THANH NIÊN PHẬT GIÁO
THÀNH CÔNG TRÊN CON ĐƯỜNG XÂY DỰNG SỰ NGHIỆP
Đại Sư Tinh Vân – Đạt Ma Khả Triết dịch

 

Thưa các vị Thanh thiếu niên: Mọi người đều là Thanh niên Phật giáo, đã là Thanh niên Phật giáo thì phải có sự mong mỏi về mai sau rất nhiều, phải hết lòng quan tâm đối với con đường xây dựng sự nghiệp. Vì vậy, tôi muốn nói với các vị về chủ đề: “Thanh Niên Phật Giáo Thành Công Trên Con Đường Xây Dựng Sự Nghiệp.” Ở đây tôi chia ra vài điểm để nói rõ cho mọi người hiểu.

I. Từ sự hiến dâng mà trong lòng được vui vẻ.

Chúng tôi hi vọng con đường tương lai sau này đạt được thành công, trước tiên phải nuôi dưỡng thành một tư tưởng: “Từ sự kính dâng mà trong lòng được vui vẻ.” Chúng ta và Thanh niên nhân sĩ trong xã hội không giống nhau, do tham muốn mới tìm cầu sự vui vẻ, từ lòng ích kỷ của mình mà chiếm giữ nó, từ chỗ hưởng thụ vật chất mới đi tìm cầu niềm vui; phương pháp tìm cầu niềm vui của Thanh niên Phật giáo chúng ta, là phải “biết hiến trọn đời mình cho đạo pháp, cho dân tộc đây mới là niềm vui thật sự.”

Sáng hôm nay, tôi đi dạo núi, gặp một quán trọ, trong quán có cô gái nổi tiếng là hiền thục, cô đã tốt nghiệp từ trường ngoại ngữ văn Thiên chúa giáo. Tôi hỏi cô: – Cô làm việc tại đây, đối với đạo Phật cô có niềm tin hay không? Bởi vì, cô được sự dạy bảo trong thời gian khá lâu ở đạo Thiên chúa giáo, hiện nay tiếp xúc với đạo Phật cô có cảm nghĩ gì? Cô nói:

– Con không có lòng tin đối với Công giáo, ngược lại con rất thích đạo Phật. Chẳng qua, Con theo học đạo Thiên chúa giáo là được sự gợi ý, do các cha và ma sơ đều rất coi trọng sự hiến dâng, các Ngài đối với cuộc sống đã đầy đủ lạc quan, lạc quan của các Ngài là từ trong sự hiến dâng mà đạt được.

Lời nói này khiến cho tôi liên tưởng đến một điều, giúp cho tôi hiểu được quan niệm về hiến dâng ở các tôn giáo. Muốn có được nội tâm yên ổn thật sự, thì phải loại bỏ tư tưởng ích kỷ, để thân tâm mình được trong sạch, tính tình mình được thay đổi, ý nghĩ mình được đứng đắn, khiến cho chúng ta từ trong chỗ hiến dâng mà đạt được niềm vui. Những tín đồ Phật giáo ngày nay, đa phần là xem trọng lợi ích của riêng mình, ít người biết vì Phật giáo mà hy sinh. Vì vậy, chúng ta đã bước vào cửa Phật thì phải có quan niệm “sắc thân này giao cho thường trụ, tính mạng này giao cho chúng sinh”, đem bản thân mình kính dâng cho Phật giáo, hiến dâng cho tất cả chúng sinh. Hiến dâng không phải không đạt được nhân tốt gì, khi hiến dâng là phải vô tư, vô ngã, vô chấp, chỗ đó nếu có thể đạt được, thì sẽ mang lại rất nhiều niềm vui.

Đạo phong ở Phật Quang Sơn, có một điểm rất chú trọng chính là kính dâng. Tất cả sự nghiệp của chúng tôi nói lên từ chỗ sáng lập, như dưỡng lão, cô nhi viện, trường đại học mở vào mùa hè, hội người cao tuổi, giảng đường, viện cứu giúp người nghèo, Tuệ Tĩnh đường, ngân quỹ là nhờ vào phước của chúng tăng… tinh thần làm việc của chúng tôi có sự chuẩn bị trước “chỉ mong cho chúng sinh được an vui, chẳng vì tham cầu lợi ích cho riêng mình”. Đồng thời, hiến dâng mang lại cho phật pháp ngày càng tiến triển, giúp cho nội tâm của mọi người ngày càng an lạc.

Vì thế, bổn phận của người Thanh niên, là giúp cho mọi người được vui vẻ. Trong Phật giáo, “hiến dâng cũng chính là vui vẻ”, nếu như tín đồ của một tôn giáo mà không hiểu được hiến dâng, thì hoàn toàn không đủ tư cách gần gũi với tôn giáo. Ngài Tôn Trung Sơn đã từng nói: “Phật giáo lấy sự hy sinh làm chủ”, hy sinh chính là hiến dâng. Nếu như chúng ta muốn nắm bắt tinh thần cốt lõi của Phật giáo, thì phải bắt đầu thực hành từ sự hy sinh.

Các vị Thanh thiếu niên! Hiện nay các vị có vật gì để hiến dâng cho người khác? Hoặc nói: “Tôi có khả năng phục vụ cho mọi người”, “tôi có trí tuệ cống hiến cho mọi người”, đương nhiên điều này rất hay. Giả dụ các vị nói tôi không có khả năng, cũng không có trí tuệ, thì làm sao lo liệu được? Thực ra còn có một điều giống như sự hiến dâng, như các vị thấy sự thành công của người khác, có thể sinh tâm tùy hỷ, nói một câu khen ngợi người ấy, lo gì người ấy chẳng vui vẻ. Điểm đầu, bố thí cho mọi người được vui vẻ, đó là biểu hiện của sự hiến dâng.

Cho nên, hiến dâng không nhất định dành cho vật chất, mà ở trong lòng phải thể hiện sự chân thành. Chúng ta đối với việc giáo hóa chúng sinh, cũng phải có khí phách biết xả thân mình và gánh vác trách nhiệm, biết cư xử với bạn bè, sư trưởng, cha mẹ, vậy cần phải có một tấm lòng chân thật,chí thành và tha thiết, đối với tôn giáo phải biết tín ngưỡng, lại phải có lòng tin và trí tuệ. Cái gọi là hiến dâng, không ngoài sự hiến dâng mà chúng ta có được tâm từ bi chân thật và thanh tịnh, đây là điều quý giá nhất. Hy vọng các Thanh thiếu niên, đều có thể nuôi dưỡng tinh thần để trở thành những người biết hy sinh, lòng ham muốn của mình không nên buông thả, cần phải khắc chế tham vọng đó, phát tâm vì mọi người, tùy thời tuỳ lúc mà dâng hiến.

II. Từ chỗ siêng năng mà sắp xếp được thời gian

Một ngày có hai mươi bốn tiếng đồng hồ, một đời người cũng có sáu bảy mươi năm. Ở đây đời người trong một đoạn đường dài đằng đẵng, làm sao để sắp xếp thời gian? Vấn đề này rất là quan trọng.

Trong xã hội có một hạng người, cả ngày chỉ biết ăn uống, vui chơi, đánh bài, đánh bạc, làm mất thời gian quý báu, nhưng làm việc thì lại lười biếng, làm lãng phí năm tháng, lối sống trên đây chẳng có ý nghĩa gì. Các vị Thanh niên đều mắc phải, đương nhiên các vị không nên sống một cuộc sống như thế. Vậy làm sao có thể sắp xếp thời gian? Tôi cho rằng phải từ chỗ cần cù hăng say mới có thể sắp xếp thời gian.

Mấy hôm trước, vị giám đốc của công ty Cao Hùng cùng chúng tôi nói dăm ba câu chuyện. Anh nói: “Tài sản của con hiện có, cho dù một ngày con chi phí một trăm ngàn đồng, con sống một trăm năm, tiêu xài cũng không hết số tiền đó. Con có rất nhiều tiền, nhưng con vẫn còn làm việc, con không phải là người tham lam không biết thoả mãn, bởi vì con biết sắp xếp thời gian nên mới làm ra sự nghiệp.” Anh nói đoạn này, khiến cho tôi hiểu thêm về con người, chỉ có ở trong công việc, thì cuộc sống mới là phương pháp ổn định, vậy con người sống mới có ý nghĩa. Không có việc làm thì rất buồn chán, cuộc sống rất nhạt nhẽo.

Anh lại nói: “Tuy rằng con rất nhiều tiền, nhưng tiêu xài rất tằn tiện, con không hút thuốc, không uống rượu, cũng chẳng đi đâu để vui chơi giải trí. Hết giờ làm việc thì trở về nhà, uống một ly trà, hay xem báo, cứ như vậy mà thôi, một ngày trôi qua, đến ngày thứ hai lại bắt đầu làm việc, tinh thần rất phấn khởi công việc cũng đạt kết quả cao.”

Những lời nói này, khiến cho tôi hiểu được sự thành công của những người kinh doanh trong xã hội. Cho nên các vị có thể đạt được thành công, không phải từ chỗ ngồi không hưởng sự an nhàn mà có được, mà phải từ chỗ cố gắng siêng năng.

Phật giáo vốn coi trọng việc phấn đấu, coi trọng sự tiến thủ. Trong lục độ Ba La Mật, có tinh tấn Ba La Mật, đó là một trong sáu pháp môn quan trọng mà Bồ tát tu hành thành Phật, như trong kinh đức Phật có đưa ra những mẫu chuyện làm ví dụ, để chúng ta thấy rằng không gì bằng pháp tinh tấn. Vì chính nhờ pháp tinh tấn mà đức Phật mau chóng thành đạo quả. Ở đây có một ví dụ nói về pháp tinh tấn.

Như chúng ta biết, Bồ tát Di Lặc với đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, hai Ngài phát tâm tu cùng lúc, nhưng đức Phật đã thành Phật trước, đó là do tâm dũng mãnh và sức tinh tấn mà đức Phật thành Phật trước Bồ tát Di Lặc. Vậy, chúng ta là đệ tử của Phật thì phải biết noi theo tấm gương của Ngài.

Thiền sinh ở Phật học viện Phật Quang Sơn, mỗi người đều phải luân phiên quét dọn, điển tọa(1) cũng ra ngoài làm việc phục vụ. Chúng tôi sắp đặt như vậy, chẳng phải là không cần mọi người phụ giúp cho Phật (1) Điển tọa là vị tăng phụ trách đời sống cho đại chúng trong Thiền lâm, một trong 6 vị Tri sự ở đông tự. Quang Sơn, mà ở đây nó có ý nghĩa khác. Chúng tôi muốn để cho các Thiền sinh làm việc, công việc ở đây lại rất nhiều. Tu là từ trong công việc, mới lĩnh hội được, cuộc sống mới có ý nghĩa đồng thời cuộc sống mạnh mẽ và phát triển hơn, đối với điểm này, phàm là người phải biết nhận thức đối với sự dạy bảo, xem việc dạy bảo này như phương thức, thì không có gì mà không hoan nghênh. Ngược lại có rất nhiều người nói: “Dạy bảo như vậy, mới phù hợp với cuộc sống mới.” Chẳng qua,phương châm giáo dục của học viện tuy là như vậy, nhưng, nếu như trong lòng các vị không vui vẻ từ công việc làm, không tỏ ra thái độ nghiêm túc để phấn chấn tinh thần mạnh mẽ, như vậy thật uổng phí.

Tục ngữ nói: “Ai ăn cơm thì người đó no,ai có sinh thì người đó có tử.” Bởi vì, các vị cần phải từ trong sự cần cù phấn đấu thì mình mới phát minh sáng tạo, hy vọng rằng chính từ trong sự cần cù phấn đấu đó mà mình được hoàn hảo hơn.

Phật A Di Đà phát nguyện làm trang nghiêm thế giới Cực Lạc, địa ngục khổ đau cũng là đạo tràng giáo hóa của Bồ tát Địa Tạng. Sao chúng ta lại không thể đem tất cả công việc đang làm phối hợp cùng với việc rèn luyện thân tâm mình, khiến cho mạng sống của chúng ta được tăng trưởng rất có ý nghĩa, đồng thời sức vững vàng trong thế giới nội tại ngày càng kiên cố hơn. Tuy rằng thời gian của một đời người chỉ có vài mươi năm, nhưng chúng ta có thể lợi dụng quãng đời ngắn ngủi này, để sự nghiệp được hoàn thành và có giá trị.

III. Từ chỗ nhẫn nhục mà nuôi dưỡng phẩm hạnh.

Sở dĩ con người khác với loài vật, chính là được coi trọng về phẩm chất đạo đức. Phẩm chất là nền móng của đạo đức, nếu như có người nói: “Đối với phẩm chất, đức hạnh không cần coi trọng”, thì người này cùng với loài cầm thú có gì khác biệt? Đương nhiên, chúng ta có rất nhiều phương pháp nuôi dưỡng đạo đức, ví dụ như chúng ta có thể gìn giữ giới luật, chúng ta nuôi dưỡng phẩm chất từ trong giới luật; chúng ta có thể thực hành phương pháp niệm Phật hay tham thiền ở trong Phật giáo. Phật giáo nói về từ, bi, hỷ, xả, vậy, chúng ta có thể nuôi dưỡng nhân cách đạo đức của chúng ta từ trong chỗ từ, bi, hỷ, xả. Nhưng, đạo đức mà chúng ta cần nuôi dưỡng, là phải có tấm lòng vị tha mạnh mẽ, đó là “nhẫn nhục”.

Căn cứ trong Bồ tát giới kinh ghi: Thời quá khứ đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu hạnh nhẫn nhục, Ngài từng bị năm trăm vị Thanh niên khỏe mạnh đi theo chửi mắng, nhục mạ, bất luận là đức Phật đi đến đâu, bọn họ đi theo đến đó chửi mắng, mà thái độ của đức Phật: “Chưa từng khởi lên tâm thù hận, thường hay quán xét dùng tâm từ bi cứu giúp họ.” Đây là do Ngài luôn tinh tấn tu hạnh nhẫn nhục, nên cuối cùng đức Phật chứng được Vô thượng Bồ đề. Vì thế, nhẫn nhục không chỉ là phẩm hạnh mà còn có thể nuôi dưỡng mọi người, cũng là pháp môn tối thượng, nếu chúng ta biết ứng dụng vào trong đời sống thì cuộc sống của chúng ta và mọi người xung quanh sẽ được an vui. Thanh niên hiện nay, đôi lúc cũng thể hiện là người dũng cảm, vì một xích mích nhỏ, mà dùng dao ẩu đả nhau, vì một câu nói chơi, lại gieo vào trong lòng lâu ngày không thể loại bỏ được, học Phật là học đến chỗ tột cùng, hoặc giống như câu chuyện của Tô Đông Pha, “đánh rắm qua sông.”(1)

Tu mà không có nhẫn nhục, thì bất luận là tu, bất luận là làm việc, đều không thể đạt được lý tưởng. Một câu nói chơi, cần gì phải tranh luận, một chút dằn vặt nhỏ mà chịu không nổi, về điều này Thanh niên Phật giáo không đủ khả năng đối phó với mọi hoàn cảnh, thì không thể gánh vác trách nhiệm hoằng dương chánh pháp được. Phật dạy: “Người học đạo, nếu như không chịu nổi lời chửi mắngï, đối với lời chửi mắng mà không thể coi như uống nước cam lồ, thì chẳng phải là người học đạo.”

Chúng ta thấy chữ nhẫn “忍” trên bộ tâm lại là bộ đao, từ cách cấu trúc của chữ này, cũng nói lên ý nghĩa của sức nhẫn nại.

Chúng ta, trong lúc sinh hoạt bình thường, nếu không nuôi dưỡng sức nhẫn nại, thì sức tu dưỡng cũng không tốt, giống như đem con dao để vào bụng thì chịu không nổi, hay là chính anh lỡ giẫm phải lưỡi dao làm đứt da chân, thì cũng chịu không nổi mà còn kêu la inh ỏi.

Mạnh Tử nói: “Ông trời giao phó cho con người một trách nhiệm rất quan trọng, việc trước tiên là làm khổ tâm trí, cảm phiền đến gân cốt, đói khổ vì thân, cơ cực cũng vì thân, luôn lo sợ làm phật lòng.” Giá như, chúng ta biết suy nghĩ vì Phật giáo mai sau, nói rằng vì chúng sinh mai sau mà gánh vác trọng trách, thì trước tiên phải học hạnh nhẫn nại, anh có thể đem hết công sức để thực hành hạnh nhẫn nhục, thì sự nghiệp mai sau của anh mới có thể thành tựu được lớn lao.

Thực ra, người nhẫn nhục không phải là người nhu nhược, mà ngược lại, nhẫn là dũng cảm, là mạnh mẽ. Nhẫn là một sự hy sinh, cũng là một loại định lực, anh có thể nuôi dưỡng cái định lực, cái tinh thần hy sinh này, thì đối với sự nuôi dưỡng đức hạnh mới tăng trưởng, đối với sự nghiệp mai sau mới được thành tựu. Chúng ta thấy Ngài Thái Hư đại sư là thời gần đây, cả đời Ngài bị người ta đánh đập liên tục, nói xấu và áp bức, thậm chí còn mỉa mai khiển trách là hòa thượng làm chính trị, nhưng Ngài chẳng biện minh hay trách móc những hành động của họ, mà chỉ cố gắng một lòng một dạ làm phục hưng Phật giáo Trung Quốc. Mọi người hãy suy nghĩ, nếu như nói Ngài Thái Hư Đại Sư đối với mỗi lời sỉ nhục ở bên ngoài đều biện minh hết, thì thử hỏi Ngài làm sao thành tựu được sự nghiệp Phật giáo lớn lao như thế? Không chỉ là Ngài Thái Hư đại sư, Ngài Từ Hàng cũng có cả tấm lòng khoan dung, và Ngài Ấn Thuận cả đời không tranh luận, cuộc đời của các Ngài đã từng không ít lần bị sỉ nhục vìø sự hiểu lầm, nhưng các Ngài vẫn im lặng và tiếp nhận tất cả giống như mặt đất. Những thí dụ này, đều có thể làm tấm gương cho Thanh niên Phật giáo chúng ta ngày nay.

Chúng ta nên xem tất cả sự ngang ngược và điều sỉ nhục từ bên ngoài đến, đều như được cái duyên tốt trên bước đường học Phật. Dĩ nhiên cảnh thuận thì chúng ta có thể dễ thành tựu hơn, mà cảnh nghịch cũng có thể là sự thử thách đối với chúng ta, các vị không nên chỉ cầu ở trong cảnh thuận như thuyền thuận gió. Con người có năng lực, có dũng khí, nên chịu đựng được những trận cuồng phong mãnh liệt thổi đến, cần phải chống lại cho được sự tấn công phá hoại của tất cả ma chướng. Chỗ vinh nhục, khen chê khi chúng đến phải nhẫn nại được, nhẫn nại được như vậy, mới đầy đủ tiêu chuẩn của một Thanh niên Phật giáo.

IV. Từ khổ hạnh mà khích lệ tinh thần.

Trong Phật pháp, đối với khổ hạnh tuy không cẩu thả nhưng chẳng giống như là cực đoan, như đối với cần cù thì mới thích hợp, lại cho rằng phải trừ bỏ phiền não, đó mới là pháp môn phương tiện để xả bỏ ham mê. Bởi vì, những vị đệ tử tu hạnh Đầu Đà đến trình bạch lên đức Phật, Ngài chẳng những không quở trách hay ngăn cản, ngược lại còn khuyến khích thêm. Phật giáo hiện nay ở nước ta, thật ra rất ít người đồng ý với phương pháp khổ hạnh này, đây cũng chính là nguyên nhân làm cho Phật giáo không thể hưng thịnh được. Trước đây Ngài Thái Hư Đại Sư ở Tứ Xuyên trong viện giáo Hán Tạng, cuối kỳthi thầy viện trưởng rất vui vẻ quý trọng đại sư và đề nghị tìm chỗ núi sâu có tiếng, tập hợp một số Thanh niên Phật giáo, để theo thực hành phương pháp khổ hạnh, nhằm để xây dựng nền móng phật giáo muôn đời. Lời đề nghị và sự quý trọng của thầy viện trưởng đây, phát khởi từ tấm lòng chân thật.Đương nhiên, chúng ta đã thể nghiệm về Phật pháp, nhưng chúng ta phải rèn luyện từ trong khổ hạnh, khuyến khích tinh thần mình, con người luôn sống ở trong hoàn cảnh an nhàn, vui vẻ, chưa hề trải qua gian nan khổ nhọc và sự va chạm nhỏ nhoi, đời người sống rất êm đềm không có trải qua sự thử thách như thế. Nuôi dưỡng và tích lũy lâu dài, tất nhiên sẽ thành tựu. Thanh niên Phật giáo hiện nay, cần phải chịu sự khổ nhọc để rèn luyện cho chính mình. Nhưng mà, các vị cũng không cần yêu cầu học viện đề xướng về khổ hạnh, ví dụ: Một ngày chúng ta ăn có một bữa!

Mỗi ngày ngồi thiền, ngoài ra anh không cần quan tâm đến công việc! Mỗi ngày ra tham gia làm công quả nên cần có mười sáu tiếng đồng hồ trở lên!

Các vị không cần trông chờ học viện ra lệnh ép buộc các vị phục vụ quên mình, căn cơ của mỗi người không đồng, bởi vì ý nghĩa khổ hạnh, chủ yếu là chỗ huấn luyện tinh thần mình. Cho nên, tự mình phải biết thúc giục, tự mình phát tâm mới có thể phù hợp với ý nghĩa khổ hạnh. Nếu như bị thúc ép, bị bắt buộc mới chịu làm, như vậy còn có ý nghĩa gì? Còn như sau này mới phát tâm, vấn đề này làm sao đi đến thực hành, tôi còn đưa ra ví dụ nữa để giải thích rõ. Thí dụ nói, Thanh thiếu niên gần đây có tập tục ăn để lót dạ, vị ấy suy nghĩ “ngày xưa người ta tu ngày chỉ được ăn không quá một bữa, chúng ta hiện nay mỗi ngày ăn tới ba lần vậy mà vẫn còn đòi hỏi ư?” Thế là ngay trên bàn ăn anh ta có thể kiềm chế được mình. Càng có vật chất thì chúng ta cần phải cố gắng đạm bạc, ví dụ mua giấy vệ sinh, không nên mua loại tốt, mà loại thường cũng có thể dùng được, cần gì phải mua những loại tốt không sao? Nếu như đối với lòng ham muốn về vật chất không thể kiềm chế được, khi lòng ham muốn của mình khởi lên, bất kể ham muốn điều gì cũng phải chịu khó sửa đổi. Muốn cho lòng ham muốn không còn hiệu quả thúc đẩy thì trong lòng anh phải có đầy đủ căn bản khổ hạnh.

Trước đây tôi có nói qua, Phật học viện Mân Nam có pháp sư Trí Tạng, mười sáu tuổi Ngài xin vào Phật học viện Mân Nam, lúc này Ngài chưa biết chữ, nhưng đến hai mươi hai tuổi thì trở thành vị tổng biên tập rất nổi tiếng. Thời gian chỉ có sáu năm, có phải từ khi Ngài vào học viện trí tuệ mới khai mở hay sao? Thật ra, chẳng phải làNgài không làm việc gì mà chẳng qua là siêng đọc sách. Ngài quét dọn lau chùi nhàvệ sinh không cần đến chổi, chỉ dùng tay để lau chùi, như moi ống cống không có người thông, việc khó khổ không có người làm, Ngài đều tự mình làm, chẳng cần gọi người khác, trong thân tâm của Ngài luôn mong muốn là chính mình phải siêng năng cần cù. Tập nuôi dưỡng bản tính này để mai sau trở thành người biết chịu khó chịu khổ, làm xong rồi lại đọc sách, Ngài cần cù như vậy mới mau đạt được thành quả hơn so với người khác. Tùng bách chịu được sự lạnh lẽo hàng năm, con người chịu được khổ hạnh, thì sau này mới có khả năng trở thành rường cột cho Phật giáo.

V. Từ chỗ tùy duyên mà xử lý trong cuộc sống

Trong tự chuyện của Ngài Thái Hư Đại Sư nói: từ nhỏ Ngài chẳng hề suy tính phải thành lập sự nghiệp Phật giáo lớn lao gì cả, tất cả sự nghiệp của Ngài chỉ là tùy duyên cố gắng phát tâm vì Phật giáo, tùy duyên giảng dạy phật pháp, tùy duyên viết lách dịch thuật, Ngài cũng tuỳ duyên giao tiếp với những vị chính quyền đã hộ trì Phật pháp.

Ngài nói: “Sự quen biết rất là ngẫu nhiên, chúng tôi và những nhân vật cách mạng có nhiều tư tưởng giống nhau, cách mạng thành công ở chỗ nhiệt tình thắp lên lòng kính dâng, …. và ngẫu nhiên gặp lại một số tín đồ, bèn lập đạo tràng, cho đến cách viết lách giảng dạy cũng thể hiện phong thái tùy duyên.” Sự nghiệp của Ngài Thái Hư Đại Sư, đều từ chỗ tùy duyên mà được thành công.

Tôi cũng tùy duyên giảng dạy, chẳng hề bảo mọi người không có nguyên tắc, không có cá tính, không có lập trường, ngày nay phải theo cái này, ngày mai theo cái kia, tóm lại không có chủ ý. Cái gọi “tùy duyên”, là chỉ sự cao thượng của Phật pháp, đạo nghiệp, tu hành, công việc, chỉ cần có việc làm tốt, chúng tôi đều vui vẻ tùy tâm tùy sức mà làm. Hợp với lý tưởng của tôi, suy nghĩ đến việc này, giống như tôi đã từng vạch ra kế hoạch, rồi tôi tùy duyên đi đến làm. Tất cả những việc làm trên đều là vì Phật giáo, vì chúng sinh, chỉ cần làm tốt. Sao tôi không vì Phật giáo không vì chúng sinh mà tùy
duyên? “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ, chớ tái tạo tai ương”; từ chỗ tuỳ duyên mà sự tu mới đạt được nhiều kết quả, tùy duyên trong mọi sự việc, mọi nơi, đây mới gọi là tùy duyên.

Về cuộc sống mọi người, có lúc nuôi dưỡng quá sẽ trở thành thói quen, khi ngủ đòi hỏi phải nằm giường cao rộng lớn, khi tắm lại đòi phải có nước nóng mới được, khi ăn đòi phải có thịt bò sữa để tẩm bổ cho thân này, khi uống đòi có nước trái cây để giải nhiệt, như vậy cuộc sống trên đây không phải là tuỳ duyên. Tùy duyên là “tuỳ hỷ với mọi người và phải biết khắc chế bản thân mình, phải thuận theo việc thiện, thuận theo việc tốt.” Trong cuộc sống, chúng ta cần phải khuyến khích về cuộc sống tuỳ duyên, cuộc sống cũng phải hòa đồng với mọi người, thì cuộc sống này mới là Phật pháp chơn chánh.

Đại sư Hoằng Nhất sống rất tùy duyên, mọi vật trên thế gian này chẳng có gì là không tốt, tất cả đều tốt đẹp, nhưng cuộc sống của Ngài rất nghiêm túc cẩn thận, cho nên nói tùy duyên có trong sự nghiêm túc cẩn thận. Tùy duyên mà không nguyên tắc thì mất mình, không giống như tùy tục hào nhoáng xa xỉ, vậy mới đúng với ý nghĩa tùy duyên.

VI. Từ trong niệm tín nguyện mà từng bước tiến gần với đạo

Trước đây có một người, nhận biết về Phật pháp không được sâu sắc lắm, về kiến thức thế gian lại không có tinh thông, nhưng khi đọc đến cuốn sách nào thì cho rằng chỉ mình là tinh thông, lại cho rằng Phật giáo một chữ cũng không đáng giá, cần phải đổi bỏ hết cũng không sao, bèn viết một bức thư gởi đến cho Thái Hư Đại Sư, Ngài tuyên bố đổi mới Phật giáo. Chúng ta biết, cả đời Ngài Thái Hư Đại Sư luôn đề xướng đổi mới Phật giáo mạnh mẽ nhất, chúng ta thấy con người như Ngài Thái Hư Đại Sư làm sao có thể phê bình được. Ngài nói: “Tôi sở dĩ đề xướng về đổi mới Phật giáo, là do tôi từ trong tín nguyện mà thể nghiệm được Phật pháp, tôi nghiên cứu qua triết học Trung Quốc và phương tây là nhằm để lại cho thế hệ sau học, thấy rằng học Phật rất hay nên gắng hết sức chỉ dẫn, tuyệt đối không phải mù quáng mà cải cách”.

Thái Hư Đại Sư sở dĩ Ngài có mục đích muốn đổi mới Phật giáo, bởi vì Ngài cho rằng Phật giáo rất hay, nên cần phải đổi mới cho tốt hơn, Ngài từ trong tín nguyện mà nhận ra Phật pháp, và nuôi dưỡng niệm đạo đó cho kiên định, vì vậy mà tự mình phấn chấn, muốn sáng lập ra một sự nghiệp Phật pháp.

Chỉ có người đầy đủ lòng tín nguyện đối với Phật pháp mới có tư cách tuyên bố đổi mới Phật giáo. Vì vậy, tôi luôn hy vọng các vị Thanh thiếu niên, các vị phải nuôi dưỡng lòng tin đối với Phật pháp, lời nguyện của mình đối với Phật giáo luôn tăng tiến, cần phải học theo công hạnh của chư Phật chư Bồ tát trước đây, phát những đại nguyện, từ lòng tin đối với Tam Bảo đối với chúng sinh để tăng trưởng đạo tâm của chính mình, đạo tâm là cội nguồn của chúng ta, giống như cây có gốc rễ, sau này mới có thể đâm chồi nảy lộc xanh tươi. Có tín nguyện mới có thể dùng Phật pháp để dẫn dắt cõi đời, giáo hóa chúng sinh; có đạo tâm mới chuyển hóa được ngoại đạo và thế gian, mà không bị ngoại đạo và thế gian xoay chuyển. Thanh niên Phật giáo ngày nay, phải từ trong niệm tín nguyện mà từng bước tiến gần với đạo, làm cho sự nghiệp Phật giáo tạo thành một phen vang lừng rực rỡ.

***

(1) câu chuyện “Đánh Rắm Qua Sông”

Vào thời Tống, cư sĩ Tô Đông Pha nhậm chức ở Qua Châu –Giang Bắc, nơi đây cách chùa Kim Sơn một con sông. Ông thường bàn thiền nói đạo với Thiền sư Phật Ấn trụ trì chùa Kim Sơn. Một hôm, ông cảm thấy sự tu hành của mình có chỗ lãnh ngộ, liền làm một bài thơ sai đứa bé đem qua sông đưa cho Thiền sư Phật Ấn ấn chứng, thơ rằng:

Khể thủ thiên trung thiên,
Mao quang chiếu đại thiên,
Bát phong suy bất động,
Đoan toạ tử kim liên.

Dịch:

Cúi lạy đức Thế Tôn,
Hào quang chiếu đại thiên,
Tám gió thổi không động,
Ngồi yên tòa sen báu.

Thiền sư Phật Ấn sau khi xem thơ xong, cầm bút viết hai chữ, rồi đưa cho đứa bé đem về. Tô Đông Pha cho là Thiền sư nhất định khen ngợi cảnh giới tham thiền tu hành của mình, nên vội mở lời phê duyệt ra xem, thì thấy hai chữ “đánh rắm” ghi ở trong thơ. Lúc đó, ông không kềm được lòng nóng giận, liền chèo thuyền qua sông để nghị luận với Thiền sư. Khi thuyền sắp đến chùa Kim Sơn, Thiền sư Phật Ấn đã đứng đợi Tô Đông Pha ở bến sông từ sáng sớm. Tô Đông Pha vừa thấy Thiền sư, thở hổn hển nói:

– Thiền sư! Chúng ta là bạn thân với nhau, bài thơ của tôi, sự tu hành của tôi, Ngài không khen ngợi thì thôi, sao lại mắng chửi thậm tệ vậy?
Thiền sư Phật Ấn điềm nhiên như không có chuyện gì, nói:

– Mắng chửi ông thế nào?

Tô Đông Pha đem hai chữ “đánh rắm” đã phê duyệt trên bài thơ cho Thiền sư xem.

Thiền sư cười lớn, nói:

– Thế à! Ông chẳng phải nói thế à “tám gió thổi không động sao?” Vì sao một tiếng “đánh rắm” đã chèo thuyền qua sông rồi?

Tô Đông Pha rất lấy làm hổ thẹn.
(Thường Chiếu)