CHUYỆN ĐUỐI NƯỚC
Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Tháng năm 1975 đoàn nữ tu sĩ chúng tôi rời núi Tương Kỳ dời xuống Long Thành, vào đóng đô trong khu rừng khỉ ho cò gáy mang tên “Thiền Viện Viên Chiếu”. Công việc bắt đầu vất vả hơn. Ngoài việc phá rừng khai hoang chúng tôi còn đối mặt với đặc sản nơi đây: Muỗi sốt rét hoành hành! Chúng tôi luân phiên ngã bệnh, luôn phải uống ký ninh ngừa sốt rét, người nào cũng xanh dờn, không khỏe.

Các bác sĩ bằng hữu thỉnh thoảng ra thăm, khám sức khỏe cho chúng tôi và nhắc nhở:

– Quý vị tranh thủ nhín thời gian đi tắm biển đi!

Do thường xem các sách Khoa Học, Sức khỏe và đời sống… nên đa số chúng tôi đều biết tắm biển có nhiều lợi ích như sau:

1. Muốn tắm biển chữa bệnh, tốt nhất là nên tắm từ sáng sớm đến khoảng 10 giờ.

2. Tắm biển giúp tăng cường sinh lực, kích thích hoạt động của bộ máy tiêu hóa và hệ tuần hoàn. Giúp ăn ngủ ngon, tinh thần sảng khoái, giúp hệ bài tiết hoạt động tốt hơn, các chất cặn bã được thải ra qua các lỗ chân lông và da được nước biển sát trùng sạch…

3. Nước biển là kho dược liệu khổng lồ, giúp chữa trị và phòng ngừa rất nhiều bệnh, giúp diệt trừ nấm mốc trên da, chữa bệnh eczema và bệnh vẩy nến, góp phần giải độc cho cơ thể. Nước biển chứa nhiều khoáng chất giúp ích cho cơ thể, nhất là iốt – vì thiếu hụt chất này sẽ gây bướu cổ.

4. Muối khoáng trong biển tiếp xúc với hệ hô hấp có thể giúp điều trị bệnh viêm mũi. Muối biển giúp khỏe xương và phòng bệnh loãng xương. Chất kiềm hóa của muối biển giúp cân bằng độ pH của não và thận.

5. Khi cơ thể tiếp xúc trực tiếp với sóng biển, các cơ bắp toàn thân phải hoạt động liên tục khiến cho quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể được đẩy mạnh, tắm biển là một biện pháp hữu hiệu cho những người đang có vấn đề về tim mạch, huyết áp cao, mỡ máu v.v…

6. Sóng biển có tác dụng massage nhẹ, cung cấp thêm oxy cho cơ thể, cải thiện hoạt động của mạch máu, làm giảm huyết áp. Nước biển có tác dụng tăng cường khả năng tự bảo vệ cơ thể, giúp cải thiện lưu thông máu, làm tăng hồng cầu và ổn định nhịp tim. (Vì vậy, bác sĩ chuyên khoa tim thường chỉ định cho bệnh nhân của mình tắm biển ở mức vừa phải).

7. Trong lòng biển chứa rất nhiều các ion âm, giúp cơ thể bài tiết tốt. Các ion âm giúp tăng cường trí não, tinh thần sảng khoái có được giấc ngủ tốt. Nước biển mặn cung cấp những ion âm có tác dụng trung hòa sự dư thừa các chất độc hại cho cơ thể, chống stress, giải tỏa mệt mỏi, điều trị hiệu quả bệnh thấp khớp và chấn thương. Nước biển giúp nhịp thở sâu hơn nên cơ thể hấp thụ nhiều oxy hơn. Bơi 100m trong nước biển tương đương với việc chạy bộ 1km.

8. Lòng bàn chân con người tập trung hơn 200.000 đầu dây thần kinh, muốn hỗ trợ tốt cho sức khỏe, thì nên massage lòng bàn chân bằng cách đi dạo chân trần trên bờ biển, sẽ hấp thụ được một lượng lớn ion âm, hỗ trợ mạnh cho hệ miễn dịch.

9. Có thể đi trong nước dọc theo bờ biển, lựa mực nước ở ngang bắp chân, đây là trị liệu tốt nhất cho đôi chân nhức mỏi. Tiếp đến có thể đi trong nước với mực nước cao dần lên tới đùi, giúp phục hồi năng lượng và cải thiện tuần hoàn. Chú ý giữ chân và đầu gối thẳng khi di chuyển. Nước càng cao thì hiệu quả càng lớn.

10. Cát biển cũng giúp ích cho xương. Hơi nóng của cát biển có tác dụng chữa bệnh khớp mãn tính và chứng còi xương. Khi nhiệt độ cát nóng khoảng 30 – 400C, nên phủ cát trên cơ thể, giúp tác động đến hệ thần kinh và tim mạch. Mỗi lần chỉ nên đắp cát từ 15 – 30 phút. Chất silic trong cát nóng có tác dụng rất tốt đối với hệ xương khớp”.

Do vậy mà tắm biển được sắp vào môn trị liệu hỗ trợ sức khỏe cho Ni chúng. Những lúc thấy chúng lao động cơ cực, sức khỏe suy, cô Trụ trì luôn đặc cách cho chúng được đi tắm biển. Chùa không có thời gian rảnh nhiều, nhín nhút lắm thì mỗi năm có thể được tắm một lần.

Năm nay 2018 cũng vậy, thương chúng làm nhiều, mệt nhọc, cô Trụ trì Viên Chiếu đã cho chúng đi tắm biển, chị Hạnh phước là Phó Trụ trì, có nhiệm vụ dẫn chúng đi.

Tất nhiên là phải chọn chỗ vắng vẻ, ít người tắm.

Lúc này khoảng 7g 05 Các ni đã đến nơi và đang ngồi trên bờ đón gió biển.

Viên Tuyền bắt đầu đi dọc theo bờ biển, nước cao hơn đầu gối một chút, ngay lúc đó em bỗng bị vọp bẻ nên cúi xuống xoa bóp chân, thì sóng dữ bỗng đánh vào, Viên Bích đang đi cùng vội nắm tay Viên Tuyền nhưng cả hai đồng té xuống và bị sóng dữ cuốn ra xa. Lúc này các cô vội nhào ra tiếp cứu, Hằng Chiếu, Viên Kha, Tịnh Vân, Viên Chuyên, Viên Tiên… đồng ùa ra, đồng nắm chặt tay nhau mong cứu bạn, nhưng vì sóng đánh nhồi vật quá mạnh nên tất cả đều đuối sức, Viên Kha tuy biết bơi nhưng cũng đã rất đuối, em gắng gượng kêu Bích và Tuyền hãy bám lấy vai em, nhưng Bích và Tuyền nhìn thấy Kha đã kiệt sức mà sóng cuốn quá mạnh nên Bích bảo Tuyền: Mình nên buông tay ra để cho chị Kha được sống….

Thế là cả hai buông tay. Biết là không còn hi vọng gì, Viên Kha cố gắng buộc áo Viên Tuyền và Viên Bích lại với nhau, mong cứu hộ sẽ dễ tìm thấy hai em… rồi Kha nằm yên thả nổi, không còn sức để bơi.

Khi các cô được ca nô đến cứu, thì Viên Kha, Tịnh Vân, Viên Tiên… sau khi cấp cứu đều được hồi sinh, Xem như những vị biết bơi, thả nổi… thì còn cứu được.

Ban cứu hộ tìm được Viên Tuyền Viên Bích đưa vào bờ, nhờ áo hai em đang buộc chung với nhau. Viên Tuyền đã chết, còn Viên Bích được chuyển đi cấp cứu, nhưng em cũng tắt hơi tại bệnh viện.

Bốn tiếng sau, xác Hằng Chiếu mới nổi lên dạt vào bờ.

Riêng Viên Chuyên mất tích không tìm thấy, qua hôm sau mới tìm được, vì xác em trôi xa ngót 10km, xuống tận bến cảng Phước Tỉnh.

Tôi không biết mặt các em, vì tôi bế quan không tiếp khách. Nhưng khi nghe tin bốn em đuối nước, tim tôi nhói đau, tôi chợt nhớ tới đức Phật, ngài bị mất người thân thê thảm hơn: Cả dòng họ Thích bị vua Lưu Ly tàn sát trong một ngày (do kiếp trước dân họ Thích làm nghề chài đã giết con cá to là Tỳ Lưu Ly nên giờ phải trả báo). Chẳng biết nỗi đau này ra sao? Ai bảo giác ngộ rồi là không biết đau, không biết buồn? Phật phải chịu đựng những mất mát to lớn hơn phàm phu chúng ta rất nhiều. Song trước thảm họa này, Phật luôn giảng về nghiệp báo nhân duyên, kể chuyện dòng họ ngài là bằng chứng “nhân quả báo ứng” thiết thực nhất, để răn nhắc người mong họ dứt ác, tu lành. Nhưng ít ai tin, vì người ta vẫn sát sinh mạnh tay.

Tôi cũng đã luân hồi vô vàn kiếp, chẳng dám tuyên bố mình không có lỗi lầm, hay không có tội ác. Nói như kinh Địa Tạng thì chúng sinh ở cõi Ta bà này: Nhất cử nhất động đều luôn phạm lỗi.

Vì vậy mà tôi cũng không bảo đảm về cái chết của mình: Chết an toàn, ở nhà, trên giường hay đột tử? Có điều chắc chắn là tôi phải chết, chết là thể xác, còn là tinh anh. Xác thân phải bỏ lại, nhưng cái có thể mang theo là thiện nghiệp, nội tâm trong sáng. Được vậy thì hướng đến tương lai không đáng lo.

Bốn cô ni nhỏ này tôi không hề biết mặt, nhưng vừa nhận hung tin tim vẫn cứ đau. Đã biết sinh tử là chuyện tất nhiên của đời người, đâu ai thoát khỏi cái chết? Nhưng đa số mọi người ai cũng thích chết trên giường, chết ở nhà. Không ai muốn chết bất ngờ như vậy.

Tôi thông cảm nỗi đau của Viên Kha: Mình biết bơi, nhưng yếu sức không cứu được, đành nhìn hai em buông tay từ giã cuộc sống trước mắt mình. Kha còn tỉnh sáng để kịp buộc áo hai em lại, chắc là khi đó nước mắt tuôn trào, lòng quặn đau? Kha sẽ nhớ mãi câu nói của các em: Phải buông tay ra cho chị Kha được sống…

Giây phút tử biệt này, sóng dữ đâu cho thời gian để mình nói lời vĩnh biệt, mà không ai còn hơi sức để nói! Người ở lại mang niềm đau trong tim, người ra đi cố giữ tâm bình tĩnh, sáng suốt để đối mặt với cái chết, không bị loạn tâm hay hoảng sợ, cho xứng với cương vị là tu sĩ, là đệ tử Phật…

Hung tin bay về, tim đau đến nỗi dư luận không là gì hết, như hóa chai lì trước những câu mắng của bao người bàng quan:

– Tu mà còn đi tắm biển? Chết là đáng kiếp!

– Tại Không tu hành nên bị mới bị chết dữ như vậy đó!

– Làm mang tiếng Phật giáo…

Những câu nói này vẫn không đáng buồn bằng nỗi đau mất mát.

Cái chết không chừa ai, luôn đến bất ngờ, có đủ muôn hình vạn kiểu, không hạn cuộc tu sĩ hay thế tục. Điểm lại những cái chết của tu sĩ trong mấy thập niên gần đây, tôi thấy: Tu sĩ đi thọ giới cũng chết, làm từ thiện cũng chết, đi đường cũng chết, tắm biển cũng chết… Nhưng là tu sĩ mà bị chết ngoài đường thì bị lên án nhiều hơn.

HT.Thích Minh Cảnh Giám đốc Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang đã giải thích:

Một số người chưa hiểu biết tận tường về Nghiệp lực nên mỗi khi thấy người tu bị tai nạn thì cho là do tu không đàng hoàng. Phê bình vậy là không đúng!

Có những người tạo các công đức lớn, nhưng chỗ thọ thân và điều kiện sống ở đây không xứng đáng nên họ bỏ thân mạng để chuyển sang nơi cảnh giới tốt đẹp, nhận cuộc sống an lạc hơn.

Hay cũng có những người làm tội ác quá lớn, cũng bị chết ngay, rời bỏ cảnh giới này để đọa vào cách giới khác trả nghiệp. Theo tôi, việc ra đi (chết) do bệnh tật hay tai nạn đều là một quá trình thay đổi – rũ bỏ cuộc đời này để bước sang cuộc đời mới – căn cứ trên hành trạng và nghiệp lực của từng cá nhân”.

Tôi cũng muốn kể thêm vài câu chuyện trong bản dịch của mình:

Lúc ngài Hư Vân cùng vài tu sĩ lên núi triều lễ và bị lạc đường. Họ đã gặp cọp, mãng xà. Khi chú tiểu Thánh An lộ vẻ hoảng sợ, thì ngài Hư Vân đã nói:

– Đừng sợ, nếu số chúng ta chưa hết thì sẽ sống!

Như vậy có nghĩa là: Nếu ta tới số thì sẽ chết! Mà mạng đã tận, số đã hết thì không thể nói “giá như, phải chi”… để cứu vãn cuộc diện, để mong người có thể tồn sinh….

Ngài Mục Liên trên đường hoằng pháp đã bị ngoại đạo lăn đá hãm hại, khiến ngài chết thân thể dập nát.

Ngài là bậc đức hạnh cao tột, có thần thông, tất nhiên thừa sức để tránh né cuộc tấn công của ngoại đạo, nhưng ngài vẫn đứng yên chịu chết, vì muốn cho chúng sinh hiểu rằng: Dù là Phật hay Thánh tăng… một khi báo ứng đến đều phải nhận lãnh, không ai thoát được nhân quả.

Người tu có thể hoạnh tử, có thể chết dữ giống mọi người, nhưng có một điều khác với người không tu là: Nội tâm phải thường tỉnh sáng, để lúc vong thân không mê muội, sẵn sàng đối diện và đón nhận cái chết đến. Vì tử vong là đoạn đường mà ai cũng phải bước qua.

Còn nếu nói chết nước khó siêu, hồn sẽ bị ở mãi trong nước? Tôi xin dẫn chứng câu chuyện như sau:

Tướng quân Lý Mật vào thời Đường phụng mệnh chinh chiến, khi bại trận ông cùng chư tướng sĩ trầm mình tuẫn tiết nơi sông Nhĩ Hải. Ông được chuyển sinh làm Thần, nhưng tất cả những người đồng chết theo ông, tùy theo nghiệp riêng mà có số vẫn theo làm thuộc hạ Tướng quân Lý Mật, có số chuyển sinh làm cá hay các loài súc sinh khác… còn một số đến nay vẫn còn làm quỷ ở trong sông này, trải hơn ngàn năm rồi mà tuổi thọ kiếp quỷ chưa hết. Nên từ đó đến nay họ vẫn còn ở trong nước, luôn giãy giụa kêu cứu, vì mỗi khi họ bơi đến bờ, thì nước lại dâng cao, nhấn chìm; khiến họ không làm sao trèo lên bờ được, đành phải ở trong dòng nước chịu đói lạnh, thống khổ, kêu rên…

Chúng quỷ kể với Quả Tịnh (là người có khả năng giao lưu với chúng rằng):

Hôm nay nhờ quý vị vì chúng tôi truyền Tam quy, nhờ vậy mà chúng tôi có thể ra khỏi nước.

Chứng tỏ rằng chỉ cần hồi tâm hướng Phật, có phúc duyên qui y Tam bảo tất sẽ được thoát khổ.

Huống chi các em đuối nước kia, ba vị là Tỳ kheo ni, một vị là Thức xoa, đều đã xuất gia thọ giới, tất nhiên không thể tự giam mình trong nước mãi như mọi người lo.

Nếu nói đột tử, hoạnh tử khó siêu thì tôi xin dẫn chứng câu chuyên trong Báo ứng hiện đời tập 5:

Có một vị cư sĩ ở Vạn Phật Thành bị tai nạn xe, tử vong.

Vị cư sĩ này xa người thân mấy năm nay chưa gặp lại, hôm đó là ngày trùng phùng. Ông lái xe ra phi trường đón thân nhân, trên đường về, lúc sắp đến Vạn Phật Thành thì xảy ra tai nạn, thân quyến ông bị thương nhẹ, chỉ mình ông tử vong.

Có người hỏi Hòa thượng Diệu Pháp:

– Vị cư sĩ này bỏ gia quyến ở Đài Loan, một mình đến vạn Phật thành công quả, tình nguyện làm giáo sư giảng dạy cho học sinh Vạn Phật Thành. Tâm ông rất tốt, nhưng vì sao lại gặp nạn chết dữ như vậy?

Hòa thượng Diệu Pháp đáp:

– Người này là Bồ tát tái lai, đến đây phụ giúp sư Tuyên Hóa! Bản nguyện của ông là hộ trì Phật pháp! Nhưng ông bị hoạnh tử là do phải trả nợ oan khiên tiền kiếp, đồng thời cũng muốn thông qua đây cảnh tỉnh thế gian: Mạng sống vô thường, phải tu hành tinh tấn!

Bởi do đời quá khứ ông từng làm hại một đôi chim lớn, nên hôm nay khi ông từ phi trường về, thì đến thời điểm phải trả báo, nên ông bị vong linh hai con chim (oan gia tiền kiếp) này giương cánh ra trước kính xe che khuất tầm nhìn, khiến ông không thấy đường lái, tông vào cột, bị tử nạn!

Thực tế thì cư sĩ này đã dự biết trước ông sẽ chết, nên đã dặn dò gia đình những điều cần, song không nói rõ ra. Ông đón người thân qua để họ có dịp tiễn đưa mình trong giây phút cuối mà thôi.

Phàm phu chúng ta không hiểu biết thì chẳng nên buông lời phê phán hồ đồ, tránh tạo nghiệp khẩu xấu, phạm lỗi lớn.

Viên khuê kể rằng, em và Viên Bích có dự tính sẽ cùng đi chiêm bái thánh địa Phật tích nơi Ấn Độ, nhưng Viên Bích đã nói trước những lời giống như báo điềm:

– Chắc em không đi Ấn Độ cùng chị được. Nếu em có chuyện gì, thì chị lo cho mẹ em giùm nhé (vì mẹ Viên Bích cũng đi tu).

Hôm hỏa táng, nhỏ Hương kể thấy lửa thiêu quan tài Viên Bích hiện hình hoa sen.

Tôi được biết các em vừa mất đi tính rất ngoan, tu siêng, học giỏi, sống hòa đồng với chúng. Các em ra đi để lại nhiều tiếc thương. Nhưng với tôi quan trọng không phải mình sống dài hay ngắn, ít hay nhiều, mà là những lợi ích mình đem đến cho đời.

Sống không hổ thẹn, ra đi không luyến tiếc, đó là điều hạnh phúc nhất. Vẫn tốt hơn là mình còn sống sờ sờ, mà xa mình người ta mừng bắt chết, nghe tin mình đi vắng, người ta thở phào nhẹ nhõm, mặt hớn hở tươi vui. Còn chỉ thoáng thấy bóng mình thôi, thì mặt họ đã tối sầm ngao ngán… sống như vậy chứng tỏ là mình: Đã chết trong lòng người ngay khi còn sống, bởi mình sống toàn chỉ gây tổn thương, thiệt thòi, họa hại!… điều này xảy ra với người thế tục thì không cần bàn, nhưng với tu sĩ thì thực là đáng trách, khi bản thân ta lâm vào tình trạng này thì không thể than oán người, mà phải tự thức tỉnh, lo chỉnh sửa tự thân cho tốt. Chứ nếu không, dù ta có chết lành, chết ở nhà, nằm trên giường thì cũng không bảo đảm là ta sẽ sinh vào cõi lành, khi tâm ta không lành. Do không lành nên mới ta gieo đau khổ, tổn thương cho người chung quanh.

Có những trường hợp chết thảm, nhưng lại sinh về cõi Đâu Suất thiên hay Đao Lợi thiên vì đã hi sinh mạng mình để cúng dường Tam bảo hay cứu người, những câu chuyện này có nhiều trong Đại tạng kinh.

Cô Trụ trì Viên Chiếu nếu nhận xét khách quan, thì cô đúng là bóng mát, là chỗ nương cực kỳ tốt cho Ni chúng.

Cô sống rất hòa đồng, luôn cảm thông và quan tâm chăm lo cho chúng, cư xử tâm lý, tế nhị, lịch sự.

Điều cần thiết cho một vị Trụ trì là đức độ, lòng từ ái. Cô có đủ những đức tính này, nhờ vậy mà chúng mới tụ hội đông, vui sống an hòa dưới sự che chở của cô.

Hôm nay, Viên Chiếu mất bốn người trong một lúc. Cô là Trụ trì, là Sư phụ, tất nhiên ôm lấy niềm đau không nhỏ. Lại còn phải lắng nghe búa rìu dư tuận phê phán tàn nhẫn không tiếc thương. Nhưng làm sao mình có thể ngăn giông bảo trên trời rơi xuống? Thôi thì hãy để thiên hạ phê bình như họ muốn. Em mong rằng cô sẽ không bệnh, không ngã quỵ (dù em mới nhận tin thôi thì đã ngã lăn quay) Em cầu mong cô luôn khỏe, đủ sức chịu đựng, để tiếp tục độ sinh và dìu dắt hàng hậu bối thật tốt như cô đã từng làm.

Hạnh Đoan – Đầu xuân 2018