THẾ NÀO LÀ PHẬT TỬ?
THƠ GỞI CHO HIỂN TÂM
Sa môn Thích Hải Quang
Thơ gởi Ưu bà tắc Hiển Tâm, Fall Church, Virginia: (Phụ một đoạn nguyên thơ…)
… Sau nữa tỏ bày vài nổi khổ trong tâm, xin thầy xót thương chỉ dẫn cho con được rõ ràng tâm trí …
Con có vài người bạn quen, họ đều có học (giỏi hơn con), nhưng tâm họ đầy ngã mạn, tuy nói là Phật tử, nhưng không có chút lòng tin nào nơi Phật pháp cả, mỗi khi thấy con niệm Phật, lễ lạy sám hối… thì họ lại cười, chê là mê tín, làm chuyện không đâu …
Có lúc con đến chùa lạy Phật thì họ ngạo nghễ, đã vậy mà còn nhỏ to cùng với gia đình, riết rồi ba má con nghe theo, rầy bảo con là ở nhà có thờ Phật, tâm đã có Phật rồi, còn đi đến chùa làm chi cho mất thời giờ, tốn kém tiền bạc …
… Con buồn lắm vì từ lâu chí con muốn gởi ở đường tu cũng như thầy đã biết từ lúc mới gặp… nhưng sao con rủi quá, cứ bị trở ngại, ngăn cản hoài. Cũng có đôi ba lần con muốn dứt bỏ hết tất cả, để ba má cùng vợ và con của con ở nhà, tìm đến nơi thầy hoặc một chỗ xa xôi nào đó, xuống tóc xuất gia mà vẫn không sao thực hiện được niềm mong ước ấy…
Nam mô A Di Ðà Phật.
Lời thư đã khiến cho lòng tôi bâng khuâng, cảm động, bởi sống trong những nghịch cảnh như thế mà đạo hữu vẫn còn vững được nguyện tâm. Thật là đáng quý.
Ðã hơn 2500 năm, kể từ khi đức Thế Tôn nhập Niết bàn cho đến nay, pháp vận của đạo ta hiện đang ở vào trong thời kỳ mạt pháp. Ðại đa số nhơn tâm bây giờ không còn được thuần thiện như xưa. Kẻ tâm ác và lòng dạ hiểm độc, lẫy lừng, thời số nhiều như cát biển, trái lại người hiền đức, hiểu đạo, hành đạo, một lòng cầu chơn giải thoát… thì lại chẳng có được mấy ai !
Cũng bởi do nơi ác tâm của chúng sanh quá thạnh, nên khiến cho sanh ra các thứ tai trời, ách nước cùng binh đao khói lửa, vv… nổi lên khắp nơi, liên miên không dứt. Bậc thánh nhơn cùng những người thiện tâm nhìn thấy, không sao tránh khỏi được bùi ngùi, thương cảm, mà buông tiếng than dài!
Tuy nhiên, đối với một người đã lập chí tu hành như đạo hữu rồi, cũng không nên vì thấy thế mà thối thất đạo tâm. Mặc cho ai khen chê, chưởi bới, trêu ghẹo, gièm pha, vv… con đường chơn chánh mà mình đã vạch ra rồi, cứ bình tâm tiến bước. Chớ còn cứ mãi buột tâm vào nơi các lời thị phi ấm, lạnh, thì tâm trí đâu còn được thanh tịnh mà tinh tấn tu hành !
Trong mọi hoàn cảnh xảy đến cho mình, nên cố gắng an nhẫn, giữ vững tâm nguyện mà bền lòng nơi bước đường tu, như thế thì lo chi không có ngày trở thành được bậc thượng nhơn trong chúng.
Còn các người “bạn” mà đạo hữu đã nói đó, họ không phải thiệt là bạn tốt (thiện hữu) của đạo hữu đâu. Phải nên sớm lo liệu và tránh cho xa họ.
Người Phật tử tu học Phật pháp, rất cần phải nên biết rõ rằng:
Thế nào là Phật tử ?
Xin đáp một cách vắn tắt rằng:
Phật tử là con của Phật vậy.
Nếu đã gọi là con của Phật, tất phải làm sao cho cái di sản của đức Thích tôn tức là cái đạo Phật của mình mỗi ngày càng thêm rực rỡ hơn lên, mà nay họ lại có những lời nói cùng các hành động trái nghịch như thế, hỏi có xứng đáng với danh xưng là người con Phật hay không ? Hỏi tức là đã trả lời rồi vậy.
Còn đối với một người đã lập tâm tu như đạo hữu, thì nên cố gắng thực hành theo lời Phật dạy, dùng hai chữ nhu hòa và nhẫn nhục, để giữ vững thân tâm. Người dù có khen tặng, ta cũng không mừng, chê mắng ta cũng chẳng giận, bởi cái thiệt tướng của các việc khen chê đó vốn vô thường, nay vầy, mai khác, chỉ là giả dối và tạm bợ trên đầu môi, chót lưỡi mà thôi, đâu đáng để cho người con của Phật phải bận lòng lo nghĩ !
Còn các việc học hành hay dở của thế gian thì chỉ có tánh cách tạm thời, ấy là nhờ vào nơi đó để giúp đỡ phần nào cho sinh kế thường nhật của mình khi thân xác nầy còn tạm lưu trong vòng nhân thế, chớ nó nào có mang đến ích lợi chi cho sự giải thoát khỏi vòng sanh tử, luân hồi của mình trong những kiếp về sau đâu.
Người trí huệ phải có sự chủ tể về mình, chớ nên vì các lời thị phi, thương ghét, mà xao xuyến trong tâm, rồi từ đó dần dần nhạt phai, lơ là, đưa đến việc phế bỏ đường tu niệm thì không hay. Trái lại, hơn bao giờ hết, phải nhìn thấu rõ rằng ÐỜI người quả thật là những chuỗi ngày nối tiếp dẫy đầy những sự sầu khổ, đớn đau, đắng cay, phiền lụy … chẳng có chi đáng cho ta lưu luyến cả.
Do thế mà sự lập tâm tu hành, chí cầu thoát khổ nơi kiếp nhân sinh mỗi ngày lại càng được thêm bền chắc.
Sự lập tâm ấy phải căn cứ trên phương diện nào?
Dựa vào nơi cái “nhân chi sơ tánh bổn thiện” (con người khi mới sanh ra đã có sẵn cái “tánh thiện” rồi) của mình.Kế đến là phải :
Thường xuyên gần gũi các bậc hiền nhơn, quân tử (gọi là minh sư, thiện hữu).
Và :
Quyết lòng, lập tâm tu sửa.
– Ðức Khổng Tử là một bậc thánh hiền, ấy vậy mà đến năm 70 tuổi, ngài vẫn còn than tiếc rằng :
Phải chi ta được sống lâu thêm nữa để đọc tinh tường bộ “KINH DỊCH”, cho khỏi các điều lầm lỗi lớn.
Hỡi ôi ! Các sự tu sửa và học hỏi của bậc thánh hiền như thế, thật đã đến chỗ cao vời và chí tâm, thành ý vậy.
Ðại loại thì phần học thức của người đời nay thảy đều như thế, chớ tuyệt nhiên không có ai nghĩ gì đến chỗ tâm thông, ý triệt cao xa hết cả. Cũng vì như thế, cho nên trọn ngày, tháng, năm, … cứ cầm cuốn sách trên tay đọc mãi, giống như kẻ si, cuồng, mà vẫn không sao tìm ra được chỗ ý chỉ của thánh nhơn !
Lại có lắm kẻ, miệng thì luôn nói lên các điều sở học (thâu góp được từ nơi các bậc thánh hiền), mà ngôn ngữ, hành vi của họ lại trái với những điều học ấy rất xa. Hoặc như nói cao thì thật là cao, nhưng “sở hành” (2) thì lại thấp sâu xuống tận cùng lòng đất… đến nổi trên phụ lời thánh huấn, dưới trái ý tổ sư, ôm chặt cái chấp “nhơn ngã”… rốt lại rồi tự mình phụ lấy mình, để buồn lòng thầy, tổ, đôi khi còn làm trò cười, bia miệng cho những khách bàng quang !
Thế nào gọi là “Chấp Nhơn Ngã” ?
Nhơn là Người.
Ngã là Ta.
Chấp nhơn, ngã tức là chấp người dở, ta hay, người ngu, ta trí. Người vốn dòng hèn hạ, ta thuộc hạng cao sang. Người sanh nơi bần cùng, ta ở chỗ trâm anh, thế phiệt. Người đáng khinh rẻ, ta đáng kính trọng. Người đầy tội lỗi, ta kẻ thanh cao, vv…
Từ nơi các sự chấp đó nên sanh khởi ra tâm cống cao, ngã mạn, rồi ngày tháng dần qua, thân, khẩu, ý càng gây thêm nhiều điều lầm lỗi khác. Ðâu biết rằng mình đã bắt đầu sa chân và bước dần vào trong hố sâu địa ngục, bóng tối vô minh, đưa đến việc trầm luân trong sáu nẻo (3)…
Cho nên Phật dạy sám hối để làm chi ?
Chính là vì để cầu cho giảm bớt đi các điều nghiệp chướng, lỗi lầm, chuyển nhơn quả xấu ác thành ra tốt đẹp vậy. Nhưng điều quan yếu nhất cần phải nhớ trong khi sám hối là :
Một chữ “hối” ấy, phải từ nơi đáy lòng mà phát lộ (4) thề quyết ăn năn, hối cải, bằng chẳng như vậy thì dù cho có nói sám hối thế mấy đi nữa cũng bằng thừa mà thôi.
Nên trong văn sám hối có bài kệ rằng :
Tâm nhược diệt thời tội diệt vong.
Tội vong, tâm diệt, lưỡng câu không,
Thị tắc danh vi chơn sám hối. Nghĩa là : Tội từ tâm khởi, từ tâm sám,
Tâm ác mất rồi tội cũng tiêu.
Tội tiêu, tâm ác thảy đều không,
Ðó mới thật là chơn sám hối.
Lại nữa trong kinh cũng có dạy thêm rằng :
Vì thế cho nên người tu học Phật pháp phải nên hiểu rằng việc sám hối ấy là một điều vô cùng cần thiết không thể nào thiếu được vậy.
Vả lại, đạo hữu nên biết, hiện nay đức Di Lặc Bồ tát là bậc nhất sanh bổ xứ (một đời nữa sẽ thành Phật kế tiếp Phật Thích Ca) hiện trụ tại nội viện cung trời Ðâu Suất (tầng trời thứ tư trong sáu cõi trời dục giới), là bậc đạo sư của tất cả chín giới hữu tình.(5) Ấy vậy mà một ngày phải sáu lần lễ bái, sám hối, cầu cho mau sạch hết nghiệp chướng vô minh, chứng tròn pháp thân thanh tịnh, để thành được bậc chánh đẳng giác thay.
Ðức Di Lặc Bồ tát mà còn phải lễ sám như thế, huống là phàm phu bạt địa nhiều hoặc nghiệp (tội lỗi) như chúng ta ư?
Nếu như gây tội mà không chịu sám hối, không biết phát lòng hổ thẹn, ăn năn, thì tuy là cái bổn tánh kia (6) vẫn đồng với Phật, nhưng bị các tội lỗi ấy lấp che, thành ra không thể nào hiển hiện ra được. Ví như cái gương quý lâu ngày bị nhện giăng, bụi bám, chẳng những đã không sao soi rõ bóng hình được, mà cái thể sáng của gương ấy càng lúc càng bị lu mờ.
Phải biết, gương vốn vẫn sáng, nên nếu (có kẻ) chí công lau chùi mãi, thì gương ấy sẽ lần lần sạch bụi, trở nên sáng rỡ, rõ ràng, soi tỏ hết bóng hình muôn vật, thành ra quý trọng vô cùng. (Chớ nên hiểu lầm rằng, gương do lau chùi mà sáng tỏ, trái lại phải biết cái thể sáng của gương vốn sẵn có rồi vậy, nào cần phải tìm nơi chốn xa xôi.)
Gương lòng hay nói cách khác hơn là Phật tánh của chúng sanh cũng y như vậy.
Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, cái Phật tánh ấy gọi là tấm gương “Ðại Viên Cảnh Trí”, tức là tấm kiếng soi rõ hết tất cả muôn vật, phá trừ màng hôn ám, dứt bỏ tối vô minh, đem về bóng hình chơn thật. Gương ấy (hay là Phật tánh) vẫn đồng với chư Phật. Nhưng chư Phật vì đã rũ sạch muôn duyên, không còn phiền não, phá được hết tất cả vô minh, hoặc nghiệp ràng buộc, nên gương “Ðại Viên Cảnh Trí” ấy toàn thể hiện bày, soi rõ khắp nơi không chướng ngại, đầy đủ muôn hạnh trang nghiêm, rốt ráo chứng thành Phật quả.
Còn chúng sanh chúng ta, do vì nhận vô minh, tham ái làm cha mẹ, rồi lại tôn thờ và hiếu thuận với cha mẹ đó, cho nên gương lòng (tức là Phật tánh kia) mỗi ngày càng thêm bị chôn vùi. Nỡ đem tâm thức đủ đầy tánh Phật mà tạo nên vô lượng nghiệp khổ, khiến cho nhiều kiếp đắm chìm, ví như trong căn nhà có nhiều châu báu mà bị bóng tối phủ che, không sao thấy được. Há chẳng là đau tiếc lắm sao !
Chớ nên nghe các lời nói “Phật ở trong tâm” thì cần gì đi chùa mới lạy Phật được.
Hoặc là :
Ở nhà tôi đã có (bàn thờ) Phật, tâm tôi tức là Phật rồi… cần gì phải tìm cầu ở nơi nào khác nữa cho mệt xác thân…
Phải biết các lời nói ấy, cao thì lên khỏi chín tầng mây, thấp thì xuống tận cùng lòng đất. Ngay chính như đức Di Lặc Bồ tát mà Ngài còn phải sám hối và lạy Phật để được mau thành Phật, và trong hội Hoa Nghiêm, ngài Văn Thù Bồ tát cùng với vô số chư đại Bồ tát khác trong khắp mười phương còn phải phát nguyện tu theo mười “Ðại nguyện vương” (7) của đức Phổ Hiền Bồ tát mà sám hối, lễ Phật… cầu sanh về chốn Tây phương, gặp Phật A Di Ðằ để được thành chánh giác (8) kia sao ?
Huống chi nay ta là kẻ dung phàm, đầy đủ hết tất cả các điều tội lỗi. Cái thân vô thường tội báo nầy mà còn sợ nhọc nhằn, mỏi mệt, không dám lễ bái, tu trì mà lại nói rằng có Phật ở trong, hay tâm tôi là Phật, thì lời nói ấy là một đại vọng ngữ (khó thể dung tha), là mầm móng chắc chắn của địa ngục A tỳ vậy.
Bởi sao thế ?
Vì nếu có người vô trí, ngu dại lầm nghe theo lời nói ấy rồi chẳng những tự mình phế bỏ sự tu hành mà lại còn thêm gặp ai đi chùa, lễ Phật cũng ngăn cản và nói y như vậy… Phải biết người đó mang đại tội. Tội đó là tội ngăn, bít nẻo lành của chúng sanh, phá hủy cội bồ đề của người thiện tín, khiến cho lòng người chán nản, thối thất đạo tâm, bỏ đường tu, lìa chùa tháp cùng lánh xa các chốn đạo tràng, tạo nhiều tội nghiệp …
Hậu quả của đại tội ấy là sẽ bị đọa vào (và thọ khổ) nơi chốn địa ngục A tỳ trong một thời gian dài vô hạn lượng, chẳng biết bao giờ mới được thoát ly !
Người tại gia xưa nay hầu hết đều bị nhiều chướng duyên ràng buộc, như lo nay đủ, mai thiếu, hoặc khổ vì vợ ốm, con đau, công việc làm ăn thất bại, bận rộn bán buôn, thêm vào đó là còn có nhiều sự thương ghét, oán thù khác nữa chồng chất thêm mãi, vv… thì làm sao thanh tịnh được mà nói tâm tôi là Phật, hay nhà tôi có Phật được ư ?
Và như vậy thì chớ nên nói rằng :
Tôi ở nhà lo tu tâm, lạy Phật cũng được…
Bởi vì ông “Phật tâm” ấy đã bị chìm sâu vào trong bóng tối vạn niên của tham lam, sân si, phiền não rồi. Còn bàn thờ Phật kia thì e rằng có khi lâu ngày không nhìn ngó đến, chẳng quét, chẳng lau, khiến cho nhện giăng, bụi bám… Ngày tháng tuần tự trôi qua, chẳng bao giờ thấy đến trước bàn thờ Phật đốt hương, lễ bái, hay niệm Phật, tụng kinh… để chứng tỏ rằng mình là người chơn thật tu tâm, niệm Phật chi cả.
Như thế, há dám nói rằng :
Tôi ở nhà vẫn thường tu niệm, không từng thối bỏ ư ?
Ðó là chỉ mới nói sơ qua về sự tướng ở bên ngoài mà thôi, còn bên trong tâm tánh thì như thế nào ?
Như trên vừa nói lược qua, chính vì bị các thứ nghiệp chướng của tham, sân, si, ghét ganh, ích kỷ, đố kỵ, vv… đã làm thành một lớp bụi vô minh dầy đặc che khuất ông Phật ở trong tâm rồi. Giả sử như có vị thánh nào rọi cặp mắt thần thông vào trong cái tâm đó mà tìm (cho đến cùng năm mãn kiếp)… e cũng không sao tìm ra được ông “Phật tâm kia” nằm ở nơi nào nữa !
Như thế há lại dám nói rằng :
Tâm tôi lúc nào cũng có Phật hết, hay sao ?
Vậy thì thế nào mới được gọi là trong nhà cùng trong tâm có Phật ?
Chính là do nơi ngôn, hành phải hợp với điều đạo lý, dùng đức hạnh, từ bi, hỷ, xả, tinh tấn tu trì, vv… mà trang nghiêm lấy thân tâm của mình.
Còn nếu như có đủ sức, cũng nên phát lòng bố thí, giúp đỡ cho các kẻ khốn cùng, cô đơn, cô quả, cúng dường ba ngôi Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), in phát kinh điển đại thừa, khuyên người tu niệm, đem những lời dạy của chư Phật, Bồ tát, tổ sư mà khuyến hóa, chỉ dẫn cho người hầu gieo kết phước duyên trong hiện tại (cùng trồng thêm nhân lành cho những kiếp xa sau).
Ðó mới thật được gọi là trong nhà cùng trong tâm có Phật vậy.
Nếu như không làm được như thế mà lại còn thêm rẻ khinh, mắng nhiếc những người có thiện tâm, đã không bao giờ chịu niệm Phật, tụng kinh, mà còn cố ý ngăn cản kẻ khác tu hành. Không làm việc thiện, trái lại thấy kẻ khác hành thiện thì lại ghen ghét, dèm pha, chế diễu… cốt ý cản trở, ngăn che tâm tốt của người, ý khiến cho người nản lòng, thối thất đạo tâm, muốn làm cho người phải giống y như cái tánh bỏn xẻn, ích kỷ của mình…
Hoặc có kẻ cùng năm, mãn tháng (cho chí đến suốt cả cuộc đời), thân chưa từng biết đến trước tượng Phật, chấp tay xá chào, lễ lạy, miệng chưa từng được một lần xưng niệm Phật danh, hay đọc lên một vài câu kinh tiếng kệ để gọi là gieo kết Phật duyên… ấy vậy mà khi thấy người đi chùa, lễ bái còn trề nhún, rẻ khinh, bảo là mê tín, làm chuyện hão huyền !…
Những người như thế, chớ nên bao giờ nói rằng nhà tôi hoặc tâm tôi luôn luôn có Phật.
Y theo lời Phật dạy trong kinh, tôi nói rằng :
Nhà ấy cùng tâm kia, chỉ có đầy dẫy các mầm mống của những sự thống khổ nơi chốn địa ngục mà thôi.
Các người như thế đều là oan gia, đối đầu ở trong nhà Phật, so với những kẻ hoàn toàn dốt nát, không hiểu chút gì về Phật pháp mà rẻ khinh, thì tội của họ còn nặng hơn các kẻ kia gấp muôn vạn lần.
Kinh dạy:
“Dùng ý mà khinh báng pháp, tội hãy còn nhẹ. Dùng thân và khẩu mà khinh báng pháp, thì tội ấy dầu cho ngàn đức Phật trong hiền kiếp nầy ra đời hết rồi (9) mà kẻ ấy cũng vẫn còn trầm luân trong địa ngục, chịu vô lượng hình phạt thống khổ, chẳng biết bao giờ mới ra khỏi được.”
Cho nên phàm làm người có trí, dù bổn thân không có đạo đi chăng nữa, phải nên cẩn thận giữ gìn tâm ý và lời nói, như mình không tin, không thực hành được thì thôi, chớ đừng nên bao giờ thốt lên những lời hủy báng cùng lôi kéo thêm các kẻ khác vào trong “đội ngũ của mình”.
Còn như việc có lỗi thì phải lo một lòng sám hối, điều ấy rất hợp với tâm của chư Phật.
Nhưng đã sám hối, tất phải sửa lỗi, làm lành. Nếu không như vậy thì thành ra là nói suông, ắt chẳng thu được điều chi lợi lạc (mà còn mang thêm tội vọng ngữ).
Lại nữa, người Phật tử tu học theo Phật pháp phải một lòng cầu giải thoát, chớ nên quá tham luyến duyên ngoài, ngăn tâm chớ để ham mê nơi chút kết quả nhỏ nhặt của các hàng ngoại đạo, tà giáo như phép luyện điển xuất hồn, cầu mong (hồn phách) được bay đi đến chổ nầy, chổ nọ, thấy những cảnh giới lạ lùng, vv… Bởi vì tâm của ta là tâm phàm phu, điên đảo, khó thể nào phân biệt được đâu là tà, chánh. Nhiều khi bị lạc vào trong thế giới do ma quỷ biến hóa ra (thuận theo các tâm ham muốn của mình), mà ta chẳng rõ biết, dần dần bị các loài nầy dụ hoặc, gạt gẫm mà cứ tưởng rằng đó là cảnh giới của thần, thánh, Bồ tát, Phật …. khiến cho ta bị mất chánh kiến, làm bạn với loài ma quỷ, tà thần. Mối hại ấy thật là vô cùng lớn lao, không sao lường được.
Hoặc nếu giả dụ như có đến được các cảnh giởi tương đối khá như cảnh thần tiên đi nữa, nhưng các cảnh giới ấy cũng vẫn còn lệ thuộc hữu vi, còn bị nhiếp vào trong sáu đạo luân hồi, đâu bằng được các cảnh giới thanh tịnh, nhiệm mầu, kết hợp bằng vô lượng công đức, phước lành của chư Bồ tát, Phật ở khắp mười phương. Nếu đem so sánh các cảnh giới ấy cùng với cảnh giới của chư Phật, thì dầu cho một phần trong ngàn, muôn, ức, triệu phần… cũng không thể nào ngang bằng được.
Do vì như vậy cho nên người Phật tử tu học Phật pháp cần phải nhứt tâm cầu nơi vô thượng đạo. Một lòng tín nguyện niệm Phật, lấy cõi Tây phương Cực Lạc làm nơi quy hướng sau cùng. Ðó mới gọi là chơn Phật tử.
Phải đem chữ “Chết” dán ngay nơi giữa chơn mày để Thường xuyên trông thấy nó mà nhớ, sợ “vô thường” rồi phát tâm gấp gấp lo tu. (Như vậy e cũng còn chưa đủ nữa.)
Lại phải nên nghĩ thêm rằng :
Ta từ vô thỉ kiếp đến nay, gây nên vô lượng nghiệp ác. Giả sử như các nghiệp ác (mà ta gây tạo ra đó) nó có hình tướng, thì mười phương hư không (tuy rộng lớn, bao-la) cũng không thể nào dung chứa cho hết được.
Nghiệp cũ trả chưa xong mà nay ta đã gây tạo thêm ra nghiệp ác mới rồi! Nếu như không một lòng ăn năn, cải hối theo lời Phật dạy mà tu hành, thì trong những kiếp số nhiều như bụi nhỏ tới đây, e cho thân ta còn phải bị mênh mang đắm chìm trong biển khổ tử sanh của sáu đường, ba cõi, (10) chừng đó rồi sẽ ra sao ?
Duyên nay may mắn, được sanh làm thân người, lại được nghe, hiểu Phật pháp, được người nhắc nhở tu hành, niệm Phật, sám hối, … để mau tiêu trừ nghiệp chướng, hái quả Niết bàn, việc ấy hỏi còn chi quý báu hơn ư?
Còn như đạo hữu muốn xuất gia, việc ấy dĩ nhiên là rất quý. Nhưng cần phải hiểu thêm rằng: tu hành tuy quý ở nơi sự xuất gia, nhưng đạo hữu nay thì trên còn cha mẹ, dưới lại có vợ con. Ðành rằng không nên quá vọng cầu nơi sự giàu sang, song Bổn phận trong gia đình cũng phải lo sao cho tròn đôi chút, chớ không phải tu hành là bỏ qua tất cả.
Nếu như bỏ hết tất cả mà cha mẹ, vợ con không thiếu thốn, cơ hàn thì tốt.
Bằng không như thế, chẳng những đã lỗi với đời lại thêm trái nơi lý đạo. Ðiều ấy đạo hữu cũng cần phải biết qua. Bổn phận làm con, nên đem sự tu hành cùng các điều lành, dữ mà khuyên nhắc cùng với cha mẹ, vợ con. Nếu như lệnh song đường biết hồi tâm nghĩ lại, phát lòng niệm Phật, cầu sanh về chốn Tây phương để thoát vòng luân hồi, khổ não, thì cái đạo hiếu ấy của đạo hữu, trên đời nầy không gì sánh kịp.
Còn nếu như thêm vào đó, biết đem cái pháp môn Tịnh độ nhiệm mầu mà khuyên bảo, khuyến dắt kẻ khác tu hành, cải tà, quy chánh, thì cái công đức giáo hóa ấy sẽ về phần mình. Sen vàng trong buổi tương lai, nơi ao thất bảo bên cõi Tây phương Cực Lạc ắt sẽ sanh về ngôi thượng phẩm.
Ðạo hữu biên thơ hỏi về đời, đạo, tôi xin có mấy lời chân-thật nhắc khuyên như thế.
Là người Phật tử có trí huệ, có mang huyết thống của giòng họ “Thích Ca”, lại nữa cũng đã cùng với tôi có đôi lần tương ngộ, nên nay tôi xin vì đạo hữu mà bày tỏ các sự thiệt hơn, mong rằng đạo hữu chẳng bao giờ muốn chịu sống làm thân “thây đi, thịt chạy”, để rồi một ngày kia chết, đồng mục nát với cỏ cây.
Vậy đạo hữu nên cố gắng.
Trân trọng,
Ghi Chú:
[1] Ba ác đạo: là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
[2] sở hành: là các điều làm hằng ngày của bản thân.
[3] Sáu nẻo: là sáu đường luân hồi của chúng sanh.
Ðó là các nẻo: Trời, Người, Thần, Ðịa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh.
[4] Phát lồ: bày tỏ ra cho đại chúng (và chư Phật, Bồ tát) biết chớ không dám che dấu.
[5] Chín giới hữu tình:
- Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn
- Trời, Thần, Người
- Ðịa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh.
[6] Bổn tánh: tức là Phật tánh.
[7] Mười đại nguyện vương là:
- Lễ kính chư Phật.
- Xưng tán Như Lai.
- Quảng tu cúng dường.
- sám hối nghiệp chướng.
- Tùy hỷ công đức.
- Thỉnh chuyển pháp-luân
- Thỉnh Phật trụ thế.
- Thường tùy Phật học.
- Hằng thuận chúng sanh.
- Phổ giai hồi hướng.
[8] Thành chánh giác: tức là thành Phật.
[9] Kiếp hiện tại nầy gọi là “hiền kiếp” sẽ có 1000 vị Phật nối nhau xuất hiện ra ở nơi đời.
- Ðầu tiên là Phật Câu Lưu Tôn (Krakucchanda).
- Câu Na Hàm Mâu Ni (Canakamouni)
- Ca Diếp (Kaçyapa)
- Thích Ca Mâu Ni (Çakyamouni)
- Di Lặc (Maitreya)
1000. Lâu Chí Phật(Muốn biết rõ hết tên của 1000 vị Phật nầy, nên xem lại Kinh Tam Thiên Phật Danh)[10] Ba cõi: là dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới.