Thư trả lời cư sĩ Giang Hữu Bằng

Bài Đại Học Tán (ca ngợi sách Đại Học) rất hay, nhưng Quang có mắt như mù, sư Đức Sâm suốt hai ba năm lo việc tài sản nhà chùa ở Giang Tây[1], mệt nhọc đã thành bệnh, chẳng dám dụng tâm. Người trong Hoằng Hóa Xã không có công phu học thức ấy, chẳng thể đứng in giùm những trước tác của cha ông được! Khi đã gom thành sách, hãy tự đứng ra in. Nay đem bài tán này và những bản thảo trước đây gởi lại để khỏi bị thất lạc. Hữu Trinh giữ lòng trinh, nhưng vẫn còn chú ý đến thuốc men, đáng gọi là kẻ si! Những hành động sợ hãi, băn khoăn cho sự đói lạnh ấy đều là do vọng tâm “đang hưởng phước mà không biết là có phước” gây nên. Nếu chịu nghĩ: Giả sử ta sanh vào nhà nghèo túng, suốt ngày quanh năm bận bịu cơm áo mà vẫn khó được thỏa nguyện thì chẳng muốn làm người nữa hay chăng?

Cổ nhân nói:

Tha kỵ tuấn mã, ngã kỵ lư.

Tồn tế tư lượng ngã bất như.

Hồi đầu hựu kiến thôi xa hán.

Tỷ thượng bất túc, hạ hữu dư

(Tạm dịch:

Người cưỡi ngựa, ta cưỡi lừa,

Xét soi cho kỹ, ta thua xa người

Ngoảnh đầu thấy gã đẩy xe,

Nhìn lên thua kém, dưới ai bằng mình?)

Đây lời đề thơ cho bức tranh Hành Lạc. Trong bức tranh ấy, phía trước là một người cưỡi ngựa, ở giữa là một người cưỡi lừa, phía sau là một người đẩy xe. Nếu Hữu Trinh hiểu được ý này, nhất tâm cầu sanh Tây Phương, sẽ lành bệnh si, chánh trí mở mang thì mới đáng gọi là Huệ Trinh. Nếu không, sẽ thành Si Trinh! Trinh đã kèm theo si thì sanh về Tây Phương cũng chẳng dễ dàng đâu! Chịu uống phương thuốc này thì may mắn lắm!

Về giấc mộng của ông thì chính là do tâm ông biến hiện, không dính dáng chi đến Quang! Quang là một ông Tăng tầm thường chỉ biết cơm cháo, làm sao hiện trong giấc mộng của người khác cho được? Nghi vấn của Du Hữu Phương và những gì nói trong mộng phù hợp với những gì đã được viết trong thư Quang, đấy là Bồ Tát chỉ dạy ông ta hòng sanh chánh kiến. Kinh dạy: “Nên hiện thân nào để độ được, liền hiện thân ấy để thuyết pháp”, núi, sông, cây, cỏ, cầu, bến, đường, nẻo, người, ngựa, binh, tướng, không gì chẳng tùy cơ mà hiện! Nếu nói đấy chẳng phải là Bồ Tát hiện mà chắc là do Quang hiện thì núi, sông, cây, cỏ, cầu, bến, đường, nẻo, người, ngựa, binh, tướng cũng có thể hiện mộng cho người, có lý ấy hay chăng? Ông đừng có si dại tưởng là Quang. Nếu si dại cho là Quang sẽ thành ra “đem phàm lạm thánh”, thì ông lẫn Quang đều mắc tội chẳng cạn đâu, nhớ kỹ nhé!

Căn bệnh lắc đầu của cha ông chính là dấu vết cho thấy chẳng thể lành bệnh, nhưng do niệm Phật sẽ có thể được lành bệnh. Ông muốn cụ được hết bệnh hoàn toàn thì cũng có cách. Ông cùng Huệ Trinh và vợ ông ba người chí thành niệm Quán Âm cầu gia bị. Nếu thật sự chí thành, chắc chắn cụ có thể lành bệnh vì cha con có sẵn mối liên quan bẩm sanh. Năm Dân Quốc thứ 10 (1921), ông Hoàng Hàm Chi và vợ ăn chay trường, bà mẹ tám mươi mốt tuổi, khuyên cụ ăn chay, cụ không mở miệng. Dọn thức ăn chay, cụ không nuốt thức ăn, chỉ ăn cơm trắng. Quang dạy họ sám hối thay cho mẹ, chưa đầy một tháng, cụ liền ăn chay trường. Do mối liên quan bẩm sanh, hễ chí thành ắt sẽ cảm động được Phật, Bồ Tát!

***

[1] Do chánh quyền huyện Cám Châu (tỉnh Giang Tây) toan biến chùa Thọ Lượng thành khu chợ búa, rồi họ mượn tiếng xây dựng đường xá, toan phá ngôi chùa này thành bình địa, nhân sĩ địa phương cậy thầy Đức Sâm lập cách cứu vãn, do thầy Đức Sâm đã từng trụ ở chùa Thọ Lượng một thời gian. Xin coi chi tiết nơi bài Sớ Thuật Duyên Khởi Trùng Hưng Chùa Thọ Lượng trong phần Tạp Trước và bài “So sánh sự tổn hại và lợi ích giữa được và không được trợ niệm” của thầy Đức Sâm trong phần Phụ Lục, sách Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ.