KINH BỒ-TÁT ANH LẠC
Hán dịch: Đời Dao Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương Châu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 33: PHÁP TƯỚNG BA ĐỜI
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Nhuyễn Thủ:
–Ta xưa đã từng tích lũy công đức để thành Phật, tự đạt đến Bậc Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đã lìa bỏ đất nước vợ con, không tham đắm ngôi vị vinh hoa phú quý, nêu bày tuyên giảng khắp về kho tàng chánh pháp của chư Phật, tùy theo hoàn cảnh trước mặt mà hóa độ thích hợp để cứu độ muôn người. Cũng như bậc Y vương trị liệu cứu mọi bệnh tật, tùy theo bệnh nặng nhẹ sau đấy mới theo đó mà cho thuốc. Như có chúng sinh thân nơi hiện tại nhưng mang bệnh từ quá khứ, Bồ-tát cũng đều nhận biết để cứu giúp họ. Hoặc có chúng sinh thân thuộc về quá khứ nhưng mang bệnh về vị lai, Bồ-tát cũng phải nhận biết để cứu giúp họ.
Lúc này, Tôn giả Kiếp-tân-nậu thưa với Đức Phật:
–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ thân ở nơi hiện tại mà mang bệnh từ quá khứ? Thế nào là thân quá khứ mà mang bệnh vị lai? Hoặc thân ở vị lai mà mang bệnh hiện tại?
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Kiếp-tân-nậu:
–Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc tánh tử! Tôn giả đã ở trước Như Lai nêu lên câu hỏi về ý nghĩa ấy, rất có ích lợi cho mọi người. Vì sao? Vì các Pháp tạng được Phật tuyên giảng về quá khứ, hiện tại và vị lai, thể hiện các Phật sự không thể nghĩ bàn, làm trang nghiêm cây Bồ-đề, tiến tới thành tựu đạo quả Phật-đà.
Đức Thế Tôn, vì Tôn giả Kiếp-tân-nậu mà nói bài tụng:
Tiếng thanh tịnh dịu dàng
Mười phương cõi đều nghe
Các căn lành gồm đủ
Dứt khổ lìa mọi ác
Nhận rõ hành ba đời
Không nhập, không chốn sinh
Như Lai quan sát khắp
Riêng thiện không kẻ sánh
Mới phát tâm thệ lớn
Chẳng vì lợi nhỏ, ít
Ý mở như hư không
Tế độ hằng sa kẻ
Nay nơi gốc Bồ-đề
Chúng tướng tự trang nghiêm
Hàng phục mọi ngoại đạo
Quyết tu tập chánh pháp
Đầu đội hoa bảy giác
Thân mặc áo hổ thẹn
Mặt vui tâm nhẫn nhục
Riêng bước, dứt mọi nạn
Vô úy như Sư tử
Tuệ dũng mãnh tự tại
Hình sắc như nguyệt hiện
Nhìn ngắm mãi không chán
Hết thảy cõi mười phương
Đều cùng đến cúng dường
Theo sở nguyện từ tâm
Hướng về cửa giải thoát
Ta vốn từng phát nguyện
Chẳng vướng trong số kiếp
Thương xót cả muôn loài
Nên nêu pháp Cam lộ
Thân người mong được khó
Nghe nhận chánh pháp khó
Sinh ở giữa nước khó
Gặp Bậc Giác Ngộ khó
Phú quý vững tin khó
Keo kiệt bố thí khó
Buộc trói chứng đạo khó
Nhận rõ ba đời khó.
Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo Tôn giả Kiếp-tân-nậu:
–Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, nhận rõ về các bệnh tham dâm, giận dữ, si mê của ba đời, xa lìa mọi nẻo trói buộc, lại dứt sinh diệt, thần túc tự tại biến hóa thuận hợp. Những hàng thiện nam, thiện nữ như thế nhập pháp Tam-muội Định ý ba đời, thảy nhận biết rõ về nẻo hành hóa của chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai; mọi gốc rễ của các căn lành đều luôn có mặt nơi hiện tại, lãnh hội trọn vẹn về tám nẻo đường chân chánh dẫn đến cảnh giới giải thoát của chư Phật Thế Tôn. Sở dĩ chư Phật xuất hiện ở đời là nhằm quan sát chúng sinh, suy cứu tận cùng cội nguồn khiến nhận biết về cửa ngõ đạo pháp giác ngộ. Như Lai với ba đạt, quán về các pháp trong ba đời là vô hạng lượng chẳng thể nghĩ bàn. Như có chúng sinh hợp với việc nghe pháp quá khứ, thì Như Lai liền giảng về pháp dứt sạch các hành không còn dấy khởi ở quá khứ. Hoặc có chúng sinh thích nghe các pháp về hiện tại, Như Lai bèn thuyết giảng về chánh pháp hiện tại xa lìa mọi thứ phiền não ràng buộc. Hoặc có chúng sinh thích nghe các pháp về vị lai, Như Lai liền thuyết giảng về pháp vị lai chưa sinh không khởi diệt.
Tôn giả Kiếp-tân-nậu thưa với Đức Phật:
–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là chúng sinh thuận nghe pháp quá khứ, Như Lai vì họ mà thuyết giảng pháp dứt sạch các hành ở quá khứ? Thế nào là chúng sinh thuận nghe các pháp hiện tại, Như Lai vì họ mà thuyết giảng về chánh pháp giáo hóa hiện tại xa lìa mọi nẻo trói buộc? Thế nào là chúng sinh thuận nghe các vị lai, Đức Như Lai đã vì họ mà thuyết giảng về pháp vị lai chưa sinh không khởi diệt?
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Kiếp-tân-nậu:
–Tôn giả hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, ghi nhớ!
Tôn giả Kiếp-tân-nậu thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Con xin hết sức lắng nghe!
Đức Phật bảo Trưởng lão Kiếp-tân-nậu:
–Như có các vị Đại Bồ-tát, quán tưởng thông tỏ về ba đời là vô lượng vô hạn vượt mọi nghĩ bàn, chẳng phải là chốn đạt được của hàng Thanh văn A-la-hán, Bích-chi-phật. Vì sao? Vì mọi nẻo hành hóa của Như Lai chẳng phải là cảnh giới ấy.
Như có các vị Đại Bồ-tát, thân ở nơi hiện tại mọi hành gồm đủ, đã thuận theo Như Lai quá khứ và được thọ ký, nên khi nghe Đức Như Lai hiện tại thuyết giảng về pháp quá khứ, dứt hết các hành quá khứ không còn dấy khởi, thì tâm liền khai ngộ và được thọ ký sẽ thành tựu Bậc Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ. Đó gọi là Đại Bồ-tát thân ở hiện tại, thuận nghe pháp quá khứ, dứt hết các hành quá khứ không còn dấy khởi.
Đức Phật bảo Trưởng lão Kiếp-tân-nậu:
–Lại như các hàng Đại Bồ-tát, thân ở nơi hiện tại thuận nghe các pháp hiện tại, theo Phật hiện tại mà nhận được sự thọ ký sẽ thành tựu Bậc Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ. Đó gọi là Đại Bồ-tát thân ở hiện tại, thọ nhận sự thọ ký của Phật hiện tại, dứt lìa mọi nẻo trói buộc, dứt mọi tưởng sinh diệt.
Lại có các hàng Đại Bồ-tát, thân ở hiện tại, thuận nghe các pháp vị lai, thì Như Lai sẽ vì họ mà thuyết giảng về pháp vị lai chưa sinh không khởi diệt. Lúc này tâm Bồ-tát, liền thông đạt giác ngộ và được thọ ký sẽ thành tựu Bậc Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ. Đó gọi là Đại Bồ-tát hiện tại, được nghe thuyết giảng về pháp vị lai chưa sinh, không khởi diệt.
Trưởng lão Kiếp-tân-nậu thưa với Đức Phật:
–Kính bạch Thế Tôn! Chỉ có các vị Đại Bồ-tát mới phân biệt nhận rõ nẻo hướng tới của các hành trong ba đời chăng? Còn các hàng Thanh văn, Bích-chi-phật cũng có thể thực hiện được điều trên chăng?
Đức Phật bảo Trưởng lão Kiếp-tân-nậu:
–Từ Tín địa, Kiến địa cho đến Tam-da-tam Phật địa, thảy đều nêu rõ về nẻo hướng tới của các hành ba đời vô lượng vô hạn chẳng thể nghĩ bàn, cùng với các tên hiệu.
Trưởng lão Kiếp-tân-nậu thưa với Đức Phật:
–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là từ Tín địa, Kiến địa cho tới địa Tam-da-tam Phật thảy đều nêu đủ về nẻo hướng tới của các hành ba đời vô hạn lượng chẳng thể nghĩ bàn, cùng với mọi danh hiệu?
Đức Phật bảo Trưởng lão Kiếp-tân-nậu:
–Tôn giả muốn lãnh hội thấu đáo về nẻo hướng tới nơi các hành ba đời của Bậc Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, hôm nay ta sẽ mỗi mỗi nêu bày về ý nghĩa. Từ Tín địa, Kiến địa, Địa lìa mọi tham dục, giận dữ, si mê; từ đạo quả Tu-đà-hoàn cho tới đạo quả Tối thượng Tam-da-tam Phật thảy đều phân biệt rõ về nẻo hướng tới của ba đời. Thế nào gọi là Đại Bồ-tát từ Kiến địa, Tín địa, Bạc địa, địa dứt mọi dâm, nộ, si nhận rõ về nẻo hướng tới của các hành trong ba đời?
Này vị Tộc tánh tử! Như các hàng thiện nam, thiện nữ đem tín tâm giải thoát tu tập các Căn, Lực, Giác ý; tám con đường hành theo nẻo chân, thiện, có lúc đạt được thành tựu. Những thiện nam, thiện nữ ấy hoặc ở nơi quả vị Thánh hoặc còn ở hàng phàm phu. Từ quả vị không thoái chuyển cho tới Nhất sinh bổ xứ, đó gọi là Đại Bồ-tát vĩnh viễn xa lìa hàng phàm phu nhận lấy sự thọ ký của Đức Như Lai.
Này vị Tộc tánh tử! Đó gọi là Đại Bồ-tát, từ Tín địa, Bạc địa, Địa dứt dâm, nộ, si mỗi mỗi đều có khác biệt.
Trưởng lão Kiếp-tân-nậu thưa với Đức Phật:
–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Đại Bồ-tát, từ Tín địa cho tới Địa dứt dâm, nộ, si, hoặc ở tại quả vị Thánh, hoặc còn ở hàng phàm phu?
Đức Phật bảo Trưởng lão Kiếp-tân-nậu:
–Như có các hàng thiện nam, thiện nữ từ lúc mới phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề, thân ở hiện tại được nghe pháp quá khứ liền chẳng tin vui tiếp nhận mà lại lìa bỏ. Vì sao? Vì gốc không có sự tin tưởng ưa thích nên dấy hồ nghi, giữa đường thoái lui không đạt tới cứu cánh.
Bấy giờ ma ác Ba-tuần liền có cơ hội thuận tiện, hóa làm hình tướng một vị Phật đi tới chỗ Bồ-tát khuyến dụ rằng: “Này vị thiện nam, biết việc này chăng? Những gì ta thuyết giảng trước đây chẳng phải như hiện nay đang thuyết giảng. Vì Bồ-tát thuận nghe pháp vị lai nên được thọ ký, nay lại nghe ta thuyết giảng về pháp quá khứ, thân uổng phí công sức, chẳng thành được đạo quả gì. Bồ-tát sao không mau chóng lìa bỏ bản ý của mình mà phát thệ nguyện lớn trở lại, sau đấy mới thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?”
Bồ-tát nghe những lời này tâm dấy do dự nên liền thoái chuyển xuống hàng phàm phu. Đó gọi là Đại Bồ-tát ở nơi pháp ba đời không đạt được đạo quả Vô thượng Bồ-đề.
Đức Phật bảo Trưởng lão Kiếp-tân-nậu:
–Thế nào gọi là Đại Bồ-tát nhận rõ nẻo hướng tới của các hành trong ba đời, an trụ bền vững nơi quả vị Thánh không còn thoái chuyển?
Này vị Tộc tánh tử! Như có các vị Đại Bồ-tát, từ Tín địa cho đến Địa dứt mọi dâm, nộ, si, thân ở hiện tại được nghe các pháp quá khứ với những nẻo hướng tới của các Hành, không hề dấy khởi thắc mắc hồ nghi, dứt hết mọi thứ lo sợ, tâm liền được khai mở thông tỏ tức thời đại ngộ, liền được nghe Đức Như Lai thọ ký với đầy đủ tôn hiệu sẽ là Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Bấy giờ ác ma Ba-tuần hóa làm một vị Phật đi tới chỗ Bồ-tát nói với Bồ-tát rằng: “Này vị thiện nam! Biết được việc này chăng? Những gì ta thuyết giảng trước đây không giống với những gì hiện đang thuyết giảng. Nếu như có thể thay đổi theo đúng lời giáo hóa của ta thì sẽ thành tựu
đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”
Bồ-tát nghe những lời ấy tâm chẳng hề hoan hỷ, cho rằng biết đâu chẳng phải là ma Ba-tuần hóa làm hình Phật đến để phá hoại ý nguyện của ta sao? Thế là tâm Bồ-tát bền vững như kim cương không gì có thể hủy hoại được. Những hạng thiện nam, thiện nữ như vậy là đã lìa bỏ hẳn địa vị phàm phu để luôn gắn bó với đạo quả giác ngộ. Đó gọi là Đại Bồ-tát được nghe pháp quá khứ tâm không hề thoái chuyển.
Đức Phật bảo Trưởng lão Kiếp-tân-nậu:
–Như chỗ hỏi của Trưởng lão, từ đạo quả Tu-đà-hoàn cho tới
đạo quả Tối thượng Tam-da-tam Phật đều nhận rõ về nẻo hướng tới của các hành trong ba đời, hoặc còn ở hàng phàm phu, hoặc đã thành tựu đạo quả Giác ngộ tột bậc.
Này vị Tộc tánh tử! Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, dùng thân hiện tại để nghe các pháp quá khứ, thuận theo quá khứ mà được tin tưởng thông tỏ. Nhưng ác ma Ba-tuần cũng lại tìm đến nêu dụ theo nẻo tà: “Này bậc thiện nam! Nhận rõ được chăng? Quá khứ đã dứt, các hành gốc là không, các thế giới trong mười phương thảy đều không tịch, vô hình, sao chẳng tìm lấy phương tiện để phát tâm với thệ nguyện lớn? Như thế thì người tu tập sẽ không còn lâu nữa để đạt tới quả vị Phật-đà.”
Bồ-tát nghe những lời ấy thì tâm dấy do dự, cho rằng nẻo hành hóa của ta hiện nay đâu khác gì như vậy! Thế là rời bỏ bản nguyện, thoái chuyển đối với hành Bồ-tát, để lại tu tập theo lời dẫn dụ của ma. Đó gọi là Đại Bồ-tát ở nơi pháp quá khứ đã có sự thoái chuyển.
Đức Phật bảo Trưởng lão Kiếp-tân-nậu:
–Như Trưởng lão đã hỏi, về trường hợp Đại Bồ-tát đã lìa hẳn hàng phàm phu đạt được đạo quả Giác ngộ tối thượng. Này vị Tộc tánh tử! Hãy khéo suy nghĩ và ghi nhớ! Cũng như có người thân ở hiện tại được nghe pháp quá khứ, tâm chẳng hề sợ hãi, cũng không chút hồ nghi thắc mắc. Ác ma Ba-tuần lại tìm tới để nhằm hủy hoại ý nguyện của Bồ-tát nên nói: “Những chỗ ta đã thuyết giảng ấy đều là quyền biến giả tạm cho hợp với đông đảo chúng sinh, chẳng phải là pháp chân thật. Bồ-tát nay nên lìa bỏ tâm gốc từ trước mà phát trở lại tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì chẳng bao lâu sẽ thành Bậc Như Lai tối thượng.”
Bồ-tát nghe những lời ấy, tâm tự suy nghĩ: “Ta đã được Đức Như Lai thọ ký đối với đạo Vô thượng Bồ-đề rồi, nay việc này chắc không phải là Phật mà là ác ma Ba-tuần hóa hiện để quấy phá thôi! Thế là Bồ-tát bèn bỏ đi không nghe theo lời dụ dỗ kia. Đó gọi là Đại Bồ-tát đã lìa bỏ hàng phàm phu, an trụ vững chắc nơi đạo quả Giác ngộ tối thượng.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn, vì Trưởng lão Kiếp-tân-nậu mà nói bài tụng:
Như Lai Tối Chánh Giác
Nhận rõ ba đời không
Lìa hẳn mọi trói buộc
Nên thuận địa Hiền thánh.
Như Lai chọn thọ ký
Nên quốc độ tôn hiệu
Chẳng hề bị ma quấy
Tâm không chút dời động
Từ trăm ngàn vạn kiếp
Ý định không vọng loạn
Tự nhiên đạt giác ngộ
Nên hợp tuệ Như Lai
Tám nẻo đường chân chánh
Cứu chuyển mọi khổ ách
Chẳng luyến tiếc của báu
Thường cùng thân mạng tranh.
Đức Thế Tôn đã vì Trưởng lão Kiếp-tân-nậu, nói xong bài kệ ấy, bấy giờ nơi tòa ngồi có đến bảy ức chúng sinh được nghe thuyết giảng về ngôn giáo chánh pháp bình đẳng trong ba đời, thảy đều phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề.
Lúc này, nơi tòa ngồi lại có vô số chúng sinh, tâm hãy còn chưa thông tỏ nên đều có sự hồ nghi, tự nghĩ ngợi cho rằng: “Hôm nay Đức Như Lai thuyết giảng rộng về pháp ngôn giáo trong ba đời, thọ ký cho việc thành tựu đạo quả Phật-đà, đều có trước sau. Chư Phật trong mười phương cũng đều thuyết giảng về pháp ba đời như thế chăng?”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhận biết về tâm niệm của số đông chúng sinh nơi chúng hội, liền phóng ánh hào quang từ khoảng giữa đôi lông mày tỏa chiếu khắp vô lượng hằng sa các quốc độ trong mười phương. Nơi mỗi mỗi luồng hào quang có đến trăm ngàn vạn ức hằng sa quốc độ. Mỗi mỗi quốc độ có trăm ngàn vạn ức đóa hoa sen. Mỗi mỗi hoa sen có trăm ngàn ức ngọc báu ma-ni. Mỗi mỗi ngọc báu ma-ni hiện ra trăm ngàn vạn ức giảng đường làm bằng bảy thứ châu báu. Nơi mỗi mỗi giảng đường hiện ra trăm ngàn vạn ức tòa cao bảy báu. Nơi mỗi mỗi tòa cao ấy hiện ra trăm ngàn vạn ức Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Mỗi mỗi Đức Như Lai đều thuyết giảng đầy đủ về các hành của Bồ-tát ba đời hướng tới sáu pháp Ba-la-mật.
Lúc này cả chúng hội đều trông thấy tường tận vô lượng thế giới trong khắp mười phương với những biến hóa kỳ diệu lạ lùng thật chưa từng có, nên thảy đều thưa với Đức Phật rằng:
–Kính bạch Thế Tôn! Thật là vô cùng đặc biệt, kỳ diệu, chưa từng được thấy cũng chưa hề được nghe! Hôm nay Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác phóng ra ánh hào quang ấy khiến hội chúng được trông thấy khắp các nẻo hành hóa của chư Phật với những phép tắc. Hoặc thấy chúng sinh ở ngay trước chỗ Đức Như Lai nhận lấy sự thọ ký; hoặc thấy chúng sinh lắng nghe lãnh hội và thọ nhận chánh pháp; hoặc thấy chúng sinh có được ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp lấy đó trang nghiêm thân. Như thế là trong chúng hội sự nhận lấy không đồng. Tất cả các thế giới chư Phật trong mười phương đều hiện bày đầy đủ sự cúng dường với những thứ hoa hương, vải lụa đầy khắp cả trong tam thiên đại thiên thế giới.
Bấy giờ Đức Thế Tôn quan sát nhận biết tâm niệm hiện có của chúng sinh, nên lại dùng thần thông tạo sự cảm ứng đối với vô lượng thế giới trong mười phương, thỉnh chư Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác diễn nói về chánh pháp bình đẳng trong ba đời.
Về phương Đông, cách cõi này tám hằng sa quốc độ, có cõi Phật tên là Tư duy, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Vô Niệm Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ. Đức Như Lai Vô Niệm ngồi ngay ngắn trong tư thế kiết già hiện ra đầy khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới, tức thì ở giữa đại chúng bèn nói bài tụng:
Các hành quá khứ hướng
Chẳng thấy gốc diệt sinh
Thuận thọ ký giải thoát
Nên hợp địa Thánh hiền.
Pháp tánh lìa mọi cõi
Chẳng tạo nghiệp ba đời
Dũng mãnh vượt các hành
Như hoa tự nhiên nở
Như Lai hiện giáo pháp
Thấm khắp loài hữu hình
Trong lành như ngọc sáng
Tâm vững như hư không.
Chư Phật công đức đủ
Lìa trọn mọi nẻo lạc
Ngăn chặn bụi ái dục
An nhiên dứt mọi nhiễm
Pháp Phật thật thâm diệu
Hai thừa chẳng đạt tới
Trí phương tiện hiện biến
Năm phần Pháp thân đủ
Ta cũng không thầy dẫn
Chẳng theo nẻo hữu vi
Tắm gội pháp Cam lồ
Giải thoát trang nghiêm thân.
Về phương Nam, cách xa cõi này tám hằng sa quốc độ, có cõi Phật tên là Trang nghiêm, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Nghiêm Tịnh Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ. Đức Như Lai Nghiêm Tịnh ngồi kiết già an định hiện biến đầy khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới, lúc này ở giữa đại chúng bèn nói bài tụng:
Hôm nay mười phương Phật
Hiện biến thần thông khắp
Đều thuyết gốc ba đời
Rõ tận nẻo Như Lai
Nhất tướng gốc không hình
Nhập sâu không bờ bến
Đem pháp giảng dạy người
Như hư không dứt niệm
Trống pháp rền Đại thiên
Công đức mười Thiện đủ
Cứu vớt hàng thấp kém
Trọn lìa biển tử sinh
Sở dĩ chư Phật hiện
Biến hóa thật chẳng lường
Nhân duyên đạo quả thành
Nên hợp địa Hiền thánh.
Quốc độ mười phương hội
Đều thuyết giảng ba đời
Chánh pháp tự nhiên đạt
Ý định nơi hiện tại.
Mỗi mỗi lỗ chân lông
Phóng trăm ngàn ánh sáng
Diễn nói đủ giáo pháp
Tiêu trừ gốc ba độc.
Về phương Tây, cách xa cõi này tám hằng sa quốc độ, có cõi Phật tên là Tịnh phục tịnh, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Việt Tịnh Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ. Đức Như Lai Việt Tịnh ngồi kiết già an định hiện biến khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới, lúc này ở giữa đại chúng bèn nói bài tụng:
Tánh chúng sinh từng ấy
Chẳng quán Tuệ giải thoát
Pháp ba đời thường trụ
Khởi diệt như pháp tánh
Hiền thánh nhập định quán
Nhận rõ mười hai duyên
Quán ba pháp bảy xứ
Thảy quy tánh Chân như.
Chẳng muốn sinh cõi trời
Cũng chẳng pháp may mắn.
Đó là rõ ba đời
Luôn nhớ chọn bạn lành.
Vun trồng phước từ tuệ
Nghĩa bậc nhất tối thượng
Nhận rõ tưởng có không
Nên hiệu Nhân Trung Tôn.
Các pháp đều có tánh
Nẻo hành thảy quy không
Như người đo lường không
Trước nên phân biệt thân.
Chiêm ngưỡng tướng Như Lai
Mọi pháp tự nhiên đủ
Miệng diễn nói tám âm
Hóa độ người vô lượng.
Về phương Bắc, cách xa cõi này tám hằng sa quốc độ, có cõi Phật tên là Hóa thành, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Vô Nhiễm Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ. Đức Như Lai Vô Nhiễm ngồi kiết già an định hiện biến khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới, lúc này ở giữa đại chúng bèn nói bài tụng:
Bốn đại gốc tánh không
Tự sinh tự nhiên diệt
Ta chẳng tạo duyên ấy
Mọi vật không chốn có.
Dứt vướng nêu giải thoát
Cam lồ dẫn nẻo chỉ
Người dốc sở nguyện gốc
Đều khiến chứng đạt quả.
Ta xưa hành bố thí
Thống lãnh cõi mười phương
Bảy giác báu tự nhiên
Mọi người đều đầy đủ.
Lại giáo hóa chúng sinh
Chẳng niệm bốn Vô tưởng
Lìa trọn tám chẳng nhàn
Thường cùng Hiền thánh gặp.
Gốc từ trí ba đạt
Nghe tuệ ba đời ấy
Nay lìa ba bụi cấu
Thọ ký nơi ba Phật.
Hành thí chưa từng thối
Ý chuyên, lìa đảo điên
Với mọi kẻ tà kiến
Dẫn dắt về đạo chánh.
Về phương Đông bắc, cách xa cõi này tám hằng sa quốc độ, có cõi Phật tên là Nhẫn tuệ, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Hương Tận Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ. Đức Như Lai Hương Tận ngồi kiết già an định hiện biến khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới, lúc này ở giữa nơi đại chúng bèn nói bài tụng:
Pháp tánh tự nhiên sinh
Không hình chẳng thể thấy
Tu tập giới luật Thánh
Không số chẳng có số.
Trụ gốc cũng không trụ
Tìm kiếm gốc không hình
Thâm diệu khó lường tính
Nên thuận nơi bậc Thánh
Nhận rõ pháp hiện tại
Dứt tưởng, chẳng nhiễm không
Đã dứt sinh quá khứ
Lìa được khổ ba đời.
Thân là gốc tạo khổ
Lậu, bất tịnh cùng xuất
Năng lìa, nhập tuệ chánh
Dần đạt đạo giải thoát.
Ý chính không nhiễm tà
Tâm chẳng rời đạo lớn
Tâm tịnh như vàng tinh
Hướng về đạo không khó.
Người sinh nơi năm nẻo
Quán nhận rõ trong thân
Ba đời là từ đâu
Khiến người mãi ngu tối.
Về phương Đông nam, cách xa cõi này tám hằng sa quốc độ, có cõi Phật tên là Hiền thánh phổ tập, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Quán Thế Khổ Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ. Đức Như Lai Quán Thế Khổ ngồi kiết già an định, biến hiện khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới, lúc này đang ở nơi đại chúng và nói bài tụng:
Chư Phật quán hết thảy
Ba đời không, vô tướng
Tuệ trừ gốc ái dục
Nên hợp địa Thánh hiền.
Chí tạo hạnh cầu khổ
Cúng dường hằng sa Phật
Tất cả các trí đủ
Nên hiệu Nhân Trung Hùng.
Tin là pháp Cam lồ
Chẳng sinh tâm nhị kiến
Giữa chúng như Sư tử
Thuyết giảng động mười phương.
Mọi uế trược sinh tử
Cội nguồn chẳng thể tường
Thông tỏ khổ ba đời
Gần gũi luật Như Lai.
Phàm muốn cầu Phật đạo
Tuệ thật là bậc nhất
Đốt cháy rừng hồ nghi
Tự nhiên dứt mọi niệm
Phật đến vô lượng cõi
Nẻo chiếu của tuệ sáng
Trừ sạch hết thảy pháp
Nhận rõ hành ba đời.
Về phương Tây nam, cách xa cõi này tám hằng sa quốc độ, có cõi Phật tên là Vô lượng tạng, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Nhẫn Tuệ Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ. Đức Như Lai Nhẫn Tuệ ngồi kiết già an định hiện biến khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới, lúc này đang ngồi ở giữa đại chúng bèn nói bài tụng:
Nhớ giữ gốc các pháp
Duyên tưởng chẳng thể hoại
Hành tự đạt kiên cố
Nên thuận nơi bậc Thánh.
Chư Phật dùng phương tiện
Đức hóa độ muôn loài
Bồ-tát tu thệ lớn
Bốn bậc không tăng giảm.
Đạo giải thoát thêm tăng
Thanh tịnh không chốn nhiễm
Mây trí tuệ tỏa khắp
Tiêu diệt khổ ba đời.
Thánh hiền ở đời độ
Khiến tu pháp chỉ quán
Tuệ mỗi mỗi phân biệt
Nên hợp nẻo Hiền thánh.
Tánh vốn ba đời không
Niệm tưởng chẳng nghĩ bàn
Sinh diệt lại cùng dấy
Nhập định trừ dứt được
Chẳng tham đắm ba cõi
Thế mới đạt vô tận
Vì người nêu uy nghi
Hằng được chốn an định.
Về phương Tây bắc, cách xa cõi này tám hằng sa quốc độ, có cõi Phật tên là Hiền thiện, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Hiền Nhu Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ. Đức Như Lai Hiền Nhu ngồi kiết già an định hiện biến khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới, lúc này đang ở nơi đại chúng và nói bài tụng:
Như Lai hiện tuệ quyền
Thâu giữ mười phương cõi
Nhận rõ ba đời không
Nên hợp nẻo Hiền thánh
Pháp giới chẳng thể lường
Như hư không vô tận
Đạt pháp nhẫn định Phật
Chẳng khởi tâm nhị kiến.
Ta xưa được thọ ký
Phân biệt trong ngoài không
Nay tự đạt chánh giác
Lìa hẳn khổ ba đời.
Như Lai tướng lưỡi dài
Trăm phước tự trang nghiêm
Xua trừ tâm vọng tưởng
Chí thành dứt hai nghiệp
Phật là gốc các hành
Diễn thông mười hai cửa
Ý dứt nẻo đạo thành
Chẳng trở lại năm cõi
Như bắn lên hư không
Lực hết rơi trở lại
Nếu rõ pháp ba đời
Vô cùng chẳng thể lường.
Về phương trên, cách xa cõi này tám hằng sa quốc độ, có cõi Phật tên là Cát tường, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Hành Tận Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ. Đức Như Lai Hành Tận ngồi kiết già an định hiện biến khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới, lúc này đang ở giữa đại chúng mà nói bài tụng:
Chư Hiền thánh quá khứ
Nêu bày chánh pháp khắp
Không nhiễm pháp danh sắc
Nên thuận luật Thánh hiền.
Bồ-tát vốn phát tâm
Quyết tu pháp Như Lai
Pháp diệu không tăng giảm
Chẳng thấy người giải thoát.
Nghe thấu vô lượng đời
Nhận rõ gốc muôn loài
Nẻo tư duy chuyên mất
Thành tựu pháp có không.
Không tướng, chẳng có tướng
Thức chẳng niệm ba đời
Quán tỏ không chốn có
Đạt hiệu Nhân Trung Tôn.
Hết thảy gốc các pháp
Nhân duyên hội hợp nên
Tư duy pháp vô hình
Vốn vô hình không tịch
Mười trụ pháp đạo quả
Tâm niệm không thoái chuyển
Một nẻo thành chánh giác
Dứt sạch sinh lão tử.
Về phương dưới, cách xa cõi này tám hằng sa quốc độ, có cõi Phật tên là Cực thâm, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Bảo Tụ Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ. Đức Như Lai Bảo Tụ ngồi kiết già an định hiện biến khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới, lúc này đang ở giữa đại chúng và nói bài tụng:
Trí nhẫn tu đạo quả
Trọn lìa gốc ba đời
Tự tịnh lại tịnh người
Nên thuận pháp Hiền thánh
Nhằm thuyết đạo Vô thượng
Đến khắp mọi nơi chốn
Mọi hành theo phương tiện
Độ người dứt biếng trễ.
Gặp gỡ Thánh hiền vui
Nghe pháp tin nhận vui
Độ người dứt nhiễm vui
Niết-bàn tịch diệt vui
Ta hành vượt ba cõi
Xa lìa nẻo báo ác
Được gần Thiện tri thức
Nghe pháp ngày thêm tăng
Vượt hẳn nẻo ba cõi
Thần túc khắp hư không
Không tượng như có tượng
Nẻo tu tập kẻ ngu
Pháp Đại thừa sáu Độ
Đã quên hẳn vạn vật
Đạt lên mười Địa trụ
Lại độ khắp muôn loài.
Bấy giờ, Trưởng lão Kiếp-tân-nậu đã được nghe chư Phật trong mười phương nêu giảng về nẻo hướng tới của các hành ba đời, nên tâm thông ý mở, tức thì đại ngộ, liền rời chỗ ngồi đứng dậy cung kính lễ ngang chân Phật rồi trở lại chỗ ngồi cũ.
Lúc này, có chư Thiên, chúng nhân, Thiên long, Quỷ thần, Cànđạp-hòa, A-tu-luân, Ca-lưu-la, Chân-đà-la, Ma-hưu-lặc, Nhân phi nhân, thảy đều phát tâm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lại có vô số chư Thiên chúng nhân nghe Đức Phật diễn giảng về gốc các pháp ba đời, thảy đều xưng tán Phật với công đức sâu rộng, diệu nghĩa vô lượng, Pháp thân của chư Phật là không gì có thể hủy hoại, cũng chẳng phải là nẻo đạt đến được của hàng A-la-hán, Bích-chiphật. Tiếp theo đấy, các vị trong chúng hội thảy đều nguyện dốc sức phân biệt nhận rõ về thân tướng với các hướng trong ngoài qua ba đời, để tiến tới đạo tràng đạt pháp không thoái chuyển.