SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 33-34

Phẩm 37: CHUYỂN DIỆU PHÁO LUÂN

Bấy giờ Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Trong thế gian có chúng sinh nào thân khẩu thanh tịnh ít trần cấu, các kết sử yếu kém, căn tánh thuần thục, trí tuệ lanh lợi? Khi Ta thuyết pháp đầu tiên không làm phiền não Ta, lại mau chứng pháp của Ta, để khỏi phí công Ta chuyển bánh xe pháp.”

Lúc ấy Đức Thế Tôn nghĩ: “Có năm vị Tiên nhân thuở trước cùng với Ta tu khổ hạnh, khi Ta tu khổ hạnh, họ phục vụ Ta, đem lại cho Ta nhiều điều lợi ích lớn. Họ đều là bậc ít trần cấu, các kết sử yếu kém, trí tuệ lanh lợi. Năm người này có thể lãnh thọ diệu pháp của Ta từ lần chuyển bánh xe pháp đầu tiên. Ta nay đến đó làm nơi thuyết pháp đầu tiên.”

Đức Thế Tôn lại nghĩ thế này: “Không biết năm vị Tiên nhân này ngày nay ở đâu?.” Liền khi Ấy, Đức Thế Tôn dùng Thiên nhãn thanh tịnh vượt hơn mắt người thường để quán sát, thấy năm vị Tiên nhân này đang sống trong vườn Nai, thuộc thành Ba-la-nại.

Bấy giờ Đức Thế Tôn ở lại chỗ cây Bồ-đề thời gian ngắn, định đi về hướng Ba-la-nại Có kệ:

Phật muốn thuyết pháp độ Ma-na
Đem tâm xem họ ở nơi nào ?
Mới biết mạng chung, sinh Thiên giới
Nhớ năm vị tiên, lần đến họ.

Bấy giờ Ma vương Ba-tuần thấy Đức Phật đứng dậy, sắp rời cây Bồ-đề, tâm rất khổ não, vội vã đến chỗ Đức Phật; đến nơi, bạch Phật:

-Lành thay! Thưa Thế Tôn, cúi xin Thế Tôn đừng rời khỏi nơi đây. Xin Ngài an tọa, chẳng nên di động. Thế Tôn ở nơi đây tùy ý hành động.

Đức Thế Tôn bảo Ma vương Ba-tuần:

-Này Ma vương Ba-tuần, ông không biết xấu hổ, không biết thẹn thùng. Trước kia ông muốn não hại Ta, lúc ấy Ta còn đầy đủ tham dục, sân hận, si mê, chưa dứt sạch, ông còn chưa não hại được, huống ngày nay Ta đã chứng quả Vô thượng Chí chân Bình đẳng Giác ngộ. Tất cả con đường tà Ta đã xa lìa, đã được chân chánh giải thoát.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn từ dưới cây Bồ-đề đứng dậy, ung dung chậm rãi đi về hướng thôn Chiên-đà-la (nhà Tùy dịch là Nghiêm Xí), rồi từ thôn Chiên-đà-la Ngài đi đến làng Thuần-bà-tư-di-la.

Trên đường đi, Ngài gặp một khất sĩ Bà-la-môn tên là Ưu-ba-dà-ma (nhà Tùy dịch là Lai Sự), đi ngược chiều gặp nhau. Vị khất sĩ Bà-la-môn thấy Bà-la-môn Đức Phật liền thưa:

-Bạch Nhân giả Cù-đàm, thân Ngài da dẻ hết sức sạch sẽ, tốt đẹp, không có cáu bẩn, diện mạo nhân giả tròn đầy, cực kỳ trang nghiêm, các căn tịch định. Thưa Nhân giả Cù-đàm, thầy của Ngài là ai? Ngài theo ai cầu xuất gia? Làm Ngài vui thích đó là pháp gì?

Bấy giờ Đức Thế Tôn vừa đi vừa dùng kệ đáp lời hỏi của vị khất sĩ Bà-la-môn:

Ta đã thu phục pháp thế gian
Thành tựu đầy đủ tất cả trí
Ở trong các pháp, không dính mắc
Thoát hẳn tất cả lưới khát ái
Hay vì kẻ khác nói thần thông
Do vậy gọi là Nhất Thiết Trí.
Ta nay đáng nhận thế gian cúng
Vô thượng Tối tôn Đấng Tự Tại
Tất cả người trời trong thế giới
Chỉ Ta thu phục các ma quân.
Ta không có thầy dạy giác ngộ
Thế gian không có ai sánh bằng
Tất cả trời, người, Ta độc nhất
Thân tâm thanh tịnh, đại giải thoát,
Tất cả thần thông đều thông đạt
Những điều đáng chứng đã chứng xong
Những nơi cần đến, Ta đã đến.
Cho nên xưng Ta: Thế Tôn thượng.
Giống như sen trắng nơi đầm nước
Hoa sen tuy mọc ở trong đầm
Nhưng chẳng bao giờ hoa dính nước
Ta ở thế gian cũng như vậy
Không bị thế gian làm ô nhiễm
Nên gọi Ta là Bậc Giác Ngộ.

Lúc bấy giờ Bà-la-môn ưu-ba-dà-ma lại bạch Phật:

-Thưa Trưởng lão Cù-đàm, Ngài đang đi về đâu?

Đức Thế Tôn đáp:

-Ta nay sắp đi về nước Ba-Ia-nại. Bà-la-môn lại hỏi:

-Thưa Trưởng lão Cù-đàm, Nhân giả đến đó để làm gì?

Đức Thế Tôn lại dùng kệ đáp lời Bà-la-môn Ưu-ba-dà-ma:

Ta đang sắp chuyển diệu pháp luân
Do đó đến nước Ba-la-nại
Khiến kẻ mắt mù đều được sáng
Mở cửa đánh vang trống cam lộ.

Lúc bấy giờ Bà-la-môn Ưu-ba-dà-ma lại bạch Đức Phật:

-Theo như ý của tôi, Trưởng lão Cù-đàm tự xưng đã chứng A-la-hán, dẹp tan các phiền não, nghĩa ấy như thế nào?

Đức Thế Tôn lại dùng kệ đáp Bà-la-môn Ưu-ba-dà-ma:

Cần phải biết Ta dẹp các oán
Tất cả các lậu đều dứt sạch
Pháp ác thế gian đều diệt sạch
Nên Ta được xưng Chân Chánh Tôn.

Lại có kệ:

Cớ gì được lợi tự nuôi mình
Không làm ích lợi cho kẻ khác?
Thấy kẻ mù lòa không thương xót
Được đạo hơn người cùng sử dụng
Mình vượt lên bờ, thấy kẻ đuối
Nếu không cứu vớt chẳng người thiện
Mình được kho tàng thấy người khổ
Mà không bố thí đâu người trí
Trong tay có sẵn thuốc cam lộ
Thấy người mắc bệnh không chữa trị
Đồng hoang đáng sợ được đường đi
Thấy kẻ lạc đường nên hướng dẫn.
Như chốn tối tăm làm đèn sáng
Sáng cả, tâm Ta nào keo kiết
Phật thuyết ánh sáng cũng như vậy
Với sự việc này không chấp trước.

Bấy giờ khất sĩ Bà-la-môn Ưu-ba-dà-ma nói lớn:

-Thôi, Trưởng lão Cù-đàm!

Ông ta đập tay vào đùi, vế, tránh Đức Phật, rẽ xuống bên đường đi về hướng Đông.

Bấy giờ, ở nơi đó có một Thiên thần thuở xưa là bạn thân của Bà-la-môn Ưu-ba-dà-ma từng sống bên nhau. Thiên thần muốn khất sĩ Bà-la-môn Ưu-ba-dà-ma làm điều lợi ích, được sự lợi ích, được sự an lạc, giải thoát không còn sợ sệt, nên dùng kệ khuyên Bà-la-môn Ưu-ba-dà-ma:

Nay gặp Vô thượng Thầy trời người
Không biết Thế Tôn chí chân giác
Lõa thân tà kiến muốn đi đâu?
Ông sẽ bị khổ nạn gần kề.
Gặp Ngài Điều Ngự Sư như vậy
Bỏ đi chẳng phát tâm cúng dường
Tay chân cho ông công đức gì?
Hãy phát tín tâm cung kính Phật.

Bấy giờ Đức Thế Tôn từ Châu Lang Na-sa-đà-la (nhà Tùy dịch là Vô Dốc Chùy) ung dung hướng về xóm Ca-lan-na-phú-la (nhà Tùy dịch là Nhĩ Thành), rồi từ xóm Ca-lan-na-phú-la chậm rãi đi về làng Sa-la-di (nhà Tùy dịch là Ngự Thành), rồi từ làng Sa-la-di ung dung đi về làng Lô-ê-đa-kha-tô-đâu (nhà Tùy dịch là Bế Tắc thành), rồi từ thành Bế Tắc hướng về sông Hằng. Khi đến bờ sông rồi, Ngài hướng về người lái đò. Đến nơi, Ngài nói với người lái đò:

-Lành thay, nhân giả! Xin người giúp cho tôi sang bên kia sông.

Người lái đò nói:

-Xin Ngài cho tiền đò, rồi sau đó tôi sẽ đưa Tôn giả qua sông.

Đức Thế Tôn nói với người lái đò:

-Ta nay không có gì để đưa tiền đò, vì Ta đã bỏ tất cả của báu, dù cho có thấy nó, Ta xem giống như sỏi, đá, đất cát. Dù có người cắt lấy một tay của Ta và ngược lại có kẻ khác đem bột thơm chiên-đàn thoa trên tay Ta, tâm Ta đối với hai người này ngang nhau. Do vậy, Ta không có của để trả tiền đò cho ngươi.

Người lái đò lại nói:

-Thưa Tôn giả, nếu Ngài cho tiền đò, thì tôi liền đưa Ngài qua sông. Vì sao? Vì tôi chỉ nhờ vào nghề này để sinh sống và nuôi lấy vợ con.

Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng Thiên nhãn vượt mắt người thường, thấy một bầy nhạn năm trăm con bay trên hư không, từ bờ phía Nam sông Hằng hướng về phía Bắc. Thế Tôn thấy rồi, liền nói với người lái đò nói kệ:

Bầy nhạn bay qua khỏi sông Hằng
Nào từng hỏi giá người lái đò?
Mỗi thân chim nhạn tung sức mình
Bay trên hư không tùy ý đến
Ta nay cần phải dùng thần thông
Bay lên hư không như chim nhạn
Qua đến phía Nam bờ sông Hằng
An ổn đứng vững như Tu-di.

Khi ấy người lái đò thấy Đức Phật qua khỏi sông, hết sức ăn năn hối hận, nghĩ thế này: “Ôi thôi! Ôi thôi! Ta gặp được ruộng phước Bậc Đại Thánh mà không biết đưa qua sông để cúng dường. Ôi thôi! Ôi thôi! Ta mất điều lợi ích lớn!.” Nghĩ như vậy rồi, ông ta ngã nhào trên đất chết giấc.

Người lái đò hôn mê một giây lâu rồi tỉnh lại, đứng dậy, vội chạy đốn chỗ vua Tần-đầu, là lãnh chúa nước Ma-kiệt-đà, tâu lên sự việc này. Vua Tần-đầu-sa-la, nước Ma-kiệt-đà nghe việc như vậy rồi liền nói:

-Khanh là kẻ phàm phu làm sao biết người nào có thần thông, người nào không thần thông! Do vậy, từ nay về sau hễ tất cả người xuất gia đến bến muốn qua đò, khanh không được hỏi phải quấy. Hễ có ai đến, chớ nên lấy tiền đò, tùy ý họ muốn qua thì chở họ qua.

Khi Đức Thế Tôn bay qua sông Hằng, đến bờ bên kia rồi, lại dùng thần thông bay từ bờ sông về thành Ba-la-nại. Thuở ấy thành này có một ao nước, dưới ao này có một con rồng, Long vương này tên là Thương Khư (nhà Tùy dịch là Loa). Thế Tôn bay đến, hạ xuống bên ao. Nơi bàn chân Đức Phật hạ xuống, sau này Long vương xây một ngôi tháp tên là Di-trì-già (nhà Tùy dịch là Thổ Tháp). Đức Như Lai trải qua ở đây một đêm, chờ đến giờ khất thực ngày hôm sau. Ở chỗ chờ này về sau có xây một ngôi tháp đặt tên là Tháp Chờ qua một đêm.

Có kệ:

Chư Phật ban đêm không vào làng
Chờ đúng giờ ăn mới khất thực
Đi không đúng lúc bị họa lớn
Chúng Thánh làm việc phải hợp thời.

Bấy giờ Đức Thế Tôn y theo pháp khất thực, giờ ăn nước Ma-kiệt-đà sắp đến, Ngài đi vào cửa Tây thành Ba-la-nại, ở trong thành theo thứ tự khất thực. Khất thực xong, theo cửa Đông ra khỏi thành. Ra khỏi thành, Ngài tiến đến bờ sông, ngồi ngay ngắn mà ăn. Ăn xong, Ngài tắm rửa rồi hướng mặt về phương Bắc chậm rãi đi đến rừng Nai.

Có kệ:

Vườn Nai chim thú cất tiếng kêu
Là nơi chư Thánh đời trước ở
Thế Tôn thân phóng hào quang sáng
Tiến đến rừng Nai như mặt nhật.

Năm vị Tiên nhân từ xa trông thấy Đức Thế Tôn tiến dần đến chỗ mình, cùng nhau bàn bạc cam kết:

-Này các Trưởng lão, kẻ đến kia là Sa-môn Cù-đàm dòng họ Thích, sắp đến chỗ chúng ta. Đây là người giải đãi đánh mất thiền định, toàn thân bị ràng buộc nên chúng ta không cung kính người, không lễ bái người, không tiếp rước người, không bố trí chỗ ngồi cho người ấy. Tuy nhiên vẫn để tùy ý muốn ông ta, ngồi đâu tự ý.

Chỉ riêng Kiều-trần-như, tâm không chịu cam kết như vậy, nhưng không tỏ lời phán kháng. Họ cùng nhau nói kệ:

Cù-đàm, giải đãi nay bỗng đến
Năm tiên chúng ta đều nhất trí
Hoàn toàn không kính, không lễ bái
Người trái lời thề, không nên tiếp.

Bấy giờ Đức Thế Tôn tiến đến chỗ năm vị tiên. Khi Ngài đến gần, các Tiên nhân không thể ngồi yên, không thể giữ được lời thề, tự nhiên muốn đứng dậy, như chim Xà-câu-ni ở trong lồng sắt, mà bên ngoài có người đốt lửa dữ dội. Vì lưới nóng, chim không thể đứng yên, muốn bay muốn chạy. Năm vị Tiên nhân giống như vậy, thấy Đức Thế Tôn, bỗng nhiên hoảng hốt, từ chỗ ngồi đứng dậy. Khi ấy, năm vị Tiên nhân này, có người trải tòa ngồi, có người mang nước đến để Phật rửa chân, có kẻ mang đá rửa chân và dép da đến, có người bưng bồn đầy nước đến, hoặc sau khi Đức Phật rửa chân rồi, đem ván đến để lót chân, hoặc có người tiếp lấy ba y và bình bát, cùng xướng lên:

-Lành thay, Trưởng lão Cù-đàm đến! Mời Ngài ngồi trên tòa này.

Có kệ:

Hoặc người tiếp bát và ba y
Hoặc lại đảnh lễ dưới chân Phật
Hoặc người sửa soạn trải tòa ngồi
Hoặc đem bình nước và bình rửa.

Lúc ấy Đức Thế Tôn ung dung an tọa trên tòa đã bày sẵn. Thế Tôn ngồi xong, suy nghĩ: “Những người này đều là kẻ ngu si, đều phát lời thề như vậy, rồi tự trái lại, không giữ lời.”

Khi thấy Đức Thế Tôn ngồi rồi năm vị Tiên nhân, bạch Phật: -Thưa Trưởng lão Cù-đàm, thân thể sắc da của Ngài tươi sáng thanh tịnh, khuôn mặt tròn đầy, quang minh rực rỡ, các căn tịch định. Chắc có lẽ Trưởng lão Cù-đàm gặp được pháp cam lộ tuyệt hảo, hay chứng được Thánh đạo cam lộ thanh tịnh?

Khi ấy Đức Thê Tôn liền bảo năm vị Tiên nhân:

-Này các Tiên nhân, chẳng nên gọi Như Lai là Trưởng lão. Tại sao như vậy? Tiên nhân các ông ở tương lai sẽ gặp nhiều đau khổ lâu dài. Vì sao? Vì Ta đã chứng pháp cam lộ. Ta đã chứng đạo cam lộ. Các ông theo điều Ta dạy, các ông nghe điều Ta nói. Ta sẽ chỉ dạy các ông, các ông nghe lời Ta nói, không được trái lại. Nếu nghe lời Ta dạy thì sống thanh tịnh. Nếu có kẻ thiện nam và tín nữ nào y theo lời Ta dạy, chánh tín xuất gia, xa lìa gia đình, cạo bỏ râu tóc, chí cầu phạm hạnh vô thượng, phạm hạnh trọn vẹn thì hiện tại thấy được các pháp, thần thông tự tại, chứng được các hạnh, tự xướng lên: “Ta nay đã đoạn sinh tử, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thọ thân đời sau.” Các ông phải biết như vậy.

Có kệ:

Năm vị tiên gọi họ của Phật
Thế Tôn ban ân thương họ dạy:
Các ông chớ có ý kiêu căng
Dẹp bỏ ngã mạn, cung kính Ta
Ngã mạn hay không, Ta bình đẳng
Ta muốn chuyển hóa nghiệp các ông
Ta nay thành Phật, hiệu Thế Tôn
Vì các chúng sinh làm lợi ích.

Đức Thế Tôn nói kệ rồi, năm vị Tiên nhân bạch Phật:

-Ngày xưa Trưởng lão Cù-đàm tu hạnh này, cầu đạo này, hành khổ hạnh như vậy mà chưa chứng pháp Thượng nhân, chẳng đồng tri kiến với các bậc Thánh nhân; huống chi ngày nay Ngài giải đãi, đánh mất thiền định, giải đãi buộc chặt lấy thân.

Đức Thế Tôn lại quở trách năm vị Tiên nhân:

-Các ông đã thành Tiên nhân, chớ nói lời như vậy! Như Lai chẳng phải giải đãi, chẳng phải mất thiền định. Ta chẳng phải bị giải đãi trói buộc. Này cấc Tiên nhân, Ta đã thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ta đã chứng pháp cam lộ. Ta đã được đạo cam lộ. Này năm vị Tiên nhân, các ông nên nhận lời dạy của Ta, nghe pháp của Ta. Này các ông, nếu các ông chịu nghe lời dạy của

Ta, Ta sẽ chỉ dạy các ông. Các ông y theo giáo pháp của Ta, chớ nên chống trái, thực hành giáo pháp ấy thì tương lai các ông khỏi thọ thân đời sau.

Năm vị Tiên nhân lại bạch:

-Thưa Trưởng lão Cù-đàm, ngày xưa Ngài tu hành như vậy, cầu đạo như vậy, hành khổ hạnh như vậy mà không chứng pháp Vô thượng, chẳng đồng trì kiến với các bậc Thánh nhân. Cho đến hôm nay bị giải đãi ràng buộc lấy thân!

Bấy giờ, Thế Tôn lần thứ ba bảo năm vị Tiên nhân:

-Này các Tiên nhân, các ông hãy nhớ lại thuở trước, Ta đã từng nói lời dối gạt các ông chưa?

Năm vị Tiên nhân trả lời:

-Thưa Tôn giả, Ngài chưa từng nói dối.

Lúc ấy Đức Thế Tôn đưa lưỡi ra khỏi miệng, đụng đến hai lỗ tai, đến hai lỗ mũi. Chiếc lưỡi phủ kín hai lỗ mũi, rồi dùng lưỡi tự liếm lấy mặt, lại phủ cả mặt. Sau khi phủ mặt rồi, lưỡi thu về vị trí cũ. Sau khi lưỡi đã trở về trạng thái bình thường như cũ rồi, Đức Phật lại bảo năm vị Tiên nhân:

-Này các Tiên nhân, mắt của các ông đã từng thấy, hoặc tai của các ông đã từng nghe: Người vọng ngữ mà có chiếc lưỡi thần thông như vậy không?

Năm vị Tiên nhân đáp:

-Thưa Tôn giả, không có như vậy.

Đức Phật dạy:

-Vì vậy các ông không nên cho Như Lai là giải đãi, Như Lai cũng không mất thiền định, Ta cũng không bị giải đãi ràng buộc. Này các Tiên nhân phải biết: Ta đã thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đã chứng pháp cam lộ, đã biết đạo cam lộ, các ông nên thọ lãnh giáo pháp của Ta chỉ dạy. Nghe giáo pháp của Ta, các ông phải y vào pháp ấy mà tư hành không trái giáo pháp của Ta. Nếu có thiện nam tín nữ nào muốn xả tục xua\ất gia… thì không còn thọ thân đời sau nữa.

Khi Đức Thế Tôn dạy bảo các vị Tiên nhân bằng những lời như trên thì tất cả y phục, hình thức của ngoại đạo, ý nghĩ của ngoại đạo và những gì của ngoại đạo của các vị ấy chất chứa đều bị tiêu diệt hết. Đồng thời y phục trên thân của năm vị Tiên nhân biến đổi thành pháp y, tay bưng bình bát, râu tóc tự nhiên rụng sạch giống như vừa mới cạo cách đây bảy ngày, đầy đủ oai nghi, hình dung giống như vị Tỳ-kheo một trăm hạ. Mọi cử chỉ, oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi đều theo đúng pháp.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo năm vị Tỳ-kheo:

-Này các Tỳ-kheo, tùy theo sức của mỗi người, hãy quán sát phương Đông.

Khi ấy các Tỳ-kheo muốn quán sát phương Đông, mà ngược lại liền thấy phương Tây.

Biết tâm họ, Đức Thế Tôn lại bảo:

-Này các Tỳ-kheo, tùy theo sức của mỗi người, hãy quán sát phương Tây.

Khi ấy các Tỳ-kheo muốn quan sát phương Tây, lại thấy phương Bắc.

Đức Thế Tôn lại bảo:

-Này các Tỳ-kheo, hãy quán sát phương Bắc.

Các Tỳ-kheo muốn quán sát phương Bắc mà ngược lại liền thấy phương Nam.

Đức Thế Tôn lại bảo:

-Này các Tỳ-kheo, hãy quán sát phương Nam.

Các Tỳ-kheo liền thấy phương Bắc.

Đức Thế Tôn lại bảo:

-Này các Tỳ-kheo, các ông hãy quán sát phương trên.

Các Tỳ-kheo liền thấy phương dưới.

Đức Phật lại bảo:

-Này các Tỳ-kheo, các ông hãy quán sát phương dưới.

Ngược lại, họ liền thấy phương trên.

Đức Thế Tôn liền bảo các Tỳ-kheo:

-Các ông cũng tùy sức mình, quán sát các phương.

Các Tỳ-kheo muốn quán sát các phương, ngược lại liền thầy phương chính giữa.

Đức Thế Tôn liền bảo các Tỳ-kheo:

-Các Ông hãy quán sát phương chính giữa.

Các Tỳ-kheo muốn quán sát phương chính giữa, ngược lại, liền thấy các phương khác.

Đức Thế Tôn đem lời dạy bảo năm vị Tỳ-kheo, khiến tất cả đều được hoan hỷ, khiến họ tùy thuận, chứng được chân lý, hết sức vui mừng.

Khi ấy năm vị Tỳ-kheo tâm đã được khai ngộ, luôn luôn theo bên Thế Tôn để học hỏi, lắng nghe lời Thế Tôn chỉ dạy, tùy thuận ý Thế Tôn, không còn chống trái, chăm chú lắng nghe lời Thế Tôn, hầu hạ bên mình, không chút xa cách.

Bấy giờ Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Không biết chư Phật Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác trong quá khứ ở tại nơi nào thuyết vô thượng vi diệu pháp?” Ngay khi Đức Thế Tôn nghĩ như vậy, vùng đất ở nơi đây bỗng nhiên nổi cao lên khác hẳn các vùng khác.

Đức Thế Tôn lại nghĩ: “Không biết chư Phật Như Lai Ứng Cúng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác trong quá khứ thuyết vô thượng diệu pháp dưới hình thức nằm hay ngồi?” Khi Đức Thế Tôn nghĩ như vậy, thì ở nơi đấy hiện năm trăm tòa Sư tử cao rộng. Đức Thế Tôn thấy năm trăm tòa này sinh tâm cung kính. Do Đức Thế Tôn cung kính chư Phật thời quá khứ, nên nhiễu quanh ba vòng, khi nhiễu quanh tòa thứ ba rồi, đến tòa thứ tư Ngài liền lên ngồi kiết già trên đó, giống như sư tử không kinh động sợ hãi.

Khi ấy năm vị Tỳ-kheo Kiều-trần-như… liền bạch Phật:

-Thưa Thế Tôn, hy hữu thay! Không biết hôm nay có bao nhiêu Đức Thế Tôn đồng đến thuyết pháp mà có số tòa cao như vậy!

Đức Phật liền bảo năm vị Tỳ-kheo:

-Này các Tỳ-kheo, nay các thầy phải biết trong hiền kiếp này có năm trăm Đức Phật xuất hiện ở đời, ba Đức Phật qua rồi đã nhập Niết-bàn, nay Ta là Đức Phật thứ tư xuất thế, còn bao nhiêu vị nữa tiếp tục ra đời.

Bấy giờ Đức Phật suy nghĩ: “Không biết chư Phật Như Lai Ứng Cúng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác trong quá khứ thuyết pháp bằng cách chuyển Kim luân, hay Ngân luân, hay Pha lê luân, hay Lưu ly luân, hay Xích châu luân, hay Mã não luân, hay Xa cừ luân, hay Hổ phách luân, hay San hô luân, hay Thất bảo luân, hay Mộc luân?”

Liền khi đó, trong tâm Như Lai tự biết chư Phật Như Lai Ứng Cúng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác trong quá khứ căn cứ vào bốn chân lý và mười hai nhân duyên theo thứ lớp chuyển ba lần pháp luân vô thượng, mà trong thế gian, không có Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc Trời, hoặc Người, hoặc Ma, hoặc Phạm thiên hay một chúng sinh nào có thể chuyển pháp luân không sợ sệt, được tự tại như vậy.

Thuở ấy vào ngày mười hai trong mười lăm ngày đầu thuộc tháng sao Ky, khi mặt trời lên cao quá nửa bóng người, lúc ấy gọi là Tỳ-xa-da (nhà Tùy dịch là Nan Thắng), Đức Thế Tôn ngồi mặt hướng về phương Bắc, nhằm giờ sao Quỷ và sao Phòng, Ngài chuyển vô thượng thanh tịnh diệu pháp luân, mà tất cả các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên ở trong thế gian không thể thuyết được pháp luân như vậy. Lấy ngày sao Phòng thuyết pháp, thuyết pháp thì không có chướng ngại, theo thế tục nên lấy ngày này.

Đức Thế Tôn bảo năm vị Tỳ-kheo, những âm thanh mà Như Lai nói ra đều là khéo dạy bảo khéo an ủi giáo hóa mà không khuyết điểm; lời dạy cung kính không trắc ẩn, không dua nịnh, không hoa mỹ mà cũng không thô lỗ, không ủy mị, không cộc cằn; lời nói hòa nhã êm dịu khiến người nghe pháp sinh thiện nghiệp; lời nói không nhanh không chậm; lời nói không ngăn ngại chân chánh vi diệu; khéo léo rõ ràng, lưu loát trôi chảy làm vừa lòng người. Lời nói không cấu trược, không bị phá hoại; không ai sánh bằng, lời nói thanh tịnh không ô nhiễm, từ xưa đến nay thường hỷ xả không hẹp hòi; không sai lầm; lời nói không câu chấp, trong sáng khoan dung; lời nói không vụng về lắp bắp; lời nói không yếu hèn có công năng làm chúng sinh sinh tâm an lạc, lời nói làm tất cả thân chúng sinh cảm thấy tươi mát; lời nói có năng lực đoạn tâm ái dục, sân nhuế, ngu si của tất cả chúng sinh, lời nói có công năng thu phục các ma, hay phá các tội, thu phục tất cả ngoại đạo. Âm thanh của Đức Thế Tôn có năng lực giáo hóa chúng sinh. Tiếng nói của Đức Phật giống như tiếng trống, tiếng Phạm thiên, tiếng chim Ca-lăng-tần-già, tiếng Đế Thích, tiếng hải triều âm, tiếng động đất, tiếng núi Côn lôn, tiếng chim Khổng tước, tiếng chim Câu-sí-la, tiếng chim Mạng mạng, tiếng Nhạn chúa, tiếng chim Hạc,

tiếng Sư tử chúa loài mãnh thú. Tiếng Phật giống như tiếng các nhạc cụ không hầu, tỳ bà, đàn tranh, sáo…

Ai nghe được lời chỉ dạy rõ ràng của Đức Phật, đều hoan hỷ ưa thích muốn nghe.

Lời nói của Đức Phật vi diệu thậm thâm không một chút khuyết điểm, làm cho chúng sinh phát khởi căn lành, người nghe đều được lợi ích; lời nói của Phật văn nghĩa rõ ràng, câu văn sáng sủa, nghĩa lý thâm thúy, là pháp tạng chân thật; lời nói hợp thời tiết, hợp căn cơ, không trao lời không đúng lúc, biết căn tánh chúng sinh, câu văn thuận pháp, dùng các pháp bố thí để trang nghiêm, trì giới thanh tịnh, chịu đựng nhẫn nhục, tinh tấn dũng mãnh, các thiền tịch định, thần thông phân tấn, trí tuệ phân biệt các pháp thiện ác thế gian, lòng từ thành tựu an lạc, lòng bi không thấy mệt nhọc, xa lìa hoan hỷ xả ly, thành lập Tam thừa, nối truyền Tam bảo, phân biệt ba tụ, ba cửa giải thoát thanh tịnh, lời răn dạy chân thật vô lượng vô biên, kẻ trí vui mừng, Thánh nhân vừa ý, giống như hư không ở khắp bao gồm tất cả.

Đức Thế Tôn dùng tiếng nói như vậy bảo năm vị Tỳ-kheo:

-Này các thầy, Tỳ-kheo xuất gia luôn luôn phải xả bỏ hai việc thế gian. Hai việc xả bỏ đó là gì?

Điều xả bỏ thứ nhất là hưởng thọ dục lạc. Phàm ở nơi xóm làng thọ hưởng dục lạc, đó là điều phàm phu ca ngợi. Điều này người xuất gia phải xa lìa.

Điều xả bỏ thứ hai là gây khổ cho thân mình, chịu các khổ đau, không phải là điều Thánh nhân ca ngợi, đối với mình không lợi, đối với người không ích. Đây là điều người xuất gia phải xa lìa.

Rồi Đức Phật nói kệ:

Mau tránh xa nơi tổn hại thân
Cảnh giới các căn phải loại trừ
Nếu xa lìa được hai pháp ấy
Liền chứng Thánh đạo thật cam lộ.

Lúc ấy Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

-Các thầy phải biết, Ta đã bỏ cái chấp hai bên như vậy, có một Trung đạo mà Ta đã chứng, nên được mở con mắt tuệ, được sinh chánh trí, được tịch tịnh, được các thần thông, được giác ngộ, được quả Sa-môn, được Niết-bàn nên được thành tựu.

Này các thầy Tỳ-kheo, nếu các thầy muốn biết pháp Trung đạo ra ngoài các cõi, như Ta đã chứng để được mở con mắt tuệ, được sinh chánh trí, được tịch định cho đến… Niết-bàn đó là Bát thánh đạo…

Bát thánh đạo gồm có Chánh tri kiến, Chánh phân biệt, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.

Này các Tỳ-kheo, Trung đạo này Ta đã chứng biết, nên Ta đã mở con mắt tuệ, được sinh chánh trí, được tịch định, được sinh các thần thông, được hiểu biết rõ ràng, được quả Sa-môn, được thành tựu Niết-bàn.

Rồi Thế Tôn nói kệ:

Tám đường chân chánh này là nhân
Khủng bố không còn, sinh tử hết
Tất cả nghiệp chướng đã diệt xong
Vĩnh viễn không tái sinh các cõi.

Bấy giờ Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:

-Các thầy chí tâm lắng nghe, có bốn chân lý. Bốn chân lý đó là chân lý về khổ, chân lý về nguyên nhân của khổ, chân lý về diệt khổ, chân lý về sự đạt đạo. Như vậy là bốn chân lý.

Này các Tỳ-kheo, các chân lý về khổ có những tướng trạng như thế nào?

Những tướng trạng khổ đó là: Sinh, già, bệnh, chết, buồn lo, thương nhau bị xa cách, ghét nhau lại gặp mặt, mong cầu không toại ý. Các khổ như vậy gọi là chân lý khổ.

Này các Tỳ-kheo, chân lý về nguyên nhân của khổ gồm có những gì?

Nghĩa là lòng khát ái luôn luôn làm động tâm suy nghĩ phát sinh dục lạc, rồi tư tưởng khắp nơi. Như vậy là nguyên nhân sinh ra khổ.

Này các Tỳ-kheo, chân lý về diệt khổ gồm những gì?

Nghĩa là vứt bỏ, xa lìa lòng khát ái, tư tưởng của tâm đều diệt sạch, không còn sót mảy may, tất cả đều được tịch định. Như vậy gọi là chân lý về diệt khổ.

Này các Tỳ-kheo, chân lý đắc đạo gồm những gì?

Nghĩa là thực hiện tám Thánh đế: Chánh kiến, Chánh phân biệt, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Như vậy gọi là chân lý diệt khổ đắc đạo.

Chân lý về khổ này từ xưa đến nay Ta chưa từng được nghe từ người khác, ngay trong các pháp tự sinh con mắt trí, sinh ý hiểu biết rõ ràng, sinh trí tuệ, sinh thệ nguyện. Chân lý khổ này phải biết như vậy, cho đến… chưa nghe ngay trong các pháp sinh con mắt trí tuệ. Chân lý về Khổ đó đã biết rõ ràng. (Bản Phạn ngữ thì lập lại, bản Hán ngữ lược lấy chỗ cốt yếu.)

Chân lý về nguyên nhân của khổ này, Ta không nghe từ người khác, ngay trong các pháp sinh con mắt trí tuệ… Pháp nguyên nhân của khổ này đều phải diệt. Như vậy cho đến… Nguyên nhân khổ đã diệt sạch.

Chân lý về diệt khổ này, Ta không nghe từ người khác, ngay trong các pháp sinh con mắt trí tuệ. Chân lý về diệt khổ này nay phải chứng. Như vậy cho đến… đã sinh trí tuệ, chứng biết chân lý về diệt khổ rồi.

Nguyên nhân khổ như vậy đã diệt rồi sẽ được chân lý về sự đạt đạo. Chân lý này Ta không nghe từ người khác, ngay trong các pháp sinh con mắt trí tuệ, diệt được nguyên nhân khổ, chứng được chân lý về sự đạo, cho đến… sinh trí tuệ trở lại diệt khổ chứng đạo (bốn chương trên đều lập lại chữ Đạo).

Này các thầy Tỳ-kheo, bốn chân lý cho đến mười hai hành tướng, Ta thuyết ba lần. Thật sự nếu Ta chưa chứng mười hai hành tướng, thì Ta chưa thành tựu Chánh đẳng Chánh giác, không thể gọi Ta đã giác ngộ hoàn toàn.

Này các thầy Tỳ-kheo, bốn chân lý này, Ta nói ra ba lần, thật sự Ta đã chứng biết mười hai tướng chân lý này, rồi sau đó mới thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy mới gọi Ta đã giác ngộ hoàn toàn.

Này các thầy Tỳ-kheo, Ta lúc bấy giờ sinh chánh trí, chánh kiến, tâm không tán loạn, chính được giải thoát.

Này các thầy Tỳ-kheo, đây là đời sau cùng của Ta, Ta không còn tái sinh trở lại.

Khi Đức Phật nói các pháp như vậy, Trưởng lão Kiều-trần-như ngay tại tòa xa lìa trần cấu diệt hết triền phược, tẩy sạch phiền não ngay trong các pháp được trí nhãn thanh tịnh, tất cả các nguyên nhân của khổ đều diệt sạch. Biết các phiền não diệt rồi, biết các pháp đúng như thật, ví như chiếc áo trắng sạch không chút bụi nhơ, không một vết đen, tùy ý muốn nhuộm màu gì thì thành màu đó.

Đúng như vậy! Đúng như vậy! Kiều-trần-như liền ngay tại chỗ ngồi trừ các trần cấu, diệt sạch các phiền não, được pháp nhãn thanh tịnh, biết đúng pháp như thật.

Lúc ấy, trong hội có sáu muôn Thiên tử cũng lìa các trần cấu, ngay trong các pháp được trí nhãn thanh tịnh.

Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng giọng sư tử nói kệ:

Diệu pháp sâu xa không thể tả
Chân như vắng lặng không danh tự
Kẻ chứng trước tiên Kiều-trần-như
Chẳng uổng công Ta đã chứng đạo.

Lại có kệ:

Khi thuyết pháp ấy rất sâu xa
Thế Tôn từ bi hơn tất cả
Pháp nhãn thanh tịnh Trần-như chứng
Ngàn vạn chư Thiên đồng đắc pháp.

Lúc bây giờ chư Thiên Địa cư nghe Thế Tôn nói những pháp như vậy, đồng thanh hô to:

-Này các vị phải biết, hôm nay Đức Thế Tôn Như Lai Ứng Cúng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ở nước Ba-la-nại tại vườn Nai, là nơi chư Tiên đời trước ở, Ngài chuyển pháp luân vô thượng mà các Sa-môn, Bà-la-môn, Phạm thiên, Ma vương… thật không thể chuyển được pháp luân như vậy.

Lại có kệ:

Hay thay Thế Tôn chứng như thật
Vì chúng sinh chuyển pháp luân cam lộ
Căn trì giới, thiền định vững chắc
Tàm quý, tinh tấn là trục, vành
Giảng pháp chân chánh rất sâu xa
Kiến lập pháp luân vượt ba cõi
Hiện nay thuộc thành Ba-la-nại
Ngài đang thuyết pháp tại vườn Nai.

Khi chư Thiên Địa cư xướng lên lời như vậy, tiếng này vang đến cõi trời Tứ Thiên vương. Trời Tứ Thiên vương nghe rồi, lại tiếp tục xướng lên truyền rao thế này: “Ngày nay Đức Thế Tôn Như Lai Ứng Cúng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, ở trong vườn Nai thuộc nước Ba-la-nại đang chuyển pháp luân vô thượng mà Sa-môn, Bà-la- môn, Phạm thiên, Ma vương, tất cả trong cõi đời thật không ai thuyết được pháp như thế.”

Khi trời Tứ Thiên vương nói lên lời như vậy, thì trời Đao-lợi nghe được. Vua trời Đao-lợi nghe rồi cũng xướng lên lời như vậy, thì trời Dạ-ma nghe được. Trời Dạ-ma nghe rồi cũng xướng lên lời như vậy, thì trời Đâu-suất nghe được. Trời Đâu-suất nghe rồi cũng xướng lên lời như vậy, thì trời Hóa lạc nghe được. Trời Hóa lạc nghe rồi cũng xướng lên lời như vậy, thì trời Tha hóa nghe được. Trời Tha hóa nghe rồi cũng xướng lên lời như vậy, thì trời Phạm thiên vương nghe được. Khi ấy Phạm thiên vương liền nói thế này: “Ngày nay Đức Thế Tôn Như Lai Ứng Cúng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác hiện đang chuyển vô thượng pháp luân tại vườn Nai mà tất cả Sa-môn, Bà-la-môn, Ma, Phạm ở trong thế gian này thật không thể thuyết được.”

Tuần tự như vậy chỉ trong thời gian khoảnh khắc truyền rao lần lên, lời ấy biết khắp cho đến cõi trời Đại phạm.

Khi ấy Đại phạm Thiên vương chủ thế giới Ta-bà nghe lời như vậy, lại dùng Phạm âm xướng lên thế này: “Ngày nay Đức Thế Tôn Như Lai Ứng Cúng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đang chuyển vô thượng pháp luân tại vườn Nai thuộc thành Ba-la-nại, mà tất cả Sa-môn, Bà-la-mổn, Ma, Phạm thật sự không một người nào trong thế gian này, có khả năng thuyết pháp như vậy.”

Cứ tuần tự như vậy cho đến trời Hữu đảnh.

Khi Đức Thế Tôn thuyết pháp, lúc ấy tất cả cảnh giới của chư Thiên, Người, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn… đều được chiếu sáng rực rỡ. Có những chúng sinh bị tội báo rất nặng ở giữa hai núi Thiết vi và Đại thiết vi u ám tối tăm, dù mặt trời mặt trăng có ánh sáng như vậy, có năng lực to lớn như vậy, có sức phóng ánh sáng như vậy, có oai thế như vậy, có quyền lực như vậy, mà không chiếu đến nơi đây được, không thể làm sáng tỏ được. Nhưng oai thần của Đức Phật làm khắp nơi đây được chiếu sáng. Chúng sinh ở trong đó được ánh sáng, nên họ đều trông thấy nhau, biết nhau. Họ nói với nhau: “Nơi đây cũng có chúng sinh khác ư?”

Bấy giờ tất cả trăm loại cây cối, thảo mộc trên mặt đất này, đều thuận thời, tùy theo mỗi loại lớn nhỏ, đều tự đâm chồi nảy lộc ra hoa kết quả. Có những cây ra hoa rồi tự nhiên rải trên mình Đức Phật. Trên bầu trời trong sáng không chút bụi mù khói ráng, lại thoáng hiện mây nhẹ tạo thành cơn mưa nhỏ rưới trên mặt đất, trong mát đủ tám thứ công đức. Sau khi mưa tạnh bầu trời trở nên trong sáng, tiếp theo là làn gió mát nhẹ thật là dễ chịu. Bốn phương đều trong sáng không chút bụi mù. Chư Thiên tập trung trên hư không, tấu những bản nhạc trời hòa lẫn lời ca vi diệu, đồng thời rải các loại hoa như hoa Mạn-thù-sa, Ma-ha mạn-thù-sa; các loại y trời mịn mỏng tuyệt đẹp; các hoa bằng bảy báu vàng, bạc, lưu ly…ệ, vô lượng hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen trắng và hoa sen trắng lớn trên mình Đức Như Lai; rải đi rải lại trên mình Đức Như Lai đủ các loại hương thơm. Chung quanh nơi Đức Như Lai ngồi, vuông vức chừng một do-tuần tràn ngập đủ các loại hoa, không sót một nơi nào. Lại quả đất chấn động sáu cách, động khắp và động đều, rung khắp và rung đều, nổi lên khắp và nổi đều, rống khắp và rống đều, gây cảm giác khắp và đều. Lúc ấy tất cả chúng sinh hết sức khoái lạc, không sợ hãi; không có một chúng sinh nào bị tham dục, sân hận, ngu si, ngã mạn, cống cao làm não hại; không một chúng sinh nào tạo các tội. Nếu có chúng sinh bị bệnh hoạn thì liền hết; nếu có chúng sinh say sưa liền được tỉnh táo; nếu có chúng sinh điên cuồng thì được tâm bình thường; nếu có chúng sinh đui thì được thấy; nếu có chúng sinh điếc thì được nghe; nếu có chúng sinh sáu căn không được hoàn bị thì đều được vẹn toàn; nếu có chúng sinh nghèo nàn rách rưới thì được giàu có dư dật; nếu có chúng sinh tiều tụy thì được khỏe mập; nếu có chúng sinh bị giam cầm trói buộc đều được phóng thích; những chúng sinh bị gông cùm xiềng xích thì tự nhiên được tháo gỡ, chúng sinh trong địa ngục liền được hết khổ; loài súc sinh không còn khủng bố; loài ngạ quỷ đói khát được no nê. Nhờ những nhân duyên như vậy Kiều-trần-như được gọi là chứng tri. Bấy giờ Trưởng lão Kiều-trần- như thấy các pháp một cách như thật, vượt qua con đường hiểm phiền não, qua sa mạc phiền não một cách như thật, không còn nghi ngờ, trong tâm quyết định không còn ngăn ngại, đã đạt vô úy, không học từ người khác.

Khi biết các pháp như vậy rồi, Kiều-trần-như từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, quỳ gối chắp tay bạch Phật:

-Lành thay! Bạch Thế Tôn, con đã vào được trong pháp Phật, Ngài đã độ cho con làm Sa-môn, trao cho giới Cụ túc, con nguyện sống đời Tỳ-kheo.

Bấy giờ Đức Phật bảo Kiều-trần-như:

-Thiện lai Tỳ-kheo! Vào trong pháp của Ta, tu phạm hạnh, dứt các khổ.

Khi ấy Trưởng lão Kiều-trần-như thành người xuất gia, được giới Cụ túc. Còn bốn người kia, Đức Phật tùy căn cơ của mỗi người, nói pháp để chỉ dạy.

Năm vị Tỳ-kheo này, có ba vị đi khất thực nơi khác, chỉ có hai vị nhận lãnh lời Đức Phật. Ba người này khi mang vật thực về, cả sáu người cùng ăn.

Hai người không đi khất thực, ở nhà lãnh thọ lời giáo hóa của Như Lai là:

Trưởng lão thứ nhất tên Bạt-đề-lê-ca (nhà Tùy dịch là Tiểu Hiền).

Trưởng lão thứ hai tên Bà-sa-ba (nhà Tùy dịch là Khởi Khí).

Hai người này ngay tại chỗ ngồi, xa lìa trần cấu, dứt sạch các kết hoặc, không còn phiền não, đối với các pháp được con mắt thanh tịnh, bao nhiêu kết hoặc phiền não đều được diệt sạch, biết được các pháp vô thường, chứng biết như thật. Ví như áo trắng không một sợi chỉ đen, không có vết nhơ, tùy ý muốn nhuộm màu gì thì thành màu ấy. Đúng như vậy! Đúng như vậy! Trưởng lão Bạt-đề-lê-ca và Trưởng lão Bà-sa-ba ngay tại chỗ ngồi xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh, tóm lược… thành người xuất gia, được giới Cụ túc.

Lần lượt như vậy, đến những người khất thực về sau, Đức Thế Tôn cũng như pháp khai thị, y như pháp giáo hóa, y như pháp truyền trao. Những Trưởng lão đó là Ma-ha Na-ma (nhà Tùy dịch là Đại Danh), A-sa-du-thời (nhà Tùy dịch là Điều Mã).

Tại chỗ ngồi, cả hai đều xa lìa trần cấu, đối với các pháp, được pháp nhãn thanh tịnh.

Đúng như vậy! Như vậy! Hai Trưởng lão Đại Danh và Điều Mã ngay tại chỗ ngồi diệt sạch trần cấu phiền não, chứng biết như thật, thấy được thật tướng các pháp, vượt qua các pháp tướng, tâm không còn nghi ngờ, đạt đến địa vị vô úy, không nghe từ người khác, đã chứng biết pháp Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, ở trước Thế Tôn, quỳ gối chắp tay bạch Phật:

-Cúi xin Đức Thế Tôn cho con được xuất gia, cho con giới Cụ túc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo hai vị Tỳ-kheo:

-Này các Tỳ-kheo, các thầy hãy vào trong pháp của Ta, tu hành thanh tịnh diệt sạch các khổ.

Lúc ấy hai vị Trưởng lão liền đắc giới Cụ túc thành người xuất gia.

Rồi nói kệ:

Tiểu Hiền, Khởi Khí, Kiều-trần-như
Ma-ha Na-ma và Điểu Mã
Là người đầu tiên chứng thấy biết
Như Lai đánh trống pháp cam lộ.

Lúc ấy Đức Như Lai bảo năm vị Tỳ-kheo:

-Này các thầy Tỳ-kheo, ngày trước do Ta luôn luôn tu chánh niệm, tu chánh hạnh, thành tựu được giải thoát vô thượng chân chánh, chứng biết đầy đủ, nên các thầy phải học và thực tập chánh niệm cùng tu chánh hạnh này, thì các thầy sẽ được giải thoát vô thượng chân chánh một cách thực tiễn và đầy đủ.

Lúc ấy lại có Ma vương Ba-tuần đến bên Đức Phật dùng kệ bạch:

Cù-đàm dục ái trói buộc thân
Tất cả dục lạc cõi trời người
Nay đã bị nó trói buộc chặt
Ta quyết chẳng thả!Này Sa-môn.

Khi ấy Đức Thế Tôn suy nghĩ, biết Ma Ba-tuần nói kệ như vậy nên dùng kệ đáp Ma vương:

Gút ái từ lâu Ta đã mở
Ta lìa ái dục cõi trời người
Gút lớn ái dục Ta mở xong
Huống chi Ta đã thu phục ngươi.

Khi Ma vương Ba-tuần nghe Đức Phật nói bài kệ này, đứng yên lặng suy nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm biết được ý niệm ta, Sa-môn dòng họ Thích ấy thấy được tâm tánh ta.” Ma vương bực tức buồn bã khổ não chẳng vui, liền biến thân mất dạng.

Lúc ấy Đức Thế Tôn lại bảo năm vị Tỳ-kheo:

-Này các thầy Tỳ-kheo, nếu biết các sắc không có ngã, thì từ sắc không sinh các tướng hoại diệt, phiền não, sẽ không bị khổ về sắc, phải thấy, phải biết như vậy.

Có sắc như vậy, vì sắc không có ngã. Do vậy, tất cả sắc sinh ra phiền não, sinh ra khổ. Tuy sắc sinh ra khổ não, nhưng sắc cũng không có tánh nhất định, sắc đã không nhất định, thì cũng không thể mong muốn sắc là có như vậy, cũng không thể muốn sắc là không như vậy.

Sắc đã vậy thì thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.

Này các Tỳ-kheo, các thầy phải biết thức cũng không có ngã. Nếu thức có ngã, thức ấy lẽ ra không tạo não hại, không tạo các khổ. Vì thể của thức là không nắm bắt được thì làm sao phải làm cho có như thế này mà cũng không thể mong muổn rằng không có như thế kia.

Vì thức không có ngã, nên thức hay sinh phiền não và các khổ. Do vì thức không có ngã, nên không thể nói là thức có như vậy hay không có như vậy.

Đức Phật lại bảo các thầy Tỳ-kheo:

-Các thầy nghĩ thế nào, thức là thường hay vô thường?

Năm vị Tỳ-kheo liền bạch Đức Phật:

-Thưa Đức Thế Tôn, Thức là vô thường.

Đức Phật lại hỏi:

-Nếu thức là vô thường thì khổ hay vui?

Năm vị Tỳ-kheo trả lời:

-Thưa Đức Thế Tôn, thức này là khổ.

Đức Phật lại bảo:

-Thức đã là khổ, là vô thường, là hoại diệt, chẳng phải chánh pháp, chẳng phải thường trụ. Nếu người thấy thức được như vậy, mà có thể nghĩ thế này: “Thức là ngã, hay ngã là thức, hoặc ta thấy, ta là đều thuộc về ngã hay không?

Năm vị Tỳ-kheo đáp:

-Thưa Đức Thế Tôn, không phải như vậy.

Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:

-Các thầy phải biết, tất cả các sắc, hoặc sắc quá khứ, hiện tại hoặc vị lai, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc to hoặc nhỏ, hoặc trên hoặc dưới, hoặc gần hoặc xa. Đối với những sắc ấy, không thể nghĩ thế này: “Sắc là ngã, ngã là sắc” Đúng vậy! Đúng vậy! Chánh trí như thật cần phải biết như vậy. Đố. với tất cả thọ, tưởng, hành, thức ở quá khứ, hiện tại, vị lai, trong ngoài, lớn nhỏ, trên dưới, gần xa, không thể nghĩ thế này: “Ngã là thọ, tưởng, hành, thức hay các thứ đó là ngã,… hoặc ta là ngã.” Đúng như vậy! Đúng như vậy! Chánh kiến như thật phải biết như vậy.

Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:

-Các thầy phải biết, nếu có bậc Thanh văn đa văn, tư duy quán sát, thấy được như vậy thì họ xa lìa sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Xa lìa được rồi, đối với tất cả thức đó họ không còn Ưa thích, đã không ưa thích nên họ được giải thoát. Đã được giải thoát rồi, họ sẽ sinh trí tuệ biết rằng: “Sinh tử ta đã dứt, phạm hạnh ta đã lập, việc làm ta đã xong, không thọ thân đời sau.”

Khi Đức Thế Tôn nói pháp này rồi, năm vị Tỳ-kheo đối với các pháp hữu vi, các lậu diệt sạch, tâm được giải thoát. Ngay lúc ấy, trong thế gian có sáu vị A-la-hán, mà Đức Phật là một và năm vị Tỳ-kheo.

Sau đó, Đức Phật bảo:

-Này các Tỳ-kheo, các thầy phải biết, đây là lần đầu tiên Ta chuyển pháp luân, thuyết pháp, người đầu tiên không trái lại giáo pháp của Ta, Tỳ-kheo Kiều-trần-như là người đứng đầu trong năm vị Tiên nhân.

Năm vị Tỳ-kheo nghe Đức Phật nói lời này, bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn, thật hy hữu! Tỳ-kheo Trưởng lão Kiều-trần-như trồng thiện căn gì, do nhân duyên gì Như Lai đầu tiên thuyết pháp vô thượng, không trái chống lại?

Đức Phật nghe lời này, bèn bảo các Tỳ-kheo:

-Này các thầy, nên chí tâm lắng nghe! Ta nhớ thời quá khứ cũng tại thành Ba-la-nại này có một người thợ làm đồ gốm.

Thuở ấy, có một vị Bích-chi-phật bị bệnh, vào xóm làng để điều trị mà mùa an cư sắp đến. Vị Bích-chi-phật vì trị bệnh muốn đến ở trọ nhà thợ gốm. Ngài đến nhà thợ gốm nói:

-Thưa Nhân giả, nếu người không từ chối, tôi xin an cư mùa hạ này nơi nhà Nhân giả để trị bệnh được mau khỏe mạnh.

Người thợ gốm với tâm thanh tịnh bạch vị Bích-chi-phật:

-Tốt lắm Đại Tiên! Con vâng lời Ngài, tùy ý Ngài ở, tùy theo khả năng, con sẽ cung cấp bốn sự cúng dường cho Đại Tiên.

Sau đó, người thợ gốm dựng một thảo am cách nhà mình chẳng xa, bài trí các dụng cụ: giường nằm, chổi đuổi muỗi, dầu đèn… để cho Bích-chi-phật an cư.

Một đêm nọ, vị Bích-chi-phật nhập vào định Hỏa Quang. Người thợ gốm thấy ánh lửa lớn, suy nghĩ: “Không biết lý do gì ngọn đèn ấy sáng rực lâu như vậy mà không tắt? Không lẽ thảo am này bị phát hỏa hay sao?”

Lúc ấy người thợ gốm rón rén bước đến thảo am, lén nhìn, thấy vị Bích-chi-phật ngồi kiết già như đống lửa lớn bốc cháy sáng chói, nhưng thân Ngài vẫn an nhiên không bị lửa đốt. Thợ gốm thấy vậy liền nhắm mắt vội vã chạy về. Hôm sau, tín tâm của người thợ gốm tăng gấp bội, vì thấy điều chưa từng có. Tôn giả Bích-chi-phật yên tịnh an cư tại nhà thợ gốm qua một mùa hạ. Người thợ gốm cung cấp bốn sự nhu cầu đều đầy đủ. Thợ gốm còn mời lương y đến trị bệnh, cung cấp thuốc thang đầy đủ, nhưng bệnh của Bích-chi-phật không thuyên giảm. Do thân bệnh nặng nên Ngài qua đời.

Bấy giờ, thấy vị Bích-chi-phật nhập Niết-bàn, người thợ gốm thương tiếc buồn rầu kêu la khóc lóc chẳng vui. Vô số dân chúng nghe tiếng khóc lóc, đồng đên hỏi thợ gốm:

-Này anh thợ gốm, vì cớ gì kêu khóc như vậy?

Người thợ gốm nói về thần thông của vị Bích-chi-phật này, tinh tấn như vậy, trì giới như vậy, thường hành diệu pháp. Ngài bệnh, ông ta có mời lương y đến điều trị nhưng không qua khỏi.

Bấy giờ, có những vị Bích-chi-phật chỉ thiếu một là đủ năm trăm vị, dùng thần thông bay trên hư không, mang theo gỗ chiên-đàn đến làm lễ trà tỳ vị Bích-chi-phật này và an ủi thợ gốm:

-Này Nhân giả, người nên vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân. Vì sao như vậy? Vì người đã cúng dường vị Tiên nhân này. Nhờ công đức ấy, ở đời vị lai người sẽ hưởng lợi ích lớn. Ông có thấy thần thông của chúng ta hay không?

Người thợ gốm đáp:

-Dạ thưa, có thấy.

Các vị Bích-chi-phật bảo người thợ gốm:

-Thần thông của chúng ta hiện ra ngày hôm nay, cũng như thần thông của vị Bích-chi-phật đã tịch. Trong hàng Tiên nhân chúng ta thì vị ấy cao tuổi nhất.

Người thợ gốm lại hỏi các vị Bích-chi-phật:

-Thưa chư Tôn giả, hiện giờ quý Ngài ở đâu?

Các vị Bích-chi-phật đáp:

-Này bác thợ gốm, từ đây đi nữa có một ngôi làng gọi là thành Vương xá. Cách thành này chẳng xa, có một hòn núi tên là núi Tiên ở, chúng tôi đang ở trên đó.

Người thợ gốm lại thưa các vị Bích-chi-phật:

-Lành thay! Mời chư Tiên dùng cơm tại nhà con rồi tùy ý ra đi. Các vị Bích-chi-phật đều dùng cơm tại nhà của người thợ gốm. Sau khi dùng cơm, các vị nói với người thợ gốm:

-Ở đời vị lai có Đức Phật xuất hiện, ông sẽ ở nơi Đức Phật này phát tâm nguyện cầu giáo pháp, là nhờ công đức phát tâm thanh tịnh ngày hôm nay.

Người thợ gốm nghe rồi liền bạch các vị Tiên nhân Bích-chi: -Vị thầy trước đây của con là vị già nhất trong các vị Bích-chi, con nguyện cũng vậy. Trong đời vị lai được gặp Đức Phật Thích-ca, được xuất gia ở trong pháp của Ngài, được làm bậc Đại trưởng lão thuộc hàng thượng tọa lớn nhất.

Các vị Tiên nhân nói:

-Lời thệ nguyện này của ông nhất định sẽ được thành tựu.

Sau khi các vị Bích-chi-phật đã xác nhận lời thề của người thợ gốm, liền từ giã bay lên hư không mà đi. Người thợ gốm thấy các vị Bích-chi-phật vận dụng thần thông đi trong hư không, nên đem tâm thanh tịnh chiêm ngưỡng chắp tay, hướng về hàng chư Tiên đảnh lễ.

Người thợ gốm thấy thân Tôn giả Bích-chi-phật đã vào Niết-bàn nên thâu nhặt xá-lợi xây tháp, trang trí bằng những vòng bánh xe đẹp, trong vòng bánh xe có những chiếc linh cùng có phướn bằng lụa sặc sỡ và các loại hoa thơm, xông các bột hương, tố các sáp hương để cúng dường tháp. Ông ta phát lời thệ nguyện: “Nhờ thiện căn này, nguyện đời sau tôi được gặp Đức Thích-ca Như Lai, những giáo pháp của Ngài nói ra, tôi nguyện chứng biết, tôi ở bên Phật, nguyện thành bậc Đại trưởng lão trong hàng Thanh văn.”

Đức Phật bảo:

-Này các Tỳ-kheo, người thợ gốm nọ nay là Đại trưởng lão Tỳ-kheo Kiều-trần-như. Thuở trước, nhờ nhân duyên thiện căn cúng dường Bích-chi-phật, mà nay ở bên Ta là người chứng được giáo pháp nói ra lần đầu tiên. Ta lại xác nhận Tỳ-kheo Kiều-trần-như ở trong hàng chư Tăng là người xuất gia đầu tiên, không trái ý Ta, là người giác ngộ pháp của Ta trước nhất.