Sớ sáng lập chùa Cực Lạc ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Cát Lâm

Phật pháp lưu thông, lợi ích vô lượng. Người căn cơ thiên bẩm sâu sẽ đạt sâu xa, tức là có thể minh tâm kiến tánh, đoạn Hoặc chứng Chân. Người căn cơ thiên bẩm nông cạn sẽ đạt được nông cạn, cũng có thể cải ác tu thiện, mong thành thánh, thành hiền. Ấy là do Như Lai lập giáo, tuy chánh yếu vì lẽ xuất thế, nhưng tùy thuận cơ nghi nên khéo léo khuyên dụ dần dần. Vì thế, đối với đạo xử thế cũng phát huy trọn vẹn, chẳng sót mảy may điều gì. Gặp cha nói từ, gặp con nói hiếu, anh kính, em nhường, chồng xướng, vợ theo. Phàm hết thảy đạo luân thường hằng ngày trọn chẳng khác gì đạo Nho đã dạy. Điểm khác biệt là trong mỗi pháp đều dạy nhân quả ba đời, thiện ác báo ứng, khiến cho con người giữ tấm lòng kính sợ, chẳng dám vượt phạm, dẫu ở trong nhà tối phòng kín vẫn thường như đối trước Phật, trời. Dẫu là phường tham tàn bạo ác trọn không có lòng tin, nhưng do nghe chuyện nhân quả báo ứng lâu ngày, tâm chúng cũng ngầm bị chế phục, cũng chẳng đến nỗi mười phần tàn khốc.

Xem thời Liệt Quốc, giết người để tuẫn táng, càng giết nhiều càng vinh. Đến khi Phật giáo truyền sang Đông, phong tục này bèn bị diệt là đủ thấy vậy! Thấm sâu vào con người, lợi ích rộng lớn, ví như mặt trời sáng rực giữa trời, dẫu kẻ mù từ lúc mới sanh vẫn đều được an lạc; ánh dương xuân chiếu xuống đất, mầm đã bị thiêu cũng được sanh thành. Quả thật: “Nếu Như Lai không xuất thế, vàn muôn đời như đi trong đêm tối. Nếu Phật pháp lưu thông, trời người đều có chỗ nương tựa”. Giáo pháp truyền sang Đông Chấn[1] gần hai ngàn năm, trong thời gian ấy những bậc thông minh duệ trí, lập nên sự nghiệp lòa trời rợp đất, học thức thông trời thấu người, tiết tháo át gió mây, không ai chẳng sùng phụng, hộ trì, cực lực lưu thông, chẳng tiếc tiền của lớn lao tạo dựng chùa tháp. Là vì về mặt ngầm thì đạo Phật giúp cho việc trị đạo, về mặt rõ ràng là làm cho dân tình được yên, khiến cho dân ngày càng hướng về điều lành mà chẳng hay biết duyên do. Vì thế, xưa nay những bậc lỗi lạc không ai chẳng lưu thông Phật pháp để làm nền tảng khiến thiên hạ thái bình, muôn nước đều được yên ổn.

Thành phố Cáp Nhĩ Tân tỉnh Cát Lâm hẻo lánh chốn biên thùy, xưa kia chỉ là vùng đánh cá của Trung Hoa và Nga mà thôi! Từ khi đường sắt được mở, bèn trở thành một địa điểm giao thông trọng yếu giữa Âu và Á, muôn thương nhân như mây tụ về, các hãng la liệt như sao. So với Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Vũ Hán, không kém cạnh cho mấy! Thế nhưng hoàn toàn chẳng có chùa, miếu, cao tăng chẳng đến trụ tích[2], kinh điển chưa lưu truyền, nhân dân không có duyên để tu tập, bồi dưỡng. Cục trưởng giám sát đường sắt Trung Đông là ông Trần Phi Thanh, xưa đã gieo cội lành, dốc lòng tin vào Phật thừa, muốn khiến cho mọi người cùng sống ở vùng Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang, đều được tắm gội pháp hóa của Như Lai, nên bèn hướng về cục quản trị đường sắt Trung Đông, xin vài mẫu đất, muốn dựng một tùng lâm thập phương, đặt tên là Cực Lạc, hòng hoằng truyền Phật pháp, giúp cho tín ngưỡng. Những lãnh tụ của hàng thân sĩ, thương nhân như ông này, ông nọ, mấy mươi người không ai chẳng có lòng thành tựu cho mình, thành tựu cho người, dốc lòng hành tự lợi, lợi tha, hiệp lực giúp đỡ cho việc này mau được thành công. Quy mô kiến trúc chùa đều phỏng theo quy cách những ngôi đại tự trong nội địa. Pháp sư Đàm Hư[3] bác học đa văn, thông hiểu kinh giáo sâu xa, chí thiết tha hoằng pháp lợi người, nên được mời làm Trụ Trì. Mong sau khi chùa này được thành lập xong sẽ giảng kinh suốt năm, ngõ hầu nhân sĩ đến Cáp Nhĩ Tân đều biết đạo tu thân yên đời và pháp liễu sanh thoát tử, kèm thêm mở liên xã, kế thừa di phong của Lô Sơn, mở ra nơi chốn đọc kinh, thấu hiểu tột cùng bí yếu tu trì.

Nhưng xây dựng từ nơi đất trống và hoằng pháp lâu dài, sự thể rất lớn, phí tổn rất nhiều. Do vậy, khẩn thiết mong những bậc trưởng quan đang cai trị, những phú thương, đại thân sĩ và hết thảy hàng thiện tín, ai nấy đều phát Bồ Đề tâm, hành phương tiện sự, mở kho báu, vun bồi ruộng phước, quyên tiền góp gạo, lần lượt khuyên bảo, quyên mộ, ngõ hầu điện báu mênh mông sớm ngày thành tựu, mãn nguyệt kim dung[4] thường trụ bao kiếp, cao tăng đến đây ở lại, kinh điển lưu thông, liên xã mở, tông phong Tịnh Độ chấn hưng, kinh giáo được tuyên giảng khiến cho thuyền bè [cứu độ] trong biển khổ được tồn tại mãi. Từ đấy, con người cẩn thận tam nghiệp, nhà nhà chăm lo Thập Thiện, đè nén hung tàn, bỏ giết chóc, đồng chứng cảnh nhân từ, sống thọ, tín nguyện niệm Phật, cùng sanh cõi Cực Lạc. Sẽ thấy hàng thiện sĩ xuất tiền của thường được Phật trời phù hộ, tai chướng ắt băng tiêu, cát khánh (điều tốt lành, may mắn) như mây nhóm, thân tâm yên vui, thanh thản, cửa nhà yên tịnh, dư dật, sống lâu, mạnh khỏe, bình an, hiện đời ngũ phước nườm nượp, chức tước tăng cao, hậu duệ được hưởng trăm điều lành như đã nói trong bài Y Huấn[5].

***

[1] Theo Tiên Thiên Bát Quái của Văn Vương, quẻ Chấn thuộc phương Đông, Trung Hoa ở phương Đông của Ấn Độ nên cũng thường được gọi là Đông Chấn. Có người giải thích: Vì người Trung Hoa nghĩ Ấn Độ ở phía Tây Bắc Trung Hoa (do thời xưa, các vị tổ sư thường theo con đường Tơ Lụa ở phía Tây Bắc Trung Hoa vào Trung Nguyên, người Tàu thường nghĩ Ấn Độ nằm về phía Tây Bắc Trung Hoa) nên gọi là Tây Càn (quẻ Càn ở phía Tây Bắc trong Tiên Thiên Bát Quái đồ). Xin ghi lại lời giải thích này như một vấn đề tồn nghi.

[2] Trụ tích: Vị tăng trụ lại một nơi nào gọi là trụ tích, tích ở đây là tích trượng.

[3] Đàm Hư (1875-1963), cao tăng thời cận đại. Sư họ Vương, tên Phước Đình, pháp tự Long Hàm, pháp hiệu Đàm Hư, người Ninh Hà, tỉnh Hà Bắc. Năm 17 tuổi, vâng lệnh cha lập gia đình, sanh được năm người con. Trước kia, Sư làm nghề nông và buôn bán, sau theo nghề y. Năm 40 tuổi, nhân nghe kinh Pháp Hoa, liền phát chí xuất gia. Năm 1917, Sư xin xuất gia với ngài Ấn Khôi tại chùa Cao Minh. Rồi về Nam, y chỉ với ngài Đế Nhàn chùa Quán Tông ở Ninh Ba học giáo nghĩa Thiên Thai. Năm 1921, đảm nhiệm dạy học tại Phật Học Viện chùa Vạn Thọ tại Thẩm Dương. Năm 1925, được ngài Đế Nhàn phó pháp trở thành người nối pháp đời bốn mươi bốn tông Thiên Thai, được ban tên là Kim Hàm. Từ đó, Sư chuyên giảng kinh hoằng pháp tại các nơi thuộc Đông Bắc Trung Hoa, sáng lập đạo tràng. Các chùa Cực Lạc ở Cáp Nhĩ Tân, chùa Bát Nhã ở Trường Xuân, và chùa Lăng Nghiêm ở Doanh Khẩu là những ngôi phạm-sát lớn nhất. Sau Ngài thường trụ tại chùa Trạm Sơn thuộc Thanh Đảo, tự xưng là Trạm Sơn Lão Nhân. Về cuối đời, Sư sang hoằng pháp tại Hương Cảng, sáng lập Trung Hoa Phật Giáo Đồ Thư Quán, Hoa Nam Phật Học Viện. Ngài mất năm 1963, thọ 89 tuổi. Sư từng kể lại những chuyện trong cuộc đời mình và môn đệ là Đại Quang đã chép lại thành cuốn Ảnh Trần Hồi Ức Lục. Những trước tác quan trọng của Sư là Tâm Kinh Sớ Nghĩa, Tâm Kinh Giảng Nghĩa, Khởi Tín Luận Giảng Nghĩa, Thiên Thai Truyền Phật Tâm Ấn Ký Thích Yếu, Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa.

[4] Mãn nguyệt kim dung: Khuôn mặt đức Phật được ví như vầng trăng đầy viên mãn, thân Phật sắc vàng ròng nên gọi là kim dung.

[5] Y Huấn là một đoạn văn nhỏ trong kinh Thư, ghi lại lời khuyên dạy của Y Doãn, trong đó có câu: “Tác thiện giáng bách tường, tác bất thiện giáng bách ương” (Làm lành trăm điều tốt đẹp giáng xuống, làm điều chẳng lành, trăm tai ương giáng xuống).