PHẬT HỌC ỨNG DỤNG
Hòa Thượng Thích Thái Hòa

 

NGỎ

Bát chánh đạo là giáo lý xuyên suốt của Phật giáo từ khởi điểm đến phát triển. Đây là giáo lý đức Phật thuyết giảng đầu tiên tại Vườn Nai (Mṛgadāva) cho năm anh em Kiều-trầnnhư (Kondñña), trước khi Ngài trình bày giáo lý Tứ Diệu đế, và đức Phật cũng đã thuyết giảng Bát chánh đạo sau cùng cho Tôn giả Tu-bạt-đà-la (Subhadda), tại rừng Câu-thi-nayết-ra (Kuśinagara), trước khi Ngài nhập Niết-bàn. Nên, Bát chánh đạo là giáo lý xuyên suốt trong cuộc đời chuyển vận pháp luân của đức Thế Tôn.

Ở trong Đạo đế, Bát chánh đạo vừa là đạo và vừa là trợ đạo. Bát chánh đạo liên hệ chặt chẽ với các pháp trợ đạo như Ngũ căn, Ngũ lực, Tứ niệm xứ, Tứ như ý túc, Tứ chánh cần, Thất bồ đề phần và ngay cả pháp quán chiếu lưu chuyển và hoàn diệt đối với pháp mười hai duyên khởi.

Chánh kiến ở trong Bát chánh đạo, không phải chỉ thấy rõ sự thật của Khổ, Tập, Diệt, Đạo mà còn thấy rõ sự thật trong Khổ có Tập, trong Tập có Khổ; thấy rõ sự thật trong Đạo có Diệt và trong Diệt có Đạo…

Hành giả thể nhập Chánh đạo qua thực hành các pháp trợ đạo và nhờ thực hành các pháp trợ đạo, khiến các thiện pháp vô lậu phát sinh, làm cho hành giả thể nhập Thánh đạo giải thoát.

Bát chánh đạo cũng gọi là giáo lý Trung đạo, vì nó giúp hành giả vượt ra khỏi hai cực đoan là ép xác khổ hạnh và buông lung trong các dục, chấm dứt sanh tử, để thành tựu đời sống an tịnh của Niết-bàn ngay trong hiện thế.

Giới-định-tuệ cũng từ bản thể của Bát chánh đạo mà đức Phật thiết lập. Bản thể của Bát chánh đạo là Niết-bàn, gồm đủ cả bốn chất liệu “thường, lạc, ngã, tịnh”. Thường là tâm thể sáng trong không còn phiền não khởi hiện hay biến diệt; Lạc là trạng thái tâm thể vắng bặt hoàn toàn về khổ và tập; Ngã là tâm thể ở vào trạng thái tự tại không bị ràng buộc bởi năm uẩn và Tịnh là tâm thể luôn luôn ở trong trạng thái an tịnh và toàn giác.

Vì vậy, Bát chánh đạo là tâm thể của Giới-định-tuệ, và cốt lõi của Đạo đế. Đạo đế là cốt lõi của Tứ Diệu đế và Tứ Diệu đế là cốt lõi của Tứ hoằng Thệ nguyện. Tứ hoằng Thệ nguyện là phát triển từ Tứ Diệu đế; Tứ Diệu đế phát triển từ Đạo đế; Đạo đế phát triển từ Bát chánh đạo; Bát chánh đạo là từ thể tính tịch tịnh của Niết bàn mà biểu hiện.

Do đó, Bát chánh đạo là giáo lý xuyên suốt của Phật giáo từ khởi điểm đến phát triển, nên Bát chánh đạo được xem là cương lĩnh của Phật học và Phật học ứng dụng để hội nhập Niết-bàn, thể chứng thể tính của tâm bất sanh, bất diệt, bất thường, bất đoạn, bất lai, bất khứ, bất nhất, bất dị.

Tập sách này, trước khi xuất bản có tên là Phật Học Cương Lĩnh, nhưng nay đổi thành Phật Học Ứng Dụng để thuận lợi cho sự phổ cập đến mọi thành phần xã hội.

Trong tập sách này có những gì lợi ích, thì đó là công lao của Thầy Tổ, Thiện hữu tri thức và tất cả mọi người, nhưng có gì thiếu sót thì đó là của tôi.

Chùa Phước Duyên – Huế, ngày 15- 4- 2014
Bhikkhu Thích Thái Hòa