SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 25

Phẩm 29: ÁC HẠNH

Chớ làm điều ác

Hãy làm điều lành

Giữ ý thanh tịnh

Là lời Phật dạy.

Chớ làm điều ác: Chư Phật, Thế Tôn dạy người đời sau về đạo ba thừa. Không phải làm điều ác mà đạt được đạo, mà phải làm điều lành mới đạt được đạo mầu, cho nên nói: Chớ làm điều ác.

Hãy làm điều lành: Người tu hành tu mọi điều lành. Chỉ tự làm đẹp mình bằng cách thực hạnh đầy đủ các công đức. Thấy điều ác thì tránh, thường làm việc lành. Lành là dùng món thuốc hay Chỉ Quán mà chữa bệnh loạn tưởng, cho nên nói: Hãy làm điều lành.

Giữ ý thanh tịnh: Tâm là gốc mọi hành động, vời lấy nhiều gốc tội. Cả một trăm lẻ tám món kết sử cội gốc nặng nề khó thoát, chúng trói chặt tâm người. Dục, nộ, si lẫy lừng, kiêu mạn, bỏn sẻn, ganh ghét là các phiền não, khi mắc những thứ bệnh đó thì tâm bất tịnh. Người tu hành nắm chắc ý mình, tự rèn luyện tâm ý, không khởi loạn tưởng. Cứ thực hành như thế không ngừng nghỉ thì thành tựu gốc đạo, cho nên nói: Giữ ý thanh tịnh.

Là lời Phật dạy: Như Lai giảng dạy giới cấm khác nhau. Giới để xem xét thân, nhiếp phục tâm. Đức Phật ra đời này rất khó gặp, như hòa Ưu-đàm-bát ngàn muôn ức kiếp mới nở một lần. Cho nên Như Lai để lời răn dạy giáo hóa, các bậc Thánh nối nhau cho đến ngày nay. Không thể không tu giới cấm, bố thí không thể không làm. Ta thành Phật làm vua thế giới ba ngàn đều nhờ giới cấm, bố thí mà nên, cho nên nói: Là lời Phật dạy.

——————–

Bố thí được phước báo

Không có tâm giận dữ

Dùng lành dứt bỏ ác

Dục, nộ, si không còn.

Thuở xưa, em song sinh của ngài Mục-kiền-liên là người giàu có, nhiều tài sản vật quý, bảy báu đầy đủ. Vàng bạc, châu ngọc, xa cừ, mã não, chân châu, hổ phách, kho lẫm tràn đầy, kẻ ăn người ở nhiều không kể xiết. Khi ấy ngài Mục-liên đến nhà người em bảo:

–Nghe nói em là người bỏn sẻn, không thích bố thí. Đức Phật thường nói: Ai bố thí thì được phước báo vô lượng. Nay, em nên bố thí để hưởng phước vô lượng.

Nghe vậy, người em mở kho bố thí. Đồng thời cũng cất một kho mới để mong được quả báo tốt. Nhưng bố thí chưa đầy mười hôm thì của cải hết sạch. Kho cũ trống trơn, kho mới chẳng có gì.

Người em buồn khổ đến hỏi anh:

–Trước, nghe lời anh dạy bố thí thì được phước báo lớn, không dám trái lời, em đã bố thí hết của kho rồi. Mọi người nghèo thiếu đều được ban cho cùng khắp, nhưng tài sản vật báu không còn, kho cũ trống trơn, kho mới không có gì. Há không phải anh đã gieo nghi ngờ cho em sao?

Ngài Mục-liên nói:

–Thôi, thôi! Hỡi con người có dòng họ cao quý kia, đừng thở than kể lể, chớ để cho những kẻ dị học tà kiến nghe được những lời thô thiển ấy. Nếu phước đức mà có hình tướng thì cả không gian này cũng không chứa hết, giờ đây, ta tạm dung phương cách để chỉ cho em thấy quả báo nhiệm mầu. Nếu muốn thấy, hãy đi theo ta.

Khi ấy ngài Mục-liên dùng năng lực thần thông, nắm tay người em dẫn lên tầng trời thứ sáu. Ở đó có cung điện bằng bảy chất báu, trước sau có ao tắm, gió thoảng đưa hương. Kho tàng đầy ngập không thể kể xiết, ngọc nữ hầu hạ mấy ngàn muôn người.

Toàn là người nữ, không có nam giới, các cô gái này không có chồng. Người em thưa với Mục-liên:

–Vì sao cung điện nguy nga như thế, mà không thấy bong người nam nào hết, chỉ thuần là người nữ như thế?

Mục-liên đáp:

–Em hãy đến hỏi họ thì sẽ tự biết.

Ông liền đến hỏi:

–Các Thiên nữ nên biết, ta có điều muốn hỏi, xin nói cho ta biết.

Các Thiên nữ nói:

–Ông cần hỏi điều gì?

Người ấy hỏi:

–Vì sao cung điện do bảy báu hợp thành này, nguy nga lộng lẫy giữa trời, ai có công đức gì được hưởng phước ấy? Xin giải thích cho tôi để dứt hẳn thắc mắc.

Thiên nữa đáp:

–Ông có biết không? Chúng tôi ở đây đã nhiều năm rồi, được hưởng phước tự nhiên, không nơi nào hơn, ông muốn biết chồng của chúng tôi là ai thì hãy phát tâm bố thí. Giờ đây tôi xin nói cho biết: Cõi Diêm-phù-lợi, ở nước Ca-tỳ, vị đệ tử thần thông của Đức Phật Thích-ca tên là Mục-liên. Ông ấy có người em là một trưởng giả giàu có. Người em này ưa bố thí giúp kẻ nghèo nàn không thiếu sót ai. Sau khi chết, người ấy sẽ sinh lên đây để làm chồng chúng tôi. Cung điện bảy báu này và bọn chúng tôi đây chính là quả báo của sự bố thí.

Nghe vậy, người này vui mừng, liền sinh tâm lành. Ông trở về chỗ ngài Mục-liên kể hết sự việc.

Ngài Mục-liên bảo người em:

–Thế nào, con người thuộc dòng dõi cao quý kia, bố thí có quả báo hay không có quả báo?

Người em lấy làm hổ thẹn, xin sám hối. Khi trở về nhân gian, ông thực hành bố thí không ngừng nghỉ, cho nên nói: Bố thí được phước báo.

Không có tâm giận dữ: Người ta ngầm chứa chất độc bên trong, rình hại kẻ làm ác, phá rối người làm lành. Hạng người như vậy, chớ nên gần gũi họ, giống như tro phủ lửa, tuy mắt không thấy, nhưng đạp nhằm thì phỏng chân. Họ không giữ thân, ngang nhiên hủy phá giới cấm. Đời hiện tại chỉ sống theo ý mình, không hay sự thương tổn, sự thương tổn cho con người đã có từ xưa. Hoặc trước hiềm hận, hoặc chợt sinh giận dữ, chợt sinh giận dữ thì còn tha thứ được. Chứ kẻ trước ôm lòng hiềm thù thì không nên gần gũi họ. Vì sao? Bởi kẻ có âm mưu thì chắc chắn họ gây thương tổn ngay sau đó. Những người ngu mê cứ theo nhau và gây tai họa. Bên ngoài họ khoe khoang trắng trợn, bên trong âm mưu với nhau. Họ tâng bốc khen ngợi nhau, kết thành bạn ác. Không đạt ý muốn còn phải mất mạng, gia nghiệp tài sản đều sung công. Họ bị ai nấy ghét bỏ, không ưa nghe tên họ, cho nên nói: Không có tâm giận dữ.

Dùng lành dứt bỏ ác, dục, nộ, si không còn: Thiện là đạo phẩm của Hiền thánh. Nương vào đạo phẩm này thì giống như bốn dòng nước đã bị ngăn lấp, không còn lo sợ nữa. Diệt và vượt qua các thứ tà ác không để chúng sống lại nữa. Khi gặp tai họa nói ra lời độc ấy, dâm, nộ, si phát sinh. Nhổ bứt ba gốc ác, trồng ba nghiệp lành, ham tu, tâm kính tin tu hành đạo lý quán sát, bước vào bốn quả Thánh có khó gì? Cho nên nói: Dùng lành dứt bỏ ác, dục, nộ, si không còn.

———————

Riêng mình, chớ theo ngu

Kết bạn, theo người trí

Người trí dứt điều ác

Như ngỗng chọn sữa uống.

Riêng mình, chớ theo ngu: Riêng mình là ở một mình nơi thanh vắng, tâm không phân tán. Suy nghĩ gốc lành, buộc niệm trước mặt. Nếu muốn có bạn sống chung thì nên theo người lành, chớ theo kẻ ác, cho nên nói: Riêng mình, chớ theo ngu.

Kết bạn, theo người trí: ở thế gian có nhiều người kính mến bậc Hiền thánh cao thượng, luôn theo người có trí tuệ, giữ giới, tinh tấn, biện tài sâu sắc thì có khả năng giảng dạy đạo giáo không mệt mỏi, cho nên nói: Kết bạn, theo người trí.

Người trí dứt điều ác: Người có trí tuệ biết rõ chuyện xưa nay. Lời nói ra đều mang lợi ích cho người. Thế nên, đêm ngày chuyên chú suy nghĩ đạo mầu, tiếp nhận trí sáng. Khi nói năng dạy bảo phải bằng công đức lành, dứt bỏ các điều ác, cho nên nói: Người trí dứt điều ác.

Như ngỗng chọn sữa uống: Thuở xưa, có người bắt được nhiều ngỗng từ trứng mới nở, nuôi lớn dần. Lần hồi ngỗng sinh sản vô số. Cách nuôi ngỗng là hòa sữa với nước cho uống. Khi ăn, theo thói quen của nó là dùng mũi thổi cho nước qua một bên, còn lại chất sữa, bèn uống chất sữa ấy. Loài chim không có răng nhưng vẫn phân biệt, loại bỏ nước, chỉ uống sữa. Nay, các Tỳ-kheo có thể không được như vậy được sao? Nên lựa chọn điều lành, dứt bỏ điều ác, như ngỗng biết rõ ngon dở, cho nên nói: Như ngỗng chọn sữa mà uống.

——————-

Quán thế gian biến đổi

Biết dấu pháp sinh diệt

Hiền thánh không thích đời

Ngu không sống với hiền.

Quán thế gian biến đổi: Có ba thứ thế gian: Một là khí thế gian, hai là ấm thế gian, ba là chúng sinh thế gian.

Ba thứ thế gian này là căn nhà vững chắc để chứa bệnh. Trong ngoài vững chắc không có thuốc nào chữa khỏi. Bên trong thì bốn trăm lẻ bốn bệnh cùng lúc phát sinh. Bên ngoài thì những loài có chất độc như rắn rít trăm chân, bò cạp, sói, cọp cắn, mổ, chích. Nhiều thứ biến đổi, mỗi việc khác nhau. Các loại nước, lửa, giặc cướp, oán thù, thầm đến gây tổn hại, cho nên nói: Quán thế gian biến đổi.

Biết dấu pháp sinh diệt: Biết dấu sinh diệt có hai: Một là dấu kết sử, hai là dấu năm ấm. Ai diệt được hai thứ đó thì tương ưng với vô vi, cho nên nói: Biết dấu pháp sinh diệt.

Hiền thánh không thích đời, ngu không sống với hiền: Bậc Hiền thánh dứt hẳn các điều ác, không sống với kẻ tục. Chim hạc bay cao không ham thích gò nổng. Loài tinh tinh ưa sạch, không ở chuồng dơ. Bậc Thánh hiền cũng như vậy, không ở chung với kẻ tục để hưởng thú vui với họ. Kẻ ngu ưa điều ác, không sống với các bậc Hiền, cho nên nói: Hiền thánh không thích đời, ngu không sống với hiền.

——————–

Biết rõ vị niệm đãi

Suy nghĩ nghĩa dừng nghỉ

Không còn tưởng nóng, đói

Thì phải uống pháp vị.

Biết rõ vị niệm đãi: Trải qua vô số kiếp sinh tử cho đến nay, chưa từng được vị niệm đãi này. Trên thế gian có nhiều mùi vị ngon ngọt đặc biệt, như đường mía, nho tươi, những thứ như thế nhiều không kể hết. Thưởng thức bất cứ khi nào không hề thỏa mãn, nhưng không thể nhờ đó mà đạt được vô vi. Vị niệm đãi này miệng chưa hề nếm, một khi gặp được thì hoàn toàn không còn đói khát. Những vị khác cứ xoay vần trong sinh tử, rơi vào ba đường, muốn được thoát ra thật khó, cho nên nói: Biết rõ vị niệm đãi.

Suy nghĩ nghĩa dừng nghỉ: Người tu hành giữ ý chuyên nhất, lắng tâm thiền định, tâm nghĩ về pháp không hề lầm loạn, từ đầu đến cuối, không biết manh mối, cho nên nói: Suy nghĩ nghĩa dừng nghỉ.

Không còn tưởng nóng, đói: Tham dục nóng, tức giận là nóng, ngu si là nóng, đói khát là nóng. Nếu dứt trừ được cái nong đói khát này thật là việc rất khó, nếu uống hết nước bốn biển lớn mà mong hết khát là việc chưa từng thấy. Nhưng muốn dứt cơn khát kia, không bao giờ còn phát sinh nữa thì chỉ có tám vị giải thoát lắng trong, mới tiêu trừ được cái gốc của những sự đói khát, cho nên nói: Không còn tưởng nóng bức, đói khát.

Thì phải uống pháp vị: Trong các thứ bố thí thì pháp thí là hơn hết, trong các vị thì pháp vị là hơn hết. Ai được pháp vị này thì pháp thân họ không lìa gốc lành, dứt trừ các khổ đói khát của thế tục. Người muốn tu học để cầu giải thoát mà không được vị cam lộ chí yếu, lại ngồi không chẳng tu tập, không tự siêng năng mà muốn đạt đạo là việc rất khó, cho nên nói: Thì phải uống pháp vị.

——————-

Ai không hại tâm mình

Cũng không hủy ý chí

Dùng lành dứt hẳn ác

Không sợ đọa đường ác.

Ai không hại tâm mình, cũng không hủy ý chí: Người mới lập hạnh thì trước phải tu pháp lành. Ban đầu, ý còn do dự vừa tin, vừa không tin. Ý mạnh mẽ nên khi nghe liền tin hiểu, còn ý nghi ngờ thì không đạt được pháp, người ấy chắc chắn phải trải qua sinh tử, ức Phật qua đi cũng không mong gì được độ. Nếu không làm hại tâm mình, không hủy ý chí mình thì muốn được chí đạo là việc rất dễ, người muốn tu học mà chuyên tâm nhiếp ý thì đạt kết quả. Như người ít học nghe người kia có pháp, bèn đi đến đó tham học, nhưng giữa đường gặp nhiều hoạn nạn, không thể vượt qua được.

Nhưng người này một lòng nhớ nghĩ người kia thì thân tâm thong đạt nhau. Vì sao? Vì người kia đã có thần thông, tâm niệm và than hình theo nhau, cho nên nói: Ai không hại tâm mình, cũng không hủy ý chí.

Dùng lành dứt hẳn ác, không sợ đọa đường ác: Người tu hành tôn sùng đạo nghiệp, thấy được cội gốc thế tục thì mọi chuyện hiện ra trước mắt, dù có căn lành thì đó cũng là hạnh hữu lậu của thế tục, nếu không khởi ý tưởng đắm nhiễm mà cầu pháp tu cao hơn thì người ấy không bao giờ sợ đọa vào đường ác, cho nên nói: Dùng lành dứt hẳn ác, không sợ đọa đường ác.

——————-

Người muốn luyện tinh thần

Cần phải thường tu sửa

Người trí dễ khắc điểm

Gọi người hùng trên đời

Nếu gần gũi người ấy

An ổn, không lo buồn.

Người muốn luyện tinh thần, cần phải thường tu sửa: Người học đạo lâu ngày thì bên ngoài có vẻ tầm thường ngờ nghệch nhưng bên trong thì đạo lực vững vàng. Hoặc có người ẩn tu nơi núi rừng, hoặc có người giả điên khùng đi khắp nơi. Hành động dù khác nhau nhưng tâm cứu đời thì như nhau. Ấy là không quan tâm đến hình tướng bên ngoài, là luyện thuần tinh thần định ý, không lầm lẫn. Người tu hành quyền hiện thiên biến vạn hóa, mục đích là tìm cách dẫn dắt chúng sinh đến ngôi nhà Trăm luyện. Nhà ở đây chỉ cho kinh thành vắng lặng vô vi Niết-bàn, cho nên nói: Người muốn luyện tinh thần, cần phải thường tu sửa.

Người trí dễ sửa đổi, gọi người hùng trên đời: Người có căn tánh bén nhạy, lanh lợi, nói ra là thành khuôn mẫu, chắc chắn muốn cho các chúng sinh được mình hóa độ có được bốn biện tài: luận nói thông thạo về ý nghĩa, luận nói thông thạo về pháp, luận nói thông thạo về sử dụng ngôn từ, luận nói thông thạo về ứng đối.

Hai thứ luận nói thông thạo về ý nghĩa và luận nói thông thạo về pháp thuộc về nội pháp. Còn hai thứ luận nói thông thạo về sử dụng ngôn từ, luận nói thông thạo về ứng đối thuộc về ngoại pháp, cho nên nói: Người trí dễ sửa đổi, gọi người hùng trên đời.

Nếu gần gũi người ấy, an ổn, không lo buồn: Người tu phải giữ gìn các oai nghi tới lui, qua lại. Nhờ vậy, không làm mất lễ tiết, như muôn hoa đua nở tỏa hương khắp miền. Người tu hành cũng giống như vậy, giới luật, học rộng, bố thí, các môn tổng trì, ý định, không loạn.

Nếu gần gũi những vị ấy thì không còn sai trái, nhờ đó đầy đủ Thánh vô lậu, cho nên nói: Nếu gần gũi người ấy, an ổn, không lo buồn.

——————–

Dứt bặt, không ai hơn

Mềm mỏng, không thô tháo

Thổi tan các pháp ác

Như gió thổi lá rụng.

Dứt bặt, không ai hơn, mềm mỏng không thô tháo: Các giác quan đầy đủ, lời nói ra chính đáng, không thô lỗ, oai nghi lễ tiết không để sơ mất. Người như vậy khó ai bằng, cũng không có ai hơn, cho nên nói: Dứt bặt, không ai hơn, mềm mỏng không thô tháo.

Thổi tan các pháp ác, như gió thổi lá rụng: Người tu hành giữ tâm vững vàng không động. Có lòng tin bền bỉ, không trái phạm mảy may, dứt bỏ các pháp ác, mỗi ngày một thêm điều lành. Ngày đêm thu nhiếp, không để bụi dính. Như sắt rỉ sét nhưng nhờ chà rửa mà sáng ra. Tâm người nhiều lớp bợn nhơ, phải dùng trí tuệ chiếu soi, cho nên nói: Thổi tan các pháp ác, như gió thổi lá rụng.

——————–

Vô cớ sợ người ấy

Hủy báng người thanh tịnh

Bỏ ác được sức mạnh

Gió thổi tan mây khói.

Vô cớ sợ người ấy, hủy báng người thanh tịnh: Người tu học thì việc trên hết là quét sạch bụi nhơ phiễn não. Người tu hành quét sạch bụi nhơ chỉ tu thanh tịnh công đức đầy đủ, sợ gì không đạt đạo.

Tâm không bỏn sẻn, ganh ghét, tôn sùng gốc đạo thì hoát nhiên tự ngộ. Đó là nhờ thông đạt thấu hiểu các yếu chỉ sâu kín. Người thanh tịnh không có kết sử. Kẻ ngu hủy báng cho là bất tịnh, hủy báng bậc Thánh hiền, phải chịu tội vô trạch, đó là do phước báo chứa nhóm mà có được, cho nên nói: Vô cớ sợ người ấy, hủy báng người thanh tịnh.

Bỏ ác được sức mạnh, gió thổi tan mây khói: Người đời ngu mê, họ cho ác là tốt. Do vậy, tội ác ngày càng chất cao như núi Thái, tạo tội địa ngục, ngạ quỷ, tạp súc sinh, cho nên nói: Bỏ ác được sức mạnh, gió thổi tan mây khói.

———————

Hành vi của người

Ai nấy tự biết

Người lành làm lành

Kẻ ác làm ác.

Hành vi của người, ai nấy tự biết: Người tu hành có nhiều chí hướng, điều gì ác thì tự biết là ác, điều gì thiện thì tự biết là thiện.

Làm thiện hay ác dù mình không tự biết thì vẫn mắc quả báo gấp nhiều lần hơn, làm lành được phước không bao giờ hết, làm ác mắc tội gấp nhiều lần hơn. Người thanh tịnh thì được quả báo thanh tịnh, người không thanh tịnh thì chịu quả báo không thanh tịnh. Khi sắp chết thì thiện ác rõ ràng, nếu Thánh thần đến rước thì thấy cung điện, nhà cửa, vườn hoa, ao tắm, thần thức không lầm lộn. Hoặc thấy y phục, đồ trang sức tự nhiên mặc vào người. Thiên nữ vây quanh cùng nhau vui chơi, lại ánh sáng chiếu soi không hề trở ngại.

Còn người chất chứa điều ác thì khi sắp chết thần thức rối loạn. Họ chỉ thấy lửa cháy bừng bừng với những gươm, kích, hoặc thấy chim cú rủ, chồn cáo, quỷ La-sát, yêu mị, cọp sói, thú dữ. Lại thấy núi đao rừng kiếm, gai gốc, hầm hố, quỷ dữ vây quanh, cho nên nói:

Người lành làm lành, kẻ ác làm ác.

——————–

Người nào làm ác

Sau chịu quả báo

Nếu không làm ác

Sau không lo gì.

Người nào làm ác sau chịu quả báo: Người làm ác tự vời lấy tai họa. Cha mẹ, anh em, thân tộc không thể chịu tội thay mình.

Chính mình không làm ác thì sau không mắc quả khổ. Người này, khi sinh ra là gặp thánh, hưởng phước. Cha mẹ, anh em cũng không thay mình hưởng vui. Ý tự trong sạch không hệ lụy đến người. Tự thực hành thanh tịnh thì tự mình được quả báo, cho nên nói: Người nào làm ác sau chịu quả báo, nếu không làm ác, sau không lo gì.

———————-

Biết mình tịnh, bất tịnh

Lo gì người khác tịnh

Người ngu không rèn luyện

Như sắt dùi kim cương.

Biết mình tịnh, bất tịnh, lo gì người khác tịnh: Tự mình thanh tịnh thì mới có thể khiến người khác thực hành thanh tịnh. Hạnh mình chưa hoàn toàn thì làm sao khiến người khác được hạnh thanh tịnh? Cho nên nói: Biết mình tịnh, bất tịnh, lo gì người khác tịnh.

Người ngu không rèn luyện, như sắt dùi kim cương: Việc mà người ngu làm thì cả ngày vẫn không hết. Một ngày tạo tội đọa lạc nhiều kiếp. Dù gặp Thánh hiền vẫn không được cứu độ. Như sắt dùi mà gặp kim cương thuần chất thì bỏ công mà không được gì, cho nên nói: Người ngu không rèn luyện, như sắt dùi kim cương.

———————-

Nếu mắt thấy không lệch

Người khôn tìm phương cách

Người trí khéo ở đời

Không làm các điều ác.

Nếu mắt thấy không lệch: Người tu hành thì quan trọng là tinh chuyên, nếu mắt thấy sắc, không sinh nhãn thức, dù xấu hay tốt, ý vẫn bình đẳng. Nếu thấy sắc đẹp, cũng không khởi tâm đắm nhiễm, nếu thấy người xấu cũng không buồn chán, cho nên nói:

Nếu mắt thấy không lệch.

Người khôn tìm phương cách: Mắt thấy sắc kia biết không phải chân thật, mà nó là pháp rồi sẽ bị tiêu diệt, dời đổi không dừng. Hễ có sống thì có chết, có thường thì có diệt. Kẻ ngu quen thói đắm nhiễm, bị người trí chê cười, cho nên nói: Người khôn tìm phương cách.

Người trí khéo ở đời, không làm các điều ác: Người trí khi dạy dỗ thì quyền biến hóa độ không phải chỉ có một cách, đề phòng điều ác vô hình, nuôi lớn phước đức tự nhiên, giữ hạnh không hệ lụy đến đời, lời nói không tổn thương hình chất, khi còn sống thì chu toàn, chưa được bao lâu, mà đời sống qua mau, như có điều hổ thẹn. Nhưng nếu được sống lâu, cũng không khoe khoang.

Khi còn sống trên đời cho đến khi chết, không hề làm điều ác nào, cho nên nói: Người trí khéo ở đời, không làm các điều ác.

——————–

Lái buôn sợ giữa đường

Bạn ít, hàng hóa nhiều

Vượt qua chỗ hiểm nạn

Lại lo xe gãy trục.

Lái buôn sợ giữa đường, bạn ít, hàng hóa nhiều: Thuở xưa, có rất nhiều người đi buôn, mạo hiểm vượt đường xa, họ đi qua cánh đồng hoang vắng đầy hiểm nạn, trên đường ấy có bọn cướp không thể nào tránh khỏi. Mang theo của cải vật báu mà không có tư lương, đồng bạn, lại cũng không có khí giới để phòng thân. Bạn ít mà của cải nhiều nên tâm rất lo sợ, tinh thần bấn loạn. Nhưng rồi có một người hiểu biết bảo các bạn:

–Anh em chớ sợ hãi, tôi sẽ tính kế để thoát khỏi nạn này. Nghe vậy những bạn kia bình tĩnh trở lại. Cho nên nói: Lái buôn sợ giữa đường, bạn ít, hàng hóa nhiều.

Vượt qua chỗ hiểm nạn, lại lo xe gãy trục: Đường đầy hiểm nạn lại không gặp bạn lành. Bỏ đường cái mà đi vào đường tắt nhỏ hẹp thì không đến nơi. Giữa đường gặp nạn hư xe, bạn đi trước không ngoái nhìn bạn theo sau, đành bỏ nhau. Do vậy, Đức Thế Tôn mượn chuyện này làm thí dụ để giúp cho người đời sau hiểu rõ tội phước. Người được hóa độ không còn chút trở ngại. Người giảng dạy không tốn công mình, cho nên nói: Vượt qua chỗ hiểm nạn, lại lo xe gãy trục.

——————–

Có thân không bị ghẻ

Không bị độc làm hại,

Độc làm gì được ghẻ,

Không ác nào không gây.

Như Điều-đạt ở tại thành La-duyệt, khởi tâm mưu hại Đức Phật, sau đó, sự vụ bại lộ, ai cũng biết.

Khi ấy, vua A-xà-thế nói với Điều-đạt:

–Ông nên ra khỏi nước, đừng sống ở đây nữa. Mười sáu nước lớn đều nghe biết việc ông làm. Họ hỏi tại sao ở đất nước này lại có Điều-đạt gây ra các tội ác, khởi tâm giết hại đối với Như Lai.

Nghe vậy, Điều-đạt buồn bã, trong lòng không yên, liền trở về quê cũ. Oán trước chưa tan lại bị lòng giận tức trói buộc. Ông đường đột vào nội cung của Bồ-tát, nói với bà Cù-di:

–Nay tôi suy tôn bà lên chức Đệ nhất phu nhân, không biết Thánh nữ có bằng lòng không?

Nghe xong, Cù-di bảo Điều-đạt:

–Trước hết, ta muốn nắm tay phải của cháu.

Điều-đạt liền đưa tay cho bà nắm thì xương cổ tay ông bị bể nát, năm ngón tay phún máu. Khi ấy Điều-đạt hôn mê hồi lâu mới tỉnh. Bà Cù-di bảo:

–Ngoài sức khỏe của Thái tử Tất-đạt thì không ai mạnh hơn ta. Nếu ta đấu vật với ngươi thì thân thể ngươi sẽ tan nát như cám bụi, như người lực sĩ với một ngón tay xô ngàn cây ngã, tha hồ bóp vụn ra, có khó gì?

Rồi Điều-đạt quay người bước vào cung điện, ngồi trên giường của Bồ-tát. Thấy vậy, cung nhân đều giận ghét. Họ liền chạy đến kéo ông ta khỏi giường, làm bị thương khoan bụng trái, không đi đứng được. Gia nhân bỏ ông lên xe chở về nhà ông.

Những người dòng họ Thích đều ghét ông, họ cùng đến nói với

Điều-đạt:

–Này Điều-đạt, ông nên sửa đổi, đến sám hối với Phật.

Nghe vậy, Điều-đạt thầm nghĩ ra kế độc, ông bí mật nhờ người làm móc sắt mà trên đầu tẩm thuốc độc. Bên ngoài ông tỏ vẻ mềm mỏng dễ thương, nhưng bên trong tâm vẫn tức giận. Khi ấy, Điều-đạt nhớ lời Phật nói: “Sa-môn Cù-đàm thường nói lời này: Có thân không bị ghẻ, không bị độc làm hại, độc làm gì được ghẻ, không ác nào không gây.” Bây giờ, ta nên đến đó, giả bộ sám hối, dùng móc sắt móc chân ông ta, chất độc lan qua máu thì chắc chắn ông ta sẽ chết. Gia nhân cho ông lên xe, đưa đến chỗ Phật.

Khi còn cách Thế tôn khoảng hai mươi mốt nhận thì ông bảo người hầu:

–Cho ta xuống đây, ta muốn đi bộ.

Ông liền bước xuống đất, lập tức, lửa từ dưới đất vọt lên bao kín thân, đưa ông vào ngục, cho nên nói: Có thân không bị ghẻ, không bị độc làm hại, độc làm gì được ghẻ, không ác nào không gây.

———————–

Nhiều người làm việc ác

Chắc chắn lụy đến thân

Khéo bố thí ân đức

Việc này thật khó làm.

Nhiều người làm việc ác, chắc chắn lụy đến thân: Ở đời có nhiều người làm điều ác, không hợp với Thánh đế. Họ làm nghề mổ heo, đánh cá, nuôi heo, nuôi gà, giăng bẫy để bắt hươu nai.

Làm giặc cướp giết hại, trói lại đem giao cho ngục tốt. Hay Chânđà- la làm những dây thòng lọng bắt chim bay. Các chúng sinh làm việc ác như vậy nhiều không kể xiết. Hạng người ấy vì thân mà gây họa. Sau khi chết, đọa vào địa ngục chịu khổ khó lường, cho nên nói: Nhiều người làm việc ác, chắc chắn lụy đến thân.

Khéo bố thí ân đức, việc này thật khó làm: Người nào tự quán sát thiện ác báo ứng đời trước đời sau, rộng bố thí cho kẻ nghèo, đem bố thí cho người, việc này thật khó, cho nên nói: Khéo bố thí ân đức, việc này thật khó làm.

———————-

Lành thay người tu thiện!

Hay lắm làm ác quá!

Người ác làm ác dễ

Người ác làm lành khó.

Lành thay người tu thiện: Người lành tu hạnh lành là lẽ tự nhiên, không nên gần gũi những người làm ác. Người làm lành được chư Phật che chở, các vị trời và con người ai cũng kính quý.

Đến nơi nào cũng không bao giờ xa lìa thiện tri thức. Cho nên nói: Lành thay người tu thiện.

Hay lắm làm ác quá: Người làm ác thì càng ngày càng tăng chứ không giảm, như cỏ dại không trồng vẫn tự mọc, dù cho dung cuốc giẫy sạch hết, nhưng chúng vẫn mọc lại không dứt, cho nên nói: Hay lắm làm ác quá.

Người ác làm ác dễ, người ác làm lành khó: Như hạng Chân-đà-la thường vác thây ma đem bỏ ngoài nghĩa địa, tâm thường vui thích, không chút sợ hãi. Lòng càng vui hơn, lấy đó làm vui. Như người coi ngục, giữ các gông xiềng, ngày đêm làm ác mà tự cho là cao quý. Các bậc Hiền thánh nhìn thấy các việc đó cho là đại họa.

Cũng như người đáng tội chết, lúc dẫn ra giữa chợ, thì mỗi bước đi của anh ta là đi gần đến cái chết. Ba cõi khổ sở, có gì mà ham thích? Cho nên nói: Người ác làm ác dễ, người ác làm lành khó.

———————-

Kẻ ngu cho mình đúng

Như ác chưa chín muồi

Khi ác thật chín muồi

Phải chịu mọi khổ não.

Kẻ ngu cho mình đúng, như ác chưa chín muồi: Người ngu tự nghĩ việc mình làm là đúng. Còn việc người làm là sai. Thấy ai làm lành thì ganh ghét. Khi gốc tội đã đủ, tâm si mê đã chín muồi thì sau đó mới biết việc mình làm là sai. Nay ta làm ác không phải cha mẹ ta làm, cũng không phải anh em dòng họ gây nên, khi chịu tội thì ăn năn không kịp. Không phải trời, không phải quỷ, không phải Sa-môn, Phạm chí gây ra. Nay ta tự biết cội gốc của tội thì trên không oán trời, dưới không trách đất, cam lòng chịu tội, không biết làm sao, cho nên nói: Kẻ ngu cho mình đúng, như ác chưa chin muồi.

Khi ác đã chín muồi, phải chịu mọi khổ não: Người chứa nhóm điều ác bị vào địa ngục chịu quả báo mười ba thứ lửa dữ bao quanh thân, chết rồi sống lại, muốn chết hẳn cũng không được, phải đền cho hết tội cũ không còn sót chút nào, rồi sau đó mới được ra khỏi địa ngục. Còn loài súc sinh thì bị ngu si che lấp, không biết chân đạo. Cổ sưng, cụp lưng, xỏ mũi, xiềng đầu, trói cột tay chân. Còn sinh vào ngạ quỷ thì lúc nào cũng đói khát, bụng như núi Thái nhưng cổ thì nhỏ như lỗ kim, thân cao bốn mươi dặm, trong gang tấc mà cách xa muôn ngàn. Nếu sinh lên làm người thì nghèo nàn khốn khổ, áo không đủ che thân, cơm không no bụng. Cho nên nói: Khi ác đã chín muồi, phải chịu mọi khổ não.

——————–

Người hiền thấy điều ác

Không bị ác bức ngặt

Nếu ác không chín muồi

Người ác xét điều ác.

Người hiền thấy điều ác, không bị ác bức ngặt: Người tu hành thấy ai làm ác thì thường xuyên quở trách, can ngăn, đó là việc làm không tốt, sẽ bị xoay vần trong sinh tử không biết ngày ra khỏi.

Gây ra cội gốc tội lỗi trong ba đường ác, cho nên nói: Người hiền thấy điều ác, không bị ác bức ngặt.

Nếu ác không chín muồi, người ác xét điều ác: Như người làm ác, sau đó sám hối rằng: “Ôi, việc ta làm là sai lầm, bị người ghét bỏ, nay việc ta làm là sai, chẳng lẽ ta cố chấp sai lầm của mình ư? Vậy thì từ nay sửa đổi, coi điều ác là nhơ bẩn”. Cho nên nói: Nếu ác không chín muồi, người ác xét điều ác.

—————————————————————————————–

Người hiền xét điều ác

Cho đến hiền chưa muồi

Nếu hiền đã chín muồi

Người hiền tự xét nhau.

Người hiền xét điều ác, cho đến hiền chưa muồi: Người hiền giữ giới, các công đức đầy đủ, học rộng, trí tuệ, nói năng không sơ hở. Lời nói ra mềm mỏng, thường thực hành chân thật. Thực hành bốn tâm vô lượng, thương xót tất cả mọi loài. Thấy mình có chút lỗi nhỏ liền lo sợ, huống chi là gây ra tội lớn, cho nên nói: Người hiền xét điều ác, cho đến hiền chưa muồi.

Nếu hiền đã chín muồi, người hiền tự xét nhau: Người hiền tự xét, tự quán tánh hạnh mình: Nay ta được cúng dường như vầy là bởi nhân tu đời trước học nhiều mà nên. Nếu đời trước không gieo trồng phước đức, ra ân bố đức thì ngày nay đâu được hưởng phước như vầy. Nếu ngày nay không cẩn thận thực hành lại những đức ấy thì thân đời sau không có phước nào để dựa nương. Rồi lại trôi lăn trong sinh tử, lại phải tìm cách chứa nhóm công hạnh, qua thời gian lâu mới thành tựu. Nỗi gian nan trong thế gian ấy không thể đo lường, không thể tính toán mà biết được. Chư Phật nhiều như số cát sông Hằng không thấy không nghe. Bởi việc làm của mình mà bị đọa, đến nay vẫn chưa thoát. Cho nên nói: Nếu hiền đã chín muồi, người hiền tự xét nhau.

—————————————————————————————–

Tuy người làm việc ác

Nhưng không phải thường làm

Ý không thích việc ác

Bởi biết ác là khổ.

Tuy người làm việc ác, nhưng không phải thường làm: Người làm việc ác thường biết sửa đổi.

Nếu chịu khổ trong ba đường tám nạn mà cầu ra khỏi cũng rất khó được. Thế nên, người trí chế ngự bằng giới cấm, phòng khi việc chưa xảy ra. Nếu bị quả báo thì cũng nhẹ.

Nếu đọa vào địa ngục nước sôi cũng nguội bớt, nước lạnh cũng bớt lạnh, chịu khổ không lâu. Đó là nhờ ăn năn, biết được gốc tội.

Nếu làm súc sinh thì mang vác không nặng, thường được ăn uống, không bị khổ đau. Nếu làm ngạ quỷ, ngạ quỷ có bốn loại, sinh làm ngạ quỷ cao quý, cơm áo tự nhiên.

Nếu được làm người thì giàu có sang trọng, không đói khát thiếu thốn. Nếu sinh lên cõi trời thì hưởng phước ít, khi ăn thì che miệng, thẹn mình ít phước, cho nên nói: Tuy người làm việc ác, nhưng không phải thường làm.

Ý không thích việc ác, bởi biết ác là khổ: Người tu học thấy việc ác thì tâm không ưa thích. Tự giữ gìn tâm ý không để phân tán.

Tội dù nhỏ nhặt nhưng quả báo lớn như núi Thái, đóm lửa dù nhỏ nhưng có thể đốt cháy núi rừng. Do vậy nên người trí thường lo liệu đề phòng, biết cội nguồn của tội ác là đầu mối của các khổ, cho nên nói: Ý không thích việc ác, bởi biết ác là khổ.

—————————————————————————————–

Nếu người làm việc phước

Thì nên làm thường xuyên

Tâm ưa thích việc phước

Khéo được hưởng phước báo.

Nếu người làm việc phước thì nên làm thường xuyên: Suốt đời người sở dĩ nghèo nàn là bởi đời trước bị mê lầm trong bỏn sẻn.

Cho nên bậc Thánh tùy từng loài mà dạy bảo: “Trước lấy bố thí làm đầu. Dù đang nghèo khó nhưng cũng phải bố thí ít nhiều để đền bù tội lỗi đời trước. Dù không có tiền của cũng nên ra sức làm việc, tu bổ đền miếu, giúp đỡ mọi người, không lúc nào để thiếu vắng việc làm phước. Nghĩ đến điều lành chỉ trong khoảnh khắc còn được như thế, huống là chính mình thực hành công đức.” Cho nên nói: Nếu người làm việc phước thì nên làm thường xuyên.

Tâm ưa thích việc phước, khéo được hưởng phước báo: Người tu phước thường được thấm nhuần. Thấy ai làm lành thì thay họ mừng vui, liền xuất tiền của khuyên người làm phước. Chính mình được phước tốt tiếng đồn xa. Ai thấy cũng vui mừng, đều sinh tâm kính mến. Sinh ra liền gặp Thánh hiền, không đọa vào tám chỗ không nhàn. Cho nên nói: Tâm ưa thích việc phước, khéo được hưởng phước báo.

—————————————————————————————–

Trước làm chủ tâm lành

Gìn giữ cội gốc ác

Do đó, tạo phước nghiệp

Tâm ưa thích việc ác.

Trước làm chủ tâm lành, gìn giữ cội gốc ác: Tâm lành đầy đủ, không để phân tán. Buộc niệm trước mặt như bưng chén dầu đầy. Phải luôn luôn chú tâm như tránh bọn cướp, lửa cháy. Nên dùng lý vô thường, khổ, không, vô ngã để dứt bỏ tâm dơ, tắm gội cho sạch sẽ, cho nên nói: Trước làm chủ tâm lành, gìn giữ cội gốc ác.

Do đó tạo phước nghiệp, tâm ưa thích việc ác: Người không làm lành để làm tư lương cho đời sau, thì khi chết sẽ bị lửa đốt thân, lúc nào cũng làm ác không tự sửa đổi. Cho nên nói: Do đó tạo phước nghiệp, tâm ưa thích việc ác.

—————————————————————————————–

Làm ác dù rất ít

Đời sau chịu khổ nhiều

Chịu quả báo vô biên

Như chất độc trong bụng.

Làm ác dù rất ít, đời sau chịu khổ nhiều: Tâm ý con người không vững vàng nên việc làm không thiện không ác, nhưng ít nhiều là tội hoặc biết hoặc không biết, nhưng đều phải chịu quả báo, không tránh khỏi oan đối. Không biết hổ thẹn, không cầu xuất ly để ra khỏi thế đạo. Cho nên nói: Làm ác dù rất ít, đời sau chịu khổ nhiều.

Chịu quả báo vô biên, như chất độc trong bụng: Có bao nhiêu bợn nhơ, bụi trần nhiễm tâm thì phải chịu tội vô biên. Hoặc xúc nhiễu người, khiến sinh ra việc làm ác, do đó tự vời lấy vô biên tội.

Hoặc chia lìa bà con, tranh chấp nhà cửa, có vô số các khổ não như vậy, cho nên nói: Chịu quả báo vô biên, như chất độc trong bụng.

—————————————————————————————–

Làm phước dù ít

Sau hưởng phước to

Được quả báo lớn

Như trồng có trái.

Làm phước dù ít, sau hưởng phước to: Người làm phước quan trọng ở chỗ phát tâm chứ không phải tài vật nhiều hay ít. Dù bố thí tài vật nhiều mà trong tâm tiếc rẻ thì sau này được phước không đáng kể. Bố thí tài vật dù ít nhưng tâm bình đẳng, vì khắp tất cả chứ không phải vì mình thì sau này hưởng phước không thể tính kể, cho nên nói: Làm phước dù ít, sau hưởng phước to.

Được quả báo lớn, như trồng có trái: Sau hưởng phước trời tự nhiên, nhan sắc ung dung tự tại, thường sinh ở kinh đô, không ở biên giới quê mùa. Nói năng không phật lòng ai. Tiền của dồi dào, không tâm ghét ganh. Nếu ở tại gia thì tu phước đức, họ hàng hòa thuận, còn nếu xuất gia dứt bỏ ân ái, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, học đạo gian khổ, dứt bỏ tâm mong cầu giàu sang danh vọng, tiếng tăm, diệt sạch hữu lậu, thành hạnh vô lậu, vượt thứ lớp chứng đạo, các công đức đầy đủ, phước tuệ tròn đầy, như nông phu gieo trồng được mùa thu hoạch; kho lẫm tràn đầy, lòng vui phơi phới, trong tâm hớn hở vì thấy công lao không luống uổng, cho nên nói:

Được quả báo lớn, như trồng cây có trái.

—————————————————————————————–

Không lỗi mà cố hại

Không giận mà cố lấn

Đối với mười phẩm xứ

Bèn thú hướng về đó.

Không lỗi mà cố hại, không giận mà cố lấn: Như có người không có tâm giận dữ, ganh ghét kiêu mạn, nhưng kẻ ngu si lại khởi tâm mưu hại người ấy. Chư Phật, Thế Tôn từ bi thương xót tất cả, thấy ai khổ thì đến cứu nạn, khởi tâm nghĩ nhớ đến các loài chúng sinh, như mẹ thương con. Cho nên nói: Không lỗi mà cố hại, không giận mà cố lấn.

Đối với mười phẩm xứ, bèn thú hướng về đó: Mười phẩm xứ là: 1. Không cứu; 2. Ngọn lửa; 3. Ngọn lửa lớn; 4. Sợi dây; 5. Kêu khóc; 6. Kêu khóc dữ dội; 7. Đẳng hại; 8. Đẳng mạng; 9. Súc sinh; 10. Ngạ quỷ. Nếu có chúng sinh tâm ác lẫy lừng sau khi chết, không rời khỏi mười nơi ấy. Cho nên nói: Đối với mười phẩm xứ, bèn thú hướng về đó.

—————————————————————————————–

Đau đớn nói lời thô

Thân này phải hư hoại

Các bệnh làm khốn đốn

Tâm loạn không yên định.

Bà con chia lìa nhau

Tài sản hao phí hết

Bị vua quan cướp lấy

Mong mỏi không mãn nguyện.

Lại còn vô số biến

Phải bị lửa thiêu đốt

Thân hoại, không trí tuệ

Cũng đến mười nơi kia.

Ba bài kệ trên đây, do chính Đức Như Lai nói ra. Ông Điều đạt dại khờ bảo vua A-xà-thế cho voi uống rượu say để nó giày đạp Ngài. Khi ấy, Thế Tôn liền nói bài kệ cho voi nghe như sau:

Làm ác chớ nói không

Làm hoài, nói không tội

Nơi khuất, nói không tội

Ấy đều có chứng nghiệm.

Việc làm ác của người ta có nặng nhẹ. Ý tưởng đầy ắp điều ác, không thể lìa bỏ, không tìm cách thoát ly, cất chứa giấu giếm, cũng không bày tỏ cho ai biết. Bởi vậy, Đức Thế Tôn dạy bảo người đời sau: Làm ác, chớ nói không, làm hoài, nói không tội, nơi vắng khuất, nói không tội, ấy đều có chứng nghiệm.

Người ta có ý tìm nơi khuất lấp để làm việc tội lỗi, thì đương thời có thể tránh khỏi mầm mống của sự phỉ báng, nhưng đời sau, chắc chắn không thoát khỏi quả báo, oan đối, cho nên nói: Nơi vắng khuất, nói không tội, ấy đều có chứng nghiệm.

—————————————————————————————–

Làm ác nói có lo

Làm hoài, cũng nói lo

Nơi khuất, cũng nói lo

Báo kia cũng có lo.

Người làm ác ban đầu ý lẫy lừng không tự biết. Lúc ấy tâm còn hăng hái bảo: Phải hành động như thế.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền dẫn một thí dụ, như lúc mặt trời mới lặn, núi sông cây cỏ mờ bóng dần dần, cho đến khi trời tối, ở đây những người mê chấp cũng giống như thế, thân và miệng gây ra các cội gốc bất thiện, đến ngày lâm chung thì tội ác kia càng tối tăm nặng nề, mỗi người đều tự mình dần dần đến chỗ tối tăm để chịu quả báo. Cho nên nói: Làm ác, nói có lo, làm hoài cũng nói lo, nơi khuất cũng nói lo, báo kia cũng có lo.

—————————————————————————————–

Đây lo, kia cũng lo

Làm ác cả hai lo

Kia lo, kia chịu báo

Thấy hành mới xét biết.

Đây lo, nghĩa là cái lo hiện tại; lo kia là cái lo đời sau. Đây lo là chỉ cho không chết, không qua đời; kia lo là đã chết, đã qua đời.

Cho nên nói: Đây lo, kia cũng lo, làm ác cả hai lo, kia lo kia chịu báo, thấy hành mới xét biết.

—————————————————————————————–

Đây vui, kia cũng vui

Làm phước, cả hai vui

Kia vui, kia được báo

Thấy hành, tự thanh tịnh.

Thuở xưa, vua Lưu Ly dấy binh đánh chiếm Ca-duy-la-kiệt (Ca-tỳ-la-vệ) giết hại nhân dân, bắt nhốt bảy ngàn người. Các bậc Thánh chứng đạo đều bị chôn chân, cho voi dữ chà đạp giết hại.

Nói lược việc ấy, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Vua Câu-tát-la lật lọng tráo trở, trái ngược với lời dạy của bậc Thánh, không hợp với đạo lý chân thật, nên gây ra tội lỗi nặng nề, vì thế cho nên bảy ngày sau, ông ta tự mắc quả báo; dòng vua nước Câu-tát-la tuyệt tự, không còn người nối dòng; lửa địa ngục Vô trạch cháy phừng, bao phủ vua và đám tùy tùng trong ấy. Tất cả những người ấy đều bị đọa vào địa ngục Vô trạch.

Vua Lưu Ly nghe nói vậy ngay trong ngày đó, vua vội vã cùng với bốn thứ binh và cung nhân thế nữ ra khỏi kinh thành để tránh tai họa. Ông đến sông Hằng, giăng buồm lên thuyền, cho là đã thoát nạn. Bấy giờ, lửa dữ từ địa ngục Vô gián cháy phừng tiếp lấy những người ấy, tất cả đều vào địa ngục, không ai thoát được.

Về chuyện trước khi đi lánh nạn, vua Lưu Ly kéo quân vào trong thành Xá-vệ. Từ xa ông nghe tiếng đàn ca xướng hát vui chơi năm thứ dục lạc. Ông hỏi các quan đứng hầu:

–Nhà ai mà tiếng ca hát vui chơi vang đến đây vậy?

Các quan thưa:

–Đó là tiếng âm nhạc vang lại từ nhà thái tử Kỳ-đầu.

Vua liền cho người đi mời thái tử Kỳ-đầu đến. Rồi vua bảo:

–Nay ta đi chinh phạt chiến đấu với giặc, lo nghĩ việc nước, vậy mà Kỳ-đầu vui chơi năm thức dục lạc. Nếu ta thua trận thì ông ta lên làm vua, chớ gì?

Thái tử Kỳ-đầu nghe vua gọi liền đến ngay. Vua bảo thái tử:

–Ta đi đánh giặc, tâm lo muôn việc. Còn ông ở nhà vui chơi năm thức dục lạc!

Dứt lời, vua rút gươm chém Kỳ-đầu, đem xác quăng đi. Sau khi chết, Kỳ-đầu sinh lên cõi trời. Trong khi đó, ở nội cung, các kỹ nữ vẫn vui chơi năm thứ dục lạc nào biết chủ mình đã bỏ mạng.

Khi ấy, trên cung trời, các thế nữ vẫn vây quanh Kỳ-đầu, cũng vui chơi năm thứ dục lạc với thái tử.

Khi ấy Đức Thế Tôn dùng Thiên nhãn nhìn thấy vương tử Kỳđầu hưởng phước báo cả hai nơi. Ngài liền ở trước đại chúng nói bài kệ:

Đây vui, kia cũng vui

Làm phước, cả hai vui

Kia vui, kia được báo

Thấy hành, tự thanh tịnh.

Khi ấy Đức Thế Tôn lại nói về vua Lưu Ly, bằng bài kệ:

Đây nấu, kia cũng nấu

Làm tội, cả hai nấu

Kia nấu, kia chịu báo

Thấy hành, tự nghiệm mình.

Khi ấy Đức Thế Tôn dùng Thiên nhãn thấy vua Lưu Ly đang ở trong địa ngục bị khảo tra đánh đập bằng roi gậy năm độc thật khổ sở. Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Làm phước, không làm ác

Bởi đời trước tu hành

Không hề sợ đường chết

Như thuyền lướt trên dòng.

Thuở xưa, khi Đức Phật chưa thành Đẳng Chánh Giác, Ngài còn là Bồ-tát hiệu là Nhất Thiết Thí, thuộc dòng Bà-la-môn. Khi ấy Bồ-tát tự trói mình, đến cung vua nước địch. Vua nước địch bảo:

“Nay nhà ngươi sợ ta”. Lúc ấy, Nhất Thiết Thí nói bài kệ:

Làm phước, không làm ác

Bởi đời trước tu hành

Không hề sợ đường chết

Như thuyền lướt trên dòng.

Thuở xưa, có loài quỷ ăn thịt người, quỷ này làm vua trên cõi người, ngày nào cũng nấu món thịt người cho vua ăn. Ông chinh phục chín mươi chín nước láng giềng, để cung cấp món ăn cho quỷ La-sát, đã có hai mươi mốt người bị đem làm thịt. Chín mươi chin vua mới thưa với vua La-sát rằng:

–Ở nước gần bên, có vị vua tên Thiện Túc ưa làm việc bố thí, tu hạnh Bồ-tát. Ai xin gì đều cho, không trái ý người xin. Nếu đại vương bắt được ông ấy, thì bọn tôi cam chịu chết, không còn tiếc hận trong muôn một.

Khi ấy vua người La-sát dẫn binh quỷ đến đó, rình chờ cơ hội ra tay. Khi đó thì vua Thiện Túc đang dạo chơi ở ao tắm trong vườn.

Có một vị Phạm chí, bỏ gia đình tu học theo ngoại đạo. Khi sắp lên đường, ông thưa với cha mẹ:

–Nay con xa nhà tìm bạn học hỏi, chưa biết khi nào về. Trong thời gian đó, nếu nhà có thiếu hụt thì hãy đến mượn nhà vua, khi con về sẽ trả lại.

Sau thời gian học xong, Phạm chí trở về nhà thì ông chỉ thấy nhà trống trơn, không một ai ở đó. Ông sang nhà bên cạnh hỏi:

–Ông biết cha mẹ, anh chị em tôi hiện giờ ở đâu không?

Người hàng xóm nói:

–Sau khi ông đi rồi thì tiền của vay mượn của vua, không đền trả đủ, nên cả nhà ông bị vua bắt nhốt vào ngục hết rồi. Muốn đến thăm, thì bây giờ đã đúng lúc.

Người này tự nghĩ: “Nhà nghèo mà gặp việc ngặt, lại không có của cải, nếu ta đến ngục thăm cha mẹ thì sẽ bị bắt giữ, cũng chịu đau khổ, không khỏi phép vua. Vậy ta phải ở ngoài cải trang, thay đổi y phục, lén đến xin bồi thường tài vật của quan, chắc sẽ được khỏi tội.” Người này lại nghĩ: “Ở nước bên cạnh, có vua Thiện Túc, tu hành đạo đức, tâm bố thí không bao giờ dứt, ta phải đến đó chí thành nói hết mọi chuyện, chắc sẽ được giúp đỡ, đủ tài vật bồi thường cho vua.” Người ấy liền đến vua Thiện Túc, xin cứu giúp. Nhà vua nói:

–Hay lắm! Ta sẽ giúp cho ngươi, nhưng đợi ta tắm xong, sẽ đem của bố thí cho ngươi hãy chờ một chút. Chớ lo, ta không nuốt lời đâu. Khi vừa đến ao thì nhà vua bị binh quỷ kia bắt được. Nhà vua ngó ngoái ra sau, buồn bã rơi lệ. Vua quỷ hỏi:

–Ta nghe nói ông là người nhân hòa bác ái, giúp đỡ không sót một ai, dù gặp nạn khốn đốn, sao ông lại buồn bã như vậy?

Vua trả lời:

–Ta cả đời thực hành bố thí, chưa bao giờ có sự hối tiếc. Vừa rồi, có ông Phạm chí nhờ ta giúp đỡ, đang đứng trong vườn kia. Ta đã hứa nhưng chưa kịp bố thí cho ông ta. Do vậy, nên ta buồn bã!

Vua quỷ thưa với vua Thiện túc:

–Vua giữ tâm thành tín, không hề bội tín. Vậy nay ta thả cho vua làm việc bố thí, xong rồi hãy trở lại đây. Nếu làm đúng vậy thì mới biết vua có giữ chữ tín hay không.

Vua Thiện Túc được trở về cung, bèn mở kho lấy của bố thí theo ý người kia. Rồi vua đến ngay chỗ vua quỷ đang đợi. Vua quỷ nói:

–Ông không sợ ta sao? Sao biết sẽ chết mà còn trở lại đây?

Vua Thiện Túc nói với vua quỷ bài kệ:

Làm phước không làm ác

Bởi đời trước tu hành

Không hề sợ đường chết

Như thuyền lướt trên dòng.

Nghe kệ xong, vua quỷ cảm thấy hổ thẹn, bèn sửa đổi tâm tánh và việc làm của mình, suy nghĩ phải tu pháp cội gốc lành. Vua quỷ liền nói với vua Thiện Túc:

–Nay ta nghe những điều ông nói, quả trong loài người khó có người như ông. Nay ta buông tha chín mươi chín vị vua kia. Ta sẽ xuống ngôi, xin Ngài hãy lên ngôi cai trị theo chánh pháp. Ta dẫn binh quỷ cùng về nước cũ, nếu ta được mạnh khỏe sẽ đến thăm Ngài.

Rồi hai bên chia tay nhau, mỗi người trở về nơi mình ở. Muôn dân vui mừng, đất nước sống trong sự thanh bình, cùng nhau thực hành mười điều lành, không làm mười điều ác. Vua Thiện Túc vẫn chứa nhóm công hạnh của mình không ngừng nghỉ. Sau này thành Phật dưới cây Bồ-đề. Ngài lại nói bài kệ:

Làm phước, không làm ác

Bởi đời trước tu hành

Không hề sợ đường chết

Như thuyền lướt trên dòng.