TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Lộc và Huệ Trang

 

TẬP 11

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ mười, hàng thứ năm, chúng ta xem từ câu thứ hai: “Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh”, bắt đầu xem từ chỗ này. Chúng ta hãy đọc kinh văn.

“Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh (tức A Di Đà kinh Đường dịch bổn) vân” (Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh (tức kinh A Di Đà, bản dịch đời Đường) đã nói). Trong kinh văn có một câu như thế này: “Ngã quán như thị lợi ích an lạc đại sự nhân duyên, thuyết thành đế ngữ” (ta thấy đại sự an lạc lợi ích như thế, nói lời đúng thật). Trong câu nói này, “ta” là Thích Ca Mâu Ni Phật [tự xưng]. Chúng ta biết bộ kinh Phật Thuyết A Di Đà Kinh giống như thường lệ, trong một đời, đức Thế Tôn chỉ giảng một lần, chẳng giảng lần thứ hai. Hiện thời, trong Đại Tạng Kinh, kinh này có hai bản dịch, một là do Cưu Ma La Thập đại sư phiên dịch, dịch theo ý, [tức là] chẳng phải là trực dịch (dịch theo sát nguyên văn từng chữ trong nguyên bản), mà hoàn toàn dịch theo đại ý của kinh; [bản dịch của] Huyền Trang đại sư là trực dịch, tức là căn cứ theo văn tự của kinh điển bằng tiếng Phạn để phiên dịch. Nói như vậy, Huyền Trang đại sư dịch khá sát, trung thành với nguyên văn, La Thập đại sư dịch theo ý nghĩa, không chiếu theo văn tự. Trong cái nhìn của người Trung Quốc, bản dịch của Cưu Ma La Thập đại sư giống như văn chương do người Trung Quốc viết, rất hợp với khẩu vị của chúng ta, cho nên được lưu truyền rất rộng; bản của Huyền Trang đại sư tuy là trực dịch, giữ nguyên diện mạo của nguyên văn, nhưng chúng ta không ưa thích lắm, nên bản này chẳng được lưu thông, chỉ được lưu giữ trong Đại Tạng Kinh.

Đức Phật nói lời ấy, Ngài thấy “đại sự lợi ích an lạc như thế”, tức là thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật phổ độ chúng sanh trọn khắp pháp giới hư không giới, chẳng giống các cõi Phật thông thường, cõi của A Di Đà Phật dạy người ta thành Phật trong một đời; vì thế, [kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ] chẳng khác gì Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Hoa Nghiêm và Pháp Hoa là Nhất Thừa giáo. Cái gọi là Nhất Thừa giáo đã được giảng rất rõ ràng trong phần trước, giáo pháp ấy giảng về lý luận và phương pháp thành Phật trong một đời. Phật Thuyết A Di Đà Kinh cũng dạy người ta thành Phật trong một đời, đấy là ưu điểm, ở đây bảo là: “Lợi ích an lạc như thế”. Ưu điểm là phù hợp khắp ba căn, gồm thâu lợi căn lẫn hạ căn, kẻ hạ hạ căn cũng có thể thành Phật trong một đời, chẳng thể nghĩ bàn! Do vậy, kinh này [được nói ra] vì cùng một đại sự nhân duyên như Hoa Nghiêm và Pháp Hoa.

Mục tiêu tu học của hết thảy các kinh Đại Thừa là Bồ Tát, mục tiêu tu học của kinh Tiểu Thừa là A La Hán. Điều này giống như trong nhà trường trên thế gian hiện thời họ mở trường Trung Học, khi [học sinh] tốt nghiệp sẽ là tốt nghiệp Trung Học; còn khi tốt nghiệp Đại Học thì là sinh viên Đại Học, có thể đạt được học vị Học Sĩ (Cử Nhân), khác hẳn! Mỗi trường học khác nhau. Nhà trường của A Di Đà Phật rất lạ lùng! Chúng tôi thường nghĩ đây là một ngôi trường “trọn gói”[1], quý vị vào trường ấy học, chỉ có lên lớp, không bị ở lại lớp, mà cũng không bị đuổi xuống lớp dưới, tuy thời gian dài hay ngắn khác nhau, nhưng chắc chắn thành Phật trong một đời, Ngài bảo đảm cho quý vị. Hoa Nghiêm và Pháp Hoa giống như nghiên cứu sở (graduate school), còn trường của A Di Đà Phật là từ Tiểu Học cho đến nghiên cứu sở, là một loại trường học như vậy đó! Điều này giống như Liên Trì đại sư đã viết trong Di Đà Sớ Sao: “Kim đản nhất tâm trì danh, tức đắc Bất Thoái” (Nay chỉ nhất tâm trì danh, liền đắc Bất Thoái). Bất Thoái là Vãng Sanh Kinh của Tịnh Tông. Từ ngữ Vãng Sanh Kinh nhằm chỉ Tịnh Độ “ngũ kinh nhất luận” trong hiện tại, những kinh luận này đều nhằm dạy con người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đều nói “viên chứng ba món Bất Thoái”, đây là pháp khó tin. Đối với ba thứ Bất Thoái, Tiểu Thừa chứng đắc Vị Bất Thoái, Đại Thừa Bồ Tát chứng đắc Hạnh Bất Thoái, đạt đến Pháp Thân Bồ Tát mới chứng đắc Niệm Bất Thoái. Từ bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên mới chứng đắc Niệm Bất Thoái, hoặc ba thứ Bất Thoái, nhưng chưa đạt đến viên mãn, chưa thể bảo là “viên”. Chứng đắc viên mãn ba món Bất Thoái là ai? Từ Thất Địa trở lên, quý vị thấy địa vị rất cao, A Duy Việt Trí Bồ Tát đấy nhé!

Trong bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, có một nguyện là: “Hễ ai sanh sang Tây Phương Cực Lạc thế giới, thảy đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát, viên chứng ba món Bất Thoái”. Ngài hoàn toàn chẳng nói “ngoại trừ cõi Phàm Thánh Đồng Cư”, chẳng nói! Ngài chẳng nói câu ấy thì nói cách khác, hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư cũng thành A Duy Việt Trí Bồ Tát. Làm sao có thể nói cho xuôi? Chúng tôi học đã nhiều năm như thế, rốt cuộc hiểu rõ ràng, minh bạch: Người ấy do được bổn nguyện gồm bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật gia trì, nên trí huệ và oai thần bằng Thất Địa Bồ Tát, chẳng khác Thất Địa Bồ Tát; chẳng phải do năng lực của chính người ấy, mà do A Di Đà Phật gia hộ, được bốn mươi tám nguyện gia hộ. Nếu nói đến chuyện chứng đắc thì trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, khi nào quý vị sẽ chứng đắc? Trong kinh thường nói: “Hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh”, đó là quý vị thật sự chứng đắc. Khi quý vị chưa ngộ Vô Sanh, cũng có nghĩa là đang thuộc vào ba bậc chín phẩm trong bốn cõi trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị vẫn chưa có năng lực nâng cao [cảnh giới] lên, thật sự đạt tới cõi Thật Báo. Khi quý vị tự mình thật sự chứng đắc cõi Thật Báo, sẽ không cần A Di Đà Phật gia trì; nhưng khi chưa chứng đắc cõi Thật Báo, hoàn toàn phải nhờ A Di Đà Phật gia trì. Trí huệ, thần thông, năng lực, và hưởng thụ giống như trong cõi Thật Báo, hễ sanh về thế giới Cực Lạc sẽ đạt được. Giống như đầu thai luân hồi trong lục đạo, quý vị đầu thai vào nhà đế vương, vừa sanh ra liền được hưởng thụ sự phú quý của bậc đế vương. Do vậy, chúng ta sanh về thế giới Cực Lạc, liền hưởng thụ thần thông và đức tướng của A Di Đà Phật, liền được hưởng thụ ngay! Nếu hiểu rõ và nhận biết điều này, chúng ta sẽ chẳng hoài nghi sự trang nghiêm thù thắng khôn sánh như Vãng Sanh Kinh đã giảng, đó là Phật lực gia trì. Đấy là nói về “chỉ nhất tâm trì danh, liền đắc Bất Thoái”.

“Thử nãi trực chỉ phàm phu tự tâm cứu cánh thành Phật” (Đây là chỉ thẳng: Từ ngay tự tâm của phàm phu mà rốt ráo thành Phật), ở chỗ này, trước chữ “thành Phật” đã thêm chữ “cứu cánh” (rốt ráo), vì sao? A Duy Việt Trí Bồ Tát mới có thể thêm hai chữ “rốt ráo”. Nếu chẳng có hai chữ “rốt ráo”, mà nói là “thành Phật” thì Sơ Trụ trong Viên Giáo đã thành Phật. Thêm vào hai chữ “rốt ráo” thì khẳng định là từ Thất Địa trở lên mới viên chứng ba món Bất Thoái. Mấu chốt là hai chữ tiếp theo: “Nhược năng đế tín” (nếu có thể tin chắc thật), hai chữ trọng yếu là “đế tín”. “Đế” (諦) là thật, quý vị thật sự tin, một mảy hoài nghi cũng chẳng có thì mới gọi là “đế tín”. Thật sự tin tưởng, quý vị sẽ thật sự làm; thật sự tin, thật sự muốn vãng sanh, thật sự niệm Phật. Thật sự niệm Phật là gì? Hết thảy duyên đều buông xuống, trong mười hai thời, trong tâm quả thật chỉ có A Di Đà Phật, trừ A Di Đà Phật ra, hết thảy những thứ khác đều buông xuống, kinh giáo do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm cũng đều buông xuống. Vì sao? Từ một câu A Di Đà Phật, quý vị sẽ đắc Niệm Phật tam-muội. Niệm Phật tam-muội là nhất tâm bất loạn, từ Sự nhất tâm đạt đến Lý nhất tâm. Đã đạt Lý nhất tâm bất loạn, trong phần sau, chúng ta sẽ nói về Lý nhất tâm, là đã kiến tánh, kiến tánh bèn thật sự thành Phật. Đắc Lý nhất tâm bất loạn, vãng sanh thế giới Cực Lạc, chẳng thuộc trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, mà cũng không thuộc cõi Phương Tiện Hữu Dư. Thưa quý vị, niệm đến Sự nhất tâm bất loạn sẽ sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư, niệm đến Lý nhất tâm bất loạn liền đạt đến cõi Thật Báo. Thật sự có thể niệm đến [cõi ấy] ư? Đúng là có thể niệm đến [cõi ấy], chúng ta hiểu đạo lý này rất rõ ràng, vì lẽ gì? Người ấy đã buông toàn bộ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống, đạo lý ở chỗ này. Chúng ta hãy suy nghĩ: Chúng ta chưa buông xuống, nhưng người ấy thật sự buông xuống. Buông xuống sẽ kiến tánh, kiến tánh là viên mãn, trí huệ viên mãn, đức hạnh viên mãn, tướng hảo viên mãn, đắc đại viên mãn. Viên mãn thì còn có chướng ngại hay chăng? Không chỉ đối với hết thảy các kinh do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm không có chướng ngại, mà đối với vô lượng vô biên kinh luận do mười phương hết thảy chư Phật Như Lai đã nói, quý vị chẳng bị chướng ngại chút nào. Vì sao? [Những kinh luận ấy] đều do tự tánh lưu lộ, quý vị đã kiến tánh. Trong sự giáo học của Phật pháp, không có gì khác, chỉ là dạy quý vị hãy bỏ hết vọng, trở về tự tánh. Trở về tự tánh, quý vị sẽ chứng đắc Phật quả rốt ráo, rốt ráo thành Phật.

“Hà tu biến lịch tam thừa, cửu kinh đa kiếp” (há cần phải trải khắp ba thừa, trải qua nhiều kiếp lâu xa), không cần phải trải qua các địa vị Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, tiến lên từng bước một, không cần thiết! Trải qua các địa vị trong tam thừa đúng là phải mất nhiều kiếp lâu xa, không chỉ là ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Ba đại A-tăng-kỳ kiếp là nói theo kinh Hoa Nghiêm, từ phàm phu tu đến bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo hoặc Sơ Địa trong Biệt Giáo phải mất vô lượng kiếp! Sơ Trụ trong Viên Giáo là minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Học từ kinh Hoa Nghiêm, chúng ta biết: Tập khí vô thỉ vô minh chưa đoạn; nhưng vô minh đã thật sự đoạn hết. Quả thật chẳng động tâm, chẳng khởi niệm, nhưng tập khí khởi tâm động niệm vẫn có; vì thế, nó chẳng trở ngại sự. Muốn đoạn sạch tập khí này, phải mất thời gian bao lâu? Cần tới ba A-tăng-kỳ kiếp để đoạn tập khí. Không có thứ gì khác có thể đoạn trừ tập khí; sau một thời gian lâu dài, nó sẽ tự nhiên chẳng còn nữa! Đoạn tập khí trong thế giới Cực Lạc cũng nhanh, thời gian được rút ngắn trên một mức độ lớn. Do vậy, các vị Pháp Thân Bồ Tát trong thế giới Hoa Tạng theo Văn Thù, Phổ Hiền đến thế giới Cực Lạc để làm gì? Để rút ngắn thời gian đoạn tập khí, đạo lý là như vậy đó.

“Bất việt nhất niệm, đốn chứng Bồ Đề” (chẳng ngoài một niệm, mau chóng chứng Bồ Đề). Bồ Đề ở đây là Vô Thượng Bồ Đề, là nhất niệm, là danh hiệu Di Đà gồm bốn chữ. “Nam-mô” chẳng phải là danh hiệu, A Di Đà Phật mới là danh hiệu. Nam-mô có nghĩa là quy y, quy mạng, hay lễ kính. Do vậy, lúc Liên Trì đại sư tại thế, trong bộ Trúc Song Tùy Bút có một câu chuyện như thế này: Có người thỉnh giáo lão nhân gia: “Lão nhân gia bình thường niệm Phật như thế nào?” Ngài nói Ngài niệm bốn chữ A Di Đà Phật. “Ngài dạy người khác thì sao?” “Ta dạy người khác niệm sáu chữ Nam-mô A Di Đà Phật”. Vì sao khác nhau? Liên Trì đại sư nói: “Trong một đời này, ta nhất định muốn sanh về Tịnh Độ, cho nên kiểu cách khách sáo nào cũng chẳng cần, những lời lẽ khách sáo đều bỏ sạch”. Kinh dạy chúng ta chấp trì danh hiệu, danh hiệu là bốn chữ, Ngài bèn niệm bốn chữ. Vì sao dạy người khác niệm sáu chữ? Người khác chưa chắc đã có quyết tâm kiên định muốn sanh về Tịnh Độ, cho nên thêm chữ Nam-mô, tức là quy y A Di Đà Phật, quy mạng A Di Đà Phật, cung kính A Di Đà Phật, không nhất định trong một đời này người ấy đã có thể vãng sanh. Thêm vào chữ “cung kính”, đó là nói năng cung kính. Chính mình thật sự muốn vãng sanh, chẳng cần dùng đến lời lẽ cung kính, không cần thiết! Những chữ khách sáo đều không cần! A Di Đà Phật sẽ không trách quý vị, quý vị rất nghe lời! Thích Ca Mâu Ni Phật dạy quý vị chấp trì danh hiệu, danh hiệu là A Di Đà Phật, trong danh hiệu không có chữ Nam-mô. Quý vị thấy lời này rất có ý nghĩa!

Ấn Quang đại sư cả đời dạy người khác niệm sáu chữ, vì sao? Ngài thấy chúng sanh đông đảo, nhưng chẳng mấy ai thật sự muốn vãng sanh, nên [dạy họ] niệm hồng danh sáu chữ nhằm kết pháp duyên với A Di Đà Phật. Quý vị hiểu tổ sư dạy người khác sử dụng tâm gì, quý vị sẽ hiểu rõ! Tín nguyện kiên định, chẳng có mảy may hoài nghi, trong một đời này ta quyết định phải vãng sanh, quý vị thật sự buông xuống vạn duyên. Những trường hợp như vậy nhiều lắm! Quý vị đọc Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện, sẽ thấy những tấm gương như vậy hiện tiền, thật sự cầu vãng sanh, biểu diễn cho chúng ta xem. Mấy năm trước, ở Thâm Quyến, ông Hoàng Trung Xương nghe kinh, thường nghe chúng tôi nói như vậy, ông ta thật sự giác ngộ, đại triệt đại ngộ! Sự đại triệt đại ngộ của ông ta chẳng phải là minh tâm kiến tánh, mà là ngộ “bất việt nhất niệm, đốn chứng Bồ Đề” (chẳng ngoài một niệm, mà mau chóng chứng Bồ Đề), ông ta ngộ điều này. Buông xuống hết thảy, mỗi ngày niệm một bộ kinh Vô Lượng Thọ, tiếp đó hoàn toàn niệm Phật hiệu, ước hẹn kỳ hạn cầu chứng đắc, ước định thời gian là ba năm, xem thử có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc hay không? Niệm tới hai năm mười tháng, biết trước lúc mất, ra đi, chẳng sanh bệnh, còn thiếu hai tháng nữa mới đủ ba năm, đến thế giới Cực Lạc là đi làm Phật. Chúng tôi giảng kinh tại nơi đây là Thị Chuyển và Khuyến Chuyển, cư sĩ Hoàng Trung Xương làm Chứng Chuyển cho chúng tôi, tam chuyển pháp luân đã toàn vẹn. Ông ta làm chứng cho chúng tôi. Do điều này có thể biết: Triệt ngộ là thật sự buông xuống. Vì sao chúng ta chưa thể buông xuống? Giác chưa đủ trình độ. Thật sự giác ngộ sẽ thật sự triệt để buông xuống, như trong kinh Đại Thừa đã nói: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp). “Pháp” [trong câu này] là Phật pháp. Phật pháp cũng không cần, nắm vững một câu A Di Đà Phật [là đủ rồi]. “Đốn chứng Bồ Đề, khởi phi đại sự” (Mau chóng chứng Bồ Đề, há chẳng phải là đại sự?). Đi làm Phật! Sau thời gian hai năm mười tháng bèn đi làm Phật.

“Khả kiến Tịnh Tông chánh thị trực chỉ đốn chứng chi pháp” (đủ thấy Tịnh Tông chính là pháp chỉ thẳng, đốn nhập), đây là một đại sự nhân duyên, “Dĩ niệm Phật tâm, nhập Phật tri kiến. Tịnh Tông chi hưng khởi, chánh do thử đại sự nhân duyên dã” (dùng cái tâm niệm Phật để nhập tri kiến của Phật. Tịnh Tông hưng khởi chính vì đại sự nhân duyên này). “Hạ” là tiếp theo đó, “tường minh bổn kinh hưng khởi chi nhân duyên” (giảng rõ nhân duyên hưng khởi của bản kinh này). Trong phần trên là nói về nhân duyên chư Phật Như Lai xuất hiện trên thế gian này. Căn tánh của chúng sanh khác nhau, nhưng tổng mục tiêu, tổng phương hướng của chư Phật là nhất trí, ngàn kinh muôn luận tuy khác đường nhưng về cùng một chỗ, cuối cùng là trở về Tịnh Độ. Do vậy, trong Phật pháp, chẳng cần biết quý vị tu hành theo tông nào, phái nào, hay pháp môn nào, có ba khoa mục chung bắt buộc phải tu:

1) Thứ nhất là giới luật. Giới luật là khoa mục chung, là cơ sở. Quý vị phải vun bồi cội rễ vững vàng, giống như xây nhà, bất luận quý vị xây cao đến đâu, bất luận xây theo kiểu nào, trước hết, phải đắp nền. Giới luật là nền móng, không có giới luật thì điều gì cũng chẳng thể thành tựu!

2) Thứ hai là lý luận, đây là khoa mục chung. Đối với Pháp Tướng Duy Thức, Hoa Nghiêm là một bộ kinh điển trọng yếu trong Pháp Tướng Duy Thức. Pháp Tướng Duy Thức có sáu kinh, mười một bộ luận; trong sáu kinh có kinh Hoa Nghiêm giảng về căn nguyên của vũ trụ. Trong Hoàn Nguyên Quán đã giảng rất hay: “Hiển nhất thể, khởi nhị dụng” (hiển lộ một thể, khởi lên hai tác dụng). Nhị Dụng, bất luận là y báo hay chánh báo, nhỏ như vi trần, lớn như hư không pháp giới, đều có ba thứ trọn khắp chẳng thể nghĩ bàn. Thứ nhất là “trọn khắp pháp giới”, thứ hai là “sanh ra vô tận”, thứ ba là “chứa đựng không và có”. Lý này chung khắp, mỗi một pháp môn trong tám vạn bốn ngàn pháp môn cũng chẳng thể vượt ra ngoài, đó là lý luận để quý vị dựa vào.

3) Thứ ba là quy túc, [tức là] quý vị tu hành, kết quả cuối cùng đều là vãng sanh thế giới Cực Lạc. Tám vạn bốn ngàn pháp môn thảy đều quy vào thế giới Hoa Tạng, đến cuối cùng đều quy vào thế giới Hoa Tạng. Sau khi đã đến thế giới Hoa Tạng, Văn Thù và Phổ Hiền sẽ dẫn quý vị cùng tới thế giới Cực Lạc. Do vậy, thế giới Cực Lạc là nơi quy túc chung.

Đó là ba khoa mục chung. Đối với đoạn này, chúng ta học tập tới đây.

Lại xem đoạn kế tiếp: “Xứng tánh cực đàm, Như Lai chánh thuyết”. Ở đây, chia thành mấy đoạn nhỏ; đây là đoạn thứ nhất, dùng Giáp, Ất, Bính, Đinh[2] để đánh số theo thứ tự. “Hoa Nghiêm, Pháp Hoa quân viên đốn xứng tánh chi giáo, đản kỳ quy thú khước tại bổn kinh” (Hoa Nghiêm và Pháp Hoa đều là giáo pháp Viên Ðốn xứng tánh, nhưng chỗ quy thú của chúng lại thuộc trong kinh này). Hai bộ kinh này từ xưa tới nay, vào thời đại Tùy – Đường đã được các vị tổ sư đại đức nhất trí công nhận, khẳng định là kinh Nhất Thừa. Trong giáo pháp suốt một đời của đức Thế Tôn, có tổng cộng ba bộ kinh Nhất Thừa, ngoài Hoa Nghiêm và Pháp Hoa, còn có một bộ nữa là Phạm Võng. Kinh Phạm Võng ngoại trừ một phẩm Phạm Võng Bồ Tát Giới được dịch sang tiếng Hán, những phẩm khác chưa truyền tới Trung Quốc. Bộ kinh này cũng là một kinh lớn, phân lượng rất lớn, nhưng chỉ truyền sang Trung Hoa một phẩm, tức là Bồ Tát Tâm Địa Giới Phẩm. Những kinh này đều là Viên Giáo viên mãn, Đốn Giáo thành tựu nhanh chóng, thành tựu trong một đời, xứng tánh, trong ấy không có phương tiện quyền xảo, mà là thẳng chóng, thỏa đáng. Chỗ quy thú của chúng là ở trong kinh này (kinh Vô Lượng Thọ). Kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng, Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần, chúng ta thấy, mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát dẫn về Cực Lạc, Hoa Nghiêm quy vào Vô Lượng Thọ, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong Hoa Nghiêm hải hội quy vào Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đấy là thật, chẳng giả tí nào, trong kinh đã nói rõ ràng.

“Ngẫu Ích đại sư tán bổn kinh vân: Tuyệt đãi viên dung, bất khả tư nghị” (Ngẫu Ích đại sư khen ngợi kinh này như sau: “Dứt bặt đối đãi một cách viên dung chẳng thể nghĩ bàn”). Ngẫu Ích đại sư tán thán kinh Vô Lượng Thọ viên dung đến tột bực, “Hoa Nghiêm áo tạng, Pháp Hoa bí tủy”, “áo tạng, bí tủy” (kho sâu thẳm, cốt lõi kín nhiệm) là những từ ngữ hình dung sự cao thâm, áo diệu. Đây là nói với ai? Nói với những người từ Quyền Giáo Bồ Tát trở xuống, họ không hiểu, chưa đại triệt đại ngộ, sẽ chẳng thể nhập cảnh giới này. Cảnh giới Hoa Nghiêm, cảnh giới Pháp Hoa phải là người triệt ngộ, minh tâm kiến tánh mới có thể lãnh ngộ; kẻ chưa kiến tánh còn cách một tầng! Tinh tủy sâu kín của Pháp Hoa (Pháp Hoa bí tủy) là nói về Lý trong kinh ấy. “Nhất thiết chư Phật chi tâm yếu, Bồ Tát vạn hạnh chi tư nam, giai bất xuất ư thử hỹ” (tâm yếu của hết thảy chư Phật, kim chỉ nam cho muôn hạnh Bồ Tát đều chẳng ra khỏi kinh này), chữ “thử” chỉ kinh Vô Lượng Thọ. Bồ Tát vạn hạnh là nguyên tắc chỉ đạo sự tu hành tối cao của Bồ Tát, [nguyên tắc ấy] ở trong kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ trực tiếp dạy mọi người niệm Phật sanh về Tịnh Độ, trực tiếp dẫn dắt người vãng sanh Tịnh Độ trong một thời gian rất ngắn sẽ đạt tới mục tiêu triệt ngộ tâm tánh. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, đức Phật đã nói: Một người niệm Phật sanh sang Tây Phương Cực Lạc thế giới, hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, tu trong thế giới Cực Lạc đến khi minh tâm kiến tánh, tu đến mức khế nhập cõi Thật Báo Trang Nghiêm, sẽ cần thời gian bao lâu? Đức Thế Tôn bảo là mười hai kiếp. Chúng ta thấy mười hai kiếp rất dài, nhưng tại Tây Phương Cực Lạc thế giới, mười hai kiếp cũng rất ngắn, chẳng dài! Tu hành trong thế giới này, muốn tu chứng đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, quý vị thấy kinh thường nói phải mất thời gian bao lâu? Phải mất vô lượng kiếp, chẳng phải mười hai kiếp, mà là vô lượng kiếp! Tu hành trong các cõi Phật khác cần tới vô lượng kiếp, trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là mười hai kiếp, quý vị thấy thời gian đã rút ngắn bao nhiêu!

Hơn nữa, vừa đến nơi ấy, trí huệ, thần thông, và đạo lực đều giống như Thất Địa Bồ Tát. Lời này có nghĩa là gì? Ý nghĩa rất sâu, có nghĩa là nói quý vị vừa đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ có năng lực giống như Pháp Thân Bồ Tát, ngàn xứ khẩn cầu, bèn ứng hiện trong ngàn xứ. Chúng sanh nơi nào có cảm, quý vị bèn có thể tới đó giáo hóa họ, nên dùng thân gì để độ được, quý vị liền hiện thân ấy, giống như ba mươi hai ứng thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, có đại bản lãnh và thần thông to dường ấy! Quý vị phải hiểu: Những điều đó chẳng phải do chính quý vị tu được, mà do bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì, khiến cho quý vị khởi ra tác dụng ấy, chẳng thể nghĩ bàn! Đây chẳng phải là nói đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, chờ khi ta tu thành tựu rồi mới có thể độ chúng sanh, quý vị cứ tới đó là [sẽ độ chúng sanh] được. Trong thế giới của thập phương chư Phật không hề có [chuyện này]. “Thị cố bổn kinh xưng vi xứng tánh chi cực đàm dã” (Do vậy, kinh này được xưng tụng là lời bàn luận xứng tánh đến mức cùng cực), đây cũng là nói từ trong tự tánh của chư Phật Như Lai và A Di Đà Phật viên mãn lưu lộ. Giảng đến chỗ cùng cực, “cực” (極) là viên mãn.

Ở đây, cụ Hoàng đã trích dẫn rất nhiều. “Hựu Nhật”, “Nhật” là Nhật Bản. Cao tăng Đạo Ẩn trong tác phẩm Vô Lượng Thọ Kinh Chân Giải, trong Vạn Tục Tạng có cuốn này, chúng ta có thể đọc từ Vạn Tục Tạng; trong đó có một đoạn như sau: “Ngũ Trược chi thế, tạo ác chi thời, thánh đạo nhất chủng kim thời nan tu, kỳ nạn phi nhất” (Hiện tại nay là đời Ngũ Trược, lúc tạo ác; cho nên khó tu một thứ thánh đạo vì sẽ gặp nhiều chướng nạn). Quý vị thấy trong hiện thời, đặc biệt là trong xã hội hiện tiền, đúng là Ngũ Trược đã ô nhiễm đến mức cùng cực. Ngay cả bầu trời trong xanh cũng chẳng nhìn thấy nữa! Chúng ta thấy bầu trời khói đen mù mịt, ô nhiễm đến tột cùng! Vì sao? Chúng sanh tạo ác. Hãy suy nghĩ xem có điều nào trong Thập Ác chẳng làm? Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, nói đôi chiều, ác khẩu, nói thêu dệt, tham, sân, si, chúng ta hãy lắng lòng suy nghĩ, quan sát cẩn thận một phen, hiện thời có người nào sống trên địa cầu chẳng tạo? Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác thảy đều tương ứng [với Thập Ác], ai nấy đều gây tạo. Quay trở lại suy nghĩ, ta có tạo hay không? Hữu ý hay vô ý cũng đều tạo, biết làm sao được nữa? Có cách nào chẳng tạo? Thưa quý vị, niệm Phật sẽ chẳng tạo nữa! Ta niệm Phật một giờ, trong một giờ ấy sẽ không tạo; niệm Phật hai giờ, trong hai giờ ấy sẽ chẳng tạo. Chẳng niệm Phật, chắc chắn sẽ hữu ý hay vô ý tạo, tập khí quá nặng mà! Do vậy, chẳng đọc kinh, chẳng niệm Phật thì làm sao được nữa? Khi đọc có thể chẳng tạo, phải biết rằng: Thời thời khắc khắc phải phản tỉnh, thời thời khắc khắc phải kiểm điểm.

“Thánh đạo nhất chủng kim thời nan tu” (hiện thời khó tu một thứ thánh đạo), thánh đạo là Phật, Bồ Tát đạo. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, tu tập bất luận pháp môn nào trong hiện tại đều khó lắm, thật là khó! Trì giới có thể không tạo nghiệp hay chăng? Thời thượng cổ thì được! Đức Thế Tôn đã nói: “Thời kỳ Chánh Pháp, giới luật thành tựu”. Người trì giới tâm địa thanh tịnh sẽ chẳng tạo nghiệp. Nay chúng ta hãy suy nghĩ: Chúng ta trì giới là tạo hay chẳng tạo nghiệp? Thưa quý vị, đại khái là chẳng tạo ác nghiệp, nhưng tạo thiện nghiệp, vẫn là tạo nghiệp! Nói cách khác, tâm quý vị vẫn chưa thanh tịnh, không thoát khỏi lục đạo luân hồi; bất quá quý vị chẳng đọa tam ác đạo, đời sau sẽ hưởng quả báo trong cõi nhân thiên. Đấy chẳng phải là ý Phật! Ý Phật là dạy chúng ta không chỉ vượt thoát lục đạo, mà còn vượt thoát mười pháp giới; đấy là niềm kỳ vọng của đức Phật đối với chúng ta. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là vượt thoát mười pháp giới, hạ hạ phẩm trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư cũng đã vượt thoát mười pháp giới. Đấy là niềm kỳ vọng của chư Phật đối với chúng ta, chẳng thể không biết. “Kỳ nạn phi nhất” (chẳng phải chỉ là một nạn), câu này nói rất hay, đặc biệt là trong thời đại chúng ta, chúng ta mới hiểu sâu sắc, chướng nạn quá nhiều!

“Đặc thử nhất môn, chí viên cực đốn, nhi thả do kỳ giản dị trực tiệp” (chỉ riêng pháp môn này chí viên, cực đốn, lại còn đơn giản, dễ dàng, thẳng chóng). Pháp môn này tốt đẹp; trong thời đại như vậy, nếu chưa thể khiến cho cả thiên hạ đều thiện, phải làm sao cho [ít nhất] bản thân ta là thiện, đóng cửa niệm Phật tại nhà. Trước đây, tôi từng dạy người ta, người bình thường mỗi ngày kiếm tiền không nhiều lắm. Trong quá khứ, tôi giảng kinh tại Đài Bắc, người thường xuyên đến nghe kinh, gần như chẳng thiếu buổi nào, có tới mười mấy người lái taxi. Tôi từng nói đùa với bọn họ, nhưng cũng là lời chân thật, tôi nói: Các ông mỗi ngày kiếm tiền, kiếm một ngày, ăn ba ngày hay năm ngày chẳng có vấn đề gì, có thể nghỉ ngơi năm ba ngày. Một ngày kiếm tiền có thể sống đủ năm ba ngày. Tôi nói: Quý vị hãy gắng kiếm tiền một năm, có thể nghỉ ba năm, dùng thời gian ba năm để gắng công niệm Phật. Vì sao? Vấn đề ăn uống đã được giải quyết rồi! Ba năm thành công, sang thế giới Cực Lạc; nếu không thành công, quay về lái taxi tiếp, lái một năm, lại có thể nghỉ ngơi ba năm. “Đặc thử nhất môn, chí viên, cực đốn”: Ăn, mặc, đi, ở, càng đơn giản càng hay! Phật, Bồ Tát chẳng phải cầu cạnh ai trong bất cứ phương diện nào! Chẳng có! Trong Tăng đoàn nguyên thủy, Thích Ca Mâu Ni Phật chọn cách sống là khất thực, ăn Ngọ một bữa, ngủ dưới gốc cây. Người Trung Quốc thường nói: “Nhân đáo vô cầu, phẩm tự cao” (người đạt đến mức chẳng cầu mong gì, phẩm hạnh tự cao trỗi). Ngài thật sự vô cầu. Chẳng cầu cạnh thế gian, nói toàn những câu chân thật, chẳng lừa gạt người khác. Đúng là đơn giản, dễ dàng, thẳng chóng!

“Tắc xuất thế chi chánh thuyết thiên tại tư kinh, nhất đại sở thuyết quy thử kinh, như chúng thủy quy ư đại hải” (Chánh thuyết xuất thế riêng thuộc trong kinh này. Cả một đời thuyết pháp quy về kinh này, như các dòng nước xuôi về bể cả), câu sau là tỷ dụ. Chánh thuyết xuất thế thuộc riêng trong kinh này, tôi nghĩ câu nói của Thiện Đạo đại sư, chắc là đã căn cứ trên câu kinh văn này để nói. Câu danh ngôn của Thiện Đạo đại sư là: “Chư Phật sở dĩ hưng xuất thế, duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải” (sở dĩ chư Phật xuất thế chỉ là để nói biển bổn nguyện của Phật Di Đà). Mười phương ba đời hết thảy chư Phật, dùng thân Phật xuất hiện trong thế gian, nên dùng thân Phật để độ, bèn dùng thân Phật giáo hóa. Hết thảy chư Phật thị hiện thân Phật đến thế gian này để làm gì? Chỉ để nói biển bổn nguyện của Phật Di Đà! Có nghĩa là gì? Nói kinh Vô Lượng Thọ. “Nhất đại sở thuyết quy thử kinh” (Cả một đời thuyết pháp quy về kinh này), trong một đời, suốt bốn mươi chín năm, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói hết thảy các kinh nhằm nói lên điều gì? Nói kinh Vô Lượng Thọ, ngàn kinh muôn luận chỗ nào cũng chỉ về. Có người chẳng ưa thích pháp môn này, không hợp khẩu vị! Đức Phật bèn tùy thuận khẩu vị của người ấy mà giảng cho kẻ ấy nghe [pháp môn thích hợp], giảng đến cuối lại quẹo trở về, quay về Vô Lượng Thọ, đấy là phương tiện thiện xảo của đức Phật. Thật vậy, lời Thiện Đạo đại sư nói chẳng sai, “chỉ để nói biển bổn nguyện của Phật Di Đà”, kinh Hoa Nghiêm nói nhiều ngần ấy, đến cuối cùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Tỷ dụ [trong đoạn này] dễ hiểu, “như chúng thủy” (như các dòng nước), sông ngòi, Trường Giang và Hoàng Hà cuối cùng đều đổ vào biển cả.

“Do thử ngôn chi, bách vạn A-tăng-kỳ nhân duyên dĩ khởi Hoa Nghiêm chi điển, nhất đại sự nhân duyên dĩ thành Pháp Hoa chi giáo, diệc duy vi thử pháp chi do tự” (Do vậy, nói: Trăm vạn A-tăng-kỳ nhân duyên phát khởi kinh Hoa Nghiêm, một đại sự nhân duyên để thành kinh Pháp Hoa cũng chỉ là nguồn gốc của pháp này), nói rất hay! Vào đời Đường, các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam đều phái nhiều tăng nhân (người xuất gia) sang Trung Quốc du học. Khi ấy, Thiên Thai Trí Giả đại sư và Thiện Đạo đại sư của Tịnh Tông chúng ta đều là những bậc thầy nổi tiếng. Đối với những nước nhỏ ấy, rất nhiều người sau khi trở về nước đã trở thành tổ sư đại đức, đều là học trò của Thiện Đạo đại sư hay Trí Giả đại sư. Nay chúng ta sang Nhật Bản, gần như trong mỗi ngôi chùa, quý vị đến viếng Tổ Đường, đều thấy họ tạc tượng thờ Tổ Sư là ngài Thiện Đạo hay Thiên Thai đại sư, ở Trung Quốc không có. Họ còn vẽ hình các Ngài, treo trên xà nhà. Quý vị ngẩng đầu nhìn sẽ thấy tượng vẽ hay tượng đắp [của các Ngài]. Họ vô cùng tôn trọng tổ sư, đặc biệt là Thiện Đạo đại sư đã truyền dạy Tịnh Độ Tông. Chùa miếu Nhật Bản dùng [tên hiệu của] Thiện Đạo đại sư để đặt tên chùa, gần như đến nơi nào quý vị cũng đều thấy Thiện Đạo Tự. Quý vị thấy [tên chùa] là Thiện Đạo Tự, chắc chắn là đạo tràng tu Tịnh Độ. Đối với chuyện này, trong bài tựa của lão cư sĩ Mai Quang Hy, chúng ta đọc thấy: Những vị đại đức Tăng thời Tùy – Đường đã rất nghiêm túc suy tìm trong giáo pháp cả một đời đức Thích Ca Mâu Ni Phật: Trong một đời Ngài, hết thảy các kinh do đức Phật đã nói trong bốn mươi chín năm, bộ kinh nào trọng yếu nhất, có thể đại diện cho hết thảy các kinh giáo đã nói trong bốn mươi chín năm? Mọi người cùng suy cử kinh Hoa Nghiêm, xưng tụng kinh Hoa Nghiêm là căn bản pháp luân, hết thảy các kinh giáo khác là quyến thuộc của Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm là một cái cây to, nó là căn bản, những kinh khác là cành lá trên cây ấy; nhưng Hoa Nghiêm đến cuối cùng quy vào Tịnh Độ. Do vậy, kinh Vô Lượng Thọ biến thành căn bản của căn bản, cuối cùng, kinh ấy (Hoa Nghiêm) quy vào kinh này (Vô Lượng Thọ), căn bản của căn bản. Vì thế, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, những giáo pháp Đại Thừa đều biến thành gì? Biến thành pháp dẫn khởi của kinh Vô Lượng Thọ. Đối với cách nói này, tôi bội phục năm vóc sát đất, vì sao? Vì sao tôi tin tưởng Tịnh Độ? Do kinh Hoa Nghiêm mà tin tưởng, từ kinh Pháp Hoa, kinh Lăng Nghiêm mà tin tưởng.

Thầy tôi khuyên tôi nên tin tưởng, tôi bề ngoài vâng lời, nhưng trong lòng chẳng phục. Đương nhiên tôi rất tôn kính thầy, nhưng vẫn ngờ vực Tịnh Tông. Lúc ấy, tôi có cách nghĩ sai lầm rất lớn, sự hiểu lầm này rất nhiều người vướng phải, ngỡ Tịnh Độ là pháp phương tiện do Thích Ca Mâu Ni Phật dùng để tiếp dẫn những bà già thiếu hiểu biết, chẳng biết pháp môn này rốt ráo là như thế nào, không hiểu! Tôi đã kể với quý vị, tôi giảng kinh Hoa Nghiêm được phân nửa, [khi đó là] lần giảng thứ nhất, [giảng] lần này là lần thứ hai. Giảng lần đầu tiên cũng giảng không ít năm, mười bảy năm đã giảng được phân nửa. Có một hôm, bỗng nhiên nghĩ: “Rốt cuộc Văn Thù, Phổ Hiền học những gì? Thiện Tài đồng tử là môn sinh đắc ý của Văn Thù Bồ Tát, là pháp tử của Văn Thù Bồ Tát, Ngài tu gì vậy?” Lật đến phần sau của Tứ Thập Hoa Nghiêm, giở đến quyển thứ ba mươi chín, thấy Văn Thù và Phổ Hiền đều phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, điều này khiến tôi bị rúng động rất lớn. Văn Thù là thầy của bảy vị Phật, Phổ Hiền được tôn xưng là Nguyện Vương, [các Ngài] thật sự tu [Tịnh Độ]! Trong các vị Bồ Tát, hạnh môn triệt để nhất là Phổ Hiền, Ngài đại diện cho hạnh môn. Tôi nẩy sanh lòng tin đối với Tịnh Độ là nhờ Hoa Nghiêm. Ở đây, cụ Hoàng nói: “Hoa Nghiêm, Pháp Hoa lưỡng kinh chỉ thị bổn kinh chi đạo dẫn, bổn kinh giả chánh thị nhất Đại Tạng giáo chi chỉ quy” (Cả hai kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa chỉ là pháp dẫn đường cho kinh này. Kinh này đúng là chỗ chỉ quy của cả Ðại Tạng giáo), tức là Hoa Nghiêm và Pháp Hoa nhằm dẫn khởi pháp này, pháp này là Vô Lượng Thọ kinh. Quả thật là tôi đã được [kinh Hoa Nghiêm] hướng dẫn, nên mới thật sự phát tâm học tập [pháp môn Tịnh Độ]. Chúng ta thấy một câu nói của cư sĩ Bành Tế Thanh, trong sách này cũng được lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ trích dẫn rất nhiều; ông Bành nói kinh Vô Lượng Thọ là trung bổn Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm quá dài, tôi giảng lần đầu tiên, giảng được phân nửa, sau khi liễu giải vấn đề bèn buông kinh Hoa Nghiêm xuống, chẳng giảng [Hoa Nghiêm] nữa, mà giảng kinh Vô Lượng Thọ. Tôi giảng mười lần, trước sau tổng cộng giảng từng lần một thành mười lượt, lần này là lần thứ mười một. Kinh này là trung bổn Hoa Nghiêm, chẳng khác gì Hoa Nghiêm.

“Hoa Nghiêm kinh mạt, Phổ Hiền đại sĩ thập đại nguyện vương đạo quy Cực Lạc, thị kỳ minh chứng” (cuối kinh Hoa Nghiêm, mười đại nguyện vương của Phổ Hiền đại sĩ dẫn về Cực Lạc là một chứng cớ rõ ràng), chẳng giả tí nào! “Thánh giáo như chiên đàn, phiến phiến giai hương. Pháp pháp viên đốn, bổn vô cao hạ” (thánh giáo như chiên đàn, miếng nào cũng thơm. Pháp nào cũng viên đốn, vốn chẳng cao thấp), là như kinh Kim Cang đã nói: “Pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp”, đúng vậy, chẳng giả tí nào! Pháp không có cao thấp, nhưng người có cao thấp, do căn tánh của mỗi người khác nhau. Tiếp theo là: “Duy dĩ chúng sanh cấu trọng chướng thâm, tâm thô, trí liệt” (chỉ vì chúng sanh cấu nặng, chướng sâu, tâm thô, trí hèn), đó là có cao thấp. Vì vậy, tổ sư đại đức phán giáo, tuyệt đối chẳng phân chia theo nội dung kinh, mà phân chia theo căn tánh của con người, căn tánh nào sẽ thích hợp học tập kinh điển nào! Nói thật ra, kinh đâu có Đại Thừa hay Tiểu Thừa, đều là bình đẳng. Do vậy, cổ đức Trung Quốc đã nói: “Viên nhân thuyết giáo, vô giáo bất viên” (người viên mãn bàn về giáo pháp, giáo pháp nào cũng là viên mãn), câu này hay lắm! “Viên nhân” là người khai ngộ, người kiến tánh, dù là giáo pháp Tiểu Thừa giáo cũng nói thành cảnh giới Hoa Nghiêm. Kinh A Di Đà là tiểu bổn, mọi người thường niệm, cũng chẳng cảm thấy hy hữu, lạ lùng chi hết, nhưng bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư đã nâng kinh ấy lên cảnh giới Hoa Nghiêm. Quý vị đọc Sớ Sao, chính là như cổ đức đã nói “viên nhân thuyết giáo, vô giáo bất viên”. Liên Trì đại sư dùng “thập môn khai khải” và giáo nghĩa kinh Hoa Nghiêm để giảng giải kinh A Di Đà, đề cao địa vị Tịnh Độ Tông. Vào thời ấy, người ta khinh thường Tịnh Độ, chẳng muốn học pháp môn này, mà thích học Giáo, hay học Thiền. Liên Trì đại sư thấy rất rõ ràng: Quý vị học Giáo chẳng khai ngộ, học Thiền chẳng đắc Thiền Định. Nói cách khác, quý vị đã phí uổng tinh lực và thời gian! Do tâm đại từ bi nên Ngài khuyên quý vị niệm Phật. Quý vị coi thường Tịnh Tông, nên Ngài dùng kinh Hoa Nghiêm để giải thích. Sau khi nghe, nhận thấy [cảnh giới trong kinh Di Đà] chẳng khác cảnh giới Hoa Nghiêm, quý vị mới có thể phát khởi tín tâm, mới có thể quay đầu. Lòng từ bi vô tận!

Kế tiếp, Ngẫu Ích đại sư viết Yếu Giải. Yếu Giải không dài, nhưng đúng là danh phù hợp thật, lời chú giải của Ngài đúng là đơn giản, nhưng trọng yếu. Lão pháp sư Ấn Quang tán thán: “Dù A Di Đà Phật tái lai, tự viết chú giải kinh Di Đà, cũng chẳng thể hay hơn được!” Tán thán đến tột bậc! Xưa kia, tôi ở Tân Gia Ba, pháp sư Diễn Bồi là bạn già, có lần Sư mời tôi dùng cơm, có nhắc tới vấn đề này, hỏi tôi: “Lời tán thán ấy của Ấn Quang đại sư có phải là hơi quá lố một chút hay không?” Sư hỏi tôi như vậy. Tôi thưa: “Chẳng quá lố tí nào! Câu nào cũng là lời thật!” Hơn hai mươi năm trước, gần như ba mươi năm, tôi ở Mỹ, có một cư sĩ hỏi tôi, ông ta cũng hết sức hiếu học. Ông ta nói: “Pháp sư Tịnh Không! Nếu chỉ cho phép thầy chọn lựa một bộ trong Đại Tạng Kinh, thầy sẽ chọn bộ nào?” Tôi chẳng do dự mảy may, bảo ông ta: “Tôi chọn lựa Di Đà Kinh Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư”. Quá hay! Tôi tán thành câu nói Ấn Quang đại sư cả hai tay. Tuy văn tự không nhiều lắm, nhưng có nhiều ý tưởng trong ấy từ trước đến nay các vị tổ sư đại đức chưa hề nói đến, mà Ngài có thể nói ra, nói rõ ràng dường ấy, nói thấu triệt ngần ấy, quả thật hết sức khó có! Trong bản chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ đã trích dẫn [sách Yếu Giải] rất nhiều, chúng ta có thể đọc thấy điều này.

Tiếp đó là nêu tỷ dụ: “Cơ ngộ vương thiện, nhi bất năng xan” (đói gặp cỗ vua mà chẳng dám ăn), nói lên điều gì? Đây là nói chúng sanh thiếu phước. Không chỉ riêng đối với Thích Ca Như Lai, đây là kinh bậc nhất và pháp môn bậc nhất để hết thảy chư Phật ứng hóa trong mười pháp giới, ứng hóa trong lục đạo, phổ độ chúng sanh, nhưng kẻ ấy chẳng tin, chẳng tiếp nhận, nghe không hiểu, đúng là nghe chẳng hiểu, chẳng giả! Tôi hiểu rất rõ đạo lý này, vì sao kẻ ấy nghe không hiểu? Đối với pháp môn này, kẻ ấy hoài nghi, đó là chướng ngại. Kẻ ấy ngạo mạn, xem thường bộ kinh nhỏ này, không thèm quan tâm tới. Thiếu phước báo mà! Đưa cho hắn kinh bậc nhất của chư Phật Như Lai, hắn chưa thể tiếp nhận. Đúng là tám chữ [trong lời nhận định của cụ Hoàng] đã nói rất hay: “Cấu trọng, chướng thâm, tâm thô, trí liệt” (cấu nặng, chướng sâu, tâm thô, trí kém), đúng là giống như gặp được thức ăn của quốc vương mà chẳng dám xơi!

“Duy bổn kinh trì danh nhất pháp, nãi dị hành đạo, nhân nhân năng tu” (Chỉ một pháp Trì Danh trong kinh này mới là đạo dễ hành, ai cũng có thể tu được). Nói đến kinh Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ và Tiểu Bổn Di Đà Kinh tương đồng, đề xướng trì danh, không như Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, kinh ấy đề xướng tu Quán, nên còn gọi là Thập Lục Quán Kinh. Trong mười sáu phép Quán, phép cuối cùng, tức phép Quán thứ mười sáu, là trì danh. Trì danh được đặt sau cùng, pháp sau cùng là pháp quan trọng nhất! Quý vị xem biểu diễn văn nghệ hay diễn tuồng, màn hay nhất chắc chắn là “áp trục hý” tức màn diễn xuất cuối cùng. Phật pháp cũng là như vậy, thứ tốt nhất đặt ở cuối cùng. Quý vị xem phần Hai Mươi Lăm Pháp Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm, [hai mươi lăm môn Viên Thông] được xếp theo thứ tự lục căn, lục trần, lục thức, thất đại, xếp theo thứ tự ấy. Theo thứ tự thuận, pháp Nhĩ Căn Viên Thông của Quán Thế Âm phải thuộc vị trí thứ hai, kết quả là quý vị thấy các pháp ấy chẳng được xếp theo thứ tự thuận, pháp của Quán Thế Âm Bồ Tát được đặt ở cuối cùng, chứng tỏ điều gì? Pháp môn ấy là pháp môn đặc biệt, chẳng phải là pháp môn thông thường. Trên thực tế, đây là hai pháp môn đặc biệt, nhưng rất nhiều người hiểu lầm, chỉ nói tới Nhĩ Căn Viên Thông, phớt lờ pháp Niệm Phật Viên Thông của Đại Thế Chí Bồ Tát. Do Quán Thế Âm Bồ Tát thay đổi vị trí, từ thứ hai chuyển đến cuối cùng, hết sức rõ rệt, quý vị vừa nhìn liền biết ngay, còn Đại Thế Chí Bồ Tát [nếu theo thứ tự thuận] được xếp vào vị trí thứ hai mươi ba, Di Lặc Bồ Tát được xếp vào vị trí hai mươi tư, nhưng lại đổi chỗ đôi chút: Di Lặc Bồ Tát xếp ở vị trí hai mươi ba, Đại Thế Chí Bồ Tát xếp xuống vị trí hai mươi bốn, chỉ thay đổi một vị trí, cho nên rất nhiều người không chú ý. Trong chương Hai Mươi Lăm Viên Thông có hai pháp môn đặc biệt, chẳng phải là một! Hai vị này không được xếp theo thứ tự thuận, nên [pháp môn của hai Ngài] là các pháp môn đặc biệt, đặc biệt trọng yếu! Chúng ta đọc kinh, nghiên cứu giáo pháp, chớ nên không lưu ý những chỗ như vậy. Trì danh mới là đạo dễ hành, người nào cũng có thể tu.

“Đại Thế Chí Viên Thông Chương viết: ‘Tịnh niệm tương kế, tự đắc tâm khai’, tức phàm phu tâm, khai Phật tri kiến” (Chương Ðại Thế Chí Viên Thông chép: “Tịnh niệm nối tiếp, tâm tự khai ngộ”, chính là [dùng ngay cái] tâm phàm phu mà khai tri kiến Phật). Cụ trích dẫn câu này hay lắm, “tịnh niệm tương kế” là công phu, cũng là nhất tâm trì danh; “tự đắc tâm khai” là khai ngộ, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, không cần tới phương pháp nào khác, chỉ là một câu Phật hiệu. “Tức phàm phu tâm, khai Phật tri kiến”, khai Phật tri kiến là đại triệt đại ngộ, là minh tâm kiến tánh, chẳng cần dùng phương pháp nào khác. Qua các đời, chúng ta thấy người niệm Phật trong thời gian ba năm bèn thành công, biết trước lúc mất, tự tại vãng sanh; chúng ta hãy nghĩ coi những người ấy tâm có tự được khai ngộ hay chăng? Công phu tịnh niệm nối tiếp mà chắc chắn có, tâm sẽ được tự khai. Sau khi tâm đã tự khai, vì sao chẳng giảng kinh, chẳng hoằng pháp? Giảng kinh, hoằng pháp phải có pháp duyên; người ấy thiếu pháp duyên nên ra đi. Người ấy ra đi, có giảng kinh hay không? Có hoằng pháp hay không? Có! Người ấy làm như vậy đã nêu gương tốt nhất cho người đời sau, chẳng dùng ngôn giáo, mà dùng thân để biểu diễn. Trong Phật pháp, chúng tôi giảng kinh, dạy học hơn năm mươi năm, ông Hoàng Trung Xương biểu diễn, trong một thời gian chẳng dài [vẫn có thể vãng sanh], đã nêu ra một ví dụ tốt nhất, chứng minh cho chúng tôi giảng kinh, dạy học, công đức ấy thù thắng lắm! Nếu quý vị không tin, thấy người ta y giáo phụng hành, niệm hai năm mười tháng bèn thành công, [liền vỡ lẽ]: “Là thật! Chẳng giả!” Có bao nhiêu kẻ thiếu lòng tin, do dự, chần chừ, vừa trông thấy [tấm gương của ông Hoàng Trung Xương], lòng tin bèn kiên định! Ông ta thật sự tiếp dẫn đại chúng vãng sanh, mà cũng là tiếp dẫn kẻ hữu duyên. Người ta thấy gương ấy, thật sự phát khởi lòng tin: Nghiêm túc như ông ta, thật sự làm, ai nấy đều thành tựu!

“Chí ư căn khí thiển giả, đản năng chí tâm tín nhạo, nguyện sanh bỉ quốc, nãi chí thập niệm, lâm mạng chung thời, mông Phật nhiếp thọ, tiện sanh Cực Lạc, hoa khai kiến Phật, ngộ nhập Vô Sanh. Kỳ diệu tật tiệp, mạc quá ư thị” (Còn như kẻ căn khí cạn cợt, chỉ cần chí tâm tin ưa, nguyện sanh cõi kia, dẫu chỉ mười niệm, lúc mạng sắp hết, được Phật nhiếp thọ, liền sanh về Cực Lạc, hoa nở thấy Phật, ngộ nhập Vô Sanh, kỳ diệu, nhanh chóng, không chi hơn được). Kẻ căn khí nông cạn, tham Thiền chưa thể đắc Định, học Giáo chưa thể đại khai viên giải; chữ “căn khí thiển” chỉ hạng người ấy. Chỉ cần người ấy chí tâm tin tưởng, ưa thích. “Chí tâm” là chân thành đến tột bậc, quyết định chẳng hoài nghi mảy may, tin tưởng pháp môn Tịnh Độ, tin tưởng kinh Vô Lượng Thọ, tin tưởng kinh A Di Đà, khăng khăng một mực thâm nhập một môn. “Nhạo” (樂) là yêu thích. Không cần nhiều, một quyển sách nhỏ mỏng manh là được rồi! Nguyện sanh về Tịnh Độ, nguyện này vô cùng trọng yếu. Trong một đời này, khẳng định một phương hướng, một mục tiêu như thế, quyết định phải làm được! Trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói rất khéo: Hành nhân, tức là người niệm Phật, có được vãng sanh thế giới Cực Lạc hay không, [điều ấy] được quyết định bởi [hành nhân] có tín nguyện hay không? Chỉ cần quý vị thật sự tin, thật sự nguyện, không ai chẳng vãng sanh! Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, phẩm vị cao hay thấp, tùy thuộc công phu niệm Phật của quý vị sâu hay cạn. Câu này hay lắm! Công phu cạn là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, vì sao? Chưa niệm đến nhất tâm bất loạn. Niệm đến Sự nhất tâm bất loạn, sẽ sanh trong cõi Phương Tiện Hữu Dư, niệm đến Lý nhất tâm bất loạn sẽ sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Công phu niệm Phật sâu hay cạn, trong ba cõi đều có chín phẩm, [tức là] đều có ba bậc chín phẩm, tùy thuộc công phu cạn hay sâu. Vãng sanh hay không là do có tín nguyện hay không, câu nói này hay quá! Cổ nhân chưa có ai nói vậy, nhưng trong sách Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói như thế.

Do vậy, trọn đủ Tín, Nguyện, Hạnh. Hạnh là quý vị thật sự niệm. “Nãi chí thập niệm” (dẫu chỉ mười niệm), “mười niệm” là như nguyện thứ mười tám “mười niệm ắt sanh” trong bốn mươi tám nguyện đã nói. Đó là nói khi lâm chung, trong một đời này chưa có duyên gặp gỡ, đến khi lâm chung mới gặp thiện hữu nói cho biết phương pháp niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, khuyên kẻ ấy niệm Phật. Điều kiện là người ấy nghe xong, ngay lập tức tiếp nhận, có thể tin tưởng, phát nguyện, bèn có thể vãng sanh, dẫu trong một đời chưa hề gặp [pháp môn này trước khi lâm chung]! Ở Mỹ, tôi đã được gặp một người. Tại đặc khu Hoa Thịnh Đốn (Washington DC), có một đồng tu cả đời chẳng tín ngưỡng tôn giáo nào, bị ung thư. Ông ta mở tiệm bán bánh mì, con người hết sức tốt lành, thật thà. Khi lâm chung, mắc bệnh ung thư, bệnh viện đã không nhận chữa trị nữa, bảo đã hết cách cứu. Người nhà lãnh về, đến khắp nơi cầu thần, bái Phật, mong có kỳ tích xuất hiện. Chúng tôi ở nơi ấy, có các đồng học học Phật thành lập một hội Phật giáo, có tên là Hoa Phủ Phật Giáo Hội (hội Phật giáo Washington). Có mấy đồng học [thuộc hội ấy] đến thăm ông ta, thấy tình trạng như vậy, bèn khuyên: “Nhân gian rất khổ, đừng cầu lành bệnh, hãy niệm Phật cầu sanh về thế giới Cực Lạc”. Đem y báo và chánh báo trang nghiêm trong thế giới Cực Lạc giảng cho ông ta nghe. Nghe xong, ông ta hết sức hoan hỷ, bảo người nhà chẳng cần chạy chữa cho ông ta nữa, tất cả hãy cùng niệm Phật giúp ông ta cầu sanh Tịnh Độ. Niệm ba ngày, ông ta thật sự vãng sanh. Trước khi lâm chung ba ngày, ông ta mới chuyển biến ý niệm. Hễ niệm Phật, ông ta sẽ không đau. Ông ta vốn bị bệnh ung thư rất đau đớn; [nay do niệm Phật] không đau nữa. Vì thế, ông ta lòng tin tràn trề, niệm ba ngày, ra đi rất thuận lợi. “Mười niệm ắt sanh” là thật, chẳng giả! Khi lâm chung được Phật nhiếp thọ, Phật đến tiếp dẫn, liền sanh về Cực Lạc, hoa nở kiến Phật, ngộ nhập Vô Sanh.

Trong kinh Di Đà, có một câu kinh văn Huyền Trang đại sư và La Thập đại sư phiên dịch hoàn toàn khác nhau. Bản dịch của ngài La Thập có câu “nhất tâm bất loạn”; bản dịch của Huyền Trang đại sư không có câu này, Ngài ghi là “nhất tâm hệ niệm”, chẳng phải là nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn khó, nhất tâm hệ niệm dễ, chúng ta đều có thể làm được. Có phải là Cưu Ma La Thập đại sư dịch sai hay không? Nói thật ra, La Thập đại sư chẳng dịch sai, mà Huyền Trang đại sư cũng chẳng dịch sai! Nguyên văn là “nhất tâm hệ niệm”, chẳng dịch sai! Đó là nguyên văn. La Thập đại sư dịch theo ý, khi lâm chung, [Tịnh nghiệp hành nhân] thật sự nhất tâm bất loạn. Khi lâm chung, công phu thành phiến, chưa đạt đến nhất tâm, nhưng khi Phật đến tiếp dẫn, trước hết, Phật quang chiếu tới quý vị, Phật quang vừa chiếu, khiến cho công phu của quý vị nâng cao gấp bội. Quý vị đã có công phu thành phiến, Ngài vừa chiếu, ngay lập tức trở thành nhất tâm bất loạn, chẳng dịch sai! Đức Phật giúp đỡ chúng ta, bản thân chúng ta chẳng có công phu gì thì không được rồi! Đức Phật chẳng có cách nào giúp đỡ quý vị! Phật giúp quý vị là tương đối, [nghĩa là] quý vị có một phần công lực, Ngài sẽ gia trì quý vị một phần. Quý vị có mười phần công lực, Ngài sẽ gia trì quý vị mười phần. Chính mình phải thật sự tu. Nếu chính mình chẳng thật sự tu, chỉ cầu Phật gia trì, đó là chuyện không thể thực hiện được! Hai bên phải đối ứng mà! Chính mình nhất định phải nghiêm túc nỗ lực nâng cao [cảnh giới] của chính mình, đến khi lâm chung, hiệu quả gia trì sẽ vô cùng rõ rệt. Vì thế, pháp môn này đúng là kỳ diệu, nhanh chóng; tốc độ nhanh chóng không chi hơn được!

“Nhất thiết chúng sanh do thử đắc độ, thập phương Như Lai nãi xứng bổn hoài” (Hết thảy chúng sanh do pháp này đắc độ mới xứng hợp bổn hoài của mười phương Như Lai). Thật vậy! Mười phương Như Lai ứng hóa trong thế gian này chỉ vì một chuyện này: Giúp chúng sanh lìa khổ, được vui, chẳng vì chính mình. Các Ngài đâu có ý niệm lo toan cho bản thân, các Ngài chẳng vì mình, mà vì chúng sanh mà đến [thế gian này]. Chúng sanh khổ sướng bởi đâu? Do mê hay ngộ mà ra. Vì sao quý vị khổ? Vì quý vị tạo nghiệp bất thiện. Cớ sao quý vị tạo nghiệp bất thiện? Do quý vị mê hoặc, nên mới tạo nghiệp, mới cảm lấy ác báo. Bởi lẽ, đức Phật biết: Sướng do đâu mà có? Sướng từ khai ngộ mà có. Sau khi đã ngộ, chắc chắn chẳng tạo ác nghiệp, đó là tiểu ngộ. Khi đại ngộ, thiện lẫn ác đều chẳng tạo, tạo gì? Phật pháp nói là “tịnh nghiệp”, tức nghiệp thanh tịnh. Thanh tịnh nghiệp là gì? Vẫn là đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện, đoạn ác, tu thiện, nhưng trong tâm thanh tịnh, chẳng có dấu vết gì, bèn gọi là “tịnh nghiệp”; đấy cũng là thật sự buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống, đoạn ác, tu thiện thì gọi là “tịnh nghiệp”.

Phật dùng phương pháp gì để giúp những chúng sanh khổ nạn và chúng sanh trong lục đạo? Phật dùng giáo học. Vì thế, thuở lão nhân gia tại thế đã nêu gương cho chúng ta: Sau khi khai ngộ bèn bắt đầu dạy học. Ba mươi tuổi khai ngộ, bảy mươi chín tuổi viên tịch, suốt bốn mươi chín năm chẳng bỏ sót ngày nào, hằng ngày dạy dỗ. Phật môn đệ tử chúng ta bất luận tại gia hay xuất gia, nhất định phải ghi nhớ: Đức Phật xuất hiện trong thế gian này để làm gì? Dùng phương pháp gì? Chúng ta phải học tập điều ấy. Phật giáo truyền đến Trung Quốc là giáo dục, chẳng phải là tôn giáo, quý vị chớ nên không biết điều này! Đạo tràng Phật giáo là cơ sở, thời cổ gọi là Tự. Tự có nghĩa là gì? Vì sao gọi là Tự? “Tự” (寺) là cơ quan làm việc của chính phủ, trực tiếp thuộc quyền cai quản của hoàng đế. Nếu quý vị đến Bắc Kinh, đến thăm Cố Cung[3], trong Cố Cung có chín Tự[4]. Một đơn vị bầy tôi của hoàng đế được gọi là Tự. Tự, có nghĩa là vĩnh viễn thiết lập, chẳng thể phế trừ! Do vậy, Tự được thành lập từ đời Hán cho mãi đến đời Thanh cũng không thay đổi. Triều đại thay đổi theo mỗi đời, chỉ riêng chín Tự không thay đổi danh xưng. Phật giáo truyền đến Trung Quốc cũng được gọi là Tự, vì thế, dưới hoàng đế có mười Tự, tức là vốn đã có chín tự, thêm vào cơ cấu này (nhà chùa) thành mười Tự. Tự này (nhà chùa Phật giáo) làm chuyện gì? Lo dạy học. Giáo dục Trung Quốc biến thành hai cơ cấu: Bản thân nhà vua nắm giữ một cơ cấu, giáo dục của Phật Đà do chính nhà vua nắm giữ, nên được phổ cập rất nhanh, phổ cập toàn quốc, vì mọi người tôn kính hoàng thượng. Cơ cấu kia là giáo dục Nho gia do Tể Tướng nắm giữ, nó có một bộ riêng, gọi là bộ Lễ. Bộ Lễ là bộ giáo dục. Tể Tướng cai quản bộ giáo dục, hoàng thượng tự mình nắm giữ nhà chùa, tức bộ giáo dục của Phật Đà. Hai nền giáo dục tồn tại song song ở Trung Quốc, Phật giáo chẳng phải là tôn giáo.

Hiện thời, Phật giáo biến thành tôn giáo, tứ chúng đệ tử chúng ta bất xứng với Thích Ca Mâu Ni Phật, vì sao trở thành nông nỗi này? Chúng ta thấy chùa chiền thời cổ, mỗi ngày làm chuyện gì? Giảng kinh, dạy học, giống như một ngôi trường. Điện đường là phòng học, Hòa Thượng Thủ Tọa phân tòa giảng kinh, giống như trong nhà trường hiện thời, lớp học khác nhau. Giảng đường này giảng Hoa Nghiêm, giảng đường kia giảng Vô Lượng Thọ, giảng đường nọ giảng Bát Nhã; họ có thầy, mỗi ngày lên lớp. Chẳng cho phép học trò lớp nào cũng đều học, chẳng phải vậy! Học trò chỉ có thể chuyên dồn công sức nơi một môn; quý vị học lớp của thầy nào, bèn đến giảng đường ấy. Một môn thâm nhập, chẳng phải là bảo quý vị môn gì cũng đều học, chẳng phải vậy! Thầy cũng chuyên dạy một môn, trò cũng chuyên học một môn. Học còn chưa xong một môn, chẳng thể học môn thứ hai. Quý vị có thể học rất nhiều môn, nhưng chẳng phải là học cùng một lúc. Học từng môn một thì được phép. Vì thế, nhà chùa là cơ cấu giáo dục. Nhất là đến thời đại Tùy – Đường, mười tông phái của Trung Quốc hình thành, đề xướng chế độ tùng lâm, đó chính là mở rộng quy mô, chính thức biến [nhà chùa] thành Đại Học. Chủ tịch tùng lâm là Phương Trượng, Trụ Trì, Hiệu Trưởng. Quý vị thấy các vị chấp sự (đảm đương trách nhiệm) dưới vị ấy: Thủ Tọa là giáo vụ, Duy Na là huấn đạo, trông nom việc giáo huấn, uốn nắn, Giám Viện trông nom tổng vụ (quản lý mọi sự vụ chung), hoàn toàn giống cách phân công trong trường Đại Học hiện thời. Trong Đại Học hiện thời, quý vị thấy Giáo Vụ Trưởng (Provost), Huấn Đạo Trưởng (Proctor), Tổng Vụ Trưởng (Dean of General Affairs), danh xưng khác nhau, nhưng công việc hoàn toàn tương đồng. Vì thế, Phật giáo truyền đến Trung Quốc đã biến hóa mang tánh chất cách mạng, được tổ chức theo quy củ chính thức, mang hình thức một trường học chính quy. Phật giáo vào thời đức Thế Tôn và vào thời mới truyền sang Trung Quốc mang tánh chất trường tư, giống như tư thục giáo dục, chưa được “chế độ hóa” (Institutionalized). Chế độ hóa là điểm đặc sắc trong Phật giáo Trung Quốc.

Khi tôi mới học Phật, thầy tôi đã nói chuyện này rất nhiều lần, đương nhiên là đặt hy vọng nơi tôi, nhưng tôi không có đại phước báo như thế. Thầy đã bảo tôi rất nhiều lần: “Muốn cho Phật giáo hưng vượng trở lại, nhất định phải khôi phục chế độ tùng lâm”. Nếu nói theo cách bây giờ, nhất định phải lập Đại Học Phật giáo thì Phật pháp mới có thể hưng vượng. Chuyện này chúng ta chỉ đành trông chờ quốc gia, cá nhân chẳng có năng lực ấy, nói theo Phật pháp là chẳng có đại phước báo dường ấy! Vì thế, đức Thế Tôn đem đại sự Phật pháp hưng vượng hay suy vi phó thác cho quốc vương, đại thần, để họ hộ trì. Trong quá khứ, tại Trung Quốc, lịch đại đế vương đều hộ trì Phật pháp, đặc biệt là nhà Thanh là dân tộc thiểu số vào làm chủ Trung Quốc, thống trị một quốc gia to như thế, họ dùng phương pháp gì? Dùng giáo dục. “Kiến quốc, quân dân, giáo học vi tiên” (xây dựng đất nước, cai trị dân chúng, lấy giáo dục làm đầu). Họ dùng giáo dục của Nho, Thích, Đạo, giữ vững nền cai trị tới hai trăm sáu mươi năm, giữ ổn định trong một thời gian dài. Cuối cùng, đúng là [thành quả ấy] bị hủy mất bởi chính Từ Hy Thái Hậu. Từ Hy Thái Hậu nắm quyền, bèn phế trừ sự giảng học. Trong quá khứ, trong cung đình luôn lễ thỉnh những vị cao tăng đại đức Nho, Thích, Đạo vào dạy học trong cung đình, hoàng thượng dẫn văn võ bá quan nghe giảng, những ý nghĩa được giảng đều [được thâu thập] trong Tứ Khố Toàn Thư. Tôi đọc Tứ Khố Toàn Thư, thích xem những thứ như Luận Ngữ, Mạnh Tử, [để tìm hiểu] cách giảng nghĩa tại cung đình trong quá khứ là như thế nào? Những nghĩa lý đã giảng giải đều được thâu thập trong bộ Tứ Khố, bản ấy là bản tiêu chuẩn. Họ thật sự làm, không giống như hiện thời, hiện tại không làm! Đến thời Từ Hy, không làm như vậy nữa. Từ Hy chuộng quỷ thần, thích cầu cơ, gặp chuyện gì chính mình chẳng thể giải quyết, bèn chẳng hỏi han ai khác, mà thưa hỏi trong đàn cầu cơ, cho nên bà ta làm mất nước! Chương Gia đại sư kể cho tôi nghe chuyện này. Chương Gia đời trước là quốc sư của nhà Thanh[5]. Do vậy, Phật giáo bị biến thành tôn giáo, giáo dục của Phật Đà chẳng còn nữa, chúng ta phạm lỗi với Thích Ca Mâu Ni Phật ở chỗ này!

Chẳng liễu giải thì thôi, chẳng cần phải nhắc tới, nhưng thật sự liễu giải, nhận biết rồi, chúng ta nhất định phải đi theo con đường của Thích Ca Mâu Ni Phật. Bản thân tôi tiếp nhận sự giáo huấn của Chương Gia đại sư, Ngài khuyên tôi xuất gia, lại còn dặn tôi học theo Thích Ca Mâu Ni Phật. Tôi hiểu ý lão nhân gia, chẳng cô phụ thầy, suốt đời chúng tôi đi theo con đường này. Đi theo con đường này rất nhọc nhằn, nhưng đáng công lắm! Mong các đồng học chúng ta đều có thể giác ngộ, thật sự phát tâm dạy học, bất luận là tại gia hay xuất gia đều có thể [làm công tác giáo hóa]. Thuở đức Thế Tôn tại thế, cư sĩ tại gia Duy Ma Cật (Vimalakīrti) giống như Thích Ca Mâu Ni Phật, giảng kinh, dạy học mỗi ngày. Thời đầu Dân Quốc, tiên sinh Âu Dương Cánh Vô là một vị đại đức trong Phật môn đã thành lập Chi Na Nội Học Viện, thâu nhận hàng xuất gia lẫn tại gia, tổ chức rất thành công; nhưng vì tình hình chiến tranh, hoạt động được hai năm rồi phải đóng cửa học viện. Ông ta nói rất hay: “Phật môn là sư đạo”. Sư đạo có nghĩa là thầy là lớn nhất, tôn sư, trọng đạo! Chúng ta thấy trong kinh Duy Ma, đệ tử của Thích Ca Mâu Ni Phật là Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất, nghe cư sĩ Duy Ma giảng kinh, lễ tiết hoàn toàn giống như [lễ tiết dành cho] Thích Ca Mâu Ni Phật. Cư sĩ Duy Ma là kẻ tại gia, khi lên tòa giảng kinh, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên đảnh lễ cư sĩ ba lạy, nhiễu quanh ba vòng. Đó là tôn sư trọng đạo, Ngài là thầy mà! Tuy quý vị xuất gia, là học trò của Thích Ca Mâu Ni Phật, quý vị vẫn là học trò, vẫn chưa đạt tới địa vị như Ngài (Duy Ma Cật). Vì vậy, nói theo Phật pháp, hai vị Phật đồng thời xuất hiện trong thế gian thuở ấy, một vị là xuất gia Phật, vị kia là tại gia Phật, hai vị Phật, quyết định chẳng thể khinh mạn! Pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp, nhất định phải tôn trọng đôi bên; chẳng thể nói vừa xuất gia bèn ngạo nghễ, ngã mạn, coi thường người khác. Trong giới cư sĩ, thật sự có những bậc đại đức, tu hành rất tốt đẹp, thậm chí có người khai ngộ, làm sao quý vị có thể khinh mạn họ được? Nhất định phải hiểu điều này! Bất luận tại gia hay xuất gia, nếu thật sự học Phật, phải học theo Thích Ca Mâu Ni Phật khiêm hư, cung kính hết thảy chúng sanh, phải nêu gương thật sự đoạn trừ tham, sân, si, mạn. Kẻ còn có ngạo mạn thì như thế nào? Quý vị là phàm phu! Bởi lẽ, mười phương Như Lai xuất hiện trên cõi đời chẳng có chi khác, [chỉ là] mong giúp cho hết thảy chúng sanh sớm có ngày thành Phật, sớm có ngày rời khỏi lục đạo, rời khỏi mười pháp giới, đấy là tâm nguyện của Phật.

Kế đó là: “Hựu bổn kinh sở tuyên, nãi Như Lai chân thật thuần nhất chi pháp, vô hữu quyền khúc, cố danh chánh thuyết” (Kinh này lại tuyên dương pháp chân thật thuần nhất của Như Lai, chẳng quyền biến, cong quẹo, nên gọi là Chánh Thuyết). Mấy câu này hết sức quan trọng, vì trong hết thảy kinh giáo, đức Thế Tôn khai thị quả thật có nói phương tiện, có khi nói uyển chuyển, tùy thuận, [những cách nói như vậy] rất nhiều, hết sức phổ biến, vì sao? Chúng sanh căn tánh khác nhau. Do vậy, giáo học trong Phật môn thường được gọi là “đại giảng đường” hay “đại giảng tòa”. “Đại” có nghĩa là gì? Căn tánh của thính chúng hoàn toàn khác nhau, có kẻ không biết chữ, có người trình độ Tiểu Học, cũng có người học lớp Tiến Sĩ, mỗi cá nhân nghe giảng đều hoan hỷ, mỗi người nghe đều được lợi ích, đấy chẳng phải là chuyện dễ! Không giống như lên lớp trong trường học, học trò có trình độ ngang nhau, dễ giảng, ở đây là hoàn toàn khác nhau, “Phật dĩ nhất âm nhi thuyết pháp” (Phật dùng một âm thanh để thuyết pháp), hết thảy chúng sanh không chỉ nghe hiểu, mà còn đều được thụ dụng. Đó gọi là “đại giảng tòa”; những vị giáo thụ[6] hay giáo sư bình thường sẽ chẳng thể làm được. Do vậy, giảng đường trong Phật môn người đến chẳng cự tuyệt, người đi không giữ lại. Quý vị thông đạt quyền biến, hễ giảng sâu, phải quan tâm đến những kẻ trình độ nông cạn, xét coi họ có hiểu hay không? Nếu giảng nông cạn, cũng phải quan tâm đến những kẻ có trình độ cao; phương diện nào cũng phải xét đến. Vì thế, đức Phật có Thật và có Quyền, có thẳng, và có cong (nói phương tiện, vòng vo để từ từ hướng dẫn đến mục tiêu), dùng phương pháp dạy học thiên biến vạn hóa, có thể thích hợp các loại căn khí khác biệt. Nhưng kinh này không như vậy, nói thẳng thừng, thỏa đáng, chẳng nói phương tiện, chẳng nói loanh quanh, câu nào cũng giảng pháp chân thật, trực tiếp hướng dẫn quý vị trở về tự tánh. Quý vị phải biết: Vãng sanh Cực Lạc là trở về tự tánh. Trở về tự tánh là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, phương pháp hết sức đơn giản, ổn thỏa, thích đáng, nhanh chóng, đạt đến rốt ráo viên mãn.

“Hựu nãi Thế Tôn xứng kỳ bổn tánh, hòa bàn thác xuất, hào vô bảo lưu, cố danh xứng tánh” (Lại nữa, Thế Tôn xứng hợp bổn tánh trao bày hết cả ra, chẳng có chút mảy may giấu diếm, nên gọi là Xứng Tánh). Mấy câu này nói rất hay, kinh Vô Lượng Thọ từ bản tánh của Thích Ca Như Lai tự nhiên lưu lộ, lại còn là viên mãn lưu lộ. Giống chúng ta tặng quà, dọn hết cả mâm ra, chẳng giữ lại mảy may nào, tuyên dương toàn bộ tự tánh. Những kinh điển đàm luận xứng tánh như vậy, giãi bày trọn hết như thế không nhiều lắm! Vì thế, kinh này cực viên, cực đốn, nên gọi là xứng tánh. “Nhất thiết hàm linh giai nhân thử nhi đắc độ thoát, nãi xứng tánh trung đăng phong tạo cực chi đàm, cố vi Xứng Tánh Cực Đàm” (Hết thảy hàm linh đều do đây mà được độ thoát, thật là bàn luận xứng tánh đến cùng tột, nên gọi là Xứng Tánh Cực Ðàm). “Cực” (極) là đạt tới đỉnh điểm. Bởi lẽ, kinh Vô Lượng Thọ là chỗ quy túc cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm đàm luận xứng tánh, nhưng so với kinh Vô Lượng Thọ thì kinh Vô Lượng Thọ là “xứng tánh cực đàm”, đăng phong tạo cực (đạt tới tột đỉnh). Đây cũng là nói rõ: Kinh Hoa Nghiêm bước vào Tịnh Độ mới thật sự viên mãn. Nếu chẳng do mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc, kinh Hoa Nghiêm chẳng viên mãn. Vì sao? Hoa Nghiêm chỉ có thể độ bậc thượng thượng căn, đối với căn tánh thượng trung hạ sẽ chẳng khế cơ. Hễ dẫn về Cực Lạc, từ thượng thượng căn cho đến thượng trung hạ toàn bộ đều độ được, Hoa Nghiêm bèn viên mãn! Thượng trung hạ căn đến Tây Phương Cực Lạc thế giới toàn bộ đều biến thành thượng thượng căn, chẳng thể nghĩ bàn! Chúng ta học pháp môn Tịnh Độ chớ nên không biết điều này! Quý vị biết những đạo lý và chân tướng sự thật này, mới có thể chết sạch so đo, khăng khăng tu một môn này, chắc chắn thành tựu trong một đời này. Đối với thế giới này, đối với thiên đường, hay đối với mười pháp giới, chẳng còn có ý niệm tham luyến nữa! Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng ta học tập tới đây.

***

[1]Trọn gói”: Tạm dịch chữ “nhất điều long”, một ngôi trường gọi là “nhất điều long” khi nó có toàn bộ các cấp lớp, chẳng sót một lớp nào.

[2] Giáp, Ất, Bính, Đinh v.v… là cách đánh số thứ tự theo lối truyền thống trong cổ văn, giống như chúng ta dùng số La Mã hoặc các con số 1, 2, 3… để đánh số từng đoạn.

[3] Cố Cung, còn gọi là Tử Cấm Thành là cung điện hoàng đế của hai triều đại Minh và Thanh tại Bắc Kinh. Cố Cung do hoàng đế Minh Thành Tổ (Châu Lệ) bắt đầu xây dựng vào năm 1406 khi dời kinh đô từ Nam Kinh lên Bắc Kinh, mãi đến niên hiệu Vĩnh Lạc thứ tư (1420) mới hoàn thành. Tổng công trình sư (kiến trúc sư trưởng) là Khoái Tường, một trong những thiết kế sư (kiến trúc sư) nổi tiếng của công trình này là thái giám Nguyễn An (vốn bị nhà Minh bắt về nước khi chiếm Việt Nam dưới đời Hồ Quý Ly).

[4] Quy chế “cửu tự” đã có từ thời Tiền Hán. Đây chính là chín cơ cấu quản lý sự vụ trực thuộc chánh quyền trung ương. Chín cơ cấu này do cửu khanh (chín vị đại thần quyền hạn nhỏ hơn Tam Công) đứng đầu, tâu trình trực tiếp với hoàng đế, không qua sự quản lý của Tể Tướng (hay Thủ Phụ). Dinh thự của cửu khanh gọi là Tự. Do đó, chín cơ quan này cũng được gọi là Tự. Cửu Tự gồm:

1. Thái Thường Tự: Chưởng quản nghi lễ, phụ trách các điển lễ của quốc gia (thường gọi chung là Quốc Tế) như lễ tế trời, tế xã tắc v.v…, đồng thời quản lý âm nhạc cung đình, cũng như quản lý các thuật sĩ và y sĩ. Cơ quan này về sau trực thuộc bộ Lễ.

2. Quang Lộc Tự: Chưởng quản những sự vụ thường ngày trong cung, phụ trách yến tiệc, chuẩn bị các nhu cầu ăn mặc trong cung.

3. Vệ Úy Tự: Chưởng quản vũ khí và canh gác, phòng bị trong cung, nhất là chịu trách nhiệm bảo vệ kho vũ khí, sắp đặt các thứ nghi trượng và ngự lâm quân bảo vệ khi vua xuất du.

4. Tông Chánh Tự: Chưởng quản sự vụ trong hoàng tộc, tông thất, cũng như gia phả của ngoại thích (họ hàng của các hoàng hậu, phi tần), bảo vệ, tu bổ lăng miếu của hoàng gia, kiêm nhiệm chưởng quản tăng nhân, đạo sĩ.

5. Thái Bộc Tự: Chưởng quản xe ngựa của hoàng gia, kho dự trữ, các bãi chăn nuôi, cung cấp quân lương.

6. Đại Lý Tự: Chưởng quản pháp luật. Đây là cơ quan tư pháp tối cao, gần như Tối Cao Pháp Viện hiện thời. Các vụ trọng án do các quan Án Sát (Niết Ty) các tỉnh phải đệ đạt hồ sơ lên Đại Lý Tự trước khi phán án chung thẩm. Nếu cần, Tam Pháp Ty đồng thời tham gia thẩm tra vụ án. Thời Minh, Đại Lý Tự kiêm nhiệm vai trò mật vụ, có thể bắt giữ bất cứ ai, kể cả hoàng thân, quốc thích. Đại Lý Tự cùng với Ngự Sử Đài và bộ Hình được gọi là Tam Pháp Ty.

7. Hồng Lô Tự: Chưởng quản chuyện tiếp đón sứ thần ngoại quốc, tiếp nhận lễ vật, chuẩn bị tặng phẩm của hoàng đế đối với các phái bộ ngoại quốc, cũng như hướng dẫn nghi lễ cho các sứ thần ngoại quốc triều kiến hoàng đế.

8. Tư Nông Tự: Chưởng quản lương thực, hàng hóa, vải vóc trong toàn quốc, gần như tương đương với bộ Tài Chánh hiện thời. Về sau, vai trò của Tư Nông Tự bị bộ Hộ thay thế, hầu như chỉ còn giới hạn vai trò trong kinh thành. Vai trò của Tự này đôi khi xen lẫn với Thái Phủ Tự.

9. Thái Phủ Tự: Chưởng quản sự giao dịch mua bán hàng hóa, tiền tệ, dự trữ, trả lương, phát bổng cho các quan, cũng như khống chế vật giá.

[5] Nói “đời trước” vì người Mông Cổ tin ngài Chương Gia là một vị hoạt Phật (tức tu sĩ được coi là hóa thân của các tổ sư, Phật, Bồ Tát) chuyển thế nhiều lần. Chương Gia đại sư (Lobsang Pelden Tenpe Dronme, 1891-1957), thầy của hòa thượng Tịnh Không, là đời thứ mười chín. Vị “Chương Gia đời trước” được nhắc đến ở đây là Chương Gia đời thứ mười bảy (1849-1875) được vua Hàm Phong (chồng Từ Hy Thái Hậu) mời vào kinh để coi sóc việc nhập tạng kinh điển, chưởng quản Lạt Ma Giáo toàn quốc, và vị kế tiếp là Chương Gia đời thứ mười tám (1878-1888) đều là quốc sư nhà Thanh. Tuy nói Chương Gia có đến mười tám đời, nhưng trên thực tế chỉ có bảy đời, vì vị Chương Gia thứ nhất (Dragpa Oser, 1607-1641) được tăng sĩ Mông Cổ coi là hóa thân lần thứ mười ba của tôn giả Channa (người Hoa thường phiên âm là Tôn Đạt, còn ghi là Chandaka, tức ngài Xa Nặc, người đánh ngựa của đức Phật Thích Ca). Ngài Xa Nặc là một trong sáu vị tỳ-kheo thường được gọi là Lục Quần Tỳ Kheo chuyên gây rối trong Tăng đoàn để đức Thế Tôn có cơ hội chế giới.

[6] Giáo Thụ là cách người Hoa dịch chữ Professor, tức là các giáo sư trong trường Đại Học, và được chia thành nhiều cấp như Giảng Tòa Giáo Thụ (Chair Professor), Giáo Thụ (Professor), Phó Giáo Thụ (Associate Professor), Trợ Lý Giáo Thụ (Assistant Professor), Giảng Sư (Instructor). Còn chữ Giáo Sư chỉ chung các thầy giáo, nhất là trong các trường Tiểu Học, Trung Học, nhưng hầu như rất ít khi dùng chữ Giáo Sư mà thường gọi là Lão Sư.