TIỂU SỬ VÀ CÔNG HẠNH CỦA
BỒ TÁT DI LẶC

HÒA THƯỢNG THÍCH HÀNH TRỤ
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC

 

LỜI NÓI ĐẦU

Hằng năm, cứ đúng vào ngày mùng một tháng giêng âm lịch, mọi người đều hân hoan nao nức đón xuân sang, thì trong lúc ấy, khắp các đền chùa, chuông trống vang rền, hương nến rực rỡ, các Phật tử trong bộ lễ phục uy nghiêm, thành kính dâng nén hương tinh khiết, làm lễ rước vía Bồ Tát Di Lặc.

Ngài Bồ Tát Di Lặc, theo lời phó dụ của Đức Như Lai, sẽ là vị Phật thứ năm trong Hiền kiếp kế tiếp Đức Thích Ca hiện sanh ở cõi Ta Bà để hóa độ quần mê.
Trong lúc độ sanh, tu hạnh Bồ Tát, Ngài đã thị hiện ra hằng sa thân tướng, tùy căn cơ cao thấp của chúng sanh mà hóa độ hằng sa pháp môn vi diệu Vì thế công hạnh của Ngài thật vô cùng to rộng, rực rỡ.

Ngày kỷ niệm của Ngài đúng vào ngày mùng một tháng giêng.

Hiện thân Ngài là tượng trưng cho bao niềm hoan lạc chân thật, bất diệt; cho một tấm lòng Từ Bi bao la; cho một Trí Lực thanh khiết, bất động.

Nhơn dịp Xuân về, để làm một món quà Xuân nhỏ nhặt nhưng đầy ý nghĩa và không ngoài mục đích phát huy tư tưởng đạo đức của Phật giáo trong mọi từng lớp nhân dân, chúng tôi có ấn hành riêng ra đây bài giảng “Tiểu Sử và Công Hạnh của Bồ Tát Di Lặc”. Do Ngài Thượng Tọa Giảng sư Thích Hành Trụ để cống hiến chư vị Phật Tử.

Quà Xuân tuy nhỏ nhặt nhưng ý Xuân khá dồi dào chúng tôi thành thật kính chúc quý vị một mùa Xuân bất diệt. Xuân của người Phật Tử chân chánh: Xuân Di Lặc.

 

XUÂN DI LẶC

Cảm từ của một Tăng học sinh

Xuân về!
Xuân về trong nhân gian với muôn vàn sắc thái.
Xuân về, len lén thắm đượm vào Tạo vật muôn hương vị ngạt ngào, thanh thoát; muôn màu sắc rực rỡ huy hoàng; muôn nhịp điệu du dương trầm bổng…
Xuân về, cũng âm thầm nhưng mạnh mẽ hiến dâng cho Thế nhân bao nỗi vui tươi rạo rực, bao niềm hoan lạc vô biên…

Mọi người đều náo nức đón xuân sang.

Phật Tử cũng hân hoan chào Xuân với một niềm vui bất diệt.

Thế nhân thưởng Xuân với Hoa, với Lá, với muôn màu sắc Xanh, Đỏ, Tím, Vàng, với vạn mùi hương ngạt ngào, thanh thoát. Cũng thế, nhưng siêu thoát hơn. Phật Tử chúng ta thưởng Xuân với muôn cánh hoa Đạo Lý ngát tỏa hương Diệu Huyền.

Phật Tử trân trọng đón Xuân nhan, thiết tha thưởng Xuân tứ: Xuân Di Lặc, Xuân thanh khiết và bất diệt trong mọi lòng người.

Để đón Xuân và để thưởng Xuân. Phật Tử sau khi đã gội rửa bao cáu ghét vô minh, Tham, Sân, Si, mạn nghi, ác kiến, sau khi đã lột bỏ chiếc áo Ngã kiến hôi tanh, thay vào chiếc Cẩm yêu Giới luật lấp lánh muôn hạt Kim cương, đến ngồi bên Án thư Sư Tử trong Điện Chân Như huy hoàng ánh đèn Trí Tuệ, thư thả nhắp chén Trà Từ Bi ướp hương Bác Ai, quanh mình rực rỡ muôn vạn cánh Thiên Hoa: nào Cúc Bát Chánh Đạo, nào Thọ Tứ Chánh Cần, nào Mai Tịnh độ, nào Dược Thập nhị Nhân Duyên… muôn màu muôn sắc, lung linh lay động dưới ánh Thái dương Bồ Đề ấm áp, ngát tỏa Hương thơm Đạo Lý khắp mười phương. Đâu đây thoang thoảng khói Trầm Hương Lục Độ, tinh chế bằng sáu phẩm vật thượng đẳng: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Thiền định, Tinh tấn và Trí huệ. Lúc bấy giờ, Người Phật Tử tâm hồn lâng lâng siêu thoát, nhịp đều điệu mõ Tiết Dục, thích tiếng chuông Cảnh Giác hòa lẫn trong điệu Thiên nhạc trầm hùng réo rắt muôn ngàn âm thanh cung bậc, đồng một lúc cùng chư Phật, chư Bồ Tát cất lời cử Bài Trường Ca Hợp Khúc gồm tám muôn bốn ngàn Pháp môn vi diệu: Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Bồ Đề Phận v.v…

Trong lúc ấy, vang rền đây đó tiếng reo hò hoan hỷ đón Xuân của hằng sa Tâm hồn đã Thoát Tục hòa lẫn với tiếng tạch đùng của muôn vạn tràng pháo vui tươi. Xác pháo không còn là màu đỏ Máu đau thương mà là màu Mai vàng rực rỡ ánh sắc Hòa Bình vĩnh cửu lỏa tỏa điểm tô trên khắp đất nước Cực lạc.

Đó là cách đón Xuân và thưởng Xuân của Phật Tử chân chánh. Đó là XUÂN DI LẶC với muôn nụ cười bất diệt, muôn màu sắc huy hoàng, muôn hương vị thanh khiết, muôn nhịp ca vi diệu. Đó mới chính là cái Xuân chân thật của mọi người.

Mỗi Phật Tử chúng ta hãy huy động tất cả năng lực, tất cả thiện chí, cố gắng thực hiện cái xuân ấy cho tất cả mọi người, mọi tâm hồn. Đó là cái Xuân Lý tưởng, Xuân Chân thật, Xuân Bất diệt trường tồn, Xuân Thanh Bình vĩnh cửu. Không phải cái Xuân ngắn ngủi, giả tạo Xuân vang rền tiếng khóc đau thương, lời than tủi nhục, uất hận; Xuân hực hở lửa đỏ của Tham Sân; Xuân ngập tràng máu đào của Nhân loại.
Hôm nay đã là ngày Ba mươi tháng Chạp, nào chúng ta hãy bắt đầu tắm gội, rửa sạch bao cáu ghét vô minh, thay lớp áo Ngã kiến cùng nhau vào Điện Chân Như, ngồi Tòa Sư Tử nhắp trà Từ Bi, ngắm Hoa Đạo Lý… hân hoan thưởng Xuân Thanh Bình bất diệt của Đại Bồ Tát Long Hoa Hội Chủ.

Nào nào chúng ta hãy bắt đầu đi thôi vì hôm nay đã là ngày ba mươi rồi, tiếng pháo Giao Thừa chỉ sẵn sàng chực nổ.

Hoan hô XUÂN DI LẶC! Xuân Thanh Khiết và Bất Diệt trong mọi lòng người!

 

TIỂU SỬ VÀ CÔNG HẠNH CỦA
BỒ TÁT DI LẶC

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Thưa quý Ngài,
Cùng liệt vị thiện nam tín nữ.

Năm cũ qua, qua luôn những ngày đông hắc ám. Năm mới đến với tất cả rực rỡ huy hoàng. Ánh Xuân quang chiếu khắp mười phương thế giới. Bao nhiêu sầu hận, bao nhiêu đau thương phải tạm chôn dấu trong lòng của thế nhân để họ cầu khẩn và tiếp đón những ngày mai tươi sáng.

Quý ngài hãy nhìn xem: hương sắc tràn đầy; sương mai bao trùm vạn vật một màn tơ trắng xóa, mà ánh mặt trời buổi bình minh điểm thêm những sắc xanh, vàng, đỏ, tím, làm cho ta tưởng đó là một cảnh đẹp siêu trần. Vũ Trụ dường như đang lay động nhịp nhàng theo tiếng muôn chim ca hót chào mừng vẻ diễm lệ buổi đầu Xuân.

Ngày này mới thật là một ngày cực kỳ vui đẹp, ngày mà hàng Phật Tử chúng ta tiếp đón với cả một tấm lòng xuân phơi phới, là ngày lễ đản sanh của Di Lặc.

Quý ngài nghe đến hai chữ Di Lặc, phần đông chỉ biết đó là một ông Phật có thân hình mập mạp, nét mặt phương phi, luôn luôn để nở nụ cười hoan hỉ, chớ không biết rõ sự tích của Phật ra thế nào. Nay là ngày đầu năm mới, lại là ngày vía của Ngài, tôi nhơn dịp quý thiện nam tín nữ đến đây đông đủ, lược nói tiểu sử của Ngài để giúp thêm sự trí kiến cho quý thiện tín, tưởng không phải là việc không bổ ích. Vả lại, hàng Phật Tử chúng ta còn gì hân hạnh bằng đầu năm mới mà được đón chào
cai nụ cười bác ái muôn đời bất diệt cua Đức Phật tương lai.

Đức Di Lặc Bồ Tát là Đức Phật bổn xứ sẽ thành Phật trong thế giới chúng ta liền sau khi Đức Phật Thích Ca. Ngài đã cùng Đức Thích Ca phát ấm tu hanh Vô Lượng vô số kiếp về trước, khi Đức Phậtt Đai Thông Trí Thắng ra đời.

Vì lòng chuộng hư sanh chưa sạch, Đức Di Lặc thường ưa qua lại với các nhà quý phái nên đường tu hành có phần giải đãi. Về sau Ngài nhờ Đức Thích Ca dạy pháp duy thức nên Ngài mới quán các pháp đều do thức tâm biến hiện, không có thật tánh, nên diệt trừ được lòng chuộng hư danh và chứng được duy thức tánh. Ngài tu hành trong phép duy thức nhiều đời nhiều kiếp chứng được Vô Thượng diệu viện thức tâm tam muội, nhận thấy thập phương chư Phật, vô lượng chúng sanh, toàn thể pháp giới không hai không khác nên ngài được thọ ký thành Phật. Khi Đức Thích Ca ra đời, Ngài hiện trong nhà một vị Bà La Môn họ A Dật Đa ở Nam Thiên Trúc, tục truyền vào ngày mùng một tháng Giêng ta. A Dật Đa nghĩa là: “Không chi hơn” là họ của Ngài, còn tên của ngài là Di Lặc nghĩa là: Từ Thị hay là Từ Tôn.

Nhân trong đời quá khứ, Ngài làm một ông Tiên tên là Nhất Thế Trí Quang, nhờ một Đức Phật chỉ dạy đặng Từ Tâm Tam Muội, nên từ đó về sau, cho đến khi thành Phật, Ngài thường dùng danh hiệu Di Lặc làm tên của Ngài.

Theo Kinh “Di Lặc thượng sanh” mười hai năm sau khi thuyết kinh ấy, trong ngày rằm tháng hai (tức tháng tư ta) Ngài Di Lặc sẽ kiết già tại chỗ bản sanh của Ngài, thân Ngài vàng chói đỏ rực như trăm ngàn mặt trời. Trong hào quang của Ngài có những chữ: Thủ Lăng Nghiêm tam muội, Bát nhã ba la mật. Ngài nhập diệt rồi hóa sanh trên hoa sen Sư tử tọa đền ma ni thất bảo ở cung trời Đâu Suất. Xá lỵ của Ngài như tượng đúc bằng vàng không lay, không chuyển, chư thiên đến xây bửu tháp đặng cúng dường xá lỵ ấy.

Trên cung trời Đâu Suất, thân Ngài sắc Vàng Diêm phù đàn cao lớn tốt đẹp đủ ba mươi hai tướng, tám mươi thứ tốt, xung quanh có vô lượng Bồ Tát làm thị giả. Ngài ở trong cung Đâu Suất nội viện là chỗ trang nghiêm tột bực, trái với Đâu Suất ngoại viện là cõi trời phàm tục. Trong nội viện có ao sen tốt đẹp, hương hoa bát ngát châu báu rảy đầy, tiếng nhạc du dương, chen với tiếng ca thảnh thót của vô số thiên nữ kiều diễm, mà tiếng nhạc ca đều diễn những phép tam qui, ngũ giới, thập thiện, khổ, không, vô thường, vô ngã, sáu pháp ba la mật, và bốn hoằng thệ nguyện v.v…

Nếu có chúng sanh nào ưa kính lòng vô thượng bồ đề, giữ gìn năm giới, hoặc bát quan trai giới, thân tâm thường tinh tấn tu pháp thập thiện, thường nghĩ tưởng đến cung trời Đâu Suất thì sau này chắc sẽ được sanh về cõi ấy.

Chẳng những vậy, trong đại chúng, ai nghe được tên Đức Di Lặc mà sanh tâm vui mừng, cung kính lễ bái thì sẽ được sanh về Đâu Suất. Cả đến những người phạm trai phá giới, tạo các nghiệp dữ, mà khi nghe đến danh hiệu Đức Di Lặc, biết hổ thẹn, biết ăn năn sám hối những sự lỡ lầm và kính cẩn lễ bái, thì cũng được vãng sanh về Đâu Suất. Còn có ai may mắn nghe được danh hiệu Đức Di Lặc thì đời sau được sanh chánh kiến, khỏi bị tà kiến, khuynh đảo, lại được trừ tội báo sanh tử trong nhiều đời nhiều kiếp.

Đức Di Lặc ở cung Đâu Suất nội viện mãi đến đời Vua Chuyển Luân Thánh Vương tên là Nhương Khư, Ngài mới hiện sanh trong nhà một vị Đại Bà La Môn tên là Diệu Phạm. Đến khi trưởng thành Ngài quan sát ngũ dục thế gian làm cho chúng sanh chìm đắm trong vòng sanh tử. Ngài lấy làm thương xót nên mới xuất gia học đạo, ngồi dưới cây Bồ Đề long hoa và liền trong ngày xuất gia. Ngài chứng bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ngài lấy bộ duy thức lấy tên là Du Dà Sư địa luận và độ cho vô số người chứng quả La Hán.

Sở dĩ Ngài chưa chánh thức giáng sanh ở cõi Ta Bà này là vì số kiếp chưa đến. Tuy vậy, Ngài cũng thường hóa thân trong mười phương thế giới để thuyết pháp độ sanh.
Thuở xưa có một lần Ngài ứng tích tại Song Lâm thì tên của Ngài là Phó Đại Sĩ và lần Ngài hóa thân ở Nhạc Lâm thì hiệu là Bố Đại Hòa Thượng. Trong hai lần chuyển sanh ấy, Ngài đã dùng lời phương tiện, quyền xảo, hay lời vi diệu pháp âm làm cho người đời tỉnh giấc cô miên quay đầu chánh giáo.

Người đương thời gọi Ngài là Bố Đại Hòa Thượng vì khi Ngài ứng tích ở Châu Ninh, thuộc nước Lương, đời Ngũ quý, Ngài có thân hình khác hơn người thế tục; trán nhăn, bụng lớn, người mập mạp và thường hay mang theo cái túi vải, nên mới có danh hiệu ấy (Bố Đại Hòa Thượng).

Ngài hay khôi hài và chỗ ăn nằm không nhứt định chỉ thấy thỉnh thoảng Ngài về trú tại chùa Nhạc Lâm. Lúc đi đâu Ngài thường cầm tích trượng, mang túi vải và 18 đứa con nít nhỏ1 thường đeo đuổi một bên mà giễu cợt làm cho Ngài tức cười mãi mãi. Thường thường Ngài vào chốn thôn quê hễ ai cho vật gì thì Ngài ăn, hễ còn dư thì bỏ vào túi vải. Ngài luôn luôn có những cử chỉ siêu phàm mà người đời mê muội cho đó là sự điên rồ. Có một bận Ngài đi gặp một Thầy Sa Môn liền vỗ vào sau lưng, làm cho vị Sa Môn giật mình ngó lại hỏi rằng: “Hòa Thượng làm cái gì vậy?”. Ngài liền giơ tay nói: “Ngươi cho ta xin một đồng tiền”. Thầy Sa Môn thấy vậy nói rằng: “Nếu tôi hỏi một điều mà Hòa Thượng đáp được thì tôi cho”. Ngài liền đứng dậy một bên, chắp tay, rồi cúi xuống lấy túi vải quày quả ra đi.

Một bữa kia Ngài đi vào đám đông người thì có một vị Sa Môn khác hỏi rằng: “Hòa Thượng đứng trong đám đông người làm chi đó?”. Ngài trả lời: “Ta đứng đợi một người”. Ông Sa Môn hỏi: “Hòa Thượng đợi ai?”. Ngài bèn thò tay vào túi lấy một trái quít đưa cho thầy Sa Môn. Ông vừa chìa tay lấy quít thì Ngài liền thụt tay mà nói rằng: “Ngươi chẳng phải là người ta đợi”. Ngài nói rồi đi liền.

Lại có một khi nữa, có thầy Sa Môn thấy Ngài đứng bên đường gần chợ bèn hỏi rằng: “Hòa Thượng ở đây làm chi?”. Ngài liền đáp rằng: “Ta đi hóa duyên”. Ông thầy kia liền nói: “Hóa duyên đâu ở ngã tư như vậy”. Ngài trả lời: “Ngã tư chính là nơi ta muốn hóa duyên”. Nói đến đây Ngài vừa nói vừa cười mang túi vải đi mất.

Một khi nữa, ông Bạch Lộc Hòa Thượng gặp Ngài liền hỏi: “Công việc của cái túi vải ra làm sao?”. Ngài liền mang túi mà đi không trả lời chi hết.

Lại có một bận, ông Bảo Phước Hòa Thượng hỏi Ngài rằng: “Thưa Ngài, duyên cớ tại sao mà xưa Đức Tổ sư ở bên phương Tây qua đây có việc chi, có ý gì?”. Ngài nghe hỏi liền để túi vải xuống, rồi đứng tự nhiên. Ông Bảo Phước Hòa Thượng lại hỏi: “Chỉ như vậy hay là có gì nữa hay không?”. Ngài bèn lấy túi vải mang đi, không hề trả lời chi cả.

Từ đó về sau hễ Ngài đi đến đâu thì người ta tranh nhau mà chặn đón, níu kéo, đặng mời Ngài vào nhà, chớ không để đi luôn. Vì đó mà trong bất cứ nhà nào, quán nào Ngài cũng tự do lui tới, không ai có ý nhàm chán, vì Ngài vào đâu, đem sự thịnh vượng vui vẻ cho họ đến đó.

Khi Ngài đi đến xứ Mân Trung, có người cư sĩ họ Trần thấy Ngài có nhiều cử chỉ khác thường nên đãi Ngài rất hậu. Lúc Ngài muốn từ giã họ Trần để qua xứ Lưỡng Chiết, thì ông cư sĩ có hỏi Ngài rằng: “Bạch Ngài, đệ tử rất ngu lổ biết làm sao cho đặng thấy tánh Phật”. Ngài bèn đáp bài kệ rằng:

Phật tức tâm, tâm ấy Phật,
Mười phương thế giới là linh vật.
Tung hòanh diệu dụng biết bao nhiêu,
Cả thảy chẳng bằng tâm chơn thật.

Ông Trần cư sĩ nghe bài kệ xong thì lấy làm bái phục liền cúi đầu đảnh lễ và thỉnh Ngài ở nán lại một đêm nữa rồi sẽ đi. Sáng ngày trước khi lên đường Ngài còn viết thêm một bài kệ nữa dán trên tường:

Ta có một thân Phật,
Có ai đặng tường tất;
Chẳng vẽ cũng chẳng tô,
Không chạm cũng không khắc,
Chẳng có chút đất bùn.
Không phải màu thể sắc,
Thợ vẽ vẽ không xong,
Kẻ trộm trộm chẳng mất,
Thể tướng vốn tự nhiên,
Thanh tịnh trong văn vắt,
Tuy là có một thân.
Phân đến ngàn trăm ức.

Ngài đi đến quận Từ Minh, thường giao du với Tưởng Tôn Bá, hết sức thân mật, thường khuyên ông này nên trì niệm chú Ma ha bát nhã ba la mật đa. Vì đó mà người bấy giờ thường gọi ông là Ma Ha Cư Sĩ.

Một ngày kia, ông Ma Ha Cư Sĩ cùng tắm với Ngài ở dưới khe Trường Dinh, cư sĩ thấy sau lưng Ngài có bốn con mắt chói lòa rực rỡ, hết sức kinh dị, nên liền đảnh lễ và bạch rằng: “Hòa Thượng quả là một vị Phật tái thế”.

Ngài liền khoát tay bảo nhỏ rằng: “Ngươi chớ nói tiết lậu. Ta cùng ngươi ở với nhau ba bốn năm nay vốn là có nhơn duyên rất lớn, rồi đây ta sẽ từ biệt ngươi mà đi, vậy ngươi chớ buồn rầu thương nhớ!”.

Ngài từ giã ra đi. Và đến ngày mùng ba tháng ba niên hiệu Trinh Minh, Ngài không tật bịnh gì cả, bèn ngồi trên bàn thạch, gần nơi mái chùa Nhạc Lâm mà nhập diệt.

Lại đến đời Lục Triều, Đức Di Lặc cũng có ứng tích làm Phó sĩ tại chùa Song Lâm một lần nữa.

Thuở ấy Ngài đến ra mắt vua Lương Võ Đế, vua liền hỏi Ngài rằng: “Xin Đại sĩ cắt nghĩa cho quả nhơn nghe làm sao mà kêu là Đạo?”.

Ngài liền trả lời: “Tâm thiệt là Đạo”. Như Bệ Hạ khi chưa lên ngự tại điện này, thì trong tâm lúc ban đầu chưa khởi niệm, bổn trí vẫn tự nhiên mà được diệu tinh quang huy sáng suốt hiện buổi nay, rực rỡ đến thuở trước, và đầy lấp tất cả cõi thái hư, thì cái tịnh quang ấy muôn đời không sanh, vĩnh kiếp không diệt, chẳng phải thánh mà cũng chẳng phải phàm không ràng buộc không giải thoát. Đó là tâm thể nhiệm mầu, rất vắng lặng. Ngoài tâm không có “Đạo” gì riêng khác, và ngoài Đạo cũng không có tâm nào phân biệt nữa. Vì thế cho nên gọi tâm là “Đạo”. Ngài lại còn khuyên vua lấy Đức từ bi bác ái làm căn bổn cho việc trị nước, an dân. Vua Võ Đế nghe như vậy thì biết là một vị Bồ Tát làm phàm nên càng thêm tôn trọng. Vua bèn thiết lập một nơi pháp hội rất trang nghiêm và thỉnh Ngài diễn kinh cho bá tánh nghe. Ngài lên pháp tọa, lẳng lặng làm thinh trong giây phút rồi vỗ giới xích mà xuống chớ không nói một lời nào cả.

Trong hàng thính giả, có một vị thái tử thấy vậy hỏi rằng: “Thưa Ngài, đáng lẽ giữa chỗ đông người, Ngài nên giảng giải cho ai nấy đều hiểu rõ chánh pháp của Phật đặng theo đó mà tu hành cớ sao Ngài làm thinh, không biện luận nghĩa lý chi, rồi lại vội xuống pháp tọa như vậy”. Ngài liền đáp: “Phàm việc gì nói hay là nín đều thuộc về Phật sự cả. Như thế không phải đúng với Phật lý hay sao mà ông còn ép tôi phải nói làm chi nữa”.

Thái tử làm thinh, nhưng trong lòng hết sức kính phục.

Thoạt một ngày kia, có một làn định quang kim túc của Đức Thích Ca từ phương Đông bay đến và dính vào thân Ngài. Bỗng nhiên có tiếng xướng rằng: “Phó Đại Sĩ xuất hiện ra đây để thay thế cho Thích Ca mà thuyết pháp ngồi trên chỗ long hoa thắng hội mà chỉ rõ cái bổn nguyện tử mẫu của Đức Văn Thù và xiễn dương huệ tập phổ thế của Đức Quan Âm”.

Rõ ràng Ngài là bậc Y vương, đại thí những phương thần dược, điều trị tất cả các bệnh vô minh phiền não cho vô số chúng sanh. Ngài còn dùng lời lẽ phương tiện dạy cho người đương thời biết rõ lý nhơn quả, tội phước, khuyên người tu pháp thập thiện và sám hối tội lỗi để tránh nẻo luân hồi trong vòng khổ thú. Ngài đã chẳng nệ sự cấu nhục của thế tình, cứ xen lẫn trong chốn trần lao để ban bố nhiều điều lợi ích cho bao nhiêu người sống say chết ngủ. Vì vậy cho nên trong bốn phương hồ hải, chỗ nào cũng là viên giác đạo tràng của Ngài cả.

Xem đó thì biết rằng công phu tế độ của Ngài thật vô lượng, vô biên không thể nào tả cho xiết được.

Đến đời Lương, niên hiệu Trinh Minh năm thứ hai, ngày mùng ba tháng ba, Ngài nói với chúng nhơn rằng: “Qua năm sau, cũng ngày này, tháng này, ta sẽ đem trái “Di Lặc” mà cúng dường cho đại chúng”.

Quả nhiên qua năm sau, cũng ngày ấy, tháng ấy, Ngài ngồi kiết già trên bàn thạch gần chùa Song Lâm mà nhập diệt. Ai nấy thảy đều kinh dị và kính ngưỡng vô cùng.
Nói tóm lại, Đức Di Lặc còn phải trải qua nhiều số kiếp nữa mới xuất hiện ra đời để nối ngôi cho Đức Thích Ca mà làm vị Phật thứ năm trong hiền kiếp đặng đại chuyển pháp luận tế độ cho muôn loài. Nhưng ngặt vì chúng sanh chưa rõ lẽ thiên chơn cứ vọng tưởng những việc huyễn hoặc để phải chịu sa chìm vào khổ hải, tự mình chuốc lấy nẻo luân hồi.

Nay nhơn dịp ngày đầu xuân và lại là ngày vía Đức Di Lặc chúng ta được cái diễm phúc nhắc lại lịch sử và vài ba kiếp ứng thân của Ngài. Thật thế hàng Phật Tử chúng ta còn cái diễm phúc nào hơn là cái diễm phúc đón xuân với nụ cười vô tư tràn trề bác ái của Đức Di Lặc, một nụ cười bất sanh, bất diệt, không mòn mỏi, không đổi thay, chắc chắn và hẳn còn như bản tánh chơn như của vũ trụ. Ngày đầu xuân mà được tiếp đón nụ cười ấy thì tưởng không còn gì may mắn cho bằng.

Nhưng đáng tiếc thay, ở thế gian đối với ngày xuân họ có một quan niệm rất khác.

Một lần xuân sang là một lần người ta lơ lửng giữa hai mối vui buồn lẫn lộn.

Người ta đợi xuân, vui xuân, say sưa ngây ngất vì xuân để rồi phải tiếc xuân, phải buồn vì ngày xuân quá ngắn, phải mến thương, luyến tiếc những cuộc vui xuân vừa tàn tạ. Than ôi! Sao người lại mua chuốc làm chi những sự khó khăn cho mình đến thế? Họ trông đóa hoa chớm nở dưới sương mai, họ đã băn khoăn nghĩ đến mầm tan rữa. Họ nghe chim đang hòa vui, họ tưởng nghe những tiếng đờn ai oán khóc hận chia ly.

Sao họ không chịu biết rằng xuân đến đây, rồi xuân sẽ đi chỗ khác, chỗ này hết xuân, chỗ kia lại được. Xuân vẫn là xuân, không biến thiên, không thay màu đổi sắc, không chỗ nào không có xuân. Trong vũ trụ không có gì mất, chỉ ở lòng ta mới mất những mầm xuân. Nhưng nói cho đúng ra, người đời buồn, không phải buồn vì cái xuân nhỏ hẹp của một năm qua, mà buồn vì đường đời của họ càng ngày càng thêm ngắn lại. Ha! Ha! Buồn vì thấy đời mình sắp xế chiều, sắp mất! Sao lại vẩn vơ đến thế. Phật Tổ đã nói thân này là giả tạm. Thật vậy thân ta là đất bụi, một ngày kia sẽ trở về với đất bụi, chớ có nghĩa gì đâu. Năm bảy mươi năm hay một trăm năm, đâu phải giới hạn của đời ta, bám chặt làm chi, tưởng tiếc làm chi, quãng thời gian ngắn ngủi cho đời ta thêm eo hẹp?

Chúng ta nên noi gương từ bi bác ái của Đức Như Lai, đem lòng thương chật hẹp đối với một hai người thân quyến, mà thương tất cả chúng sanh. Nhà của chúng ta phải bao trùm vạn vật. Chúng ta nên thực tế. Chúng ta sinh ra không khóc mướn, thương vay cho những vật gì không chắc chắn, không hằng còn, mà trái lại để sống khắng khít với thiên nhiên, sống cuộc đời bay bướm không bị ràng buộc, lôi kéo bởi những tư tưởng hẹp hòi thiên vị. Đó cũng là một cách luyện cho thâm tâm chúng ta quen đi lần tới cảnh giải thoát an vui, vì sự luyến ái với cái “Ta” quá đáng, bao giờ cũng là nguyên nhân của nạn sanh tử luân hồi.

Vì lẽ đó hôm nay nhơn dịp quý thiện nam tín nữ đến đây tôi nói lại thân thế của Đức Di Lặc và những công hạnh lợi tha của Ngài để cống hiến cho quý thiện tín món quà Xuân đạo đức, một món quà mà hương vị rất thanh cao, khác hẳn với men nồng của rượu mạnh và sắc thắm của muôn hoa.

Thưa quý Ngài, vẫn biết rằng ngày xuân tới, ngày xuân đi, đối với hàng Phật Tử chúng ta không có gì quan hệ lắm. Chúng ta không phải thấy xuân lại mà mặc ý say sưa để chơn tâm ta loạn động, hay thấy xuân đi mà đau buồn nghĩ đến cuộc đời sắp tắt.

Nhưng thật ra, mỗi lần xuân tới nhắc nhở chúng ta những niềm lo sợ. Không phải chúng ta lo sợ vì sắp bỏ lại cõi trần bao nhiêu người thân mến, bao nhiêu danh vọng tiền tài để bắt đầu một cuộc hành trình không hẹn ngày trở lại. Chúng ta lo sợ vì thấy đời ta cứ nuốt lần năm tháng mà không tu hành được bao nhiêu. Một mai bỏ thân mạng này, biết có thể trở lại làm người để gặp Phật Pháp nữa không, hay là phải tùy hạnh nghiệp trong đường đời mà bị trôi lăn vào khổ hải.

Quý Ngài cũng nên nhơn dịp đầu xuân, đối trước ngôi Tam Bảo, phát lời thệ nguyện tu hành để cầu phước báo cho thân sau.

Nói đến hai chữ tu hành, còn nhiều người lầm cho rằng: “Tôi còn có gia đình ràng buộc không thể nào xuống tóc ở chùa được”. Không, sự tu hành không cứ gì phải xuống tóc phải ở chùa mới là tu hành. Trừ những người đã phát tâm rộng lớn, dứt hết nợ trần, xuất gia đầu Phật, không còn màng tưởng điều danh nẻo lợi, thì ai ai cũng có thể tu hành được. Lại cũng có người nói: “Tôi cứ ở nhà mà tu hành, làm lành lánh dữ cũng được, cần gì phải đến chùa, phải lạy Phật làm chi?”. Nói như thế cũng không hoàn toàn sai nhưng cũng không phải hoàn toàn đúng. Tôi xin nói một ví dụ.
Nếu Ngài có việc cần kíp phải ngang qua một khu rừng. Nếu không có người thông thạo, sáng suốt đưa đường chỉ lối để đi tắt cho mau đến đích, thì Ngài sẽ phải đi quanh đi quẹo mất nhiều thì giờ, lại e không tránh khỏi nanh vuốt của hổ, báo sài lang. Như vậy thì còn gì mong tới nơi tới chốn được.

Sự tu hành cũng thế. Nếu không nhờ Phật là đấng toàn tri, toàn năng đại nguyện, đại lực, tiếp độ cho, không nhờ giáo pháp của Phật làm nơi y chỉ cho sự hiểu biết, không nhờ các bậc sư tăng dạy dỗ, dìu dắt, mở thông trí huệ, thì còn mong gì đến cảnh giới an vui, hay không khéo lại bị nghiệp hoặc lôi cuốn vào chốn tam đồ.

Bởi lý do ấy, quý thiện nam, tín nữ nên phát tâm qui y Tam Bảo, nghĩa là suốt đời đem hết thân mạng này gởi gắm, nương nhờ vào ba ngôi báu trên đời là Phật, Pháp, Tăng, vì Phật, Pháp, Tăng chính là ngôi vô thượng phước điền của tất cả chúng sanh. Xong rồi quý Ngài còn cần phải thực hành sự trì trai giữ giới nữa.

Con vật kia nó cũng biết tham sống, sợ chết, biết đau đớn biết thương ghét như chúng ta. Quả thật nó cũng là người như chúng ta, song vì kiếp trước gây nhiều tội ác nên ngày nay phải chịu mang lông đội sừng đó thôi. Con cá đang cố sức dẫy dụa trên thớt, con heo đang thốt những tiếng kêu não nùng ai oán dưới lưỡi dao oan nghiệt kia, không đủ làm cho chúng ta đau xót tận đáy lòng hay sao, mà chúng ta lại đem tâm giết nó? Vả lại theo Lý nhơn quả trong đạo Phật thì những con vật ấy là cha mẹ, anh em của chúng ta trong muôn ngàn kiếp trước, nay chúng ta ăn thịt nó có khác gì chúng ta ăn thịt bà con chúng ta. Như vậy còn gì là nhận đạo nữa. Huống chi giết mạng phải đền mạng là lẽ tất nhiên rồi.

Ngoài sự sát sanh quý thiện tín còn cần phải giữ mình cho liêm khiết, không tham lam trộm cắp của ai một vật gì dầu một mũi kim, một ngọn cỏ cũng vậy. Trong kinh có dẫn sự tích một người đàn bà vì lén lấy của chồng hết vài ba đồng bạc, khi chết mà còn phải đọa làm thân con lừa để kéo xe trả nợ. Ngao ngán thay! Lén lấy có một vài đồng bạc của chồng mà còn bị quả báo đến như thế, huống chi là cố tâm lấy cắp của người, hoặc dùng sức mạnh hay mưu mô mà chiếm đoạt của người thì tội báo nặng nề biết bao! Trái lại nếu biết giữ lòng ngay thật đối với vật sở hữu của mình, trong đường đời tránh được nạn nước, lửa, kiếp sau khỏi bị khổ sở, nghèo nàn. Tiếp đến, quý thiện nam tín nữ còn phải giữ giới tà dâm, vọng ngữ, và uống rượu. Vì sao thế? Vì sự tà dâm sẽ làm cho con người mê muội lại có thể làm cho gia đình tan nát, xã hội điêu linh. Sự nói dối, nói thêu dệt, nói lời ác có thể gây sự oán cừu, có thể làm cho cha mẹ phải lìa con, vợ chồng phải ly cách, ác nghiệp vì đó càng ngày càng đầy rẫy, cái quả khổ, tương lai không thể nào tránh khỏi. Xưa kia, một ông Sa Di chê báng một vị Tỳ kheo già tụng kinh như chó sủa mà phải đọa làm thân chó trong năm trăm đời. Một lời khinh mạng mà còn bị cái quả báo ghê gớm đến thế, lựa là chửi mắng, rủa nguyền!

Sau cùng quý thiện tín, cần phải kiêng dè uống rượu. Cùng chẳng đã, khi nào có bịnh hoạn, hoặc vì phải chiều bạn bè để mua vui trong chốc lát thì nên dùng chút ít mà thôi. Không nên quá lạm dụng, vì rượu là chất độc làm cho người mất hết trí khôn, không còn biết gì phải trái, dễ khiến người phạm tội lỗi, khó tránh vòng lao lý trong hiện tại, khó tránh sự đọa lạc trong đời vị lai.

Thưa quý Ngài, một khi quý Ngài đã thọ tam qui, trì ngũ giới rồi thì kiếp sau không sợ mất phước báo chốn nhơn thiên và cũng là bước đầu của đạo quả Vô Thượng Bồ Đề.

Xưa kia Phật đã từng nói: “Thân người khó được, Phật, Pháp khó nghe”. Nay quý Ngài đã được làm thân người lại được nghe Phật, Pháp, chắc là kiếp trước đã gieo trồng nhiều quả phúc rồi. Nhưng cái thân này không phải là vật bền bỉ, lúc nào con quỉ vô thường cũng rình rập một bên. Vì thế, quý thiện tín nên mau mau phát nguyện tu trì, gắng làm việc lành, tránh điều gian ác, không sát sanh, không nói dối, luôn luôn tìm cách cứu giúp những cô nhi, quả phụ, nuôi dưỡng những kẻ tàn phế tật nguyền, cúng dường Tam Bảo và làm các công đức khác để ương lần hạt giống Bồ Đề trong tâm địa.

Xuân này quý Ngài làm được như thế tức là quý Ngài đã hiểu ý nghĩa của Xuân và lúc nào cũng nhận thấy trong tâm khảm quý Ngài một mùa xuân bất diệt.

Nam mô Long Hoa Giáo chủ Đương lai Hạ sanh Từ Thị Di Lặc Tôn Phật, tác đại chứng minh.