SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 18

Phẩm 61: TRONG MỘNG KHÔNG CHỨNG

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Nếu Đại Bồ-tát dù trong chiêm bao, chẳng tham muốn quả vị Thanh văn, Bích-chi-phật, cũng chẳng tham muốn ba cõi. Quán biết các pháp như mộng, như huyễn, như tiếng vang, như sóng nắng, như biến hóa, cũng chẳng chứng lấy.

Này Tu-bồ-đề! Phải biết đó là tướng không thoái chuyển của Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát trong chiêm bao thấy Phật và vô số Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Trời, Rồng, Quỷ thần. Thấy Đức Phật nói pháp cho đại chúng. Bồtát này theo Phật nghe pháp liền hiểu nghĩa rồi thực hành theo pháp.

Phải biết đó là tướng không thoái chuyển của Đại Bồtát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Trong chiêm bao, Đại Bồ-tát thấy Đức Phật đủ ba mươi hai tướng, hai mươi tám vẻ đẹp tùy hình, phát ra ánh sáng vọt lên không nói pháp cho chúng đại Tỳkheo, nghe rồi hiện thần lực rộng lớn biến thành hóa nhân đến cõi Phật khác mà làm Phật sự.

Phải biết đó là tướng không thoái chuyển của Đại Bồtát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nếu trong chiêm bao, Đại Bồ-tát thấy giặc nổi dậy đánh phá xóm làng, thành thị, hoặc phóng hỏa, hoặc thấy các thú dữ cọp, sói, sư tử, hoặc thấy có kẻ muốn đến chặt đầu mình, hoặc thấy cha mẹ, anh chị, bạn thân chết. Dầu thấy rất nhiêu sự hung ác, khổ sầu như vậy mà chẳng kinh sợ, buồn lo. Sau khi thức giấc liền suy gẫm ba cõi luống dối đều như cảnh chiêm bao. Lúc ta được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sẽ giảng nói cho chúng sinh nghe mà ba cõi như chiêm bao.

Phải biết đó là tướng không thoái chuyển của Đại Bồtát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Làm sao biết là Đại Bồ-tát không thoái chuyển lúc được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trong cõi nước không có ba đường ác đạo?

Trong chiêm bao, nếu Đại Bồ-tát thấy các súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục liền nghĩ rằng: “Ta phải siêng năng tinh tấn, lúc được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trong cõi nước ta không có ba đường ác. Vì sao? Vì cảnh chiêm bao và các pháp không, hai không khác.”

Phải biết đó là tướng không thoái chuyển của Đại Bồtát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Trong chiêm bao, Đại Bồ-tát thấy lửa địa ngục nấu đốt chúng sinh, liền phát thệ nguyện: Nếu tôi thật là bậc không thoái chuyển, nguyện lửa này tắt ngay.

Nếu lửa địa ngục tắt ngay theo lời nguyện, phải biết đó là tướng không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Ban ngày Đại Bồ-tát thấy thành thị bị lửa cháy liền nghĩ rằng: “Trong chiêm bao, tôi thấy hành động, loại, tướng mạo không thoái chuyển, nay tôi thật có như vậy.” Tự lập thệ: “Xin cho lửa này tắt ngay.”

Sau khi lập thệ, nếu lửa tắt ngay thì phải biết đó là Đại Bồ-tát được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trụ vào địa vị không thoái chuyển.

Nếu lửa đó chẳng tắt ngay mà đốt cháy từ nhà này đến nhà khác, từ xóm này đến xóm khác, này Tu-bồ-đề, phải biết các ngôi nhà bị cháy là do đời trước nghiệp nhân phá pháp sâu dầy nên đời nay mang tai họa thừa ấy.

Vì nhân duyên đó, phải biết đó là tướng không thoái chuyển của Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nay Đức Phật lại vì ngươi mà nói hành động, loại, tướng mạo của Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Nếu có người nam hay người nữ bị quỷ thần dựa. Khi đó, Bồtát tự nghĩ: Nếu tôi được các Đức Phật quá khứ thọ ký, tâm tôi thanh tịnh cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thực hành chánh đạo thanh tịnh, xa lìa tâm cầu Thanh văn, Bíchchi-phật. Xa lìa tâm Thanh văn, Bích-chi-phật, đáng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tôi chắc chắn sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chẳng phải không được. Hiện tại vô lượng các Đức Phật ở các cõi nước ở mười phương không gì chẳng biết, chẳng thấy, chẳng hiểu, chẳng chứng. Các Phật biết thâm tâm tôi, quyết chắc sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do tâm chí thành phát thệ ấy, người nam hay người nữ bị quỷ thần dựa vào não hại này sẽ được khỏi khổ nạn, quỷ thần sẽ xa lìa.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát phát thệ như vậy, nếu quỷ thần chẳng rời đi, thì phải biết Bồ-tát chưa được các Đức Phật quá khứ thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu quỷ thần rời đi, thì phải biết đã được các Đức Phật quá khứ thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Do các hành động, loại, tướng mạo đó mà biết là Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát xa lìa sáu pháp Ba-lamật và năng lực phương tiện, tu hành bốn Niệm xứ cho đến ba môn Tam-muội chưa lâu, chưa nhập địa vị Bồ-tát. Bồ-tát đó bị ác ma nhiễu hại nên phát thệ: Nếu tôi thật được các Đức Phật thọ ký thì quỷ thần này phải rời đi. Lúc đó, ác ma liền bảo quỷ thần rời đi. Ác ma có oai lực hơn quỷ thần nên quỷ thần liền rời đi. Bồ-tát này nghĩ rằng do năng lực thệ nguyện của tôi mà quỷ thần phải rời đi, chớ chẳng biết là năng lực của ác ma. Vì cậy vào chỗ chứng đắc đó nên vị này xem thường các Bồ-tát khác: Tôi đã được các Phật thọ ký, còn các Ngài thì chưa. Do đó, vị này sinh tâm tăng thượng mạn mà xa lìa Nhất thiết chủng trí, xa lìa Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tu-bồ-đề! Phải biết người đó đi theo hàng Thanh văn, hoặc hàng Bích-chi-phật.

Do nhân duyên thệ nguyện luống dối như trên, không có năng lực phương tiện nên việc ma phát khởi. Người đó vì chẳng gần gũi, nương tựa Thiện tri thức, chẳng hỏi rành tướng mạo không thoái chuyển nên bị ma trói buộc càng thêm bền chắc. Vì sao? Vì Bồ-tát đó thực hành sáu pháp Ba-la-mật chẳng được bao lâu nên không có năng lực phương tiện.

Phải biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Tu-bồ-đề! Thế nào là Bồ-tát thực hành sáu pháp Ba-lamật chẳng được bao lâu, cho đến chưa nhập địa vị Bồ-tát, bị ác ma nhiễu hại?

Này Tu-bồ-đề! Ác ma hóa hiện các thứ thân hình đến bảo Bồtát: Ở chỗ các Phật, ngài được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ngài tên ấy, cha tên ấy, mẹ tên ấy, anh chị em tên ấy, bảy đời cha mẹ của ngài tên họ như vậy, ngài sinh trong ấp ấy, làng ấy, thành ấy, nước ấy, tại địa phương ấy. Nếu thấy Bồ-tát tánh hạnh mềm mỏng, ác ma nói: Đời trước ngài cũng mềm mỏng. Nếu thấy Bồ-tát tánh hạnh nóng gấp, ác ma nói: Đời trước ngài cũng giống như vậy. Nếu thấy Bồ-tát tu hạnh vắng lặng, ác ma nói: Đời trước ngài cũng tu như vậy. Nếu thấy Bồ-tát khất thực, mặc y lượm, chiều chẳng uống nước trái cây, giữa ngày ăn một bữa, ăn một bát, ở nơi gò mả, ở chỗ trống, ở dưới cây, thường ngồi chẳng nằm, ngồi kiết già, chỉ thọ ba y, hoặc ít muốn, hoặc biết đủ, hoặc tu hạnh xa lìa, hoặc chẳng thoa chân, hoặc ít nói chuyện, ác ma bèn nói: Đời trước ngài cũng tu hạnh như vậy, đời nay ngài có công đức Đầu-đà này, đời trước ngài cũng có công đức như vậy.

Bồ-tát đó nghe nói việc đời trước và họ tên, lại nghe khen ngợi công đức Đầu-dà liền vui mừng, sinh tâm kiêu mạn. Bấy giờ ác ma nói: Ngài có công đức như vậy, có tướng như vậy, ngài thật đã được các Đức Phật thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tu-bồ-đề! Ác ma hoặc hiện thành Tỳ-kheo quấn y, hoặc hiện làm cư sĩ, hoặc hiện hình cha mẹ đến bảo Bồ-tát: Ngài đã được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì bao nhiêu tướng không thoái chuyển, ngài đều có đủ.

Này Tu-bồ-đề! Thật ra những tướng mạo không thoái chuyển chân thật theo như Đức Phật nói, người này hoàn toàn không có.

Phải biết Bồ-tát đó bị ma nhiễu hại. Vì sao? Vì Bồ-tát đó hoàn toàn không có tướng mạo không thoái chuyển, nhờ nghe khen tặng mà sinh tâm kiêu mạn, xem thường người khác.

Phải biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát thực hành sáu pháp Bala-mật chưa được lâu, chẳng biết tướng danh tự, chẳng biết tướng sắc, tướng thọ, tưởng, hành, thức. Ác ma đến nói: Đời sau, lúc Ngài được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sẽ có các danh hiệu như vầy. Rồi ác ma tùy theo chỗ tưởng niệm của Bồ-tát mà nói danh hiệu. Bồ-tát vô trí, không có phương tiện bèn nghĩ rằng: “Mình đã có danh hiệu thành Phật như người này nói, hợp với bổn ý của mình. Chắc là mình đã được các Đức Phật thọ ký.”

Này Tu-bồ-đề! Tướng mạo không thoái chuyển của Đức Phật nói, người này hoàn toàn không có. Chỉ theo danh hiệu trống rỗng ấy rồi kiêu mạn, khinh thường người khác. Vì thế mà xa lìa Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bồ-tát này xa lìa Bát-nhã ba-la-mật, không có năng lực phương tiện, xa lìa Thiện tri thức, theo ác tri thức, theo hai hàng Thanh văn và Bích-chiphật. Nếu ngay ở đời này vị ấy ăn năn sám hối, thì phải qua lại lâu dài trong sinh tử, sau mới trở lại y chỉ Bát-nhã ba-lamật. nếu gặp Thiện tri thức, thường gần gũi thì sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Còn nếu người ấy ở đời này chẳng sám hối ngay thì sẽ đi theo hai hàng Thanh văn, hoặc Bíchchi-phật.

Này Tu-bồ-đề! Đối với bốn giới trọng, nếu Tỳ-kheo phạm một giới thì chẳng phải Sa-môn, chẳng phải Thích tử, hiện đời này chẳng được bốn quả Sa-môn.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát đó ham thích danh hiệu giả dối, có tâm kiêu mạn, khinh thường người khác, phải biết tội này nặng hơn tội phạm giới trọng của Tỳ-kheo. Này Tu-bồ-đề! Chẳng những nặng hơn bốn giới trọng mà còn hơn cả năm tội nghịch. Bởi ham thích danh hiệu giả dối mà sinh tâm cao ngạo khinh thường người khác, phải biết là tội rất nặng. Đó là các những danh hiệu, còn các việc ma nhỏ nhặt khác, Bồ-tát phải cảnh giác biết rõ.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát ở chỗ vắng vẻ núi đầm hoang vắng. Ma đến khen ngợi rằng: Hạnh ngài làm là pháp xa lìa của Phật khen ngợi.

Này Tu-bồ-đề! Đức Phật chẳng khen ngợi sự xa lìa như vậy, nghĩa là chỉ ở nơi vắng vẻ, núi non hoang vắng mà gọi là xa lìa.

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu ở chỗ vắng vẻ núi non hoang vắng như vậy mà chẳng phải là pháp xa lìa thì có pháp xa lìa khác thế nào?

–Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát xa lìa tâm Thanh văn, Bíchchiphật, ở chỗ vắng vẻ núi non hoang vắng đây là pháp xa lìa mà Đức Phật hứa khả. Pháp xa lìa này Bồ-tát phải tu hành. Ngày đêm thực hành pháp xa lìa này thì gọi là hạnh xa lìa của Bồ-tát.

Này Tu-bồ-đề! Nếu pháp xa lìa của ác ma nói, ở chỗ vắng vẻ núi non hoang vắng mà tâm Bồ-tát này ở tại nơi ồn náo: đó là chẳng xa lìa tâm niệm Thanh văn, Bích-chi-phật, chẳng siêng tu Bát-nhã ba-la-mật, Bồ-tát này chẳng đầy đủ được Nhất thiết chủng trí. Bồ-tát này thực hành pháp xa lìa của ác ma nói, lòng chẳng thanh tịnh mà khinh thường các Bồtát, ở gần thành thị mà tâm thanh tịnh, không có tâm niệm ồn náo, Thanh văn, Bích-chi-phật, cũng không có tâm tạp ác khác, đầy đủ thiền định, giải thoát, trí tuệ, thần thông.

Bồ-tát xa lìa Bát-nhã ba-la-mật không có năng lực phương tiện đó, dầu ở chỗ rất hoang vắng ngoài trăm do-tuần, chỗ cầm thú, quỷ thần, la-sát ở, hoặc một năm cho đến trăm ngàn muôn ức năm, hoặc lâu hơn thời gian trên, mà chẳng biết pháp xa lìa chân thật của Bồtát: đó là thâm tâm phát Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chẳng có tâm tạp ác, ồn náo. Việc làm của Bồ-tát này Đức Phật không cho phép.

Này Tu-bồ-đề! Đức Phật nói pháp xa lìa chân thật. Bồtát này chẳng ở trong đó, cũng chẳng thấy tướng xa lìa đó. Vì sao? Vì Bồ-tát này chỉ thực hành pháp xa lìa luống dối. Bấy giờ, ác ma đến đứng trong hư không khen: Lành thay, lành thay! Này thiện nam! Đó là pháp xa lìa chân thật của Phật nói. Ngài thực hành pháp xa lìa ấy sẽ mau được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nghe lời khen ấy, Bồtát này có tâm niệm ham thích pháp xa lìa ấy thì sẽ khinh dễ các người cầu Phật đạo khác mà cho là ồn náo.

Đó là lấy ồn náo làm chẳng ồn náo, lấy chẳng ồn náo làm ồn náo, đáng cung kính mà chẳng cung kính, chẳng đáng cung kính mà cung kính. Bồ-tát này nói: Các quỷ thần nhớ tưởng đến khen ngợi tôi. Việc mà tôi hành trì đúng là hạnh xa lìa, không ai khen tặng những người ở gần thành thị. Do đó mà Bồ-tát này khinh thường các Bồ-tát khác.

Này Tu-bồ-đề! Phải biết Bồ-tát này gọi là Bồ-tát Chiên-đà-la, làm ô nhiễm các Bồ-tát. Người này giống hình dạng Bồ-tát mà thật là kẻ đại tặc ở nhân gian và trên cõi trời, cũng là kẻ giặc quấn y trong hàng Sa-môn. Với người như vậy, những người cầu Phật đạo chẳng nên gần gũi, cúng dường, cung kính. Vì sao?

Này Tu-bồ-đề! Vì phải biết người này rơi vào hàng tăng thượng mạn.

Thế nên nếu Đại Bồ-tát muốn chẳng lìa bỏ Nhất thiết trí, muốn

được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nhất tâm mong cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, muốn lợi ích tất cả chúng sinh thì nên gần gũi hạng người như vậy để cung kính, cúng dường.

Theo pháp của Đại Bồ-tát, phải thường cầu tự lợi, nhàm chán thế gian, tâm luôn xa lìa ba cõi, đối với hạng người ấy phải có tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả. Khi ta thực hành đạo Bồ-tát chẳng nên sinh ra tội lỗi như vậy. Nếu có lỗi như vậy thì phải mau dứt trừ.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát phải khéo cảnh giác việc ma ấy. Ở trong việc ma ấy phải khéo cố gắng ra khỏi.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát với thâm tâm muốn được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, phải gần gũi, cung kính, cúng dường Thiện tri thức.

–Bạch Đức Thế Tôn! Ai là Thiện tri thức của Đại Bồ-tát? –Này Tu-bồ-đề! Các Đức Phật là Thiện tri thức của Đại Bồtát. Các Đại Bồ-tát cũng là Thiện tri thức của Bồ-tát. Ala-hán cũng là Thiện tri thức của Bồ-tát.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Sáu pháp Ba-la-mật là Thiện tri thức của Bồ-tát. Bốn Niệm xứ cho đến mười tám pháp Bất cộng cũng là Thiện tri thức của Bồ-tát. Như, thật tế, pháp tánh cũng là Thiện tri thức của Bồ-tát.

Này Tu-bồ-đề! Sáu pháp Ba-la-mật là Thế Tôn, sáu pháp

Ba- la-mật là đạo, là rất sáng, là đuốc, là trí, là tuệ, là cứu, là quy, là cồn đảo, là đường rốt ráo, là cha, là mẹ. Bốn Niệm xứ cho đến Nhất thiết chủng trí cũng giống như vậy.

Vì sao? Vì sáu pháp Ba-la-mật và ba mươi bảy phẩm Trợ đạo là cha, là mẹ của các Đức Phật quá khứ, các Đức Phật vị lai, các Đức Phật hiện tại ở mười phương. Vì sao? Vì sáu pháp Bala-mật và ba mươi bảy phẩm Trợ đạo sinh ra các Đức Phật quá khứ, vị lai, hiện tại ở mười phương.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát muốn được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh thì phải học sáu pháp Ba-la-mật ba mươi bảy phẩm Trợ đạo và bốn nhiếp pháp để giáo hóa chúng sinh. Đây là bố nhiếp pháp: bố thí, ái ngữ, lợi ích và đồng sự.

Này Tu-bồ-đề! Vì có công năng lợi ích như vậy nên ta nói sáu pháp Ba-la-mật và ba mươi bảy phẩm Trợ đạo là Đại Bồtát, là Thế Tôn, là đạo, là rất sáng, là đuốc, là trí, là tuệ, là cứu, là quy, là cồn đảo, là đường rốt ráo, là cha, là mẹ.

Thế nên Đại Bồ-tát muốn an trụ chẳng nghe theo lời người khác, muốn dứt nghi cho tất cả chúng sinh, muốn thanh tịnh cõi Phật, muốn thành tựu chúng sinh, thì phải học Bátnhã ba-la-mật này.

Vì sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật có nói rộng các pháp mà các Đại Bồ-tát cần phải học.

–Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là tướng của Bát-nhã ba-lamật?

–Này Tu-bồ-đề! Như tướng hư không là tướng Bát-nhã ba-lamật, Bát-nhã ba-la-mật không có tướng.

–Bạch Đức Thế Tôn! Có duyên cớ nào mà tướng các pháp cũng như tướng Bát-nhã ba-la-mật chăng?

–Này Tu-bồ-đề, đúng vậy! Tướng các pháp cũng như tướng Bát-nhã ba-la-mật. Vì tất cả pháp là tướng lìa, tướng không. Do nhân duyên ấy nên tướng các pháp cũng như tướng Bát-nhã ba-la-mật. đó là tướng lìa, tướng không.

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp là tất cả pháp lìa, tất cả pháp là tất cả pháp không, thì làm sao biết chúng sinh là nhơ hoặc sạch?

Bạch Đức Thế Tôn! Pháp lìa tướng không nhơ, không sạch. Pháp không tướng không nhơ, không sạch. Pháp lìa tướng, không tướng chẳng thể được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lìa tướng và không tướng chẳng có pháp để được.

Bạch Đức Thế Tôn! Trong ly tướng, trong không tướng chẳng có Bồ-tát được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bạch Đức Thế Tôn! Như vậy thì con làm sao biết được nghĩa của Đức Phật giảng nói?

–Này Tu-bồ-đề! Tâm ngã, ngã sở của chúng sinh có mãi mãi hiện hành chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, có! Tâm ngã, ngã sở của chúng sinh mãi mãi hiện hành.

–Này Tu-bồ-đề! Tâm ngã, ngã sở đó có lìa tướng chăng? Có không tướng chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn! Tâm ngã, ngã sở lìa tướng, không tướng.

–Này Tu-bồ-đề! Do tâm ngã, ngã sở đó, chúng sinh có qua lại trong sinh tử chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn! Do tâm ngã, ngã sở đó, chúng sinh qua lại trong sinh tử.

–Này Tu-bồ-đề! Vì chúng sinh qua lại trong sinh tử nên biết là có cấu, có não.

–Này Tu-bồ-đề! Nếu biết chúng sinh không có tâm ngã, ngã sở, tâm không chấp trước thì chẳng còn qua lại trong sinh tử. Nếu chẳng qua lại trong sinh tử thì không có cấu, não. Cho nên chúng sinh có tịnh.

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát thực hành như vậy, đó là chẳng thực hành sắc, thọ, tưởng, hành, thức, là chẳng thực hành bốn Niệm xứ cho đến tám Thánh đạo, là chẳng thực hành nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, là chẳng thực hành mười Trí lực cho đến Nhất thiết chủng trí.

Vì sao? Vì pháp ấy chẳng thật có, cũng không có người thực hành, cũng không có chỗ hành, cũng không có pháp hành.

Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát thực hành như vậy, tất cả Trời, Người, A-tu-la ở thế gian chẳng hàng phục được Đại Bồtát này. Tất cả Thanh văn, Bích-chi-phật chẳng bằng được Bồtát này.

Vì sao? Vì chỗ an trụ của Bồ-tát này không ai bằng được, đó là địa vị Bồ-tát.

Bạch Đức Thế Tôn! Sở hành của Đại Bồ-tát này đúng với tâm của Nhất thiết chủng trí, không ai bằng được.

–Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thực hành như vậy mau gần với Nhất thiết chủng trí.

Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Nếu tất cả mọi loài chúng sinh ở Diêm-phù-đề đều thực hành nghiệp người, đều được thân người và đều được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cả. Nếu có thiện nam, thiện nữ trọn đời cung kính, cúng dường, ngợi khen tất cả các Đức Phật đó, rồi hồi hướng tất cả thiện căn về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì cớ ấy có được phước nhiều chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều!

–Này Tu-bồ-đề! Phước không nhiều bằng thiện nam, thiện nữ ở giữa đại chúng giảng nói Bát-nhã ba-la-mật, chỉ dạy rành rẽ, khai giảng rõ ràng đúng với Bát-nhã ba-la-mật và cũng ghi nhớ, cho đến chúng sinh trong cõi đại thiên cũng giống như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như tất cả chúng sinh trong cõi Diêmphù-đề đồng thời đều được thân người. Có thiện nam, thiện nữ dạy họ thực hành mười pháp lành, bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Định vô sắc, dạy họ được quả Tu-đà-hoàn cho đến quả Bích-chi-phật, dạy họ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hồi hướng thiện căn dạy bảo đó về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thiện nam, thiện nữ đó được phước có nhiều chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều!

–Này Tu-bồ-đề! Phước nhiều không bằng thiện nam, thiện nữ giảng nói Bát-nhã ba-la-mật này, chỉ dạy rõ ràng, rành rẽ cho chúng sinh, cũng chẳng xa lìa Nhất thiết chủng trí.

Như Diêm-phù-đề, cho đến cõi đại thiên cũng giống như vậy.

Đại Bồ-tát này chẳng xa lìa tâm của Nhất thiết chủng trí thì đến tột cùng bờ tất cả ruộng phước. Trừ các Đức Phật, không có pháp nào bằng thế lực của Đại Bồ-tát ấy.

Vì sao? Vì Đại Bồ-tát ấy lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật, đối với tất cả chúng sinh phát khởi tâm đại Từ, vì thấy chúng sinh hướng đến chỗ chết nên sinh tâm đại Bi. Lúc hành đạo, Bồ-tát ưa thích nên sinh tâm đại Hỷ. Vì chẳng chung với tưởng niệm nên được đại Xả.

Này Tu-bồ-đề! Đó là Đại Bồ-tát được ánh sáng đại trí. Ánh sáng đại trí này tức là sáu pháp Ba-la-mật.

Này Tu-bồ-đề! Thiện nam, thiện nữ đó dầu chưa thành Phật mà có thể làm ruộng phước lớn cho tất cả chúng sinh, chẳng thoái chuyển đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thọ hưởng bốn việc cúng dường, thực hành đúng tâm Bát-nhã ba-la-mật, chắc chắn báo được ân thí chủ, mau gần Nhất thiết chủng trí.

Cho nên, Đại Bồ-tát muốn chẳng thọ hưởng uổng phí bốn việc cúng thí của người, muốn dạy đạo ba thừa cho chúng sinh, muốn làm ánh sáng rực rỡ cho chúng sinh, muốn cứu vớt lao ngục ba cõi, muốn ban con mắt sáng cho tất cả chúng sinh, thì phải thường thực hành Bát-nhã ba-la-mật.

Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật, Đại Bồ-tát muốn nói thì chỉ nói Bát-nhã ba-la-mật. Nói Bát-nhã ba-la-mật rồi thường ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật.

Thường ghi nhớ Bát-nhã ba-la-mật rồi thì thường thực hành Bát-nhã ba-la-mật, chẳng để cho tâm niệm khác phát sinh, ngày đêm siêng năng thực hành Bát-nhã ba-la-mật, tâm niệm tương ưng, chẳng thôi, chẳng nghỉ.

Này Tu-bồ-đề! Ví như có người chưa từng được châu mani, lúc sau được, tâm vui mừng hớn hở. Về sau lại đánh mất, bèn rất lo rầu, thường nhớ tưởng châu ma-ni đó, tự nghĩ tại sao tôi lại đánh mất châu ma-ni.

Cũng như vậy, Đại Bồ-tát thường nghĩ nhớ Bát-nhã ba-lamật, chẳng rời tâm Nhất thiết chủng trí.

–Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả niệm tưởng, tánh của nó tự lìa, tánh của nó tự không, vì sao Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật chẳng lìa tâm của Nhất thiết chủng trí? Trong pháp xa lìa, pháp không đó, chẳng có Bồ-tát, cũng không có niệm, không có Nhất thiết chủng trí.

–Này Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát biết tất cả pháp như vậy, tánh nó tự lìa, tánh nó tự không, chẳng phải do Thanh văn, Bíchchi-phật làm ra, cũng chẳng phải do Phật làm ra. Các pháp tướng thường trụ, pháp tướng, pháp trụ, pháp vị, như, thật tế, đó gọi là Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, chẳng lìa tâm của Nhất thiết chủng trí. Vì sao? vì Bát-nhã ba-lamật tánh tự lìa, tánh tự không, chẳng thêm, chẳng bớt.

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Bát-nhã ba-la-mật, tánh nó tự lìa, tánh nó tự không, thì làm sao Đại Bồ-tát bằng với Bátnhã ba-lamật, được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

–Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát bằng với Bát-nhã ba-la-mật, chẳng thêm, chẳng bớt. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật chẳng phải một, chẳng phải khác.

Nếu Đại Bồ-tát nghe tướng Bát-nhã ba-la-mật như vậy mà chẳng kinh sợ, nghi ngờ. Phải biết Đại Bồ-tát này thực hành Bátnhã ba-la-mật, phải biết Đại Bồ-tát này an trụ địa vị không thoái chuyển.

–Bạch Đức Thế Tôn! Không vô sở hữu là thực hành Bátnhã ba-la-mật chăng?

–Không phải.

–Bạch Đức Thế Tôn! Lìa không, có phải pháp thực hành Bátnhã ba-la-mật chăng?

–Không có.

–Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật đó phải là thực hành Bát-nhã ba-la-mật chăng?

–Không.

–Bạch Đức Thế Tôn! Lìa Bát-nhã ba-la-mật có phải là thực hành Bát-nhã ba-la-mật chăng?

–Không.

–Bạch Đức Thế Tôn! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức có phải là thực hành Bát-nhã ba-la-mật chăng? –Không.

–Bạch Đức Thế Tôn! Sáu pháp Ba-la-mật là thực hành Bátnhã ba-la-mật phải chăng?

–Không.

–Bạch Đức Thế Tôn! Bốn Niệm xứ cho đến mười tám pháp Bất cộng có phải là hành Bát-nhã ba-la-mật chăng? –Không.

–Bạch Đức Thế Tôn! Tướng của sắc, thọ, tưởng, hành, thức là không, là luống dối chẳng thật, không có gì, tướng chẳng bền chắc, tướng như, pháp tướng, pháp trụ, pháp vị, thật tế là thực hành Bátnhã ba-la-mật phải chăng? –Không.

–Bạch Đức Thế Tôn! Bốn Niệm xứ cho đến mười tám pháp

Bất cộng tướng không, luống dối chẳng thật, cho đến thật tế là thực hành Bát-nhã ba-la-mật phải chăng? –Không.

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu các pháp đó đều chẳng thực hành, thì thực hành Bát-nhã ba-la-mật như thế nào mới gọi là Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật?

–Này Tu-bồ-đề! Ông có thấy pháp nào thực hành Bátnhã bala-mật chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Này Tu-bồ-đề! Ông có thấy sở hành Bát-nhã ba-lamật của Đại Bồ-tát chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Này Tu-bồ-đề! Pháp mà ông chẳng thấy đó, pháp ấy có thật có chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Này Tu-bồ-đề! Pháp ấy chẳng thật có, pháp ấy có sinh chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Này Tu-bồ-đề! Đó gọi là pháp Nhẫn vô sinh của Đại Bồ-tát. Bồ-tát thành tựu nhẫn này thì được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó gọi là vô sở úy, trí vô ngại của Phật. Đại Bồ-tát thực hành pháp đó siêng năng tinh tấn thì chẳng mất Nhất thiết chủng trí, đó là trí Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Không bao giờ chẳng được. Vì sao? Vì Đại Bồtát được pháp Nhẫn vô sinh, cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chẳng lui sụt, chẳng giảm bớt.

–Bạch Đức Thế Tôn! Các pháp tướng không sinh, trong đó được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng? –Không.

–Bạch Đức Thế Tôn! Các pháp tướng sinh, trong đó được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng?

–Không.

–Bạch Đức Thế Tôn! Các pháp tướng sinh, không sinh, trong đó được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng? –Không.

–Bạch Đức Thế Tôn! Các pháp chẳng phải sinh, chẳng phải không sinh, trong đó được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng?

–Không.

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát làm sao biết là các pháp được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

–Này Tu-bồ-đề! Ngươi thấy có pháp được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không! Con chẳng thấy có pháp được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Con cũng chẳng thấy có người được sở đắc.

–Đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Nếu lúc Đại Bồ-tát đối với tất cả pháp không thật có, chẳng nghĩ rằng: “Ta sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng chẳng nghĩ rằng nhờ việc đó mà được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đó gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật không có tưởng nhớ, phân biệt.

Vì sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật không có tưởng nhớ, phân biệt.