PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN
PHẨM THỨ 6 – KINH VÔ LƯỢNG THỌ
TẬP 1
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: tại Nhật Bản.
Thời gian: ngày 05 tháng 5 năm 2015

 

Trung Tây pháp sư tôn kính, chư vị pháp sư, chư vị đại đức, chư vị đồng học tôn kính. Xin chào mọi người!

Hôm nay, tôi đến Nhật Bản do được Cựu Thủ Tướng hai lần khởi thỉnh, một phần là do ông Hatoyama  hai lần mời tôi, một phần cũng là vì đồng học Tịnh Tông ở Tokyo, đặc biệt là Tịnh Tông học hội Thái Hoà, nên tôi đặc biệt dành chút thời gian đến bên này cùng các đồng học đàm luận Phật Pháp.

Phật pháp phải nói bắt đầu từ đâu đây? Về mặt thời gian lần này chúng ta có 20 giờ đồng hồ. Lúc nãy tôi có nhìn thấy tiêu đề được chạy trên màn hình ghi là “lần thứ 2”, lần thứ nhất chính là chúng ta ở Đài Loan giảng hết 10 giờ đồng hồ, lần này có 20 giờ, có thể nói càng tỉ mỉ hơn một chút. Phần giảng nghĩa này là do thuở đầu tôi giảng bên Mỹ, có lịch sử hẳn hoi, lần này được mời sang đây tôi suy nghĩ chúng ta sẽ nói gì đây? Vẫn là nói đến sự thù thắng bậc nhất trong Phật Pháp, bàn về bộ kinh mang lợi ích chân thật cho chúng ta. Những kinh điển khác bàn về Phật học, nói đến thường thức, muốn được lợi ích thật sự là điều rất khó. Lợi ích chân thật nghĩa là phải giúp chúng ta lìa cứu cánh khổ, đắc cứu cánh lạc, hy vọng đồng học hãy ghi nhớ câu nói này.

Nếu có người hỏi bạn Phật pháp là gì? Học Phật có lợi ích gì? Bạn có thể nói với họ lợi ích của việc học Phật là có thể dạy chúng ta lìa khổ được vui, lìa hết thảy khổ, đạt được niềm vui rốt ráo.

“Khổ”, nếu không thoát khỏi sáu nẻo luân hồi, khổ là điều không thể tránh khỏi, nhất định phải lìa sáu nẻo luân hồi, mới chân thật lìa khổ. Nếu như không đến thế giới Cực Lạc, niềm vui có được không phải vĩnh hằng, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc, chữ “Lạc” này là mãi mãi, niềm vui vĩnh viễn không bao giờ có khổ, điều này mới chân thật gọi là lìa khổ được vui.

Phật năm đó ra đời ở Ấn Độ, theo như ghi chép của tổ sư đại đức Trung Quốc, đến năm nay là 3041 năm, người nước ngoài bảo là hơn 2500 năm. Như ghi chép của Trung Quốc vẫn có lý hơn, người Trung Quốc chú trọng lịch sử, theo như cách tính niên đại khi Phật Giáo vừa mới du nhập vào Trung Quốc là vào triều Hán. Lúc đó các vị pháp sư có suy luận ra, theo như cách ghi niên giáp của Trung Quốc, Phật xuất hiện tại thế gian là vào năm 24 Chu Chiêu Vương, (năm Giáp Dần), diệt độ vào thời Chu Mục Vương. Cho nên y theo niên đại được ghi chép chúng ta nhận thấy tương đối đáng tin. Chúng tôi tin tưởng cổ nhân Trung Quốc xem trọng lịch sử đã hơn ba ngàn năm rồi.

Phật giáo hiện nay, chúng ta thấy Trung Quốc đại lục các quan chức Bắc Kinh đã nói rõ : “Phật giáo không phải tôn giáo, không phải mê tín, đó là giáo dục”. Đây là chuyện tốt, khẳng định Phật giáo là giáo dục Phật Đà, giống như giáo dục Khổng Mạnh của Nho gia Trung Quốc. Theo đó người người đều nên phải học tập, bắt buộc phải học.

Phật giáo đối với chúng ta thật có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề, những vấn đề trước mắt của xã hội, từ sự tu dưỡng con người cho đến việc tề gia, gia đình hài hoà, công việc thuận lợi, xã hội an định, quốc gia giàu mạnh, thế giới hoà bình, đều có sự trợ giúp chân thật. Cho nên thứ này không thể không học. Người Trung Quốc gọi là Tôn giáo. Trong văn tự TrungQuốc, “Tôn giáo” ý nghĩa của hai chữ này vô cùng hay. Nếu chiếu theo ý nghĩa ngôn từ Trung Quốc để  giảng giải vậy thì Nho, Thích, Đạo đều là tôn giáo.

Tôn có ba nghĩa: Thứ nhất là chủ yếu. Thứ hai là xem trọng. Thứ ba là tôn sùng. Đây là ba nghĩa.

Giáo cũng có ba nghĩa: là giáo dục, giáo học, với giáo hoá.

Hai chữ này khi liên kết với nhau sẽ là: chủ yếu là giáo dục, trọng yếu là giáo học, tôn sùng giáo hoá. Nếu chúng ta nói một cách rõ ràng minh bạch, phía trước thêm hai chữ nữa mọi người vừa nghe sẽ hiểu ngay:

-Tôn giáo là nền giáo dục chủ yếu của nhân loại.

-Tôn giáo là giáo học quan trọng của nhân loại.

-Tôn giáo là giáo hoá đáng được tôn sùng của nhân loại.

Ý nghĩa như thế rất hay.

Chúng tôi mười mấy năm gần đây, đoàn kết tôn giáo trên quốc tế, mỗi một tôn giáo đều tiếp nhận hàm nghĩa của từ “Tôn giáo” trong Trung Văn, đều thừa nhận từ “Tôn giáo” của chúng ta phù hợp với định nghĩa của từ “Tôn giáo”, mọi người đều hoan hỷ.

Xã hội của mười mấy năm nay không được yên ổn, mỗi năm ngày càng nghiêm trọng hơn. Hiện nay chúng ta phải hết sức nỗ lực làm cho tốt công việc này, tức là đoàn kết tôn giáo. Chúng tôi đề xuất “Thần là một thể, Giáo là một nhà”, “Giáo” chính là tất cả những tôn giáo khác nhau trên thế giới, chúng ta là người một nhà. Trong tôn giáo đều thừa nhận chỉ có một vị Thần thực thụ, vị Thần sáng tạo vũ trụ, đây là chân Thần. Tất cả những vị Thần được nói đến trong mỗi Tôn giáo  là  cùng một vị Thần, chân thần một thể. Vì thế Tôn giáo là một nhà, tôn giáo liền có thể đoàn kết hài hoà.

Lý niệm đoàn kết, chúng ta dùng văn tự càng đơn giản càng tốt. Có tám chữ: “Bình đẳng đối đãi, chung sống hoà mục”, bản thân tôn giáo cần phải trở về với giáo dục, học tập lẫn nhau. Tôi không những học tập tôn giáo tôi, kinh điển của tôi, tôi còn phải học tập tôn giáo của người khác cùng với kinh điển của họ. Kinh điển của mỗi một tôn giáo đều vô cùng phong phú, đặc biệt là phật giáo. Đại tạng kinh của phật giáo, nếu chúng ta chân thật học tập, cả đời cũng học không xong, phân lượng của nó quá lớn, một đời cũng học không hết nổi.

Vậy phải làm sao? Chúng tôi đề xuất quyển sách nhỏ “Ba Trăm Sáu Mươi”, mong muốn mỗi một tôn giáo đều mang giáo nghĩa của mình tiết lục từ kinh điển, soạn thành một quyển sách nhỏ để chúng ta học tập, phân lượng đừng quá nhiều, như vậy chúng ta có thể dùng một khoảng thời gian ngắn rút ra được những điều tốt nhất của mỗi một tôn giáo, giáo huấn tinh hoa nhất, chúng ta toàn bộ đều học được. Sau đó mới chân thật khẳng định, “Thần đích thực là một thể”.

Trong phật pháp truyền đạt cái ý này vô cùng rõ ràng, đây là điều phổ biến nhất, chúng ta trong kinh Pháp Hoa xem thấy Quan Thế Âm Bồ Tát, phẩm Phổ Môn, Bồ Tát hiện tướng ngàn tay ngàn mắt; phần đầu hiện ba mươi hai khuôn mặt, đại biểu ba mươi hai ứng, nên dùng thân gì để độ Ngài liền hiện thân đó, ba mươi hai ứng thân, ý nghĩa này vô cùng rõ ràng.

Hết sức đáng tiếc, những bức tượng cùng với tranh vẽ đều vẽ thành khuôn mặt của Bồ Tát, ba mươi hai khuôn mặt đều là gương mặt của Bồ Tát. Vậy đáng ra nên vẽ thế nào? Nên vẽ khuôn mặt của vị Thần sáng tạo của các tôn giáo khác nhau. Vậy thì ý nghĩa biểu pháp đó liền rõ ràng rồi, khiến chúng ta vừa nhìn thấy, hoá ra người sáng tạo các tôn giáo khác nhau toàn là hoá thân của Quan Thế Âm Bồ Tát, một thể.

Chữ “một thể” này, là mấy năm trước, năm nào thì tôi không nhớ rõ. Tôi đến thăm Nhật Bản, có đến bái kiến lão pháp sư Trung Thôn Khang Long, tôi nhớ năm đó Ngài 100 tuổi, Ngài thì 103 tuổi qua đời. Lúc Ngài 100 tuổi tôi có gặp mặt Ngài, Ngài vô cùng hoan hỷ. Lời này là do Ngài nói, Ngài nói với tôi, Ngài nói: “Người sáng tạo mỗi một tôn giáo trên toàn thế giới đều là hoá thân của Quan Thế Âm Bồ Tát”. Lúc tôi rời đi, đồ đệ của Ngài, Thầy Kiều Bổn tiễn tôi đến tận cửa lớn, nói với tôi, Thầy nói: “Pháp sư à, hôm nay Lão Hòa Thượng của chúng tôi nói với Thầy những lời đó rất kỳ lạ, cả đời chúng tôi chưa nghe thấy bao giờ. Vì sao Lão Hòa Thượng lại nói với Thầy những lời đó nhỉ?”.

Tức là, “Người sáng tạo ra hết thảy tôn giáo đều là hoá thân của Quan Thế Âm”, Chúa Giêsu là hoá thân của Quan Thế Âm Bồ Tát, Mohammed là hoá thân của Quan Thế Âm Bồ Tát. Người sáng tạo ra mỗi một tôn giáo, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng không ngoại lệ, cũng là hoá thân của Quan Thế Âm Bồ Tát. Về lý, chắc chắn nói được thông, lời này được chính miệng của Lão Hòa Thượng nói ra, tôi cảm thấy ý nghĩa vô cùng sâu. Ngài biết, hiện nay tôi bôn ba khắp nơi trên thế giới để đoàn kết các tôn giáo khác nhau, Ngài biết tôi đang làm công việc này nên nói với tôi những lời như thế. Câu nói này đối với chúng tôi có sự giúp ích rất lớn.

Vì vậy Thần sáng tạo của chúng ta là chân Thần, “Thần là một thể”. Còn Giáo thì sao? Các giáo phái khác nhau là một nhà. Vì vậy tôn giáo phải tôn trọng tôn giáo, phải bình đẳng đối đãi, chung sống hoà mục, phải như người trong một nhà vậy, nên học tập lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, còn phải giao lưu qua lại một cách mật thiết.

Cổ thánh tiên hiền Trung Quốc dạy chúng ta, con người đến thế gian này, có người hỏi tiến sĩ Thang Ân Tỉ, (hình như Thang Ân Tỉ có lưu những lời này trong quyển sách của ông) có người hỏi: Con người rốt cuộc vì sao lại sống trên cõi đời này?

Chúng ta có câu hỏi như vậy không? Sống trên thế gian này rốt cuộc là vì sao?

Người Trung Quốc trả lời vô cùng khẳng định : Sống trên thế gian này chỉ vì một mục đích duy nhất, đó là tiếp nối mạng mạch nền văn hoá nhân loại đời trước truyền lại cho chúng ta, ta phải truyền tiếp cho thế hệ sau, đời đời truyền đi, không thể để nó bị đoạn tuyệt, đây là nhân sinh quan của người Trung Quốc.

Còn đáp án của Thang Ân Tỉ cũng không tệ, ông nói con người sống trên thế gian này vì ba sự việc:

-Đầu tiên là Yêu. Cha mẹ yêu thương con cái, con cái yêu thương cha mẹ, thứ nhất là yêu.

-Thứ hai là cầu Trí, tức là cầu tri thức. Chúng ta sống trong cõi đời này phải hiểu biết cái thế gian này, phải nhận biết được nó, lời này nói cũng không tệ.

-Thứ ba là sáng tạo, con người nên vì điều này mà sống.

Thang Ân Tỉ vẫn chưa thâm nhập kinh tạng. Nếu thâm nhập kinh tạng, chúng ta cảm thấy vẫn là Đức Phật nói hay nhất. Phật từng bàn đến vấn đề này. Con người vì sao đến thế gian này? Một lời của Phật thôi là đã nói hết tất cả, so với hai cái ý phía trước đều hay hơn: Phật bảo là “Nhân sinh thù nghiệp”, “Thù” là thù báo, “Nghiệp” chính là nghiệp mà đời trước bạn đã tạo, hay nói cách khác, đời trước tạo thiện nghiệp, kiếp này bạn đến thế gian hưởng phước, bạn có phước báo; nếu bạn có ác nghiệp vậy thì bạn đến cuộc đời này là để chịu tội.

Vì thế Phật nói trong quan hệ giữa người với người, bốn duyên, có bốn mối quan hệ : báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Không những người một nhà có mối quan hệ này, mà không phải người chung một nhà vẫn có kiểu quan hệ này, giữa bạn bè với bạn bè, giữa những người quen biết lẫn nhau.

Phải ghi nhớ những lời của Phật, đặc biệt là xã hội hiện nay, nếu bạn hiểu được bốn câu nói này bạn sẽ trải qua một cuộc sống rất vui vẻ, rất hạnh phúc. Người khác tốt với bạn, cho bạn việc làm, giúp đỡ bạn rất nhiều khiến sự nghiệp thuận lợi, đó là vì sao?  Vì đến để báo ân, đời trước bạn có ân với họ nên đời này họ báo ân cho bạn, họ thành tâm thành ý đối đãi chúng ta, chúng ta cũng tiếp nhận rất hoan hỷ.

Vậy nếu gặp phải kẻ phản nghịch thì sao? Thậm chí là đối với tình cha con, con cái đi giết hại cha mẹ, đó là gì? Là báo oán. Đời trước bạn giết họ, đời này họ phải báo thù, chính là sự việc như vậy. Có đòi nợ, có trả nợ, đòi nợ trả nợ chỉ là vấn đề về tài vật, họ đối với bạn không có ơn nghĩa, không có kiểu quan hệ tình nghĩa. Vì thế Phật nói rất hay, bốn chữ này đã nói lên tất cả, nhân sinh chẳng qua là sự việc như vậy mà thôi.

Vậy giáo dục Phật Đà là gì? Giáo dục Phật Đà là để giúp chúng ta hiểu rõ được chân tướng sự thật, đó gọi là giác ngộ. Chúng ta đời này, trong khoảng thời gian sống tại thế gian này, rốt cuộc là vì sao? Người hiểu rõ ràng, minh bạch, đó gọi là Phật, người bình thường thì mê hoặc điên đảo cả một đời.

Phật là người hiểu rõ ràng minh bạch, đem “Oán” chuyển thành “Thân”. Phật pháp có thể cải đổi, có thể giúp kẻ ác trở thành người hiền, trở thành người lương thiện, oan gia biến thành thân gia; Phật có cái bản lĩnh này, Ngài biết rất rõ ràng. Vì vậy rộng kết thiện duyên, hoá thù thành bạn, đem những oan kết này thảy đều hoá giải, nếu không hoá giải, phiền phức rất lớn. Vì sao? Vì đời này là nghiệp nhân của đời trước, những gì gây ra ở đời này, kiếp sau phải thọ báo, rất phiền phức. Không thể nói chết rồi thì cái gì cũng không còn, đâu có đơn giản như vậy.

Hiện nay rất nhiều người cảm thấy cuộc sống nhàm chán vô vị, thế là bèn tự sát, người có suy nghĩ muốn tự sát rất nhiều, ngay cả trẻ con cũng có. Tự sát liệu có thể giải quyết vấn đề không? Không thể giải quyết vấn đề. Ngược lại còn làm vấn đề chất chồng thêm. Vì thế Phật dạy chúng ta, con người không thể tự kết liễu mình, chết rồi sẽ rất phiền phức. Chỉ khi bạn sống trên thế gian này, bạn mới có cơ duyên, cơ hội giải quyết vấn đề, sau khi chết đi, cơ hội sẽ không còn, đời sau còn phải chịu quả báo, quả báo còn rắc rối, còn nghiêm trọng hơn đời này. Do đó giáo dục Phật Đà chúng ta nhất định phải tiếp nhận, đây thật sự là nền giáo dục vô cùng tốt, nhưng ngặt nỗi lại khó tin.

Thân người khó được, Phật Pháp khó nghe”, trên kinh Phật thường nhắc nhở chúng ta điều này, đó là sự thật, quả thật là khó tin. Đặc biệt trong xã hội hiện đại, người hiện nay tiếp nhận giáo dục khoa học, cho nên đối với loại hình giáo dục này rất khó chấp nhận, cho rằng những thứ này đều là mê tín. Họ không biết rằng khoa học là tri thức, ngày nay tôn sùng khoa học, đối với khoa học mọi thứ đều phải nói đến chứng cứ. Trên thực tế, trong phật giáo toàn bộ chứng cứ đều nói đến trọn vẹn, chính ngay trước mắt, bạn hãy đọc lịch sử một cách tỉ mỉ; quá khứ, hiện tại, vị lai đều có thể biết rõ ràng, minh bạch bạn liền sẽ tin tưởng.

Hiện nay vấn đề nan giải nhất chính là Tịnh Độ Tông. Tịnh Độ Tông là pháp dễ hành nhưng khó tin, nếu bạn chân thật tin tưởng, đời này của bạn có thể thành Phật, một đời thành tựu, vô cùng nhanh. Nếu bạn không tin, vậy thì khó lắm. Bất kỳ một pháp môn nào, Phật nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn đều có thể giúp chúng ta thành Phật, nhưng không phải trong một đời, còn phải nhiều đời nhiều kiếp học tập tu hành, trong khoảng thời gian rất dài từ từ mới chứng quả, không như Tịnh Tông, Tịnh Tông hết sức nhanh.

Chúng ta học Phật phải cẩn thận. Theo ai học? Theo Thích Ca Mâu Ni Phật học. Phật Thích Ca Mâu Ni vì chúng ta làm ra tấm gương tu hành chứng quả tốt nhất. Ngài làm ra để chúng ta xem, chúng ta nếu không lấy Ngài làm gương, vậy thì sai rồi…! Người thế gian đầu tiên là chấp trước, chấp cái thân này là Ta, đây là nguồn gốc của mọi sai lầm gây ra tội nghiệp.

Người học Phật đều biết, học Phật có thành tựu nhỏ, đó là người thế nào? Đó là tiểu thừa sơ quả Tu Đà Hoàn. Đây là người có thành tựu nhỏ. Làm thế nào chứng quả Tu Đà Hoàn? Trên kinh Phật nói với chúng ta, Phật khác với chúng sanh, Phật đã giác ngộ còn chúng sanh thì mê hoặc, mê một cách quá nghiêm trọng, mê quá sâu, quá nghiêm trọng, mê quá nặng không quay đầu lại được, đời đời kiếp kiếp mãi xoay vần trong sáu nẻo luân hồi, khổ không kể xiết. Tuy làm việc thiện nhưng trong thiện có ác, tuy làm việc ác nhưng trong ác lại có thiện, thiện có thiện báo, ác có ác báo, không phải không báo, chỉ là thời gian chưa đến mà thôi. Phải thật sự hiểu cho rõ, hiểu cho tường tận sự việc này.

Tham luyến thân này là Ta, người hiện nay có người bất chấp cả thân này để tham cái gì? Tham tài, tham sắc, tham danh, tham lợi. Chỉ muốn có những thứ này, đó là tạo tác tội nghiệp, tạo tác ác nghiệp. Nghiệp này không tốt, quả báo đời sau là ở Tam đồ: ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh; những nẻo này rất dễ đi vào nhưng rất khó ra khỏi.

Đồng học học Phật đều phải hiểu cho rõ ràng tường tận những chân tướng sự thật này, tự mình mới biết cách làm thế nào để tránh, mới có thể chân thật đi trên con đường thành Phật. Muốn thành tựu trong đời này, chỉ có Tịnh Độ Tông, Tịnh Độ Tông là pháp khó tin nhất.

Tôi học Phật đã 64 năm, giảng kinh dạy học 57 năm. Tôi 33 tuổi là xuất gia, xuất gia thì ngay năm ấy liền dạy cho Phật học viện, giảng kinh ở khắp các vùng ở Đài Loan, 57 năm giảng kinh chưa hề gián đoạn, đây là do lão sư dạy cho tôi. Động cơ khiến cho tôi học Phật không giống với những đồng học thông thường. Lúc còn trẻ tôi tiếp nhận nền giáo dục trường học, thầy giáo ở trường học đều nói với học sinh: “Tôn giáo là mê tín”. Những đứa trẻ như chúng tôi nghe lời thầy, đều đem những lời này cho là thật, đặc biệt cho rằng phật giáo là mê tín nhất, phật giáo là tôn giáo cấp thấp. Tôn giáo cấp cao chỉ có một vị thần, thần sáng tạo chỉ có một vị thần, trong phật giáo cái gì cũng lạy nên bảo là phiếm thần giáo, đa thần giáo; tôn giáo như vậy thuộc về tôn giáo cấp thấp. Đương nhiên chúng tôi càng không có chuyện đi tiếp xúc với nó, chưa hề lạy tượng Phật một lần nào, cũng chưa hề thắp một cây nhang nào, cho rằng nó là mê tín.

Tôi 23 tuổi đến Đài Loan, 26 tuổi quen biết tiên sinh Phương Đông Mỹ, tôi theo Thầy học triết học. Đây là một nhà triết học rất có tiếng ở Đài Loan. Thầy giảng cho tôi một bộ triết học khái luận, chúng tôi có duyên. Cái duyên phận này sau khi học Phật mới biết, có lẽ do gieo được ở đời trước chứ không phải trong đời này, đời này chúng tôi không hề quen biết nhau, tôi chỉ là xem được những tài liệu của Thầy, biết Thầy với tôi là đồng hương, nhà chúng tôi ở dưới quê, cách nhau không quá xa, chỉ khoảng 30 km, nên là đồng hương, rất gần.

Tôi chỉ dựa vào điểm này, bèn viết cho lão nhân gia một lá thư kèm theo một bài văn gửi cho Thầy xem. Một tuần sau Thầy viết thư trả lời tôi, hẹn tôi đến nhà gặp mặt. Tôi liền thỉnh cầu, hy vọng Thầy cho phép tôi (lúc đó Thầy đang dạy học ở đại học Đài Loan), cho phép tôi đến dự thính giáo trình của Thầy.

Thầy nói với tôi, Thầy bảo: “Trường học hiện nay thầy không ra thầy, trò không ra trò”. Các vị phải nhớ đó là vào sáu mươi bốn năm trước, không phải bây giờ, sáu mươi bốn năm trước. Thầy nói: “Anh đến trường học nghe giảng, anh sẽ thất vọng tràn trề”. Tôi nghe những lời này của lão sư, nghĩ rằng Thầy đã hoàn toàn cự tuyệt tôi, cho nên trong tâm rất buồn. Chỉ có một hy vọng duy nhất này, dường  như trong thoáng chốc đã tan biến. Tin rằng lúc đó trông con người tôi rất ủ rũ, rất buồn bã.

Chúng tôi ngồi cùng nhau, đại khái cũng sáu, bảy phút. Thầy nói với tôi : “Như thế cũng tốt, nếu anh thật muốn học, Chủ Nhật mỗi tuần anh đến nhà tôi, buổi sáng từ 9h30 đến 11h30, hai tiếng đồng hồ”. Thầy giảng bài cho tôi hai tiếng đồng hồ, học trò chỉ có mỗi mình tôi, một thầy một trò, lên lớp ngay trong cái phòng khách nhỏ nhà Thầy, trên chiếc bàn tròn nhỏ. Tôi chính là học như vậy. Thầy giảng cho tôi một bộ triết học khái luận gồm có năm bài, bài sau cùng là triết học kinh Phật. Giảng tới bài này tôi có sự nghi hoặc, tôi thỉnh giáo với lão nhân gia, tôi nói: “Phật giáo là tôn giáo, là đa thần giáo, là mê tín, nó làm sao có triết học được?”. Lão sư nói với tôi : “Anh còn trẻ, anh không biết, Thích Ca Mâu Ni Phật là nhà triết học vĩ đại nhất trên thế giới, triết học kinh phật là triết học cao cấp nhất trên toàn thế giới, học phật là sự hưởng thụ cao nhất của đời người.

Tôi trước giờ chưa hề nghe qua, tôi tin Thầy không vọng ngữ. Tôi thỉnh giáo với Thầy: “Lời này con chưa hề nghe nói qua!”. Tôi thỉnh giáo với Thầy, tôi nói: “Thưa Thầy! phật học này Thầy học từ đâu vậy ạ?

Thầy nói với tôi, lúc kháng chiến, vào thời chiến tranh Trung Nhật, Thầy đang dạy học ở đại học Trung Ương, là giáo sư triết học của trường đại học Trung Ương. Đó là một hậu phương lớn thuộc thành phố Thành Đô Tỉnh Tứ Xuyên. Đại Học Trung Ương thuộc  Thành Đô. Có một khoảng thời gian Thầy bị bệnh, bạn bè giới thiệu Thầy đến núi Nga Mi tu dưỡng, núi Nga Mi là Thánh địa phật giáo, là đạo tràng của Bồ Tát Phổ Hiền. Thầy lên núi dưỡng bệnh, lúc đó trên núi giao thông lạc hậu, không có giao thông, đều là đi bộ, hoặc cưỡi ngựa, cưỡi lừa, những con lừa nhỏ, dùng những phương tiện giao thông này.

Trên núi ngoại trừ kinh phật ra, không có tạp chí, không có báo chí, cái gì Thầy cũng không xem, mỗi ngày dùng kinh Phật để khuây khoả. Rốt cuộc cũng do Thầy có nền tảng tốt nên có thể  xem hiểu. Vừa xem thì xem đến mê mẩn, từ đó về sau không có ngày nào là Thầy không đọc kinh phật. Thật sự là thâm nhập kinh tạng.

Về sau chúng tôi học phật mới hiểu được, cái gọi là “đọc sách ngàn lần, nghĩa kia tự thấy”, “tự thấy” tức là khai ngộ. Thầy chuyên tâm, lại yêu thích, Thầy biết những thứ này hữu ích, do đó Thầy có chỗ ngộ; có lẽ vẫn chưa đạt đến cảnh giới đại triệt đại ngộ; nhưng tiểu ngộ chắc chắn có, đại ngộ thì cũng không biết chừng. Vì vậy Thầy liền thâm nhập kinh tạng, đem những thứ này giới thiệu cho tôi, tôi từ đó mà nhập môn. Từ triết học nhập vào phật học. Từ đây mà vào cửa.

Cũng ngay khoảng thời gian này, tôi quen biết được Chương Gia Đại Sư, Chương Gia Đại Sư là người chuyên môn học phật. Tiên sinh Phương Đông Mỹ chỉ là học Phật kèm theo, Thầy là lấy triết học làm chủ, bên cạnh đó là học phật, cuối đời Thầy có chính thức quy y. Sư phụ quy y của Thầy là Lão Hòa Thượng Quảng Khâm ở Đài Loan, cũng là một lão pháp sư rất có uy tín. Nhờ đó tôi mới chịu tiếp nhận.

Tôi biết Chương Gia Đại Sư, ngày đầu tiên chúng tôi gặp mặt cũng là lần đầu tôi gặp người xuất gia, chính là Ngài Chương Gia. Tôi liền thỉnh giáo với Ngài, tôi nói : “Con tiếp nhận qua sự dạy dỗ của lão sư Phương, biết được trong kinh phật có nền triết học vô cùng cao thâm!”, tôi thỉnh giáo với lão nhân gia Ngài: “Có phương pháp nào để con rất nhanh khế nhập vào cảnh giới hay không?” Tôi đưa ra vấn đề này.

Đại sư nhìn tôi, tôi đợi Ngài khai thị. Chúng tôi cứ thế nhìn nhau, nhìn hết hơn nửa giờ đồng hồ, một câu cũng không nói, người giống như nhập định vậy, có mùi vị của nhập định. Ngài nói với tôi một chữ  “Có”. Tôi nghe “Có”, tinh thần lập tức phấn khởi hẳn, tai cũng vểnh hết cả lên. Ngài lại chẳng nói câu nào, chẳng nói gì nữa, ngưng khoảng bảy, tám phút, nói với tôi sáu chữ: “NHÌN CHO THẤU- BUÔNG CHO XUỐNG”.

       Nói với tôi: “Nhìn thấu giúp anh buông xuống, buông xuống giúp anh nhìn thấu”, hai phương pháp này hỗ trợ lẫn nhau giống như lên cầu thang vậy, bạn buông bỏ tầng dưới bạn liền lên được tầng trên, lại tiếp tục buông bỏ tầng trên bạn lại lên được tầng trên hơn nữa. Từ sơ phát tâm đến quả địa Như Lai chính là cách làm như vậy. Như vậy học Phật Pháp mà không có thể hướng lên cao, nguyên nhân nằm ở đâu? Chính ngay buông không xuống. Như thế bạn chỉ có thể đứng yên tại tầng đó mà thôi.

Lúc nãy có nói với bạn, nói hết sức rõ ràng, bạn sẽ không tiến lên được. Vì thế buông xả quan trọng. Nền tảng học phật của tôi là do Chương Gia Đại sư đặt định cho, tôi theo Ngài ba năm, lúc tôi theo Ngài, năm đó Ngài 65 tuổi. Tôi 26 tuổi, Ngài 65 tuổi, Ngài lớn hơn tôi 39 tuổi. Đến 68 tuổi thì Ngài qua đời, viên tịch rồi. Tôi theo Ngài ba năm, ba năm này Ngài giúp tôi đặt nền tảng phật học.

Sau đó tôi đến Đài Trung thân cận với lão sư Lý, theo Thầy học kinh giáo, tôi theo Thầy mười năm. Vì thế tôi học phật có ba vị lão sư, tổng cộng là mười ba năm. Xuất gia là do Chương Gia Đại Sư chỉ dạy tôi, Ngài khuyên tôi xuất gia, khuyên tôi học theo Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngài nói rất hay: “Anh học phật rồi, nếu anh không nhận thức được Thích Ca Mâu Ni Phật hoặc nhận thức không đủ, anh sẽ đi đường vòng, sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó đầu tiên anh phải nhận biết được Thích Ca Mâu Ni Phật”.

Ngài bảo tôi đọc Thích Ca Phương Chí và Thích Ca Phổ. Những khi có nghi vấn, đến ngày Chủ Nhật tôi sẽ đến thỉnh giáo với lão nhân gia Ngài, hầu như mỗi tuần chúng tôi đều gặp nhau một lần.

Đọc “Thích Ca Phổ” biết được Phật Thích Ca. Lúc đó trong khái niệm của chúng tôi, chúng tôi biết ý nghĩa của từ “Phật” chính là chỉ cho thánh nhân theo ý nghĩa Trung Quốc. Nếu theo cách dịch thông thường, Phật là giác giả, giác giả chính là người tường tận đối với chân tướng vũ trụ nhân sinh, hoàn toàn hiểu rõ thì được xưng là giác giả, chính là cái ý này. Phật không phải Thần, Phật là người biết rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Dịch như thế thì mọi người đều dễ hiểu. Chúng tôi cũng nghĩ một người trở nên rõ ràng tường tận đối với chân tướng của vũ trụ nhân sinh thì đó gọi là học phật. Học phật chính là cái ý như vậy.

Cho nên trong phật học không có mê tín. Phật giáo không có mê tín. Mê tín là biểu hiện mặt ngoài của phật giáo hiện thời. Mê tín, đó là gì? Do người học phật hiện nay không thâm nhập kinh tạng, không những không thâm nhập, ngay cả việc học tập kinh tạng cũng rất ít.

Cho nên lão sư nói với tôi, Thầy bảo: “Anh thật muốn học Phật, Phật giáo không có ở chùa”, bảo tôi: “200 năm trước những tự viện, am đường truyền thống của Trung Quốc, người xuất gia có thể nói phần đông đều là người có học vấn, đạo đức. Vì vậy học Phật không khó, đến đâu cũng có Lão sư. 200 năm sau đến ngày nay, đó là nói 64 năm về trước, người xuất gia không còn nghiên cứu kinh giáo, không học tập nữa rồi, bản thân họ không hiểu, họ chỉ biết đọc kinh, trong kinh có ý nghĩa gì họ cũng không hiểu”.

Vì thế Thầy bảo tôi, học Phật thì học như thế nào? Nhất định phải bắt đầu từ kinh giáo. Kinh giáo vào thời ấy lượng lưu thông rất ít, toàn Đài Loan chỉ có hai tiệm sách có in kinh Phật, số lượng rất ít. Một là Đoan Thành thư cục ở Đài Trung, hai là Khánh Phương thư cục ở Đài Nam, chỉ có hai tiệm này. Chủng loại rất ít, số lượng cũng không nhiều, đại khái đều là những thứ sách về kinh sám phật sự thường dùng ở chùa, họ in những thứ này, những bộ phận khác không có người in.

Vì thế những kinh luận chúng tôi muốn học tìm không ra. Phải làm sao? Thế thì phải đến chùa chép kinh. Trong chùa có tạng kinh, có Tàng Kinh Lâu, có thư viện, đến nơi đó có thể mượn được. Như bộ Đại Tạng Kinh, sách này không được mượn ra ngoài, nên tôi lợi dụng ngày Chủ Nhật hoặc ngày nghỉ đến đây chép kinh. Tôi còn nhớ lúc đó, tôi chép được mười mấy bộ – kinh sách không dễ gì có được, chân thật như trong kinh thường nói : Thân người khó được, Phật pháp khó nghe. Thật không dễ chút nào. Nhưng người thật sự hiểu được Phật Pháp, có tâm nhẫn nại chịu dạy bạn lại không nhiều, tôi thật khó được khi gặp ba vị lão sư. Lão sư Phương chịu dạy tôi, Chương Gia Đại Sư, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam cũng chịu dạy tôi.

Chân thật hiểu rõ ràng tường tận, hoá ra Thích Ca Mâu Ni Phật là một nhà giáo dục. Ngài 30 tuổi khai ngộ, loại biểu pháp và khuôn mẫu này đối với thế hệ sau như chúng ta, đặc biệt là người hiện nay, Ngài là tấm gương tốt nhất. Chúng ta ngày nay muốn học Phật, không có Thầy thì học làm sao? Phật Thích Ca Mâu Ni vì chúng ta thị hiện, Ngài không có lão Sư, 19 tuổi rời bỏ gia đình, từ bỏ quyền kế thừa vương vị. Ngài là vương tử, từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý trong cung đình, làm một vị Tăng tu khổ hạnh, ngày ăn một bữa ngọ, tối ngủ dưới gốc cây, ngày ngày đi khất thực, đi xin ăn, Ngài làm việc này.

Tất cả tôn giáo vào thời đó của Ấn Độ, toàn bộ Ngài đều học, còn có rất nhiều nhà triết học, Ngài đều thân cận qua, học hết 12 năm, sau đó từ bỏ. Vì sao lại từ bỏ? Do những loại học thuật đó không thể giải quyết được vấn đề. Vấn đề gì vậy? Chính là lìa cứu cánh khổ, đắc cứu cánh lạc, đều không làm được, vì thế Ngài từ bỏ. Trong đó có ý nghĩa biểu pháp rất sâu.

Sau khi học Phật mọi người cũng biết, Ngài 19 tuổi rời xa gia đình là buông bỏ Phiền não chướng. Quốc vương, phú quý đều là phiền não, Ngài buông bỏ rồi, đi làm một vị Tăng khổ hạnh. Mười hai năm học tập, tất cả những thứ học được toàn là những thứ trong sáu nẻo luân hồi, ra không nổi lục đạo, nó có thể giúp bạn sanh lên cõi trời nhưng không thể thoát khỏi luân hồi. Trời có 28 tầng, một tầng lại khó hơn một tầng. Vì thế vào năm Ngài 30 tuổi, Ngài học mãn 12 năm thì quyết định buông bỏ. Đó là buông bỏ điều gì? Buông bỏ Sở tri chướng. Có hai loại chướng ngại này phàm phu không thể thành Phật. Nếu buông xả hai loại chướng ngại này, họ liền khai ngộ.

Sau khi buông xả, Ngài đến cây Tất Bát La ngồi nhập định, sau này cây đó gọi là cây Bồ Đề. Sau khi xuất định, Ngài đại triệt đại ngộ, tự mình giác ngộ triệt để. Cũng tức là nói, đối với chân tướng vũ trụ nhân sinh, Ngài hoàn toàn hiểu rõ. Đây gọi là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, không ai dạy Ngài cả.

Ở Trung Quốc, triều Đường, bên Thiền Tông, Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư  khai ngộ, Ngài có nói ra năm câu, câu sau cùng rất quan trọng : “Nào ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”, câu này nói rất hay. Câu này cũng chứng tỏ rằng Ngài biết rõ toàn bộ rồi, toàn bộ vũ trụ từ đâu mà có. Tự tánh chính là chân tâm, chân tâm không có vọng niệm, có niệm thì cái niệm đó là vọng tâm. Cái tâm không chứa ý niệm chính là chân tâm, làm việc biết dùng chân tâm, không còn vọng niệm, buông xả rồi, hoàn toàn dùng chân tâm, nhìn thấy toàn thể vũ trụ. Vũ trụ hoá ra là do ý niệm của chính mình biến hiện ra.

Nhà lượng tử lực học hiện nay đã chứng minh, tất cả hiện tượng vật chất đều do hiện tượng dao động ý niệm mà sanh ra, trong vũ trụ căn bản không hề tồn tại vật chất, đó là giả. Nhà khoa học hiện nay, đặc biệt là các nhà lượng tử lực học đã phát hiện, đây là sự thật, những gì được nói trên kinh Phật là thật; vả lại kinh Phật giảng còn thấu triệt, còn rõ ràng hơn so với nhà khoa học. Vì thế lão sư Phương thuở ấy bảo tôi là “triết học cao cấp”, bây giờ chúng ta mới biết đó cũng là “khoa học cao cấp”.

Tôi học Phật 64 năm, tôi đem Phật học tổng kết thành năm khoa mục. Phật xuất hiện tại thế gian, chỉ dạy chúng ta năm sự việc :

-Đầu tiên là luân lý

-Thứ hai là đạo đức

-Thứ ba là nhân quả

Ba loại này gọi là giáo dục phổ thế. Nghĩa là gì? Là để cứu khổ cứu nạn, giúp cho hết thảy chúng sanh; có thể nói là giáo dục thế gian, dạy cho chúng sanh sáu nẻo. Hai loại khác là nhằm hướng lên cao thêm:

– Khoa học cao cấp.

– Triết học cao cấp.

Những gì Phật dạy chính là năm bài học này. Vì thế, nó không phải tôn giáo. Cổ thánh tiên hiền Trung Quốc nói hai chữ Tôn giáo có ý nghĩa biết bao. Nhưng người phương Tây nhìn nhận tôn giáo không khớp với ý nghĩa tôn giáo của Trung Quốc. Tôn giáo theo như ý nghĩa của Trung Quốc rất hay: là giáo dục chủ yếu, là giáo học trọng yếusự tôn sùng giáo hoá của nhân loại. Học Phật thật sự có thể giúp bạn lìa khổ được vui, như tiên sinh Phương Đông Mỹ từng nói: học Phật là sự hưởng thụ cao nhất của đời người.

Nếu bạn muốn chân thật hưởng được hạnh phúc cao nhất của nhân sinh, bạn cần phải thanh lọc tâm hồn, ít ham muốn, điều này cực kỳ quan trọng. Tâm thanh tịnh chẳng nhiễm mảy trần, không chịu ảnh hưởng cảnh giới bên ngoài, dùng chân tâm, hoàn toàn buông xả mọi dục vọng, không có ham muốn gì. Dục vọng là nguồn gốc của phiền não, buông bỏ dục vọng phiền não liền biến mất. Cái tâm ấy sẽ sanh trí huệ, không sanh phiền não. Nếu con người có dục vọng, rất dễ bị cảnh giới bên ngoài lây nhiễm, họ chỉ có thể sanh phiền não chứ không sanh trí tuệ.

Người học Phật phải thật làm. Người thật làm không nhiều, rất ít. Giả làm thì nhiều, thật làm rất ít. Vì thế thật sự càng ngày càng đáng quý. Nếu mãi kiên trì tiếp tục một đời không đổi, làm tấm gương tốt cho người đời sau xem thấy. Đây chính là điều Chương Gia Đại Sư dạy cho tôi.

Thích Ca Mâu Ni Phật lúc còn tại thế; Ấn Độ có 16 đại quốc vương đều là đệ tử quy y của Đức Phật, đối với Đức Phật đều toàn tâm toàn ý hộ trì. Vì sao không xây một ngôi chùa lớn cho Phật? Phật cả đời không có đạo tràng, vì sao không xây chùa?

Không phải mọi người không phát tâm, là Đức Phật không tiếp nhận; vì sao Ngài không nhận? Nếu có một ngôi chùa e không thành Phật nổi rồi; phiền não chướng ngại quá nhiều nên Ngài không muốn, không có thì Ngài chẳng việc gì, không có lo lắng, không có vướng bận, trải qua một cuộc sống như nước chảy mây trôi, đến đâu cũng là nhà.

Hơn nữa quy định rằng, buổi tối tỳ kheo đến gốc cây ngủ, ngủ dưới gốc cây chỉ được một đêm, ngày mai phải dời đi nơi khác, không được thấy cái cây này tốt, ngày mai vẫn đến chỗ này, lại khởi lên lòng tham. Chỉ cho phép ngủ dưới gốc cây một đêm mà thôi, đến ngày thứ hai nhất định phải đến một nơi khác. Vì sao? Để đoạn phiền não, đoạn đi cái tâm tham của bạn. Tham, sân, si, mạn, nghi, đoạn những thứ này. Vì thế Ngài không cần đạo tràng. Chúng ta hiểu minh bạch, hiểu rõ rồi, mới biết được thì ra nguyên do là như vậy.

Cả đời này của tôi không có đạo tràng, cả đời cũng không xây đạo tràng, suốt đời làm một kẻ lưu lạc. Đến lúc về già, khi đã 85 tuổi; Hồng Kông có một đồng học là thính chúng quen thuộc của tôi, ông vãng sanh rồi; ông dặn dò phu nhân đem hai ngôi nhà nhỏ ở dưới quê cúng dường cho tôi, hy vọng tôi thường trụ ở Hồng Kông giảng kinh.

Tôi nhận rồi. Nơi đó của ông gọi là Lục Hoà Viên, hai ngôi nhà rất nhỏ, đất đai đại khái khoảng năm, sáu mẫu.  Hiện nay tôi trồng rau, làm vườn rau. Người khác muốn tôi trồng hoa, trồng hoa chẳng có ý nghĩa gì, trồng rau có thể ăn được. Hiện nay lương thực không sạch sẽ, có thuốc trừ sâu, có phân bón hóa học, còn có một số chất hoá học rất bất lợi đối với sức khoẻ con người, rau tự mình trồng sẽ an tâm hơn. Vẫn là trồng trọt theo phương pháp thời xưa, ăn những thứ này mới yên tâm. Cái nhà nhỏ này có tặng cho người ta, người ta cũng không cần, như vậy mới có thể yên lòng.

Cho nên nghĩ tới Thích Ca Mâu Ni Phật, từng chút một đều là vì chúng ta làm ra tấm gương tốt, chúng ta phải để ý mà noi theo, không thể coi nhẹ, xem lướt qua. Ở trong này có đại học vấn. Những điều này đều do Chương Gia Đại Sư dạy cho tôi.

Năm kia, tháng 1 năm 2013, Nam Dương (là nơi Gia Cát Lượng chào đời), có một ngôi chùa nhỏ tên là Lai Phật Tự, có vị Hải Hiền Lão Hòa Thượng 112 tuổi vãng sanh. Đồ đệ của Ngài mang sự tích Ngài vãng sanh viết tỉ mỉ thành một bản báo cáo gởi tôi xem. Tôi xem xong vô cùng hoan hỷ.

Vị Lão Hòa Thượng này cả đời chưa từng đi học, Ngài không biết chữ, hoàn cảnh gia đình vô cùng nghèo khó. Ngài 20 tuổi xuất gia, Sư phụ chấm trúng Ngài. Sư phụ là một người rất xuất sắc. Chúng tôi coi chiếc đĩa thấy báo cáo về Ngài có thể lãnh hội được Sư phụ Ngài khẳng định là người tu hành đại triệt đại ngộ, biết Ngài là pháp khí. Gọi là pháp khí quyết định một đời là thành tựu. Chỉ cần dạy Ngài cho tốt nhất định sẽ thành tựu, chữ thành tựu này nghĩa là thành Phật.

Ngài có những điều kiện nào? Phật môn chúng ta nói là: con người thật thà, nghe lời, thật làm; chỉ có điều kiện như vậy­, người người đều có thể thành tựu. Không thể thành tựu là do không thật thà, không nghe lời, không làm thật, vậy thì cũng hết cách, coi như kết duyên, kết pháp duyên với bạn vậy. Đời sau kiếp sau quay trở lại tiếp tục, đời này thì không được. Nếu như đầy đủ điều kiện như vậy đời này chắc chắn thành công.

Người thanh niên 20 tuổi đến cầu xuất gia, Ngài đầy đủ điều kiện cho nên Sư phụ liền thế độ cho Ngài. Sau khi thế độ, chỉ dạy Ngài một câu Nam Mô A Di Đà Phật; nói với Ngài cứ thế mà niệm tiếp tục, bạn xem, Ngài đã niệm suốt 92 năm, 112 tuổi vãng sanh. Niệm Phật 92 năm, 92 năm chỉ có một câu Phật hiệu, thành tựu của Ngài không thể nghĩ bàn.

Tôi xem chiếc đĩa của Ngài và xem báo cáo, tôi nhận thấy Lão Hòa Thượng, 20 tuổi bắt đầu niệm câu Phật hiệu này. Có lẽ từ ba đến năm năm, khoảng 25 tuổi thì Ngài đắc được công phu thành phiến. Người có được công phu thành phiến, A Di Đà Phật sẽ chăm lo cho họ. A Di Đà Phật khẳng định hiện thân báo tin cho họ cũng tức là bình thường chúng ta hay nói là thọ ký, nói với bạn: “Con vẫn còn bao nhiêu năm thọ mạng, đợi đến lúc con mạng chung ta sẽ đến tiếp dẫn con!”. Chính là báo tin này cho bạn.

Ngài vẫn chưa vãng sanh. Người đạt được công phu thành phiến nếu nói : “cái gì con cũng không cần”, yêu cầu A Di Đà Phật “con muốn vãng sanh ngay bây giờ!” Phật liền sẽ đưa bạn đi. Người như vậy rất nhiều. Chúng tôi tin rằng Hải Hiền Lão Hòa Thượng cũng là người như vậy, nhưng A Di Đà Phật không đưa Ngài đi. Do nguyên nhân gì? Phật nói với Ngài, tán thán Ngài : “Con tu hành rất tốt, rất như pháp. Ta hy vọng con ở lại thế gian thêm ít năm làm ra tấm gương tốt cho người niệm Phật nhìn thấy”. Nên Phật mới không đưa Ngài đi.

Từ công phu thành phiến nâng lên đến sự nhất tâm bất loạn đại khái khoảng tầm năm năm. Do đó tôi ước tính Ngài đạt được sự nhất tâm bất loạn lúc không quá 30 tuổi. Được lý nhất tâm bất loạn tức là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh cùng một cảnh giới với Lục Tổ Huệ Năng và tương đồng cảnh giới đại triệt đại ngộ của Thích Ca Mâu Ni Phật khi Ngài ngồi dưới cội cây Bồ Đề; đắc cảnh giới này đại khái vào khoảng 40 tuổi. Ngài vẫn chưa vãng sanh. Đến khi 112 tuổi, Ngài mới ra đi. Vì sao vậy?

Vì sự việc này, Ngài chính vì quyển sách này. Vì lẽ đó khẳng định là A Di Đà Phật nói với Ngài: “Đến bao giờ con thấy được quyển sách này, lúc đó Ta sẽ đến tiếp dẫn con”. Cho nên có mấy vị đồng tu mang theo quyển sách này đi thăm Ngài, Ngài không biết chữ, nên bèn hỏi: Mấy vị đọc sách gì vậy? Họ liền nói với Ngài: Sách này gọi là “Nếu muốn Phật pháp hưng chỉ có Tăng khen Tăng”. Ngài nghe được lời này, vui mừng khôn tả, tựa như bảo bối đã mong chờ rất nhiều năm, nay gặp được rồi. Ngài vội đi đắp y, cầm lấy quyển sách, yêu cầu mọi người chụp hình cho Ngài. Cả đời Lão Hòa Thượng trước giờ chưa bao giờ yêu cầu người khác chụp hình cho Ngài. Chỉ có lần này.

Nội dung quyển sách này nói về cái gì? Mười mấy, hai mươi năm gần đây, trong và ngoài nước phê bình bản hội tập của cư sĩ Hạ Liên Cư, phản đối người tu hành theo quyển sách này rất nhiều. Sách này là do một vị pháp sư trẻ tuổi dùng thời gian mười mấy năm, sưu tập vô cùng nhiều tư liệu, chứng cứ để chứng minh bản hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư là chân kinh, bản chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ là chánh tri chánh kiến. Chúng ta y theo bộ sách này tu học một chút cũng không sai. Ngài Hải Hiền làm chứng minh cho chúng ta. Vì thế quyển sách này đã được xuất bản. Ngài cầm quyển “Tăng khen Tăng” này trong tay, đến ngày thứ ba thì ra đi, biết trước ngày giờ.

Ngài không nói với ai, Ngài không muốn người khác tiễn Ngài vãng sanh. Ngài nói: “Tôi tự mình đi được, tôi không cần người trợ niệm, người trợ niệm không chắc ăn, phải dựa vào chính mình mới chân thật đáng tin”. Bạn xem, lão nhân 112 tuổi nhưng đầu óc tỉnh táo, thể lực y như thanh niên, tự mình chăm sóc cho mình. Ngài vãng sanh là vào lúc đêm khuya, cả ngày hôm đó vẫn làm việc suốt trong vườn rau, cuốc đất, tưới nước, nhổ cỏ làm mãi đến khi mặt trời khuất núi. Mọi người thấy Ngài cần cù như vậy nên bảo: “Lão Hòa Thượng à, Ngài nghỉ ngơi đi thôi!”, Ngài nói: “Tôi sắp làm xong rồi, làm xong rồi tôi sẽ không làm nữa”. Đây là một lời có hai nghĩa. Không có người nghe ra. Đến ngày thứ hai thì Lão Hòa Thượng ra đi. Điều này nói lên cái gì?

Sanh, lão, bệnh, tử. Ngài không có già khổ, Ngài già nhưng không khổ. Không có già khổ, không có bệnh khổ, cũng không có chết khổ. Nói đi là đi. Chúng ta sống trong cõi đời này bị “tám khổ” chen nhau nung nấu. Ngoài nỗi sanh khổ ra, bảy nỗi khổ phía sau Ngài đều không có. Đây chính là hưởng thụ cao nhất của đời người, chính là đắc đại tự tại. Chúng ta không thể không biết. Vì thế chúng ta học tập pháp môn Tịnh Tông phải biết đây là sự thật.

Như Đức Phật trong kinh Đại Thừa có nói : Chân thật tin tưởng, phát nguyện vãng sanh, chịu niệm Phật đều là do trong đời quá khứ đã từng cúng dường vô lượng chư Phật Như Lai mới có được thiện căn như thế, nên trong đời này sau khi gặp được có thể sanh tâm hoan hỷ, y giáo phụng hành. Được vô lượng chư Phật gia trì bạn mới có thể tin, có thể nguyện, thật không dễ chút nào. Chân thật là trong vạn ức người khó được một. Cơ duyên này không thể để vuột mất. Chúng ta gặp được rồi, còn gặp được bản hội tập của cụ Hạ Liên Cư và gặp bản chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, gặp được đồng tham đạo hữu của Tịnh Tông Học Hội. Đều không phải chuyện đơn giản.

Hôm nay chúng ta ở đây chỉ có 20 giờ đồng hồ, cho nên chúng ta chỉ có thể chọn đoạn tinh hoa nhất trong kinh Vô Lượng Thọ, đoạn đó chính là Phẩm thứ 6 – Phát Đại Thệ Nguyện, cũng tức là nói 48 Nguyện của A Di Đà Phật. Phẩm kinh này do chính A Di Đà Phật nói ra, Phật Thích Ca Mâu Ni vì chúng ta thuật lại, chuyển lời lại cho chúng ta. Ở trong này chữ chữ câu câu đều là A Di Đà Phật nói, Thích Ca Mâu Ni Phật không hề sửa đổi, Ngài giữ y nguyên truyền lại cho chúng ta. Do đó chúng ta phải nghiêm túc học tập, kiên định Tín Nguyện, đời này quyết định được sanh Tịnh Độ.

Chúng ta có thể nỗ lực tu hành làm tấm gương tốt nhất cho đại chúng xã hội, giống như mẫu thân của Lão Hòa Thượng Hải Hiền. Mẫu thân của Lão Hòa Thượng 86 tuổi vãng sanh, bà cho gọi tất cả con gái, cháu gái về, bà biểu diễn vãng sanh cho mọi người xem. Con gái nhìn thấy rồi, là sự thật không phải giả, cho nên con gái bà dẫn theo con của cô đi xuất gia rồi. Làm như vậy là có sức thuyết phục nhất, để bạn đích thân nhìn thấy người học Phật đi con đường tự tại như vậy, tốt đẹp như vậy.

Chúng ta xem Kinh văn: Phẩm thứ 6 – Phát Đại Thệ Nguyện. Kinh văn tổng cộng có 24 Chương, 48 Nguyện.

Kinh văn:

“Pháp Tạng bạch rằng : Kính xin Đức Thế Tôn đại từ nghe, xét.

Pháp Tạng chính là A Di Đà Phật lúc đang hành đạo Bồ Tát, là pháp hiệu khi vẫn chưa thành Phật, gọi là Pháp Tạng tỳ kheo, Pháp Tạng Bồ Tát. “Thế Tôn” là lão sư của Ngài. Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai là lão sư của Pháp Tạng tỳ kheo. Ngài đối trước lão sư của Ngài phát cái nguyện này mong Phật dùng lòng đại từ bi nghe Ngài báo cáo, xem xét thành ý của Ngài.

Nếu con chứng được Vô thượng Bồ Đề, thành Chánh Giác rồi. Đây là giả thuyết, nếu tôi thành Phật chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề thành Chánh Giác, tức là thành Phật, “thì cõi nước con ở” tức là nơi Ngài cư trú. Cõi Phật của Thích Ca Mâu Ni là thế giới Ta Bà, cõi Phật của Ngài là Thế Giới Cực Lạc, sẽ đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn”. Câu này là tổng thuyết. 48 nguyện, ở phía dưới là nói chi tiết, tổng thuyết chính là viên mãn.

“Đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm không thể nghĩ bàn”. “Trang nghiêm” là chúng ta nói đến sự tốt đẹp, bên dưới nói chi tiết.

Đầu tiên là Nguyện cõi nước không có ác đạo”. Thế giới Ta Bà của Thích Ca Mâu Ni Phật có sáu nẻo luân hồi. Thế giới Cực Lạc có Phàm Thánh Đồng Cư Độ, nó chỉ có hai đạo, không có ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh và A tu la; không có bốn nẻo này, chỉ có cõi người và cõi trời.

Không có địa ngục, ngạ quỷ, cầm thú, các loài ngọ ngoậy, bay lượn, bò trườn. Lúc nãy tôi có nói tuy ở chỗ này không có viết A tu la nhưng A tu la cũng không có, chỉ có Người và chư Thiên.

Nguyện thứ hai là chẳng đoạ đường ác”, sanh đến Thế Giới Cực Lạc vĩnh viễn không đoạ vào tam ác đạo. Tất cả hết thảy chúng sanh cho đến những kẻ từ trong cõi Diệm Ma La, trong ba đường ác sanh sang cõi con, nhận pháp hoá của con ắt thành A- Nậu- Đa- La- Tam- Miệu Tam Bồ Đề, chẳng đoạ vào ba đường ác nữa. Chương này có hai nguyện: “nước không có ác đạo” và “chẳng đoạ ác thú”.

Phía sau là tổng kết. Nguyện được như thế mới làm Phật. Chẳng thoả nguyện ấy chẳng giữ lấy Vô Thượng Chánh Giác.

Nguyện thứ nhất “cõi nước không có ác đạo”, nguyện thứ hai “chẳng đoạ đường ác”; nếu cái nguyện này của Ngài không thể thực tiễn, không thể thực hiện được, Ngài sẽ không thành Phật. Phát cái nguyện này hiện tại Thích Ca Mâu Ni Phật nói với chúng ta : “Pháp Tạng tỳ kheo ở Thế giới Cực Lạc thành Phật đến nay đã được mười kiếp”, được một thời gian dài như vậy rồi – có thể thấy 48 nguyện của Ngài nguyện nào cũng đều thực hiện cả rồi. Chúng ta liễu giải được 48 nguyện liền biết được sự thù thắng của pháp môn này, sẽ sanh khởi cái tâm hướng về Ngài.

Chúng ta xem phần chú giải tôi viết ở mặt sau, đây là tôi viết thuở đầu khi đến Mỹ, viết khi lần đầu giảng bộ này ở Mỹ, viết từ rất sớm rồi nên khá là đơn giản. Rất thích hợp với người hiện nay, cho nên tôi vẫn chọn quyển sách này đem đi xuất bản lưu thông. Phẩm này là phẩm nói về 48 nguyện nổi tiếng nhất trong Tịnh Tông. Lão cư sĩ Hạ năm đó hội tập phần kinh văn của chương này đã mất thời gian hết ba tháng. Còn có pháp sư Huệ Minh cùng với cư sĩ Mai Quang Hy giúp sức mới chỉnh lý ra được. Có thể thấy sự cẩn thận, cung kính, cần mẫn, cầu Tam Bảo gia trì để tránh bị sai sót. Không phải phiên dịch, hội tập qua loa đại khái mà là chân thành đến tột bậc, cung kính đến tột bậc mới có cảm ứng nhiều đến thế. Cũng như hội năm loại nguyên bản dịch lại xem, quả thật hội tập làm rất tốt. Khi đã chỉnh lý văn tự, có thể xưng là tận thiện tận mỹ.

Trong năm loại nguyên bổn dịch thì dùng 48 điều có hai bản, dùng 24 điều cũng  có hai bản. Cho nên bộ kinh này rất thù thắng. Thích Ca Mâu Ni Phật năm đó còn tại thế giảng kinh chỉ giảng một lần không có nhắc lại nhưng kinh này có sự lặp lại nên người xưa phán đoán kinh này ít nhất đã giảng qua ba lần. Chúng tôi tin tưởng không chỉ ba lần, có thể lên tới mấy mươi lần bởi vì tôi nghe nói trong đại tạng kinh bên Mông Cổ, Kinh Vô Lượng Thọ có tới hai, ba chục loại, gần 30 loại. Chứng tỏ chắc chắn không phải chỉ có một bản dịch gốc mà có rất nhiều nguyên bổn tiếng Phạn. Điều này chứng tỏ Thích Ca Mâu Ni Phật năm đó tại thế đã giảng qua rất nhiều lần.

Vì sao lại giảng nhiều lần như vậy? Vì bộ kinh này quá quan trọng. Chỉ có bộ kinh này có thể khiến bạn trong một đời này viên mãn thành tựu. Những kinh khác đều phải đoạn phiền não, chứng Bồ Đề, thật sự rất khó. Trong đại tạng kinh của chúng ta hiện thời mục lục tổng cộng có 12 bộ, 12 loại nhưng có 7 loại đã bị thất truyền. Đề kinh thì còn lưu lại nhưng bị thất truyền rồi, tìm không thấy bổn kinh. Trong đại tạng kinh chỉ còn có năm loại. Trong năm loại này dùng 48 nguyện có hai loại: chính là bản Nguỵ dịch và bản Đường dịch, hai bản này có 48 nguyện. Dùng 24 nguyện hay 24 điều cũng có hai loại, là hai bản Hán dịch và bản Ngô dịch. Dùng 36 điều có một loại. Nếu như nói là do phiên dịch thì không thể có chuyện chênh lệch lớn đến như vậy, không thể nào phạm cái sai lầm này được. Khẳng định là do có những phiên bản khác nhau, quả thật là có căn cứ .

Vì thế Cổ đức bảo: Nguyên bản tiếng Phạn không chỉ có một loại. Chứng tỏ khi Phật còn tại thế thuyết pháp đã từng nhiều lần tuyên thuyết kinh Vô Lượng Thọ. Có thể thấy tầm quan trọng của kinh này. Đây là chúng ta nhìn từ các phiên bản mà xem xét, đặc biệt từ Mông Cổ – Văn Đại Tạng Kinh. Hiện nay tôi đang nhờ giáo sư Kim của Nội Mông, mong ông đem kinh Vô Lượng Thọ trong Mông Cổ Đại Tạng Kinh phiên dịch ra toàn bộ. Nếu phiên dịch ra hết đại khái có khoảng 30 loại. Chứng tỏ điều gì? Chứng tỏ năm đó Phật tại thế thường xuyên tuyên giảng bộ kinh này. Điều đó mang ý nghĩa cổ động đối với người tu Tịnh Độ như chúng ta hiện nay.

Vì vậy lão cư sĩ Hạ lúc hội tập dùng 24 làm Cương, lấy 48 làm Mục. Đem bổn lai diện mục của năm loại bổn dịch đều có thể bảo tồn, khá là khó được. Cái này hội tập rất tốt vì lưu giữ được tất cả diện mạo của năm bản khác nhau. Hiếm có vô cùng!

Bồ Tát Pháp Tạng lúc đó đối trước Phật cùng với chúng đại đệ tử của Phật nêu ra báo cáo tu học. Phẩm kinh này chính là báo cáo tu học của Pháp Tạng Bồ Tát, thái độ và lời nói của Ngài vô cùng khiêm hư cung kính. Khiêm hư cung kính chúng ta phải nên noi theo. Vì sao vậy? Hiện nay Phật Pháp suy rồi, tìm không ra chúng sanh căn tánh thành thục, tức là không tìm ra người chân thật chịu học.

Học giáo dục thánh hiền, học phật pháp, điều kiện đầu tiên là phải có tâm chân thành. Hiện tại chúng ta đều dùng vọng tâm. Vọng tâm là gì? Là vọng niệm, chính là dùng cái tâm này. Đồng nghĩa không thành thật, tức là không thật thà.

Điều kiện quan trọng thứ hai là tâm thanh tịnh. Tâm chúng ta không thanh tịnh, tâm chúng ta là tâm ô nhiễm. Cảnh giới bên ngoài gió thổi cỏ lay chúng ta đều sanh tâm phiền não. Thuận theo ý mình thì sanh tâm tham luyến, không theo ý mình lại sanh lòng oán hận. Đây chính là chịu sự quấy nhiễu của hoàn cảnh bên ngoài. Bạn sanh phiền não, không sanh trí tuệ.

Thứ ba là không có tâm cung kính. Đó là lý do vì sao lão sư lại nói: “thầy không ra thầy, trò không ra trò”. Đây là lời mà lão sư Phương đã nói với tôi, thầy không ra thầy, giáo viên cũng không biết đường nào mà dạy. Không phải không chịu dạy mà là không có đối tượng. Học trò không chịu học. Học sinh nhập học, chờ bốn năm để lấy văn bằng tốt nghiệp, cái họ muốn là thứ này. Cầm được văn bằng, tìm công việc tốt trong xã hội, là vì thứ này mà đi học, chứ không phải vì muốn học mà đến. Lúc học trung học thì còn nghiêm túc một chút, vì sao vậy? Vì phải thi vào đại học, nên còn chịu đọc sách. Bước vào đại học rồi những thứ kia không cần nữa, bèn không đọc sách, không chịu học nữa.

Khi lão sư muốn truyền pháp, thì không người truyền thừa, tìm không ra học trò. Học trò muốn tìm một lão sư tốt cũng không phải dễ dàng gì. Đến đâu để tìm đây? Chuyện đó đều phải dựa vào duyên phận. Duyên phận, cơ hội là phải biết cách nắm bắt thời gian, không nắm bắt được, thời gian liền luống qua, muốn gặp lại không phải dễ. Vì thế phải nhận biết cơ hội, nhanh chóng nắm lấy nó mới có thể thành tựu sự nghiệp. Khiêm hư, cung kính làm trọng.

Ngài bảo rằng: “Nếu con chứng được Vô Thượng Bồ Đề, thành Chánh Giác rồi thì cõi nước con ở sẽ đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn”. Đó chính là đạo tràng của Ngài, là nơi Ngài tiếp dẫn đại chúng đến tu hành.

Cõi nước con ở, đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn”. Trong mấy câu này hàm nghĩa rất sâu rất rộng. Đạo tràng với công đức trang nghiêm như thế chứng tỏ lão sư phải đầy đủ vô lượng công đức. Mỗi một người vãng sanh cũng phải đầy đủ vô lượng công đức. Vì sao Thích Ca Mâu Ni Phật nơi thế giới Ta Bà không thể có đầy đủ công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn như thế? Vì sao lại không thể? Phật Thích Ca Mâu Ni có thể, những kẻ như chúng ta thì không thể. Vì sao? Vì Những người như chúng ta nếu nói “vô lượng công đức trang nghiêm”, chúng ta sẽ ở đó mà sanh lòng tham. Sanh tham, sân, si, mạn. Bạn có một ngôi đạo tràng lớn, có nhiều đệ tử dưới trướng mình, người nào cũng muốn tranh đoạt, tranh danh trục lợi. Đó chính là giúp họ tạo nghiệp. Chẳng khác nào ta đem từng người bọn họ đều gửi vào địa ngục Vô Gián mất rồi, đồng nghĩa ta đang hại họ. Chúng ta đối với chuyện này nhất định phải nhìn cho rõ, đây không phải chuyện tốt.

Con người phải từ trong gian khổ mà tôi luyện, đó mới là công phu chân thật. Từ nhỏ đã dưỡng thành thói quen, gặp được những công đức trang nghiêm này họ không để trong tâm, sẽ không khởi lòng tham. Không từ những nền tảng này mà cắm gốc giáo dục, thật sự đến khi tài sắc danh lợi bày ngay trước mắt, liệu mấy người có thể vượt qua được cái ải này chứ. Đều bị mấy thứ này đào thải. Từ xưa đến nay trong và ngoài nước ví dụ có quá nhiều. Chúng ta phải ghi nhớ, con người cần phải chịu được khổ, thế mới gọi là “chịu được gian khổ, mới có thể nên người”. Không thể chịu khổ thì sao mà được chứ? Vì lẽ đó giáo dục luân lý là nói về  mối quan hệ; giáo dục đạo đức nói về lý, về nhân tình sự lý; giáo dục nhân quả nói về báo ứng. Nếu bạn hiểu rõ ràng, thông suốt mọi thứ, bạn sẽ biết thúc liễm chính mình, không dám vượt qua. Không biết thúc liễm chính mình, không một người nào không tạo nghiệp.

Chúng ta hãy nghĩ đến chuyện vua Đường Thái Tông đoạ địa ngục, ông là một hoàng đế tốt. Chúng ta thấy báo cáo về người bị ông nhập vào, chiếc đĩa này vẫn còn, được lưu thông không ít, bạn hãy xem thử xem. Vì sao ông ấy đoạ địa ngục? Do giết người quá nhiều. Tranh đoạt vương quyền nên giết người, chiến tranh nên giết người. Phàm là dùng chiến tranh làm thủ đoạn để giành lấy chính quyền, sau khi chết đều vào địa ngục Vô Gián. Bạn có thể có bao nhiêu năm làm hoàng đế chứ? Địa ngục Vô Gián, cái tội đó là nói theo kiếp số, chứ không phải tính theo ngày hay tháng. Quá đáng thương rồi!

Đường Thái Tông rất may mắn, được Địa Tạng Vương Bồ Tát cứu ra ngoài, công đức của ông chính là nhờ bộ Quần Thư Trị Yếu, bộ đó do ông soạn. Bộ sách này xuất hiện rồi có thể cứu Trung Quốc, có thể cứu toàn thế giới. Nhờ công đức của bộ sách này nên ông được ra khỏi địa ngục. Sau khi ra khỏi địa ngục, chúng ta biết ông đã sanh Thiên rồi, nghe nói ông niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ, chuyện này có khả năng. Ông là người hộ pháp đắc lực của Phật môn. Những nghiệp nhân quả báo này chúng ta sau khi xem thấy đối với khởi tâm động niệm của bản thân không thể không dè chừng!

Mấy câu này là nói gộp chung toàn bộ đại nguyện của Ngài. Thế giới của Ngài vô cùng trang nghiêm. Vì sao? Mỗi một người vãng sanh đến đó cũng đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm không thể nghĩ bàn. Do đó ở thế giới Cực Lạc mọi thứ đều có đủ, như thế sẽ không khiến bạn sanh khởi tham, sân, si, mạn, nghi; không khiến bạn khởi tâm động niệm, không khiến bạn phân biệt chấp trước. Thế giới này tuyệt! Thế giới của chúng ta vì sao Thích Ca Mâu Ni Phật không hiện công đức trang nghiêm vậy? Vì sau khi hiện ra, sẽ dấy khởi tham, sân, si, mạn của quý vị, dấy khởi sự tranh đấu giành giật của quý vị. Do đó Ngài không thể hiện được. Đạo lý chính ngay ở chỗ này.

Bộ kinh này là Phật Thích Ca Mâu Ni vì chúng ta giới thiệu hiện trạng của thế giới Cực Lạc. Toàn bộ kinh điển chính là giải thích tỉ mỉ cho 48 nguyện. Bộ Đại thừa Vô Lượng Thọ Kinh này chính là nói rõ cặn kẽ 48 nguyện, không một câu nào đi ngược với 48 nguyện. Tư tưởng, kiến giải, hạnh pháp, hành pháp cùng với việc giáo hoá chúng sanh hoàn toàn hỗ trợ cho nhau, có thể nói là Phật Phật đạo đồng. Nơi cõi Phật ngự, đó chính là đạo tràng của Ngài, bản thân Ngài đã thành tựu Phật quả viên mãn.

Đạo tràng của Ngài đều là giúp cho hết thảy người phát nguyện muốn thành Phật, đạo tràng của Ngài hoàn toàn là muốn giúp tất cả người phát nguyện thành Phật và phát nguyện phổ độ chúng sanh. Là vì để thành tựu cho những người như vậy, công đức này vô lượng vô biên.

Trong kinh điển Đức Phật từng khai thị “công đức trang nghiêm”, đạo tràng của Ngài vượt qua hết thảy cõi nước chư Phật. Phật trong kinh điển đã từng khai thị: Thế Giới Tây Phương thực sự rất tốt; thực chất có nơi còn đẹp hơn Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, tức là còn trang nghiêm hơn cả Thế Giới Cực Lạc, có chuyện này. Tuy nó không được xếp ở vị trí số một nhưng nó có cái đệ nhất của mình, đệ nhất ở chỗ nào? Duy chỉ có một điểm có thể vượt hơn những thế giới khác: Đầu tiên là đới nghiệp vãng sanh, thứ hai vãng sanh bất thối.

Hết thảy cõi nước chư Phật dù có trang nghiêm nhưng không thể đới nghiệp vãng sanh. Không thể đới nghiệp vãng sanh thì chúng ta đi không nổi. Thế Giới Cực Lạc được mang nghiệp theo cho nên người người chúng ta đều có phần, mỗi mỗi đều có thể đi.

Thứ hai là vãng sanh bất thối, thế giới khác vãng sanh có sự thối chuyển; vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc bảo đảm bạn không còn bị thối chuyển.

Thứ ba, sau khi vãng sanh, một đời thành Phật. Đây chính là chỗ thù thắng bậc nhất của Tây Phương Cực Lạc Thế Giới.

Đối với chúng ta mà nói đó là lợi ích thù thắng không gì bằng. Nếu chúng ta không chọn pháp môn này, vậy thì sai rồi, quá đỗi sai lầm! Cần phải nắm lấy pháp môn này. Mười phương thế giới đều có cấp bậc, duy chỉ có Tây Phương Cực Lạc là bình đẳng. Cách thức để sanh đến Tây Phương quá đơn giản, chỉ cần một lòng xưng danh Ngài, “mười niệm ắt sanh”. Điều này rất quan trọng, đây là điều khai thị cực kỳ quan trọng, chúng ta cần phải ghi nhớ. Vì sao bạn phải chọn Thế Giới Cực Lạc vậy?

-Thứ nhất do đới nghiệp vãng sanh, tôi có thể mang nghiệp theo.

-Thứ hai là vãng sanh bất thối.

-Thứ ba là một đời thành Phật.

Chỉ dựa vào những điều này tôi liền chọn Tịnh Độ, tôi nhất quyết không thay đổi, nhất quyết không chuyển hướng. Giống như Hải Hiền Lão Hòa Thượng, chân thật hạ quyết tâm, vạn duyên buông xuống, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, ngoại trừ A Di Đà Phật ra cái gì cũng không có. Thật sự là buông bỏ tất cả. Đây là người có đại phước báu bậc nhất ở thế gian.

Muốn xây dựng đạo tràng hãy nhớ, Ấn Quang Đại Sư có nói với chúng ta, xây dựng đạo tràng thì nên như thế nào? Là đạo tràng nhỏ, trụ chúng không vượt quá hai mươi người, thật tu, thật làm. Hai mươi người sống trong những túp lều nhỏ, người ta nhìn thấy sẽ không khởi lòng tham, bạn có tặng cho người ta, người ta cũng không cần. Người ta chê bai bạn sống ở một nơi lụp xụp! Vậy chúng ta là vì đời sau hay là muốn hưởng phước trước mắt? Vẫn là vì đời sau.

Sanh đến Thế Giới Cực Lạc thọ mạng dài, thật sự là vô lượng thọ. Thọ mạng vô lượng, quang minh vô lượng, quang minh là trí tuệ, vô lượng trí huệ. Trí huệ vô lượng, tướng hảo vô lượng, vì sao lại không đi chứ?! Phương pháp đơn giản – bạn xem, chỉ cần niệm Phật, “A Di Đà Phật” chỉ có bốn chữ, mười niệm ắt được sanh.

Thế Giới Tây Phương không có ác đạo, A Di Đà Phật cảm thấy chúng sanh ở ba đường ác quá khổ, hơn nữa đó cũng là chướng ngại cho việc tu đạo. Cõi nước chư Phật ở mười phương là do nghiệp thiện ác của Phật cùng với chúng sanh tạo thành. Còn thế Giới Cực Lạc là do nguyện lực của A Di Đà Phật mà cảm được, cho nên thanh tịnh trang nghiêm. Phàm là người đến cõi Cực Lạc, A Di Đà Phật không cần gì cả, chỉ cần đầy đủ Tín Nguyện Trì Danh thì liền đi được.

Bạn có muốn đi không?

Có phải thật muốn đi không?

Có thật sự niệm Phật hay không?

Phật chỉ kiểm tra bạn ba câu này thôi. Nếu đầy đủ ba điều kiện này thì bạn sẽ được thông qua, liền đến được Thế Giới Cực Lạc. Tất cả mọi thứ khổ ở thế giới Ta Bà này, Tây Phương đều không có. Phàm phu vẫn chưa tiêu nghiệp, có thể đới nghiệp vãng sanh; mặc dù đới nghiệp, sau khi đến Tây Phương Cực Lạc, nơi đó không có ác duyên, vì thế ác duyên không khởi tác dụng.

Nên biết rằng ác nghiệp thì đừng nên nghĩ, nghĩ một lần tương đương tạo thêm một lần, chỉ có tăng trưởng thêm chứ không đoạn dứt được. Câu nói này mọi người hãy ghi nhớ cho thật kỹ. Làm chuyện xấu đừng thường xuyên nghĩ tới nó, nghĩ một lần chính là tạo nghiệp một lần, nghĩ mười lần lại tạo thêm mười lần, hà tất phải nghĩ đến nó làm gì, nghĩ Phật tốt biết mấy. Làm chuyện tốt, chuyện xấu thảy đều không nghĩ đến, chỉ nghĩ A Di Đà Phật là đúng đắn nhất. Đây gọi là tu Tịnh nghiệp, người này chắc chắn vãng sanh.

Vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, Cực Lạc là thế giới bình đẳng. Bình đẳng với ai? Bình đẳng với A Di Đà Phật. Thật sự bình đẳng, chứ không phải giả bình đẳng.

Đầu tiên là cái thân này giống như A Di Đà Phật, tướng hảo cũng tương đương với A Di Đà Phật. Không phải ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp; bạn xem, Kinh Quán Vô Lượng Thọ Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta tán thán báo thân của A Di Đà Phật; thân có tám vạn bốn ngàn tướng, mỗi một tướng có tám vạn bốn ngàn vẻ đẹp, mỗi một vẻ đẹp lại phóng ra tám vạn bốn ngàn ánh quang, trong mỗi ánh quang đều có chư Phật Bồ Tát, nơi đó giảng kinh, dạy học, thuyết pháp. Đồng nghĩa nói nơi thân tướng của Ngài có thể trông thấy toàn vũ trụ. Thân tướng của A Di Đà Phật đẹp như vậy đấy. Người vãng sanh như chúng ta cũng hoàn toàn tương đồng với A Di Đà Phật, đây là điều không có ở mười phương thế giới.

Đem cái tâm này, tức là ý niệm, đều tập trung chuyên nghĩ về A Di Đà Phật, chính là thiện nhất trong các thiện. Đây chính gọi là tiêu nghiệp chướng. Niệm Phật là phương pháp tốt nhất để tiêu trừ nghiệp chướng. Mọi lúc mọi nơi khởi tâm động niệm đều là A Di Đà Phật, thì tội nghiệp của bạn liền không còn nữa.

Chúng sanh là do “chúng duyên hoà hợp” mà sinh khởi ra hiện tượng. Ý nghĩa bao hàm của từ “Chúng sanh” này vô cùng rộng lớn, không có biên giới. Ngoại trừ Phật ra, chín pháp giới khác đều gọi là chúng sanh, cõi Diệm Ma La là chỉ cho địa ngục, đặc biệt ám chỉ ba đường ác. Những chúng sanh với nghiệp chướng thâm trọng chỉ cần niệm Phật cũng có thể vãng sanh. Hơn nữa không còn tiếp tục đoạ vào ba đường ác.

Địa Tạng Bồ Tát độ chúng sanh nơi địa ngục, Ngài dựa vào cái gì? Những chúng sanh có thiện căn trong địa ngục, họ chỉ do nhất thời tạo nên tội nghiệp địa ngục, phạm phải cái sai lầm này nên đoạ địa ngục nhưng họ có căn lành, có thiện căn. Địa Tạng Vương Bồ Tát ở địa ngục giảng kinh dạy học họ sẽ dễ dàng tiếp nhận. Chỉ cần họ chịu tiếp nhận, Địa Tạng Vương Bồ Tát liền giúp họ thoát khỏi địa ngục, chỉ cần niệm Phật cũng có thể vãng sanh hơn nữa sẽ không tiếp tục đoạ lạc vào ba đường ác.

Chữ “ba đường ác” này về mặt văn tự là chỉ cho Tam đồ, trên thực tế cả A La Hán, Bích Chi Phật, Quyền Giáo Bồ Tát đều bao gồm ở trong đó. Đây chính là nói theo lối triển khai cái ý này ra. Bởi vì sanh đến Tây Phương đều sẽ trở thành Đại Bồ Tát, Đại Thừa Bồ Tát, không còn thối chuyển.

Ngài Pháp Tạng lại bảo: Nguyện được như thế mới làm Phật, chẳng thoả nguyện ấy, chẳng giữ lấy Chánh Giác. Trên kinh A Di Đà có nói : “Ngài đã thành Phật được mười kiếp”, có thể chứng minh Ngài đã được toại nguyện rồi, hay nói cách khác, 48 nguyện này, nguyện nào nguyện nấy đều là sự thật; Ngài thảy đều làm được.

Thế Giới Cực Lạc có cõi Phàm Thánh Đồng Cư, chỉ có hai đạo Nhân và Thiên, không có A tu la, không có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, do đó tuy là làm ra tội nghiệp của ba đường ác nhưng đến Tây Phương Thế Giới Cực Lạc không có quả báo này. Điều này chúng ta có thể yên tâm rồi. Đến Thế Giới Cực Lạc hoa khai kiến Phật, hoa sen chuyển đổi mọi thứ trong đời quá khứ, đến bên đó thân cận A Di Đà Phật. Sự trang nghiêm thù thắng của Thế giới Cực Lạc, một khi đến cõi Cực Lạc bạn sẽ hoàn toàn hiểu rõ, những điều ích lợi là chuyện chúng ta không có cách gì tưởng tượng được; đến nơi đó thảy đều nhìn thấy.

A Di Đà Phật ở đó làm gì? Trên kinh A Di Đà có nói : Kim hiện tại thuyết pháp. A Di Đà Phật giảng kinh thuyết pháp không hề gián đoạn, ngày ngày đều giảng. Người sớm vãng sanh cũng không rời khỏi, họ đang trong giảng đường. Người mới vãng sanh đến giảng đường, trong giảng đường có chỗ ngồi của họ, trên chỗ ngồi có tên của họ, giống như hoa sen vậy. Họ ở đó văn kinh thính pháp. Bước vào giảng đường rồi thì đến lúc nào đi ra? Thành Phật sẽ đi ra. Bạn xem, bước vào giảng đường là phàm phu, lúc đi ra là thành Phật. Không thành Phật không ra ngoài. Ở trong giảng đường nhưng họ vẫn có thể dùng thần thông độ hoá chúng sanh, đây là việc người bình thường không thể nào tưởng tượng nổi. Vì sao vậy?

Bạn nghĩ xem, A Di Đà Phật thời thời khắc khắc cũng không dừng lại, vậy mà từng phút từng giây hoá thân vô lượng vô biên. Để làm gì? Đến mười phương thế giới tiếp dẫn những người vãng sanh, đến tiếp dẫn toàn là hoá thân của A Di Đà Phật.

Mỗi một người vãng sanh đến thế giới Cực Lạc chỉ cần bước vào giảng đường của A Di Đà Phật, ngồi vào vị trí mà nghe kinh cũng được y như Phật vậy, hoá vô lượng vô biên thân. Để làm gì? Đến mười phương thế giới cúng dường chư Phật. Cúng Phật là tu phước. Nghe kinh – nghe kinh là để tu huệ. Phước huệ song tu.

Mười phương hết thảy chư Phật Như Lai đều dạy cho bạn không hề gián đoạn, cũng dạy mãi cho đến khi bạn thành Phật. Đạo tràng như vậy biết đến đâu để tìm kia chứ?! Tìm không ra. Lợi ích thực chất quá nhiều, nói mãi không hết. Thế gian của chúng ta không cách gì so sánh nổi. Sau khi bạn thật sự thấu suốt, bạn ắt sẽ hạ quyết tâm: Tôi không đi không được.

A Di Đà Phật đều hoan nghênh mọi người đến đó!

Hôm nay thời gian đến rồi, chúng ta học đến đây.