hoa cỏ, quan hệ với núi, sông, đại địa, mối quan hệ giữa các chiều không gian khác biệt trong hư không và các sinh vật, [những mối quan hệ ấy] đều được [Phật pháp] nêu ra toàn bộ. Có thể nói: Đại Thừa Phật pháp đã giảng luân lý đến rốt ráo viên mãn. Đặc biệt là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, chúng ta thấy [các phẩm] Thế Giới Thành Tựu và Hoa Tạng Thế Giới đều giảng về luân lý. Làm thế nào để xử lý thật tốt đẹp những mối quan hệ ấy, đó là đức hạnh. Trong tự tánh vốn có trí huệ và đức tướng, xử lý đều chẳng lìa tự tánh, từ Tánh Đức lưu lộ. Tổ tiên Trung Quốc đã thật sự khai quật được cốt lõi của Tánh Đức, cốt lõi ấy là Hiếu. Vì vậy, đối với văn hóa Trung Hoa, nói tới điểm đặc sắc của Trung Quốc, dùng một chữ Hiếu để nói! Trong Phật pháp, cũng là một chữ Hiếu này! Vì thế, Phật pháp truyền đến Trung Quốc, bèn rất nhanh chóng dung hợp với văn hóa Trung Quốc thành một Thể, căn bản của chúng là một, chẳng hai. Quý vị thấy phần Tịnh Nghiệp Tam Phước trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật của Tịnh Tông, câu đầu tiên là hiếu dưỡng phụ mẫu”, câu thứ hai là phụng sự trưởng”. Văn hóa truyền thống của Trung Quốc cũng lấy điều này làm cơ sở, hiếu thân, tôn sư” (hiếu thảo cha mẹ, tôn trọng thầy). Các tôn giáo và những nền văn hóa khác có [quan niệm này] hay không? Có, nói thật ra thì cốt lõi là một. Do vậy, các tôn giáo trên thế gian có thể đoàn kết, cùng một cốt lõi mà! Chẳng có gì không nói tới hiếu đạo. Những tôn giáo và văn hóa khác chẳng giảng rõ ràng như Phật và Nho, họ nói đến ái (lòng yêu thương): Chúa yêu thương người đời, Thượng Đế yêu thương người đời; họ nói đến nhân từ. Trên thực tế, đều là cùng một ý nghĩa, một cốt lõi.

Có thể thật sự giác ngộ chẳng dễ dàng! Sau khi giác ngộ, những tri kiến ấy chẳng còn, sẽ không còn nói Tha Phật hay Tự Phật, chẳng còn ý niệm ấy nữa! Có ý niệm ấy chẳng phải là đối lập hay sao? Có Tự, sẽ có Tha. Vì vậy, Ngẫu Ích đại sư nói: Nếu kỵ húy Tha Phật, chưa quên Tha Kiến”. Nếu thiên trọng Tự Phật, đó là Ngã Kiến điên đảo, chưa quên Ngã Kiến. Tự và Tha đối lập sẽ biến thành hai pháp, chẳng phải là Phật pháp. Giống như Huệ Năng đại sư ở chùa Quang Hiếu, [chùa này hiện thời] là Quang Hiếu Tự [1], gặp gỡ pháp sư Ấn Tông lần đầu tiên, pháp sư Ấn Tông thỉnh giáo Tổ: “Khi Ngài ở Hoàng Mai, Ngũ Tổ lão nhân gia giảng Thiền Định và giải thoát như thế nào?” Huệ Năng đại sư giải thích, giảng giải Thiền Định và giải thoát, giải thoát có nghĩa là Niết Bàn, Huệ Năng đại sư nói: “Thiền Định và giải thoát hai pháp, hai pháp chẳng phải Phật pháp, Phật pháp pháp bất nhị”. Nên giải thích câu nói này của đại sư như thế nào? Chúng ta có thấu hiểu hay chăng? Pháp sư Ấn Tông còn thấy hai pháp, tức là vẫn còn có phân biệt, chấp trước; Huệ Năng đại sư đã dung hội cả hai thành một Thể. Không chỉ Thiền Định và giải thoát là một, không hai, mà hết thảy các pháp đều là một. Pháp thế gian và Phật pháp cũng là một. Giác ngộ thì gọi là xuất thế pháp, hay Phật pháp; chưa giác ngộ thì gọi là thế gian pháp. Đúng là một, không hai. Sau khi giác ngộ, chẳng tìm được hai; vì vậy, nhập Bất Nhị môn, vì sao? Phân biệt, chấp trước, ngay cả khởi tâm động niệm đều không có, lấy đâu ra hai pháp? Mấy câu này giảng về pháp môn Bất Nhị; nói theo cách bây giờ, đây là triết học cao cấp trong kinh Phật. Chúng ta nghe xong có thể hiểu thì “nghe hiểu” chính là lãnh hội lời giảng của cổ đức. Nghe không hiểu là chưa lãnh hội. Lãnh hội được thì tốt lắm, chưa lãnh hội cũng chẳng sao, cứ thật thà niệm Phật là được rồi. Vâng lời, thật sự thật thà vâng lời, quý vị thật sự tu, chắc chắn có thể thành tựu, đấy là bí quyết. Chúng ta học đoạn này tới đây.

Chúng ta xem đoạn kế tiếp, tức đoạn thứ tư: Đinh, ám hợp diệu đạo, xảo nhập vô sanh (thứ tư, thầm hợp đạo mầu, khéo nhập vô sanh). Đây là nói pháp môn Trì Danh Niệm Phật này tương ứng với minh tâm kiến tánh, tuy còn chưa đạt đến trình độ ấy, nhưng có cùng một phương hướng, một mục tiêu, chắc chắn tốt đẹp, đó là “ám hợp diệu đạo”. Xảo nhập vô sanh: Vô sanh là kiến tánh, thật sự thấy hết thảy các pháp chẳng sanh diệt, sanh diệt chẳng hai. Pháp môn này là phương tiện thiện xảo khiến cho chúng ta cũng có thể khế nhập [vô sanh]. Xin xem kinh văn trong trang mười lăm, hàng thứ nhất. Phù vô niệm dữ vô sanh, viễn phi phàm phu chi sở năng” (vô niệm và vô sanh vượt xa ngoài khả năng của phàm phu). Vô niệm là vô sanh, chúng ta phải thấu hiểu ý nghĩa ở đây: Có sanh thì sẽ có niệm! Chúng ta chưa phải thuộc cảnh giới này, mà cũng chưa nhập cảnh giới này, nhưng người đã học Hoàn Nguyên Quán sẽ hiểu vũ trụ xuất hiện như thế nào? Vạn vật xuất hiện như thế nào? Do ý niệm mà có, ý niệm vừa khởi, chúng (vạn vật và vũ trụ) bèn hiện tiền; ý niệm chẳng có, ngay lập tức, chúng cũng chẳng còn! Di Lặc Bồ Tát nói ý niệm sanh diệt vô cùng nhanh, trong một giây có bao nhiêu niệm? Có một ngàn hai trăm tám mươi triệu, có nhiều niệm dường ấy. Ngài nói: Do niệm niệm tiếp nối, nên dường như có sanh; nếu ý niệm “có một niệm” này đã đoạn, cảnh giới vô sanh sẽ hiện tiền. Vô sanh là gì? Vô sanh là Thường Tịch Quang, trong ấy chẳng có hiện tượng sanh diệt, chẳng sanh, chẳng diệt. Huệ Năng đại sư đã thấy, quý vị thấy trong bài báo cáo gồm năm câu của Ngài, câu thứ hai là: kỳ tự tánh, bổnsanh diệt” (nào ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt). Ngài đã thấy, chứng đắc, Ngũ Tổ mới truyền y bát cho Ngài, chẳng truyền cho Thần Tú, vì Thần Tú có sanh diệt: Thân thị Bồ Đề thụ, tâm như minh kính đài (thân như cội Bồ Đề, tâm như đài gương sáng), có sanh, có diệt, còn người ta (Huệ Năng) thật sự thấy vô sanh. Vì vậy, cảnh giới không giống nhau.

Cảnh giới ấy chẳng phải là cảnh giới phàm phu, mà là cảnh giới của ai? Trong giáo pháp Đại Thừa thường nói: “Viên Giáo Bát Địa Bồ Tát, ly nhất thiết tâm ý thức phân biệt, th danh chân đắc Sanh Pháp Nhẫn” (Bậc Bát Địa Bồ Tát trong Viên Giáo, lìa hết thảy tâm ý thức, phân biệt, mới thật sự được gọi là đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn). sanh là Vô Sanh Pháp Nhẫn, Vô Sanh Pháp Nhẫn là gì? Nhẫn là tán thành. Quý vị đã thấy, cũng chẳng có chút hoài nghi nào, quý vị chứng nhận điều ấy. Do vậy, nhẫn (忍) có nghĩa là tán thành, khẳng định. Đức Phật giảng pháp Vô Sanh hết thảy các pháp chẳng sanh, hết thảy các pháp chẳng diệt”, người ấy tiếp nhận, khẳng định. Chúng ta nghe câu này, nhất định sẽ nói: “Thưa Thích Ca Mâu Ni Phật! Con thấy đời người có sanh, lão, bệnh, tử, thấy hoa nở, hoa tàn, lẽ nào chẳng có sanh diệt?” Chúng ta không hiểu! Thật vậy! Thật sự chẳng có sanh diệt! Đối với kiến thức thông thường này, muốn hơi hiểu rõ một chút, hãy đọc bộ Hoàn Nguyên Quán, trong ấy đã giảng rất rõ ràng, chúng ta chưa thể chứng thực, nhưng Bát Địa Bồ Tát đã thấy. Đọc kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy Sơ Trụ Bồ Tát thuộc Viên Giáo phá vô minh, chứng Pháp Thân, Ngài đã thấy vô niệm, vô sanh, thoát ly mười pháp giới. Thưa quý vị, mười pháp giới có sanh, có diệt. Mười pháp giới do đâu mà có? Do A Lại Da biến hiện. Những điều các khoa học gia hiện thời nói rất giống với ba tế tướng của A Lại Da. Các khoa học gia nói: Trong vũ trụ, chỉ có ba thứ, trừ ba thứ ấy ra, thứ gì cũng đều không có. Ba thứ ấy là gì? Thứ nhất là năng lượng, thứ hai là vật chất, thứ ba là thông tin. Đức Phật giảng ba tế tướng của A Lại Da, thứ nhất là Nghiệp Tướng, [thứ hai là] Chuyển Tướng, [thứ ba là] Cảnh Giới Tướng. Nghiệp Tướng là năng lượng, Chuyển Tướng là thông tin, Cảnh Giới Tướng là vật chất. Chúng ta cũng chẳng thể không bội phục các nhà khoa học, họ cũng phát hiện, nhưng chẳng nói rõ ràng như đức Phật. Đức Phật nói ba hiện tượng này do đâu mà có? Họ (các nhà khoa học) không biết ba hiện tượng này lại biến hiện ra vũ trụ, biến hiện ra vạn vật, biến hiện ra con người chúng ta như thế nào, các khoa học gia chẳng nói được! Khoa học cận đại có thể phát hiện ba thứ này, há phải dễ dàng!

Sơ Trụ Bồ Tát buông khởi tâm động niệm xuống, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, đương nhiên chẳng có phân biệt, chấp trước. Sau khi khởi tâm động niệm mới có phân biệt, sau khi phân biệt mới có chấp trước. Những thứ này thảy đều buông xuống, sẽ sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm, chưa đến được Thường Tịch Quang, có thể nói là chứng Thường Tịch Quang, nhưng chưa khế nhập”. Vì sao? Còn tập khí vô minh chưa đoạn. Bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ có tập khí vô minh dày hay mỏng khác nhau; [nếu] toàn bộ tập khí đã đoạn hết, cõi Thật Báo Trang Nghiêm cũng chẳng còn. Họ đến nơi đâu? Tới cõi Thường Tịch Quang. Trong Thường Tịch Quang, không có hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần cũng chẳng có, đúng là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, quý vị không có cách nào tưởng tượng, mà cũng chẳng diễn tả được. Nó thật sự tồn tại, vĩnh hằng tồn tại, chẳng sanh, chẳng diệt. Có khởi tác dụng hay không? Khởi tác dụng! Chúng sanh có cảm, nó bèn ứng; sự cảm ứng đạo giao này cũng rất khó tưởng tượng. Thuở trẻ, chúng tôi học Phật pháp, thầy cũng chẳng giảng rõ ràng chuyện này, đối với chuyện này, chúng tôi luôn hoài nghi. Nỗi hoài nghi ấy chẳng có vấn đề, trong Phật pháp gọi [nỗi hoài nghi ấy] là nghi tình”, thường nghi, chưa thể đoạn. Huân tập kinh giáo Đại Thừa một thời gian dài, tôi mới dần dần lãnh ngộ. Sự lãnh ngộ ấy là ngộ, là giải ngộ, chưa phải chứng ngộ. Giải ngộ, chẳng hoài nghi nữa! Có lý, đạo lý cũng đã hiểu. Có Lý đương nhiên có Sự, có Sự đương nhiên có Lý. Từ Sự mà hiểu rõ Lý, từ Lý cũng liễu giải Sự. Vì sao chưa thể chứng đắc? Chưa buông khởi tâm động niệm xuống được! Phân biệt, chấp trước nhẹ hơn người bình thường, vì sao người bình thường ngay cả giải ngộ cũng gặp khó khăn dường ấy? Do phân biệt, chấp trước quá nặng, điều này chướng ngại ngộ môn của quý vị, chưa thể chứng ngộ. Quý vị thấy giải ngộ còn bị chướng ngại, huống hồ chứng ngộ!

Tu hành Phật pháp chẳng có chi khác, buông xuống, triệt để buông xuống! Bố Đại hòa thượng đã biểu thị pháp đến nơi đến chốn. [Ngài sống] vào đời Tống, cùng một thời với Nhạc Phi, Bố Đại hòa thượng là Di Lặc Bồ Tát, người Hoa gọi Ngài là Hoan Hỷ Phật. Đây là một nhân vật truyền kỳ, nhưng trong Cao Tăng Truyện có truyện ký của Ngài. Trong truyện ký, chẳng ghi tên họ của Ngài vì không ai biết, [Ngài là] người xứ nào cũng không biết. Ngài xuất hiện tại Phụng Hóa, tỉnh Chiết Giang. Nơi Ngài trụ là chùa Tuyết Đậu, ngôi chùa này hiện thời là đạo tràng của Di Lặc Bồ Tát, Ngài trụ tại nơi đó. Mập mạp, luôn tươi cười, hằng ngày ra ngoài hóa duyên, bất luận người ta cho thứ gì đều nhét vào túi vải. Có một lần, trên đường, gặp mấy người thưa hỏi lão nhân gia: “Phật pháp là gì?” Ngài bỏ cái túi vải xuống đất, buông thõng hai tay, thể hiện tư thế như vậy, chẳng nói một câu nào! Người ta nhìn ra: “Đó là buông xuống, sau khi buông xuống sẽ làm như thế nào?” Ngài khoác túi vải lên lưng bỏ đi, chẳng đoái hoài đến ai. Ngài đã thật sự trả lời, thật sự giảng rõ ràng. Phật pháp là gì? Buông xuống là Phật pháp. Quý vị thấy: Trong giáo pháp Đại Thừa, buông chấp trước xuống bèn chứng A La Hán, buông phân biệt xuống là Bồ Tát; buông khởi tâm động niệm xuống, quý vị bèn thành Phật. Từ đầu đến cuối đều dạy quý vị buông xuống, buông xuống tới mức chẳng còn gì hết. Ngay cả sự buông xuống ấy cũng buông luôn, quý vị sẽ thành Phật.

Sau khi thành Phật thì sao? Nâng lên! Buông xuống được, sẽ nâng lên được! Nâng lên là gì vậy? “Nâng lên” là phổ độ chúng sanh. Nói theo từ ngữ hiện thời, độ là giúp đỡ, giúp sức, góp tay. Chúng sanh có khổ nạn, quý vị giúp họ. Chúng sanh đang mê hoặc, chưa giác ngộ, quý vị giúp họ giác ngộ. Dùng phương pháp gì? Giảng kinh, giáo học. Quý vị thấy Thích Ca Mâu Ni Phật dùng phương pháp này, chúng ta đều thấy thân hành, ngôn giáo”: những gì Ngài đã nói, Ngài đều thật sự làm được. Thân hành, ngôn giáo, giảng kinh, thuyết pháp, Thích Ca Mâu Ni Phật suốt đời làm chuyện như vậy. Ba mươi tuổi khai ngộ, khai ngộ rồi bắt đầu dạy học, bảy mươi chín tuổi viên tịch, giảng kinh, dạy học suốt bốn mươi chín năm, những điều Ngài đã nói Ngài đều làm được toàn bộ, chẳng có điều nào không làm! Ngài dạy chúng ta như dạy trẻ vỡ lòng, Thập Thiện Nghiệp Đạo, Ngài làm được, chẳng sát sanh, không trộm cắp, chẳng tà dâm, chẳng nói dối, chẳng nói đôi chiều, chẳng nói thêu dệt, chẳng ác khẩu, chẳng tham, chẳng sân, chẳng si, thật sự làm được, làm thanh tịnh. Tam Quy là buông xuống “mê, tà, nhiễm”, nương theo “giác, chánh, tịnh”, đó là Tam Quy, Ngài làm được. Ngũ Giới Ngài làm được. Kinh giáo dạy chúng ta buông chấp trước xuống, Ngài làm được. Buông phân biệt xuống, Ngài cũng làm được. Buông khởi tâm động niệm xuống, Ngài làm được. Sau đấy, bảo quý vị: Chỉ cần quý vị thật sự chịu buông xuống, trong tự tánh có sẵn vô lượng trí huệ; vô lượng công đức và vô lượng tướng hảo thảy đều trọn đủ trong tự tánh. Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Thế Tôn dạy: Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai, thật đấy, chẳng giả đâu! Huệ Năng đại sư khai ngộ, nói: kỳ tự tánh, bổn tự cụ túc (Nào ngờ tự tánh vốn tự trọn đủ), có cùng ý nghĩa như kinh Hoa Nghiêm đã nói.

Khi quý vị buông xuống, Tánh Đức trong tự tánh hiện tiền, bất luận quý vị học hay chẳng học, đúng là sáu căn vừa tiếp xúc bèn triệt để hiểu rõ, đó là bản năng (năng lực sẵn có). Tổ tiên Trung Quốc đã hiểu [điều này], nhưng nói quá đơn giản, cho nên người đời sau quá nửa hiểu cong vẹo, hiểu sai lầm. Tổ tiên chỉ nói một câu: Bổn tánh vốn lành. Câu đầu tiên trong Tam Tự Kinh là: Nhân chi sơ, tánh bổn thiện” (Con người thoạt đầu tánh vốn lành). Chúng ta thấy những chữ này, ngay lập tức dựa trên văn tự để suy đoán ý nghĩa, ngỡ thiện là gì? Thiện là thiện trong thiện ác. Chẳng phải vậy! Đó chẳng phải là thiện trong “thiện, ác”, chúng ta đã hiểu lầm mất rồi! Làm thế nào để hiểu “thiện” [trong câu nói đầu tiên của Tam Tự Kinh] chẳng phải là thiện trong thiện ác? Hãy dùng đạo lý được giảng trong kinh Phật để đọc lời lẽ của tổ tiên. Do vậy, ông Thang Ân Tỷ (Arnold J. Toynbee) nói rất hay! Người Trung Quốc tâm lượng rất lớn, dung nạp văn hóa Ấn Độ, đó là dung nạp văn hóa ngoại lai, Phật giáo Ấn Độ đã làm phong phú văn hóa bản địa của Trung Quốc”. Chúng ta nói “thiện” ở đây chẳng phải là thiện trong “thiện, ác”, điều này đã làm phong phú văn hóa bản địa của Trung Hoa. “Thiện” ở đây là tự tánh, chẳng phải là thiện trong thiện ác; có thiện và ác sẽ chưa phải là thiện, vì sao? Có phân biệt, chấp trước. Thiện ở đây là gì? Là tự tánh như trong kinh Phật đã nói, pháp môn Bất Nhị mới gọi là “thiện”. Nhị là bất thiện; thiện ác là nhị pháp, đối lập, chẳng thiện. Thiện thật sự chẳng có đối lập. Nhà Phật nói Tánh, Tướng, Lý, Sự, nhân, quả là một, không hai, lúc đó mới là thiện, ý nghĩa này cũng rất sâu, Đại Thừa Phật pháp mới viên dung. Có phải là ý nghĩa này hay chăng? Đúng vậy, vì tự tánh viên dung hết thảy các pháp, tuyệt đối chẳng hiểu sai ý nghĩa.

Tổ tiên Trung Quốc chẳng đơn giản, quý vị thấy điều thứ nhất trong Ngũ Luân là phụ tử hữu thân”, thân (親) là thân ái. Hiếu được biểu hiện như thế nào? Là thân ái. Cha con thân ái là hiếu. Chữ Hiếu thuộc loại Hội Ý, quý vị hãy nhìn vào sự sáng tạo văn tự; vì thế, văn tự Trung Quốc chẳng thể sửa. Hễ sửa, ý nghĩa chẳng còn nữa! Quý vị thấy phù hiệu này sẽ nghĩ đến ý nghĩa. Quý vị thấy chữ Hiếu (孝), phía trên là Lão (老), phía dưới là Tử (子). Hai chữ này hợp lại, quý vị thấy được ý nghĩa sau đây: Một đời trước và đời hiện tại có cùng một Thể, đó là Hiếu, là ý nghĩa gốc của Hiếu. Trên một đời, còn có một một đời nữa, đời tiếp theo còn có đời tiếp theo nữa. Quá khứ không có khởi nguồn, vị lai không kết thúc, là nhất thể. Ý nghĩa này trong [văn tự] ngoại quốc không có. Trong văn tự ngoại quốc càng chẳng có cách nào nhìn ra [ý nghĩa này]; văn tự Trung Quốc khéo quá, hay quá, tận thiện, tận mỹ. Quý vị nhìn vào văn tự Trung Quốc, nếu chẳng nhận biết [ý nghĩa được bao hàm trong từng chữ], tức là chưa biết đọc; nhưng nếu có thể nhìn ra ý nghĩa của nó, [sẽ thấy] đấy là phù hiệu trí huệ.

Chúng ta thấy Bát Địa Bồ Tát ly nhất thiết tâm ý thức phân biệt” (lìa hết thảy tâm ý thức phân biệt). Bát Địa Bồ Tát đã sớm chẳng còn tâm ý thức, vì sao? Trong Viên Giáo, Sơ Trụ Bồ Tát đã thoát ly mười pháp giới, sanh về cõi Thật Báo, đã chuyển thức thành trí, lẽ nào còn có tâm ý thức phân biệt? Câu này nên hiểu ra sao? Câu này nói về tập khí vô minh từ vô thỉ, tập khí này hết sức mỏng nhẹ, hữu tình chúng sanh trong mười pháp giới, kể cả Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác trong mười pháp giới hoàn toàn chẳng biết [tập khí này hiện hữu], huống hồ phàm phu chúng ta! Chúng ta tưởng các Ngài đã hoàn toàn đoạn hết, [nào ngờ họ] chẳng thấy tập khí. Tập khí rất mỏng, chính các Ngài có biết hay không? Chính các Ngài chẳng biết, người có địa vị cao hơn các Ngài sẽ biết, người có địa vị thấp hơn các Ngài không biết. Cũng có nghĩa là Thất Địa không biết [cảnh giới của] Bát Địa, nhưng Bát Địa biết Thất Địa; Bát Địa không biết Cửu Địa, nhưng Cửu Địa hiểu Bát Địa. Ở đây nói: Lìa hết thảy tâm ý thức phân biệt” là nói đến tập khí. Tập khí này hầu như đã đoạn được. Đạt tới Bát Địa thì trên vị Bồ Tát ấy có Cửu Địa, Thập Địa, Đẳng Giác, cho đến Diệu Giác sẽ hoàn toàn đoạn dứt, tập khí hoàn toàn chẳng còn. Bốn mươi mốt phẩm tập khí gần như Ngài đã đoạn hết, lúc ấy mới thật sự là Vô Sanh Pháp Nhẫn. Hiểu theo nghĩa rộng, địa vị nào đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn? Sơ Trụ Bồ Tát đã đắc. Vì sao? Ngài buông khởi tâm động niệm xuống, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm là đoạn vô minh. Đoạn hết vô minh bèn chứng Pháp Thân, thoát ly mười pháp giới. Vì vậy, chúng ta phải hiểu chỗ này! Nếu quý vị chẳng hiểu, sẽ hoài nghi: Sơ Trụ Bồ Tát chẳng còn khởi tâm động niệm, cớ sao vẫn chưa thật sự chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn? Nói theo phía chúng ta, Sơ Trụ Bồ Tát thật sự chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn; nhưng đối với những địa vị cao hơn Ngài, Ngài vẫn chưa chứng, phải đến lúc Ngài đắc Bát Địa Bồ Tát, người ta mới thừa nhận Ngài đã thật sự đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Cửu Địa, Thập Địa, Thập Nhất Địa, Diệu Giác. Thập Nhất Địa là Đẳng Giác. Bốn địa vị trên Bát Địa chắc chắn đã đắc [Vô Sanh Pháp Nhẫn] vì đã đoạn trừ tập khí.

Khả kiến thử nãi thánh giả chi sở nan, an năng kỳ chi ư cụ phược phàm phu” (có thể thấy bậc thánh còn gặp khó khăn, làm sao phàm phu đầy dẫy triền phược mà hòng làm được). Làm sao chúng ta có thể thực hiện được? Đây là nói vô niệm vô sanh [phàm phu chúng ta] chẳng làm được! Sơ Trụ mới chứng đắc vô niệm vô sanh, đến địa vị Bát Địa mới coi như viên mãn, tập khí chẳng còn nữa. “Thị dĩ Thiện Đạo đại sư Tứ Thiếp Sớ viết (do vậy, trong Tứ Thiếp Sớ của Thiện Đạo đại sư có nói). Tứ Thiếp Sớ là bản chú giải kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật của Thiện Đạo đại sư, bản chú giải có tên là Tứ Thiếp Sớ, còn gọi là Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ, đấy là [trước tác] của Thiện Đạo đại sư . Trong ấy, có một đoạn như thế này: Kim thử Quán môn đẳng” (nay các phép Quán). Do kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật giảng tất cả mười sáu phép Quán, cho nên Quán môn đẳng là mười sáu phép Quán, đều là chỉ phương lập tướng, [tức là] chỉ rõ Tây Phương Cực Lạc thế giới, chỉ ra phương vị, lại còn dạy quý vị cách quán như thế nào. Phép Quán thứ nhất dạy quý vị quán hình dáng mặt trời lặn ở phương Tây, mặt trời lặn giống như cái trống treo”. Khi mặt trời sắp lặn, đỏ rực như cái trống, bảo quý vị nhìn điều ấy. Phải như thế nào mới là quán thành tựu? Mở banh con mắt bèn thấy, mà nhắm mắt, nó vẫn ở tại đó, vẫn trông thấy, thì phép Quán này mới được gọi là quán thành. Mười sáu phép Quán này, bất luận quý vị quán thành một phép Quán nào, cầu sanh Tây Phương sẽ có phần; chẳng phải là cả mười sáu phép Quán đều phải quán thành tựu. Bất luận một phép Quán nào, sau khi quán thành đều có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc. Khó hơn niệm Phật! Chúng ta thấy ấn tượng về mặt trời đỏ rất sâu, ở trong căn phòng này, chúng ta có thấy mặt trời đỏ hiện hữu hay chăng? Hiện hữu! Nếu vậy, đó là [quán cảnh thành tựu] thật sự. Nếu không, phép Quán này chưa thành. Do vậy, quán tưởng cũng chẳng dễ dàng, tinh thần quý vị chưa thể chuyên chú, cảnh giới ấy sẽ chẳng hiện tiền. Vì sao có thể hiện tiền? Theo Lý, kinh Đại Thừa dạy: Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”, trong tâm quý vị thật sự có, nó sẽ thật sự hiện tướng.

Trong Thập Lục Quán Kinh có cách quán tượng Phật, [tức là] Quán Tượng Niệm Phật; Quán Tưởng Niệm Phật, tưởng là trong tâm nghĩ tưởng y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Chỉ cần quý vị vừa tưởng, cảnh giới bèn hiện tiền; khi quý vị chẳng tưởng, cảnh giới không còn nữa! Lúc nào tưởng, lúc ấy cảnh giới hiện tiền, vãng sanh còn có vấn đề gì hay chăng? Khi lâm chung, tâm tưởng thế giới Cực Lạc, thế giới Cực Lạc bèn hiện tiền, Tây Phương Tam Thánh đến tiếp dẫn quý vị, công phu này phải luyện thành trong lúc thường nhật. Quán Tượng Niệm Phật là tạo một bức tượng A Di Đà Phật, mỗi ngày chiêm ngưỡng, cũng giống như [quán] mặt trời lặn giống như cái trống treo, thấy như thế nào? Mở banh con mắt, tượng Phật ở trước mặt; nhắm tịt mắt lại, tượng Phật vẫn hiện tiền, bất luận ở nơi đâu, quý vị vừa nghĩ, tượng Phật liền ở trước mặt, đó là Quán Tượng Niệm Phật. Phép Quán cuối cùng, tức phép Quán thứ mười sáu, là trì danh. Do vậy, Trì Danh Niệm Phật cũng có trong mười sáu phép Quán, là phép Quán cuối cùng trong mười sáu phép Quán. Phép cuối cùng là quan trọng nhất. Ấn Độ và Trung Quốc có rất nhiều tập tục tương đồng, thứ tốt nhất đặt ở cuối cùng, áp trục” (màn chót trong các cuộc biểu diễn nghệ thuật). Cũng có nghĩa là: Nếu dùng những phép Quán ấy mà quán chẳng thành thì sao? Quán chẳng thành bèn niệm Phật. Niệm Phật có thể vãng sanh, dễ hơn bất cứ cách nào. Vì vậy, Trì Danh Niệm Phật là phép Quán thứ mười sáu; pháp môn này độ trọn hết thảy chúng sanh hữu duyên. Phải có duyên! “Hữu duyên” là quý vị tin tưởng, có tín, có nguyện, thật sự niệm Phật, đó gọi là “hữu duyên chúng sanh”. Thiện Đạo đại sư nói: Vạn tu, vạn nhân khứ” (vạn người tu, vạn người về). Do vậy, [cách tu này] là chỉ phương lập tướng. Trụ tâm thủ cảnh” (lắng tâm giữ lấy cảnh), chẳng phải là vô niệm, vô sanh; “trụ tâm” là bảo quý vị hãy chú tâm nơi cảnh giới, giữ lấy cảnh giới. Tổng bất năng vô tướng ly niệm (nói chung là chưa thể vô tướng lìa niệm). Thập Lục Quán Kinh chẳng bảo quý vị lìa tướng, mà cũng chẳng buộc quý vị ly niệm. Phương pháp Trì Danh này là phép Quán thứ mười sáu, đương nhiên cũng là hữu niệm, cũng là hữu sanh, chẳng phải là vô tướng ly niệm.

Như Lai huyền tri mạt đại tội trược phàm phu, lập tướng trụ tâm thượng bất năng đắc, hà huống ly tướng nhi cầu sự giả (Như Lai sớm biết phàm phu tội chướng nhơ bẩn trong đời Mạt Pháp, lập tướng để trụ tâm còn chưa thể làm được, huống hồ tu tập theo lối lìa tướng): Như Lai ở đây là A Di Đà Phật và Thích Ca Mâu Ni Phật, mở rộng ra là hết thảy chư Phật Như Lai. Chư Phật Như Lai thị hiện làm Phật trong các thế giới khác nhau, giáo hóa chúng sanh, dùng pháp môn gì? Đều dùng pháp môn này. Vì sao? Pháp môn này thích hợp khắp ba căn, thâu trọn phàm lẫn thánh. Trừ pháp môn này ra, người thượng thượng căn có phần, chứ kẻ trung hạ căn chẳng có phần. Chúng sanh càng khổ nạn, mê hoặc, tội chướng, tập khí nặng nề, Như Lai càng đặc biệt thương xót bọn họ. Để độ bọn họ, chỉ có pháp môn này. Pháp môn này của kinh Vô Lượng Thọ hết sức thuận tiện, chuyên giảng trì danh niệm Phật, tín nguyện trì danh” là được rồi, có thể đắc độ; nhưng pháp môn này đúng là pháp khó tin! Chỉ cần quý vị kiên định lòng tin, quyết định chẳng hoài nghi, sẽ đắc độ trong một đời này. Nếu hoài nghi thì sao? Hễ hoài nghi, phải nghiên cứu kinh giáo. Đức Thế Tôn giảng kinh, thuyết pháp bốn mươi chín năm nhắm vào đối tượng nào? Nhắm vào đối tượng là kẻ có nghi vấn, đặc biệt là những kẻ nghi hoặc pháp môn Niệm Phật. Tín tâm của quý vị chẳng kiên định, nguyện tâm chẳng khẩn thiết, làm thế nào đây? Nghe kinh, đức Phật đã giảng cẩn thận, quý vị nghe rõ ràng, nghe rồi hiểu rõ, tin tưởng. Do vậy, giảng kinh với dụng ý giúp đỡ chúng sanh đoạn nghi sanh tín. Nếu đã thật sự tin tưởng, chẳng hoài nghi tí nào, có cần phải nghe kinh hay chăng? Chẳng cần thiết! Quý vị giữ lấy Tịnh Độ, nhất định thành tựu, không còn phải mất công nghe kinh, niệm một câu Phật hiệu đến cùng. Như vậy thì trong Niệm Phật Đường có thể chẳng cần nghe kinh ư? Có thể; nhưng vì sao nay trong Niệm Phật Đường, chúng ta yêu cầu họ phải nghe kinh? Họ chưa đủ tín nguyện, chẳng nghe kinh sẽ không xong! Quý vị đọc Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, thời đại của tổ Ấn Quang cách thời đại chúng ta không xa, đại khái là bảy mươi, tám mươi năm trước đây, vào thuở Ấn Quang đại sư tại thế, Niệm Phật Đường trong thuở ấy không cho phép giảng kinh, chỉ giảng khai thị, chẳng giảng kinh! Vì sao? Lòng người thuần hậu, mọi người vào Niệm Phật Đường đều có tín tâm, chẳng hoài nghi, thật thà niệm Phật. Người niệm Phật hiện thời chẳng thật thà, có nghi hoặc; chẳng đoạn nghi sẽ không được. Chẳng đoạn nghi thì nó sẽ chướng ngại quý vị. Quý vị thấy trong giáo pháp Đại Thừa, đức Phật đã dạy rất hay: Nghi chướng ngại lớn nhất của Bồ Tát”, chướng ngại gì? Chướng ngại tinh tấn. Nghi còn có thể chướng ngại các Bồ Tát tinh tấn thì đối với lũ phàm phu chúng ta, nó gây chướng ngại càng to hơn, chướng ngại gì vậy? Chướng ngại quý vị giác ngộ. Quý vị có nghi, nghe kinh không hiểu, đọc kinh chẳng liễu giải ý nghĩa, điều gì chướng ngại vậy? Chướng ngại chính là lòng hoài nghi; do quý vị hoài nghi, nên chẳng cung kính kinh giáo, Phật có muốn gia trì quý vị cũng không được! Ấn Quang đại sư nói rất hay: Một phần thành kính đắc một phần lợi ích, mười phần thành kính đắc mười phần lợi ích”. Quý vị thiếu tâm cung kính vì quý vị hoài nghi. Thiếu tâm cung kính, sẽ chẳng đạt được lợi ích, nghe cũng không hiểu, nghe vài chục năm vẫn không hiểu. Nghe không hiểu vẫn phải nghe, đức Phật vô cùng từ bi, không ngại phiền phức, nghe mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, sẽ nghe hiểu, nghe hiểu rồi sẽ chẳng hoài nghi nữa. Khi quý vị chẳng còn hoài nghi, tiến bộ cũng nhanh chóng, sẽ cảm thấy mỗi năm mỗi khác. Tới khi nào, quý vị có thể cảm thấy mỗi tháng đều khác nhau, cảnh giới chẳng giống nhau, chắc chắn quý vị được vãng sanh. Mỗi năm khác nhau, đó là cảnh giới tốt đẹp, nhưng vãng sanh chưa nắm chắc. Mỗi tháng đều khác nhau, nắm chắc vãng sanh! Câu kế tiếp là tỷ dụ, tự vô thuật thông nhân,không an lập xá (cũng giống như kẻ chẳng có thần thông hay pháp thuật xây nhà trên không). Đây là phàm phu mong muốn vô niệm, vô sanh, khế nhập cảnh giới này, giống như kẻ chẳng có thần thông lại toan xây nhà trên hư không, có được hay chăng? Người có thần thông thì được, kẻ không có thần thông chẳng làm được! Có nghĩa là: Nếu phàm phu chúng ta muốn khế nhập vô niệm vô sanh, sẽ giống như kẻ chẳng có thần thông toan cất nhà trên hư không. Đây là một câu trong Tứ Thiếp Sớ.

Kế đó, cụ Hoàng Niệm Tổ nói: Cáichúng sanh vọng tâm, niệm niệm tương tục, như cấp lưu thủy, tùng vị tạm tức” (ấy là vì chúng sanh vọng tâm niệm niệm tiếp nối như dòng nước chảy xiết, chưa hề tạm ngừng). Tỷ dụ này hay lắm, đúng như vậy, chúng ta vọng tâm, vọng tâm là gì? Là khởi tâm động niệm! Khởi tâm động niệm vô cùng vi tế; tâm vừa động, vọng tâm bèn xuất hiện. Vọng tâm là A Lại Da, A Lại Da cũng chẳng lìa tự tánh, từ chân khởi vọng. Nói thật ra, chân và vọng chẳng hai. Do chân và vọng chẳng hai, nên chư Phật Như Lai thấy hết thảy chúng sanh đều là Phật, hết thảy chúng sanh vốn là Phật, vì sao? Chân và vọng chẳng hai. A Lại Da chẳng rời khỏi tự tánh, chỉ là lệch khỏi Tánh Đức, trái nghịch, xa rời Tánh Đức, nên sanh ra những huyễn tướng ấy. Không như tứ thánh pháp giới, tứ thánh pháp giới cũng dùng A Lại Da, nhưng các Ngài thật thà, nghe lời, vâng lời dạy của chư Phật Như Lai, y giáo phụng hành; do đó, các Ngài học rất tốt đẹp, học rất giống Phật. Chưa phải là Phật thật sự, nên gọi là Tương Tự Tức Phật. Thiên Thai đại sư nói các vị trong tứ thánh pháp giới rất giống Phật. Vì sao chưa phải là chân Phật? Họ dùng A Lại Da, vẫn dùng vọng tâm; tuy dùng vọng tâm nhưng học rất giống. Khi nào buông vọng tâm xuống, chân tâm sẽ hiện tiền. Vị ấy là chân Phật, đó gọi là “chuyển thức thành trí”, đó là chân Phật, chuyển A Lại Da thành Đại Viên Kính Trí. Đại Viên Kính Trí là gì? Đại Viên Kính Trí là Thường Tịch Quang. Do mê, Thường Tịch Quang bèn biến thành A Lại Da, hễ giác thì là Thường Tịch Quang. Trí huệ trong Thường Tịch Quang là Chuyển Tướng của A Lại Da, tức là Kiến Phần của A Lại Da. Đức tướng của Thường Tịch Quang là Cảnh Giới Tướng của A Lại Da, tức là Tướng Phần. Nó bị biến chất, tuy không có hình tướng, mà có thể biến ra hình tướng. Kiến văn giác tri (thấy, nghe, hay, biết) trong tự tánh chẳng sanh, chẳng diệt. Trong A Lại Da Thức, kiến văn giác tri biến thành Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Vì vậy, Thọ, Tưởng, Hành, Thức từ kiến văn giác tri biến ra. Thọ, Tưởng, Hành, Thức có sanh diệt, kiến văn giác tri chẳng sanh diệt.

Thế giới này dường như tồn tại là do nguyên nhân nào? Niệm niệm nối tiếp, vọng tâm là khởi tâm động niệm. Trong lục đạo, chúng ta không chỉ khởi tâm động niệm, mà còn phân biệt, chấp trước. Nếu quý vị chẳng chấp trước, lục đạo sẽ chẳng có. Có khởi tâm động niệm, có phân biệt, bèn có tứ thánh pháp giới, trong Tịnh Độ gọi [tứ thánh pháp giới] là cõi Phương Tiện Hữu Dư. Có chấp trước, bèn là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, lục đạo luân hồi. Vì vậy, quý vị nói xem: Có phải là chấp trước tổn hại chúng ta nhiều lắm, mang lại cho chúng ta lắm nỗi thống khổ? Lục đạo quá khổ sở! Đức Phật đã nói rõ ràng như thế, nay chúng ta cũng biết, có thể buông chấp trước xuống hay chăng? Vẫn chưa thể, vẫn cứ chấp trước. Do nguyên nhân gì? Tập nhiễm quá nặng, thời gian đã quá lâu, dưỡng thành thói quen, hữu ý hay vô ý khởi hiện hành. Tu hành là tu theo cách nào? Thời thời khắc khắc hãy cảnh giác; các vị đại đức trong Tông Môn đã nói rất hay: Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm. Vì sao chẳng sợ niệm khởi? Niệm niệm tiếp nối, lẽ nào nó chẳng khởi lên cho được? Đã trở thành thói quen, nó sẽ khởi lên. Khởi lên chẳng sợ, vấn đề là quý vị phải giác ngộ, phải hiểu rõ, đừng bị nó mê hoặc. Giác là như thế nào? Giác có hiện tượng là chẳng chấp trước, hễ giác ngộ thì địa vị A La Hán bèn chẳng phân biệt, địa vị Bồ Tát bèn chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, từ Sơ Trụ trở lên thuộc vào địa vị Phật; đó là Giác. Nay chúng ta chẳng giác, ngay cả tầng cấp A La Hán vẫn chưa đạt được. Chúng ta học tập, vẫn phải biện luận, vẫn phải suy xét, đó là gì? Đó là đang chấp trước. Chẳng chấp trước thì có biện luận hay chăng? Chẳng chấp trước sẽ chẳng có biện luận. Khi quý vị thấy người khác biện luận sẽ cười khì, cười khì là gì? Cười khì tức là dấy lên phân biệt, tuy chẳng chấp trước, cao hơn kẻ ấy (kẻ chấp trước) một chút, nhưng vẫn chưa được! Đến tầng bậc cao là như như bất động, chẳng thể hiện tình cảm gì, cảnh giới càng cao; cười khì là còn khá lắm, so ra còn cao hơn kẻ chấp trước một tầng. Chưa từng ngưng dứt”, câu này là lời răn nhắc rất quan trọng đối với chúng ta.

Kim nhược miễn cưỡng án nại, thô niệm tuy đắc sảo tức, tế niệm tùng vị tạm chỉ” (nay nếu miễn cưỡng đè nén, tuy thô niệm hơi ngưng nghỉ, tế niệm chưa hề tạm dứt). Nay các đồng học chúng ta đọc câu văn này đều có thể lý giải, khẳng định: Chuyện này chẳng thể miễn cưỡng, càng miễn cưỡng càng phiền phức. Vì vậy, đức Phật rất kiên nhẫn, chẳng nóng ruột tí nào, cứ thong thả giáo hóa. Chúng sanh ô nhiễm bao kiếp dài lâu, dưỡng thành tập khí phiền não này, Bồ Tát cũng có thể hóa giải [tập khí ấy] trong bao nhiêu kiếp. Nếu đời này, chúng ta nắm được cơ hội, thứ gì cũng đều buông xuống, nhất tâm niệm Phật, thật sự vãng sanh Tịnh Độ, có phải là đời này mới bắt đầu [tu tập] hay không? Chẳng phải, vãng sanh thế giới Cực Lạc, quý vị sẽ thấy đời đời kiếp kiếp trong quá khứ đều học Phật, học bao nhiêu đời, nhưng đời này thành công, thoát ly lục đạo luân hồi. Quý vị cảm thấy vô cùng may mắn, rất cảm ơn A Di Đà Phật, vì sao? Nếu chẳng do pháp môn này, quý vị tu bất luận một pháp môn nào trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, chắc chắn chẳng thể thành tựu trong một đời này. Vì sao? Bất cứ một pháp môn nào cũng đều phải buông phiền não xuống, quý vị mới có thể vượt lên, nhưng pháp môn này không cần, không cần buông phiền não tập khí xuống, cách này dễ dàng. Khăng khăng một mực theo chắc A Di Đà Phật, một bước cũng chẳng chịu buông, sẽ đến thế giới Cực Lạc. Quý vị thấy [sự khăng khăng bám chắc nơi A Di Đà Phật] là chấp trước; nhưng Tịnh Tông chẳng sợ chấp trước! Chấp trì danh hiệu là chấp trước, trì là bảo trì (giữ gìn), chớ nên đánh mất, chấp trước kiên cố, chấp trước A Di Đà Phật, chẳng cần đến những thứ khác. Người ấy vãng sanh Cực Lạc thế giới trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, tốt lắm! Trong thế giới Cực Lạc, cõi Phàm Thánh Đồng Cư và cõi Thật Báo Trang Nghiêm chẳng sai khác, chúng ở cùng một chỗ, chẳng bị chướng ngại bởi các chiều không gian; nhưng trong thế giới của chúng ta thì có, thế giới bên kia chẳng có, vì sao chẳng có? Chướng ngại về chiều không gian là do chấp trước, phân biệt; quý vị chẳng còn phân biệt, chấp trước, chướng ngại này sẽ không còn nữa!

Phân biệt, chấp trước chưa đoạn, chẳng phải là sẽ mang tập khí này sang thế giới Cực Lạc ư? Chẳng sao cả! Người trong thế giới Cực Lạc thảy đều chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, quý vị đến nơi ấy, sẽ rất nhanh chóng, trong vòng vài ngày sẽ quen nếp, cũng sẽ buông tập khí phân biệt, chấp trước ấy xuống. Vì sao? Phân biệt, chấp trước là do quý vị mong đạt được thứ gì đó, dục vọng chẳng thỏa, nên mới chấp trước. Nếu hết thảy những gì quý vị cần, vừa nghĩ đến bèn có, chẳng cần nữa sẽ biến mất, quý vị thấy tự tại lắm! Do bốn mươi tám nguyện của Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật gia trì, quý vị đến thế giới Cực Lạc, nghĩ gì đều có, thảy đều có thể đạt được. Cổ đức thường nói: y đắc y, tư thực đắc thực” (nghĩ đến y phục bèn có y phục, nghĩ tới ăn bèn có ăn), không cần sức người làm lụng. Đối với y phục, chẳng cần mua vải vóc, chẳng phải cắt may, vừa nghĩ tới, y phục bèn khoác trên thân. Khi nghĩ đến thì thức ăn trăm vị, kinh thường chép: Bách vị ẩm thực”, chuyện này có điển cố. Khi ăn là một trăm món; xưa kia, mỗi bữa ăn của hoàng đế gồm một trăm món ăn. Bất luận nhà vua ăn hay không, mỗi bữa ăn là một trăm món, bách vị ẩm thực mà! Cuộc sống vật chất của quý vị [trong thế giới Cực Lạc] giống như đế vương, cũng chẳng cần đến sức người làm lụng, quý vị vừa nghĩ thứ gì, thứ ấy ở ngay trước mặt, ăn xong, không cần nữa thì sẽ chẳng thấy nữa. Sạch sẽ, chẳng nhiễm mảy trần. Thật ư? Thật đấy! Vì sao là thật ? Các khoa học gia nói năng lượng có thể biến thành vật chất, vật chất có thể biến thành năng lượng. Trong thế giới hiện tại, có thể biến vật chất thành năng lượng, bom hạch nhân (bom nguyên tử) được phát minh do điều này, nhưng hiện thời [khoa học] chưa thể biến năng lượng thành vật chất, tuy biết là chuyện có thể, nhưng chưa làm được! Trong thế giới Cực Lạc làm được, mỗi cá nhân đều có năng lực này. Họ chẳng cần dùng khí cụ nào, mà dùng ý niệm. Trong tâm họ muốn thứ gì, năng lượng tự nhiên biến thành vật chất cho họ thụ dụng. Không cần thụ dụng thì vật chất hóa thành năng lượng, chẳng còn nữa, chẳng cần đến kho chứa. Cung điện nơi họ ở trống trơn, chẳng có gì cả, cần gì có nấy, nên chẳng có kho chứa, quý vị nói có phải tự tại lắm hay không? Trong hoàn cảnh ấy, khi sống trong ấy, dần dần quý vị sẽ chẳng còn vọng tưởng nữa. Quý vị còn muốn có tiền ư? Tiền muốn bao nhiêu sẽ có bấy nhiêu. Quý vị muốn hoàng kim, người ta dùng hoàng kim phủ đất, trải đường, quý vị có đem nhựa đường chất đống trong nhà hay chăng? Tôi tin quý vị sẽ không làm như vậy. Vì sao? Ở đây, hoàng kim quá ít, nó là kim loại hiếm có, còn bên kia quá nhiều. Quý vị cần thất bảo, một viên kim cương bé tí đem cắt thành nhẫn đeo tay rất đẹp, người ta làm như thế nào? Người ta đem cả khối kim cương lớn cắt thành vật liệu xây cất, dùng làm vật liệu xây nhà. Do vậy, tới thế giới ấy, tâm tham lam hưởng thụ vật chất ngay lập tức sẽ chẳng còn nữa!

Do vậy biết rằng: Thế giới Cực Lạc tài nguyên phong phú ngần ấy, quá phong phú. Tài nguyên ấy do đâu mà có? Trong tự tánh. Thế giới này cũng có, cũng phong phú giống hệt như vậy, nhưng trong thế giới này, thất bảo biến thành thứ gì? Biến thành cát, thành bùn đất. Ai học khoa học cũng biết chúng biến thành những thứ ấy. Vì sao biến thành những thứ ấy? Ý niệm chẳng thiện, dấy lên tham, sân, si; do vậy, trân bảo trong tự tánh đều biến thành ô nhiễm. Trong giáo pháp Đại Thừa, có một câu nói diễn tả đại đạo lý: Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”; bên thế giới Cực Lạc giai thị chư thượng thiện nhân câu hội nhất x (đều là các vị thượng thiện nhân nhóm họp cùng một chỗ), người sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới là thượng thiện. Chúng ta niệm Phật phải tu thiện; chẳng tu thiện, còn có tham, sân, si, mạn, dẫu niệm Phật vẫn chưa thể vãng sanh. Kinh đã giảng rất rõ ràng: Phát Bồ Đề tâm, còn phải tu Bồ Tát Lục Ba La Mật, đem công đức ấy hồi hướng Tịnh Độ mới được vãng sanh. Chúng ta thấy có rất nhiều kẻ bần cùng, chẳng tu Lục Ba La Mật, vì sao cũng vãng sanh? Quý vị quan sát tỉ mỉ, [sẽ thấy] tuy họ không tu, nhưng Lục Ba La Mật đã viên mãn. Bố thí nhằm mục đích đoạn tâm tham, tuy họ bần cùng, trước nay chưa hề bố thí, nhưng chẳng tham luyến thế gian này, nên Bố Thí Ba La Mật viên mãn. Trì giới là phá ác nghiệp, họ niệm câu Phật hiệu này, chẳng làm ác nữa, nên Trì Giới Ba La Mật viên mãn. Nhẫn nhục nhằm đối trị sân khuể, trong tâm họ, đối với hết thảy mọi người, hết thảy sự chẳng có tâm sân khuể, cũng chẳng oán hờn người khác. Tinh tấn là niệm Phật chẳng giải đãi; Thiền Định là nhất tâm nhất ý; trí huệ là chọn lựa pháp môn này, chẳng hoài nghi tí nào. Quý vị hãy nghĩ xem: Bà lão một chữ không biết, nhưng thảy đều trọn đủ, tương ứng với những gì kinh đã dạy. Quý vị quan sát cặn kẽ, [sẽ thấy] những điều kiện như kinh đã dạy, người ấy thảy đều trọn đủ.

Hành nhân thảng nhược thác nhận, tiện vân tương ứng” (hành nhân nếu ngộ nhận, liền cho là đã tương ứng), đó là lầm to rồi. Hành nhân” là người niệm Phật, ở đây chỉ người niệm Phật tu Tịnh Độ. Thô niệm hơi ngưng dứt đôi chút, nhưng tế niệm về căn bản là chưa đình chỉ. Nếu tế niệm đã đoạn, tốt lắm, Thường Tịch Quang Tịnh Độ hiện tiền, bèn minh tâm kiến tánh. Tế niệm đoạn rồi, chính mình có biết hay không? Biết chứ, rõ ràng, rành rẽ, thật sự buông xuống, triệt để buông xuống. Lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần, không chỉ nhân gian, thiên thượng, mà cả y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới toàn bộ đều buông xuống, đó là tế niệm đã đoạn rồi, chỉ cần kiến tánh, sẽ vĩnh viễn chẳng thoái chuyển. Huệ Năng đại sư đã kiến tánh, Thích Ca Mâu Ni Phật đã kiến tánh, thân thể vẫn lưu trong thế gian, kinh Phật gọi trường hợp này là Hữu Dư Y Niết Bàn. Niết Bàn có nghĩa là chính Ngài đã chứng đắc cảnh giới, kiến tánh. Kiến tánh là chứng Niết Bàn, nhập Đại Bát Niết Bàn, kiến tánh là kiến đạo. Tuy đã kiến đạo, nhưng thân thể vẫn còn, những tướng đã hiện đều tồn tại, đó là gì? Tập khí chưa đoạn. Tập khí chưa đoạn cũng không sao cả, vì sao? Ở trong cảnh giới ấy, Ngài chẳng còn khởi tâm động niệm, vĩnh viễn giữ được cảnh giới này, đó gọi là Bất Thoái. Ba món Bất Thoái là Vị Bất Thoái, Hạnh Bất Thoái, Niệm Bất Thoái. Sơ Trụ Bồ Tát chứng ba món Bất Thoái, nhưng Ngài có tập khí.

Vì vậy, trong Tịnh Tông, trong bổn nguyện của A Di Đà Phật có nguyện thứ mười chín, sanh về thế giới Cực Lạc, giai tác A Duy Việt Trí Bồ Tát” (đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát), câu này tuyệt lắm! A Duy Việt Trí là gì? A Duy Việt Trí là viên chứng ba món Bất Thoái, chứng ba món Bất Thoái lại còn thêm một chữ Viên. Sơ Trụ Bồ Tát chứng ba món Bất Thoái, nhưng chưa thể nói viên. Viên là gì? Tập khí cũng đã đoạn. Trong giáo pháp Đại Thừa, đức Phật dạy chúng ta: Từ Thất Địa trở lên, Bát Địa chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn, Thất Địa viên chứng ba món Bất Thoái, còn thua Bát Địa Bồ Tát một bậc. Tịnh Tông được gọi là pháp khó tin”, “khó tin” ở đây có nghĩa là “ai chịu tin tưởng”! Quý vị là phàm phu, niệm A Di Đà Phật sanh về thế giới Cực Lạc, là hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư mà quả đức thù thắng ngần ấy, ai tin được? Nay chúng ta đã hiểu rõ ràng, chẳng phải là hễ vãng sanh sẽ thật sự được nâng cao tới phẩm vị này, chẳng phải vậy, người ấy vẫn là phàm phu, chưa đoạn tập khí phiền não, chỉ là khuất phục phiền não, nhưng ở bên ấy chẳng có duyên [khiến cho phiền não dấy động]. Tuy có chủng tử nhưng thiếu duyên, các phiền não chẳng thể khởi hiện hành. Hoàn cảnh [bên Cực Lạc] đúng là quá tốt đẹp, đạo lý ở chỗ này. Tới thế giới Cực Lạc, trí huệ và đức năng bèn có năng lực cảm ứng đạo giao với chúng sanh trong mười pháp giới. Chúng sanh có cảm, họ bèn có ứng, có năng lực giống như Phật, Bồ Tát ứng hóa độ chúng sanh. Năng lực do đâu mà có? Do bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì, chẳng phải do chính họ. Họ phải thong thả tu đến địa vị Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, cho đến lúc ấy [năng lực hóa độ chúng sanh mới] là của chính mình; chưa đạt đến trình độ ấy, sẽ do oai thần của A Di Đà Phật gia trì; Phật lực chẳng thể nghĩ bàn! Pháp môn này gọi là Nhị Lực Pháp Môn. Vì vậy, [thần thông, trí huệ, đạo lực] chẳng phải do tương ứng, mà do Phật gia trì, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này.

Ư thị đại bi từ phụ” (do vậy, đấng cha lành đại bi), đây là nói về A Di Đà Phật. Hưng vô duyên chi từ, thùy kỳ diệu phương tiện pháp môn, chỉ phương lập tướng, nhiếp tâm chuyên chú, tức thử vọng tâm, trì Phật danh hiệu, niệm nhất Phật danh, hoán trừ bách thiên vạn ức vọng tưởng tạp niệm, niệm đắc thuần thục, nãi vong năng sở, tâm vô sở trụ, Phật hiệu phân minh, ám hợp đạo diệu, tiện khế Kim Cang Bát Nhã Kinh trụ sanh tâm chi diệu đế” (Khởi lòng Từ vô duyên, ban pháp môn phương tiện kỳ diệu này, chỉ phương, lập tướng [để hành nhân] nhiếp tâm, chuyên chú, dùng chính cái vọng tâm này để trì danh hiệu Phật. Niệm một danh hiệu Phật nhằm thay thế, trừ bỏ trăm ngàn vạn ức tạp niệm vọng tưởng. Niệm đến mức thuần thục sẽ quên mất Năng lẫn Sở, tâm chẳng trụ vào đâu, Phật hiệu phân minh, ngầm hợp đạo mầu, liền khế nhập chân lý mầu nhiệm “vô trụ sanh tâm” trong kinh Kim Cang Bát Nhã). Cụ Niệm Tổ viết đoạn này rất hay, đây là A Di Đà Phật vô duyên đại từ, truyền cho chúng ta một pháp môn thuận tiện như vậy, thuận tiện hơn bất cứ pháp môn nào, chẳng tìm được pháp nào thuận tiện hơn bốn chữ “A Di Đà Phật”. Trong tâm quý vị thật sự có câu A Di Đà Phật này, niệm niệm chẳng quên, hết thảy thời, hết thảy chỗ trong tâm thật sự có [câu danh hiệu ấy], quý vị sẽ thành công. Niệm bao lâu mới có thể vãng sanh, quả báo mới có thể hiện tiền? Chúng ta hãy đọc Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện, đại khái quá nửa là ba năm.

Thuở đầu, khi tôi giảng kinh, khi đó ước chừng tôi hơn bốn mươi tuổi, tôi ra giảng kinh lúc ba mươi ba tuổi, có pháp sư đến hỏi tôi, ông ta hoài nghi, nói: “Có phải là những người được kể trong Vãng Sanh Truyện và Tịnh Độ Thánh Hiền Lục từ khi họ bắt đầu niệm Phật tới lúc vãng sanh, thọ mạng của họ chỉ còn vừa đúng ba năm, do thọ mạng đã hết, A Di Đà Phật bèn đến tiếp dẫn họ ra đi?” Đem vấn đề này hỏi tôi. Tôi nói: “Cách nghĩ của ông chẳng hợp lý luận! Một, hai người hay ba bốn người thì có thể, chứ đằng này nhiều quá. Nhiều quá nên [lập luận của ông] chẳng hợp lý. Vì sao ba năm họ ra đi? Chỉ cần họ đạt công phu thành phiến, tuy còn thọ mạng nhưng chẳng cần đến, ra đi sớm. Niệm đến mức công phu thành phiến bèn sanh tử tự tại”. Nói như thế mới thông suốt, viên mãn. Có người niệm tới trình độ này, nhưng vẫn chưa đi, vì lẽ gì? Người ấy có duyên với chúng sanh trong thế gian này, đã có duyên, phải mang thêm mấy người cùng đi, mang càng nhiều càng hay nên người ấy lưu lại. Người ấy sanh tử tự tại, muốn đi lúc nào bèn đi lúc ấy, thật sự có năng lực này. Quý vị hãy quan sát cẩn thận người như vậy, tuyệt đối chẳng tự tư tự lợi, chắc chắn chẳng có [ý niệm tham đắm] tiếng tăm, lợi dưỡng, nhất định chẳng có tham, sân, si, mạn, quý vị hãy quan sát cẩn thận. Nhưng khi hóa độ, họ cũng biểu diễn, cũng nổi nóng, giống như hát tuồng; chẳng làm như vậy sẽ không thể thực hiện [sự hóa độ] được, nhưng trong tâm quả thật chẳng có. Trung Quốc có một câu ngạn ngữ để hình dung hạng người này: Đao tử khẩu, đậu hủ tâm” (Miệng dao găm, lòng đậu phụ). Tâm địa rất dịu dàng, làm như thế đó nhằm thực hiện sự hóa độ, đó là “thiện xảo phương tiện”, chẳng phải là thật, quan sát cẩn thận quý vị sẽ có thể thấy được. Chúng ta thường gọi họ là “bậc tái lai”, họ có thể đi, nhưng chậm lại mấy năm, ở lại thêm vài năm nhằm giúp đỡ chúng sanh hữu duyên. Nếu không có duyên, họ bèn ra đi. “Không có duyên” chính là người ấy dạy mà chẳng ai nghe, người ta không tin tưởng, nên người ấy ra đi. Ra đi cũng nhằm độ chúng sanh, tướng lành lúc người ấy mất khiến cho những kẻ bình phàm trông thấy, sanh khởi lòng tin, phát tâm học Phật. Vì vậy, người ấy ra đi cũng là độ chúng sanh, mà ở lại thế gian cũng là độ chúng sanh.

Ở đây, chúng ta phải đặc biệt lưu ý, trong đây có một câu nói phải khéo hiểu, chỉ phương lập tương, nhiếp tâm chuyên chú, tức thử vọng tâm, trì Phật danh hiệu, niệm nhất Phật danh” (chỉ phương lập tướng, nhiếp tâm chuyên chú, dùng ngay cái vọng tâm này để trì danh hiệu Phật. Niệm một danh hiệu Phật), niệm A Di Đà Phật, hoán trừ bách thiên vạn ức vọng tưởng tạp niệm” (thay thế, trừ khử trăm ngàn vạn ức vọng tưởng, tạp niệm), câu này trọng yếu lắm! Niệm Phật có công đức gì? Đấy là công đức, công đức chân thật. Khi quý vị chẳng niệm Phật, có vọng tưởng, có tạp niệm; một mực niệm một câu Phật hiệu, quý vị sẽ chẳng có vọng tưởng; niệm Phật để trừ vọng tưởng, tạp niệm, đó là công đức chân thật. Tạp niệm, vọng tưởng là đang tạo nghiệp, rất nhiều người chẳng biết điều này. “Tôi chẳng làm chuyện xấu”, dấy lên một ác niệm là đã tạo rồi! Vì vậy, trì danh niệm Phật nhằm trực tiếp khiến cho quý vị chẳng khởi ác niệm. Không chỉ là ác niệm chẳng thể khởi, mà thiện niệm trong lục đạo cũng không khởi! Quý vị khởi thiện niệm sẽ cảm vời quả báo trong ba đường lành, ác niệm cảm vời quả báo trong ba đường ác. Thiện niệm hay ác niệm đều chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi. Trong một câu A Di Đà Phật này, chẳng có lục đạo luân hồi; người ấy (người niệm Phật) chẳng ở trong lục đạo, A Di Đà Phật ở Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị phải hiểu rõ đạo lý này. Vì sao niệm Phật? Niệm Phật chẳng tạo nghiệp, niệm niệm là A Di Đà Phật, đó gọi là Tịnh nghiệp”, người ấy tương ứng với Tây Phương Tịnh Độ. Vì vậy, hễ niệm Phật hiệu bèn tương ứng với Phật. Nhất niệm tương ứng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật. Chúng ta nghĩ lại trong giáo pháp Đại Thừa, đức Thế Tôn thường bảo: Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”. Chúng ta vốn là Phật, hiện tại niệm niệm đều là Phật, lẽ nào người ấy chẳng thành Phật? Quả vị cao nhất trong mười pháp giới là Phật Quả, còn phải vượt qua [quả vị ấy]! Do ở trong mười pháp giới, vẫn chưa thoát khỏi mười pháp giới; niệm A Di Đà Phật bèn vượt thoát mười pháp giới. Hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng vượt khỏi mười pháp giới, nhất định phải biết sự thật này, đường tắt mà! Ổn thỏa, xác đáng! Do vậy, có thể tin, có thể nguyện, có thể hành, đó là trí huệ khôn sánh. Nếu chẳng phải là giác ngộ thật sự, trí huệ chân thật chân chánh, người ấy sẽ chẳng chọn lấy pháp môn này trong một đời này!

Khi niệm đến thuần thục, sẽ nhập pháp môn Bất Nhị. “Nãi vong năng sở (bèn quên mất Năng và Sở), Năng và Sở tượng trưng cho tương đối, Năng và Sở chẳng hai. Tâm vô sở trụ” (tâm chẳng trụ vào đâu), chẳng trụ sở niệm (đức Phật được ta niệm), mà cũng chẳng trụ năng niệm (cái tâm niệm Phật), Năng lẫn Sở đều chẳng trụ, hiểu rõ ràng, rành rẽ một câu Phật hiệu này; cảnh giới ấy gọi là ám hợp đạo diệu (thầm hợp đạo mầu), đạo diệu là như kinh Kim Cang đã dạy: trụ sanh tâm” . Vì sao gọi nó là đạo diệu? Huệ Năng đại sư khai ngộ do câu này. Tục ngữ Trung Hoa thường nói đắc đạo trong một câu”. Hòa thượng Ngũ Tổ Nhẫn giảng kinh Kim Cang cho Lục Tổ nghe, đương nhiên là giảng đại ý, vì Lục Tổ không biết chữ, chắc chắn không đọc kinh bổn; giảng đến câu Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (đừng trụ vào đâu để sanh tâm), Lục Tổ bèn hoát nhiên đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Khi đó, Lục Tổ hai mươi bốn tuổi, rất trẻ, Ngũ Tổ truyền y bát cho Ngài. Nửa đêm, truyền y bát cho Ngài, bảo Ngài đi ngay lập tức, do nguyên nhân gì? Tổ sư cũng là biểu diễn pháp cho chúng ta thấy, nhằm dạy chúng ta học tập: Ganh ghét, chướng ngại là chuyện chẳng thể tránh được. Thần Tú theo Ngũ Tổ đã bao nhiêu năm, là Thủ Tọa trong các đồng học, là lớp trưởng, là trợ giáo của Nhẫn hòa thượng. Các đồng học cho rằng nếu Ngũ Tổ truyền pháp, trong lòng mọi người đều đoan quyết Tổ sẽ truyền cho Thần Tú, sao lại là người khác? Nay y bát truyền cho một kẻ từ nơi khác đến, hết thảy mọi người đều coi thường hắn. Trong tự viện, người đông dường ấy, tới cả ngàn người, trong lòng những người đó có phục hay chăng? Vì lẽ nào Ngũ Tổ lại truyền y bát cho người khác? Đó là chuyện không thể chấp nhận được, nhất định phải đoạt trở về. Có lẽ là lão hòa thượng tuổi đã cao, nhất thời hồ đồ, đem y bát truyền cho kẻ chẳng liên can! Do vậy, Ngũ Tổ nói: “Ngươi hãy mau trốn đi”. Cuối cùng trốn trong phường thợ săn mười lăm năm, mười lăm năm khiến mọi người quên dần chuyện này, Ngài mới xuất hiện. Chúng ta phải ghi nhớ lời giáo huấn này. Thuở ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật khai ngộ, đi các nơi giảng kinh, nói pháp, nhiều kẻ đố kỵ! Lục sư ngoại đạo đố kỵ, đó là đối với các tôn giáo khác, là người ngoài. Trong nhà có người đố kỵ chăng? Có chứ! Đề Bà Đạt Đa là kẻ đố kỵ số một! Nhưng đức Phật có trí huệ chân thật, đức năng chân thật, có thể bao dung, tránh né ông ta, đức Phật có năng lực ấy. Những chuyện này đều nhằm thị hiện cho chúng ta thấy: Phật, Tổ thành tựu đều gian nan ngần ấy; chúng ta muốn bình an, thành tựu ổn thỏa, thích đáng, đâu có đại phước báo như vậy? Do vậy, hết thảy chướng ngại là chuyện không thể tránh được, phải dùng trí huệ và đức hạnh, dùng tâm nhẫn nại để khắc phục. Đối với chúng ta mà nói, hết thảy chướng ngại là khảo nghiệm, cửa ải nào chúng ta cũng đều vượt qua, sẽ đạt tiêu chuẩn, quý vị bèn thành tựu. Có cửa ải nào chẳng thể vượt qua, quý vị bèn đọa lạc. Hễ đọa lạc, chẳng biết phải tới đời nảo đời nao mới có thể tiếp tục tu. Người thật sự tu hành, thật sự mong thành tựu trong một đời này, chẳng thể không biết [điều này].

trụ sanh tâm”, vô trụ là thanh tịnh tịch diệt. Thuật ngữ trong Phật môn [gọi vô trụ sanh tâm là] Đại Bát Niết Bàn, trong Tịnh Độ gọi là Thường Tịch Quang, tức Thường Tịch Quang Tịnh Độ trong bốn cõi. Trên thực tế, nó là tự tánh. Trở về tự tánh, vọng tận, hoàn nguyên, hoàn nguyên sẽ chẳng trụ. Người ấy sanh tâm là sanh cái tâm gì? Chúng sanh có cảm bèn có ứng. Ngài thì có ứng. Sự “ứng” ấy chính là đại từ bi tâm, đại Bồ Đề tâm. Vì vậy, cảnh giới Niết Bàn chẳng phải là chết cứng, mà là sống động, vì trong cảnh giới ấy không có hiện tượng vật chất, mà cũng không có hiện tượng tinh thần. Chuyện này rất kỳ quái, không có hiện tượng tinh thần, mà sống động hoạt bát, chẳng chết cứng! Do vậy, chúng sanh có cảm thì Ngài bèn có ứng, dẫu là cảm cực kỳ vi tế vẫn luôn có ứng, tuy yếu ớt, nhỏ nhoi đến nỗi khí cụ khoa học của chúng ta trong hiện tại chẳng thể dò xét được, nhưng nó là thật! Quý vị hãy nghĩ xem, một niệm này chính là một phần của một ngàn hai trăm tám mươi triệu của một giây, ý niệm vi tế như thế! Tâm vô trụ là chân tâm, nó có thể cảm ứng, cảm phản hồi thành ứng. Ứng là sanh tâm. Sanh tâm gì? Tuyệt đối chẳng phải là hữu ý. Ngài không có ý, cũng chẳng có niệm, vì vậy gọi là Ứng. Chúng sanh có cảm Ngài bèn ứng. Ứng là tùy thuận cảm ở một nơi nào đó, chính mình tuyệt đối chẳng hề khởi tâm động niệm. Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: Tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng (thuận lòng chúng sanh, ứng với khả năng nhận biết của họ), đây là nguyên lý cảm ứng. Chúng sanh cầu Phật, Ngài bèn hiện thân Phật; chúng sanh cầu Bồ Tát, Ngài bèn hiện thân Bồ Tát, thân gì Ngài cũng đều có thể hiện. Quý vị ưa thích gì, Ngài bèn hiện thân ấy. Có thể hiện cây cối, hoa, cỏ, mà cũng có thể hiện sơn hà, đại địa. Cái thân hiện ra ấy, tức ứng thân ấy chắc chắn sẽ giúp cho quý vị có ngộ xứ. Đạo lý cảm ứng được giảng rất nhiều trong kinh Hoa Nghiêm, có hiển cảm hiển ứng, hiển cảm minh ứng (cảm rõ rệt ứng ngấm ngầm), minh cảm minh ứng (cảm lẫn ứng đều âm thầm), minh cảm hiển ứng (cảm âm thầm, ứng rõ rệt), quyết định có ứng!

Cảnh giới này cũng chẳng thể nghĩ bàn, vì sao? Toàn thể vũ trụ, chúng ta nói “vũ trụ” thì khái niệm này chẳng rõ ràng như đức Phật đã nói, đức Phật nói “pháp giới”. [Thuật ngữ] pháp giới chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn vũ trụ, vô lượng, vô biên! Chúng ta đọc phẩm Hoa Tạng Thế Giới [của kinh Hoa Nghiêm] mới biết thế giới to lớn. Những điều các nhà thiên văn đã nói vẫn chưa vượt ngoài thế giới Sa Bà. Trong toàn bộ vũ trụ, thế giới Sa Bà là một chấm rất nhỏ, nhỏ tí, không đáng kể! Vũ trụ quá lớn, tự tánh quá lớn, vũ trụ do tự tánh biến hiện. Tự tánh là một, cho nên khắp pháp giới hư không giới là một Thể. Quý vị hãy suy nghĩ, trong pháp giới, trong mỗi cõi Phật đều có mười pháp giới. Trong Nhất Chân pháp giới, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, sẽ không khởi tác dụng cảm ứng đạo giao cùng quý vị, nhưng mười pháp giới thì có. Chúng sanh trong mười pháp giới khởi tâm động niệm, mỗi niệm đều trọn khắp pháp giới, mỗi niệm xuất sanh vô tận, chứa đựng Không và Có, ba thứ ấy đều trọn khắp, tốc độ quá nhanh, đồng thời! Chúng ta dấy lên ý niệm, bất luận là ý niệm gì, ý niệm ấy vừa khởi lên sẽ trọn khắp pháp giới, tự tánh thảy đều thâu nhận, nhận được tin tức ấy, nó sẽ có phản ứng. Giống như tiến sĩ Giang Bổn Thắng của Nhật Bản đã làm thí nghiệm với nước. Trong thí nghiệm của ông ta, sự phản ứng khá chậm chạp, còn phải mất thời gian mấy tiếng đồng hồ. Phản ứng của tự tánh đối với hết thảy chúng sanh là ngay lập tức, đồng thời .

Nếu quý vị thật sự biết đạo lý và chân tướng sự thật này, quý vị sẽ dấy lòng cảm ơn chư Phật, Bồ Tát. Vì sao? Chẳng thời khắc nào không chiếu cố quý vị; không thời khắc nào chẳng quan tâm quý vị, còn chu đáo hơn cha mẹ lo lắng cho con cái. Cớ sao nay chúng ta trở thành nông nỗi này? Là do chính chúng ta không quay đầu, không biết khéo học, tự làm tự chịu, có cách nào đâu? Bất luận chúng ta đang ở trong đường nào, súc sanh đạo cũng thế, mà ngạ quỷ đạo cũng vậy, địa ngục đạo cũng vậy, đều quan tâm như nhau. Vì vậy, có thể thật sự dấy lòng cảm ơn Phật, Bồ Tát, quý vị sẽ thật sự học tập, có ý nguyện chân thành học tập. Có thành ý, thành tựu cũng nhanh chóng! Ấn Quang đại sư dạy: Mười phần thành ý, sẽ được mười phần thu hoạch”. Chưa học Hoàn Nguyên Quán, chúng ta vẫn chưa hiểu rõ khái niệm này; chưa hiểu rõ vẹn mười! Sau khi học Hoàn Nguyên Quán, chúng ta hiểu rất rõ, sẽ chân thật thể hiện lòng cảm ơn đối với hết thảy chư Phật Như Lai, rồi quay lại áp dụng [lòng cảm ơn ấy] đối với hết thảy chúng sanh. Hết thảy chúng sanh vốn Phật, thật vậy, hết thảy chúng sanh vị lai Phật, câu này cũng là thật. Chắc chắn quý vị sẽ chuyển biến trong mỗi đời, cảnh giới trong mỗi đời sau cao hơn đời trước, nhất định sẽ có ngày đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, trở về tự tánh. Nói theo phương diện thế gian của nhân loại, thời gian này rất dài, nhưng nói theo cõi Thật Báo, bên ấy chẳng có thời gian, cũng chẳng có không gian. Không có thời gian, sẽ chẳng có trước sau; không có không gian, sẽ chẳng có khoảng cách. Đây là diệu đế (chân lý mầu nhiệm) trụ sanh tâm”.

Tiếp theo đó, nói: Phù chúng sanh chi sanh diệt tâm, x xứ năng duyên, độc bất năng duyên ư Bát Nhã, tu vị đăng Biệt Giáo địa thượng chi Bồ Tát, phương năng khế nhập” (Cái tâm sanh diệt của chúng sanh, chỗ nào cũng có thể duyên, chỉ chẳng thể duyên nơi Bát Nhã. Địa vị cần phải đạt đến Sơ Địa trong Biệt Giáo trở lên mới hòng khế nhập). Sơ Địa trong Biệt Giáo là Sơ Trụ trong Viên Giáo, kinh Hoa Nghiêm gọi địa vị này là Sơ Trụ Bồ Tát, lúc ấy mới có thể khế nhập. Vì sao? Ngài chẳng dùng sanh diệt tâm, chuyển bát thức thành tứ trí, tứ trí là Bồ Đề tâm, chuyển thức thành trí. Tứ trí là chân tâm, A Lại Da là vọng tâm, chuyển vọng trở thành chân, trí huệ Bát Nhã trong tự tánh bèn mở mang, hiện tiền. Bát Nhã là đức năng của tự tánh. Quý vị đã kiến tánh, đức năng trong tự tánh thảy đều hiện tiền, quý vị được thụ dụng. Vì vậy, phải là bậc Bồ Tát từ Sơ Trụ trở lên, là Viên Giáo như trong kinh Hoa Nghiêm thì mới có thể khế nhập. Khế nhập là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Hôm nay lại hết thời gian rồi, chúng ta học tập tới đây.

***

[1] – “Chùa Quang Hiếu vốn có tên là Chế Chỉ, vốn là nền trường học cũ của Ngu Phiên, được khai sơn vào khoảng năm 233. Chùa trở thành đạo tràng hoằng pháp của pháp sư Ấn Tông trong niên hiệu Nghi Phụng đời Đường Cao Tông. Chùa đổi tên thành Báo Ân Quảng Hiếu Tự vào năm Thiệu Hưng 20 (1150) đời Cao Tông nhà Nam Tống, về sau rút gọn tên gọi và đổi Quảng thành Quang, nên chùa có tên là Quang Hiếu Tự như hiện thời. Chùa Quang Hiếu cũng là nơi Tể Tướng Phòng Dung giúp pháp sư Bát Lạt Mật Đế nhuận sắc bản dịch kinh Lăng Nghiêm khi ông bị Võ Tắc Thiên đày xuống Khâm Châu (nay là huyện Khâm Châu tỉnh Quảng Đông).