LỜI PHẬT DẠY
PHẬT BẢO
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
B
PHẬT BẢO
(Trích Kinh Lời Vàng của Dương Tú Hạc soạn tập)
Cố Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch
Ơn Tam Bảo là lợi lạc cho chúng sanh không thể nghĩ bàn, và không khi nào ngừng nghỉ vậy. Thân các đức Phật là chơn thiện vô lậu, vì trong thời gian vô số đại kiếp đã tu nhơn chứng quả. Những nghiệp quả trong ba cõi, đã dứt hẳn không còn. Công đức đồ sộ như quả núi vàng, tất cả chúng hữu tình làm sao biết được. Phước đức thẩm sâu như biển cả, trí huệ thông suốt như hư không; ánh sáng chiếu khắp mười phương ba đời. Tất cả chúng sanh vì phiền não nghiệp chướng ngăn che, nên không hay biết, nên chìm đắm biển khổ, sống chết không cùng. Ngôi Tam Bảo ra đời là vị Đại Thuyền Sư, năng vượt qua dòng ái, thẳng lên bờ bên kia. Những kẻ có trí thảy đều mến mộ vậy. Kinh Tiểu Địa Quán
Hởi Thiện nam tử, Thiện nữ nhơn! Sau khi Ta vào Niết Bàn, có nhiều chúng sanh mặc áo pháp phục, tham lam lợi dưỡng, giả phát đạo tâm, làm tổn hại chánh pháp, không có tâm thanh tịnh. Những kẻ như vậy, tuy ở trong chúng hội của Ta, mà cách Ta rất xa.
Nếu có trai lành gái thiện tu hạnh vô trước, tuy chưa lên địa vị Bồ tát, nhưng lòng đã vững vàng, chẳng bỏ đạo tâm, tuy xa Ta trăm ngàn vạn do tuần, mà rất gần nơi Ta vậy. Kinh Bồ Tát Anh Lạc
Nầy Thiện nam tử! Trong ngôi Phật bảo có đầy đủ 6 món công đức mầu nhiệm:
1. Có ruộng vô thượng đại công đức
2. Có ruộng vô thượng đại ân đức
3. Đối với trong các loại không có chân, hai chân, nhiều chân rất là tôn quý
4. Rất nỗi khó gặp, như đóa hoa Ưu đàm
5. Độc nhứt xuất hiện ra giữa ngàn triệu cõi thế giới
6. Viên mãn công đức thế gian và xuất thế gian
Vì đủ 6 công đức nhiệm mầu như vậy, nên thường hay làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Vì lợi ích tất cả chúng sanh, cho nên ngôi Phật bảo có nghĩa là bất khả tư nghì.
Một hôm, có 500 ông Trưởng Giả hỏi đức Phật rằng: “Ngôi Phật bảo thường lợi ích cho chúng sanh, cớ sao chúng sanh trong thế gian phần nhiều chẳng thấy Phật, mà vẫn bị các khổ não.”
Phật đáp: “Ví như mặt trời, tuy soi khắp thế giới mà những kẻ mù nào có thấy ánh sáng. Cũng thế, còn nhiều chúng sanh thường gây ác nghiệp mà chẳng tự giác, không biết hổ trẽn, chẳng gần gũi Phật Pháp Tăng. Nếu có chúng sanh, biết tôn trọng Tam bảo, người ấy nghiệp chướng tiêu trừ, phước huệ thêm lớn, căn lành trọn nên, hẳn lìa sanh tử, thời được chứng quả Bồ đề.” Kinh Tâm Địa Quán
Đệ nhất Bồ tát nói: “Phật là vô thượng pháp vương, Bồ tát là tôi của Pháp bảo; duy đức Phật Thế Tôn là đấng sở tôn sở trọng vậy. Cho nên thường phải nhớ Phật.”
Đệ nhị có các Bồ tát tự nói: “Đức Thế Tôn! Chúng tôi, từ nhiều kiếp đến nay, được nhờ nuôi lớn pháp thân, trí thân, đại từ bi thân và thiền định, trí huệ, vô lượng hạnh nguyện đều nhờ đức Phật tác thành. Vì muốn trả ơn, thường nguyện gần Phật; cũng như bề tôi đại thần, nhờ ơn sủng nhà vua, nên thường nhớ đến vua.”
Đệ tam có các Bồ tát lại nói thế này: “Lúc ta tu nhơn gặp ác tri thức bài báng Bát Nhã, bị đọa ác đạo, trải qua nhiều kiếp, có tu các hạnh, nhưng chưa được ra khỏi; về sau một thuở nhờ nương gần bên thiện tri thức dạy ta tu niệm Phật tam muội. Bấy giờ mới được tiêu các nghiệp chướng liền được giải thoát. Vì có được lợi ích lớn lao như thế, nên nguyện chẳng xa lìa đức Phật.” Luận Trí Độ
Như Lai vô số kiếp, cần khổ vì chúng sanh; tại sao các thế gian, chẳng trả ơn Đại sư. Kinh Hoa Nghiêm
Tu đầy đủ 10 pháp, mới thật cúng dường Như Lai:
1. Lấy pháp cúng dường
2. Lấy các hạnh cúng dường
3. Lợi ích bình đẳng tất cả chúng sanh
4. Lấy lòng từ bi tùy thuận
5. Lấy Như Lai lực
6. Tất cả pháp lành siêng tu chẳng bỏ
7. Tất cả sự nghiệp của Bồ tát chẳng bỏ
8. Như nói mà tu, như tu mà nói
9. Tu thời gian lâu, tâm chẳng mỏi chán
10. Tâm đại bồ đề thường tu chẳng bỏ
Nếu tu đủ mười pháp trên đây mới gọi là cúng dường đức Như Lai. Chớ như của báu, uống ăn, áo mặc ấy đều là chẳng phải chơn cúng dường vậy. Kinh Hoa Nghiêm
Hành giả an trụ 10 pháp thời các đức Phật vui mừng:
1. An trụ bất phóng dật
2. An trụ vô sanh nhẫn
3. An trụ đại từ
4. An trụ đại bi
5. An trụ các pháp rốt ráo
6. An trụ các hạnh
7. An trụ đại nguyện
8. An trụ phương tiện khéo léo
9. An trụ sức mạnh mẽ
10. An trụ trí huệ
Tại sao? Đức Như Lai tôn trọng Pháp như con thảo tôn trọng cha mẹ, kính thuận dung nhan, tâm chẳng chút nới. Đức Như Lai tự tu hành mà được thành Đạo; cho nên ai tu hành là cúng dường vậy.
Như Lai ra đời, vì lợi ích chúng sanh; kẻ nào không lòng từ bi, chẳng được lợi ích; kẻ chẳng tùy thuận tất cả, chẳng đặng lợi ích; kẻ chẳng tu pháp lành chẳng đặng lợi ích; kẻ chẳng như nói mà tu, chẳng đặng lợi ích; kẻ sanh tâm mỏi chán, chẳng đặng lợi ích; và kẻ nào bỏ tâm đại bồ đề, thời chẳng đặng lợi ích. Kinh Hoa Nghiêm