SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 37-38

Phẩm 41: NALAĐÀ XUẤT GIA

Bấy giờ, ở phía Nam xứ Thiên trúc thuộc cõi Diêm-phù, có một nước quốc hiệu là A-bàn-đà, trong nước này có làng Di-hầu- thực, trong thôn Di-hầu có một Bà-la-môn rất giàu tên là Ca-chiên-diên, gia tài của người này như châu báu, tôi trai tớ gái, lục súc, lúa nếp đậu mè, nhà cửa, vườn rừng, tất cả đều dồi dào… giống như cung trời Tỳ-sa-môn. Bà-la-môn này trí tuệ thông minh, thọ trì đọc tụng ba bộ luận Vệ-đà, luận Kỳ-chu-bà, thông suốt các sự vật, một việc có mười tên gọi của luận Kỳ-chu-bà, văn cú tự luận, thông hiểu tất cả việc quá khứ, một câu nửa câu, nửa luận Ngũ minh đều biết rõ, luận phân biệt thọ ký ở thế gian và sáu mươi loại, tướng Đại trượng phu, biết rõ đầy đủ, đọc tụng thông suốt, là vị đại Quốc sư cho vua Nghiêm Xí.

Lúc ấy, trưởng tử của Quốc sư Bà-la-môn, từ giã gia đình du học các nước, hăng say học hỏi không biết nhàm chán, đi khắp mọi nơi cầu thầy học tập. Khi thông hiểu các luận và kỹ thuật thành tựu, về cố hương thăm lại thân phụ, vị ấy thưa:

-Lành thay thân phụ, học vấn của con ngày nay đã được thông đạt, cha hãy vì con cho nhóm họp đại chúng, để con đọc tụng các luận Vệ-đà và trình bày tài năng kỹ thuật.

Quốc sư nghe thưa rất vui mừng, liền cho tập họp đại chúng. Người con thấy đại chúng nhóm họp xong, liền ở trước mọi người tụng tất cả luận Vệ-đà và trình bày tài năng kỹ thuật, tất cả đều thông suốt không chút mơ hồ nên được đại chúng tôn kính, suy cử lên hàng Thượng tọa. Quốc sư liền đem đủ các thứ ngọc ngà châu báu tặng cho trưởng tử.

Vị Quốc sư này còn một người con thứ hai tên là Na-la-đà (nhà Tùy dịch là Khiếu). Quốc sư bảo Na-la-đà:

-Này Na-la-đà, nay con nên rời gia đình du học các nước, tập tụng các luận Vệ-đà như anh của con vậy.

Khi nghe người anh đọc tụng tất cả các luận Vệ-đà qua một lần, thì đồng tử Na-la-đà thuộc tất cả. Nghe cha bảo như vậy, Na-la-đà thưa:

-Lành thay! Thưa cha, con đã thông hiểu các luận Vệ-đà cùng các chú thuật, cha có thể vì con mà triệu tập đại chúng. Trước đại chúng con sẽ đọc tụng tất cả luận Vệ-đà và trình bày tài năng kỹ thuật.

Quốc sư nghe con nói như vậy, cho là việc chưa từng có, nên nhóm họp đại chúng, an trí các thứ cần dùng. Khi ấy Na-la-đà ở trước đại hội đọc tụng các luận Vệ-đà. Đại hội nghe rồi đều hoan hỷ và tán thán đồng tử:

-Hay thay! Hay thay! Đồng tử là bậc Đại trí, đọc tụng các luận Vệ-đà một cách lưu loát.

Quốc sư lại đem đủ thứ quý báu thưởng cho đồng tử.

Ngược lại anh cả nghe em mình đọc thông thạo các luận Vệ-đà, thì buồn bã, ảo não, nghĩ: “Ta bỏ nhiều năm chu du các nước học tập các luận tụng chú, dụng tâm lao nhọc mới thọ trì đọc tụng các thuật chú như vậy. Tại sao Na-la-đà chỉ nghe thoáng qua mà tiếp thu hết sạch, người còn nhỏ tuổi mà tài cao như vậy, nếu sau này nó trưởng thành nhất định sẽ kế vị Quốc sư. Do đó ta phải dùng cách gì để ám hại nó, như vậy ta mới được lợi ích lớn, nếu không thì nó sẽ đoạt địa vị của ta.”

Bấy giờ, Quốc sư biết được lòng dạ của trưởng tử, có ác ý với Na-la-đà. Quốc sư biết rồi liền suy nghĩ thế này: “Đứa bé thông minh dễ thương này, chớ để người anh ám hại, phải dùng phương pháp nào đừng cho nó biết.”

Phương Nam có một tòa thành tên là Ưu-thiền-da-ni, cách thành này chẳng bao xa có núi Tần-đà, có Tiên nhân A-tư-đà đang tu tập trong đó. Vị Tiên này thông suốt: các luận Vệ-đà và các luận khác, đã đạt được Tứ thiền và đầy đủ Ngũ thông, lại là cậu của Na-la-đà. Lúc ấy Quốc sư đại Bà-la-môn cùng phu nhân đem Na-la-đà đến núi nọ xin Tiên A-tư-đà cho con mình được làm đệ tử.

Tiên A-tư-đà sau khi thâu nạp Na-la-đà làm đệ tử, dạy bảo hướng dẫn, chẳng bao lâu Na-la-đà thành tựu Tứ thiền, đủ năm pháp thần thông.

Sau đó Tiên nhân Phạm chí A-tư-đà cùng đệ tử Na-la-đà rời khỏi núi, đi về ngoài thành Ba-la-nại dựng một thảo am. Ở nơi thảo am này, ngày đêm sáu thời lớn tiếng dạy đệ tử như thế này:

-Lành thay! Lành thay! Này Na-la-đà, ngày nay Phật đã ra đời cho nên con đến đó cầu xin xuất gia tu phạm hạnh, quyết sẽ mãi mãi được lợi ích lớn, được an lạc lớn, lợi mình và lợi người, (nói như vậy ba lần).

Tiên A-tư-đà dạy bảo đệ tử Na-la-đà những lời như vậy, chẳng bao lâu sau từ giã cuộc đời. Sau khi Tiên A-tư-đà lìa trần, thì bao nhiêu danh tiếng và lợi dưỡng của người có được ở thế gian này, Na-la-đà được thừa hưởng. Khi ấy Na-la-đà thọ hưởng lợi dưỡng và danh tiếng, nên sinh tham đắm, đánh mất chánh niệm, lại không có chí hướng mong cầu thăng tiến, không tin Phật, Pháp, Tăng.

Thuở ấy, có Long vương Y-la-bát (nhà Tùy dịch là Hoắc Hương Diệp), mang thân rồng, tâm rất nhàm chán, muốn cầu thoát ly, chẳng thích cảnh giới này, tưởng là độc ác uế trược, nên nhớ lại: ‘Thuở quá khứ Đức Phật Ca-diếp Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đã thọ ký cho ta: “Này Đại long vương, từ đây trở về sau, trải qua chừng ấy năm, ngàn vạn ức năm sẽ có một Đức Phật xuất thế hiệu là Thích-ca Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.” Nay đã trải qua vô lượng, vô biên ngàn vạn ức năm, không biết Đức Phật Thích-ca Như Lai đã ra đời hay chưa?”

Lại có một Long vương tên là Thương Khư (nhà Tùy dịch là Loa), cung điện của Long vương này thường là tụ điểm hội họp Long chúng, cũng là nơi hội họp trăm ngàn Long vương, cũng có sự hiện diện của Long vương Y-la-bát. Trong cuộc hội họp này, có mặt vua Dạ-xoa tên Kim Tề, là thiện hữu của Long vương Y-la-bát.

Long vương Y-la-bát ở trong chúng, thưa hỏi vua Dạ-xoa:

-Thưa Nhân giả, ngài có biết Đức Thế Tôn Thích-ca Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đã xuất hiện ở đời hay chưa? Vua Dạ-xoa đáp:

-Lành thay! Long vương, tôi thật không biết Đức Thích-Ca Như Lai ra đời hay chưa. Này Long vương, tuy nhiên tôi chỉ biết, ở đồng hoang kia có một tòa thành. Thành đó vốn là điện của Dạ-xoa tên là A-la-ca-bàn-trà (nhà Tùy dịch là Khoáng dã cung điện). Cung điện này từ trước nay có hai bài văn kệ ghi rằng: “Nếu Phật chưa xuất hiện ở đời, thì không có người đọc được kệ này, dầu có đọc được đi nữa cũng không hiểu nghĩa lý. Nếu Phật đã xuất hiện ở thế gian, thì có người đọc được, nhưng không hiểu nghĩa, chỉ có Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mới giải thích được nghĩa này, hoặc có người được nghe Phật giải thích mới hiểu.”

Bấy giờ Long vương Y-la-bát thưa Dạ-xoa:

-Thưa nhân giả, ngày nay ngài có thể đến đọc bài kệ ấy rồi đem về đây được chăng?

Vua Dạ-xoa Kim Tề nhận lời Long vương Y-la-bát, nhận lời rồi liền đi đến cung điện A-la-ca-bàn-trà đọc bài kệ, rồi vội vã trở về long cung, đến nơi thưa với Long vương Y-la-bát:

-Hay thay! Long vương, ngày nay tâm ngài chắc chắn sẽ đựợc vui mừng. Vì lý do gì? Vì Đại Thánh Thích-ca Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đã ra đời. Tại sao được biết? Vì khiến tôi đọc được bài kệ và đã đem về đây. Nếu có người nào hiểu được ý kệ này lại có thể thuyết giải, thì người đó chính là Đức Phật.

Lúc ấy Long vương Y-la-bát hết sức vui mừng, hớn hở tràn ngập cả thân không thể làm chủ được, nhận lấy bài kệ từ vua Dạ-xoa Kim Tề. Thuở ấy Long vương Thương Khư có một công chúa tên là Thường Phân, dung nhan xinh đẹp dễ thương, nhan sắc tuyệt vời mọi người nhìn thấy đều ưa thích, thế gian không có người thứ hai.

Tại buổi hội họp, các vị Long vương đề nghị: “Vào các ngày mùng tám, mười bốn, mười lăm, hăm ba, hăm chín và ba mươi mỗi tháng, bảo Long nữ trang sức bằng chuỗi anh lạc tuyệt đẹp, tay bưng hai bát vàng và bạc tuyệt đẹp đựng đầy lúa bạc và vàng, từ cung điện này đi đến bờ sông Hằng đặt ở chỗ đất trong, rồi đọc hai bài kệ này để mọi người đều biết:

Do đâu được tự tại?
Say đắm gọi là nhiễm.
Sao gọi là thanh tịnh?
Sao gọi là ngu si?
Người ngu có gì mê ?
Sao gọi là người trí?
Hợp giải rồi biệt ly?
Gọi là nhân duyên hết.

Long vương đọc bài kệ này rồi thông báo khắp thế gian: “Nếu ai đọc và giải nghĩa được hai bài kệ này, chúng tôi sẽ hiến dâng hai bát vàng và bạc đựng đầy lía bạc, lúa vàng cùng với Long nữ và xem người ấy như Phật; hoặc có người nghe lại từ người khác, rồi đến đây diễn giải, ta cũng hiến dâng như vậy.”

Bấy giờ, các Long vương Thương Khư và Y-la-bát… muốn gặp Đức Phật, khát ngưỡng Thế Tôn, nghĩ tưởng đến Thế Tôn, nên thường vào các ngày mùng tám, mười bốn, mười lăm… mỗi tháng có trăng và không trăng đem bát vàng quý đựng đầy lúa bạc, bát bạc đựng đầy lúa vàng và Long nữ trang điểm lộng lẫy, đồng đến bên bờ sông Hằng, đứng yên nơi đất trống, hai Long vương cùng nói hai bài kệ:

Do đâu được tự tại?
Say đắm gọi là nhiễm.
Sao gọi là thanh tịnh?
Sao gọi là ngu si?
Người ngu có gì mê ?
Sao gọi là người trí?
Hợp giải rồi biệt ly?
Gọi là nhân duyên hết.

Rồi lại nói:

-Nếu ai hiểu được ý nghĩa hai bài kệ này, chúng tôi sẽ đem hai bát vàng bạc… và Long nữ dung nhan đoan chánh khả ái, hiến dâng cho vị ấy.

Khi Long vương thông báo khắp việc này, tiếng đồn tám phương, khắp những nơi rừng rú, sông nước, đất bằng, có những vị Bà-la-môn, trưởng giả cùng nhau thảo luận: “Thường vào sáu ngày mỗi nửa tháng có trăng và không trăng, hai vị Long vương xuất hiện từ dưới nước sông Hằng, đem theo hai bát vàng và bạc đựng đầy lúa bạc và vàng cùng một Long nữ trang sức đầy anh lạc, lên đứng trên bờ sông, nói hai bài kệ:

Do đâu được tự tại?
Say đắm gọi là nhiễm.
Sao gọi là thanh tịnh?
Sao gọi là ngu si?
Người ngu có gì mê ?
Sao gọi là người trí?
Hợp giải rồi biệt ly?
Gọi là nhân duyên hết.

Lại nói thế này: “Nếu ai đọc và giải nghĩa hai bài kệ này, chúng tôi sẽ hiến dâng hai bát vàng và bạc cùng Long nữ.”

Khi ấy, các vị Bà-la-môn và trưởng giả nghe Long vương nói vậy, từ tám phương tranh nhau tụ tập trước Long vương, mỗi người tự xưng rằng tôi có thể đọc giải nghĩa được hai bài kệ này. Khi đến trước Long vương, họ không hiểu nghĩa và cũng không đọc được kệ, có người đọc được lại hỏi hai Long vương, kệ này thế nào? Ý nghĩa ra sao?

Thuở ấy Tiên nhân đồng tử Na-la-đà cư ngụ tại nước Ma-dà-đà được dân chúng tôn là bậc Đạo sư, nam nữ trong nước tôn trọng cung phụng, tán thán ca ngợi Tiên nhân. Họ nói: “Tiên nhân Na-la-đà đem điều ngài đã biết, dạy lại cho người khác biết, đem điều ngài đã thấy chỉ lại cho người khấc thấy.”

Bấy giờ nam nữ dân chúng trong nước Ma-dà-đà đều nghĩ: “Tiên nhân đồng tử Na-la-đà, đã tự biết, tự thấy đem dạy lại cho người khác cũng biết cũng thấy. Chúng ta ngày nay nghe hai bài kệ nơi hai Long vương, không có người đọc được cũng không có người giải nghĩa được. Chúng ta có thể đến trình việc này cho đồng tử Na-la-đà.”
Suy nghĩ như vậy rồi, tất cả các vị Bà-la-môn, trưởng giả trong nước Ma-dà-đà đồng đến chỗ đồng tử Na-la-đà. Sau khi đến nơi, họ cùng nhau bạch rõ ràng cho đồng tử Tiên nhân Na-la-đà:

-Nhân giả nếu thấy hợp thời, trên bờ sông Hằng có hai vị Long vương, một tên là Thương Khư, một tên là Y-la-bát, thường vào sáu ngày trong mỗi tháng có trăng và không có trăng, xuất hiện từ dưới sông Hằng lên trên bờ sông, đem theo hai bát vàng bạc đựng đầy lúa bạc và vàng, cùng một Long nữ. Nếu ai giải được bài kệ này, họ sẽ hiến dâng những thứ này cho người giải kệ.

Do đâu được tự tại?
Say đắm gọi là nhiễm.
Sao gọi là thanh tịnh?
Sao gọi là ngu si?
Người ngu có gì mê ?
Sao gọi là người trí?
Hợp giải rồi biệt ly?
Gọi là nhân duyên hết.

Bấy giờ đồng tử Tiên nhân Na-la-đà thầm nghĩ: “Tất cả dân chúng nước này đều cúng dường ta, họ tôn trọng vâng thờ khâm phục ta. Họ lại cho rằng những điều ta tự biết, tự thấy đều đem dạy lại cho người khác. Nếu nay ở trước công chúng, ta nói không hiểu hai bài kệ này, thì dân chúng trong nước sẽ chê bai ta. Tất cả lợi dưỡng và danh dự sẽ bị giảm sút, ta đều mất cả hai.”

Tiên nhân Na-la-đà nghĩ như vậy rồi, liền bảo các vị Bà-la-môn, đại trưởng giả nước Ma-dà-đà:

-Ta cùng các vị cùng nhau đi đến hai vị Long vương xin hỏi bài kệ để xem ý nghĩ thế nào.

Bấy giờ đồng tử Tiên nhân Na-la-đà cùng các Bà-la-môn, trưởng giả và dân chúng nước Ma-dà-đà đi hai bên tả hữu, suy tôn đồng tử Tiên nhân Na-la-đà là bậc Thượng thủ, đến chỗ hai vị Long vương thưa:

-Thưa hai vị Long vương, xin các vị vì chúng tôi nói hai bài kệ, để chúng tôi nghe rồi nhận ra nghĩa lý.

Lúc ấy hai vị Long vương Thương Khư…, nói hai bài kệ:

Do đâu được tự tại?
Say đắm gọi là nhiễm.
Sao gọi là thanh tịnh?
Sao gọi là ngu si?
Người ngu có gì mê ?
Sao gọi là người trí?
Hợp giải rồi biệt ly?
Gọi là nhân duyên hết.

Đồng tử Tiên nhân Na-la-đà bảo hai Long vương:

-Ta nhận hai bài kệ nơi hai Long vương, từ nay trở đi hết bảy ngày, ta sẽ trở lại giải đáp ý nghĩa hai bài kệ cho các vị.

Hai Long vương thưa:

-Như lời Nhân giả dạy, xin làm như vậy.

Nhận hai bài kệ từ hai vị Long vương, rồi Na-la-đà về thảo am. Tất cả nhân dân nước Ma-dà-đà, nước Kiền-tát-la, nước Cưu-Ưu, nước Bàn-giá… nghe tin đồn đồng tử Tiên nhân Na-la-đà nhận hai bài kệ từ hai Long vương Thương Khư và Y-la-bát và nói rằng qua bảy ngày sau sẽ trở lại nơi ấy, giải đáp ý nghĩa hai bài kệ cho Long vương. Do đó, họ sửa soạn xe cộ như xe voi, xe ngựa, xe trâu và người đi bộ tụ tập về sông Hằng. Bấy giờ trên hai bên bờ sông Hằng tụ tập chật ních đến tám vạn bốn ngàn người, đủ các thành phần, đồng muốn nghe Tiên nhân Na-la-đà giải thích kệ cho hai Long vương.

Bấy giờ hàng lục sư ngoại đạo ở thành Ba-la-nại đều tự cho mình là Tôn sư. Hàng lục sư gồm có Phú-lan Ca-diếp, Na-tát-ca-lê-cù-xa-ca-lê-ca, A-kỳ-đa-kỳ-xa-ca-ma-la, Ba-la-phù-đa-ca-giá-gia-na, San-xa-di-tỳ-la-sư-thùy-phú-đa-la và Ni-càn-tha-nhã-kỳ-phú-đa-la.
Khi ấy đồng tử Tiên nhân Na-la-đà đi đến gặp lục sư ngoại đạo, để hỏi ý nghĩa hai bài kệ. Khi được hỏi, lục sư ngoại đạo đã không hiểu được ý nghĩa của kệ, ngược lại còn làm cao, tức giận, hỏi ngược lại Tiên nhân Na-la-đà:

-Hai bài kệ này có ý nghĩa gì?

Thuở ấy Đức Thế Tôn vừa thành đạo, đang ngự trong vườn Nai, khu rừng chư Thiên đời trước ở, thuộc thành Ba-la-nại. Đồng tử Tiên nhân Na-la-đà suy nghĩ: “Có Sa-môn đang ở trong vườn Nai, khu rừng chư Thiên đời trước ở, thuộc thành Ba-la-nại, ta hãy đến đó hỏi hai bài kệ này.” Rồi ông lại suy nghĩ: “Từ các vị Sa-môn, Bà-la-môn xuất gia đã lâu, tuổi cao đức trọng, đã từng giữ chức Quốc sư cho các vương triều như Phú-lan Ca-diếp, Ni-càn-đà-nhã-kỳ-phú-đa-la… Ta đến hỏi, họ đều không biết, không thể giải đáp được, huống chi Sa-môn thiếu niên này, chẳng bao nhiêu tuổi, lại vừa mới xuất gia, nếu ta đến hỏi ý nghĩa hai bài kệ này, làm sao người đáp được.” Rồi miên man nghĩ tiếp: “Chẳng nên vội khinh vị Sa-môn, Bà-la-môn trẻ tuổi. Lý do tại sao? Vì Sa-môn niên thiếu kia, hay Bà-la-môn niên thiếu kia cũng có khi trí tuệ họ thông minh lanh lợi. Vậy ta nay nên đến vị Đại Sa-môn kia hỏi ý nghĩa hai bài kệ này.”

Lúc ấy đồng tử Tiên nhân Na-la-đà liền đi đến gặp Đức Phật, cùng nhau gặp mặt chào hỏi bằng những lời tốt đẹp. Nói chuyện thăm hỏi xong, đồng tử Tiên nhân Na-la-đà ngồi về một bên, bạch Phật.

-Thưa Tôn giả Sa-môn Cù-đàm, tôi muốn thưa hỏi Tôn giả một việc, không biết Tôn giả có bằng lòng hay không?

Đức Phật bảo đồng tử:

-Này đồng tử, tùy ý ông muốn hỏi việc gì, Ta sẽ giải đáp cho ông.

Được Phật cho phép đồng tử Tiên nhân Na-la-đà dùng kệ hỏi:

Do đâu được tự tại?
Say đắm gọi là nhiễm.
Sao gọi là thanh tịnh?
Sao gọi là ngu si?
Người ngu có gì mê ?
Sao gọi là người trí?
Hợp giải rồi biệt ly?
Gọi là nhân duyên hết.

Đức Thế Tôn nghe đồng tử nói kệ xong, Ngài dùng kệ giải đáp cho đồng tử Na-la-đà:

Do thứ sáu tự tại
Vua nhiễm gọi là nhiễm.
Không nhiễm mà có nhiễm
Do vậy gọi là si.
Bị chìm trong nước lớn
Nên gọi hết phương tiện.
Thông tất cả phương tiện
Nên gọi là người trí.

Bấy giờ đồng tử Tiên nhân Na-la-đà nghe được bài kệ của Phật như vậy, tâm ý sáng suốt, hết sức vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân, không tài nào diễn tả. Nghe rồi, ông đi đến gặp hai Long vương và bảo họ:

-Này hai vị Long vương hãy nói kệ hỏi ta!

Hải Long vương liền dùng hai bài kệ hỏi đồng tử Tiên nhân Na-la-đà:

Do đâu được tự tại?
Say đắm gọi là nhiễm.
Sao gọi là thanh tịnh?
Sao gọi là ngu si?
Người ngu có gì mê ?
Sao gọi là người trí?
Hợp giải rồi biệt ly?
Gọi là nhân duyên hết.

Đồng tử Tiên nhân Na-la-đà dùng hai bài kệ của Đức Phật giải đáp Long vương:

Do thứ sáu tự tại
Vua nhiễm gọi là nhiễm.
Không nhiễm mà có nhiễm
Do vậy gọi là si.
Bị chìm trong nước lớn
Nên gọi hết phương tiện.
Thông tất cả phương tiện
Nên gọi là người trí.

Khi Long vương Y-la-bát nghe bài kệ này rồi, suy nghĩ: “Ta đã gặp được Đấng Thế Tôn Vô Thượng, ta nay gặp được Đấng Thiện Thệ Tối Thắng, ta nay đã biết Thế Tôn xuất hiện. Ta biết Thiện Thệ, biết Đại Thánh Thế Tôn vì ta mà đản sinh, vì ta mà xuất thế, vì ta mà giác ngộ.” (lập lại hai lần như vậy).

Khi ấy Đại Long vương Y-la-bát và Thương Khư nghĩ như vậy rồi, bạch Đồng tử Na-la-đà:

-Thưa Nhân giả đồng tử, hai bài kệ mà ngài giải đáp cho chúng tôi, thật là sức biện tài tự ý của ngài, hay là ngài nghe lại từ người khác, rồi biện giải lại nghĩa này. Thưa đồng tử Tiên nhân, chúng ta thật chẳng thấy trong thế gian này, cho đến Thiên giới, có Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc trời người mà có khả năng biện tài luận thuyết thông đạt được hai bài kệ này, thật không có việc như vậy.

Chỉ có Đức Như Lai Thế Tôn Vô Thượng, hoặc đệ tử của Ngài, thường hầu bên Phật, nghe Ngài nói mới biện giải được như vậy mà thôi.

Bấy giờ đồng tử Tiên nhân Na-la-đà dùng kệ bảo hai Long vương Y-la-bát và Thương Khư:

Long vương nói đúng, chẳng phải ta
Đại Thánh Thế Tôn đã xuất hiện
Thân đủ tướng tốt tự trang nghiêm
Ngài mới biện tài thuyết như vậy.

Bấy giờ Long vương Y-la-bát dùng kệ bạch đồng tử Tiên nhân Na-la-đà:

Đại tiên nói rằng Phật nói kệ
Phải chăng nằm ngủ nghe trong mộng
Hay là đối diện nghe rõ ràng
Xin ngài nói lại cho thật rõ.

Theo những điều mắt thấy, đồng tử Tiên nhân Na-la-đà lại dùng kệ đáp lời Long vương:

Trượng phu tự tại giữa trời, người
Đang ở vườn Nai, Ba-la-nại
Đã chuyển pháp luân vô thượng rồi
Như sư tử rống giữa rừng đẹp.

Long vương Y-la-bát dùng kệ bạch đồng tử Tiên nhân Na-la-đà.

Nhân giả nói về Phật Thế Tôn
Xưa ta chẳng nghe, nay mới biết
Nghe rồi cùng ngài đến chỗ Phật
Chiêm ngưỡng tướng tốt khó nghĩ bàn.
Xưa thấy, ngày nay lại được thấy
Tướng tốt Như Lai Bậc Chánh Giác
Ngày nay mới hiện lại thế gian
Khó gặp giống như hoa đàm bát
Trải qua nhiều kiếp hiện một lần.
Trong sáng như trăng giữa hư không
Kim thân đoan chánh nhiều tướng tổt
Chánh giác Tối thượng đại Bồ-đề
Diệu âm nhiều kiếp chẳng được nghe
Trong trẻo giống như giọng Phạm thiên
Nếu ai nghe được tiếng của Ngài
Theo Phật đi vào cửa giải thoát.

Sau khi Long vương Y-la-bát tán thán Đức Phật Thế Tôn, lại thưa hỏi Tiên nhân Na-la-đà:

-Thưa Tiên nhân, ngài nói về Phật như vậy chăng?

Khi đồng tử Tiên nhân đáp lời Long vương:

-Ta nói về Phật như vậy.

Long vương lại nói:

-Thưa Tiên nhân Na-la-đà, như ngài nói bậc Minh sư khó xuất hiện ở đời, đó là Phật Thế Tôn phải không? Thưa Tiên nhân Na-la-đà, Đấng A-la-hán Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nay ở đâu?

Bấy giờ, đồng tử Tiên nhân Na-la-đà sửa y phục, trịch áo vai phải, chắp tay hướng về chỗ Đức Phật ở để chỉ cho Long vương và nói:

-Các vị Long vương, nếu các ngài muốn biết chỗ ở của Đức Phật Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì hiện giờ Đức Phật đang ở chỗ đó.

Khi Long vương biết chỗ ở của Đức Phật rồi, liền sửa y phục trịch áo vai bên phải, đầu gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về chỗ ở của Đức Phật, xướng lên ba lần thế này: “Đảnh lễ Thế Tôn Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.”

Long vương Y-la-bát thưa đồng tử Tiên nhân Na-la-đà:

-Đồng tử Tiên nhân có thể cùng tôi đến chỗ Đức Thế Tôn được không?

Đồng tử Na-la-đà nhận lời Long vương:

-Tốt lắm Long vương! Chúng ta cùng đi.

Hai vị Long vương Y-la-bát và Thương Khư, cùng với quyến thuộc vô lượng long chúng, cùng đồng tử Tiên nhân Na-la-đà… tất cả tám vạn bốn ngàn người sắp đi đến chỗ Phật.

Bấy giờ, Long vương Y-la-bát suy nghĩ: “Nếu ta đem thân hình biến hóa, để lễ Phật thì ta là người không biết điều, ta nên dùng báo thân sẵn có xưa nay để đến chiêm ngưỡng Phật.” Nghĩ thế rồi, Long vương Y-la-bát trở về long cung, tự dùng báo thân để đi chiêm bái Phật. Từ thành Xoa-thi-la ở phía Bắc Thiên trúc hướng về nước Ba-la-nại hơn ba trăm sáu mươi do-tuần. Lúc ấy Long vương muốn ra khỏi long cung để đi chiêm bái Phật, đầu Long vương đã đến chỗ Đức Phật mà đuôi còn ở tại long cung, đầu giống như chiếc thuyền độc mộc, cổ như vòi voi phun nước, tai giống như chiếc bát bằng đồng của nước Kiền-tát-la, miệng phun ra ngọn lửa sáng giống như điện chớp phát ra từ đám mây đen, tiếng nói như sấm rền phát ra âm thanh vi diệu, quyến thuộc cùng đi với Y-la-bát là tám vạn bốn ngàn người.

Y-la-bát từ xa trông thấy Đức Như Lai hết sức đoan chánh sáng chói phi thường, nên rất hoan hỷ…, giống như những vì sao lấp lánh tô điểm cho bầu trời về đêm, thấy rồi sinh tâm thanh tịnh chánh tín, vui mừng hớn hở tiến về phía Đức Phật.

Bấy giờ Đức Thế Tôn trông thấy Long vương Y-la-bát đang từ từ tiến đến. Thấy rồi, Ngài nói:

-Lành thay! Hãy đến đây! Xa cách đã lâu, ngày nay thân thể nhà vua có an ổn không? Ít bệnh ít phiền não không? Và tất cả quyến thuộc có khỏe mạnh chăng?

Bấy giờ Long vương Y-la-bát suy nghĩ: “Đức Thế Tôn đã biết danh tánh ta.” Nên đối với Như Lai, Long vương càng thêm hoan hỷ, tâm được thanh tịnh, hết lòng ái kính. Khi ấy Y-la-bát ẩn hình rồng lại hóa thành thân đồng tử đứng trước Thế Tôn đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui đứng về một bên, liền đọc hai bài kệ hỏi Phật:

Vua nào được tự tại?
Say đắm gọi là nhiễm?
Sao gọi là thanh tịnh?
Sao gọi là ngu si?
Người ngu cớ gì mê ?
Sao gọi là người trí?
Hợp gì phải biệt ly
Gọi là nhân duyên hết?

Lúc ấy, Đức Thế Tôn lại dùng kệ đáp:

Do thứ sáu tự tại
Vua nhiễm gọi là nhiễm
Không nhiễm mà có nhiễm
Do vậy gọi là si.
Bị chìm trong nước lớn
Nên gọi hết phương tiện
Thông suốt hết phương tiện
Nên gọi là người trí.

Long vương Y-la-bát lại dùng kệ bạch Phật:

Giữ gìn giới gì, tu hạnh gì
Lại do nhân duyên tạo nghiệp gì
Thọ thân tối thắng hơn trời người
Tu tập tối thượng lợi vô biên?
Đức Thế Tôn nói kệ đáp lại Long vương:

Phụng dưỡng người già chớ mắng người
Muốn gặp Tôn trưởng phải đúng lúc
Thường hành ái ngữ tu thiện pháp
Thường nghe chân thật nói điều lợi,
Thích pháp nhớ kỹ đến Bồ-đề
Trí tuệ phân biệt tư duy nghĩa
Thật ngữ tinh cần tu phạm hạnh
Thường hành bốthí với mọi người,
Chất trực cần cù soi xét kỹ
Nói năng khóc cười đều lánh ác
Ngạo mạn dèm pha đều lánh xa
Chớ kết oán thù cùng người khác
Chánh niệm nói ra lời hoàn hảo
Hoặc nghe, hoặc biết tâm ý định.
Như người thường sống theo phóng dật
Không chánh tư duy, chẳng nghe pháp
Nếu hay tu hành nhân chánh đạo
Khẩu nghiệp thanh tịnh cũng từ đây
Nhẫn nhục chánh niệm, chánh tư duy
Nhờ vào học rộng trí đa văn.

Nghe Đức Thế Tôn nói bài kệ này rồi, đồng tử Na-la-đà tâm lìa ái dục. Long vương Y-la-bát gặp Đức Phật, nghe pháp chiêm ngưỡng tôn nhan vui buồn lẫn lộn.

Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi Đại long vương Y-la-bát:

-Cớ gì ông vừa gặp Ta, tươi cười rồi bỗng nhiên buồn khóc ròng thế?

Long vương Y-la-bát bạch Phật:

-Thưa Đức Như Lai Thế Tôn, con nhớ đời quá khứ có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Khi ấy con ở trong giáo pháp của Ngài làm người xuất gia tu phạm hạnh, Thưa Thế Tôn, thuở ấy con thấy một cây cỏ tên là Y-la, dùng tay bẻ cây cỏ này, rồi cầm đi đến chỗ Phật Ca-diếp, bạch Phật: “Thưa Thế Tôn, nếu có Tỳ-kheo bẻ cỏ Y-la có mắc quả báo gì không?”

Đức Thế Tôn đáp: “Này Tỳ-kheo, ông phải biết, nếu Tỳ-kheo cố ý bẻ cỏ này, thì người ấy sẽ đọa vào địa ngục kiên cố.”

Thưa Thế Tôn, lúc ấy con được Đức Phật Ca-diếp Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác dạy lời như vậy, nhưng trong tâm không tin, nên không cho là việc hy hữu quá ư đặc biệt. Do vì không nghe Phật Ca-diếp dạy, không nhận sự chỉ giáo của Như Lai, lại suy nghĩ rằng ta chỉ bẻ gãy cây cỏ Y-la, làm gì có quả báo như vậy.

Thưa Thế Tôn, khi ấy con đã phạm tội đọa mà không tin quả báo tội đọa, lại không xả bỏ tà kiến này, nên sau khi qua đời con liền sinh trong loài rồng trường thọ. Vì lý do ấy mà con có tên là Y-la-bát. Bấy giờ, con trở lại chỗ Đức Phật Ca-diếp bạch: Thưa Đại Thánh Thế Tôn, không biết chừng nào con thoát khỏi thân rồng xấu xí này? Khi nào con trở lại thân người?” Thưa như vậy rồi con đứng im lặng.

Lúc ấy, Đức Phật Ca-diếp Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác liền bảo con: “Này Đại long vương, ông phải biết, qua chừng ấy năm, chừng ấy trăm năm, chừng ấy ngàn năm, chừng ấy trăm ngàn vạn ức năm về sau, sẽ có Đức Phật ra đời hiệu là Thích-ca Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đức Phật Thích-ca sẽ thọ ký cho ông được làm thân người. Thưa Thế Tôn, vừa rồi con nghĩ rằng trong quá khứ, vì không tin, chống lại giới pháp của Đức Phật Ca-diếp, nên sinh làm thân rồng, nay nhờ chút ít thiện duyên nên được gặp Ngài mà không thể trì giới. Thưa Thế Tôn, con tự thấy tội lỗi như vậy, quở trách tự thân, nên buồn khóc ràn rụa cả mặt mày. Còn con thấy Thế Tôn nên hoan hỷ, đó là lý do khiến con tươi cười. Thưa Thế Tôn, con nghĩ: “Hy hữu thay! Hy hữu thay! Chưa từng có pháp nào như vậy, chỉ có Đức Phật Thế Tôn mới có pháp như vậy! Nghĩa là không có hai lời.” Như Đức Phật Ca-diếp thọ ký cho con: “Này Đại long vương, trải qua chừng ấy năm… chừng ấy ức năm, ở tương lai có Đức Phật ra đời….” Nay y như lời Ngài đã thọ ký không sai khác. Thưa Thế Tôn do nhân duyên đó, nay con xin hỏi Thế Tôn: -Chừng nào con thoát khỏi thân rồng? Chừng nào con được trở lại thân người?

Đức Thế Tôn bảo Đại long vương Y-la-bát:

-Này Đại long vương, từ nay trở đi trải qua chừng ấy năm,… chừng ấy ức năm (như đã nói trước) vào đời vị lai có Đức Phật ra đời hiệu là Di-lặc Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Lúc ấy Đại vương sẽ được thân người, được Đức Phật Di-lặc độ cho xuất gia, tu phạm hạnh, diệt sạch các khổ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại vì Y-la-bát thuyết diệu pháp, khiến Long vương được hoan hỷ. Ngài khuyến khích dạy:

-Long vương hãy đến đây, quy y Phật, Pháp, Tăng và thọ trì năm cấm giới, thì Đại long vương sẽ được lợi ích an lạc vô cùng lâu dài.

Long vương Y-la-bát nghe Đức Phật dạy những lời như vậy, liền bạch Phật:

-Vâng lời Thế Tôn dạy, con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng và thọ trì năm giới.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Y-la-bát:

-Này Đại vương, đã đến lúc.

Y-la-bát thưa với đồng tử Na-la-đà:

-Mời đồng tử lại đây, đồng tử cần bao nhiêu vàng bạc châu báu, tùy ý nhân giả, tôi sẽ dâng đủ cho nhân giả, còn Long nữ này nhân giả không nên dùng. Vì sao? Vì hơi thở của Long nữ có thể làm cho thân người thế gian biến thành tro bụi.

Na-la-đà trả lời Long vương:

-Này Đại long vương, ta không cần vàng bạc ngọc báu, cũng không cần ngọc nữ của Long vương. Lý do tại sao? Vì ta được ở bên Đức Phật nghe kệ, nên đối với ái dục đã nhàm chán xa lìa.

Long vương Y-la-bát đảnh lễ dưới chân Phật nhiễu quanh ba vòng rồi tạ từ ra về.

Đức Phật tuần tự dạy bảo cho tám vạn bốn ngàn chúng mà Na-la-đà là bậc Thượng thủ những giáo pháp như bố thí, trì giới, sinh lên trời… lại chỉ bày nhiều sự đau khổ do lòng tham dục, khiến họ nhàm chán xa lìa để chứng lậu tận. Ngài lại tán thán công đức xuất gia là yếu tố trợ giúp trên đường giải thoát.

Đức Phật biết các đại chúng mà Na-la-đà là vị thượng thủ, đều vui mừng hớn hở, thân tâm thư thái không còn chướng ngại. Bấy giờ Đức Phật dạy pháp trọng yếu chân chánh để đại chúng sinh hoan hỷ đó là pháp bốn chân lý: Khổ, Tập, Diệt và Đạo. Đức Thế Tôn dùng tất cả phương tiện để thuyết, giải thích, chứng minh, xiển dương phân tích, kiến lập phương pháp thực hành tu tập; như thế này là khổ, như thế này là nguyên nhân của khổ, là diệt khổ và như thế này là pháp chứng đạo.

Đức Thế Tôn đem bốn chân lý chân thật này, bằng các nhân duyên, diễn thuyết chứng minh… dạy phương pháp tu hành. Khi ấy đại chúng liền ngay tại chỗ xa lìa trần cấu, dứt sạch phiền não, đối với các pháp được con mắt trí tuệ thanh tịnh, bao nhiêu nguyên nhân đau khổ đều trừ diệt, hiểu biết các pháp một cách như thật, ví như áo sạch không có chút dơ bẩn, không chỉ đen, khi muốn nhuộm màu gì thì thành màu đó. Đúng vậy! Đúng vậy! Na-la-đà và đại chúng này ngay tại chỗ ngồi xa lìa phiền não, các nguyên nhân khổ đều diệt, biết thật tướng các pháp, kiến lập vô úy, vượt khỏi lưới nghi, chẳng phải nghe từ người khác nói, biết được là do Thế Tôn dạy, tất cả đều quy y Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng và thọ lãnh năm cấm giới. Bấy giờ, tám vạn bốn ngàn đại chúng này liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật đi nhiễu quanh ba vòng rồi từ tạ ra về.

Lúc đó đồng tử Tiên nhân Na-la-đà đã thấy các pháp, đã được các pháp, đã chứng thật tướng các pháp rồi, vượt qua các nghi, thoát khỏi mê hoặc, lại không mắc vào lưới nghi, đã được vô úy, chẳng phải nghe từ người khác, đã biết giáo pháp sâu kín của Thế Tôn, liền đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật và bạch:

-Cúi xin Đức Thế Tôn cho con được xuất gia thọ Cụ túc giới!

Bấy giờ Đức Phật bảo đồng tử:

-Lành thay! Đến đây Tỳ-kheo, vào trong giáo pháp của Ta tu phạm hạnh, sẽ chấm dứt khổ đau, đến được bờ Niết-bàn.

Liền khi ấy, đồng tử thành người xuất gia thọ giới Cụ túc.

Khi Trưởng lão Tỳ-kheo Na-la-đà đã xuất gia rồi, thành tựu giới Cụ túc chưa được bao lâu, đi đứng thiền tọa một mình, xa lánh nơi đông đảo ồn ào, giữ gìn thân khẩu chưa từng phóng túng, tinh tấn dũng mãnh chưa bao giờ trễ nãi. Thiện nam này được xuất gia tu phạm hạnh vô thượng, chưa được bao lâu đã tiến đến bờ giải thoát, hiện thấy thật tướng các pháp, tự chứng các pháp thần thông, chứng rồi tự biết, tự thấy, tự giác ngộ rồi nói lên thế này: “Sinh tử đã dứt,  phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân đời sau.” Biết rõ như vậy, Trưởng lão này liền thành A-la-hán đắc tâm hoàn toàn giải thoát, tuệ hoàn toàn giải thoát. Tỳ-kheo Na-la-đà này đắc quả Vô trước A-la-hán, ở riêng chỗ vắng lặng suy nghĩ: “Ta có thể đến bên Đức Phật, dùng bài kệ hỏi ngài.”

Buổi sáng nọ, Trưởng lão Tỳ-kheo Na-la-đà từ phòng ra đi hướng đến chỗ Đức Phật. Đến nơi, vị ấy đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui ra một bên. Bấy giờ Na-la-đà liền dùng kệ hỏi Đức Phật về các nghĩa:

Con nay mới biết A-tư-đà
Nói lời chân thật không sai khác
Nay lại được nghe Thế Tôn dạy
Bơi trong biển pháp đến Niết-bàn
Rời khỏi thế tục được xuất gia
Trì bát khất thực nuôi mạng sống
Tu hành pháp ấy được quả gì?
Nay con xin hỏi Phật Thế Tôn.
Đức Thế Tôn nói kệ đáp Trưởng lão Na-la-đà:
Ông hỏi quả báo tu phạm hạnh
Việc này vô thường khó biết được
Ta nay vì ông giải thích rõ
Cần phải tinh tấn thật vững bền.
Hễ người tu sĩ vào làng xóm
Được khen, bị chê xem như nhau,
Đề phòng những nơi làm loạn ý
Sẽ chứng tịch tịnh vô thượng quả.
Hành giả phải quán lời đường mật
Giống như lửa mạnh phừng phực cháy
Thấy người phụ nữ thân kiều diễm
Cần phải xa lìa chớ nhiễm tâm.
Do vì ái dục không tham đắm
Do mình và người không ái nhiễm
Không nhiễm tức không sinh tranh đấu.
Bao nhiêu chủng loại ở thế gian
Thân mình, thân người không có khác
Mạng sống ai ai cũng giống nhau
Chín chắn tư duy quán như vậy.
Khi sân chớ có giết, hại nhau
Tham, mạn các thứ nên tiêu diệt
Tất cả phàm phu chấp đắm thân
Người có mắt tuệ nên lìa oán
Như uống độc dược, đều bị chết.
Nếu vào xóm làng xin vật thực
Chẳng xem việc đời, tâm tán loạn
Tránh xa những nơi gây tham đắm
Do vì không đắm nên giải thoát.
Đêm vắng tọa thiền không mơ tưởng
Lánh xa làng xóm cũng chớ màng.
Sáng ra đến giờ đi khất thực
Chánh niệm tư duy bước vào làng
Trầm tĩnh mặc nhiên đi trong xóm
Khất thực thứ lớp trải từng nhà,
Du hành trong xóm đừng giỡn cợt
Không nên thô lỗ nói với người
Tay nâng bình bát đi khất thực
Dù có hùng biện chỉ làm thinh.
Khất thực dù ít chẳng nên buồn
Chẳng nên mạ lỵ người cho ít
Được họ dâng cúng thật là tốt
Với kẻ không cho, chớ nên buồn.
Đối hai người ấy tâm bình đẳng
Về lại gốc cây, dùng tùy ý
Ăn xong trở lại vào trong núi
Kiết già tọa thiền dưới gốc cây,
Giống như Tiên nhân ngồi nệm cỏ
Thân khẩu và tâm đều thu nhiếp
Khủng bố chẳng sợ, giữ tâm ý
Thế sự chẳng màng, vui rừng núi.
Dưới cây an tọa khéo tư duy
Lưỡi ép chân răng, thở nhè nhẹ
Ngoài ra, điều phục hết các căn
Tâm ý chẳng được duyên các pháp.
Tâm ý không vướng vào cảnh giới
Các pháp uế trược phải xa lìa
Chân tâm thanh tịnh tu phạm hạnh
Lời hay lẽ phải cần siêng học.
Thông minh đa trí phải phụng thờ
Người lìa ái dục ưa tịch tĩnh
Những người như vậy nên gần gũi
Đến về bên họ, tâm tín thuận
Tin rồi cung kính như Thế Tôn.
Chẳng nói việc tốt xấu nhà người
Không được chê người, khen ngợi mình
Không được cao giọng nói lớn lời
Như lửa phừng cháy, xa cũng nghe.
Tư duy như vậy dứt ái triền
Tỳ-kheo xuất gia là như thế.
Việc làm, không làm, thân chẳng vướng
Bình đẳng như vậy mọi việc an
Hạnh tu Thánh nhân phải như vậy.
Phải biết nghiệp báo như xe lăn
Giảng nói Thánh pháp cho một người
Người ấy tư duy thì chứng biết
Ngồi nơi vắng, điều phục các căn
Điều phục căn rồi tâm thanh tịnh
Về sau tiếng tốt truyền mọi nơi.
Hạnh này chỉ có trong rừng vắng
Hoặc ngồi trong núi dưới gốc cây
Hoặc tại bờ sông, bên ao suối
Nên ngồi tư duy chỗ như vậy.
Trí tuệ yếu kém thường ngủ nghỉ
Định lực dồi dào sinh giác ngộ
Như suối, như ao, như biển cả
Người tu thiền định cũng như vậy.
Người ngu như nửa bình nước cơm
Kẻ trí nào khác ao nước đầy
Người trí dầu có nói năng nhiều,
Tuy vậy mọi lời đều đúng lúc
Có người hùng biện lý luận nhiều
Hoặc người ít nói mà hiểu đúng
Ít nói như vậy cũng là trí
Như vậy gọi là Tiên thánh nhân
Cũng là chân thật tu Trung đạo
Đó là tịch tĩnh được giải thoát.

Đức Thế Tôn nói bài kệ này rồi, Trưởng lão Na-la-đà tâm ý được khai ngộ. Lại có vị sư nói: “Họ của Trưởng lão Na-la-đà thuộc dòng Ca-chiên-diên, nên còn gọi là Trưởng lão Ca-chiên-diên.”

Đức Phật đã từng thọ ký: “Này các Tỳ-kheo, các thầy phải biết, trong chúng Thanh văn này của Ta, người hiểu ý nghĩa Phật pháp một cách nhanh chóng bậc nhất, hoặc nghe Ta nói nhiều mà thông minh lãnh hội hết, hoặc khi Ta nói cô đọng cũng lãnh hội rõ ràng, rồi vì người khác diễn giải. Đó là Tỳ-kheo Đại Ca-chiên-diên này.”

Bấy giờ chúng Tỳ-kheo nghe Đức Phật nói vậy, cho là việc hy hữu, nói với nhau:

-Tôn giả Tỳ-kheo Đại Ca-chiên-diên trong hội này thật là ít có, đại chúng nghi ngờ lại không có người giải thích mối nghi ngờ cho chúng ta. Người rõ ý nghĩa mọi pháp chỉ có Thế Tôn mà thôi.

Họ liền đi đến chỗ Đức Phật, đồng bạch:

-Lành thay! Bạch Thế Tôn, Trưởng lão Đại Ca-chiên-diên này đời trước trồng những căn lành gì, mà ngày nay đến với Phật liền được xuất gia thọ giới Cụ túc, chứng quả A-la-hán? Rồi Đức Thế Tôn lại thọ ký ở trong chúng Thanh văn này là người có trí tuệ lanh lợi đệ nhất, Phật nói tóm lược mà người lại hiểu chi tiết, Phật nói rộng dài mà người lại hiểu được tóm lược, đó là Đại Ca-chiên-diên này vậy? Chúng con nguyện muốn được nghe.

Đức Thế Tôn bảo đại chúng Tỳ-kheo:

-Này các thầy Tỳ-kheo, phải chí tâm lắng nghe, Ta nhớ thời quá khứ trong hiền kiếp, khi chúng sinh sống hai vạn tuổi, bấy giờ có Đức Như Lai xuất hiện ở đời hiệu là Ca-diếp Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Khi Đức Phật Ca-diếp Như Lai chuyển pháp luân dựng ngọn cờ pháp rồi, nguyện xưa của Ngài đã viên mãn, lợi lạc tự tại, khai thị giáo hóa chúng sinh, tất cả việc làm của bậc Đại trượng phu và độ tất cả chúng sinh trong chúng Liên Hoa tám vạn bốn ngàn ức loại, đều được sinh lên cõi trời. Sau khi Đức Phật Ca-diếp nhập Niết-bàn, các Tỳ-kheo ở trong vườn Nai, chỗ chư Tiên đời trước ở, thuộc thành Ba-la-nại, kiến lập pháp môn giải thoát, đều ở nơi đây mà thuyết pháp.

Thuở ấy, tại thành Ba-la-nại có một thiện tín Ưu-bà-tắc thọ trì ngũ giới. Vị ưu-bà-tắc này thông suôt ngũ minh và phân biệt các luận ở thế gian một cách rành rẽ. Vị ưu-bà-tắc này chỗ vị Tỳ-kheo ở trong vườn Nai hỏi về các ý nghĩa sơ lược. Được hỏi như vậy, các Tỳ- kheo liền thuyết giải rộng rãi. Vị Ưu-bà-tắc này nghe các Tỳ-kheo giải thích các nghĩa rộng rãi như vậy, tâm rất vui mừng, phát nguyện thế này: “Hay thay! Thật là hy hữu! Tôi nguyện ở đời vị lai được pháp giáo hóa như thế này, cũng có thể vì người khác theo thứ lớp phân tích rõ ràng cũng như các vị Tỳ-kheo này.”

Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:

-Các thầy phải biết, vị Ưu-bà-tắc thọ ngũ giới thuở ấy nay là đồng tử Ca-chiên-diên. Do ở nơi Đức Phật Ca-diếp thọ ngũ giới, Ca-chiên-diên làm ưu-bà-tắc hiểu rõ các pháp Ngũ minh một cách vi tế lại vì người khác diễn thuyết phân tích rõ ràng, thuở đó lại phát nguyện: “Nguyện đời vị lai thành tựu tất cả các pháp, rồi lại vì người khác diễn thuyết rộng rãi.”

Lại nữa, này các thầy Tỳ-kheo, các thầy phải biết, Tỳ-kheo Ca-chiến-diên này do tâm hoan hỷ trồng các căn lành như vậy, nhờ nhân duyên đó nên ngày nay đến gặp Ta liền được xuất gia thành A-la-hán. Ta thọ ký ở trong chúng Thanh văn của Ta, là bậc đệ nhất đối với nghĩa tóm tắt, có thể giải bày rộng rãi; đối với nghĩa rộng rãi có thể tóm tắt, đó là Tỳ-kheo Đại Ca-chiên-diên.

Bấy giờ, ở trong nhân gian có chín mươi hai vị A-la-hán: Thứ nhất là Đức Thế Tôn, năm vị Tỳ-kheo Kiều-trần-như.Trưởng lão Da-du-đà; bốn vị Trưởng lão Vô cấu, Thiện Tý, Mãn Túc, Ngưu Chủ, là những vị thiện nam rất giàu, trưởng giả tuyệt vời trong số các trưởng giả tuyệt vời bạn cũ của Da-du-đà, năm mươi vị thương chủ thanh niên, bạn bè của Da-du-đà từ các phương, Trưởng lão Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử và hai mươi chín bạn bè, cuối cùng là Trưởng lão Ca-chiên-diên.