Thư trả lời nữ cư sĩ Trần Liên Anh

Pháp môn Niệm Phật giống như Như Ý bảo châu, có thể tùy ý con người mà mưa hết thảy báu. Chỉ cần khẩn thiết chí thành niệm Phật, sẽ tự nhiên tội nghiệp tiêu trừ, thiện căn tăng trưởng, siêu độ tiên vong (người đời trước đã khuất bóng) đều được vãng sanh Tây Phương, sao chẳng thể nói là “nương theo Phật từ lực để vãng sanh Tây Phương”?

Con lại hỏi nên tu như thế nào sẽ có thể làm cho cha mẹ được vãng sanh Tây Phương? Con hỏi như vậy chính là không hiểu lý quá sức! Người niệm Phật mỗi ngày sáng tối vẫn cần phải đem công đức tu trì của chính mình hồi hướng cho Tứ Ân Tam Hữu[1] và hết thảy chúng sanh trong pháp giới, huống hồ chẳng thể làm cho phụ mẫu vãng sanh Tây Phương ư? Chỉ cần cung kính, chí thành đến cùng cực, lại còn phải phát tâm độ khắp hết thảy chúng sanh. Phàm với hết thảy những kẻ hữu duyên đều đem pháp này khuyên nhủ, đem công đức tu trì của chính mình, công đức hồi hướng cho hết thảy chúng sanh và công đức khuyên người khác để hồi hướng cho cha mẹ, chắc chắn sẽ có thể làm cho cha mẹ được vãng sanh. Nhưng cần phải chân thật, tận lực thực hiện thì mới được. Nếu hời hợt, ơ hờ, tuy chẳng phải là không có lợi ích, nhưng sợ rằng chưa chắc sẽ được vãng sanh.

Niệm Phật phải có lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, phải cung kính, chí thành, phải lắng tai nghe kỹ, phải phát tâm phổ độ chúng sanh. Phải kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, ăn chay, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, luôn thường tự phản tỉnh. Hễ có tâm bất thiện dấy lên bèn lập tức tiêu diệt. Phàm có thiện tâm đều nên khiến cho nó được mở rộng ra. Dẫu sức chẳng làm được, tâm ấy quyết chẳng thể không sanh! Nói chung, lúc thường ngày phải giữ tấm lòng tốt, nói lời tốt lành, làm việc tốt lành để làm pháp trị thân trị tâm. Niệm Phật như thế sẽ đáng là đệ tử thật sự của đức Phật, chắc chắn có thể ở trong thế giới này phổ độ những người cùng hàng thoát lìa sanh tử. Vì sao vậy? Do có thể thật hành, người ta sẽ dễ bị cảm hóa. Nếu không, sẽ là kẻ giả thiện, tâm hạnh giả dối, sẽ chẳng thể được lợi ích thật sự.

Hết thảy chúng sanh do dâm dục mà sanh. Con phát tâm giữ lòng Trinh tu hành, phải nỗ lực. Nếu có những thứ tình niệm ấy khởi lên, hãy nghĩ đến núi đao, rừng kiếm, vạc dầu, lò than, đủ mọi nỗi khổ trong địa ngục, tự nhiên bao nhiêu ý niệm đã dấy lên sẽ lập tức bị tiêu diệt. Thường thấy bao nhiêu thiện nữ thoạt đầu phát tâm giữ lòng trong trắng chẳng xuất giá, sau đấy do tình niệm phát khởi, chẳng thể kìm mình được, liền cùng kẻ khác làm chuyện cẩu thả. Nhưng hễ đã không gìn giữ một lần, sẽ như nước xoáy thủng đê, từ đấy chảy tràn lan, vĩnh viễn chẳng thể quay về chánh đạo được, thật đáng đau tiếc! Hãy nên tự châm chước, có thể giữ được thì giữ chắc đến tột cùng. Nếu không, xuất giá theo chồng chính là cương thường do thiên địa thánh nhân và con người đã lập ra, cố nhiên chẳng phải là không nên.

Giữ lòng Trinh mà giữ được tốt đẹp thì tốt hơn đi lấy chồng, nào phải chỉ tốt đẹp hơn trăm ngàn vạn lần! Không giữ được lòng Trinh vẹn toàn thì lại còn thua lấy chồng cả trăm ngàn vạn lần, bởi lẽ nam nữ lập gia đình chính là giềng mối của con người trong trời đất, nam nữ chung chạ bừa bãi chính là hành vi của súc sanh! Súc sanh chẳng biết lý, chẳng biết luân thường. Con người biết lý, biết luân thường, mà vẫn muốn làm chuyện chung chạ bừa bãi, quả thật chẳng bằng súc sanh! Cậu của con đã thờ ta làm thầy, nói con có thiện căn muốn giữ lòng Trinh, ta không phá cái tâm giữ lòng Trinh của con, chỉ sợ con có đầu không đuôi, đâm ra mắc tội với trời đất, cha mẹ, Phật, Bồ Tát. Vì thế, ta khôn ngăn dài dòng một phen.

Lại nữa, sao con không phát tâm ăn chay? Con thử nghĩ xem: Thịt trên thân con mà cắt ăn thì có ăn được hay chăng? Thịt của chính mình chẳng thể ăn được, sao hằng ngày lại giết [loài vật] để ăn? Hết thảy sanh linh chẳng phải do con giết, nhưng con dùng tiền để sai người khác giết; sát nghiệp vẫn giống hệt! Huống chi con muốn sanh về Tây Phương, đức Phật lấy từ bi làm gốc. Con đã ăn thịt tức là không có tâm từ bi! Vì con là người chân thật tu hành nên ta mới nói lời này. Nếu là kẻ hờ hững, hời hợt, tuy chẳng ăn chay vẫn có thể niệm Phật, chứ không phải là kẻ ăn mặn chẳng được niệm Phật. Chẳng thể không biết [điều này]. Những điều khác không cần giảng giải, con chỉ đọc kỹ Văn Sao thì mọi mối nghi đều tháo gỡ.

Quang bận việc đến cùng cực, chớ nên thường gởi thư đến. Dẫu có nói gì đi nữa, cũng chẳng ngoài những ý đã nói trong Văn Sao. Phật pháp quảng đại, dẫu Đăng Địa Bồ Tát[2] cũng chẳng thể biết hết được! Nhưng muốn được lợi ích thật sự thì chỉ có một câu “Nam-mô A Di Đà Phật” này là có thể thoát khỏi sanh tử, chứng Niết Bàn, viên thành Phật đạo. Chúng ta là phàm phu hạ căn, chẳng làm theo pháp môn cực đơn giản thì chỉ có thể trở thành gieo thiện căn mà thôi; muốn liễu sanh tử ngay trong đời này, có mộng cũng mơ chẳng được! Con có thể y theo lời ta nói thì đáng gọi là Liên Anh. Nếu không, tuy mang tên Liên Anh, chỉ sợ thành rừng tội mà thôi! (Ngày Mười Bảy tháng Tư)

***

[1] Tứ Ân gọi đủ là Tứ Trọng Ân, có hai cách hiểu:

1) Theo Chánh Pháp Niệm Xứ Kinh, quyển 11, Tứ Ân là “ân cha, ân mẹ, ân Như Lai, ân thầy thuyết pháp”.

2) Cách hiểu phổ biến hơn (được nhắc tới trong Giáo Thừa Pháp Số quyển 13, Thích Tịnh Độ Quần Nghi Luận, Tứ Ân Hiếu Thuận Sao và các kinh luận khác) thì Tứ Ân là “ân cha mẹ, ân chúng sanh, ân quốc vương (tức ân đất nước) và ân Tam Bảo”.

Tam Hữu là tên gọi khác của Tam Giới, tức Dục Hữu, Sắc Hữu và Vô Sắc Hữu. Do có phiền não, vọng tưởng, sanh tử v.v.. nên gọi là Hữu.

[2] Hàng Bồ Tát từ Sơ Địa trở lên.