KINH BỒ-TÁT ANH LẠC

Hán dịch: Đời Dao Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương Châu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 10

Phẩm 29: HIỀN THÁNH TẬP HỢP ĐÔNG ĐỦ

Bấy giờ, Bồ-tát Thẩm Đế liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Đức Phật cung kính thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Con cũng xin được nhận lãnh việc nêu giảng thông suốt về các hành thanh tịnh của sáu pháp Ba-la-mật.

Đức Phật bảo Bồ-tát Thẩm Đế:

–Nếu Bồ-tát có thể nhận lãnh được việc ấy thì ở trước Như Lai cứ lần lượt nêu bày.

Bồ-tát Thẩm Đế thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Như có các vị Đại Bồ-tát tu tập sáu pháp Ba-la-mật thanh tịnh cùng tu tám pháp môn giới cấm của chư Phật, thì các hàng thiện nam, thiện nữ, ở nơi sáu pháp Ba-la-mật đã đạt được đầy đủ các hành thanh tịnh.

Bồ-tát Tịnh Ý thưa với Đức Phật:

–Như có các hàng thiện nam, thiện nữ muốn kính lễ chư Phật Thế Tôn trong mười phương thọ lãnh vâng theo giáo pháp được truyền dạy để phụng hành tu tập, như vậy là các hàng thiện nam, thiện nữ ấy, ở nơi sáu pháp Ba-la-mật đã đạt được đầy đủ sự thanh tịnh.

Bồ-tát Na-la-diên thưa với Đức Phật:

–Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, đoạn trừ các thứ kết sử, không còn bị cấu nhiễm, như thế là đã ở nơi sáu pháp Ba-la-mật có được đầy đủ sự thanh tịnh.

Bồ-tát Tịnh Pháp Giới thưa với Đức Phật:

–Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ lãnh hội được tính chất như nhiên của pháp tánh, không hủy hoại các cửa đạo pháp, như vậy

là đã ở nơi sáu pháp Ba-la-mật có được đầy đủ sự thanh tịnh.

Bồ-tát Thiện Giải Huyễn thưa với Đức Phật:

–Như có các hàng thiện nam, thiện nữ nhận rõ được tám pháp ở thế gian xua trừ mọi nẻo vinh nhục, như thế là ở nơi sáu pháp Ba-lamật đã có được đầy đủ sự thanh tịnh.

Bồ-tát Quá Lượng thưa với Đức Phật:

–Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, ở nơi đại chúng chuyển bánh xe chánh pháp vô thượng, ba nghiệp thân, khẩu, ý luôn được thâu phục, không hề dấy một niệm nào khác, như thế là ở nơi sáu pháp Ba-la-mật đã có được đầy đủ sự thanh tịnh.

Bồ-tát Pháp Tạng thưa với Đức Phật:

–Lãnh hội bốn pháp định không, dứt mọi tưởng về ta, người; tư duy về pháp giới không hủy hoại gốc của trí tuệ. Đó gọi là ở nơi sáu pháp Ba-la-mật đã có được đầy đủ sự thanh tịnh.

Bồ-tát Tâm Tịnh thưa với Đức Phật:

–Như có các hàng thiện nam, thiện nữ thu giữ được căn mắt không dấy thức tưởng, các căn tai, mũi, thân, khẩu, ý lại cũng như thế. Đó là ở nơi sáu pháp Ba-la-mật đã có được đầy đủ sự thanh tịnh.

Đại Tướng Sư Tử thưa với Đức Phật:

–Chúng sinh mãi bị chìm đắm nơi cõi tối tăm, đem ánh sáng giác ngộ hiện ra khắp nơi để khiến họ nhận biết và hướng về đạo pháp, như thế là ở nơi sáu pháp Ba-la-mật đã có được đầy đủ sự thanh tịnh.

Bấy giờ có vị Bồ-tát tên là Tuệ Nhãn hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Thế nào gọi là Đại Bồ-tát thâu phục được thân, khẩu, ý không hủy hoại đến tính của giới luật, ở nơi sáu pháp Ba-la-mật đã có được đầy đủ sự thanh tịnh?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp lời hỏi của Bồ-tát Tuệ Nhãn:

–Này Bồ-tát Tuệ Nhãn! Các vị Đại Bồ-tát đã lãnh hội được pháp không, dứt mọi tưởng về ta bố thí sẽ được phước báo. Như thế là ở nơi sáu pháp Ba-la-mật đã có được đầy đủ sự thanh tịnh.

Bồ-tát Tuệ Nhãn lại hỏi:

–Kính thưa vị Tộc tánh tử! Thân sắc của Đức Như Lai với đầy

đủ các đức, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân óng màu vàng ròng, như vậy đó là phước báo hữu tưởng hay phước báo vô tưởng?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Sắc thân của Đức Như Lai là phước báo hữu tưởng. Pháp thân của Như Lai là phước báo vô tưởng.

Bồ-tát Tuệ Nhãn lại hỏi:

–Bố thí dứt mọi tham cầu khiến trong tâm được thanh tịnh. Dứt trừ tưởng chấp nên đạt được đạo quả lớn. Nếu sáu pháp Ba-la-mật chẳng phải là phước báo vô tưởng thì làm sao thành tựu được phước báo của Pháp thân?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này vị Tộc tánh tử! Ý ông nghĩ sao? Sắc thân của Như Lai là có chăng hay là không chăng?

Bồ-tát Tuệ Nhãn thưa:

–Như bậc Tộc tánh tử vừa nêu, sắc thân của Như Lai là hữu báo chẳng phải là vô báo. Theo sự quan sát của tôi về thân của Đức Như Lai là chẳng phải hữu báo cũng chẳng phải vô báo.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi lại hỏi Bồ-tát Tuệ Nhãn:

–Thế nào là thân của Như Lai chẳng phải Hữu báo cũng chẳng phải Vô báo?

Bồ-tát Tuệ Nhãn đáp:

–Thân của Như Lai ấy là gồm đủ các thứ công đức, sắc tướng kỳ diệu trang nghiêm, chiêm ngưỡng không hề biết chán, những người được trông thấy hình tướng ấy thảy đều phát tâm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó gọi là phước báo của sắc thân. Còn thế nào là sắc thân của Như Lai là Vô báo? Kính thưa vị Tộc tánh tử! Như Lai thị hiện ở đời giáo hóa đã trọn vẹn, hình thành tiềm ẩn giải thoát trọn không hề có sự thay đổi, nhất tướng vô hình không gì có thể hủy hoại. Đó gọi là sắc thân của Như Lai là vô báo.

Bấy giờ Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi lại hỏi Bồ-tát Tuệ Nhãn:

–Này vị Tộc tánh tử! Ý ông nghĩ sao? Hình tướng của Đức Như Lai là chẳng thể nghĩ bàn, vậy là do có hình tướng mà vô báo hay là do không hình tướng mà vô báo?

Bồ-tát Tuệ Nhãn đáp:

–Thân của Như Lai ấy, hoặc có hình tướng mà vô báo, hoặc không hình tướng mà vô báo. Thế nào là có hình tướng mà vô báo? Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, ở đời đã giáo hóa vô lượng chúng sinh thảy đều chứng được đạo quả đạt đến nẻo đường vô vi giải thoát. Đó gọi là sắc thân của Như Lai có hình tướng mà vô báo. Còn thế nào là không hình tướng mà vô báo? Như về sắc thân của Đức Như Lai tại thế gian giáo hóa muôn loài biến hiện các thứ thần thông để thuyết giảng giáo pháp xong thì đối với cõi Niết-bàn vô dư đã chọn lấy việc nhập Bát-nê-hoàn. Đó gọi là sắc thân của Như Lai không hình tướng mà vô báo.

Lúc này, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nhận biết tâm niệm của nhiều vị trong chúng hội còn có sự hồ nghi chưa có thể thông đạt về tính chất Hữu báo–Vô báo, nên lại hỏi Bồ-tát Tuệ Nhãn:

–Này vị Tộc tánh tử! Sắc thân của Đức Như Lai như huyễn như hóa, làm sao ở trong pháp huyễn hóa ấy mà có hữu báo vô báo? Tất cả chúng sinh đạt được pháp tánh như đạo quả thanh tịnh, ví như các đối tượng được nhãn thức thu giữ, làm sao ở nơi nẻo tính của chúng sinh ấy mà được vô báo?

Lại hỏi tiếp Bồ-tát Tuệ Nhãn:

–Sắc thân của Đức Như Lai là chẳng thể nghĩ bàn, thuyết pháp viên mãn thì tịch nhiên diệt độ, không sinh, già, bệnh, chết, đã lìa bỏ thân sắc không còn nhận lấy thân hình nữa, nhất tướng vô tướng đều chẳng thể nhận thấy, dùng phương tiện thuyết giảng giả hiệu cũng không chân thật, Như Lai ấy cũng không là Như Lai, cũng không Phật. Làm sao dùng nẻo vô vi để cho rằng sắc thân của Như Lai là vô báo?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi lại hỏi:

–Này vị Tộc tánh tử! Sắc thân của Như Lai là phước báo vô vi, Niết-bàn cũng là phước báo vô vi, vậy là một hay khác nhau? Giả sử là một thì cũng không Như Lai, làm sao có vô báo? Nếu nói có hai thứ phước báo vô vi thì sắc thân của Như Lai chẳng phải là phước báo Niết-bàn?

Bấy giờ Bồ-tát Tuệ Nhãn đáp lời Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Gốc không có Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Giác với sắc thân do bốn đại duyên hợp. Ở trong pháp hiện tại, cũng là hữu báo cũng là vô báo. Niết-bàn tịch diệt hoàn toàn đó là vô báo.

Bồ-tát Tuệ Nhãn nói tiếp:

–Như chúng sinh thực hiện sáu pháp Ba-la-mật, nếu người bố thí không có tưởng về mình bố thí, cũng lại không thấy có người nhận sự bố thí ấy thì đó chính là đã thực hiện đầy đủ pháp Bố thí ba-lamật. Lại như có người thân giữ giới đầy đủ không hề hủy hoại đối với giới luật, cũng không còn thấy có sự trì giới ấy, đó chính là ở nơi giới đã thực hiện đầy đủ pháp Trì giới ba-la-mật.

Bồ-tát Tuệ Nhãn nói:

–Như có các hàng thiện nam, thiện nữ thường tu tập pháp nhẫn nhục, có kẻ khinh mạn mình nhưng không hề dấy kiêu mạn, cũng không khởi niệm thấy có sự nhẫn nhục ấy, đó chính là đã thực hiện đầy đủ pháp Nhẫn nhục ba-la-mật. Hoặc có hàng thiện nam, thiện nữ dốc sức tinh tấn tu tập mười sáu hành của Bậc Giác Ngộ, nhưng không hề thấy có người tinh tấn tu tập ấy, đó chính là đã thực hiện đầy đủ pháp Tinh tấn ba-la-mật.

Bồ-tát Tuệ Nhãn bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Như có các hàng thiện nam, thiện nữ thâu phục tâm ý, nhập định nhận rõ ba thứ quán, nhưng không hề thấy có người thực hiện pháp định ý ấy với việc tâm thức đi đến vô lượng thế giới trong mười phương để kính lễ cúng dường chư Phật, quán hết thảy các pháp như huyễn hóa. Đó gọi là đã thực hiện đầy đủ pháp Thiền định ba-la-mật.

Bồ-tát Tuệ Nhãn bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Như các hàng thiện nam, thiện nữ nêu giảng thông suốt về pháp giới vô lượng của Như Lai, nhãn thức thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn, mỗi mỗi đều phân biệt thảy là không chốn có. Như tai nghe âm thanh biết rõ từ chốn nào đến, mũi ngửi mùi hương cũng rõ từ đâu lại, lưỡi nếm các vị cũng rõ từ nơi nào tới, mỗi mỗi đều phân biệt nhận rõ là không thực có. Tâm thức luôn nhận rõ các pháp thần túc vô lượng của Như Lai. Đó gọi là đã thực hiện đầy đủ pháp Trí tuệ ba-la-mật.

Bồ-tát Tuệ Nhãn bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Lại có pháp định ý tên là pháp môn Vô tận, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn Vô tận ấy thì có thể vượt qua hẳn ba thừa, thành tựu đạo quả Bồ-tát.

Lại có pháp môn Quan sát, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì có thể quan sát pháp giới không trụ ở Địa thứ hai.

Lại có pháp môn Sắc tượng, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn đó thì có thể thành tựu được Pháp tạng vô tận của Như Lai.

Lại có pháp môn Không thoái chuyển, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì có thể chuyển các pháp thanh tịnh không còn thấy có hình sắc nữa.

Lại có pháp môn Quảng tế, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì luôn giáo hóa cứu độ chúng sinh chẳng hề vì bản thân mình.

Lại có pháp môn Phật phổ tưởng, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ tuôn những trận mưa pháp cam lồ làm nhuần đượm hết thảy muôn loài.

Lại có pháp môn chư Phật cảnh giới, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn đó thì luôn thuyết giảng rõ các pháp về tánh chân như vi diệu.

Lại có pháp môn Hiệu giáo, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì có thể làm trang nghiêm quốc độ dẫn tới mọi thành tựu.

Lại có pháp môn Vô đẳng, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ phân biệt nhận rõ mọi nẻo diệu nghĩa thâm sâu của Như Lai.

Lại có pháp môn Pháp yếu, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì có thể nêu giảng thông suốt các pháp chẳng thể nghĩ bàn của Đức Như Lai.

Lại có pháp môn Thiện căn, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn đó thì sẽ phân biệt rõ các căn, hoàn toàn lìa bỏ năm đường.

Lại có pháp môn Ảo hóa, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ phân biệt nhận rõ được các pháp rộng lớn vô tận.

Lại có pháp môn Nhiếp hành, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ nhận rõ về cú nghĩa của các pháp không hình tượng.

Lại có pháp môn Xứng khả, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì liền có thể làm sung mãn các pháp hư tưởng.

Lại có pháp môn Nhất đắc ý, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì các căn lành được thuần thục, có được bốn pháp vô úy.

Lại có pháp môn Pháp hải, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì có được đầy đủ các nghiệp lành không hề rời tánh giác ngộ.

Lại có pháp môn Quang diễm, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ thể hiện khắp ánh sáng giác ngộ để diễn giảng chánh pháp vô tận.

Lại có pháp môn Thần túc, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn đó, thì sẽ du hóa rộng khắp các cõi nhưng không nhiễm đắm nơi ba đường.

Lại có pháp môn Nhật nguyệt quang minh, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì có thể soi sáng khắp các chốn khổ não để cứu độ chúng sinh.

Lại có pháp môn Vô sinh, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì có thể dùng phương tiện để dẫn dắt giáo hóa, đưa đến bờ bến giải thoát.

Lại có pháp môn Vô cực tuệ, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ vượt khỏi mọi ràng buộc trong ba cõi, cũng không còn thấy có sự hóa độ.

Lại có pháp môn Trí sinh, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì có thể thông tỏ nơi chốn quy hướng của các pháp.

Lại có pháp môn Vô trước, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ dùng ánh sáng trí tuệ xua trừ mọi nẻo tối tăm.

Lại có pháp môn Căn nguyên, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn Này thì sẽ nhận rõ bốn pháp với các hành chẳng thể nghĩ bàn.

Lại có pháp môn Nhân duyên, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ phân biệt nhận rõ về gốc của mười hai hành si mê lầm lạc.

Lại có pháp môn Đạo tuệ, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì luôn hội đủ pháp tánh của ba Bậc Như Lai.

Lại có pháp môn Nhẫn trí, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ an tọa nơi gốc cây Bồ-đề hàng phục các loài ma.

Lại có pháp môn Hoằng thệ, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì không hề lìa bỏ chúng sinh để chọn lấy sự diệt độ.

Lại có pháp môn Khổ hạnh, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ thể hiện nhiều thứ lương thực với đầy đủ các hành.

Lại có pháp môn Độc bộ, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ tự hiện bày các nét kỳ diệu đặc biệt không ai có thể sánh được.

Lại có pháp môn Tâm tịnh, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ dứt trừ tâm cấu uế, không còn nơi chốn nào làm cho nhiễm vướng.

Lại có pháp môn Cứu cánh, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ khiến cho mọi chúng sinh ra vào được nẻo chính yếu của đạo pháp.

Lại có pháp môn Vô dục, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì luôn dứt trừ mọi thứ tham đắm không còn tâm niệm nhiễm chấp.

Lại có pháp môn Pháp xứ, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì luôn biểu lộ lòng Từ bi đối với muôn loài, không rời bỏ nguyện gốc của mình.

Lại có pháp môn Đạo nghiệp, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ nhận rõ các căn đứng vững trên pháp con người.

Lại có pháp môn Tâm bất chuyển, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ khiến cho những người phát tâm Bồ-đề luôn được đứng vững không còn thoái chuyển.

Lại có pháp môn Pháp tạng, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì trí tuệ giác ngộ luôn được thanh tịnh, nhận lấy đạo quả chứng đạt được.

Lại có pháp môn Hóa đạo, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì luôn phát huy tâm vô sinh không còn thấy có sự chuyển biến trở lại.

Lại có pháp môn Pháp anh lạc, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì luôn có được quốc độ trang nghiêm, chúng sinh thanh tịnh.

Lại có pháp môn Thân ảo, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ hội nhập vào Pháp tạng sâu xa có được đủ bảy Giác ý.

Lại có pháp môn Vô úy, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ ở yên nơi các pháp để thuyết giảng về các hành của Bậc Giác Ngộ.

Lại có pháp môn Trừ cấu, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ luôn an định nơi các pháp không còn bị nhiễm đắm.

Lại có pháp môn Tịnh hành, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ nhận rõ ba nẻo Không, Vô tướng, Vô nguyện.

Lại có pháp môn Pháp thân, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ phân biệt rõ hết thảy các pháp hành không, dứt sạch nhiễm đắm.

Lại có pháp môn Pháp lực, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ có được trí tuệ lớn lao thấu tỏ cõi không vô lượng.

Lại có pháp môn Vô ngại, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì công việc diễn giảng truyền bá đạo pháp không hề bị ngăn ngại.

Lại có pháp môn Đại từ, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này sẽ khiến cho mọi người thấm đượm đạo từ bi dứt trừ vọng tưởng.

Lại có pháp môn Đại bi, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ cứu độ dứt sạch mọi khổ nạn, không hề dấy sinh phiền não.

Lại có pháp môn Hỷ tâm, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ xua trừ tâm giận dữ sân hận.

Lại có pháp môn Hộ (xả) tâm, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ nhận rõ các pháp bất nhị của bốn Thánh Đế.

Lại có pháp môn Quảng thí, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ dứt trừ ba tưởng không còn phân biệt tôi ta.

Lại có pháp môn Thần thông, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ du hóa đến khắp vô lượng thế giới trong mười phương.

Lại có pháp môn Vô tận, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này luôn nhận rõ diệu nghĩa cùng tu tập ba cú pháp.

Lại có pháp môn Thanh tịnh, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ dứt trừ hết mọi lỗi lầm của khẩu nghiệp không hề dấy mười nẻo ác.

Lại có pháp môn Thập lực, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì tâm được giữ vững như kim cương không gì có thể hủy hoại được.

Lại có pháp môn Vô lượng thiện căn, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì liền có thể đạt đầy đủ thần lực của Như Lai.

Lại có pháp môn Như Lai hành diệt, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì không còn dấy tưởng phân biệt tôi ta, ta, người, thọ mạng.

Lại có pháp môn Tức ý, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ vĩnh viễn dứt trừ mọi khổ của chúng lão bệnh tử.

Lại có pháp môn Tăng ích, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì các công đức tốt đẹp ngày một tăng trưởng.

Lại có pháp môn Hoan hỷ, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ khiến cho những người khao khát ngưỡng mộ chánh pháp có được dồi dào pháp bảo.

Lại có pháp môn Vô nộ, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ dứt trừ tâm vướng mắc tham chấp, không còn dấy các tưởng điên đảo.

Lại có pháp môn Hy vọng, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ giúp cho chúng sinh thành tựu được hành gốc của ba pháp.

Lại có pháp môn Vô niệm, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ khiến cho hết thảy chúng sinh dứt niệm về ba độc.

Lại có pháp môn Pháp nghĩa, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ làm phát sinh các pháp luôn theo đúng thứ lớp.

Lại có pháp môn Tốc tật, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ nhận rõ cội nguồn, thực hiện thành tựu đúng theo nẻo đạo.

Lại có pháp môn Tư duy, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ quan sát trong ngoài nhận rõ mọi thứ bất tịnh.

Lại có pháp môn Hương huân, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ tùy theo hình tướng mà giáo hóa thích hợp không còn thấy có người hóa độ.

Lại có pháp môn Hiểu liễu, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ phân biệt mọi âm hưởng để chọn lấy mà hóa độ.

Lại có pháp môn Vô ngã, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ lãnh hội thấu đáo các pháp là không không thực có.

Lại có pháp môn Thiện trụ, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì thệ nguyện lớn luôn được kiên cố, tâm không hề lay chuyển.

Lại có pháp môn Vô số thân, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy, mỗi mỗi đều phân biệt nhận rõ không còn thấy có giới hạn nơi chúng sinh.

Lại có pháp môn Thiện nhập, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì có thể hóa độ hết thảy chúng sinh cùng tiến đến hội nhập pháp luật.

Lại có pháp môn Pháp tự tại, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì có thể gánh vác mọi sự việc của chánh pháp, không hề cảm thấy hổ thẹn khi phải tham vấn những hàng thấp kém.

Lại có pháp môn Tịnh diệu, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì có thể du hóa đến khắp các cõi Phật, không chút khiếp nhược.

Lại có pháp môn Vô lữ, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này, tâm luôn tự an vui với cảnh tịch tĩnh không làm nhiễu hại người khác.

Lại có pháp môn Vô lượng công đức, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì quyến thuộc được thành tựu đông đúc, có được phước báo tốt đẹp.

Lại có pháp môn Phóng quang minh, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì có thể tỏa chiếu khắp mọi nơi chốn tối tăm.

Lại có pháp môn Vô khi, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy, thì mọi hành của khẩu nghiệp luôn được đầy đủ, không phạm bốn thứ lỗi lầm.

Lại có pháp môn Khuyến đức, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì luôn thương xót những hạng thua kém, ban phát các pháp dứt sinh tử.

Lại có pháp môn Y bằng, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ khiến cho mọi chúng sinh nhận ra nẻo hướng về.

Lại có pháp môn Bạt tế, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì công đức luôn được tăng thêm, tâm thanh tịnh như hư không.

Lại có pháp môn Vô tế, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này thì không còn thấy có người được hóa độ thành tựu đạo quả.

Lại có pháp môn Đẳng hành, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ có được các thứ trí tuệ nhận rõ tính chất mênh mông không cùng tận.

Lại có pháp môn Bình đẳng, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn này, không hề thuyết giảng các đạo pháp với nhiều thứ thừa.

Lại có pháp môn Nhất ý, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì không còn thấy có người phát tâm dốc hướng về đạo.

Lại có pháp môn Hư không, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ nhập các pháp định, tâm ý luôn được tập trung, thu giữ.

Lại có pháp môn Nhiên xí, Đại Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ diễn giảng rộng khắp tất cả các pháp không cùng tận.

Lại có pháp môn Phân biệt pháp giới, Bồ-tát đạt được pháp môn này, mỗi mỗi phân biệt nhận rõ mọi nẻo hưng khởi của pháp giới.

Lại có pháp môn Việt cảnh giới, Bồ-tát đạt được pháp môn này sẽ luôn dốc tâm cứu giúp mọi kẻ mê lầm đưa họ đến bờ giác ngộ.

Lại có pháp môn Cứu cánh, Bồ-tát đạt được pháp môn này sẽ không còn thấy có nơi chốn chứa cất và làm phát sinh ra các pháp.

Lại có pháp môn Tịnh quán, Bồ-tát đạt được pháp môn ấy, chẳng còn thấy có chúng sinh nhận biết các pháp thanh tịnh.

Lại có pháp môn Mãn túc, Bồ-tát đạt được pháp môn này sẽ không còn lấy số lượng các kiếp cho là xa xôi đối với hiện tại.

Lại có pháp môn Xuất yếu, Bồ-tát đạt được pháp môn này sẽ thực hiện hết thảy các trí tuệ mà không hề dấy tưởng chấp về các pháp.

Lại có pháp môn Xuất sinh, Bồ-tát đạt được pháp môn này thì có thể làm phát sinh ý nghĩa thâm diệu của hết thảy các pháp.

Lại có pháp môn Lợi căn, Bồ-tát đạt được pháp môn này sẽ lãnh hội nhanh chóng nẻo hướng tới đạo, đứng vững không hề thoái chuyển.

Lại có pháp môn Thứ đệ, Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ dốc tu tập các pháp, không làm mất những điểm cốt yếu từ gốc.

Lại có pháp môn Pháp tướng, Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ phân biệt nhận rõ mỗi mỗi hình tướng của các pháp.

Lại có pháp môn Vô hình tướng, Bồ-tát đạt được pháp môn này thì đối với hết thảy các pháp như luôn hiện có trước mắt.

Lại có pháp môn Kiếp số, Bồ-tát đạt được pháp môn này, thì sẽ dốc chấp nhận khổ hạnh không xa lìa sinh tử.

Lại có pháp môn Đạo hành, Bồ-tát đạt được pháp môn này, thì sẽ tư duy về năm hành quán tưởng các pháp bất tịnh.

Lại có pháp môn Thâm nhập, Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ hội nhập vào diệu nghĩa sâu xa của Pháp bảo vô tận.

Lại có pháp môn Hóa đạo, Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ dốc tâm nuôi dưỡng hết thảy các loài chúng sinh.

Lại có pháp môn Lai vãng, Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ dốc sức giáo hóa chúng sinh khắp mọi nơi chốn không hề biếng trễ.

Lại có pháp môn Thành tựu, Bồ-tát đạt được pháp môn này thì đạo quả được thành thục không rời bỏ năm nẻo luân hồi.

Lại có pháp môn Triệt chiếu, Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ dốc tâm ý thực hiện các pháp định dứt sạch hết mọi tưởng chấp.

Lại có pháp môn Vô lượng, Bồ-tát đạt được pháp môn này thì chốn hành hóa các pháp thật chẳng thể nghĩ bàn.

Lại có pháp môn Như Lai thiền định, Bồ-tát đạt được pháp môn này thì hiện tại sẽ dốc tu tập vô lượng các hành không.

Lại có pháp môn Ưng hướng, Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ thực hiện đầy đủ các thệ nguyện, hoàn toàn dứt trừ mọi tưởng chấp.

Lại có pháp môn Biến hóa, Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ phân thân biến hóa nhiều hình tướng theo sở nguyện độ sinh của mình.

Lại có pháp môn Vô khuyết giảm, Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ dốc dứt trừ mọi vọng niệm nơi ý tưởng của chúng sinh.

Lại có pháp môn Thông đạt lai vãng, Bồ-tát đạt được pháp môn này thì nơi mỗi mỗi lỗ chân lông trên thân tướng đều hiện rõ thế giới chúng sinh.

Lại có pháp môn Vô hình, Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ giáo hóa pháp giới vô hình thanh tịnh.

Lại có pháp môn Vô ngại, Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ dốc khiến cho vô lượng chúng sinh xa lìa bốn nẻo vô thường.

Lại có pháp môn Khổ âm, Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ khiến cho mọi chúng sinh bị lôi cuốn trong vòng khổ não được vĩnh viễn xa lìa mọi thứ trói buộc tham đắm.

Lại có pháp môn Tập âm, Bồ-tát đạt được pháp môn này thì dốc khiến các chúng sinh bị trói buộc vướng chấp sẽ hoàn toàn lìa bỏ được mọi đầu mối của sự ràng buộc đó.

Lại có pháp môn Tận âm, Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì thì sẽ khiến cho chúng sinh còn trong vòng hữu tận đạt đến cảnh giới Niết-bàn Vô Tận.

Lại có pháp môn Đạo âm, Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ không hề dấy tâm với sáu mươi hai thứ phiền não cấu nhiễm.

Lại có pháp môn Uy nghi, Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì mọi nẻo sinh hoạt đi đứng tới lui không hề làm mất uy nghi phép tắc.

Lại có pháp môn Chân tánh, Bồ-tát đạt được pháp môn này thì luôn nhận biết rõ đám quyến thuộc không hành xử thấp hèn.

Lại có pháp môn Trực thị, Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì luôn phân biệt năm ấm để dốc hướng đến đạo pháp.

Lại có pháp môn Thiên hành, Bồ-tát đạt được pháp môn này, thì có thể đi đến các cõi trời người tu tập pháp gốc thanh tịnh.

Lại có pháp môn Nhân hành, Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ dễ dàng đi vào nơi chúng sinh cõi người, khuyến khích dẫn dắt để hóa độ họ.

Lại có pháp môn Súc sinh hành, Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ tùy theo hình tượng của đối tượng mà đi vào giáo hóa thảy khiến quy về nẻo đạo pháp.

Lại có pháp môn Ngạ quỷ, Bồ-tát đạt được pháp môn này thì sẽ khuyến dẫn đối tượng dứt trừ tham lam, lìa bỏ mọi mong cầu.

Lại có pháp môn Địa ngục, Bồ-tát đạt được pháp môn ấy thì sẽ hiện thân vào cõi đó để hóa độ khiến họ đều phát tâm hướng về nẻo thiện.

Bấy giờ Bồ-tát Tuệ Nhãn, ở nơi trước Phật, bèn đọc bài tụng:

Dứt chấp, sạch mọi cấu
Không nhiễm nơi ba cõi
Hương đức tỏa khắp chốn
Pháp môn vô cùng tận.
Tám trăm hành sáu độ
Bậc Thế Hùng nêu rõ
Thấu đạt tâm chúng sinh
Ý hướng đều chẳng đồng.
Gốc các đức vô lượng
Quyền biến hiện thế gian
Khéo nêu bày chánh pháp
Vượt đến bờ giải thoát.
Hôm nay Bậc Đại Từ
Diễn giảng pháp vô cùng
Hằng sa Phật quá khứ
Thuyết giảng pháp như nay.
Tu năm đức nẻo phước
Hàng phục kẻ mê vọng
Sắc thân, vô thân báo
Chư Phật kho thâm diệu.
Vô báo chẳng Hữu báo
Tánh Niết-bàn tự không
Chúng sinh tự dấy niệm
Tâm giữ báo, vô báo.
Hành dứt tưởng phân biệt
Tư duy nẻo Như Lai
Chẳng sinh, chẳng vô sinh
Nên hợp đạo Bồ-tát.
Thuyết pháp chẳng có pháp
Cũng không tưởng chúng sinh
Tưởng lạc trừ tưởng khổ
Sinh diệt hằng tịch tĩnh.
Âm phước tự nhiên hợp
Như hư không rộng mở
Một niệm thành Chánh giác
Phước báo sắc hiện tại.
Vương thống lĩnh trời người
Chân lý không cùng tận
Nhập định hiện phi thường
Trọn quy gốc tịch diệt.
Tâm đạo chẳng ở trong
Cũng lại chẳng ở ngoài
Tưởng khổ từng ấy niệm
Mong rõ cội nguồn đạo.
Trăm ngàn định tư duy
Đời đời chưa hề dứt
Ý buộc nên tâm dừng
Tưởng loạn từ đâu dấy?
Bồ-tát nẻo hành hóa
Pháp môn đều không đồng
Như cầu pháp vô lượng
Nên nơi chúng sinh cầu.
Các pháp tự nhiên sinh
Nẻo tuệ không chất chứa
Tìm sinh gốc vô sinh
Nào có cội nguồn pháp.
Trí chứa qua trăm kiếp
Tu tuệ không lười trễ
Tám nẻo hành thành tựu
Nên hiệu Nhân Trung Tôn.
Hữu báo chẳng Hữu báo
Cũng chẳng tướng sắc thân
Dùng các trí trang nghiêm
Hiện thân hóa độ đời.
Trong ngoài ánh vàng ròng
Âm vang thật nhu hòa
Giáo pháp thuyết cứu đời
Người nghe thảy được độ.
Con như ánh đôm đốm
Tự chiếu tỏ ít nhiều
Phật nhật chiếu Đại Thiên
Chẳng còn nẻo tăm tối
Há đem chút sương mai
Tăng thêm nước sông biển!
Nương uy thần của Phật
Nên thuyết nẻo Bồ-tát
Bồ-tát phóng tuệ sáng
Trừ cõi tối muôn loài
Nhổ sạch gốc mê lầm
Đạo Thánh hiền trước mặt.