Thư trả lời cư sĩ X…
Đọc thư gởi đến, biết ông thông minh nhưng chưa triệt để! Vì thế mới coi nhân quả của Nho – Phật giống như cách thưởng phạt trong phép vua trong thế gian, tợ hồ có lý, nhưng thật ra vô lý! Sự thưởng phạt trong thế gian ước theo tình người mà định, còn nhân quả chính là do tâm thức chiêu cảm. Nho và Thích không hai đạo! Ông cho rằng đạo Nho có những điều chưa nêu tỏ tức là [đạo Nho] chỉ dừng lại ở đó, đấy cũng là một chứng cớ cho thấy ông thông minh nhưng chưa triệt để. Phàm nhân quả thiện hay ác đều do tự tâm chiêu cảm, người đời không biết, đức Phật giảng cặn kẽ, ông cho là đức Phật bày đặt ra, há có phải là thông minh thật sự hay chăng?
Quả báo xảy đến có khi là tức khắc, ngay trong đời này, có khi là trong đời kế tiếp, đời sau, và nhiều đời, nhiều kiếp. Ông hiềm quả báo xa xôi, muốn quả báo xảy đến cho nhanh, là đã trở thành tà kiến rồi! Phải biết: Quả báo siêu phàm nhập thánh liễu sanh thoát tử cho đến thành Phật đều phải là nhiều kiếp. Tuy nói: “Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật” (buông dao đồ tể xuống, thành Phật ngay nơi đó), nhưng thật sự chứng Phật Quả cũng phải mất nhiều kiếp! Đừng cho rằng “hễ ngộ được Phật Tánh liền thật sự chứng được Phật Quả!” Nếu nói như ông, trong cõi đời không một ai có thể liễu sanh thoát tử, huống chi là thành Phật ư? Nếu ông biết điều này, sẽ chẳng đến nỗi trách Phật tàn ác, sẽ cảm được lòng từ bi của đức Phật, đau lòng tuôn lệ bảo với những kẻ cùng hàng.
Ông hiềm rằng chẳng được quả báo nhanh chóng, nhưng chẳng biết đến cái lợi lớn lao của việc không nhanh chóng, chính là loài trùng mùa Hạ chẳng biết có băng, con phù du[1] chẳng thấy được ngày hôm sau, chẳng đáng thương ư? Quả báo chậm hay mau đều do nghiệp thức của chính mình cảm nên, há nên đùn đẩy cho đức Phật? Do ông thông minh, nên trong ý ông vẫn mắc lỗi “có biết nhưng vẫn cố phạm”. Đủ thấy, chuyện “giảm bớt lỗi” dẫu là thánh nhân vẫn phải nỗ lực! Do vậy, Khổng Tử tuổi đã bảy mươi, vẫn muốn trời cho sống thêm năm hay mười năm nữa để học Dịch hòng tránh được lỗi lớn. Nhà Nho thấy biết nông cạn, cho là thánh nhân quá khiêm tốn, chẳng biết thánh đạo sâu xa, chẳng phải là “hễ ngộ liền có thể thấu hiểu tột cùng được”!
Những chuyện khác khoan nói tới, chỉ lấy Viên Giáo để luận, thì: Sơ Tín đoạn Kiến Hoặc, Thất Tín đoạn Tư Hoặc, Bát Tín, Cửu Tín, Thập Tín phá Trần Sa Hoặc, khuất phục vô minh. Thập Tín hậu tâm[2] lại phá một phần vô minh liền chứng Sơ Trụ, trở thành Pháp Thân đại sĩ. Từ Sơ Trụ cho đến Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, trải qua bốn mươi mốt địa vị vẫn chưa đạt đến địa vị “hết sạch vô minh”. Đẳng Giác lại phá một phần vô minh, tức là “Chân cùng, Hoặc tận”, thành Phật quả viên mãn Bồ Đề. Sự xa xôi của thiện báo và ác báo cũng gần ngang nhau, huống hồ tu nhân chứng quả cho đến lúc thành Phật ư? Nếu mọi chuyện đều xong ngay trong một chốc thì sẽ trở thành hầm sâu đoạn diệt “không nhân không quả”.
Chẳng thấy đạo trời vận hành hay sao? Tiết Hạ Chí, Nhất Âm sanh bèn nắng gắt, tiết Đông Chí, Nhất Dương sanh bèn lạnh buốt[3]. Lập Xuân có khi trước Tết, có khi sau Tết[4], mỗi mỗi đều chẳng thể cùng xong hết trong một lúc được, nên mới thành năm tháng. Nếu cùng một lúc xong hết thì chẳng trở thành vận hành, mà thành đoạn diệt! Đối với việc thưởng phạt tội – phước, trong cõi Âm quả thật có người chủ trì, nhưng chẳng phức tạp như trong Dương gian, bởi án từ, sổ sách đều tự hiện, tự tiêu, và cũng không có người ghi chép, khóa sổ. Vì thế, cõi Âm không sai lầm. Có chuyện người tên X… ở tỉnh kia bị bắt vì lầm với người cùng tên X… ở tỉnh này; ấy chính là mượn chuyện người không đáng chết này để tỏ rõ thật sự có những chuyện địa ngục, hình phạt trong cõi Âm v.v… ngõ hầu người đời sanh lòng tin. Do vậy, thường có chuyện bậc sĩ phu chánh trực trong thế gian tạm thời xử đoán chuyện của vua Diêm La, người bình thường trong thế gian làm sai nha cho cõi Âm, do bắt lộn người nên bị đánh đòn, cách chức, đều là “nhân cùng thố đại” (do [nhờ vào] hoàn cảnh ép ngặt để thực hiện sự giáo hóa vậy – “thố đại” là “thực hiện đại sự tu tề trị bình”), bởi lẽ mắt chẳng thấy sẽ không tin, lại còn mượn cớ báng Phật, cho nên đặc biệt hiện ra chuyện ấy để tỏ bày đại sự hòng mở rộng tầm mắt.
Chuyện như vậy rất nhiều, nêu lên một chuyện để hòng biết trọn. Trong Kiến Văn Lục của Ngẫu Ích đại sư có chép chuyện một Sinh Viên[5] ở Hồ Bắc nắm quyền xử lý dưới tay Ngũ Điện Diêm La Vương[6]. Một đêm đến cõi Âm, thấy một cuốn sổ chép vợ mình giết trộm gà hàng xóm, kể cả lông thì nặng một cân mười hai lượng, nhân đó bèn xé một góc trang sổ để đánh dấu. Tỉnh dậy, ông ta hỏi vợ sao lại giết trộm gà hàng xóm, bà vợ chẳng thừa nhận, ông ta nói: “Bà vẫn cứ lừa dối tôi. Sổ sách trong cõi Âm đã chép bà giết trộm gà hàng xóm, kể cả lông thì nặng một cân mười hai lạng”. Bà vợ kể: “Phơi thóc gạo trong sân, gà hàng xóm đến ăn, dùng đồ vật quăng nó, nó chết lăn quay, còn chưa động đến!” Bảo đem gà cân lên, quả thật nặng một cân mười hai lạng. Ông sai vợ đem gà và một số tiền bằng giá một con gà đem trả, thưa rõ đầu đuôi với người ta, xin đừng quở trách. Đêm ấy, ông ta lại vào cõi Âm xem sổ, góc trang sổ bị xé vẫn còn đó, nhưng không thấy một chữ nào cả! Ông cho rằng hình phạt trong cõi Âm là do đức Phật đặt chuyện, có thể nói là đã cô phụ ơn Phật quá lắm!
Ông viết chữ nhỏ xíu, mắt Quang quá mờ, lược nêu những điều quan trọng để giải lòng nghi của ông. Nếu ông biết điều này sẽ nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Hãy nên biết rằng: Lợi ích do ông đạt được bắt đầu từ nơi con cái của ông, huống gì lợi ích sau khi sanh về Tây cho đến khi viên mãn Phật quả mới thôi. Nếu chẳng tự lượng, từ đây nghiên cứu các tông Tánh, Tướng, Thiền, Mật, chẳng chú trọng niệm Phật thì có thể trở thành một bậc thông gia nửa vời, nhưng liễu sanh thoát tử sẽ thành chuyện năm nảo năm nao! Quang già rồi, mục lực chẳng đủ, từ rày đừng gởi thư đến nữa, dù có cậy thầy Diệu hỏi giùm cũng chẳng trả lời. Vì sao vậy? Do ông chẳng phải là người hễ nêu ra một điều bèn hiểu rõ ba điều, dù có dạy từng điều một thì một vẫn là một, nên chẳng thể viên thông được!
***
[1] Phù du (đôi khi còn được gọi là “con vờ”) là tên gọi chung của hơn hai trăm loài côn trùng nhỏ thuộc họ Ephemeroptera, chuồn chuồn cũng thuộc họ này, nhưng tuổi thọ không quá ngắn ngủi như những con phù du. Đa phần những con phù du khá giống chuồn chuồn, nhưng nhỏ hơn. Loài ấu trùng của chúng (naiad) sống trong những vũng nước ngọt cả năm trời, đến khi lột xác bay lên thành phù du chỉ sống được vài giờ. Có loài như chuồn chuồn thì sống được vài ngày.
[2] Thập Tín hậu tâm: Sau khi đã chứng nhập viên mãn mười địa vị thuộc Thập Tín.
[3] Hạ Chí là một trong hai mươi bốn tiết khí của Âm lịch. Nhằm ngày đó, ngày dài nhất, đêm ngắn nhất tại Bắc Bán Cầu. Ngày này được coi như ngày mở đầu cho mùa Hạ. Hạ Chí thường rơi vào ngày 21 hoặc 22 tháng Sáu Dương lịch. Theo cách giải thích trong Dịch Học, Chí là cực điểm, Nhất Âm khởi đầu từ mùa Hạ (“Hạ chí, nhất âm sanh; Đông chí, nhất dương sanh”), hàm nghĩa: “Đến lúc này, khí Dương đã đạt đến cực điểm, bắt đầu suy vi, nên khí Âm lấn lên, Âm trưởng, Dương hao vậy!” Tương tự, Đông Chí bắt đầu vào ngày 21, 22 tháng 12, tượng trưng cho khí Âm đã đến cực điểm, bắt đầu suy vi, Âm hao, Dương trưởng!
[4] Tiết Lập Xuân dao động từ mồng Ba đến mồng Năm tháng Hai Dương lịch, ngày Tết thường rơi vào từ cuối tháng Giêng cho đến cuối tháng Hai Tây, tùy theo cách tính năm nhuận.
[5] Vào thời Minh – Thanh, Sinh Viên chính là người đỗ cuộc thi khảo hạch tại phủ huyện, tức tương ứng với danh hiệu Tú Tài trong các đời trước.
[6] Diêm La Vương (Yama-rāja) chính là vị chủ tể cõi Âm. Theo Du Già Sư Địa Luận, Diêm La Vương do những vị Bồ Tát hóa hiện để giáo huấn tội nhân. Theo Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luân Kinh, Đại Phương Quảng Thập Luân Kinh, Địa Tạng Bồ Tát cũng hóa hiện thân Diêm Vương để độ chúng sanh. Người Trung Quốc tin rằng: Diêm Vương giữ sổ sanh tử, người chết sẽ đến trước mặt Diêm Vương để bị xét xử tội lỗi. Có mười vị Diêm Vương cai quản địa ngục, tức Tần Quảng Vương, Sở Giang Vương, Tống Đế Vương, Ngũ Quan Vương, Diêm La Vương, Biện Thành Vương, Thái Sơn Vương, Đô Thị Vương, Bình Đẳng Vương và Chuyển Luân Vương. Phật môn Trung Hoa cho rằng Đệ Ngũ Điện Diêm La Vương chính là hóa thân của Địa Tạng Bồ Tát. Theo đó, người chết đến ngày thứ ba mươi lăm sẽ đến Ngũ Điện thuộc Khiếu Hoán địa ngục. Khi vong hồn những kẻ tích cóp tài sản, tham lam, bạc ác đến trước Ngũ Điện Diêm La Vương, sẽ được đưa lên Nghiệt Kính Đài (Vọng Hương Đài) cho thấy rõ tình hình của người thân còn sống đang phung phí, phá tán tài sản của người đã mất.