PHỔ MÔN PHẨM GIẢNG LỤC
觀世音菩薩普門品講錄
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Diễn Bồi
Bành Trạch Bồ Tát Giới đệ tử Hứa Chỉ Tịnh soạn
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến – Huệ Trang – Vạn Từ – Đức Phong

 

DẪN NHẬP

Có lẽ đối với những Phật tử Hoa Kiều tại Việt Nam, đặc biệt là những người sống ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, phương danh ngài Diễn bBồi là một tên tuổi quen thuộc. Đại sư từng qua Việt Nam hoằng pháp nhiều lần; hầu hết các kinh sách quan trọng của Đại Thừa, Ngài đã đều giảng qua. Khi còn ở Việt Nam, mạt nhân từng được thấy nhiều bản Giảng Ký của Ngài được lưu truyền tại các chùa người Hoa; nhưng chưa đủ thiện duyên đọc đến.

Lần đầu tiên, mạt nhân được biết tên tuổi của Ngài là vào năm 1986. Trong một lần đến chùa Dược Sư (quận Bình Thạnh) thỉnh kinh, lục lạo trong đống kinh sách cũ, vô tình mạt nhân tìm được cuốn A Di Đà Kinh Giảng Ký của pháp sư Thích Diễn Bồi. Giở xem thấy văn phong khá giản dị, đủ để một người vốn liếng chữ Hán nhấp nhem như mạt nhân khi đó hiểu được dễ dàng ý tác giả qua vài trang sách đầu tiên. Thế là với bản giảng kinh ấy, mạt nhân có dịp tập tành luyện đọc văn Bạch Thoại. Càng đọc càng thấy những lời giải thích của Ngài tuy giản dị, dễ hiểu, nhưng vẫn thâm trầm, hàm súc, có thể nói không quá đáng là lời giảng của Ngài rất lợi lạc cho mọi tầng lớp người đọc, nhất là hạng hành nhân sơ cơ. Từ nhân duyên đặc biệt ấy, mạt nhân tâm nguyện bất cứ khi nào mình có được một bản giảng kinh nào của Ngài, sẽ cố gắng dịch sang tiếng Việt.

Đến năm 2003, mạt nhân lại được đọc bản Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Giảng Ký của Ngài qua tài phiên dịch tuyệt vời của hòa thượng Trí Minh, mạt nhân càng khâm phục tài giảng kinh của pháp sư Diễn Bồi hơn nữa. Điều đáng mừng là bản dịch quý giá này của hòa thượng Trí Minh đã được các trang nhà Phật giáo đón nhận nồng nhiệt và đăng tải rộng rãi.

Xảo hợp sao, mùa Thu năm 2004, trong những sách vở được Tịnh Tông Học Hội Los Angeles gởi cho, mạt nhân thấy có cuốn Phổ Môn Phẩm Giảng Ký này. Thế là chẳng nệ kiến thức chắp vá, chữ nghĩa vụng về, mạt nhân hăm hở dịch ra tiếng Việt, ngõ hầu giới thiệu một tác phẩm đặc sắc khác của lão pháp sư, với ý nguyện đền đáp chút ân pháp nhũ của bậc ân sư mình chưa bao giờ có dịp hội ngộ. Chỉ dám hy vọng bản chuyển ngữ này chẳng đến nỗi diễn tả sai lạc hoàn toàn ý nghĩa những lời giảng thâm diệu của Ngài.

Mùa Đông năm 2010, trong một cuộc điện đàm sư huynh Đức Phong, sư huynh ngỏ ý muốn ấn hành tác phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Lục Bổn Tích Cảm Ứng Tụng do cư sĩ Hứa Chỉ Tịnh biên tập. Đây cũng là một nhân duyên lạ lùng. Bởi lẽ, đây là một tác phẩm khá cổ, khó dịch, khó đọc, quá nhiều điển tích, Hứa cư sĩ lại trích dẫn kinh văn quá rộng. Đọc thử, mạt nhân ngần ngại không dám dịch dù trong Ấn Quang Văn Sao, tổ Ấn Quang đã nhiều lần ca ngợi tác phẩm này. Một đạo hữu không rõ tên (vì không ký tên trong email) đã năm lần bảy lượt khẩn khoản mạt nhân hãy chuyển ngữ tác phẩm này dù mạt nhân viện đủ cớ để thoái thác. Khi dịch xong phần 1, đem thỉnh ý Vạn Từ, anh rất hoan
hỷ tán thán và thúc giục hãy cố gắng dịch tiếp cho trọn vẹn cũng như đóng góp nhiều ý kiến quý giá. Nhận thấy tác phẩm này quá cao, chúng tôi đã thỉnh ý đạo huynh Đức Phong có nên in chung cuốn Phổ Môn Giảng Ký với Quán Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng để người đọc dễ thâm nhập công hạnh của Quán Thế Âm Bồ Tát hay không trước khi bước vào Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng? Sư huynh Đức Phong đã hoan hỷ tán thành và góp phần giảo duyệt lần nữa trước khi layout, format thành sách.

Dẫu đã được giảo duyệt, tu chỉnh bởi nhiều đạo huynh, đạo tỷ, đạo muội nhiệt tình vì pháp như Đức Phong, Chơn Phù, Vạn Từ, Minh Tiến, Huệ Trang, chắc chắn vẫn còn có rất nhiều lỗi sai lầm ấu trĩ khó thể chấp nhận. Nếu việc làm liều lĩnh này có chút phần lợi lạc thì xin trên hồi hướng công đức về ân sư Thích Diễn Bồi, bổn sư Thích Giải Thắng và lịch đại phụ mẫu, sư trưởng, các pháp lữ Đức Phong, Chơn Phù, Vạn Từ, Minh Tiến, Huệ Trang, dưới hồi hướng cho hết thảy u hiển hữu tình cùng được vãng sanh Cực Lạc, cùng chứng đại Bồ Đề.

Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa kính bạch, ngày 14 tháng 04 năm 2011.

LỜI TỰA

Phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa và phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện kinh Hoa Nghiêm là hai phẩm kinh được lưu hành phổ biến nhất trong giới Phật Giáo Trung Quốc, nhưng phẩm Phổ Môn được đọc tụng, hoằng truyền phổ biến thịnh hành nhất. Nguyên nhân là do Quán Âm đại sĩ tâm từ bi thiết tha, có nhân duyên rất sâu đậm đối với Sa Bà; bởi thế, tuy Ngài vào khắp mười phương cõi nước, nhưng thường trụ trong cõi Sa Bà này để hóa độ kẻ hữu duyên.

Trong kinh, đức Phật dạy chúng ta: Đại Sĩ công đức rất sâu vô lượng, chẳng riêng gì kẻ trí huệ nhỏ nhoi chẳng thể liếc thấy một phần trong vạn phần, ngay cả Phổ Hiền Bồ Tát là bậc hạnh nguyện rộng lớn cũng chẳng thể suy lường chừng bằng sợi lông, giọt nước. Chúng ta là hạng phàm phu khổ não trói buộc đầy dẫy, làm sao có thể tuyên dương một phần trong trăm phần vạn ức phần công đức của Bồ Tát?

Thế nhưng nghĩ đến Bồ Tát đại từ, tâm niệm độ sanh thiết tha, tâm bi ân cần cứu khổ cứu nạn, đối với công ân tùy hình tùy loại tầm thanh cứu khổ của Bồ Tát, há lẽ chẳng nên cực lực tán ngưỡng? Bởi thế, mỗi khi xuất ngoại hoằng hóa, tôi thường tuyên dương công đức Đại Sĩ, mà đa số thính chúng cũng thích nghe thệ nguyện rộng sâu của Đại Sĩ.

Mùa Xuân năm Dân Quốc 50 (1961), sang Việt Nam hoằng hóa lần thứ hai, Trụ Trì chùa Vạn Phật ở Chợ Lớn cung thỉnh tôi giảng phẩm Phổ Môn, tôi bèn chấp nhận giảng cho đại chúng. Lúc ấy, do cư sĩ Tịnh Thắng ghi chép lời giảng, nhưng vì quá nửa thời gian cứ mải hoằng pháp ở ngoại quốc, nguyên cảo rốt cuộc để đâu mất, thủy chung không cách nào tìm lại được, đến nỗi chưa thể xuất bản thành sách!

Năm Dân Quốc 56 (1967), tại pháp hội thuyết pháp mỗi tuần ở Bồ Đề Lan Nhã thuộc Singapore, theo yêu cầu của thính chúng, tôi đặc biệt chọn giảng phẩm Phổ Môn, do pháp sư Tịnh Khải dịch sang tiếng Quảng Đông, đồng thời sư cô còn phát tâm đem bản ghi lời giảng mỗi tuần trình cho tôi xem. Xem xong, biết ghi chép không lầm, tôi lại sửa chữa đôi chút, cho đến khi giảng xong, hoàn thành hơn mười vạn chữ.

Hoàn thành bản Giảng Ký này, nếu bảo có kiến giải đặc sắc gì, tôi chẳng dám nhận lấy, chỉ dám thừa nhận là những lời thông tục dễ hiểu. Nhận thấy Phật tử Trung Quốc đọc tụng phẩm Phổ Môn rất nhiều, ắt chẳng ít người muốn hiểu rõ nội dung. Đó là hiện tượng đáng mừng ít có, bởi lẽ chẳng những tin nhận Phật pháp mà còn muốn hiểu rõ nữa.

Nếu tôi không lầm, những bản chú thích liên quan đến phẩm Phổ Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Lục Môn xưa nay thực sự rất nhiều, nhưng những bản khiến đại chúng xem đến có thể hiểu được lại không nhiều. Lúc tôi giảng phẩm này, vì mong đại chúng nghe hiểu được lời giảng, nên chỉ tích cực chọn lấy những điểm nông cạn nơi những nghĩa thẳm sâu, người chép lại cứ chép đúng theo lời tôi giảng, lại vận dụng tài viết lách sắp xếp lại, khiến cho bản Giảng Ký này rất dễ đọc.

Với một phẩm Phổ Môn, đức Phật muốn làm cho hết thảy chúng sanh nhất tâm xưng niệm Quán Âm. Đức Quán Âm một thân vì khắp mười phương chúng sanh thị hiện các thứ sắc thân. Bởi thế, trong mọi hang cùng ngõ tận nước ta, kẻ ngu phu, ngu phụ không ai chẳng biết đến đức hiệu của Đại Sĩ, không ai chẳng tôn phụng thánh tượng Đại Sĩ, đủ thấy Quán Âm Bồ Tát đại từ đại bi rộng nhiếp quần cơ và lợi khắp trời người như thế đó!

Trong thế giới Sa Bà này, có thể nói là Quán Âm Bồ Tát không lúc nào chẳng qua lại quanh quẩn bên chúng ta, vấn đề là mức độ thành kính của chúng ta đối với Bồ Tát như thế nào? Đối với Bồ Tát quý vị thành kính một phần, sẽ gần được Bồ Tát một phần. Đấy là điều tuyệt đối, chẳng còn nghi ngờ chút nào nữa.

Bởi thế tôi nguyện mọi người trên thế giới, nhằm lúc mùa Thu lắm hoạn nạn này, hãy cùng niệm thánh hiệu Quán Âm để cầu Bồ Tát gia bị, hiện đời thân tâm yên vui, mạnh khỏe, đời sau rốt ráo giải thoát!

Singapore, ngày mồng Mười tháng Tám Phật lịch 2511 (1967),
đề tựa tại giảng đường Linh Phong Bát Nhã.