PHẬT THĂM BỊNH
Hạnh Đoan bình thuật
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
Thuở ấy, nước Hiền-đề có một vị Tỳ-kheo già do bị bịnh lâu ngày nên thân thể hôi hám, gầy ốm, nhếch nhác. Thấy không ai đến thăm nom ông, Phật liền dẫn các vị Tỳ-kheo đến chỗ ông, dặn họ thay phiên nhau chăm sóc ông.
Song các Tỳ-kheo thấy ông này quá hôi dơ nên thảy đều tỏ vẻ khi dễ nhờm gớm. Phật liền sai trời Đế-thích đi lấy nước rồi đích thân Ngài tắm rửa cho vị Tỳ-kheo nọ.
Lúc đó quốc vương cùng nhiều quan, dân đến tinh xá, chứng kiến cảnh này liền thưa với Phật:
– Ngài là đấng chí tôn trong tam giới, vì sao còn đến đây tắm rửa cho vị Tỳ-kheo này?
Phật bảo quốc vương và mọi người:
– NHƯ LAI CHÍNH LÀ VÌ NHỮNG NGƯỜI CÙNG KHỔ KHÔNG NƠI NƯƠNG TỰA NHƯ THẾ NÀY MÀ XUẤT HIỆN TRONG THẾ GIAN! QUÍ VỊ PHẢI BIẾT LÀ CHĂM SÓC SA-MÔN BỊNH ĐAU VÀ NGƯỜI GIÀ CẢ NEO ĐƠN SẼ ĐƯỢC PHÚC BÁO VÔ LƯỢNG, SỞ NGUYỆN NHƯ Ý!
Quốc vương nghe xong, hỏi Phật:
– Chẳng hay kiếp xưa vị tăng này tạo tội gì mà đời nay phải mang CƠN BỊNH DAI DẲNG KHÔNG THỂ TRỊ LÀNH?
Phật kể:
“Thuở xưa có một vị quốc vương tính tình rất ác độc, từng ban cho võ tướng quyền tự do đánh đập người. Mà vị tướng này do ỷ cậy thế vua nên càng hành xử tàn độc, ông mặc tình hành hạ, đánh đập người rất tàn nhẫn, bởi vậy nhân dân trong nước đều sợ ông. Lúc đó có một hiền giả bị người vu hại, phải nhận hình phạt đánh đòn. Trước khi võ tướng ra tay, vị hiền giả này đã phân trần giải thích:
– Tôi là đệ tử Phật, thuở giờ chưa từng làm điều gì có lỗi, lần này tôi bị người hãm hại vu oan, xin ông hãy khoan thứ cho!
Võ tướng nghe nói thế liền buông roi xuống, ra lệnh phóng thích hiền giả.
SAU KHI VỊ TƯỚNG CHẾT, NHIỀU ĐỜI ÔNG BỊ ĐỌA VÀO BA NẼO ÁC THỌ KHỔ BÁO, LUÔN GẶP CẢNH BỊ ĐÁNH ĐẬP, ĐÒN ROI.
Đến đời này tuy được mang thân người, song lại mắc bịnh nặng, THÂN THỂ LÚC NÀO CŨNG ĐAU ĐỚN, NHỨC NHỐI NHƯ BỊ TRA TẤN.
Vị quốc vương ác thuở xưa là Đề Bà đạt đa, viên võ tướng ỷ quyền đánh đập người chính là Tỳ-kheo bịnh hoạn này, còn vị hiền giả chính là tiền thân ta”.
Nhờ đời trước võ sĩ khoan dung không đánh đòn ta, chút nghĩa tình thuở ấy chiêu cảm thiện báo, nhân lành không hề mất nên đời này, được ta đích thân tắm rửa tẩy uế cho ông ta.
Người đời phải hiểu rằng khi tạo ra nghiệp thiện, ác là họa phúc luôn theo bên mình, cho dù có chết đi cũng không thoát khỏi báo ứng.
Rồi Phật nói kệ:
Vọng ngôn vu hại người
Roi trượng đánh lương dân
Báo ứng lãnh gấp mười
Chịu nạn tai vô số.
Sống bịnh nặng dai dẳng
Thân hôi xấu, nhức đau
Khổ não theo suốt đời
Chết rồi còn hoảng loạn
Hại người một, đau mười
Báo ứng theo không rời
Người khôn nên hành thiện
Để Mình, người, đều vui.
Khi đó vị Tỳ-kheo bịnh nghe Phật khai thị xong, tự nhớ được kiếp trước của mình, lòng rất ăn năn tự trách, ông đứng dậy y áo chỉnh tề, đầy đủ oai nghi đảnh lễ sám hối Phật. Lập tức thân an trí định, ông chứng quả A-la-hán ngay trước Phật.
(Trích từ sách đã in TRUYỆN CỐ PG CHỌN LỌC Hạnh Đoan DỊCH)
Bình:
Chúng ta ai cũng bịnh, mỗi người một kiểu. Bịnh hành hạ lắm lúc khiến ta tuyệt vọng chán đời.
Nếu ta đã sám hối, ăn chay, trì kinh, giữ giới nghiêm nhặt… mà bịnh vẫn không thuyên giảm, thì hãy mừng là ta đang dược dịp đền trả cho tiêu hết ác nghiệp xưa. Khi nghiệp cũ đã trả xong mà nghiệp mới ta cẩn trọng không gieo nhân ác tiếp, thì ta sẽ được thọ hưởng tháng ngày an lạc về sau.
Chúng ta phải mừng là: Dù bịnh, nhưng mình được biết Phật pháp, có được pháp hay để hành trì, đó là phúc báu hi hữu cao tột ngàn đời mới gặp, mà không phải ai cũng có.
Thân này có thể hoại, có thể rã tan, nhưng tâm ta nhờ biết đạo, nhờ kiên trì hành pháp mà ta được giải thoát, an lạc, nếu ta tu đúng, hành đúng.
Vì vậy khi bịnh, xác thân dù đau đớn cực cùng, nhưng ta hãy ráng giữ tâm tỉnh giác KHÔNG bị ĐAU gieo ảnh hưởng xấu. Đừng để cơn đau xác thân làm ta mất niềm tin nơi Phật pháp, đừng để cơn đau làm ta khởi niệm oán, rồi than trách: Chư Phật, Bồ tát không chịu cứu ta, các Ngài bỏ rơi ta! – Dù ta tu hết sức chân thành, dù ta tu rất giỏi, rất tinh tấn.
Nếu ta đã sám hối, trì kinh, ăn chay… thực hiện đủ cách, mà bịnh vẫn nặng? Thì hãy mừng là nhờ ta tu nên thay vì tương lai ta phải thọ khổ địa ngục, hôm nay được đền trả ngay trong hiện kiếp.
Khi báo ứng nhân quả vận hành, nếu có giúp thay đổi được nhờ sức tu thì chỉ là: Quả nặng được rả nhẹ, quả nhẹ thành không.
Tôi nhớ khi dịch chuyện vong người anh cứ theo báo oán người em, một hành giả cao minh đã giúp đỡ bằng cách: Đọc chú Uế tích thỉnh diêm vương đến rước vong người anh cho đi đầu thai giùm và Diêm vương có xuất hiện đẫn vong người anh đi thiệt.
Nhưng một tiếng sau, lại thấy vong người anh quay về quậy tiếp. Vị sư liền hỏi diêm vương thì được bảo là:
Khi diêm vương về tra sổ lại, thấy rõ người em này đã có nợ rất sâu với người anh nên người anh được quyền báo thù. Đó là nhân quả giữa hai người họ, mà diêm vương không có quyền can thiệp. Muốn chuyện bình an ổn thỏa thì người trong cuộc phải tự hóa giải, bằng không thì phải chịu vận hành theo luật nhân quả.
Khi dòng họ thích ca bị Tỳ Lưu Ly thảm sát, đức Phật cũng không cứu được, không can thiệp được vì đó là báo ứng nhân quả!
Cho nên Phật luôn dạy chúng ta phải cẩn trọng khi gieo nhân.
Bồ tát hiểu rõ nhân quả nên rất thận trọng khi gieo nhân, còn chúng ta mê muội nên chỉ biết sợ quả.
Chuyện tu hành giữ giới, chỉ có tác dụng giúp làm nhẹ bớt, giúp xoa dịu bớt, giảm bớt ác báo phải trả, chứ không thể làm tiêu tan ác nghiệp nặng. Nếu ta đã tạo tội nặng như núi thì phải chấp nhận trả báo, nhưng nhờ lực Phật pháp gia hộ mà ta có đủ sức trả mà tâm tư luôn tỉnh, không than oán.
Tôi biết có người bị cùi nhờ sám Đại Bi mà hết
Có người bị ung thư, nhờ lạy Thủy Sám mà hết
Có người bị bịnh nặng nhờ tụng kinh Địa Tạng và sám hối mà hết.
ĐÓ LÀ DO TỘI NGHIỆP HỌ NHẸ, CÓ THỂ HẾT ĐƯỢC.
Bản thân tôi, khi bịnh, cũng tụng kinh, sám hối, trì chú… hành đủ cả. Có những bịnh tôi thấy hết hoặc thuyên giảm, nhưng có bịnh tôi vẫn phải mang theo suốt đời và thầm hiểu đó là quả báo phải trả và mình chỉ có an tĩnh chấp nhận.
Nhiều lúc đau đớn, tôi nghĩ: Giả như mình không đi được thì sao nhỉ? Đúng là rất đáng lo, nhưng nếu tôi còn khối óc tỉnh táo và đôi tay gõ bàn phím được thì vẫn còn phúc lớn, vì tôi có thể làm việc được.
Xin cảm ơn cuộc đời đã cho con những đau khổ để tỉnh giác. Con mừng vì mình được biết Phật pháp, có niềm tin sâu để thực hành. Vì vậy chuyện bịnh hoạn vẫn là chuyện nhỏ. Chỉ cần tâm con tỉnh giác, biết hành pháp, thì mọi thứ sẽ ổn. Vì bịnh cũng chết, không bịnh cũng chết, buồn cũng bịnh, không buồn cũng bịnh… Thì thôi, cứ giữ tâm thư thái của người một con biết pháp Phật: Điềm nhiên đón những gì đến với mình, mà không trách than hay khởi niệm loạn động. Chính sự tỉnh giác này sẽ giúp ta ra đi bình an và đến cảnh giới tương ưng nhờ tâm ý sáng suốt thiện lành.
Hạnh Đoan 13/8/2019