SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 38-39

Phẩm 42: TATỲ-DA XUẤT GIA

Thuở xưa, ở phía Bắc Thiên trúc có một tòa thành tên Đặc-xoa-thi-ca (nhà Tùy dịch là Tước Thạch). Bấy giờ, trong thành có một gia đình, người vợ bỗng nhiên sinh song thai, một trai một gái, vợ chồng mời tướng sư danh tiếng đến xem tướng. Tướng sư xem tướng nói rằng bé gái không có tướng tốt, không có điềm lành lợi ích. Cha mẹ bé gái nghe tướng sư nói như vậy, mới nghĩ: “Con mình đã không có tướng tốt, lại không có điềm lành, nếu để nó trưởng thành thì ai chịu cưới nó làm vợ.” Cha mẹ bàn luận như vậy rồi, liền đưa bé gái đến một nữ đạo sĩ tên là Ba-lê-bà-xà (nhà Tùy dịch là Hành Hành) thưa như thế này:

-Nay vợ chồng chúng tôi đến đây xin bà nhận nuôi giùm đứa bé gái này, dạy cho nó đạo pháp được tăng tiến, bao nhiêu nhu cầu đời sống chúng tôi xin cung cấp.

Lúc ấy nữ đạo sĩ Ba-lê-bà-xà nhận lời nuôi dưỡng bé gái, chăm sóc bé gái đến mười lăm tuổi, trí khôn đầy đủ, liền dạy tất cả kỹ năng chú thuật. Bé gái trí tuệ thông minh thông suốt các luận, đối với tất cả môn học đều được thành tựu. Khi đến tuổi trưởng thành nhan sắc tuyệt vời ít ai sánh kịp, mặt mày đẹp đẽ hơn người, thân hình mềm mại, cốt cách đoan trang hình dung cân đối rất vẹn toàn, mọi người đều hoan hỷ, ai cũng thích nhìn.

Bấy giờ, trên thân đồng nữ mặc một chiếc xiêm và khoác trên vai một chiếc áo choàng đều bằng vỏ cây, tay cầm giá thau, để khi cần thì đặt bình nước tắm rửa, du hành khắp mọi nơi, vương môn, quốc thành, thôn ấp, xóm làng các nước… để tìm luận sư tranh tài, vì muốn thu phục họ. Trải qua nhiều ngày tháng, cô ta tình cờ gặp được đạo nhân Ba-lê-bà-xà tên là Tối Diệu Tự Tại Thắng Tha từ phía Nam Thiên trúc du hành qua nhiều xứ hướng về phía Bắc Thiên trúc.

Đạo nhân này cũng dễ thương hình dung đoan chánh không ai bằng, tuổi còn tráng niên, khí lực sung mãn, mặt mày cũng đẹp đẽ hơn người, tay chân xinh đẹp. Trong hàng luận sư thì người này danh tiếng bậc nhất. Bấy giờ đạo nhân thấy đồng nữ Ba-lê-bà-xà với hình dung kiều diễm nhan sắc tuyệt vời, rất dễ thương được mọi người thích ngắm trông như vậy nên để tâm yêu mến. Khi ấy đồng nữ Ba-lê-bà-xà cũng có tâm luyến ái đạo nhân Ba-lê-bà-xà. Rồi cả hai cảm mến luyến ái nhau.

Bấy giờ, đạo nhân Ba-lê-bà-xà nói với đồng nữ Ba-lê-bà-xà:

-Này nhân giả thiện nữ, ta nay rất muốn cùng nàng làm việc thế gian.

Đồng nữ cũng đáp lại:

-Tôi cũng thích cùng nhân giả ở chung một chỗ.

Đạo nhân Ba-lê-bà-xà bảo đồng nữ:

-Hai người chúng ta đều là kẻ xuất gia tu đạo, nếu ở trong phép đạo, làm việc thế gian như vậy, mà mọi người biết được chúng ta làm việc này, thì họ hủy nhục chê trách chúng ta. Vậy chúng ta phải lập kế, ở trước công chúng tranh luận với nhau, lập lời giao ước nếu ai thua cuộc thì phải hầu hạ người thắng cuộc.

Đồng nữ lại nói:

-Nếu như em thắng mà anh thua, thì việc này không tốt, không hợp lý, lẽ nào đấng trượng phu mà hầu hạ nữ nhi hay sao! Còn nếu em thua thì em phụng sự anh, đây là việc tốt vì thuận lý.

Khi ấy đạo nhân liền bảo đồng nữ:

-Hay thay! Hiền nữ, lời nói của nàng thật là chí lý, sẽ làm theo lời nàng.

Bấy giờ, đạo nhân Ba-lê-bà-xà ở trước công chúng đánh trống nghị luận rao rằng ở xứ này có người nào cùng ta tranh luận hay không? Hoặc có đồng nam Ba-lê-bà-xà, hoặc là đồng nữ Ba-lê-bà-xà, ai có thể vấn đáp với ta? Nếu có được thì tốt.

Khi xướng lên như vậy cho đến lần thứ ba, thì đồng nữ Ba-lê-bà-xà ở trong đại chúng nghe lời rao như vậy, liền đáp:

-Ta có thể cùng người nghị luận hỏi đáp qua lại.

Trước đại chúng với dung nghi yểu điệu, đồng nữ đưa ra câu hỏi. Đạo nhân Ba-lê-bà-xà giải đáp thông suốt. Rồi đạo nhân lại hỏi đồng nữ. Đồng nữ cũng giải đáp thông suốt. Hỏi qua lại như vậy đến lượt thứ hai, cả hai đều hỏi đáp thông suốt. Đến lần thứ ba đạo nhân Ba-lê-bà-xà hỏi đồng nữ. Đồng nữ đủ sức giải đáp thông suốt, nhưng vì trong tâm yêu đạo nhân Ba-lê-bà-xà, muốn làm người hầu hạ, nên giả đò không thông hiểu, đứng nín thinh không giải đáp. Như vậy, ở trước đại chúng đạo nhân Ba-lê-bà-xà đã chinh phục đồng nữ.

Bấy giờ đồng nữ đã bị đạo nhân Ba-lê-bà-xà chinh phục, liền ở trước đại chúng nhận lấy dép da và giá ba chân từ nơi tay của đạo nhân mà đi theo hầu. Hai người này sống dưới hình thức như vậy, tâm cấu uế loạn động không thể rời nhau, cùng ở chung một chỗ. Vì hai người đã sống chung với nhau, nên đồng nữ đã có mang. Khi đồng nữ có mang mất đi nhan sắc không còn tươi thắm như xưa. Đạo nhân Ba-lê-bà-xà thấy đồng nữ nhan sắc không còn như thuở nào, liền sinh tâm nhàm chán mà nói với đồng nữ:

-Ta nay không thể cùng nàng sống chung một chỗ.

Lúc ấy đồng nữ thưa với đạo nhân Ba-lê-bà-xà:

-Hai chúng ta đều là đạo nhân, vì cả hai đánh mất chánh niệm, tôi sống bên chàng nay đã mang thai, chàng thấy tôi giờ này hoa sắc không còn bỏ tôi ra đi, thì tôi lập tức sẽ chết theo, còn nếu chưa chết thì sẽ khổ não vô cùng.

Bấy giờ, đạo nhân Ba-lê-bà-xà tâm đã quyết định ra đi, nên trao cho đồng nữ một chiếc nhẫn bằng vàng dùng làm vật kỷ niệm và bảo đồng nữ:

-Nếu nàng sinh con gái thì đem bán chiếc nhẫn này để nuôi con, còn nếu sinh con trai thì trao chiếc nhẫn này làm tín vật và bảo nó đi tìm ta.

Ông trao chiếc nhẫn rồi bỏ đồng nữ ra đi, về hướng Nam Thiên trúc. Đồng nữ Ba-lê-bà-xà đi bộ khắp đó đây lần lần đến làng Ma-hầu. Bên làng này có một vùng đất tên là Bạch vân, nàng nương sống ở nơi này hạ sinh một bé trai. Khi bé trai chào đời bao nhiêu dân chúng trong huyện đều lấy làm cảm động xót thương, hoặc có người cho sữa, hoặc có người cho dầu, ngoài ra những gì cần dùng đều được họ bố thí. Đồng nữ Ba-lê-bà-xà nghĩ thế này: “Ta đã sinh bé trai ở trong huyện này, có thể lấy địa danh này để đặt tên cho nó, để nhớ nơi mở mắt chào đời.” Nên cô ta đặt tên đứa bé là Ta-tỳ-da (nhà Tùy dịch là Huyện Quan).

Khi ấy Ba-lê-bà-xà theo đúng phương pháp nuôi dưỡng bú mớm để bé Ta-tỳ-da được mau lớn. Trải qua năm tháng Ta-tỳ-da lần lần lớn khôn sắp đến tuổi trưởng thành, được nữ nhân Ba-lê-bà-xà dạy cho các môn văn thơ, hội họa, toán số, ấn ký, chú thuật ngoài ra các luận khác đều dạy, khiến đồng tử được thành tài. Đồng tử thông minh lanh lợi, nên đối với các môn học đều được thành tựu, không có môn nào là không biết.

Vào ngày nọ Ta-tỳ-da hỏi mẹ:

-Thưa mẹ, cha con là ai? Nay ở đâu?

Người mẹ đáp:

-Này con Ta-tỳ-da, cha con hiện nay đang ở phương Nam Thiên trúc, con nên đến đó để tìm kiếm cha con.

Khi ấy Ba-lê-bà-xà trao cho con chiếc nhẫn, mà trước khi đi đạo nhân đã trao cho bà làm vật kỷ niệm, trao rồi bảo con:

-Con đem vật kỷ niệm này đi tìm cha con.

Ta-tỳ-da liền đáp:

-Như lời mẹ dạy, con sẽ đi tìm cha.

Khi ấy Ta-tỳ-da nhận vật kỷ niệm, rồi dần dần đi về phía Nam Thiên trúc, từ thôn này đến thôn khác, rồi làng kia qua làng nọ, thành này đến thành khác, lần hồi đã đến miền Nam xứ Thiên trúc, Đến đâu anh cũng thắng những người luận nghị. Dần dần Ta-tỳ-da đến chỗ người cha mà không biết là cha mình, cũng không cần hỏi han. Đến nơi, anh ta liền đánh trống nghị luận, rao lên thế này:

-Xứ này có đạo nhân Ba-lê-bà-xà hay nữ đạo sĩ Ba-lê-bà-xà nào cùng với ta hỏi đáp nghị luận hay không?

Khi ấy đạo nhân Ba-lê-bà-xà vừa thấy đồng tử Ta-tỳ-da, tự nhiên trong tâm sinh ra tình cảm cha con. Đạo nhân hỏi đồng tử Ta- tỳ-da:

-Này thiện đồng tử, người là ai? Từ đâu đến đây?

Đồng tử nói nguyên do lai lịch một cách chi tiết với đạo nhân Ba-lê-bà-xà, rồi đưa nhẫn cho đạo nhân xem. Khi đạo nhân thấy chiếc nhẫn, nói với đồng tử rằng người là con của ta.

Khi Ba-lê-bà-xà được con, liền dạy thêm các chú thuật, kỹ nghệ mà xưa nay đạo nhân đã từng tu các thiền định, như vậy theo thứ lớp dạy các thiền định cho con mình. Sau đó, chẳng bao lâu đạo nhân Ba-lê-bà-xà qua đời. Sau khi cha qua đời, Ta-tỳ-da đi đến bờ biển, dựng một thảo am, trong cảnh vắng lặng tọa thiền tư duy, chẳng bao lâu chứng được bốn thiền và năm phép thần thông. Sau khi chứng đắc, đồng tử nghĩ thế này: “Trong thế gian này được bao nhiêu vị A-la-hán, đã tự xưng đã chứng đắc A-la-hán đạo, đối với họ ta cũng là A-la-hán không khác.”

Mẹ của đồng tử sau khi qua đời sinh vào cõi trời Ba mươi ba. Ngay sau khi Đức Thế Tôn thành đạo Vô thương Chánh đẳng Chánh giác, ở trong vườn Nai chuyển pháp luân vô thượng, khi ấy chư Thiên Địa cư tán thán, lần lượt chuyển dần lên đến cõi trời Ba mươi ba, thiên nữ mẹ của đồng tử ở cõi trời Ba mươi ba nghe lời tán thán này, trong tâm suy nghĩ: “Con ta ngày nay ở chỗ nào?” Rồi vị ấy chánh niệm quán sát, thấy con mình ở bên bờ biển.

Lúc ấy, vị trời với thân hình đẹp đẽ hơn chư Thiên khác, ngay giữa đêm phóng hào quang chiếu xuống và đi đến chỗ ở của con mình. Vị trời Ba-lê-bà-xà đi đến bên Ta-tỳ-da bảo:

-Này Ta-tỳ-da, ông chẳng phải là La-hán, cũng chưa nhập đạo A-la-hán và pháp A-la-hán, ông cầu pháp A-la-hán không có thứ lớp.

Ta-tỳ-da hỏi Thiên nữ:

-Chư Thiên là người gì? Thiên nữ là A-la-hán phải không? Có pháp chứng nhập đạo quả A-la-hán không? Và có giáo pháp để dạy tôi tu tập chứng quả A-la-hán không?

Thiên nữ liền đáp:

-Này Ta-tỳ-da, hiện nay có Đức Thế Tôn Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đang ở vườn Nai, nơi chư Thiên đời trước ở, thuộc thành Ba-la-nại, Đức Thế Tôn này chính là Bậc A-la-hán, đã vào đạo quả A-la-hán, tự hiểu biết rồi dạy lại cho người khác cũng đắc quả A-la-hán.

Khi ấy Ta-tỳ-da hỏi Thiên nữ:

-Thưa nhân giả Đại thiên, tôi thật vô trí, nên dùng cách gì để biết người đó là Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Thiên nữ dạy Ta-tỳ-da:

-Này Ba-lê-bà-xà, ông muốn hỏi về ý nghĩa pháp cần phải hỏi người đó như thế này: “Ông nhận tên Tỳ-kheo như vậy là gì? Sao gọi là điều phục? Sao gọi là hành thiện? Sao gọi là Phật? Sao gọi là Tỳ-kheo? Sao gọi là Sa-môn và Bà-la-môn? Sao gọi là thanh tịnh? Sao gọi là trí và biết ruộng phước? Sao gọi là hiểu rõ phương tiện thiện xảo? Sao gọi là Tiên? Sao gọi là danh văn? Sao gọi là tùy thuận? Sao gọi là tinh tấn? Sao gọi là rồng? Sao gọi là lãnh thọ? Sao gọi là Thánh? Sao gọi là tu hành? sao gọi là cầu đạo? Này Ta-tỳ-da, ông hỏi người nào như vậy, họ giải thích từng vấn đề một khiến ông hoan hỷ, lúc ấy ông nên ở chỗ người đó để tu phạm hạnh.

Bấy giờ Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà nghe lời Thiên nữ chỉ dạy như vậy, ghi nhớ kỹ, liền du hành trải qua các quốc gia, thành ấp, thôn xóm nơi nơi đánh trống muốn cầu người luận nghị. Ông ta lại rao lên: “Có Sa-môn hay Bà-la-môn nào có thể giải thích nghĩa câu hỏi của ta… như thế này chăng?’

Lúc ấy chỗ nào Ta-tỳ-da đi đến thì chỗ đó không có người nào có thể luận nghị, giải đáp những câu hỏi như vậy. Chỗ nào Ta-tỳ-da đi đến, hoặc có những người đang ngồi tư duy các pháp, hoặc các bậc luận sư, hễ nghe Ta-tỳ-da đi đến chỗ mình, đều tẩu tán, rốt cuộc không có người nào dám cùng với Ta-tỳ-da tranh luận.

Thưở ấy, Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà cứ tuần tự mà đi lần hồi đến thành Ba-la-nại. Trong thành này có sáu đại luận sư, mỗi vị đều tự xưng là người bậc nhất trong thiên hạ. Các vị đó là: Phú-lan-na, ba anh em Ca-diếp, Ni-kiền Tử…Ta-tỳ-da đến Phú-lan-na, chào hỏi thăm viếng lẫn nhau, rồi lui đứng sang một bên.

Bấy giờ Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà hỏi đại luận sư Phú-lan-na Ca-diếp… các nghĩa lý đã nói trên, như: “Sao gọi là Tỳ-kheo? Sao gọi là cầu đạo?.” Ta-tỳ-da hỏi Ca-diếp… các lời như vậy. Nghe câu hỏi rồi tâm ý Ca-diếp rốI loạn không thể trả lời. Do không hiểu ý nghĩa các câu hỏi của Ta-tỳ-da, nên mặt hiện rõ ba nét là châu mày, cau mặt, nhăn trán, rất oán hờn, sân hận, phẫn nộ không nói lên được một lời. Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà suy nghĩ: “Vị Trưởng lão này không giải đáp được mảy may ý nghĩa các câu hỏi của ta, họ lại hiểu sai lầm ý của ta nên không thể giải thích được, lời nói lập cập càng thêm xấu hổ, nên oán hận. Ôi thật là bất tài!”

Khi ấy Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà nhàm chán, bỏ Phú-lan-na Ca-diếp để đi đến Ma-ta-ca-lê-cù-xa-lê và Ni-kiền tử. Sau khi đến gặp Ni-kiền tử, dùng lời tốt đẹp chào hỏi, an ủi hỏi han xong rồi, Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà thưa hỏi Ni-kiền tử như những câu hỏi trên: “Tỳ-kheo là nghĩa gì? Sao gọi là cầu đạo?” Ni-kiền-tử bị Ta-tỳ-da hỏi những câu như vậy, tâm ý rối loạn không thể trả lời.

Ta-tỳ-da suy nghĩ: “Những Trưởng lão này đối với các nghĩa không hiểu được mảy may, đối với những câu hỏi của ta tâm họ mờ mịt rối loạn không thể hiểu được, lại sinh sân hận… như nói ở trên.” Rồi Ta-tỳ-da lại nghĩ: “Trong thế gian này có người nào, hoặc Sa-môn, hoặc là Bà-la-môn mà mọi người tôn xưng là La-hán có tất cả trí tuệ chân thật. Nếu có được người như vậy ta sẽ đến hỏi họ những gì nghi ngờ trong tâm, nếu họ đáp được ta sẽ đảnh lễ cúng dường thờ phụng ngày đêm chẳng rời.”

Bấy giờ Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà lại suy nghĩ: “Hiện nay, có vị Sa- môn trong vườn Nai, là chỗ Tiên nhân đời trước ở, thuộc thành Ba-la-nại. Người đời cho vị Sa-môn này là bậc trí tuệ Đại A-la-hán hết sức thông minh. Ta sẽ đến vị A-la-hán này hỏi các điều mình ngờ vực.” Ông lại suy nghĩ tiếp: “Những vị Sa-môn, Bà-la-môn niên cao đức trọng trong xứ này, đã từng trải qua nhiều năm tu phạm hạnh cho đến nay, các vị đó giữ chức Quốc sư cho các vua, người đời đều tôn xưng là bậc Đại A-la-hán, hết sức thông minh trí tuệ. Những vị đó là Phú-lan-na, Ca-diếp, Ni-kiền tử… Ta hỏi họ còn chưa biết huống là vị Sa-môn này, tuổi trẻ xuất gia chưa được bao lâu. Nếu ta đến hỏi làm sao người có thể trả lời được?” Rồi Ta-tỳ-da nghĩ trở lại: “Không thể xem thường, không thể xem thường vị Sa-môn đó. Tại sao? Vì biết đâu những vị Sa-môn trẻ tuổi lại có trí tuệ thông minh, ta nào lường được. Vậy ta nên đi đến vị Sa-môn ỏ vườn Nai để hỏi những điều thắc mắc trong tâm.

Sau đó Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà đi đến chỗ Đức Phật, từ xa trông thấy Đức Thế Tôn giống như các vì sao tô điểm trên nền trời ban đêm, hiện đang thuyết giảng pháp cho đại chúng. Thấy rồi, vị ấy hết sức tin tưởng: Đây chính là Đức Thế Tôn Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đã từng được nghe không sai lầm. Ta-tỳ-da liền tiến về phía Đức Phật, đến nơi gặp mặt Thế Tôn, dùng lời tốt đẹp khéo léo chào hỏi thăm viếng. Hỏi thăm xong, lui về ngồi một bên, Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà dùng kệ hỏi Đức Phật:

Ta là đạo nhân Ta-tỳ-da
Từ phương xa tìm đến chốn này
Mang theo điều nghi hỏi Đại trí
Cúi xin vì tôi giải rõ ràng.
Tâm tôi ngờ vực nếu giải trừ
Xin Ngài tỉ mỉ giải từng mục
Giải theo thứ lớp từng câu hỏi
Giải thích rõ ràng chớ sai ngoa.

Ta-tỳ-da nói kệ rồi, đứng yên lặng. Nói về thường pháp của chư Phật có ba thứ thần thông, nếu thấy người hóa độ được thì hóa độ. Ba thứ thần thông đó là: Một, xuất hiện thần thông. Hai, giáo thị thần thông. Ba, giáo hạnh thần thông.

Đức Thế Tôn biết được tâm nghi của Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà nên nói kệ giải đáp cho Ta-tỳ-da:

Này Ta-tỳ-da đường xa đến
Tâm người nghi hoặc muốn hỏi Ta
Ngươi hãy hỏi ra Ta sẽ giải
Tùy ý hỏi gì Ta đáp cho.
Đúng như câu hỏi chẳng sai ngoa
Này Ta-tỳ-da, hãy hỏi đi
Cứ hỏi tự do chớ ngại ngùng
Theo từng câu hỏi Ta giải rõ.

Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà nghe Đức Thế Tôn nói kệ, thầm nghĩ: “Ta trước kia đã từng hỏi các vị Sa-môn, Bà-la-môn tuổi cao đức trọng xuất gia đã lâu, có thể làm Quốc sư, được thế gian tôn xưng là bậc A-la-hán trí tuệ thông minh. Những điều ta hỏi, họ đều rối loạn không thể giải đáp, nên lấy làm xấu hổ, trên mặt hiện rõ ba tướng sân hận chau mày, cau mặt, trán nhăn, không thể nói lên được một lời.” Khi ấy Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà cho là việc hy hữu: “Đại Sa-môn này đối với câu hỏi của ta không sân hận phẫn nộ, mà ngược lại sắc mặt tăng thêm trong sáng tươi vui, sắc mặt không biến lại thêm vui vẻ. Đối với câu hỏi của ta, Người hứa giải đáp. Ta thấy người này các căn tịch định không có sai lầm.”

Ta-tỳ-da biết như vậy, hết sức vui mừng hớn hở, tràn ngập toàn thân không thể tự chế. Với tâm hoan hỷ, ông dùng kệ thưa hỏi Đức Phật những điều nghi ngờ:

Sao gọi Tỳ-kheo, thưa Đại Thánh?
Chư Thánh thu phục những thứ gì?
Biết được những gì gọi là giác?
Cúi xin Thế Tôn giải đáp cho.

Đức Thế Tôn dùng kệ giải đáp cho Ta-tỳ-da:

Khổ hạnh không ngại cầu tuệ giác
Vượt các lưới nghi hướng Niết-bàn
Có, không cả hai đều buông bỏ
Phạm hạnh lậu tận gọi Tỳ-kheo.
Buông bỏ tất cả, hành chánh niệm
Sống trong thế gian, không sát hại
Hoàn toàn thanh tịnh không nhiễm ô
Thoát khỏi buộc ràng là điều phục.
Căn trần trong ngoài, đều thu nhiếp
Hàng phục như vậy là chân chánh
Đời này, đời sau đều nhàm chán
Cầu quả Niết-bàn gọi thiện hạnh.
Ở trong nhiều kiếp tu khổ hạnh
Hai đường sinh tử tùy nghiệp nhân
Không còn cấu trược lìa ràng buộc
Dứt cảnh luân hồi, giác ngộ sinh.

Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà nghe Đức Phật nói như vậy, vô cùng hoan hỷ, rồi nói kệ hỏi Phật:

Những gì gọi là tu phạm hạnh?
Sa-môn thanh tịnh phải thế nào?
Những gì Đại trí phải điều phục?
Nay xin Thiện Thệ giải đáp cho.

Đức Thế Tôn lại dùng kệ giải đáp câu hỏi của Ta-tỳ-da:

Do tội lìa cấu không ràng buộc
An trụ hoàn toàn trong thiền định
Một mình vượt khỏi biển phiền não
Gọi là phạm hạnh, bậc Thánh nhân.
Tích tập phước đức bỏ điều tà
Hiện tại, tương lai biết phiền não
Các khổ sinh tử cũng chẳng còn
Chứng được như vậy gọi Sa-môn.
Bao nhiêu nghiệp báo đều tiêu diệt
Tất cả trong ngoài nơi thế gian
Tất cả trời người không xâm phạm
Như vậy gọi là thân thanh tịnh.
Phiền não chẳng còn, ràng buộc hết
Trong ngoài thế giới khắp mọi nơi
Tham, si, sân hận đều vượt khỏi
Phật nói như vậy Bậc Đại trí.

Bấy giờ Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà nghe Đức Phật giải đáp như vậy, lại dùng kệ hỏi tiếp:

Chư Phật lấy gì làm ruộng phước?
Thế nào là biết thiện phương tiện?
Tiên nhân thế nào gọi Đại Thánh?
Cúi xin Thế Tôn giải đáp cho.

Đức Thế Tôn lại dùng kệ giải đáp cho Ta-tỳ-da:

Tất cả các cõi đều biết rõ
Đáng nhận cúng dường chư Thiên, Phạm
Không còn lệ thuộc nơi quả báo
Nếu được như vậy là ruộng phước.
Quả báo phát sinh từ gốc nghiệp
Chư Phạm, chư Thiên nghiệp khác nhau
Dùng sức các nhẫn trừ gốc nghiệp
Được vậy mới là thiện trí tuệ.
Phân biệt đó đây nhân thanh tịnh
Tất cả thế gian có trong ngoài
Không ngã, không chấp, không xứ sở
Phương tiện thiện xảo là như thế.
Biết rõ có, không của các pháp
Biết rõ trong, ngoài khắp thế gian
Hiện được người, trời thường cung kính
Giải thoát không ngại gọi là Tiên.

Bấy giờ Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà nghe Đức Phật giải đáp như vậy, dùng kệ hỏi Phật:

Đạt được những gì gọi là nghe?
Tùy thuận, tinh tấn là thế nào?
Tại sao gọi là loài rồng lớn?
Cúi xin Thê Tôn giải đáp cho.

Đức Thế Tôn lại dùng kệ giải đáp câu hỏi của Ta-tỳ-da:

Tất cả các pháp, đều nghe biết
Công đức tội phước, gồm tất cả
Vượt trên nghi hoặc hết khổ đau
Tất cả không đắm, gọi là nghe.
Danh sắc đều là nhân giả dối
Căn trần nội ngoại: gốc khổ đau
Bao nhiêu việc ấy được giải thoát
Nên Phật gọi là tâm tùy thuận.
Xa lìa tất cả duyên các tội
Lìa khổ địa ngục, cần dũng mãnh
Thoát khỏi mọi thứ chẳng nhiễm trước
Vậy mới gọi là người tinh tấn.
Tham ái thế gian phải xa lìa
Luân hồi giải thoát đều đoạn tuyệt
Các lậu diệt sạch hết khổ đau
Đạt được như vậy gọi là rồng.

Khi ấy Ta-tỳ-da nghe Đức Phật giải đáp như vậy, dùng kệ hỏi Phật:

Những lý do gì gọi là thọ?
Tại sao nói Thánh là đi qua?
Duyên gì gọi là người cầu đạo?
Xin hỏi, Thế Tôn giải đáp cho.
Đức Thế Tôn lại dùng kệ giải đáp cho Ta-tỳ-da:

Nắm rõ từng phần luận Vệ-đà
Hoặc nơi Sa-môn, Bà-la-môn
Đều được lãnh hội và chứng biết
Đối với pháp họ đều lãnh thọ.
Cắt đứt tà kiến, đoạn lưới nghi
Người trí chẳng còn thọ bào thai
Ba tướng vọng tưởng đã diệt trừ
Không còn phân biệt gọi là Thánh.
Chứng được tất cả pháp thần thông,
Biết được các pháp đều bình đẳng
Đạt đến Thiện Thệ giữa thế gian
Biết được như vậy là đi qua.
Bao nhiêu khổ báo của các pháp
Hoặc trên, hoặc dưới, hoặc trung gian
Cảnh giới danh sắc đều thông đạt
Người nào được vậy gọi cầu đạo.

Lúc ấy, Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà đem bao nhiêu ý nghĩa thưa hỏi Đức Thế Tôn, đều được Ngài giải đáp vừa ý nên rất hoan hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, chắp tay chiêm ngưỡng tán thán Thế Tôn:

-Lành thay! Bạch Đức Thế Tôn, trong thế gian có sáu mươi hai luận thuyết đều vô dụng, ở trong thế gian các thuyết này đều là giả dối. Nay con xin quy y Đấng Thế Tôn Vô Thượng, chỉ có Thế Tôn mới biết được tất cả các pháp một cách phân minh, là bậc Đại Trượng Phu, chỉ có Thế Tôn mới giảng rõ các pháp, chỉ có Thế Tôn mới biết rõ các Đạo, chỉ có Thế Tôn mới vượt qua được biển khổ, chỉ có Thế Tôn mới dứt sạch các lậu, chỉ có Thế Tôn mới có oai đức rất lớn, chỉ riêng Thế Tôn mới có nhiều trí tuệ, chỉ có Thế Tôn mới chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

-Ta-tỳ-da nói kệ tán thán:

Con xin đảnh lễ Đại Trượng Phu
Minh hạnh hào quang tỏa khắp nơi
Đối với người, trời trong vũ trụ
Mở cửa cam lộ, đánh trống pháp.
Tâm con thuở trước nghi hoặc nhiều
Chỉ có Thế Tôn làm con hiểu
Thế Tôn là Bậc Tiên Đại Giác
Trần cấu dẹp sạch không mảy may
Tương lai không thọ thân sau nữa
Tất cả nghiệp nhân đều tiêu diệt.
Thế Tôn đã đến chỗ thanh lương
Tâm tịnh thực hành hạnh tri túc
Vì vậy Thế Tôn như Rồng chúa.
Tối Đại trượng phu giảng lời vàng
Tất cả chư Thiên cùng Đế Thích
Tiên nhân Thánh giả đều muốn nghe
Thế Tôn đích thật chân giác ngộ.
Thế Tôn khéo dạy khắp mọi loài
Thế Tôn thu phục các ma quân
Thế Tôn đoạn sạch các kết sử.
Ngài tự giải thoát lại độ người
Đối kẻ tội, phước tâm bình đẳng
Vượt qua tất cả không tham đắm
Thế gian trời người, Ngài biết rõ,.
Chỉ Phật Chí Chân Vô Thượng Tôn
Vượt qua tất cả các tà đạo
Các nhân hữu lậu đều trừ diệt
Giống như đêm rằm trăng sáng tỏ
Bao nhiêu tinh tú khắp hư không
Như vậy soi sáng trong thế giới
Thọ mạng, danh sắc, thức các loại.
Dân chúng ở trong thành Vương xá
Có núi tên là Tỳ-phú-la
Cảnh trí đẹp hơn tất cả núi
Lại như Tuyết sơn hơn các núi,
Hư không rất cao, khó bay tận
Các sông, nước biển sâu hơn hết
Ở trong đám sao, trăng sáng tuyệt
Nếu muốn nương tựa người điều phục
Chỉ nên quy y Vô Thượng Tôn
Nương tựa Tối Thắng Tôn trong đời
Nương tựa Điều Ngự hơn loài người
Nương tựa Thiện Thệ Vô Thượng Tôn
Nương tựa Chí Chân không ai bằng.
Ví như tế tự lửa hơn hết
Ý luận thì chú thuật đứng đầu
Vua quyền lực nhất trong nhân dân
Các sông, biển cả rộng hơn nhiều
Các sao, chỉ trăng sáng hơn hết
Ánh sáng mạnh nhất chỉ mặt trời.
Trên dưới sáu đường cõi thiện ác
Đó là ba cõi các thế gian
Trời, người, hữu tình cùng các loại
Chỉ có Thế Tôn là tối thượng.
Do vậy con nay chắp tay lễ
Đầu mặt cúi lạy Vô Thượng Tôn.

Ta-tỳ-da nói kệ tán thán Như Lai như vậy rồi, lại bạch Phật:

-Lành thay! Bạch Thế Tôn, cúi xin Thế Tôn từ bi thương xót cho con được xuất gia và thọ giới Cụ túc.

Lúc ấy Đức Phật bảo Ta-tỳ-da:

-Lành thay đến đây! Lành thay đến đây! Này Ta-tỳ-da, đến với pháp của Ta nói ra thì chấm dứt các khổ, được giải thoát.

Khi ấy thân Trưởng lão Ta-tỳ-da liền thành Tỳ-kheo đầy đủ giới Cụ túc. Ta-tỳ-da xuất gia thọ giới Cụ túc chưa được bao lâu, đi đứng nằm ngồi một mình, hoàn toàn không giao hữu, chưa từng đắm nhiễm, giữ gìn thân khẩu không dám buông lung, coi việc cầu đạo như cứu lửa cháy trên đầu. Trong thời gian ngấn hành trì như vậy, thiện nam này chánh tín dũng mãnh, xả tục xuất gia muốn cầu phạm hạnh thanh tịnh vô thượng, thấy rõ tướng các pháp, tự tâm chứng biết. Trưởng lão nói lên: “Ta không còn sinh tử, phạm hạnh đã hoàn tất, không còn thọ thân đời sau, việc cần làm đã làm, tự biết như vậy.” Ta-tỳ-da đã chứng biết như vậy rồi, đắc quả A-la-hán, tâm hoàn toàn giải thoát. Bấy giờ trong thế gian có chín mươi ba vị A-la-hán, đứng đầu là Thế Tôn và cuối cùng là Ta-tỳ-da.

Sau khi Đức Thế Tôn thành đạo, Ngài ở trong vườn Nai thuộc thành Ba-la-nại, an cư mùa hạ bắt đầu vào ngày mười sáu tháng sáu kể cả Phật chỉ có tám người, đến ngày mười tháng chín giải hạ gồm tất cả chín mươi ba người.