Thư trả lời cư sĩ Dương Huệ Xương (ba lá thư)

(vốn có tên là Tự Xương)

1) Lệnh nghiêm lâm chung thần thức sáng suốt, niệm Phật qua đời, chắc là sanh về Tây Phương; nhưng bất luận đã sanh về hay chưa, phận làm con cố nhiên nên thường lễ bái, trì tụng để mong cụ chưa được sanh sẽ sanh, đã vãng sanh sẽ tăng cao phẩm vị. Hơn nữa, sự lễ tụng này không chỉ hữu ích riêng cho người đã khuất, mà thật ra có lợi lớn lao cho người còn sống. Do dùng cái tâm hiếu kính với cha mẹ để lễ tụng, so với những kẻ chuyên vì chính mình lễ tụng, công đức lớn hơn, bởi hiếu tâm chính là Bồ Đề tâm vậy! Cha ông đời trước đã có vun bồi rất nhiều, nên đời này ưa làm lành, chuộng điều nghĩa, tin sâu Phật pháp, tu trì Tịnh nghiệp. Trong một đời cụ bị lắm bệnh ngặt nghèo, ấy là do nghiệp đời trước; vì chuộng làm lành, tin Phật nên chuyển báo nặng đời sau thành báo nhẹ trong đời này để giải quyết cho xong. Ông đã muốn kế thừa chí cha, lại muốn cha mẹ ông đều cùng được cao đăng phẩm sen, tâm ấy tốt lành lắm, nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Xương, nghĩa là dùng trí huệ để thừa kế chí cha, ắt sẽ quyết chí xương minh pháp môn Tịnh Độ và khiến cho con cháu được hưng thịnh.

Phàm là người quy y Phật pháp, đối với luân thường đạo lý đều phải tích cực phi thường để trọn hết tình nghĩa và bổn phận, có vậy mới đáng gọi là đệ tử thật sự của Phật. Nếu luân thường bị khiếm khuyết, sẽ khó thể cảm hóa những người cùng hàng. Nay cha mẹ ông đã không còn, thì càng phải chú trọng đến bổn phận đối với anh em trai, chị em gái, thê thiếp, con cái. Đời bây giờ đã loạn đến cùng cực, cội nguồn là do những kẻ làm cha mẹ trong cõi đời chẳng biết cách dạy con, chẳng biết dùng đạo đức, nhân nghĩa, nhân quả báo ứng để dạy con cái, chỉ nuông chiều, nuôi dưỡng thói kiêu ngạo, đem mưu mẹo, mánh khóe dạy con. Vì thế, kẻ có thiên tư quen thói cuồng vọng, đứa không có thiên tư quen nết ương bướng, ngu độn, đến nỗi có chuyện vượt lễ, trái phận thường thấy xảy ra. Nếu người làm cha mẹ ai nấy trọn hết đạo dạy con thì thế đạo đâu đến nỗi như thế này!

Trước kia nếu không dạy dỗ con cái đàng hoàng thì vẫn chưa khẩn yếu lắm, bất quá chúng nó không hiếu thuận, không ra giống gì mà thôi. Hiện thời, nếu không dạy con cho đàng hoàng, mối họa quả thật chẳng thể nào tưởng tượng được! Hãy nên đem lời này nói với hết thảy mọi người. Về chuyện đọc sách, do chính ông đã mang chức vụ, chẳng được rảnh rỗi nhiều, chỉ nên bắt đầu xem trước các sách Văn Sao, Gia Ngôn Lục, rồi đến Tịnh Độ Tam Kinh, Vãng Sanh Luận Chú, Triệt Ngộ Ngữ Lục, Tịnh Độ Thập Yếu, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Tịnh Độ Chỉ Quy Tập[1], Long Thư Tịnh Độ Văn, hãy nên đọc kỹ! Những thứ khác như Thiền Tông hoặc bên Giáo như Thiên Thai Tông, Hiền Thủ Tông, Từ Ân Tông và Mật Tông hãy nên gác lại vì không dư thời gian để xem đến. Tu Tịnh nghiệp mà trước hết chẳng nghiên cứu pháp môn Tịnh Độ cho rõ ràng thì [giống như] muốn về nhà nhưng chẳng biết đường lối, những gì biết được tuy vẫn có thể [dùng để] trở về nhà được, nhưng quanh co, xa xôi lắm, thật giống như một trời, một vực. Xin hãy sáng suốt suy xét!

2) Thư của ông và của các vị Vương, Lý, Uông, Châu đều nhận đủ cả. Pháp danh của ba người ấy được viết trong tờ giấy khác, mong hãy chuyển giao. Tuy đại nguyện của ông Vương rất cao đẹp, nhưng trong lúc thời cuộc nguy hiểm này, chẳng biết quyết chí cầu sanh Tây Phương, vẫn muốn đợi sau khi xuất gia sẽ tụng kinh chú bao nhiêu đó để thỏa đại nguyện. Lại mong tuổi thọ bằng với lời nguyện: Nếu nguyện chưa xong, tuổi thọ cũng chưa chấm dứt. Đúng là kẻ si nói chuyện mộng! Ông ta đọc sách Tịnh Độ hoàn toàn chẳng nương theo ý sách, tự lập chương trình. Nếu chẳng kịp thời tùy phận tùy lực tu trì, chẳng những sở nguyện đều trở thành bánh vẽ hết, mà còn có thể mắc bệnh rối loạn thần kinh! Bệnh ấy rất dễ bị, nhưng rất khó lành! Quang già rồi, một mực lòng dạ thẳng băng, ăn nói thẳng tuột, trọn chẳng dám thuận theo ý người khác để vui dạ người ta. Vì thế, nói huỵch toẹt ra để [ông ta] khỏi bị mắc bệnh.

Hai ông Uông và Lý chất trực, không giả dối, khá tốt đẹp hơn. Nay với mỗi người trong ba vị ấy đều gởi cho một bộ Văn Sao, một cuốn Gia Ngôn Lục và những tập sách nhỏ, tổng cộng là hai gói. Xin hãy chia ra đưa tặng. Ông Châu Thái Nhiên trong thư chỉ viết “hợp thập” (chắp mười ngón tay), tôi chẳng dám chấp nhận cho ông ta quy y, trân trọng trả lại bốn đồng tiền hương kính cho ông ta. Tuy Quang chẳng thể hoằng dương Phật pháp, quyết chẳng dám tự mình khinh mạn Phật pháp, cũng như chẳng để cho người khác khinh mạn Phật pháp! Hãy nói với ba người ấy, từ rày đừng gởi thư đến nữa, gởi đến nhất quyết không trả lời do mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ vậy!

3) Thư ông và thư của Châu Thái Nhiên đã nhận được cả rồi. Phải biết: Trong Phật pháp có trụ trì thế gian pháp và có duy luận lý tánh pháp. Trụ Trì thế gian pháp là nếu người khác chẳng hết sức chí thành, sẽ chẳng vì kẻ đó thuyết pháp. Nay thế đạo suy vi, chẳng thể hoàn toàn hành đúng như vậy. Vì thế, đối với những thư hỏi pháp, mặc lòng người ta [viết] như thế nào, Quang cũng đều trả lời. Nếu quá ngạo mạn, vẫn chỉ bày, trách móc lỗi ấy để khỏi phụ lòng kẻ đó gởi thư đến. Chỉ có kẻ xin quy y, nếu chẳng dùng những chữ [tỏ ý] tự nhún mình, chắc chắc chẳng dám chấp thuận. Vì chấp thuận như vậy tức là tự khinh Phật pháp, mà cũng khiến cho kẻ ấy khinh thường Phật pháp. Có thể là vì kẻ ấy chẳng biết lễ nghi, hoặc là do ngã mạn tự đại. Người tự đại thì làm sao dám nói với họ? Kẻ chẳng biết lễ nghi thì ắt sẽ làm cho họ biết, chứ không phải mong được người khác cung kính, ấy chính là chẳng khinh pháp và khinh người vậy! Nếu chẳng duy trì như thế, Phật pháp sẽ chẳng thể lưu truyền.

“Duy luận lý tánh pháp” (pháp chỉ xét trên mặt tánh, trên lý, không luận trên hình tướng, trên mặt sự) thì phàm Tăng chẳng thể làm được, chỉ có đại Bồ Tát và người không có trách nhiệm duy trì pháp đạo làm như vậy sẽ có lợi ích sâu xa. Phàm phu làm theo sẽ phá hoại chánh pháp của Như Lai, tai hại chẳng cạn! Như trong kinh Pháp Hoa, Thường Bất Khinh Bồ Tát hễ thấy tứ chúng đều lễ bái, thưa: “Tôi chẳng dám khinh quý ngài, quý ngài đều sẽ thành Phật!” Tứ chúng có kẻ dùng roi gậy, ngói, đá đánh ném, bèn chạy ra xa đứng, rồi làm lễ, tán thán rằng: “Tôi chẳng dám khinh quý ngài, quý ngài đều sẽ thành Phật!” Sợ ông chẳng biết nghĩa này rồi lầm lạc sanh ra nghi ngờ, bàn bạc, nên mới nói đại lược. Nếu là phàm phu Tăng, trọn chẳng thể nương theo cách hành động ấy! Bậc đại Bồ Tát trụ trì pháp đạo cũng phải y theo cách hành động của phàm tăng. Như sư Tế Điên chính là bậc cao nhân vượt ngoài khuôn khổ, nhưng vẫn hành động trong chừng mực[2], ngài Tế Điên chẳng giữ Thanh Quy, nhằm hiển lộ đại thần thông. Nếu giữ Thanh Quy cẩn thận mà hiển lộ thần thông thì chẳng thể sống trong thế gian được! Chỉ có mượn cách điên điên khùng khùng làm cho người ta tin tưởng, nghi ngờ lẫn lộn, hòng ngầm giáo hóa khiến cho người ta biết Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn hầu sanh tâm chánh tín. Những kẻ vô tri không biết xấu hổ trong cõi đời học đòi theo đó, sao chẳng học “ăn thứ chết vào, ói ra thứ sống”? Sao chẳng học “uống rượu say ngủ vùi mấy ngày, nhưng trăm ngàn cội gỗ to từ dưới giếng trồi lên”, và “uống rượu say bét nhè, ói ra vàng để thếp vàng tượng Phật trong cả điện”? Thứ chuyện chẳng thể nghĩ bàn ấy chỉ có hạng người ấy thực hiện thì không trở ngại chi, chứ nếu người giữ Thanh Quy cẩn thận mà làm, chắc chắn sẽ phải qua đời ngay! Nếu không, ai nấy đều đến tìm vị ấy, chẳng thể làm hết thảy mọi chuyện được! Hãy chuyển thư cho Châu cư sĩ và đem những lời này đưa cho ông ta xem, Quang mục lực chẳng đủ, chẳng thể viết nhiều. Pháp môn Tịnh Độ và pháp tắc tu trì đã có các sách Văn Sao, Gia Ngôn Lục v.v… nhắc đến rồi, nên cũng không nói tường tận [trong thư này]!

***

[1] Tịnh Độ Chỉ Quy Tập do ngài Đại Hựu ở chùa Bắc Thiền thuộc Ngô Quận soạn. Nội dung được chia thành mười môn, nêu rõ sự thù thắng của Tịnh Độ, nhân duyên, quả đức, thệ nguyện của Phật Di Đà, các giáo nghĩa trọng yếu của Tịnh Độ như tướng quang minh, thọ mạng, bốn cõi Tịnh Độ, phương tiện thắng diệu, cũng như biện định sự khó dễ, lục tức thành Phật, nhất tâm tam quán, cách thức tu hành, những chứng nghiệm vãng sanh, cũng như nêu rất nhiều kinh luận, điển tịch dẫn chứng pháp môn Tịnh Độ là “ngàn kinh muôn luận chỉ quy”. Nội dung rất phong phú và hữu ích cho những ai muốn chuyên tâm nghiên cứu giáo nghĩa Tịnh Độ.

Ngài Đại Hựu (1334-1407), sống vào đời Minh, là cao tăng thuộc tông Thiên Thai, quê ở Ngô Huyện, tỉnh Giang Tô. Ngài còn có hiệu là Cừ Am, xuất gia năm 20 tuổi, thông thạo giáo nghĩa Hoa Nghiêm, Thiên Thai. Tuy vậy, ngài chuyên tu Niệm Phật tam-muội, từng giữ chức Tăng Lục Ty trong niên hiệu Hồng Vũ. Sư từng vâng chiếu biên tập kinh điển, trước tác khá nhiều bản chú giải như Bát Nhã Yếu Nghĩa, Di Đà Kinh Lược Giải, Kim Cang Kinh Lược Giải v.v…

[2] Nguyên văn “thằng xu xích bộ”. Đây là một thành ngữ hàm nghĩa cử chỉ, hành động tuân theo mực thước, khuôn khổ. Thằng tức là dây làm mực, Xích là thước đo, tức hai dụng cụ chánh yếu của thợ mộc. “Thằng xu xích bộ” hiểu theo nghĩa đen là noi theo dấu dây mực, bước theo thước đã vạch.