Súc Sanh Vãng Sanh

Đại Sư Châu Hoằng biên soạn

VII. Súc Sanh Vãng Sanh

Có người cho rằng: “Con người khôn lanh, loài vật ngu xuẩn, vì sao chim là loại súc sinh mà được vãng sinh?”. Là vì họ không biết tất cả các loài hữu tình đều có tính giác của Phật, nhưng vì sự mê mờ có dày, có mỏng nên mới có sự phân biệt người và súc sinh. Chứ chẳng phải giữa khôn lanh và ngu xuẩn có sự chênh lệch nhau. Chẳng hạn như: “Chim trĩ nhờ nghe kinh Pháp hoa mà sinh lại đời làm Tăng. Con trâu thấy được thân tướng đức Phật nên sau khi chết được sinh lên cõi trời”. Những chuyện này được ghi lại rõ ràng trong các truyện. Huống gì chúng sinh trong ba đường, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh đềucó thể sinh về cõi nước của Đức Phật A-di-đà.Đây vốn là bổn nguyện của tì-kheo Pháp Tạng.

Nhưng khổ nỗi, con người thấy súc sinh được vãng sinh vẫn cứ điềm nhiên không thức tỉnh, đành lòng sống trong cảnh năm trược, giam hãm trong luân hồi. Một hơi thở ra không trở lại thì thay hình đổi dạng trong đường súc sinh, vậy mà không tự biếtvì sao phải như thế?

Đại Sư Châu Hoằng

Chim két

Vào niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường (785-?), có người họ Bùi ở Hà Đông nuôi một con chim két.Nó niệm Phật liên tục, quá giờ Ngọ thì không ăn. Lúc sắp chết, nó niệm Phật mười tiếng rồi tắt thở. Sau khi đốt xác nó người ta nhặt được hơn mười viên xá-lợi, sáng chói mắt. Bấy giờ, có vị tăng tên Tuệ Quán dùng gạch nung xây tháp thờ xá-lợiđể tuyên dương sự kì lạ ấy. Quan đầu tỉnh Thành Đô tên Vi Cao làm bài kí sự, có câu: “Thấy rõ được cái tướng không ở nơi vô niệm, thì sau khi chết mới có thể để lại xá-lợi”.

Chim sáo

Vào đời Tống có Quán Công ở chùa Chính Đẳng, Hoàng Nham nuôi một con chim sáo biết nói tiếng người, niệm Phật không dứt. Một hôm, nó đứng chết. Khi đào huyệt chôn nó ngay nơi ấy, Quán Công bỗng thấy trên chót lưỡi nó mọc ra một đóa hoa sen màu tía. Luật sư Linh Chi từng làm bài tán ca ngợi nó: “Bị nhốt và chết đứng trong lồng là chuyện bình thường, mọc ra hoa sen tía trên đầu lưỡi mới là chuyện kì lạ”.

Chim sáo

Có người ở Đàm Châu nuôi một con chim sáo. Nó thường niệm Phật. Sau khi nó chết, ông ta dùng quan tài chôn cất đàng hoàng. Bỗng nhiên nơi chôn nó mọc lên một đóa hoa sen. Và chính ông ứng khẩu làm bài tụng khen ngợi:

Có con chim linh hiệu Bát Ca
Nghe lời tăng dạy niệm Di-đà
Chết rồi chôn cất, hoa sen hiện
Người chẳng hồi tâm, biết thế nào?

Ghi chú:

Chim két, chim sáo được người dạy niệm Phật nên vãng sinh, ấy là chuyện bình thường thôi.Nhưng sao ngày nay chẳng nghe nói súc sinh được vãng sinh nữa?

Ôi! Ví như người đời đều nghe lời chỉ dạy về niệm Phật, nhưng có người chuyên tâm niệm Phật, có người niệm Phật hời hợt. Vì thế, người niệm Phật thì nhiều mà người được vãng sinh rất ít. Cũng vậy, trường hợp chim két, chim sáo kia được vãng sinh có gì không hợp lý?

Rồng con

Kinh Bồ-tát xử thai ghi:

Có một con rồng nói với kim sí điểu rằng: “Từ khi tôi mang thân rồng tới nay chưa từng sát sinh, cũng không quấy nhiễu các loài ở dưới nước, sau khi qua đời, chắc chắn sẽ sinh về cõi nước của Phật A-di-đà”.

Ghi chú:

Có lòng từ không giết hại sinh mạng ấy là tịnh nghiệp chính nhân. Rồng làm theo lời Phật dạy chắc chắn được vãng sinh.