Thư trả lời cư sĩ Tập Hoài Tân

(năm Dân Quốc 20 – 1931)

Ông đã biết lợi ích của việc niệm Phật thì từ rày hãy nên gắng công hơn để tự được nhất tâm. Nhưng một pháp niệm Phật chú trọng vào ba pháp Tín – Nguyện – Hạnh, chỉ biết niệm nhưng không sanh lòng tin và phát nguyện, dù có đắc nhất tâm cũng chưa chắc được vãng sanh. Nếu đầy đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, dẫu chưa đạt nhất tâm bất loạn, vẫn có thể cậy vào Phật từ lực để vãng sanh. Những người tu hành ngoài rìa phần nhiều cầu giác ngộ, cầu được các thứ cảnh giới, chẳng lấy chuyện quyết định cầu sanh làm chánh yếu, đấy gọi là “bỏ gốc chạy theo ngọn” vậy! Vì sao? Vì ngộ đến cùng cực, nhưng nếu chưa đoạn hết sạch Phiền Hoặc, vẫn là kẻ luân hồi trong lục đạo. Nếu được vãng sanh, so với chuyện ngộ đến mức cùng cực nhưng chưa đoạn Phiền Hoặc, lẽ cao – thấp khác biệt dường như trời với vực! Ông muốn sớm biết cái nhân mầu nhiệm thì cũng là cái tâm tốt lành, nhưng cũng là do chẳng hiểu sâu xa pháp môn Tịnh Độ, nên nói chuyện tu hành ngoài rìa. Ông hãy chết lòng trọn ý niệm đi, sẽ tự được lợi ích chân thật. Nhưng chính mình đã may mắn nghe được pháp này, nỡ nào chẳng làm cho cha mẹ, anh em trai, chị em gái, vợ con, bè bạn, và hết thảy mọi người đều cùng nghe, cùng tu, cùng được vãng sanh ư?

Cư sĩ Giáp Tam, xưa có huệ căn, vừa nghe ông nói đến Tịnh Độ và đọc Văn Sao, An Sĩ Toàn Thư, liền có thể tin nhận phụng hành, nhưng vẫn lấy chuyện chưa gặp được Quang làm điều tiếc nuối. Đấy vẫn là hiện tượng tin đạo nhưng chưa chuyên dốc vậy. Pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn vừa cực khó vừa cực dễ. Nói là khó thì [là do vì] bậc đại triệt đại ngộ thâm nhập kinh tạng còn chẳng tin được. Nói là dễ [là do vì] ngu phu, ngu phụ chí thành khẩn thiết niệm, liền có thể lúc lâm chung hiện tướng lành, vãng sanh Tây Phương. Những vị đại triệt đại ngộ, thông hiểu sâu xa kinh luận kia còn chẳng mong ngang vai bằng lứa với họ! Ấy là vì một đằng bỏ Phật lực, chuyên cậy vào tự lực; một đằng chuyên cậy vào Phật từ lực, lấy Phật lực dẫn phát tự lực. Do Phật lực, pháp lực, sức sẵn có trong tự tâm, ba pháp khế hợp, nên được siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử.

Pháp này quan trọng nhất là Tín – Nguyện. Có Tín – Nguyện sẽ chắc chắn chịu tích cực tu trì. Chịu tu trì liền được lợi ích vãng sanh. Chẳng giống như Thiền Tông, Mật Tông phải thường có thiện tri thức chỉ dạy. Nếu không, sợ rằng sẽ đi vào đường ma, ngay cả đức Phật cũng khó cứu! Nhưng hành theo lời Quang đã nói, chắc chắn chẳng bị nguy hiểm và chẳng lo không được lợi ích thật sự. Nếu [cư sĩ Giáp Tam] tuổi trẻ, nhà giàu, thời cuộc thái bình thì xuôi Nam cũng được. Đã vừa già vừa nghèo, lại nhằm lúc loạn lạc, cứ đi thì đâm ra có chướng ngại lớn cho sự tu trì, đấy chính là dấu vết thật sự của chuyện “chẳng hành xử thuận theo địa vị” vậy!