Thư trả lời cư sĩ Khang Ký Dao

(thư thứ nhất)

Nhận được thư biết ông tới chỗ ngụ ở Thượng Hải an toàn, hết thảy đều như thường, vui mừng, an ủi đến cùng cực. Thời cuộc chẳng yên, đừng nên bắt đầu tiến hành [làm những chuyện đã định]. Nên đợi đến khi thái bình thì mới tiến hành. Nếu không cẩn thận, sẽ hối chẳng kịp đấy! Vì vậy, đừng hạn định ngày tháng mà hãy nên dựa theo thời thế để ứng biến. Thế đạo hiện thời chính là thế đạo hoạn nạn. Tuy nói “niệm Phật diệt được túc nghiệp”, nhưng cần phải sanh lòng hổ thẹn lớn lao, sanh lòng kinh sợ lớn lao, chuyển cái tâm “tổn người lợi mình” của chúng sanh thành “hành hạnh Bồ Tát lợi khắp các chúng sanh” thì dù là túc nghiệp (nghiệp trong quá khứ) hay hiện nghiệp (nghiệp hiện tại) đều bị quang minh của Phật hiệu trong cái tâm đại Bồ Đề ấy tiêu diệt sạch sành sanh.

Nếu đời trước và xưa kia từng tạo nghiệp lớn, nay tuy đã thôi làm ác, nhưng chưa thể tận lực tu các điều lành và chỉ niệm Phật hời hợt, hờ hững thì công chẳng cự được lỗi, cho nên khó tránh vướng phải ác báo ấy được! Chẳng phải là niệm Phật uổng công, mà là vì chưa phát Bồ Đề tâm, nhưng ác nghiệp lại đặc biệt rộng lớn nên [công đức niệm Phật] chẳng thể che lấp [ác nghiệp] được! Nếu có thể phát đại Bồ Đề tâm thì sẽ như mặt trời rực rỡ giữa hư không, sương móc tan ngay lập tức. Người đời phần nhiều nửa đời làm ác, rồi sau này mới cải hối. Do chưa thể hoàn toàn không có ác báo, bèn bảo: “Phật pháp chẳng linh, tu trì vô ích!”

Cư sĩ đã chẳng coi Quang là người ngoài, nên cố nhiên Quang chẳng thể không trình bày đại lược nguyên do với cư sĩ để mong ông thoát khỏi đường mê, lên bờ giác. Pháp môn Niệm Phật lấy ba pháp Tín – Nguyện – Hạnh làm tông, lấy Bồ Đề tâm làm căn bản. Do bởi thật nghĩa “tâm này là Phật, tâm này làm Phật, nhân trùm biển quả, quả thấu nguồn nhân”, [cho nên] dùng “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” làm công phu thực hiện tối thiết yếu. Dùng điều ấy để hành, lại còn Tứ Hoằng Thệ Nguyện thường chẳng rời tâm thì tâm hợp với Phật, tâm hợp với đạo. Lúc đang còn sống sẽ dự vào bậc thánh, lâm chung lên thẳng Thượng Phẩm, ngõ hầu chẳng phụ cuộc sống này. Phải thường nên giảng nói với Chí Thường [những điều vừa nói trên đây] khiến cho tập khí nữ nhi hẹp hòi, hèn kém của cô ta biến thành chánh trí Bồ Đề thì công đức lớn lao lắm. Người tu Tịnh nghiệp ắt phải khuyên khắp người đời cùng tu Tịnh nghiệp, “làm gương cho vợ mình rồi đến anh em, cho đến khắp đất nước”[1] cho nên chẳng khác gì sự giáo hóa của các vị vua.

(thư thứ hai)

Nhận được thư đầy đủ. Đất Tần rét buốt, Tịnh Nghiệp Cư chỉ nên mở tiệm cơm chay thì mới có đôi chút khả quan. Nếu chiếu theo biện pháp của Công Đức Lâm ở phương Nam, ắt sẽ bị cụt vốn. Ở nơi ấy đã mang tên là Tịnh Nghiệp Cư thì hãy nên nhờ người viết chữ đẹp dùng lối chữ Khải chánh thức đang thông dụng hiện thời để sao chép công đức, lợi ích của Tịnh nghiệp và pháp tắc tu trì, rồi đem treo [những bài viết ấy] trên các bức tường để người ta đọc tới sẽ dấy lòng cảm kích. Ở nơi ấy chẳng thể tổ chức diễn giảng vì sợ có đông người đến nghe sẽ không đủ chỗ chứa, đừng nên làm theo kiểu đó. Nếu cứ làm thì sẽ đâm ra bị chướng ngại mà cũng gây trở ngại cho việc làm ăn.

Tịch Viên Liên Xã ắt phải thanh tịnh, thơm sạch. Chủ nhân ắt phải cung kính, chí thành, chớ nên ngạo mạn đối với người khác, cũng chớ đừng phô phang tỏ vẻ mình là người có đức hạnh. Phàm có ai đến đều phải đối đãi ôn hòa, cung kính, khiêm tốn (Xét trong hiện thời, các hội Phật giáo các nơi hễ có quy mô hơi lớn thì thường phạm phải thói xấu là ngạo mạn đối với người khác. Đọc đến đây hãy nên đau đáu răn dè. Hãy chớ nên phân biệt sang – hèn, khiến cho khắp mọi người cùng được thấm nhuần pháp vị, gieo thiện căn). Còn như khi chưa niệm Phật và lúc đã niệm Phật xong, nhất loạt chẳng cho [những người đến niệm Phật] bàn tán chuyện trong gia đình. Nếu có những nghĩa trọng yếu có thể bàn luận được thì hãy bàn. Nếu không, ai về nhà nấy. Kẻ nào tuổi quá nhỏ thì chỉ nên niệm trong nhà của chính mình. Nếu thường đến mà ở gần thì còn được, chứ như đường xa sợ sẽ có chuyện xảy ra ngoài ý muốn, chẳng thể không cẩn thận! Nơi đây bất quá là chỗ để đề xướng [tu Tịnh nghiệp] trong địa phương mà thôi, vẫn phải chú trọng chuyên niệm Phật tại gia.

Ông đã đề xướng Liên Xã thì người lớn kẻ nhỏ trong nhà đều phải đoạn trừ rượu thịt. Nếu vẫn cứ [ăn uống tùy tiện] giống như người đương thời thì sẽ mất đi thể cách đề xướng. Chương trình giản lược của Tịnh Nghiệp Cư văn lẫn lý đều hay, nhưng chữ Huân (葷) bị viết sai thành chữ Vựng (暈: Quầng sáng quanh mặt trời, mặt trăng. Chữđọc giống như âm Vận) thật là thất cách, xin hãy sửa cho đúng. Chữ Huân (葷) vốn chỉ những thứ hành, hẹ, kiệu, tỏi, cho nên viết bằng bộ Thảo (草). Kinh Phạm Võng giảng rõ Ngũ Tân (五辛: năm thứ cay nồng) là Đại Toán Thông (大蒜蔥: tức hẹ), Từ Thông (慈蔥: hành), Lan Thông (蘭蔥: tức là Tiểu Toán 小蒜, chính là kiệu), Huân Vật (葷物: tỏi). Phương này (Trung Hoa) chỉ có bốn thứ ấy, ở Tây Vực có thêm Hưng Cừ[2] (興渠: củ nén) nên gọi là Ngũ Tân, cũng gọi là Ngũ Huân. Cũng có ngoại đạo coi Nguyên Tuy (芫荽)[3] là Huân (rau có mùi tanh hôi), lại có phái ngoại đạo coi Hồng La Bồ (củ giền) là Huân, đều là bịa đặt!

Năm thứ Huân này vốn thuộc thảo mộc, nhưng do có mùi hôi dơ nên không được ăn. Ăn vào thì tụng kinh niệm Phật đều không được hưởng lợi ích lớn lao[4]. Huống chi thịt là thứ lấy từ thân thể chúng sanh, [con vật] đang sống sởn sơ bèn giết đi để mong thỏa thích cái miệng. Người đời quen thói chẳng thấy đó là chuyện kỳ quái, hễ nghĩ tưởng thì [sẽ thấy] đúng là vô lý đến cùng cực, đáng sợ thay! Quang chưa thể định trước được thời hạn trở về, cần gì phải có người đón tiếp; chỉ [để Quang] đi một mình thôi [là được rồi], nếu đón tiếp đâm ra trở thành chướng ngại! Ngàn vạn phần đừng đến, nếu đến thì tôi chẳng trở về!

(thư thứ ba)

Nhận được thư, kinh và bài minh trên tháp [thờ mẹ của ông] v.v… khôn ngăn vui mừng, an ủi. Một thiên tự thuật đã bộc lộ khá thành khẩn; nhưng những điều được trình bày ắt phải là những hạnh ta thấy rõ thì mới là thật nghĩa. Nếu không, sẽ trở thành vọng ngữ, lừa mình, gạt người!

Chẳng biết tháp của lệnh từ được xây theo cách thức như thế nào. Theo chế định của Phật, Luân Vương (Chuyển Luân Thánh Vương) mới được xây tháp nhưng không có tầng cấp. Đối với bậc xuất gia chứng Sơ, Nhị, Tam, Tứ Quả thì tùy theo quả vị của họ đã chứng để phân định [được phép xây] bao nhiêu tầng cấp.

Nếu là phàm phu, chớ nên xây tháp! Trong thời gần đây, các Tăng đều xây tháp, nhưng chỉ có hình dáng chứ không phân tầng cấp thì vẫn còn chấp nhận được; chưa hề nghe nói xây tháp cho người tại gia! Các đệ tử của ông Dương Nhân Sơn xây tháp cho thầy, cách thức gần giống như tháp Phật, chẳng đáng để bắt chước theo; nhưng do ông ta có công lưu thông, hoằng dương Phật pháp, nên các đệ tử tôn xưng quá mức. Lệnh từ tuy suốt đời thanh tu, lâm chung chánh niệm vãng sanh, nhưng sở chứng của cụ chưa biết ra sao! Ở phương này (cõi Sa Bà), quyết chớ nên mạo xưng là thánh nhân. Hễ nghĩ như vậy tức là đã “đem phàm lạm thánh”.

Nếu cụ có chứng đắc sau khi vãng sanh thì chẳng thể coi đó là sở chứng trong khi cụ còn sống ở phương này. Vì thế, đối với chuyện ở phương này hay chuyện sau khi đã sanh sang cõi kia, đều phải dựa theo nơi chốn mà phân chia rạch ròi thì mới chẳng trái nghịch cấm chế của đức Phật. Nhưng cụ đã tu hành tốt đẹp thì cũng chỉ nên tùy ý lưu truyền, nhưng chớ nên nghĩ làm như vậy là đúng, khiến cho những kẻ có tâm đều bắt chước làm theo. Quang chẳng thể không nói rõ điều này! Ông chép kinh Bát Đại Nhân Giác rất đẹp khiến cho người đọc sanh lòng hoan hỷ.

Ngày Hai Mươi Sáu tháng Chín, Quang xuống núi. Đến cuối tháng, đến Thượng Hải, tưởng là ông và gia quyến đều trở về nhà hết rồi, vì thế trọn chẳng hỏi đến. Tới mồng Năm tháng Chạp, ông Lý Cấp Nhân tới thăm, mới biết là gia đình ông chưa trở về hết. Chuyện Quang trở về đất Thiểm quả thật chẳng dễ dàng. Do đất Thiểm loạn lạc, lại còn rét buốt. Nếu quần áo, đồ đạc đều bỏ lại hết thì khi tới đất Tần sẽ sắm sửa không được. Nếu cầm theo hết thì hành lý sẽ cồng kềnh, thật khó khăn cho cả đôi bên. Vì thế, Quang trọn chẳng có lòng trở về đất Tần.

Huống chi hiện thời tại Phổ Đà đang tu chỉnh Sơn Chí, tuy không do Quang chủ trương nhưng cố nhiên Quang chẳng thể bỏ mặc được. Lại còn môn loại Đại Sĩ Bổn Tích, Quang đã cậy một người bạn ở Giang Tây biên soạn tám chín tháng rồi, chuyện ấy vàn muôn phần chẳng thể nhờ tay người khác lo liệu được! Phải đợi cho ông ta tu chỉnh xong xuôi, Quang đọc qua rồi mới đem ghép vào Sơn Chí, hoặc cho lưu hành riêng, Quang đều phải tự lo liệu.

Ông đã biết “hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật trong vị lai”, thì tất cả quyến thuộc chánh phụ[5] trong nhà đều nên vĩnh viễn thôi ăn mặn, đấy mới là thật sự tu hành. Nhà Nho trong cõi đời do thói quen cố kết coi ăn thịt là lẽ đương nhiên, trọn chẳng nghĩ đến nỗi đau khổ khi những con vật bị giết hại; huống là bàn đến chuyện quá khứ và vị lai ư? Buồn thay! Đời này chẳng độ được thân này thì đến đời nào mới độ được? Sửa đổi nếp sống để tu thì chẳng thích hợp cho lắm.

Hiện thời, trời đang chuyển sang vận khí tốt đẹp, con người vui vẻ, mùa màng sung túc, nghĩ tưởng năm mới đã đến, [chúc ông] mọi duyên như ý, đứng ngồi hưởng phước, Chí Thường và các cháu đều cát tường, yên vui, khôn ngăn vui mừng, an ủi. Viết thư này để mong ông được an vui thuận lợi và chúc mừng năm mới, mong sao cả nhà đều yên vui. Nếu không có chuyện gì quan trọng, đừng tới núi vì e rằng trong tháng Ba Quang sẽ qua Hàng Châu. Nếu thuận tiện sẽ gặp mặt một phen.

 (thư thứ tư)

Chuyện vui chơi giải trí tổn hại nhiều, lợi ích ít, vĩnh viễn tránh không lo tính đến chuyện này sẽ hợp lẽ nhất. Hôm trước, từ An Huy gởi tới tờ báo Giáo Dục số ra mỗi quý (ba tháng) cũng có bàn đến chuyện này. Khéo sao, nay ông lại gởi thư này! Người nước ta chỉ biết học theo cách thức của ngoại quốc, chẳng tính đến lợi – hại, nên chỉ thường bị thua thiệt. Há có nên thuận theo ý mình để lập ra pháp tắc ư? Ắt phải chuẩn theo [khuôn mẫu của] thánh nhân đời trước cũng như tình cảm con người, sao cho đôi bề đều chẳng trái nghịch thì mới không vướng thói tệ.

Gần đây, những kẻ làm đại sự trong bao nhiêu năm đều chuyên lập dị, coi học theo người ngoài là đúng, coi Nghiêu, Thuấn, Châu, Khổng đều chẳng đáng để noi theo! Hễ chưa đắc chí bèn thành gã dân cuồng vọng, ương ngạnh khó giáo hóa. Kẻ đã đắc chí bèn thành phường rối nước hại dân. Vì thế, thiên tai, nhân họa liên tục dấy lên, vận nước nguy ngập, dân không lẽ sống!

Điều quý nhất nơi người học Phật là phải đối trị tập khí, sửa lỗi, hướng lành. Nếu không có chuyện gì bận bịu thì dốc hết sức học Phật; nếu có chuyện gì bèn gác bỏ học Phật thì sẽ trở thành kẻ mang cái danh xuông, chẳng có mảy may ích lợi thật sự nào! Trong tháng Tư, Đại Minh gởi thư đến cho biết ông ta muốn đưa mẹ xuống chơi miền Nam trong mùa Hạ, Quang tận lực ngăn cản. Ông ta nói đầu mùa Thu sẽ đến Thượng Hải, rốt cuộc chưa từng đến.

Trong kinh sử Nho gia, nhân quả báo ứng cực nhiều. Tiếc rằng các Nho sĩ chẳng bận tâm đến sanh tử; vì thế “có thấy cũng giống như không thấy!” Ngụy Mai Tôn tỵ nạn tại Thượng Hải, nghĩ đến cuộc sống người dân khốn khổ là vì các tướng lãnh, quan lại [cai trị hà khắc gây nên]. Do vậy, sao lục trong sử sách được ba mươi sáu câu chuyện dẫn dắt đến điều tốt lành, và quả báo không ham giết chóc hay ham giết chóc của các tướng lãnh, quan lại. Ông ta muốn cấp tốc ấn hành những chuyện ấy nên thưa với Quang.

Quang nói:

– Mối họa hiện thời đã thành, không có thuốc chữa! Muốn tiêu trừ mối họa cho tương lai thì hãy nên biên tập rộng rãi những chuyện nhân quả báo ứng từ hai mươi hai bộ sử để truyền bá khắp cả nước thì sẽ có lợi ích lớn lao.

Do vậy, tôi đem bộ Nhị Thập Nhị Sử Cảm Ứng Lục [của Bành Lan Đài] gởi cho ông ta. Ông ta bèn nghe lời Quang nói, tận lực sưu tập. Quang bảo ông ta cậy nhiều người giúp sức sao chép, lấy tối thiểu một năm làm hạn. Khi nào cuốn sách ấy soạn xong sẽ in mấy vạn bộ để làm nền tảng gầy dựng thái bình cho vị lai. Đã bảo gởi trước Văn Sao cho ông và Vương Tôn Liên, mỗi người mấy chục gói. Hãy nên tùy duyên mà biếu tặng để làm pháp thí cho Đại Minh.

Câu chữ trong Vãng Sanh Chú là do ông Vương Long Thư dựa theo bản chép trong Đại Tạng để chấm câu. Tiền nhân cho rằng chú văn ghi trong Đại Tạng rời rạc (ý nói: Cách chấm câu thiếu mạch lạc, không hợp lý), chẳng thể dựa theo cách chấm câu ấy được, cứ chiếu theo bản đang được lưu thông là đúng.

Chớ nên dùng chữ “A Di Đà Phật” ở cuối thư. Ba năm trước, Phạm Cổ Nông dùng [chữ A Di Đà Phật viết theo lối] triện văn của sư Hoằng Nhất để in theo lối Câu Ấn[6]. Quang biết được, cực lực quở trách ông ta khinh nhờn, do vậy Cổ Nông mới ngừng in. Hãy nên in những ngôn từ có tác dụng cảnh tỉnh, răn nhắc người đời [mạnh mẽ] nhất thì sẽ hữu ích, không phạm lỗi. Nếu in danh hiệu Phật rồi viết bừa bãi trên đó, xét về lý sẽ chẳng thích đáng!

Năm Dân Quốc thứ sáu (1917), Ưng Đức Hoằng gởi thư cho Quang, trên tờ thư phỏng theo kiểu chữ viết thiếp đời Tấn. Khi viết tới hai chữ Di Lặc, lại vẽ thành hình đức Di Lặc; Quang lập tức quở là sai trái. Người đời nay thích lập dị, nếu chẳng biết kiểm điểm, sẽ tràn lan, hỗn loạn, không còn khuôn phép gì nữa! Con trai Vưu Tích Âm là Hóa Nhất có tín tâm tột bậc, có hành trì, nhưng lại vẽ hình A Di Đà Phật đủ mọi kiểu cọ. Tích Âm đã dọ giá, muốn đem khắc in. [Con trai thứ của Vưu Tích Âm là] Hóa Tam đến núi gặp Quang [thưa trình], Quang cực lực quở trách lỗi ấy mới thôi. Xin hãy xét tường tận!

(thư thứ năm)

Nhận được thư đầy đủ. Dương Thúc Cát đến đây cho biết nỗi khổ của dân đất Tần (Thiểm Tây) chẳng khác gì ở trong địa ngục cho mấy! Đang trong lúc kiếp trược đời loạn này, cố nhiên hãy nên đề xướng nhân quả báo ứng và pháp môn Tịnh Độ thì mới có ích lợi thật sự. Những kẻ ham cao chuộng xa sợ rằng hễ đề xướng [như vậy] thì tiếng tăm, giá trị sẽ bị hủy hoại! Vì thế, thà mặc kệ kẻ khác chẳng hiểu, chứ quyết chẳng chịu hạ thấp môn phong của ta.

Thử hỏi: Đối với những vật bên ngoài dùng để điều hòa nuôi dưỡng thân tâm, tánh mạng, há bọn họ có thể cố chấp một lối, chẳng cầu biến – thông hay không? Mùa Hạ mặc áo mỏng, mùa Đông mặc áo cừu, khát uống, đói ăn. Trong suốt một ngày, ắt vẫn phải cầu sao cho thích nghi, nhưng trong trí bọn họ đối với chuyện hoằng pháp lại ngược ngạo chẳng tính kế sách [ổn thỏa] giống như nuôi nấng cái thân, há có đáng gọi là “thật sự muốn tạo lợi ích cho người khác” hay sao?

Văn Sao tặng cho người có tín tâm, thông văn lý là được rồi, cần gì phải kê khai một danh sách gởi tới? Há chẳng phải là vô sự lại sanh sự đó chăng? Trịnh Tử Bình có tín tâm, sao chẳng bái vị đại pháp sư hiện đang hoằng pháp làm thầy, cứ muốn tôn Quang làm thầy? Cũng là do kiến địa chưa đến nơi đến chốn!

Gần đây Quang bận bịu đa đoan, đúng là sức chẳng thể chống chọi được nổi, hãy nên bớt gởi thư từ tới thì hơn. Nếu ông ta tin tưởng thì chỉ nên y theo Văn Sao hành trì là được rồi, cần gì phải chuyên gởi thư thỉnh giáo. Há lẽ nào Quang sẽ nói thêm những điều nào khác với những ý đã được nói trong Văn Sao ư? Ông ta chịu quy y cao nhân thì may mắn không chi lớn bằng! Nếu ông ta vẫn cố chấp không chuyển ý thì xin hãy thay tôi đặt cho ông ta một cái tên là được rồi, chẳng cần phải gởi thư đến khiến cho đôi bên đều nhọc sức!

***

[1] Đây là một đoạn thơ trích từ bài Tư Tề thuộc tiểu loại Văn Vương Chi Thập trong phần Đại Nhã của kinh Thi: “Hình vu quả thê, chí vu huynh đệ, dĩ ngự vu gia bang”. Câu nói này cũng được Mạnh Tử nhắc lại trong thiên Lương Huệ Vương, sách Mạnh Tử. Theo cách giải thích của Tứ Thư Bạch Thoại giải thì: “Quả thê là đích thê (vợ cả, vợ chánh), Hình là nêu gương, Ngự là cai trị. Theo Tập Sớ thì ‘hình quả thê, chí huynh đệ, dĩ ngự gia bang chính là đạo tu thân, tề gia, trị quốc. Ý nói Văn Vương ở trong chốn riêng tư thì hết sức hòa nhã, đối với tông miếu hết thảy kính cẩn’. Do vậy, câu này phải hiểu là: Văn Vương dùng lễ pháp để nêu gương cho vợ con, đối xử nhân ái với anh em, khiến anh em nêu gương, khiến cho cả nước phải tuân phụng theo”. Do vậy, chúng tôi chỉ dịch gọn là: “Làm gương cho vợ mình, lan đến anh em, rồi truyền khắp đất nước”.

[2] Hưng Cừ (Hingu): Còn phiên âm là Huân Cừ, Hưng Cù, Hưng Cựu, Hưng Nghi, Hình Ngu, hoặc Hình Cụ, vốn chỉ mọc ở Tân Cương, Hòa Điền (Khotan), Tây Tạng, Ấn Độ, Iran, A Phú Hãn v.v… là một loại thảo mộc, có tên khoa học là Asafoetida, cao tối đa hai mét, thân củ mập, sắc trắng, mùi hôi như tỏi, nhưng củ nhỏ hơn, thường dùng làm gia vị. Khi bẻ thân loại cây này, chỗ gãy sẽ tiết ra dịch nhờn, dịch nhờn ấy có thể dùng làm thuốc với tên gọi được gọi là A Ngụy (thường bị đọc trại thành A Ngùy). Do cây Củ Nén (hoặc củ néng?) của Việt Nam cũng có hình dáng gần giống như vậy và có mùi tỏi nên chữ Hưng Cừ thường được dịch tạm là Củ Nén.

[3] Nguyên Tuy (Coriander) là một loại rau thơm, thường được biết dưới tên thông dụng là Cilantro, trông hơi giống như rau ngò (rau mùi, ngò rí) của Việt Nam, nhưng lá to hơn và không thơm bằng (có lẽ vì thế một số người gọi nó là ngò Tây). Do hạt của nó có hương vị khác biệt, thơm nồng hơn lá, nên thường được người Ấn Độ dùng làm thành phần chủ yếu cho hương liệu Garam Masala và cà ri. Người Ấn còn nướng hạt ngò Tây để nhai cho thơm miệng. Hạt ngò Tây cũng được dùng để tạo hương vị đặc biệt cho các loại bánh mì cứng làm bằng hắc mạch (Rye) của Nga.

[4] Theo Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh (quyển tám) thì năm thứ hôi nồng này, tuy là thảo mộc, nhưng ăn chín sẽ khiến lòng dâm nẩy sanh, ăn sống sẽ khiến cho người thích ăn hay nóng giận. Hơn nữa, thiên tiên mười phương không thích mùi hôi hám của năm loại này nên thường tránh xa, các loài ngạ quỷ lại đặc biệt ưa thích nên thường đến liếm môi mép của người ăn. Do quỷ thường lui tới nên phước đức của người ăn bị tiêu giảm. Đại lực quỷ vương thừa cơ hiện thân Phật dối gạt thuyết pháp, dạy người ăn Ngũ Tân phạm giới, khen ngợi dâm – nộ – si, khiến cho kẻ ấy mạng chung sẽ làm quyến thuộc của ma, vĩnh viễn đọa trong địa ngục Vô Gián. Vì thế, người cầu Bồ Đề phải đoạn dứt Ngũ Tân. Tuy Ngũ Tân bị cấm ăn, nhưng trong trường hợp bị bệnh phải ăn để trị bệnh thì đức Phật cũng đặc biệt hứa khả. Theo Kinh Yếu Tập quyển 20 dẫn các bộ luật Tăng Kỳ, Thập Tụng Luật, Ngũ Phần Luật v.v… nếu tỳ-kheo bị bệnh đành phải ăn Ngũ Tân thì trong bảy ngày phải ở riêng trong một phòng nhỏ, không được nằm trên giường đệm của Tăng, không được ở lẫn lộn với Tăng chúng, không được lên giảng đường, nhiễu tháp Phật, hoặc vào Tăng Đường, phải ngồi dưới chiều gió nếu có chuyện cần thiết phải họp mặt với Tăng chúng. Sau bảy ngày phải tắm gội súc rửa sạch sẽ, dùng hương xông áo khử mùi hôi hám rồi mới được nhập chúng.

[5] Nguyên văn “bổn chi quyến thuộc” (quyến thuộc gốc và nhánh), tức những người thân thuộc trực hệ như vợ, con, cháu nội, cháu ngoại, dâu, rể… (thì gọi là gốc), và những người có quan hệ gián tiếp như cháu gọi bằng cô, cậu, chị dâu, anh rể, dì, dượng… thì gọi là nhánh. Do vậy, chúng tôi dùng chữ chánh và phụ để diễn tả ý này.

[6] Câu Ấn, gọi đủ là Đới Câu Ấn, tức là một loại con dấu cá nhân, thường dùng để mang theo mình, mỗi khi viết lách thư từ hoặc vẽ vời, đề thơ, thường đóng dấu bên cạnh sau khi đề tên. Thoạt đầu, do ấn làm bằng đồng hoặc bằng ngọc có đuôi cong như cái móc để dễ cầm khi đóng dấu nên gọi là Câu Ấn. Do ông Phạm Cổ Nông cho in những tờ giấy có in sẵn hình Câu Ấn, trên ấn viết chữ A Di Đà Phật, tức là lấy danh hiệu A Di Đà Phật thay cho tên hiệu của chính mình, nên Tổ mới quở là “khinh nhờn”. Tương tự, Vưu Hóa Nhất vẽ hình A Di Đà Phật theo đủ mọi kiểu lập dị chứ không chú trọng diễn tả phước tướng trang nghiêm của Phật nên mới bị Tổ quở trách, ngăn cản đừng in, vì sợ kẻ khác nhìn thấy sẽ bắt chước làm theo!