KINH BỒ-TÁT ANH LẠC

Hán dịch: Đời Dao Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương Châu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 32: THÍ DỤ

Bấy giờ Đức Thế Tôn thuyết giảng về pháp Anh lạc, diễn nói về Pháp thân với những công đức phước báo vô lượng. Lúc này, trong chúng hội có năm ngàn vị Bồ-tát, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, cung kính đảnh lễ ngang chân Phật, đi nhiễu quanh chỗ Phật ba vòng rồi lui và ra đi.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền tự suy nghĩ: “Năm ngàn vị Chánh sĩ này, nghe Đức Phật thuyết giảng về Pháp bảo ba thân, đã không gắng lãnh hội thọ trì mà đều thoái lui và bỏ đi, điều này tất có duyên do.”

Suy nghĩ như vậy xong, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền rời chỗ ngồi đứng dậy, để trần vai bên phải, đến trước Đức Phật quỳ mọp, chắp tay cung kính thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Năm ngàn vị Chánh sĩ ấy tu tập đạo Bồtát, đã thâm nhập vào Pháp tạng sâu xa của Đức Như Lai, nẻo hành hóa đã vượt qua hàng Bích-chi-phật và Thanh văn. Hôm nay nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng về pháp Anh lạc ba thân với ý nghĩ thâm diệu, các vị ấy đã chẳng chịu lãnh hội thọ trì mà lại thoái lui và bỏ đi là vì cớ gì?

Đức Phật bảo Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

–Tôn giả hãy bình tĩnh! Này vị Tộc tánh tử! Như có các hàng thiện nam, thiện nữ được nghe ý nghĩa của sự việc này, quá đỗi vui mừng nhảy nhót đến nỗi đầu va chạm bị vỡ làm bảy phần máu phun ra khắp mặt mày! Vì sao thế? Vì đấy là những kẻ ác, gốc từ vô số atăng-kỳ kiếp luôn vui thích với việc phỉ báng hủy nhục chánh pháp!

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Xin Đức Thế Tôn nói về việc phỉ báng chánh pháp phải chịu tội như thế nào?

Đức Phật bảo Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

–Năm ngàn vị Chánh sĩ đó, từ hằng sa chư Phật quá khứ đến nay, cũng đã tu tập sáu pháp Ba-la-mật là Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Nhất tâm, Trí tuệ với các phương tiện quyền xảo, nhưng luôn dấy tưởng chấp trước. Mặc dù có sự sám hối về những sai lầm của mình, nhưng sẽ phải trải qua những khó khăn khổ nhọc nên liền ở nơi chỗ Như Lai dấy tâm thoái chuyển. Một ngàn vị Phật thời quá khứ hầu như chẳng hóa độ được. Năm ngàn vị Chánh sĩ ấy, đứng đầu trên hết là Dũng Trí, tuy tu hạnh Đại Bồ-tát nhằm mong cầu thành đạo quả Phật-đà nhưng chung cuộc là không thể đạt được. Ví như một kẻ sĩ muốn ở trong không trung xây dựng các cung điện bằng bảy thứ châu báu, cùng tô điểm bằng những màu sắc hình vẽ chạm trỗ họa khắc, như vậy thì những thiện nam, thiện nữ đó có thể thực hiện được chăng?

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Không thể thực hiện được! Vì sao vậy? Là vì cõi hư không là không có hình tượng, chẳng thể xây dựng được.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

–Bồ-tát Dũng Trí ấy, vào thời Đức Phật Quang Minh, là một sư tử chúa, còn ta là một vị Phạm chí tu tập hạnh thanh tịnh. Lúc này, sư tử chúa thường vào lúc sáng sớm đứng yên nơi chốn vắng vẻ, sáu xứ chẳng động, rồi bất chợt toàn thân ào tới trước rống lớn lên như tiếng sấm rền, khiến các loài thú chạy tìm chốn lẫn trốn, loài chim bay thì rơi rớt xuống đất. Sau đấy, sư tử chúa mới đi đến chốn rừng núi ao đầm rộng lớn, lần lượt đi vào cõi riêng để tìm kiếm các bầy thú. Hôm đó gặp được một con voi già, bèn giết chết ăn thịt, nhưng gặp phải khúc xương đầu gối của voi quá lớn nuốt vào bị mắc nghẹn nơi cổ họng nên sư tử chúa bị chết đi và sống lại. Lúc ấy có một con chim sẻ rừng đang ở trước sư tử chúa tìm mồi là những chú giun dế côn trùng, sư tử chúa bèn há rộng mồm nói với chim sẻ rừng: “Hãy giúp ta lôi khúc xương này ra giùm, về sau nếu có món mồi ngon lành ta sẽ không quên ơn lớn hôm nay!”

Chim sẻ rừng nghe sư tử chúa nói thế liền bay vào miệng sư tử, dốc hết sức lực kéo được khúc xương kia ra ngoài, giúp sư tử chúa được an lành như cũ. Hôm sau, sư tử chúa có được món mồi lớn, lúc này chim sẻ rừng có mặt bên cạnh sư tử chúa, ít nhiều mong được đáp ơn trước, nhưng sư tử chúa phớt lờ như chẳng hề có chuyện gì cả.

Đức Phật bảo Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

–Bấy giờ sư tử chúa dùng kệ để trả lời cho chim sẻ rừng rằng:

Ta là sư tử chúa
Giết chóc là nghiệp nhà
Xơi thịt uống luôn máu
Đấy chính là món thường
Ngươi đã chẳng tự lượng
Thoát khỏi nanh vuốt ta
Ra khỏi được miệng này
Ân ấy lại quên sao?

Chim sẻ cũng dùng kệ đáp lại sư tử chúa:

Ta tuy là chim nhỏ
Thành thật chẳng tiếc thân
Chỉ ngươi chẳng nhớ ơn
Tự nuốt lời thề nặng
Nếu còn chút tâm rộng
Ít nhiều thấy rõ ơn
Thân mất trọn chẳng hối
Chẳng dám biện luận nhiều!

Thế là sư tử chúa chẳng thèm nhớ lại ơn trước để báo đáp nên bỏ đi. Chim sẻ rừng tự suy nghĩ: “Ân của ta đối với sư tử chúa là rất lớn, nhưng trái lại đã bị hắn ta coi thường, khinh rẻ. Ta từ nay về sau quyết sẽ theo đuổi con vật bội ơn ấy, nếu không báo được oán đó thì chẳng còn nên sống ở đời làm gì! Phải nên theo sát nó bất kể ở đâu và lúc nào thì mới báo oán được.”

Hôm đó, sư tử chúa lại được mồi lớn, thỏa ý xơi no bụng rồi lăn ra ngủ say, chẳng hề sợ gì. Chim sẻ rừng liền bay tới chỗ sư tử chúa ngủ và đậu lên trán, lại dốc hết sức lực nhằm vào mắt sư tử chúa mổ mạnh một cái. Sư tử chúa giật mình thức giấc nhìn vội trước sau không thấy một con thú nào khác chỉ thấy mỗi chú chim sẻ rừng đang đậu trên cành cây gần đấy. Sư tử chúa nói với chim sẻ rằng: “Người hôm nay vì sao mà hủy hoại con mắt của ta thế?” Chim sẻ rừng dùng kệ đáp sư tử chúa:

Ơn nặng chẳng hề báo
Lại sinh tâm sát hại
Nay giữ ngươi một mắt
Ân ấy sao quên được
Ngươi tuy chúa loài thú
Nẻo hành dứt lại qua
Từ nay đều tự dừng
Chớ nên tạo chống đối!

Đức Phật bảo Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

–Sư tử chúa ngày ấy đâu phải là một người nào xa lạ chăng? Chớ nên nghĩ như thế, vì đấy chính là Bồ-tát Dũng Trí hiện nay. Còn chim sẻ rừng ngày đó hiện nay chính là Ma-ha Mục-kiền-liên đấy. Vị Chánh sĩ Dũng Trí đó từ thời ấy trở đi thường hay phỉ báng, không tin vào những điều cốt yếu của ba thân Như Lai, sẽ phải trải qua khổ nạn ở cõi địa ngục.

Đức Phật bảo Tôn giả Mục-kiền-liên:

–Như có các vị Đại Bồ-tát tu tập pháp Anh lạc thanh tịnh, đạt được pháp định về ba thân, các pháp thần túc được tự tại vui thích không chút trở ngại, thì đấy chính là người nhận lấy việc nặng nhọc là gánh vác bao nỗi khổ cho mọi người. Ví như cõi hư không mênh mông chẳng chốn nào là không che phủ, pháp Anh lạc về ba thân tịnh diệu lại cũng như thế, vì đã làm sung mãn tất cả mọi sở nguyện của chúng sinh. Ví như biển lớn sâu rộng trong lành không dung nạp những thứ xấu ác, bất tịnh. Đại Bồ-tát cũng lại như vậy, đạt được pháp Anh lạc về ba thân tịnh diệu nên không còn thọ nhận các thứ phiền não bụi bặm cùng mọi trói buộc điên đảo. Ví như ngọc báu Mani với ánh sáng tỏa chiếu lóng lánh, chẳng hề bị ánh sáng của nhật nguyệt tinh tú có thể ngăn chận che lấp được. Đại Bồ-tát cũng lại như vậy, đạt được pháp Anh lạc về ba thân tịnh diệu, nên không hề bị hàng Thần tiên ngũ thông với những thứ phù chú thuốc lạ có thể khống chế ngăn giữ. Ví như đã đi được trên bốn con đường tu tập đạt tới giải thoát, tự tìm theo ánh sáng giác ngộ, đã vượt qua năm nẻo luân hồi, không còn bị các thứ tà kiến lôi kéo giữ lại. Ví như người đã đạt pháp Định tận diệt thiêu đốt hết thảy mọi cội rễ của các hành, Đại Bồ-tát sẽ dứt sạch cội nguồn sinh tử, tín tâm bền chắc không hề dấy sự phỉ báng chánh pháp. Ví như người đạt được ngọc báu Như ý, tùy theo tâm niệm của mình mà mọi việc đều hiện ra trước mặt. Đại Bồ-tát cũng lại như vậy, đạt được pháp chánh định Như ý, quán về mọi loài chúng sinh căn trí thuần thục dần dần giáo hóa dẫn dắt đều đến cảnh giới giải thoát. Cũng như đạt được pháp không thoái chuyển thì chẳng còn trở lại rơi rớt tham đắm nơi cảnh sinh tử. Đại Bồ-tát lại cũng như thế, tuy sống trong cõi sinh tử nhưng không hề mang lòng lo sợ, cho rằng ta sẽ lại thoái chuyển trong chốn sinh tử! Ví như người chẳng phải nam chẳng phải nữ, cho dù chứng kiến những điều khác lạ trong năm cảnh dục lạc thì cũng không dấy tâm tham đắm tình dục. Đại Bồ-tát cũng vậy, đi vào khắp nơi trong năm nẻo luân hồi để giáo hóa mọi chốn, nhận biết rõ nhưng không tham vướng, cũng không dấy khởi tưởng niệm, lại còn dốc lòng cứu độ chúng sinh không thể nêu bày tính kể hết.

Bấy giờ Đức Thế Tôn, vì Tôn giả Mục-kiền-liên, nên nói bài tụng:

Bồ-tát ý luôn tịnh
Cũng như núi Kim cang
Ý vững chẳng thể hủy
Chứng đạt trong khoảnh khắc
Tuy ở đời giáo hóa
Chẳng vướng gốc duyên tưởng
Học hỏi khắp các pháp
Nêu cao ngọn cờ pháp.
Cũng như hai kẻ sĩ
Giữ ý đều có thuật
Cùng nhau đến hí trường
Đều muốn hiện tài nghệ.
Bốn núi báu Tu-di
Lớn rộng và cao vút
Ba trăm ba mươi vạn
Đến sáu vạn do-tuần
Một người nơi đỉnh núi
Tay cầm bình cam lồ
Một người đứng dưới núi
Cầm bát hứng cam lồ
Người rót cũng chẳng rót
Kẻ hứng vẫn không rời.
Thảy là hàng phàm phu
Chưa thông đạt tuệ cao
Thế nào, Mục-kiền-liên
Điều ấy thực có chăng?
Tuy khó chưa đủ lạ
Ba Pháp thân mới khó
Tu ngàn vạn ức kiếp
Muốn nghe Anh lạc tịnh
Tuệ nhận rõ ba thân
Pháp ấy thật khó đạt
Tôn giả nay chớ buồn
Đã vượt mọi khổ hoạn
Được nghe ba pháp chính
Tự cứu lại cứu người
Như có Tộc tánh tử
Dốc tin tu tập pháp
Hiện đời mọi lậu dứt
Thần thông đều tự tại
Nơi sinh cõi nước tịnh
Bảy báu làm cung điện
Các căn thảy hoàn bị
Tâm mở như hư không.

Đức Thế Tôn đã vì Tôn giả Mục-kiền-liên thuyết giảng về pháp ấy. Bấy giờ có đến hàng ức na-thuật chư Thiên và chúng nhân, thảy đều phát tâm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nguyện được sinh nơi quốc độ đều cùng một tướng, không có những kẻ phỉ báng ba Pháp thân.

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cung kính đảnh lễ ngang chân Phật, đi nhiễu quanh chỗ Đức Phật ba vòng rồi trở lại chỗ ngồi của mình.