Thư trả lời cư sĩ Hồ Phụng Trần

(năm Dân Quốc 20 – 1931. Ông này còn có tên là Sư Viễn)

Người học Phật nên thấy xa trông rộng. Nếu chỉ biết chuyện thuộc phạm vi ba thước trước mắt thì không khỏi đường cùng nẻo tận. Nước ta suốt hai mươi năm tàn sát lẫn nhau, rốt cuộc ai là giặc, ai chẳng phải là giặc? Giết người ta, há người ta mặc kệ cho ông giết ư? Hy sinh tánh mạng dân, quân đôi bên hòng giành cái danh xuông “vì nước, vì dân”! Người khác đều như thế, ta cũng như vậy, còn quý báu gì mà học Phật nữa cơ chứ? Nước ta tàn sát lẫn nhau, vẫn còn là [nhìn từ] mặt ngoài, chứ thật ra là tự chặt chân tay và đầu sọ của chính mình mà còn hiềm rằng chưa giúp cho được lẹ làng hơn nữa kia! Danh thì vang rền, kinh tai cõi tục, nhưng bản chất thì đau buốt tan nát lòng trời! Chớ nên hùa vào giúp cho chuyện náo nhiệt này!

Còn như nói “thổ phỉ nhiều như lông, nếu chẳng trang bị [vũ khí], chẳng thể sống yên được” thì có thể bảo người trong vùng hợp thành một đoàn tự vệ. Phàm những người tuổi trẻ mạnh dạn, đều dạy cho họ biết đây là chuyện nhằm phô trương oai thế để thổ phỉ nghe tiếng không dám đến. Nếu hăng máu giết thổ phỉ ắt sẽ kết thành mối thù sâu; sau này chúng nó ắt sẽ tàn sát thôn chúng ta, đào tung phần mộ tổ tiên mỗi nhà trong làng ta. Bất luận già -trẻ – trai – gái đều thường niệm Quan Thế Âm Bồ Tát để mong được ngầm che chở. Nếu mọi người biết tốt – xấu, chịu tuân theo biện pháp này thì đề phòng giặc cướp chính là tu đạo, công đức lợi ích há thể nghĩ bàn? Nếu mọi người đều dùng tâm sân, thủ đoạn độc ác hòng mong vui sướng một chốc thì dẫu muốn khóc cũng chẳng thể ứa lệ được! Quang có ý kiến như thế, chẳng biết cư sĩ nghĩ như thế nào? Sau này đừng gởi thư bàn bạc chuyện này, bởi người ngoài cuộc làm sao có thể bày kế hoạch cho người khác ý [với ta] cho được?

“Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (bất hiếu có ba điều, không có con nối dõi là [điều bất hiếu] lớn). Đây chính là nói về kẻ chẳng trọn hết phận sự con người vậy. Nếu đã lấy vợ, nhưng không sanh nở được, cố nhiên chẳng phải là “không trọn hết phận sự con người”. Một vị cư sĩ ở quê tôi không con, cầu khấn nhiều cách đều chẳng thỏa nguyện, bèn cưới một người thiếp, nhưng thê thiếp bất hòa, nẩy sanh xích mích, vẫn không có con. Một người bạn bày kế, tính sang làng xa cưới một người thiếp nữa, chẳng rước về nhà, mỗi năm người ấy qua lại một đôi lượt để mong sanh con. Đem chuyện ấy thưa với Quang, Quang nghe xong khôn ngăn than thở cảm khái. Gần đây lòng người bại hoại đến cùng cực, trai gái tự do luyến ái gần như trở thành công khai. Một cô gái tuổi nhỏ, ở một mình ngoài mấy trăm dặm, cô gái ấy chẳng sanh chuyện bên ngoài thì chính là bậc đại hiền, sợ rằng trong trăm ngàn người, cũng khó được mấy kẻ! Huống chi cô gái ấy tự sống thành một nhà, lại cần phải thuê đầy tớ, phí tổn cũng khá. Nếu may mắn sanh được con thì kẻ ưa gièm pha ắt sẽ có kẻ nói xấu miệt thị là làm chuyện ám muội. Nếu chẳng may vẫn không sanh được con thì cô gái ấy suốt đời cô đơn quạnh quẽ, người chồng phải chu cấp suốt đời, đúng là tự gieo mình vào lao ngục, làm nô lệ cho cô gái ấy, chẳng đáng buồn ư? Kế hoạch ấy nói chung là vì cái danh mà bày ra, vì cho rằng không con là thiếu đức, có con thì người ta chẳng nói mình thiếu đức. Cái danh gây lụy cho con người đến nỗi như thế đấy!

Ta chỉ trọn hết phận ta, hết thảy [những chuyện khác] không tính đến thì mới là “biết vui theo mạng trời”. Số mạng vốn không có con thì phải tích đức mà cầu, cầu không được thì có gì tiếc nuối đâu? Nay [những kẻ] đả đảo giềng mối “cha – con, vợ – chồng” để tự do luyến ái, nam nữ lõa lồ ôm nhau khiêu vũ, chẳng phải là những đứa con do cha mẹ sanh ra hay sao? Không có những đứa con như thế thì tốt hơn! Anh em Quang ba người, Quang bé nhất, hai anh đều không con, dòng họ tuyệt tự. Quang nghe xong, khôn ngăn mừng rỡ, an ủi, bởi sau này chẳng còn có con cháu tạo ác nghiệp làm nhục tổ tiên nữa! Chuyện như vậy, đâu phải chỉ riêng quê tôi mới có, có lẽ có người mang cảm giác đồng tình với quê tôi, cũng có thể giải bớt nỗi lo buồn vậy! Huống chi, người tu hành chẳng mong huyết mạch được tiếp tục. Bàng cư sĩ con trai chẳng lấy vợ, con gái chẳng gả chồng. Ông Bành Nhị Lâm suốt đời hoằng pháp tu Tịnh nghiệp, vợ sanh được hai con gái, không có con trai cũng chẳng cưới thiếp, cũng chẳng nuôi cháu nối dòng, do ông chí tại vãng sanh Tây Phương, chẳng muốn tiếp tục dâm dục hòng sanh con đẻ cháu. Chúng ta dù chẳng dám vói cao [muốn được như] Bàng cư sĩ, nhưng gương thơm của Bành Nhị Lâm chúng ta nên tự giữ. Cần gì phải lập ra kế hoạch cực nguy hiểm ấy để mong đạt cho được vậy?

Nếu nói: “Ông nói như vậy, quá bất cận nhân tình, nỡ để phần mộ tổ tiên không người lễ bái, quét dọn, cúng tế ư?” thì thưa: “Do lấy thiếp mà bị người gièm pha là làm chuyện ám muội, sao bằng đến viện mồ côi, ẵm lấy một đứa bé mũm mĩm, trông có phước phận về làm con thì tốt đẹp đôi bề, không ai nuôi nó, ta nuôi làm con, tức là cứu mạng nó, nó cũng có thể thay thờ phụng tổ tiên, mà cũng làm cho tổ tiên của nó chẳng đến nỗi đau lòng vì con cháu bị vùi lấp nơi khe rãnh vậy. Nghĩa cử ấy người ta cho là nuôi tò vò, nhưng nuôi tò vò có thẹn gì cơ chứ?