Thư trả lời cư sĩ Trầm Thọ Nhân
Nhận được thư, biết ông tu trì tinh ròng, siêng năng, chú trọng khiết tịnh, cung kính, tôi vui mừng, an ủi đến tột bậc. Phàm người tu hành ắt phải lấy niệm Phật làm Chánh Hạnh, lấy trì chú, tụng kinh và làm các chuyện lợi ích làm Trợ Hạnh. Chánh – Trợ cùng hành sẽ như thuận nước căng buồm trong biển khổ sanh tử này, mau được vào biển Tát Bà Nhã[1] (Nhất Thiết Trí). Nếu chẳng sanh lòng tin phát nguyện cầu sanh Tây Phương; cứ niệm Phật, trì chú v.v… hờ hững thì đều chỉ thành phước báo cho đời sau mà thôi! Pháp môn Tịnh Độ thông trên thấu dưới: Kẻ sắp đọa A Tỳ mà niệm Phật còn được vãng sanh; bậc đã chứng Đẳng Giác vẫn phải hồi hướng vãng sanh Tây Phương để mong viên mãn Phật Quả. Đừng vì Mật Tông có nghĩa “thành Phật ngay trong thân này” mà bỏ mặc vãng sanh Tây Phương không bàn tới nữa thì mất mát lớn lao thay!
Trì chú cố nhiên nên kiền thành, khiết tịnh, niệm Phật cũng phải kiền thành, khiết tịnh, nhưng tận tâm tận lực là được rồi. Nếu nói: “Như kẻ đại phú quý lập riêng Phật đường, những kẻ khác đều không có phần tu hành”, có lý ấy hay chăng? Ông tên là Kính Thời, tên tự là Thọ Nhân[2], hãy lấy pháp môn Niệm Phật để truyền trao cho quyến thuộc, khiến họ sanh lòng tin phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Nếu có thể chí thành niệm Phật, tự nhiên nghiệp chướng tiêu trừ, thân tâm an lạc, sao lại chỉ biết nể sợ, trọn chẳng biết dùng Phật pháp để chỉ dẫn? Như vậy mà còn gọi là phát tâm Bồ Đề, tự lợi, lợi tha được ư? Quyến thuộc như thế, người ngoài cũng như thế. Phàm kẻ nào không bảo ban được thì đành thôi; kẻ nào bảo ban được, ắt phải khuyên lơn, khích lệ. Công đức ấy lớn lắm.
Hiện thời, thiên tai nhân họa liên tiếp giáng xuống, trọn không có lúc nào ngưng dứt. Ấy là do hết thảy chúng sanh đồng phận ác nghiệp chiêu cảm! Trong ác nghiệp chỉ có giết chóc là nhiều nhất, chỉ có giết chóc là thảm khốc nhất. Muốn cho thế đạo thái bình, nhân dân yên vui, ắt mọi người phải kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, ăn chay, niệm Phật thì mới là lời bàn luận giải quyết từ căn bản.
Ông đã phát tâm niệm Phật lại kiêm trì chú, theo đúng lý nên ăn chay trường. Nếu nói “phải thù tiếp bên ngoài, khó được như pháp”, thì trong lúc thù tiếp phải quyền biến theo phương tiện, nhưng trong những lúc ta có thể làm chủ được thì trọn chớ nên vẫn ăn thịt hết thảy chúng sanh y như cũ. Dẫu trong lúc thù tiếp cũng chớ nên mặc sức tham ăn thì mới nên; còn trong vòng quyến thuộc, hãy nên giảng bàn nhân quả, khuyên họ đừng ăn, thì mới gọi là người tu hành chân thật. Đừng nói: “Ta tu hành nên ăn chay, bọn họ không tu hành, ăn mặn cũng không sao!” Nên biết nỗi khổ của hết thảy những con vật bị giết và nỗi khổ phải trả báo trong tương lai. Vừa thử nghĩ đến, lông trên thân đều dựng cả lên, chẳng những không nỡ mà còn chẳng dám nữa!
Người niệm Phật ai nấy tùy phận, chuyên niệm Phật hiệu cũng được, mà kiêm thêm tụng kinh, trì chú và rộng tu vạn hạnh cũng được. Nhưng chớ nên trọn chẳng có đầu mối thứ tự, ắt phải lấy niệm Phật làm chủ, làm Chánh Hạnh, những thứ khác đều là khách, là Trợ Hạnh thì tốt lắm! Nếu không, sẽ như rải tiền trong nhà, chẳng xỏ thành chuỗi, sẽ không thọ dụng được! Cũng giống như vào biển thiếu kim chỉ nam, chẳng có gì để nương theo.
Thờ tượng Phật, Bồ Tát thì tượng vẽ hay tượng khắc đều được. Chỉ cần coi tượng ấy như đức Phật thật sự, tự nhiên sẽ được phước, được huệ. Nếu vẫn coi là giấy, gỗ v.v… ắt sẽ tổn phước, giảm thọ. Nay gởi cho ông một bộ Văn Sao vừa mới in và một bộ Quán Kinh Sớ của ngài Thiện Đạo. Ngài Thiện Đạo chính là hóa thân của Phật Di Đà, Ngài dạy chuyên tu; phần khẩn yếu nhất là phần chú giải chương Thượng Phẩm Thượng Sanh, xin hãy đọc kỹ!
***
[1] Tát Bà Nhã (Sarvajña), còn phiên là Tát Vân Nhiên, Tát Bà Nhã Đa, dịch là Nhất Thiết Trí. Hàm nghĩa: Trí biết rõ hết thảy các tướng trong ngoài của các pháp, tức trí rốt ráo của đức Phật
[2] Thọ Nhân (授人) là truyền trao cho người khác nên Tổ mới dạy: “Hãy lấy pháp môn Niệm Phật để truyền trao cho quyến thuộc”.