Thư trả lời cư sĩ Trần Tân Nho

Thư nhận được đầy đủ, trong bốn mươi tám nguyện, [có nguyện thứ mười tám là] “mười niệm xưng danh liền được vãng sanh, chỉ trừ kẻ Ngũ Nghịch, phỉ báng chánh pháp”. Đấy là nói về lúc bình thường! Bởi lẽ, Ngũ Nghịch đại tội, báng pháp chẳng tin, thứ tội chướng ấy há có thể dùng sự tu trì hời hợt, hờ hững để tiêu diệt được ư?

Theo Quán Kinh, kẻ Ngũ Nghịch Thập Ác lúc sắp mạng chung, tướng địa ngục hiện, có thiện tri thức (ở đây bất luận là Tăng hay tục, nam hay nữ, chỉ cần dạy người ấy niệm Phật thì cũng được gọi là “thiện tri thức”) dạy niệm Phật, hoặc chỉ niệm mười tiếng hoặc niệm chưa đến mười tiếng đã mạng chung, cũng sẽ được cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Mười niệm ấy so ra có khí thế dũng mãnh, thiết tha hơn hẳn mười niệm lúc bình thường một trời một vực. Do vậy bèn được vãng sanh. Do bị nỗi khổ cùng cực nơi địa ngục bức bách nên vừa được nghe danh hiệu Phật bèn dốc hết toàn bộ tinh thần xưng niệm. Trừ niệm ấy ra, trọn chẳng có niệm gì khác! Tuy chưa đích thân chứng được nhất tâm bất loạn, nhưng tâm đã rốt ráo chẳng còn có niệm nào khác! Đang trong lúc ấy, trọn chẳng có tam tâm, nhị ý, chẳng có tâm tướng tin tưởng – nghi ngờ xen lẫn! Vì thế, chẳng gọi là “báng pháp”.

Dẫu lúc bình thường là kẻ báng pháp thì [khi lâm chung] ắt cũng sẽ giống như té vào nước lửa cầu xin cứu vớt, rảnh đâu để sanh lòng nghi, khởi lòng báng bổ ư? Vãng Sanh Luận nói “kẻ báng pháp chắc chắn không được vãng sanh” vì đã báng chánh pháp thì sẽ không có lòng chánh tín, làm sao vãng sanh cho được? Đấy là lời lẽ nhằm cực lực khuyên con người phải phát lòng chánh tín. Nếu trước kia đã từng báng pháp, về sau biết cải hối thì sẽ được vãng sanh. Ví như lành bệnh liền trở thành người mạnh khỏe; kẻ quy hàng chính là người dân đã quy thuận.

Nếu nói: “Kẻ báng pháp dù sau này có cải hối cũng chẳng được vãng sanh” là đã hoàn toàn hiểu sai chuẩn mực tu trì. Đối với Nho giáo còn chẳng hợp, huống hồ đức Phật thấy “hết thảy chúng sanh đều có đủ Phật Tánh, đều sẽ thành Phật” ư? Kinh Thư chép: “Chỉ vì thánh mất niệm mà thành cuồng; cuồng do khắc chế được ý niệm mà thành thánh”. Do vậy biết rằng Nho và Phật đều lấy sửa lỗi hướng lành để chăm chú mong thành thánh, thành hiền, đoạn Hoặc, chứng Chân. Người đời chẳng khéo hiểu ý này, chỉ chấp vào lời văn, tự sanh chướng ngại, chẳng đáng buồn ư?

Quang là một ông Tăng tầm thường, trọn chẳng có ưu điểm nào, gặp gỡ thì có ích gì? Chẳng gặp đâu bị tổn hại gì? Nếu muốn gặp thì lại có khó khăn chi? Ước chừng vào nửa sau tháng Bảy, ắt tôi sẽ sang chùa Thái Bình, phải lẩn quẩn ở đó hai ba tháng đợi cho việc in sách xong xuôi rồi sẽ liền diệt tung tích ẩn náu lâu dài để vĩnh viễn chẳng còn qua lại với hết thảy mọi người nữa.

Ông muốn quy y thì nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Tân; nghĩa là trí huệ sẵn có vốn là vật cũ của chính mình, nhưng do Hoặc nghiệp chướng lấp nên chẳng thể thọ dụng được. Nay dùng sức niệm Phật để tiêu trừ Hoặc nghiệp, khiến cho trí huệ ấy lại được tỏ rạng. Tuy là vật cũ, nhưng chẳng khác gì mới đạt được, cho nên gọi là Huệ Tân.

Lại mong ông sẽ đem pháp môn Niệm Phật này hóa độ hết thảy để bọn họ sẽ đều tự làm cho đức ấy được trở thành mới mẻ thì may mắn lắm thay! Điều trọng yếu trong tu trì là giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành. Những điều khác đã được nói tường tận trong Văn Sao, Gia Ngôn Lục, xin hãy tìm đọc, ở đây không viết cặn kẽ!