PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN
PHẨM THỨ 6 – KINH VÔ LƯỢNG THỌ
TẬP 4
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: tại Nhật Bản.
Thời gian: ngày 05 tháng 5 năm 2015

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học!

Mời xem trang 20, dòng thứ ba của bổn kinh. Chương 10 chỉ có một nguyện, nguyện này cực kỳ quan trọng: Lúc con thành Phật, mười phương chúng sanh nghe danh hiệu con chí tâm tin ưa, tất cả thiện căn, tâm tâm hồi hướng nguyện sanh cõi con, dẫu chỉ mười niệm, nếu chẳng được sanh chẳng giữ lấy Chánh Giác. Duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp. Đây là nguyện 18, là nguyện cốt lõi trong 48 nguyện, cũng là nguyện quan trọng nhất.

Tịnh Tông của Nhật có phần Bản nguyện niệm Phật, chính là căn cứ vào cái nguyện này. Bản nguyện niệm Phật liệu có hành theo được không? Được, không phải không được, nhưng nhất định phải hiểu cho rõ ràng minh bạch. Nếu như nói, chúng ta phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ chỉ tuân thủ mỗi nguyện này, 47 nguyện còn lại đều không cần thì e rằng không thể vãng sanh. Nhất định phải hiểu vấn đề này: 48 nguyện trong Kinh Vô Lượng Thọ, mỗi một nguyện đều hàm chứa 47 nguyện còn lại, bất kỳ một nguyện nào cũng đều viên mãn trọn vẹn. Như thế thì đúng rồi, không được chấp trước vào một nguyện này.

Những phần khác, bạn xem, Thiện Đạo Đại Sư có đề ra năm loại nguyện, đây là nguyện thứ năm đó. Nguyện cuối cùng nằm trong năm nguyện chân thật nhất, chân thật nhất trong nguyện chân thật chính là nguyện 18, tức là cái nguyện này. Nguyện này nói về cái gì? Nói về phút lâm chung. Nếu cả đời bạn chưa hề gặp được Phật Pháp, chưa bao giờ gặp được Tịnh Tông. Nhưng phút lâm chung, bạn lại gặp được thiện tri thức khuyên bạn tin vào Tịnh Độ, tin vào A Di Đà Phật, mười niệm cuối cùng cũng có thể vãng sanh. Liệu có xảy ra chuyện như thế không? Có. Hiện nay vẫn có.

Khoảng hơn hai tháng trước, ở thành phố Sán Đầu thuộc khu vực Quảng Đông Triều Châu, có Tạ cư sĩ. Ông cũng là một nhà doanh nghiệp. Ba năm nay, ông ở trong nước xây dựng giảng đường đạo đức, làm vô cùng thành công. Hiện thời, tôi xem thấy nhiều nơi trong nước đều có giảng đường đạo đức, cũng bắt nguồn từ nơi này của ông mà ra. Giảng đường đạo đức của ông, đến năm nay là năm thứ tư. Thật vậy, cứu được hơn hai vạn người. Giảng đường đạo đức chỉ có 7 ngày, thời gian không dài. Chỉ khoảng một tuần, đến nơi đó tiếp nhận giáo trình giảng dạy của trường. Trong 7 ngày này, có thể thay đổi một kẻ ác thành người lương thiện, đến tham quan cũng biến thành liêm khiết. Tiếp nhận sự huấn luyện này, trong vòng ba năm có hơn hai vạn người chịu quay đầu. Đây là công đức chân thật, không thể nghĩ bàn. Cha của ông cũng là một người tốt, thấy con trai mình làm việc thiện cũng rất hoan hỷ, đều có thể tùy hỷ. Nhưng ông cụ không biết niệm Phật, trước giờ chưa từng niệm Phật. Lúc bệnh tình nguy kịch, Tạ Tổng rất nóng ruột, ông nói: “Nếu ba của tôi có thể vãng sanh thì tốt biết mấy”. Trước khi tắt thở khoảng hai tiếng, hay nói cách khác, ông cụ chỉ còn sống hai giờ đồng hồ, ông bèn ngồi bên cạnh cha mình. Ba ông đầu óc vẫn còn tỉnh táo, ông hỏi ba mình rồi giảng cho cha rằng: “Thật có thế giới Cực Lạc, ba có tin không?”. Không ngờ rằng, cha ông gật đầu. Không còn hơi sức để nói chuyện nên chỉ gật đầu. Ông lại nói tiếp: “Thật có A Di Đà Phật!”, ông cụ cũng gật đầu, Tạ Tổng bèn nói: “Vậy tốt rồi! Con sẽ niệm Phật, ba hãy cùng niệm với con nhé”. Niệm suốt hai giờ đồng hồ, đến lúc ông cụ tắt thở, rất nhiều người có mặt tại hiện trường thấy được hoa sen, còn ngửi thấy mùi hương kỳ lạ. Ông cụ thật sự vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc rồi. Đây chính là minh chứng cho nguyện 18 này.

Một đời chưa hề niệm Phật, chỉ có hai tiếng trước phút lâm chung; con trai khuyên cụ, ông cụ gật đầu. Đương nhiên, trong chuyện này do được Phật lực gia trì, con trai trong ba năm làm nhiều việc tốt như vậy, độ cho hơn hai vạn người; có thể cải thiện con người từ tà thành chánh, công đức này rất lớn. Vì thế, giảng đường đạo đức hiện nay trong nước mọc lên như nấm, nở hoa khắp nơi. Nếu mọi người có ý định, cũng có thể đến đó trong vòng một tuần. Ở nơi đó học tập một tuần, quả thật có thể giúp bạn chuyển biến. Vì thế, con người có thể dạy tốt được, chỉ bởi không có người dạy cho. Nhân tánh vốn thiện đều hiển thị từ trong giáo dục mà ra.

Trước kia, vào năm 2005, tôi ở Thang Trì làm thực nghiệm, còn phải mất ba tháng mới thu được kết quả. Ông chỉ cần 7 ngày, 7 ngày là đã thu được kết quả. Cựu Thủ Tướng Nhật Bản – ông Hatoyama. Ông ba lần đến Hồng Kông thăm tôi. Tôi có nói với ông về chuyện này nhưng ông không tin: một kẻ xấu, một kẻ không chuyện ác nào mà không làm, một tuần lễ làm sao có thể chuyển biến tốt được?! Thật khó tin, không thể tin nổi. Tôi bèn khuyên ông: “Ông hãy đi xem thử xem”. Ông đích thân đi xem thử, hình như ông còn ở đó ba ngày. Ông ở đó ba ngày, còn viết cho tôi một bức thư, viết rất dài. Nói rằng, ông bội phục đến năm vóc sát đất. Thấy được rồi, thật sự không hề giả. Ông nói, văn hóa truyền thống Trung Quốc có sức hút lớn đến vậy. Lúc bắt đầu chúng tôi cũng không dám nghĩ đến, cũng không dám tin, hiện nay đích thân xem thấy rồi.

Tôi khuyên ông nên để giảng đường đạo đức du nhập vào Nhật Bản; cử một số cán bộ qua bên đó tiếp nhận huấn luyện. Sau khi học thành công rồi, thì tiến hành thực hiện ở Nhật. Có thể làm thành công không? Tôi tin rằng có thể làm thành công. Bài học đầu tiên của giảng đường đạo đức, trong một tiếng đầu này, chính là nói về thí nghiệm nước của tiến sĩ Giang Bổn Thắng của Nhật, Tạ Tổng xếp bài này thành bài khóa đầu tiên. Bài này học về cái gì? Chủ yếu là chân thật nhận thức được rằng, chúng ta khởi tâm động niệm nước đều biết. Sau đó tiếp tục mở rộng, đó chính là dùng ý niệm trị bệnh của tiến sĩ Hew Len của Mỹ.

Không những nước biết, tiến sĩ Hew Len đến Hồng Kông thăm tôi có nói với tôi, cái bàn biết, cái ghế biết. Chúng ta sống trên lầu, trần nhà biết, sàn nhà biết, bức tường cũng biết. Bạn có thể che giấu được ai chứ? Bạn khởi tâm động niệm không thứ nào không biết, biết quá nhiều rồi. chỉ là bản thân bạn không biết đó thôi. Như nơi này của chúng ta, cây cối hoa cỏ, sông núi đất đai bên ngoài, thảy đều biết tất cả. Nếu biết được chân tướng sự thật này, chắc hẳn không dám khởi ác niệm. Khởi ác niệm quá đáng sợ rồi. Bài học đầu tiên nói với mọi người khái niệm này: Đừng cho rằng khởi tâm động niệm không ai biết, toàn bộ đều biết, cũng như toàn thể vũ trụ cũng biết, chỉ có bản thân bạn không biết thôi. Bài học này nhằm kêu gọi con người giữ chắc lấy tâm của mình.

Trong khóa giáo dục bảy ngày này, bài học được chú trọng nhất chính là giảng về nhân quả báo ứng: thiện niệm, thiện ngôn, thiện hạnh sẽ có thiện quả; ý niệm bất thiện, lời nói bất thiện hay hành vi bất thiện sẽ có ác báo. Không phải không báo, chỉ là thời gian chưa đến mà thôi. Bởi thế, thảy đều cải tà quy chánh rồi. Không những không dám làm việc xấu, ngay cả ý niệm xấu cũng không dám khởi lên; giáo dục được thành công như thế. Năm nay là năm thứ tư ông được chính phủ công nhận và khen thưởng. Ở trước cổng ông có treo một tấm biển, ghi là “Địa điểm giáo dục đạo đức gia đình của khu vực Triều An”. Treo một tấm biển như thế, chính phủ đã thừa nhận ông. Hiện nay loại hình này đang mọc lên như nấm khắp toàn quốc, thật hiếm có! Tương ứng với nguyện 18 nên phụ thân ông ra đi rất tốt lành. Ông còn quay lại một bộ đĩa, bộ đĩa này tương lai tôi hy vọng các đồng học bên này đều có thể xem. Ba ngày sau, lúc nhập liệm, toàn thân mềm mại, so với lúc sống còn mềm mại hơn nhiều, tướng lành hy hữu. Vì thế, chúng tôi tin rằng “mười niệm ắt sanh” là sự thật, không hề giả.

Thiện Đạo Đại Sư chỉ nói ra năm nguyện, đây là một nguyện cuối cùng. Năm nguyện này phải ghi nhớ lấy. Thứ nhất là nguyện 12, nguyện: “Ắt thành Chánh Giác”, không có lấy một chút hoài nghi nào, ắt thành Chánh Giác. Nguyện thứ hai là nguyện 13: “Quang minh vô lượng”. Nguyện 15: “Thọ mạng vô lượng”. Thứ tư là nguyện:“Chư Phật tán thán” và nguyện 18. Năm nguyện này, nguyện 18 “Mười niệm ắt sanh”. Tôi thêm vào một điều trong nguyện 20, vẫn chưa học đến, nguyện 20 là nguyện “Thành A Duy Việt Trí Bồ Tát”, nguyện này cũng hết sức quan trọng. Năm nguyện trọng yếu của Ngài, thêm của tôi nữa là sáu nguyện. Cái nguyện “Thành A Duy Việt Trí Bồ Tát” là nói với chúng ta: vãng sanh đến thế giới Cực Lạc bạn sẽ ở vào địa vị thế nào? Là địa vị của Pháp thân Bồ Tát, quá cao rồi! Cái này có sự cổ động rất lớn cho chúng ta. Chúng ta đời này muốn có thể tu thành A Duy Việt Trí, e rằng chẳng phải chuyện dễ dàng. Địa vị này trên mức của A La Hán, trên cả địa vị của Quyền Giáo Bồ Tát. Vãng sanh thế giới Cực Lạc, sanh vào Thật Báo Trang Nghiêm Độ, địa vị này quá cao rồi. Vì vậy, không ai dám tin. Nguyện này là một nguyện quan trọng trong 48 nguyện.

Bây giờ chúng ta xem đoạn chú giải: “Nguyện 18 là nguyện quan trọng nhất trong 48 nguyện, được các bậc tổ sư từ xưa đến nay công nhận”. Không những lịch đại tổ sư của Trung Quốc mà bao gồm cả tổ sư của Nhật Bản, tổ sư Nhật Bản còn xem trọng nguyện 18 này hơn so với tổ sư Trung Quốc chúng ta. Phần quan trọng nhất nằm ở câu “mười niệm ắt vãng sanh”, vãng sanh Tịnh Độ trở nên quá đỗi dễ dàng. Ở Trung Quốc, trong phần ghi chép về niệm Phật vãng sanh, có “Tịnh Độ Thánh Hiền Lục”, có “Vãng Sanh Truyện”; quả thật chép lại sự việc vãng sanh của Trương Thiện Hòa vào triều Đường. Trương Thiện Hòa không hiểu Phật giáo, cả đời làm nghề giết bò, là người chuyên giết bò, bán thịt bò và giết bò. Cả đời ông làm cái nghề giết hại này không biết bao nhiêu năm. Phút lâm chung, thấy rất nhiều người mang đầu bò, những người đó đều là người bị ông giết chết. Người đầu bò đều tìm ông đòi mạng, ông lớn tiếng kêu: “Cứu mạng!”. Người khác hỏi ông:  “thế nào rồi?” Ông bảo: “có rất nhiều người đầu bò đến tìm ông đòi mạng”. Đây cũng coi như vận khí ông còn tốt, vừa hay có một vị xuất gia đi ngang qua nhà ông, nghe thấy trong nhà có người hô hào cứu mạng, vị Thầy này liền vào bên trong xem thử: nhìn thấy dáng vẻ của Trương Thiện Hòa đang rất hoảng loạn. Vị Thầy này rất nhanh, vội thắp một nén hương đưa cho Trương Thiện Hòa, bảo ông: “hãy niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ!”. Ông liền lớn tiếng niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”, sau khi niệm được vài tiếng thì nói với vị thầy xuất gia: “không thấy người đầu bò nữa, họ đi cả rồi!”. Lại niệm thêm vài tiếng, thì nói với mọi người: A Di Đà Phật đến tiếp dẫn ông. Ông đến Thế giới Cực Lạc rồi! Đây là “mười niệm ắt sanh”, một ví dụ cực kỳ tốt.

Lại nữa vào triều Tống, có một vị xuất gia là pháp sư Oánh Kha. Rất nhiều đồng học đều biết chuyện này, đây là một người không giữ thanh quy, một tỳ kheo phá giới. Tập khí ác của ông rất nặng, biết rằng mình đã phạm phải sai quấy… Đó cũng xem như không tệ. Ông tin vào nhân quả, tự mình suy nghĩ: sau khi xuất gia, tất cả hành vi việc làm của cả đời mình, nhất định sẽ đọa vào địa ngục. Nghĩ đến địa ngục, ông liền sợ hãi. Địa ngục chẳng phải nơi vui vẻ gì nên ông tìm đến đồng tham đạo hữu, thỉnh cầu với mọi người: “Mọi người có cách gì cứu tôi không, để tôi đừng bị sa vào địa ngục”.

Có một đạo hữu tặng cho ông một quyển “Vãng Sanh Truyện”. Ông đọc xong cảm thấy vô cùng hổ thẹn, nên bèn đóng cửa liêu phòng lại, nhất tâm nhất ý chuyên niệm A Di Đà Phật. Niệm được ba ngày ba đêm, đại khái cũng không ăn không ngủ. Ba ngày ba đêm thì niệm được A Di Đà Phật đến. Chí thành cảm thông, chân thành đến tột độ, liền khởi tác dụng cảm ứng đạo giao với A Di Đà Phật. Phật đến rồi, Phật nói với ông: “Con vẫn còn mười năm thọ mạng”, tuổi thọ vẫn còn mười năm,“mười năm sau, ta sẽ đến tiếp dẫn con”. Việc này được xem như là thọ ký cho ông rồi, ông ở thế giới Cực Lạc đã có báo danh, có trụ xứ rồi. Mười năm sau Phật sẽ đến tiếp dẫn ông. Ông cũng là phúc chí tâm linh; ông bèn hướng về A Di Đà Phật báo cáo, ông nói: “Tập khí con quá nặng, không chịu nổi sự mê hoặc, trong mười năm đó, không biết con lại làm ra bao nhiêu chuyện xấu nữa. Thọ mạng con không cần, bây giờ con cùng đi với Ngài!”. A Di Đà Phật liền đồng ý, nói với ông: “Thôi được! Vậy ba ngày sau ta đến tiếp dẫn con”.

Ông quá đỗi vui mừng liền mở cửa phòng, rất hoan hỷ nói với mọi người: “Ba ngày sau, A Di Đà Phật đến đón tôi vãng sanh”. Trong chùa, chẳng người nào tin ông: Thầy thuộc vào người xấu, người ác, Phật làm sao mà đón Thầy được. Cũng may thời gian ba ngày cũng không dài, chúng tôi để xem việc này là thật hay là giả, Thầy là kẻ gạt người hay thật có chuyện như vậy. Đến ngày thứ ba ông nói với mọi người, hôm nay mong mọi người đặc biệt làm cho ông một buổi niệm Phật, tiễn ông vãng sanh. Mọi người nghe qua lời ông, dường như không phải lời giả, thái độ rất khẩn thiết, không giống kiểu của kẻ lừa gạt nên tin theo, giúp ông niệm Phật. Niệm được một khắc (một khắc vào thời xưa là một bội, theo cách tính nơi này của chúng ta, một khắc là 15 phút. Một khắc của thời xưa đại khái là gần khoảng 40 phút, đó là một khắc), niệm được một khắc, ông liền nói với mọi người, “A Di Đà Phật đến rồi!”. Ông có thể nhìn thấy, còn người khác thì không. Thật vậy, ông theo A Di Đà Phật đi rồi, trong lúc niệm Phật, không hề ốm đau, chẳng bệnh mà đi.

Đoạn chuyện này được ghi chép trong “Vãng Sanh Truyện” và trong “Tịnh Độ Thánh Hiền Lục”, là sự thật, không hề giả. Qua đó nói với chúng ta, công đức của 48 nguyện quá thù thắng rồi, oai lực bất khả tư nghì. Bạn xem, tạo tác tội nghiệp địa ngục, chỉ cần chịu quay đầu, một khi chịu sửa đổi, liều mạng niệm Phật, có thể niệm được A Di Đà Phật đến rồi, vẫn có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc. Thọ mạng mười năm, ông không cần. Loại trường hợp này, chúng tôi tin trong Tịnh Tông nhất định rất nhiều. Tuyệt đối không chỉ có một mình ông, rất nhiều ví dụ như thế này.

Vì thế, chúng ta cần phải tin. Chẳng hạn như trường hợp ngay trước mắt chúng ta đây, bốn người của chùa Lai Phật mà chúng ta đã thấy (ba vị thêm vào một vị Lão Đức nữa). Các vị thấy trong báo cáo này, vị Lão Đức là được bổ sung sau này, đều là một câu Phật hiệu. Cả bốn người họ đều chưa từng được đi học, đều không biết chữ. Nhưng họ đều có chung  một thiên chất, đó chính là người nào cũng là người thật thà, đều là người nghe lời, thật làm. Đều có đủ thật thà, nghe lời, thật làm, quyết định đắc sanh Tịnh Độ.

Tuyệt đại đa số người thường không lão thật, họ có rất nhiều vọng niệm, rất nhiều tạp niệm. Họ muốn học rất nhiều pháp môn, cái gì cũng muốn học. Tin Phật, tin Bồ Tát, vừa tin Quỷ vừa tin Thần, tin quá nhiều… đến phút lâm chung ai sẽ đến cứu họ đây? Những người mà họ tin đều không màng đến họ nữa. Vì sao vậy? Chỗ dựa của họ quá nhiều: Ta không đi cũng đâu có sao sẽ có người khác đi, kết quả cuối cùng chẳng một người nào đến cả… thế thì chịu thiệt thòi lớn rồi! Vì thế, tín tâm chỉ có thể tin vào một pháp môn, bạn liền có thể thành tựu. Mỗi một người vãng sanh, đều chỉ có một pháp môn, “một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”. Kinh điển cũng là một bộ kinh, đừng học quá nhiều, một bộ kinh là đã có thể khai ngộ, có thể đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Hải Hiền Lão Hòa Thượng làm tấm gương cho chúng ta, chúng ta phải tin, đây không hề giả, đều là những chuyện phơi bày ngay trước mắt, chỉ mới mấy năm gần đây thôi.

Thế giới hiện tại, xã hội hỗn loạn, tai nạn trên địa cầu quá nhiều, ngày nào cũng đưa tin. Cả đời tôi có thể được chút thanh tịnh là do tôi không xem truyền hình, không xem báo chí, tôi với phương tiện truyền thông đã đoạn tuyệt 50 năm rồi. Vì thế, nếu bạn hỏi tôi, trong cuộc sống của tôi, xã hội mỗi ngày đều là an định, thiên hạ thái bình, bình yên vô sự, khuôn viên nhỏ của tôi rất an tịnh.

Người xưa nói rất hay: Biết nhiều phiền não nhiều, biết nhiều chuyện quá thì phiền não sẽ nhiều thêm. Quen biết nhiều người thì nhiều thị phi, người quen quá nhiều thì kéo theo nhiều thị phi. Vì thế, quen biết người càng ít càng tốt, biết càng ít chuyện lại càng hay. Chỉ có niệm Phật là tốt nhất, chỉ cần nắm chắc sự việc này, lão thật niệm Phật. Thật tin, thật muốn vãng sanh, quyết định không có hoài nghi, bạn chính là đệ tử tốt nhất của A Di Đà Phật. Tương lai A Di Đà Phật nhất định sẽ đón bạn đến Thế Giới Cực Lạc. Đến Thế Giới Cực Lạc, coi như chứng minh được trọn vẹn bộ Kinh Vô Lượng Thọ này. Vì sao? Vì bạn đều xem thấy cả rồi, những gì được nói trong kinh là sự thật, không hề hư dối.

Các bậc tổ sư đại đức công nhận: “mười niệm ắt sanh”, dõng dạc tuyên bố công đức danh hiệu là không thể nghĩ bàn, chân thật là “đại đạo chí giản”. Quá đơn giản rồi, chỉ đơn giản vậy thôi, dễ dàng thành tựu. Người tin tưởng, người thật thà ắt sẽ tin. Họ không có điều kiện gì cả, càng không thể thay đổi, một câu Phật hiệu niệm đến cùng. Chỉ cần dăm ba năm thì sẽ thành tựu, họ liền vãng sanh, dứt khoát chẳng lưu luyến gì đối với thế gian này. Có mảy may lưu luyến bèn trở thành chướng ngại.

Ở chỗ này có nói, danh hiệu tức là danh hiệu của A Di Đà Phật, công đức bất khả tư nghì. Khi so sánh tất cả kinh điển rồi rút ra kết luận, đến sau cùng chỉ còn sót lại một câu thánh hiệu A Di Đà Phật. Nếu giảng giải Phật Pháp, giảng đến cứu cánh thì chính là một câu “A Di Đà Phật”, đúng như Thiện Đạo Đại Sư đã nói: “Chư Phật sở dĩ hưng xuất thế, duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải”. Phật xuất hiện tại thế gian để làm gì? Chỉ vì để giới thiệu thế giới Cực Lạc cho chúng ta, nhằm giới thiệu pháp môn niệm Phật. Bạn có thể tin, có thể nguyện, đời này của bạn liền sẽ thành Phật. Yên ổn thỏa đáng, bình an vô sự, đến Thế Giới Cực Lạc thành Phật.

Quay lại nghiên cứu, 48 nguyện chính là giải thích cho một câu Phật hiệu. Những gì được nói trong 48 nguyện, chính là giải thích cho một câu “A Di Đà Phật”. Mới biết công đức chân thật của A Di Đà Phật là không thể nghĩ bàn. Toàn bộ Kinh Vô Lượng Thọ, chính nhằm giải thích cho 48 nguyện. Vì vậy, do thời gian chúng ta ngắn không dài, nên chúng tôi chỉ chọn một phẩm này, chuyên học 48 nguyện. Kinh Vô Lượng Thọ giảng được rất tỉ mỉ, cái này nói có phần đơn giản hơn nhưng nội dung thì như nhau, không hề khác biệt.

“Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”, chính là giải thích cho Kinh Vô Lượng Thọ. Bởi vậy, cổ nhân gọi Kinh Hoa Nghiêm là đại bổn Kinh Vô Lượng Thọ, còn Kinh Vô Lượng Thọ là trung bổn Hoa Nghiêm, đó là trung bổn. Thế còn tiểu bổn thì sao? Có. Tiểu bổn chính là Kinh A Di Đà. Kinh A Di Đà là tiểu bổn Hoa Nghiêm. Kinh Vô Lượng Thọ là trung bổn Hoa Nghiêm. Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh là đại bổn Kinh A Di Đà. Còn Đại Tạng Kinh chính là giải thích cho Kinh Hoa Nghiêm. Hết thảy pháp được Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết giảng trong 49 năm, khi tổng kết quy nạp lại, chính là một câu Phật hiệu A Di Đà Phật.

Niệm câu “A Di Đà Phật” này, đồng nghĩa thảy đều niệm đến, niệm đến hết thảy chư Phật Bồ Tát một vị cũng không sót. Tất cả kinh được thuyết trong 49 năm của Thích Ca Mâu Ni Phật, bạn thảy đều niệm đến rồi, cũng chẳng bỏ sót một bộ kinh nào. Công đức danh hiệu như thế còn có gì để bàn cãi sao? Chúng ta đã xem nhẹ chuyện này rồi, không chịu niệm Phật, sai rồi!

Ở đây chúng ta dùng phương pháp này, đầu tiên chọn lấy Tây Phương Thế Giới Cực Lạc. Đến Thế Giới Cực Lạc, thọ mạng của chúng ta là vô lượng thọ. Thứ chúng ta có được là thời gian, có thể học hết mọi kinh giáo, vả lại rất dễ thành tựu. Vì sao? Vì bạn có thể học cùng lúc, mọi thứ chúng ta học bây giờ, là cứ từng môn từng môn học dần lên, không thể học đồng thời được. Vậy họ làm thế nào học cùng một lúc được vậy? Vì họ phân thân, chúng ta thì chẳng cách nào phân thân được. Có thể phân vô lượng vô biên thân đến khắp cõi nước của chư Phật đi lễ Phật cúng dường là tu phước; nghe Phật giảng kinh thuyết pháp là tu huệ.

Một vị Phật sẽ giảng cho bạn một bộ kinh, vô lượng chư Phật sẽ nói cho bạn vô lượng kinh. Hơn nữa, còn hoàn thành cùng một lúc. Đây là chuyện tốt. Ở cõi này chẳng thể tìm thấy, chỉ có Thế Giới Cực Lạc mới có, cho nên, không thể không đến Thế Giới Cực Lạc được. Không đến Thế Giới Cực Lạc, bạn phải chịu thiệt thòi lớn rồi. Đến Thế Giới Cực Lạc, bạn sẽ hưởng trọn mọi quyền lợi ở đó. Một đời thành tựu là thành tựu viên mãn.

Chẳng giống như chúng ta học đại học thời nay, học xong một ngành học, sau đó tốt nghiệp cầm được học vị. Không phải vậy. Trong đại học có đến vài trăm ngành, thảy đều tốt nghiệp đồng thời; tốt nghiệp ở Thế Giới Cực Lạc chính là tốt nghiệp theo cách đó, tốt nghiệp toàn bộ. Mười phương ba đời, sở thuyết của hết thảy chư Phật, bạn đều học được toàn bộ. Mất thời gian bao lâu thì học xong? Rất nhanh, thời gian rất ngắn. Vì sao? Chỉ cần một khoảng thời gian thôi, là bạn thành tựu rồi. Một lần là trọn vẹn tất cả. Do những chuyện như thế nên bảo là: pháp khó tin. Bởi vậy, chúng ta thể hội được sự cô đọng của một bộ Đại Tạng Kinh, chính là một câu Phật hiệu. Triển khai câu Phật hiệu này ra, thì chính là toàn bộ Đại Tạng Kinh.

Kinh Hoa Nghiêm nói: một tức tất cả, tất cả tức một. Nếu như đối với một người bình thường mà nói, thì bảo là: “nhậm nhất”. Còn nếu đối với cơ duyên thành Phật của một người đã chín muồi rồi mà nói, thì nên nói là: “Chuyên nhất”, chuyên là chỉ cho một câu Phật hiệu. Nếu bạn thật sự hiểu rõ ràng, thấu suốt, nhất định bạn sẽ chết lòng trọn ý, ghì chặt lấy câu Phật hiệu không bao giờ buông lơi, cũng giống như Hải Hiền Lão Hòa Thượng vậy. Bốn người thuộc vùng Nam Dương: Hải Hiền Lão Hòa Thượng, mẹ của Ngài, sư đệ của Ngài – Lão Hòa Thượng Hải Khánh, thêm vào đó là một vị Lão Đức Hòa Thượng. Bốn người này đều là người chưa từng đi học, không biết chữ, đều là người miền quê. Họ dựa vào cái gì? Chính là thật thà, nghe lời, thật làm. Đối với lời dạy của Phật Bồ Tát và bậc Thánh Hiền, một tơ hào hoài nghi họ cũng không có, hoàn toàn nhận lấy, vả lại còn tôn trọng Lão Sư. Vì sao vậy? Câu Phật hiệu này là do Lão Sư truyền cho, Ngài rất tin tưởng Lão Sư. Lão Sư thế độ cho Ngài, thế độ coi như xuất gia rồi. Truyền pháp thì chỉ truyền cho một câu: “Nam mô A Di Đà Phật”. Chỉ một câu này thôi, dặn dò Ngài cứ thế mà tiếp tục niệm. Bốn người này đều niệm cả một đời, niệm đến sau cùng, hơi thở vừa dứt thì đã vãng sanh rồi. Thành tựu cả bốn người.

Ở chỗ này, chúng ta dùng một câu trong Kinh Hoa Nghiêm: một tức tất cả, tất cả tức một. Chữ một này, chính là một câu Phật hiệu A Di Đà Phật. Tất cả chính là tất cả danh hiệu của hết thảy chư Phật Bồ Tát. Toàn bộ kinh điển được thuyết bởi hết thảy chư Phật Bồ Tát, thảy đều nằm trọn trong danh hiệu A Di Đà Phật, cần phải ghi nhớ điều này. Đối với một người bình thường mà nói, là “nhậm nhất”, nhậm nhất là chỉ cho tám vạn bốn ngàn pháp môn. Phật nói rồi: Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp. Bạn học bất kỳ một pháp môn nào, chỉ cần chuyên nhất: đều có thể thành tựu, đều có thể được định, đều có thể khai trí huệ, có thể minh tâm kiến tánh; chỉ là không nhanh bằng niệm “A Di Đà Phật” mà thôi, vì sao? Vì  “A Di Đà Phật” có 48 nguyện gia trì. Tám vạn bốn ngàn pháp môn khác không được A Di Đà Phật gia trì, không giống như những gì được nói ở chỗ này: 48 nguyện chuyên vì chúng sanh khổ nạn khắp mười phương thật tin, thật nguyện, lão thật niệm Phật. Còn việc kiến lập đạo tràng, cũng đặc biệt xây dựng vì những người này. Cho nên, chỉ cần bạn tin, chỉ cần không hoài nghi, một câu Phật hiệu niệm đến cùng, đời này của bạn chắc chắn vãng sanh. Ngàn vạn, đừng bao giờ đứng núi này trông núi nọ; đừng thay đổi đề mục, không được hoài nghi, không thể học cái này lại nghĩ đến cái kia. Thế là không được.

Bạn xem có không ít người Trung Quốc, người niệm Phật lại đi học Thiền, gọi là Thiền Tịnh song tu. Tôi học Thiền không thành công, thì Tịnh sẽ thành công; học Tịnh không thành công, thì Thiền sẽ thành công. Đến cuối cùng, cả Thiền lẫn Tịnh đều chẳng thành. Thiệt thòi lớn rồi. Thế mới nói bạn chỉ nên đi một cửa, không được đi hai cửa: điều này còn quan trọng hơn bất cứ thứ gì, nên mới gọi là “nhất”. Nhất định phải nhận thức cho rõ.

Phần sau là đối với người có cơ duyên thành Phật chín muồi mà nói, có lẽ nên nói là “chuyên nhất”. Trong Kinh Hoa Nghiêm có một câu: Một tức tất cả, tất cả tức một. Vậy chữ một này nên nói thế nào đây? Đó là phải xem căn tánh thành thục của chúng sanh, chữ một này chính là chỉ cho A Di Đà Phật. Bốn vị Đại đức của chùa Phật Lai đều là chúng sanh căn tánh thành thục. Vì thế, một câu “A Di Đà Phật”, bốn người đều thành tựu, còn thành tựu quá thù thắng.

Ở đây, chúng tôi có quyển sách nhỏ để kết duyên “Lai Phật Tam Thánh Vĩnh Tư Tập”, quyển sách này nói về ba vị Đại Đức của chùa Phật Lai. Soạn thành một quyển sách để kỷ niệm. Mặt sau còn có một chiếc đĩa, chiếc đĩa đó khoảng 9 giờ đồng hồ, tức là họ đem quyển sách đó từ đầu đến cuối đọc qua một lượt. Trên màn hình vừa có chữ, vừa có âm thanh nhưng không có người. Bạn có thể đọc, đọc nó rất tốt, hãy thường đọc nó. Nếu bạn không thể đọc vậy thì nghe, nội dung trong đĩa hoàn toàn tương đồng với sách. Đĩa là sách audio, đối với việc học tập của chúng ta hết sức thuận tiện. Vì thế, đối với cơ duyên thành Phật chín muồi, bạn hãy hỏi chính mình thử xem, cơ duyên thành Phật của bạn đã chín muồi rồi chưa? Làm sao biết được? Đối với Tây Phương Thế giới Cực Lạc mà không hoài nghi, thì đó xem như chín muồi rồi. Có thể tiếp nhận, không hoài nghi. Có thể tiếp nhận A Di Đà Phật, không nghi ngờ, thật muốn vãng sanh thế giới Cực Lạc. Còn hy vọng đi sớm một chút, chẳng còn mảy may lưu luyến nào đối với thế giới này. Căn duyên của bạn liền thành thục, đây chính là chúng sanh căn tánh chín muồi. Bởi vậy, có khả năng thì làm nhiều việc tốt một chút, giúp cho nhiều người. Thế nào là việc tốt? Giúp người khác niệm Phật là chuyện tốt nhất, không có chuyện nào tốt hơn chuyện này.

Cả đời tôi, Lão Sư dạy tôi học theo Ấn Quang Đại Sư. Tôi theo Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam học Phật, Lão Sư vô cùng khiêm hư, Thầy nói: “Tôi chỉ có thể dạy anh 5 năm thôi”. 5 năm sau thì thế nào? Thầy giới thiệu một vị lão sư cho tôi, tôi nói: “Đó là vị nào ạ?”,  đó là Ấn Quang Đại Sư. Ấn Quang Đại Sư là Lão Sư của Thầy, Ngài sớm đã vãng sanh rồi. Chúng ta học bằng cách nào? Bộ Văn Sao của Ấn Quang Đại Sư vẫn còn đó, đây là giáo huấn của lão nhân gia Ngài. Trong bộ sách này, chúng ta đọc “Ấn Quang Đại Sư Văn Sao”, “Văn Sao” dạy chúng ta nên học tập thế nào, chúng ta chăm chỉ nỗ lực mà áp dụng chúng. Làm đến được, người đó chính là học trò của Ấn Quang Đại Sư, bạn chắc chắn không bao giờ đi sai đường. Tốt! Lão Sư Lý thật đã dạy tôi như thế. Tôi đọc “Ấn Quang Đại Sư Văn Sao”, đây là bộ sách mà Thầy đã tặng cho tôi. Thuở đó, chỉ có hai bộ: Chánh biênTục biên. “Chánh biên” hai quyển, “Tục biên” cũng có hai quyển, tổng cộng bốn quyển, phân lượng không nhiều. Đây là bậc Tổ sư cận đại của Tịnh Tông, được đại chúng xã hội công nhận là Đại Đức trong Phật môn. Chúng ta trở thành đệ tử tư thục của Ngài, nghiêm túc học tập với Ngài. Đọc bộ sách này, cũng y như Lão Sư đang ở trước mặt, giảng cho chúng ta nghe vậy.

Sau đó tôi xuất gia, tôi theo học với Lão Sư Lý là khi chưa xuất gia. Nhưng sau khi xuất gia, tôi lại đến Đài Trung sống thêm vài năm, sống ở đó trọn mười năm. Dùng thời gian mười năm để bổ sung kiến thức, rồi mới rời khỏi Lão Sư. Pháp duyên của tôi tương đối thù thắng hơn, cho nên, thời gian dài thường ở nước ngoài, đây cũng là chuyện người thông thường chẳng dễ gì làm được. Lúc còn trẻ, kinh nghiệm học Phật không sâu rất cạn; đến đâu cũng có người mời bạn giảng kinh, là điều không dễ. Tôi do kết giao được một số bạn bè, số bằng hữu này là học trò của “Đại Chuyên Phật Học Giảng Tòa”. Đấy là duyên phận, duyên phận cũng là cái duyên rất tình cờ, nhưng lại kết được rất sâu. Những học trò này, sau khi tốt nghiệp sang nước ngoài du học; ở nước ngoài, học thành rồi thì ở bên đó làm việc, họ định cư tại nước ngoài. Số đồng học này có gần khoảng hai, ba ngàn người; trải khắp các nơi trên toàn thế giới. Những nơi tôi đến giảng kinh là do họ mời đến. Tôi có cơ duyên gặp được, không phải người bình thường nào cũng có thể gặp. Mối giao tình này nếu không sâu sắc, ai chịu mời bạn đi chứ? Đây là do duyên của mỗi người không giống nhau.

Nói đến cơ hội, khi có cơ hội phải mau chóng nắm bắt lấy. Không giữ lấy, cơ hội sẽ vụt mất, liền bị luống qua. Nhất định phải nắm giữ lấy cơ hội, mới chân thật có thể đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức. Bởi vậy, người có thể không nghi, có thể thật làm; chỉ nên dạy họ một câu Phật hiệu. Hải Hiền Lão Hòa Thượng thường hay khuyên người, chỉ một câu: “Cố gắng niệm Phật cho tốt! Thành Phật là thật, những thứ khác đều là giả”.

Thế gian có biết bao nhiêu chuyện, không chuyện lạ nào không có. Chúng ta hiểu rồi sẽ giúp ích chúng ta đoạn nghi sanh tín; giúp chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Giống như sự việc phát sinh vào sáng hôm nay vậy, các đồng học đều biết: Đồng tu chúng ta bên này có một người bị hương linh nhập vào, nói rằng họ rất khổ, họ đang ở nẻo ác. Vả lại đều là trẻ con do bị phá thai, bị giết hại. Cái tội này rất nặng, rất nặng. Các bậc cha mẹ phá thai, tương lai đều vào Địa Ngục, điều này không thể không biết. Mấy đứa trẻ này đến đây cầu xin siêu độ, rất nhiều trẻ nhỏ còn đang thời kỳ bú sữa, còn có những đứa chưa kịp chào đời, đã bị phá bỏ rồi. Một ngày có khoảng bao nhiêu trường hợp như vậy? Toàn thế giới có ghi lại, đó là con số do đăng ký ở bệnh viện, còn có những người đi phá thai không thông qua bệnh viện, thật sự là không tính nổi số. Những đứa trẻ này đến thế gian, các vị lại bỏ chúng đi, lòng oán hận của chúng sẽ sâu dường nào. Chúng phải báo thù, phải trả đũa. Có thể có duyên với Phật là phước báu của chúng. Nếu chúng đến tìm đệ tử Phật cầu siêu độ, đại khái đều có thể rời khỏi ác đạo. Tương lai gặp lại, chúng lại đến nhà của bạn, đó chính là đến để báo oán, đến đòi nợ. Đời đời kiếp kiếp chẳng hề ngừng dứt. Đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, không thể không biết. Không thể làm cái chuyện này được.

Chúng ta khởi tâm động niệm. Một ác niệm, chính là ý đang tạo ác. Bạn đã tạo chưa? Tạo rồi! Bạn nói ra miệng, thân cũng làm ra, vậy thì càng nghiêm trọng hơn. Miệng không nói, thân không tạo nhưng có khởi niệm, khởi lên ý niệm. Ý niệm đã khởi, coi như đã tạo nghiệp rồi. Vì thế, con người, ngày đêm sáu thời không được có ác niệm. Trong Phật Pháp, thứ đại biểu chính là thập ác: không được có ý niệm sát sanh, không được có ý niệm trộm cắp, không được có ý niệm tà dâm, không được vọng ngữ, lưỡi đôi chiều, không được ác khẩu, không được ỷ ngữ, không tham, không sân, không si. Phật nói ra cho chúng ta mười tiêu chuẩn, gọi là thập thiện nghiệp. Có thể tu thập thiện nghiệp, khởi tâm động niệm là mười điều thiện, lời nói là mười thiện, hành vi cũng là mười thiện; đời sau sẽ sanh vào cõi trời cõi người hưởng phước. Trái ngược với mười điều này, tương phản chính là mười ác: mười ác thì ở Tam đồ “Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh”, bạn sẽ đến nơi đó. Vô cùng đáng sợ. Thà bỏ thân mạng, cũng không được làm những chuyện này. Cái thân mạng này có thể mất đi không? Không hề! Bạn xả bỏ thân này, qua vài ngày bạn lại đầu thai trở lại, nhưng nẻo nào thì không biết được. Điều đó sẽ do nghiệp lực chi phối. Chứ không phải muốn đến nẻo nào thì đến nẻo ấy, không thể được, mà là do nghiệp lực. Cuộc đời của con người đều là do nghiệp lực làm chủ.

Sau khi học Phật sáng tỏ rồi, ta khởi tâm động niệm toàn nghĩ đến chuyện tốt, nghĩ đến việc thiện, nghĩ đến những việc lợi ích chúng sanh là tốt nhất. Nghĩ đến A Di Đà Phật là tốt nhất. Không có bất kỳ ý niệm tốt nào có thể vượt hơn A Di Đà Phật. Vì thế, A Di Đà Phật là thiện niệm hàng đầu, A Di Đà Phật là công đức bậc nhất. Ta không có năng lực đoạn ác tu thiện, ta không có năng lực tích công luỹ đức. Ta có năng lực niệm A Di Đà Phật không? Nếu ta có thể niệm A Di Đà Phật, công đức này của ta so với sự bố thí của người ta, trong Kinh Kim Cang có nói: Dẫu bố thí bảy báu khắp đại thiên thế giới, cũng không thể sánh nổi với việc niệm một câu A Di Đà Phật. Công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn, niệm Phật thành Phật. Anh linh của những người bị nhập này, hôm nay đều đang ở đạo tràng của chúng ta. Chúng ta phải cố gắng khuyên dắt họ, mọi người cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ; đến Thế Giới Cực Lạc để làm Phật, hết thảy mọi oán hận đều buông bỏ. Vì thế nói là chuyên nhất, “chuyên” chính là chỉ cho một câu Phật hiệu. Nếu đã hiểu rõ ràng, sáng tỏ tất nhiên là chết lòng trọn ý, bám chắc vào một câu Phật hiệu không bao giờ buông lơi. Thật làm rồi.

Phật hiệu chân thật chỉ có bốn chữ, là “A Di Đà Phật”. “Nam mô” mang ý nghĩa quy y. “Nam mô A Di Đà Phật”, chính là quy y A Di Đà Phật, cung kính A Di Đà Phật, lễ bái A Di Đà Phật, chính là ý nghĩa như vậy. Đó là lời khách sáo. Chân thật muốn cầu sanh Tịnh Độ, lời khách khí có thể không cần thiết. Liên Trì Đại Sư, người vào triều Minh, là tổ sư đời thứ 8 của Tịnh Độ Tông chúng ta. Có người hỏi: “Lão nhân gia Ngài dạy người niệm Phật thì niệm thế nào?”. Ngài dạy người khác niệm Phật. Ngài nói: “Tôi dạy người niệm Nam mô A Di Đà Phật”. Lại hỏi Ngài: “Thế còn bản thân Ngài thì sao? Bản thân Ngài niệm thế nào?”. Ngài nói: “Bản thân tôi niệm A Di Đà Phật”. Hai chữ “Nam mô” không cần thiết. Vì sao? Tôi thật tin, thật muốn vãng sanh. Đời này của tôi chắc chắn cầu sanh Tịnh Độ. Chấp trì danh hiệu là được rồi, lời cung kính có thể miễn, không cần thiết niệm “Nam mô”. Vậy vì sao dạy người khác niệm “Nam mô” vậy? Bởi vì người khác chưa chắc chịu vãng sanh, họ chưa chắc tin. Vậy thêm vào hai chữ này sẽ tốt hơn: cung kính A Di Đà Phật, quy y A Di Đà Phật. Bản thân mình thật sự muốn đi, vậy lời khách sáo cũng không cần thiết làm gì, càng đơn giản càng tốt. Đại đạo chí giản, phàm phu thành Phật chính ngay câu “A Di Đà Phật”, bốn chữ này thôi.

Hiện nay, Ngài Hải Hiền đã chứng minh cho chúng ta. Hải Hiền với một câu Phật hiệu là thành tựu rồi. Mẹ của Ngài cũng là một câu Phật hiệu. Sư đệ của Ngài, Lão Hòa Thượng Hải Khánh, cũng là một câu Phật hiệu. Còn có một vị Lão Đức Hòa Thượng, cũng là một câu Phật hiệu. Bốn người này đến tác chứng cho chúng ta. Bởi thế, người bình thường chưa chắc thật muốn vãng sanh, thêm vào câu “Nam mô”. Nam mô là lời cung kính, kết mối thiện duyên với A Di Đà Phật. Tương lai, họ muốn vãng sanh, chủng tử này có thể chín muồi. “Nam mô A Di Đà Phật” là có ý nghĩa như vậy. Chúng ta đều phải nên làm rõ chuyện này, thật sự muốn đi, càng đơn giản càng tốt. Bạn xem, “Nam mô A Di Đà Phật” sáu chữ. “A Di Đà Phật” bốn chữ, chẳng phải đơn giản hơn nhiều rồi sao!

Chí tâm là tâm chân thành, chân thành đến tột bậc, thật muốn đến Thế giới Cực Lạc, thật muốn vãng sanh Cực Lạc, chân thật muốn gặp A Di Đà Phật, làm đệ tử Đức Di Đà. Vì vậy, đọc bộ kinh này, mục đích của nó chính là bảo chúng ta phải hướng về Tây Phương Thế Giới Cực Lạc. Thế Giới Cực Lạc tốt thế nào, đều nói ra cả rồi. Còn thế giới này của chúng ta, có so thế nào cũng chẳng thể so nổi với người ta. Nơi đó là hoàn cảnh tu học tốt nhất, Lão Sư là A Di Đà Phật, A Di Đà Phật không hề rời xa chúng ta, đạo lý này nhất định phải hiểu. Chúng ta ở thế gian này cầu một vị lão sư tốt, cũng tìm không ra. Đến Tây Phương Thế Giới Cực Lạc, A Di Đà Phật cùng với chúng ta, chẳng bao giờ rời xa dù là một giây một phút.

Có người suy nghĩ, người vãng sanh nhiều như vậy, A Di Đà Phật thì chỉ có một, chúng ta làm sao thân cận được? Đó là do bạn không biết chân tướng A Di Đà Phật của Thế giới Cực Lạc. Hiện tượng của cõi Cực Lạc đều là vô phương nghĩ tưởng, bất khả tư nghì, vì sao? Vì mỗi người đều ở bên cạnh A Di Đà Phật, chẳng luận là bao nhiêu người, tự bản thân họ cảm giác được; thật vậy, tức là ta ở ngay bên cạnh Đức Phật A Di Đà. A Di Đà Phật hiện vô lượng thân, mỗi người vãng sanh cũng có thể hiện vô lượng thân y như A Di Đà Phật vậy. Không những thân ta ở ngay trước mặt A Di Đà Phật, mà còn không rời khỏi giảng đường của Ngài; vả lại, chúng ta có thể phân thân đến mười phương hết thảy chư Phật sát độ. Để làm gì vậy? Là phước huệ song tu. Tu phước là đi cúng dường Phật, tu huệ là đi nghe kinh thính pháp.

A Di Đà Phật của Thế Giới Cực Lạc dạy cho chúng ta cái gì? Chúng ta cũng có thể tưởng tượng được, chính là thuyết cặn kẽ Kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ vốn dĩ là Kinh Hoa Nghiêm. Nói một cách tỉ mỉ hơn thì chính là Kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm là giải thích của Kinh Vô Lượng Thọ, tức là nói rộng ra, nói tường tận hơn. Hiện tượng của hết thảy vạn vật trong vũ trụ này, Phật sẽ giảng nói cho chúng ta một cách rõ ràng, minh bạch và thấu triệt; khiến chúng ta triệt để thấu suốt chân tướng của vũ trụ vạn pháp. Mãi đến khi chúng ta đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, địa vị của chúng ta sẽ ngang bằng với A Di Đà Phật. Đến lúc đó, chúng ta sẽ đi đến nơi nào? Đều ở trong cõi Thường Tịch Quang. Thường Tịch Quang là pháp thân, Thường Tịch Quang không có hiện tượng, nhưng nó có thể hiện tất cả hiện tượng. Nó khởi tác dụng chính là năng hiện mọi hiện tượng. Lúc nào thì nó năng hiện vậy? Nó tùy theo tâm chúng sanh, mà “ứng sở tri lượng”.

Trong khắp pháp giới hư không giới, những chúng sanh có duyên với chúng ta, (sinh mạng của chúng ta là không có bắt đầu), từ vô thủy kiếp mãi đến hôm nay, chúng sanh có duyên không biết có biết bao nhiêu người. Nhưng ở Tây Phương Thế Giới Cực Lạc, bất kỳ một chúng sanh có duyên nào khởi tâm động niệm, chúng ta đều biết. Lúc biết được thì bạn cũng thấy được họ, mắt thấy rõ ràng, không có chuyện không nhìn thấy. Khi thấy họ rồi, xem thấy tình trạng của họ, cần giúp thế nào, tự nhiên bạn liền có thể giúp cho họ. Ngày nay, chúng ta ở nơi này cũng là như thế, người quen của chúng ta là người có duyên với chúng ta, rất nhiều người đã đến Thế Giới Cực Lạc rồi. Chúng ta ở tại chỗ này, họ có thể nhìn thấy chúng ta không? Có thấy, chúng ta lúc nào cần đến, họ sẽ luôn gia trì cho chúng ta. Cùng một đạo lý như vậy!

Cuộc đời này thật quá khổ, vui là hoại khổ, không phải thật vui. Vui là vì hiện tại bạn có rất nhiều tài phú, địa vị, danh dự; đây đều là những thứ người thế gian yêu thích. Tham cầu những thứ này, bạn thảy đều có được rồi; nhưng một khi thọ mạng đến, phải rời bỏ thế gian này, một thứ cũng không mang theo được… toàn là giả! Đến lúc chết mới biết, không nỡ xa lìa. Linh hồn không xa được căn nhà của bạn, không xa được nơi bạn đã ở. Vì sao? Vì bạn lưu luyến nó. Nhưng cao lắm cũng chỉ ở nơi đó, quanh quẩn được vài tiếng đồng hồ, rồi vẫn phải đi. Còn thứ nào là của bạn chứ? Chẳng có lấy một thứ là của bạn. Nhất định phải biết điều đó, hiểu rõ rồi bạn mới có thể buông xả, buông bỏ một cách rất sảng khoái. Thấy có người cần đến, bạn liền có thể xả bỏ, có thể bố thí, có thể giúp cho những người đó. Đây chân thật gọi là tích công lũy đức.

Cả đời tôi không có đạo tràng. Vì sao không có đạo tràng? Vì Thích Ca Mâu Ni Phật cũng không có đạo tràng. Tại sao Ngài không có đạo tràng vậy? Có đạo tràng ắt có người tranh. Họ đến tìm bạn muốn xuất gia là vì cái gì? Không phải vì muốn niệm Phật, mà là vì cái đạo tràng của bạn. Bạn xây được đẹp đẽ đến thế, đợi khi bạn chết rồi, tôi sẽ tiếp quản, thế là biến thành của tôi rồi. Cứ như thế không ít người đến xuất gia, chứ chẳng phải con số ít, đó gọi là tạo nghiệp. Tiền thập phương cúng dường, coi như đem nó chôn xuống đất rồi, chẳng khởi tác dụng gì.

Lão Sư dạy tôi học theo Ấn Quang Đại Sư. Cả đời Ấn Quang Đại Sư là làm chuyện gì? Vào cuối đời, Ngài rất nổi tiếng, mọi

người cúng dường rất nhiều. Tiền đó Ngài dùng như thế nào? Thảy đều đem đi in kinh sách. Có nhiều tiền rồi Ngài tự mình mở một xưởng in, gọi là Hoằng Hóa Xã, đó chính là do Ấn Quang Đại Sư lão nhân gia Ngài dựng nên. Chùa Báo Quốc ở Tô Châu, nơi đó là xưởng in của Ngài. Ấn tặng kinh sách, Ngài chính là làm chuyện như thế. Còn những nơi có tai nạn, gặp phải hạn hán hay lũ lụt, Ngài trích từ chi phí dùng để in kinh, lấy ra một phần để cứu tai, cứu tế. Do vậy, tiền của Ngài, hoàn toàn đều dùng vào việc in kinh. In kinh và sách mang tính giáo dục. Cách làm này rất hay, chân thật làm việc tốt. Số kinh sách này, dù cho người ta có mang đi bán, cũng vẫn là chuyện tốt. Nếu có người mua, người mua nhất định họ sẽ xem. Họ không xem thì họ mua làm gì?! Vì thế, sự giáo huấn này của Ấn Tổ, chỉ có trăm lợi mà chẳng có một điều hại nào. Đúng thật là chuyện tốt. Chúng tôi đi theo con đường này của Ngài, y giáo phụng hành, chúng tôi cũng hay làm như thế.

Tuổi tác của tôi cũng lớn rồi, dù sao cũng phải ra đi. Sau khi tôi đi rồi, tương lai trong ngân hàng vẫn còn tiền. Như thế thì chẳng ra làm sao cả, khó coi biết bao. Vì thế, tôi thành lập ra Cơ Kim Hội. Cơ Kim Hội có mời đến năm người biết cách làm việc, họ đứng ra quản lý. Chúng tôi lập ra điều lệ, những chuyện nào nên làm, những chuyện nào không nên làm. Cơ Kim Hội tại Hồng Kông đã đăng ký với chính phủ, hoàn toàn thanh toán bằng chi phiếu. Chi phiếu có nguồn gốc. Số tiền đó dùng vào đâu, làm việc gì, mỗi một khoản tiền đem đi đều có lai lịch rõ ràng; đều biết được đã dùng làm cái gì. Chúng tôi mong làm ra tấm gương tốt, không cần dùng tên của chính mình, không cần đến tiền riêng. Như thế thì ít nhọc lòng hơn, tâm khỏi có vướng bận. Những chuyện như thế thảy đều buông xuống cả rồi.

Nhật Bản cần có người giảng kinh, không có người giảng kinh là không được… nhớ lấy! Thích Ca Mâu Ni Phật có nói về pháp vận. Trong kinh đại thừa nói, thế nào gọi là chánh pháp? Tức là có người giảng kinh, có người nghe kinh, có y giáo tu hành, có chứng quả; đây gọi là chánh pháp, như thế là chánh pháp. Nếu trong giai đoạn này, có giảng kinh, có nghe kinh, có tu hành, không có chứng quả; không có chứng quả thì gọi là tượng pháp, chứ không phải chánh pháp. Đó là tượng pháp, là tương tự mà thôi, có một chút gần giống. Càng trượt về sau, tức là thời đại hiện nay của chúng ta, có giảng kinh, có nghe kinh, nhưng không có người tu hành. Nghe kinh còn làm không được, thì lấy đâu ra chứng quả. Vãng sanh thế giới Cực Lạc là chứng quả. Không có người vãng sanh, đó gọi là mạt pháp. Nếu không có giảng kinh, không có nghe kinh, không có tu hành, không có chứng quả, đó gọi là diệt pháp… pháp bị diệt mất rồi. Giảng kinh rất quan trọng.

Thuở đó, tôi thân cận với Chương Gia Đại Sư. Đại sư dạy tôi học theo Thích Ca Mâu Ni Phật, khuyên tôi xuất gia, khuyên tôi học Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngài chỉ tôi xem hai quyển sách, là “Thích Ca Phương Chí” và “Thích Ca Phổ”. Hai quyển sách này, đều có trong Đại Tạng Kinh. Tôi sau khi xem xong mới biết, đó là truyện ký về Thích Ca Mâu Ni Phật, kể về cuộc đời của Đức Phật. Tôi xem thấy Ngài xuất thân là vị vương tử, nếu Ngài không xuất gia thì sẽ là Quốc Vương. Vậy mà 19 tuổi Ngài đi xuất gia, từ bỏ quyền kế thừa vương vị, từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý nơi cung đình. Ngài đi làm một vị tăng khổ hạnh, ngày ăn một bữa ngọ, tối ngủ dưới gốc cây, mỗi ngày đều ôm bát đi khất thực. Ngài trải qua cuộc đời như thế, trải qua đời sống như vậy hết 12 năm. Ngài đi cầu học, biểu hiện của Ngài chính là một phần tử tri thức. Phần tử tri thức thích học rộng biết nhiều.

Ấn Độ là một quốc gia tôn giáo. Mỗi một tôn giáo, Ngài đều học qua; mỗi một học phái, Ngài cũng học qua. Tất cả tôn giáo, học phái của Ấn Độ, Ngài đều học hết tất cả. Sau khi học xong thì thế nào?! Chẳng giải quyết được vấn đề. Vấn đề gì? Chính là lìa khổ được vui. Phật vì điều này mà đến, Phật giáo cũng vì điều này mà có; giúp chúng sanh lìa khổ, lìa cứu cánh khổ. Cứu cánh khổ là sáu nẻo luân hồi. Bạn không cách gì ra được sáu nẻo luân hồi, đồng nghĩa bạn cũng không cách gì lìa khổ. Do đó, không cứu cánh, vẫn phải luân hồi thọ khổ, không thể thoát được. Tất cả mọi học phái của Ấn Độ, đều không cách gì ra khỏi lục đạo. Họ có thể sanh đến cõi trời Tứ Thiền, có thể sanh đến Tứ Không Thiên, chỉ là ra không nổi những nơi đó, nên Ngài quyết định từ bỏ.

Vào năm Ngài 30 tuổi, Ngài không học nữa. Sau khi buông bỏ, đến dưới cội Bồ Đề tu định. Ngài nhập định, nửa đêm nhìn sao sáng mà bỗng nhiên đại triệt đại ngộ.

Buông bỏ việc tham học, đồng nghĩa buông bỏ sở tri chướng. Buông bỏ vương vị, chính là buông bỏ cuộc sống nơi cung đình, là buông bỏ phiền não chướng. Bạn thấy đó phiền não chướng, sở tri chướng, Ngài thảy đều buông xả nên Ngài đại triệt đại ngộ. Sau khi khai ngộ thì liền giảng kinh. 12 năm giảng A Hàm, tức là bậc tiểu học của Phật giáo, có 12 năm. Những kinh điển mà Ngài giảng trong 12 năm, là ai dạy cho Ngài? Chẳng ai cả, không phải do học mà có, cái này còn quan trọng hơn bất cứ thứ gì.

Ngài khai ngộ rồi. Khai ngộ có ý nghĩa gì? Trí huệ là thứ mà tự tánh chính mình vốn dĩ đầy đủ, không phải từ bên ngoài đến. Chỉ cần bạn khai ngộ: khắp pháp giới hư không giới, quá khứ hiện tại, vị lai toàn bộ bạn đều biết; không phải do học, mà vốn dĩ bạn đã biết rồi. Phật nói rất hay: Hết thảy chúng sanh vốn dĩ là Phật, thì làm gì có chuyện không biết được chứ! Hiện nay mê hoặc điên đảo nên không biết, chỉ cần phá mê khai ngộ là bạn sẽ biết tất cả. Vì thế, giáo học của Phật giáo không phải kêu bạn đọc bao nhiêu thì nhớ lấy bấy nhiêu. Không phải thế!

Hải Hiền Lão Hòa Thượng vì chúng ta thị hiện, Ngài minh tâm kiến tánh rồi. Ngài dùng phương pháp gì vậy? Chính là một câu Phật hiệu, một câu Phật hiệu niệm đến cùng. Tôi ước tính Ngài niệm được 20 năm thì khai ngộ. Sau khi khai ngộ, Ngài cái gì cũng biết. Kinh luận của Phật Pháp, bạn đi hỏi Ngài, Ngài sẽ giảng cho bạn nghe. Tuy Ngài không biết chữ, giống như Huệ Năng Đại Sư vậy, bạn đọc cho Ngài nghe, Ngài sẽ giảng lại cho bạn. Tất cả pháp thế gian Ngài cũng biết. Những thứ khoa học kỹ thuật, chúng không làm khó được Ngài, Ngài đều biết hết. Không gì không biết, không gì không thể. Đó là sự thật, không phải giả. Kiến tánh mới có thể làm được.

Vì vậy, giáo học của nhà Phật, chủ yếu là dạy bạn minh tâm kiến tánh, không phải dạy bạn phải học được bao nhiêu kinh điển. Không phải vậy, thế là sai rồi. Một bộ Đại Tạng Kinh, liệu bạn có thể học hết nổi không?! Một khi bạn khai ngộ thì coi như bạn tốt nghiệp toàn bộ, hết thảy đều thông đạt. Lý niệm và phương pháp của nền giáo học này, người thế gian hiện nay không hiểu, không thể tiếp nhận. Họ cho rằng không học thì làm sao biết được chứ? Không học nhưng vẫn biết!

Thích Ca Mâu Ni Phật chưa hề học qua, nhưng biết giảng nhiều kinh như vậy, chúng ta phải thấu suốt. Mohammed của Hồi Giáo, Mohammed cũng không biết chữ, cũng chưa từng được đi học. Bạn xem, Ngài có thể nói ra một bộ Kinh Koran. Ngài nói, người khác ghi chép lại. Đó là gì? Đây đều là bậc khai ngộ. Chúng ta có thể hiểu được, nhưng người bình thường thì không hiểu, cứ cho rằng đó là thần thánh giáng thế. Không phải! Như Chúa Giê-su và nhà Tiên tri Mô-sê, các Kinh Cựu Ước và Tân Ước đều do họ giảng. Thế họ học cùng ai vậy? Người nào cũng đều là vô sư tự thông. Thông như thế nào? Kiến tánh liền thông. Làm sao để kiến tánh? Buông xả liền kiến tánh. Phiền não chướng, sở tri chướng, chỉ cần chịu buông bỏ thì liền kiến tánh. Bạn không thể buông xả, nó sẽ là chướng ngại, chướng ngại trí huệ đức tướng vốn có trong tự tánh của bạn. Toàn là bị chướng ngại che lấp. Bạn chỉ cần buông bỏ chướng ngại, bạn liền thành Phật. Vì thế nói: “Buông bỏ đồ đao, lập địa thành Phật”. Đồ đao ý là gì? Chính là hai loại chướng ngại này, tức sở tri chướng và phiền não chướng.

Phật từ bi, làm ra tấm gương cho chúng ta xem, chúng ta chỉ cần bắt chước y như pháp vậy. Y giáo tu hành, quyết định có thể thành công, đạo lý này cần phải hiểu. Chúng ta tu hành phải đi theo con đường của người xưa, mới có thể thành tựu. Nếu đi theo đường lối của nhà khoa học, sẽ đi không tới nơi, chắc chắn không thể thành tựu. Học cả một đời, sau cùng đạt đến cái gì? Là phật học thường thức, không thể khai ngộ. Không thể khai ngộ coi như sai lầm rồi. Phải khai ngộ mới được!

Bí quyết chính là phải dùng chân tâm. Chân tâm chính là lão thật, vọng tâm là không lão thật. Vọng tưởng quá nhiều, tạp niệm quá nhiều, như thế không được. Chân tâm là gì? Là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Bình đẳng nghĩa là không có phân biệt, không có phân biệt một thứ nào cả, không có phân biệt ta với người. Bạn xem, chúng ta đều có người với ta; còn Phật Bồ Tát thì xem hết thảy chúng sanh đều là chính mình. Còn chúng ta, cái thân này mới là Ta, những thứ khác đều không phải Ta, thế thì không được, như vậy là sai rồi! Vào cửa Phật Pháp, trước mắt phải phá thân kiến, vì sao vậy? Lục Tổ Huệ Năng đã nói rất rõ ràng, nhưng mọi người đều quên hết rồi. Lúc Huệ Năng Đại Sư  khai ngộ có nói rằng, khi ngộ ra tự tánh, kiến tánh rồi; Tánh là gì? Bốn câu đầu là nói về tự tánh, thấy tánh rồi “vốn tự thanh tịnh”. Hay nói cách khác, thanh tịnh bình đẳng giác là tự tánh. Ngài chỉ dùng thanh tịnh làm đại biểu, đó chính là tự tánh. Tự tánh là Phật.

Thứ hai “không sanh không diệt”, hết thảy pháp đều có sanh có diệt, chỉ có tự tánh không có sanh diệt, vì thế, nó là vô lượng thọ. Thứ ba “vốn tự đầy đủ”, đầy đủ cái gì? Đầy đủ vô lượng trí huệ, đầy đủ vô lượng đức năng, đầy đủ vô lượng tướng hảo. Do đó, tất cả đều không cần phải hướng ngoại tìm cầu, bên ngoài không có gì cả, phải hướng nội mới thấy được. Kinh Phật gọi là nội điển, Phật Pháp gọi là nội học. Nó hướng nội, chứ không hướng ngoại, hướng ngoại là giả. Khoa học hiện nay hướng ngoại chứ không hướng nội, nó có thể liễu giải được một số bí mật của vũ trụ, nhưng không có được thọ dụng. Phật Pháp có được thọ dụng. Chúng không giống nhau.

Vì vậy, lúc khai ngộ trí huệ thảy đều hiện tiền, cái gì cũng biết. Ngài không có lão sư, không cần ai chỉ bảo, pháp thế xuất thế gian, chẳng thứ nào mà Ngài không biết. Đạo lý này cần phải hiểu. Chúng ta đối với Phật mới có thể sanh khởi tín tâm, đây không phải mê tín. Hải Hiền Lão Hòa Thượng đã chứng minh cho chúng ta. Bạn tỉ mỉ mà xem chiếc đĩa này và xem quyển “Vĩnh Tư Tập”, bạn có thể nhìn ra. Chân thật người giác ngộ, người giác ngộ họ không động ý niệm. Vì thế, câu sau cùng Lục Tổ bảo: “Vốn không dao động”. Vốn không dao động là gì? Là tự tánh vốn định.

Vậy chân tâm thì sao? Chân tâm là không động. Trong chân tâm không có ý niệm, có niệm đều là vọng tâm, có ý niệm chính là vọng tâm. Bởi thế, người minh tâm kiến tánh mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, nhìn thấy rõ ràng, nghe rành rẽ, nhưng họ thế nào? Họ không khởi tâm, không động niệm. Không khởi tâm không động niệm…Cao! Đây chính là thành Phật. Thứ họ dùng là chân tâm, tâm chí thành, tức là nói đến cái này. Phàm phu dùng tâm, họ khởi tâm động niệm. Bồ Tát khởi tâm động niệm, không có phân biệt chấp trước, đó là Bồ Tát. A La Hán có khởi tâm động niệm, có phân biệt, không có chấp trước. Phàm phu sáu nẻo chúng ta, khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước đều có đủ. Đạo lý nằm ngay chỗ này. Chân thật tu hành là sao? Chính là sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, không khởi tâm, không động niệm, đó là thật.

Làm sao để không khởi tâm? Ta nhìn thấy rõ ràng, như chiếc gương vậy. Dùng tâm như gương, gương soi chiếu cảnh bên ngoài rõ ràng biết bao, nhưng chẳng có lấy vết tích nào. Đừng giống như việc ghi hình hiện nay, bạn xem vừa quay là có hình ảnh ngay. Chiếc gương soi chiếu bên ngoài có rất rõ, nhưng bên trong lại chẳng có gì. Người tu hành dụng tâm nên như gương vậy. Cảnh bên ngoài rõ ràng rành rẽ, một chút cũng không mơ hồ, chẳng chút hồ đồ. Nhưng bên trong sạch sẽ trong trẻo, một ý niệm cũng không có. Vì thế, bạn hỏi họ cái gì họ cũng biết, bạn không hỏi, cái gì họ cũng không có. Không phải nói, bạn không hỏi, họ vẫn có như thường. Sự thật họ chẳng có gì cả. Nếu họ có thì họ là phàm phu. Họ không có, thật sự không có. Vậy thì lạ rồi! Lúc bạn hỏi họ, họ lại lập tức trả lời ngay, cái gì cũng biết. Lúc không hỏi thì cái gì cũng không biết, như như bất động. Đó là gì? Đó là đang ở trong định. Lúc hỏi đến thì bèn chiếu kiến, nó liền khởi tác dụng.

Một câu sau cùng: “Năng sanh vạn pháp”. Điều này nói lên cái gì? Vũ trụ từ đâu mà có? Vạn pháp từ đâu mà có? Là từ tự tánh của chúng ta sở sanh, sở hiện, sở biến mà có, “tâm ngoại vô pháp, pháp ngoại vô tâm” đã nói lên tất cả, thật đã nói ra một cách minh bạch hết rồi. Những điều này cực kỳ quan trọng. Nếu chúng ta không làm sáng tỏ nó, bạn sẽ không chịu buông xả. Sau khi làm rõ rồi, bạn nhất định có thể buông bỏ. Vì sao? Buông xả là thật, không buông xả là sai. Buông bỏ những thứ nào? Trước tiên phải buông bỏ thứ phiền não nghiêm trọng nhất đang bày ngay trước mắt; chính là ngũ dục lục trần, tài sắc danh thực thùy, sắc thanh hương vị xúc pháp. Đây là năm dục sáu trần, thất tình ngũ dục. Tình chấp, những thứ này đều không phải thật. Phạm vi gây hại của những thứ này quá lớn, hại chúng ta đời đời kiếp kiếp trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi, không ra nổi. Buông bỏ những thứ này rồi, liền siêu việt luân hồi.

Bản thân chúng ta không có năng lực. Hôm nay gặp được pháp môn này chẳng phải dễ, gặp được pháp môn này xem như quá may mắn rồi. Chỉ dựa vào một câu Phật hiệu, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc liền sẽ siêu việt ngay. Bạn nói xem, khó được biết bao, thù thắng biết bao. Vì thế, chữ chí tâm này; chúng ta đối với người dùng chí tâm, dùng chân tâm, đời sau bạn đến Thế Giới Cực Lạc thành Phật. Người khác dùng vọng tâm với ta, ta không muốn dùng chân tâm đối với họ, ta cũng dùng vọng tâm đối lại; người khác đi vào sáu nẻo luân hồi, ta cũng nối gót theo sau. Sai rồi, quá đỗi sai lầm… Bạn cứ làm chuyện luân hồi của bạn, tôi đến Thế Giới Cực Lạc của tôi. Chúng ta là hai con đường, chứ không phải cùng một con đường. Đến Thế Giới Cực Lạc, nương theo A Di Đà Phật. A Di Đà Phật có khả năng giúp cho chúng ta, vĩnh viễn không đọa vào nẻo ác, tức là lìa cứu cánh khổ, đắc cứu cánh lạc, A Di Đà Phật làm được chuyện đó. Chư Phật khắp mười phương cũng đang nỗ lực thực hiện, nhưng chưa làm được cứu cánh, chưa đến mức triệt để. A Di Đà Phật làm được cứu cánh triệt để. Như thế thì sao không đi cho được? Đi lúc nào? Đi ngay bây giờ. Thế giới này loạn đến nông nổi này, mà bạn vẫn còn lưu luyến nó sao? Vì thế, kinh này chúng ta đọc rồi, thật có thể khai trí huệ, chân thật tìm thấy con đường mà đời đời kiếp kiếp nay muốn tìm, hiện nay nó đang phơi bày ngay trước mắt.

Chúng ta xem tiếp: một chút mảy may hoài nghi cũng không có, đây là chân tâm. Đối với Phật Pháp, không có nghi ngờ; đối với thế gian pháp, cũng không hoài nghi; đều hiểu rõ, tường tận cả rồi. Nếu vẫn còn một số chỗ chưa thấu đáo, cũng không cần vội, hoàn toàn nghe theo giáo huấn của Phật. Vô cùng yêu thích pháp môn này cùng với Tây Phương Thế Giới Cực Lạc, như thế là được rồi. Mấy câu này bạn nghe hiểu rồi, sáng tỏ rồi, bạn thật sự có thể y giáo phụng hành, bạn liền chân thật có được. Có được cái gì? Có được giáo huấn của A Di Đà Phật.

Niệm Phật, dùng lời phàm phu thì niệm càng nhiều càng tốt. Vì sao? Vì không niệm Phật ắt sẽ khởi vọng tưởng. Niệm Phật mang ý nghĩa gì? Chính là đánh đuổi vọng tưởng, đánh đuổi tạp niệm, dụng ý ngay chỗ này.Trong tâm không có vọng tưởng, không có tạp niệm, đó gọi là chánh niệm hiện tiền. Thế nào là chánh niệm? Chánh niệm vô niệm. Chữ “vô niệm” này không hề dễ hiểu, thật sự là vô niệm. Vô niệm là vô sở bất niệm, vô tri là vô sở bất tri, đây đều là những thứ chúng ta cần phải có. Ta muốn hữu niệm, ta muốn hữu tri; kết quả hữu tri là hữu sở bất tri, hữu niệm thành hữu sở bất niệm, thế thì không được. Vì sao? Vì tự tánh là không tịch, tự tánh chẳng có gì cả.

Năm đó Phật tại thế, có đồng học đến hỏi Ngài, hỏi vấn đề gì? Hỏi: Ngài Xá Lợi Phất- Xá Lợi Phất trí huệ đệ nhất, “Vì sao Ngài ấy lại có trí huệ lớn như vậy?” Phật đã trả lời thế nào? Ngài bảo: “Ông có thấy qua cái trống chưa?”. “Có thấy”. “Ông xem tiếng của cái trống ấy, dùng lực đánh một cái, âm thanh vang dội rất lớn. Đánh nhẹ hơn một chút, âm thanh vang lên rất nhỏ. Có đúng vậy không?”. “Vâng, đúng vậy”. Không đánh thì sao? Không đánh thì không vang, đánh rồi ắt sẽ vang tiếng. Phật nói tâm của Xá Lợi Phất giống như cái trống kia vậy. Bên trong cái trống có thứ gì không? Không có, hoàn toàn trống trơn, cái gì cũng không có. Cái gì cũng không có, mà cái gì cũng biết, đây chính là tự tánh. Chỉ cần có vật, thì trong đó liền có chướng ngại; có chướng ngại nên bạn không biết. Không biết, thì phải từ từ mà học vậy, học mãi cũng không học hết được.

Trí huệ là không có điểm dừng, bạn không cần học nhưng đều biết tất cả. Vì thế chúng ta liên tưởng đến Thích Ca Mâu Ni Phật không học, Ngài buông bỏ toàn bộ. Thật sự học hết 12 năm, nhưng đến sau cùng cũng từ bỏ. Ngài ngồi nhập định, nhờ vậy mới có thể khai ngộ. Qua đó chứng tỏ học không thể khai ngộ. Học có thể làm tăng kiến thức, chứ không thể khai ngộ. Đó là con đường chết, chứ không phải con đường sống.

Phật Pháp là trì giới, tu định. Nhân giới được định, nhân định khai huệ. Khai trí huệ, đó là con đường sống, là con đường trực tiếp thông với minh tâm kiến tánh. Vì vậy, không cầu hữu tri mới chân thật là vô sở bất tri. Đạt đến vô tri mới thật sự là vô sở bất tri, mới có thể buông xả. Vậy chúng ta liền sáng tỏ; hóa ra Phật độ chúng sanh, cảnh giới cao nhất chính là vô niệm – vô niệm chính là tự tánh. Cái gì vô niệm? Tự tánh vô niệm. A lại da thì có niệm, còn tự tánh vô niệm. Có niệm liền biến thành A lại da – A lại da là vọng tâm, là tâm sanh diệt. Do đó, toàn thể vũ trụ, vì sao có Thật Báo Độ? vì sao có Đồng Cư Độ? Cõi Đồng Cư là do A lại da biến hiện ra. Cõi Thật Báo không có A lại da, chuyển A lại da thành Đại Viên Cảnh Trí. Đây là nói theo công phu tu hành. Chuyển thức thành trí rồi, trí là gì? Trí là cái gì cũng không có. Đó chính là trí, là trí huệ chân thật.

Bởi vậy, bạn chuẩn bị rất nhiều thứ, nhiều bạn bè giảng kinh đều có kinh nghiệm về chuyện này; chuẩn bị một đống tài liệu, đến khi lên đài thì thế nào? Một câu cũng không dùng đến. Càng giảng càng hay, ngay cả bản thân cũng rất tán thưởng. Tôi làm sao giảng được hay như vậy nhỉ? Đó là gì? Là tự tánh lưu lộ ra, bởi vì bạn vô tri; nếu bạn hữu tri, hữu tri thì giảng sẽ không hay, nó có tính giới hạn. Vô tri không có tính giới hạn, nhưng thứ mình giảng sẽ tương ưng với tự tánh, từ tự tánh lưu xuất ra. Diệu, quá diệu rồi! Phật Pháp cần phải trở về với cảnh giới này, Phật Pháp mới thật sự có thể hưng vượng. Không trở về được cảnh giới này, cứ một mực truy cầu, đó là Phật học. Những điều mà người thời nay nói đến toàn là Phật học. Phật học là tri thức, không phải trí huệ. Học phật thì đối với những đạo lý này không thể không hiểu.

Niệm Phật, chúng ta là dùng phương pháp niệm A Di Đà Phật để dứt trừ phiền não, niệm cho mất vọng tưởng, niệm cho dứt bặt tạp niệm, khôi phục chân tâm. Chân tâm chính là cái tâm mà cái gì cũng không có, cái tâm ấy sẽ sanh trí huệ. Người khác đưa ra vấn đề hỏi bạn, bạn buột miệng là có thể trả lời; chẳng có thứ gì mà không biết. Tuyệt đối không phải do học được ở đâu đó; tuyệt cũng không phải do đọc nhiều sách, xem nhiều kinh. Không phải, chẳng can hệ gì với mấy thứ đó cả. Liên quan với những thứ ấy thì gọi là tâm ngoại cầu pháp, ngoài tâm chẳng có pháp, cầu pháp ngoài tâm sẽ cầu không được, trong tâm hoàn toàn trống không. Thật vậy, Thích Ca Mâu Ni Phật lấy chiếc trống làm ví dụ – ví dụ quá tuyệt diệu! Trong bụng bạn chất chứa quá nhiều thứ nên không thể vang được, đánh không vang. Xá Lợi Phất là rỗng rang nên gõ lớn ắt kêu to, gõ nhỏ tiếng kêu nhỏ, không gõ thì không kêu. Đó là sự thật, là chân tướng sự thật.

Chúng ta làm thế nào để từ chỗ này mà sanh khởi tín tâm? Từ đây khởi lòng tin là đại trí huệ. Người bình thường không tin. Chúng tôi cùng với những chuyên gia học giả nước ngoài, thảo luận về vấn đề này; họ đều lắc đầu, làm sao có chuyện đó được? Nếu có chuyện đó thật, vậy chúng ta còn xây trường học để làm gì?

Xây trường học là vì chúng sanh sáu nẻo mà xây, không phải xây cho Phật Bồ Tát. Từ Tu Đà Hoàn trở lên là không cần dùng đến trường học rồi, nó không phải do học mà có. Minh bạch được cái lý này chính nằm ngay buông xả, triệt để buông xả. Buông xả tức là thiền định; chân thật một trần chẳng nhiễm. Cái tâm ấy bao lớn chứ? Là lớn như vũ trụ vậy, bởi vì vũ trụ là do tâm biến hiện ra. Đối với kẻ sơ học thì dùng biện pháp này.

Pháp môn niệm Phật là pháp môn đệ nhất. Tuyệt diệu! Một câu Phật hiệu, có thể niệm dứt hoàn toàn tham sân si mạn nghi. Bởi vì nếu không niệm Phật, bạn nhất định sẽ khởi vọng niệm, tất cả nhân ngã thị phi, tham sân si mạn nghi thảy đều đến đủ. Chúng ta từ sớm đến tối, nhìn thấy vô vàn chúng sanh đều với cái tâm thái ấy.Vì vậy, không niệm Phật ắt sẽ làm sáu nẻo luân hồi.

Tham sân si mạn, nhà khoa học hiện đại cũng phát hiện được. Tâm tham tăng trưởng sẽ chiêu cảm thủy tai. Tham tương ưng với nước, sóng thần đều do tâm tham mà ra. Sân hận là hỏa tai, núi lửa bùng phát. Sự nóng dần lên của khí hậu trên trái đất, đều thuộc về sân hận. Ngu si là phong tai, chiêu cảm lấy nạn gió. Ngạo mạn chiêu cảm địa chấn, đó là do cống cao ngạo mạn. Nghi ngờ là ngu si; chiêu cảm thứ gì? Là núi lở đất sụp, núi non sạt lở, đại địa đột nhiên sụp xuống. Hiện nay rất nhiều nơi trên thế giới, rất nhiều báo cáo về điều này: Đất đai chẳng biết thế nào mà lại sụp xuống? Do cư dân vùng đó, ngu si nhiều. Thị phi, tà chánh, thiện ác, không thể phân biệt được, gọi là ngu si. Đem Chánh cho thành Tà, đem Tà xem thành Chánh, nó sẽ cảm vời thảm họa trái đất.

Thảm họa, đây không phải thảm họa của tự nhiên. Tự nhiên không có thảm họa, tự nhiên là mạnh khỏe nhất, tự nhiên là thứ tốt nhất. “Tham sân si mạn nghi”, ba ngàn năm trước đó, Phật trong kinh có nói với chúng ta, những thứ này sẽ chiêu cảm thiên tai thảm họa. Năm chữ này đi song hành cùng ngũ thường của truyền thống văn hóa Trung Quốc, ngũ thường là “nhân lễ nghĩa trí tín”. Bạn xem, “Nhân” là không sát sanh, “Nghĩa” là mọi tư tưởng, hành vi đều hợp lý, hợp tình, hợp lý, hợp pháp, đây là bình thường. “Lễ”, chủ yếu nói đến tiết độ, không thể vượt giới hạn, quá giới hạn là không hợp lễ, không đúng mức cũng coi như không hợp lễ; đúng mức vừa phải, đó gọi là trung đạo, nho gia gọi là trung dung, phải dùng trung – không thể quá mức, cũng không thể thấp hơn được… nói vô cùng hay! Ngạo mạn quyết định không thể có, phải khiêm tốn, tự mình phải khiêm hư, tôn trọng người khác.

Hiện nay, thế giới này muốn hướng đến hòa bình, nhất định phải hiểu sự bình đẳng. Nhất định phải bình đẳng đối đãi, chung sống hòa mục, trái đất này liền được cứu. Bắt đầu làm từ chỗ nào? Bắt đầu làm từ chính mình, đừng yêu cầu nơi người khác. Người người đều có thể giác ngộ, đều bắt đầu từ chính mình mà làm; xã hội liền an định, tai nạn trên thế giới liền được hóa giải. Đạo lý này Phật ngay trong kinh vẫn thường nói: Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, lại bảo: Cảnh tùy tâm chuyển; Cảnh là cảnh giới bên ngoài, tùy theo ý niệm của chúng ta mà chuyển. Ý niệm của chúng ta đều là ý niệm tốt, đều là chánh, không có mặt xấu trong đó… Tốt! Vì thế, không thể không niệm Phật được.

Niệm Phật là gì? Niệm Phật là vĩnh viễn xa lìa sáu nẻo luân hồi. Niệm Phật là gìn giữ cho nguồn năng lượng của chúng ta được chánh. Niệm Phật là thứ duy nhất mang lại hiệu quả hóa giải tai nạn, duy trì xã hội an định hài hòa. Nó là phương pháp tốt nhất. Vì vậy, hy vọng mọi người nghiêm túc, nỗ lực niệm Phật, niệm câu “A Di Đà Phật” này.

Hôm nay thời gian tới rồi, chúng ta giảng đến chỗ này.