KINH ĐẠI BI
(ĐẠI AI KINH)
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 27: TÁN THÁN

Khi ấy, Bồ-tát Tổng Giáo Vương bạch Phật:

–Thật hy hữu! Thưa Thế Tôn! Chư Phật với oai lực thần diệu quyết định đạo Bồ-đề vô thượng, hiểu rõ mười hai pháp nhân duyên, thông đạt tất cả văn tự không thể nghĩ bàn. Hạnh Phật không ai sánh bằng, sáu tình không xâm nhập, kẻ chấp trước không thể hiểu nổi, Thanh văn, Duyên giác không thể làm được. Đó là hạnh Bồ-tát. Bồ-tát biết tất cả pháp bình đẳng như pháp giới, chẳng khác hư không; không vọng tưởng, không chấp trước, không mong cầu; khác với chung sinh; hiểu nhân duyên báo ứng, giảng thuyết các Ba-la-mật, đủ phương tiện, đạt tịch tĩnh, chứng thần thông, nhập pháp môn của Phật, không tạo tác, an định như hư không, không bè nhóm, không gì sánh kịp, bình đẳng trừ hai chấp như chư Phật, tu hạnh thanh tịnh, không chấp nơi văn tự, chỉ dẫn tất cả, giúp chúng tỏ ngộ, hiểu ngôn ngữ, không chấp chặt, phụng hành Tam bảo, giảng ba môn giải thoát, vượt ba cõi, thông ba pháp, tự tại, hiểu rõ phap của chư Phật, đủ trí Phật tạo lợi ích cho mọi loài, được chư Phật khen ngợi.

Thế Tôn! Thiện nam, tín nữ nào tin chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại nên giảng trí tuệ vô lượng cho chúng để chúng tin, phát tâm Bồ-đề vô thượng, bảo hộ chánh pháp, chúng nghe kinh này, thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết sẽ đạt vô lượng phước đức, hiểu kính Phật, đền ân Tam bảo.

Phật nói:

–Đúng thế! Đúng thế! Thiện nam! Với mắt Phật, ta biết phước đức của thiện nam, tín nữ cúng dường Phật mười phương bằng bảy báu không bằng phước đức của thiện tín nghe, thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết, thực hành kinh này.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ khen ngợi:

Ta dùng mắt Phật
Nhìn khắp tất cả
Cõi nước chư Phật
Người cúng dường Phật.
Vô số bảy báu
Phước đức lại ít
Người nghe kinh này
Phước đức nhiều hơn.
Vì là pháp khí
Chúng sinh nghe kinh
Vi diệu sâu xa
Chân chánh bậc nhất.
Thọ trì suy xét
Đọc tụng giảng thuyết
Công đức có được
Thật là tối thắng.
Thù thắng hơn trên
An trụ chánh pháp
Độ sinh bằng pháp
Không cầu cơm áo.
Vì thế cần tu
An trụ đúng pháp
Hiếu thuận Thế Tôn
Báo đền ân Phật.

Đức Thế Tôn lại hỏi đại chúng:

–Vị nào có thể bảo hộ chánh pháp vi diệu của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại. Sau khi ta diệt độ, truyền bá kinh này ở đời năm trược để chánh pháp trường tồn?

Nghe Phật hỏi, sáu vạn ức Bồ-tát cùng thưa:

Như Lai Thế Tôn
Chúng con xin nguyện
Bảo hộ chánh pháp
Khi Phật Niết-bàn.
Vô số ức kiếp
Chúng con lưu truyền
Giáo pháp chánh chân
Nơi đời vị lai.
Ngưỡng mong Như Lai
Thương xót gia hộ
Dùng sức oai thần
Giúp cho kinh này.
Được truyền rộng rãi
Ở đời mạt pháp
Chúng sinh hiện giờ
Đều tôn kính Phật.
Đầy đủ căn lành
Gieo trồng mầm đức
Tích lũy phước lành
Mong được nghe kinh.

Đức Thế Tôn nói:

Lời Thế Tôn thành thật
An trụ pháp Chân đế
Giảng diễn kinh pháp này
Bằng lòng tin chân thật.
Với tâm Bi vô lượng
Và tâm Từ vô biên
Thương xót mọi quần mê
Phật giảng kinh pháp này.
Thành tựu các công đức
Vượt trên các Hiền thánh
Trọn vẹn tất cả hạnh
Thuyết giảng kinh pháp này.
Hàng phục mọi quân ma
Trừ diệt các ngoại đạo
Đoạn trừ chấp sai lệch
Phật thuyết giảng kinh này.
Đế Thích, bốn Thiên vương
Phạm thiên, các trời khác
Trời, Rồng, Càn-thát-bà
Phật thương, giảng kinh này.
Từ dưới đất trên không
Chư Thiên và Quỷ thần
Đều nhờ oai thần Phật
Sẽ phụng trì kinh này.
Tu tập bốn Phạm hạnh
Trang nghiêm bằng bốn Đế
Bảo hộ tất cả cõi
Bằng kinh pháp vi diệu.
Hư không không hình sắc
Nhưng có thể hiện sắc
Kinh pháp của chư Phật
Không thể nào di chuyển.

Lúc đó, bốn Thiên vương đồng thanh thưa Phật:

Chúng con tin phụng kinh
Thần lực Phật gia hộ
Con cháu và quyến thuộc
Đều xin bảo hộ kinh.
Người thọ trì kinh này
Siêng năng tu hành đạo
Chúng con nguyện bảo vệ
Cung cấp mọi vật dụng.

Đế Thích thưa Phật:

Vì đền ân Thế Tôn
Con nguyện bảo hộ pháp
Kinh vi diệu sâu xa
Thực hành sẽ thành Phật.
Vì kính tin chư Phật
Con nguyện bảo hộ kinh
Giữ gìn kinh điển này
Thọ trì pháp chân chánh.

Thiên vương Phạm Tam Bát thưa:

Không buông lung phóng túng
Vượt tất cả các thừa
Đều là nhờ kinh này
Pháp thù diệu thâm áo.
Nguyện bỏ hoan lạc trời
Bảo hộ kinh pháp này
Nơi nào giảng kinh pháp
Xin đến để nghe học.

Thiên vương Đâu-suất thưa:

Bồ-tát cõi Đâu-suất
Một đời sẽ thành Phật
Khi thọ sinh vào đời
Phụng trì giảng kinh này.
Thế Tôn con xin nguyện
Bỏ diệu lạc cõi trời
Vào cõi Diêm-phù-đề
Để nghe học kinh này

Đạo sư Ma Tử thưa:

Đã đoạn hết nghiệp ma
Không tổn hại chánh pháp
Ai thọ trì kinh này
Đọc tụng đúng nghi thức.
Con nguyện xin bảo hộ
Kinh pháp của Như Lai
Giúp người ấy siêng năng
Trọn vẹn, không thiếu sót.

Ma Ba-tuần thưa:

Với tất cả chúng sinh
Con sẽ không não loạn
Ai thọ trì kinh này
Diệt trừ mọi dục trần.
Ma quân không tổn hại
Con xin nguyện bảo hộ
Người giảng thuyết kinh này
Chánh pháp của Như Lai.

Thiên tử Tu Thâm thưa:

Chánh pháp của Thế Tôn
Nêu rõ trong kinh này
Ai phụng trì kinh ấy
Là tôn phụng chư Phật.
Con nguyện vì chư Thiên
Khen ngợi kinh pháp này
Khuyến khích phát tâm đạo
Phụng hành như đã nghe.

Bồ-tát Di-lặc thưa:

Đầy đủ chí đạo lớn
Từ tâm không phụ thuộc
Bảo hộ tất cả pháp
Tự nguyện hành bố thí.
Con ở cõi Đâu-suất
Chỗ kiến lập của Phật
Kinh chánh tượng như thế
Sẽ khiến được truyền bá.

Tôn giả Đại Ca-diếp thưa:

Chúng con trí kém cỏi
Học pháp của Thanh văn
Xin tùy năng lực mình
Thọ trì pháp của Phật.
Ai thọ trì kinh này
Con xin đến bảo hộ
Ai thuyết giảng kinh này
Con xin đến tán thán.

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

Giáo pháp như hư không
Như Lai đã giảng dạy
Con xin nguyện bảo hộ
Phụng kính kinh pháp này.
Nếu có ai thọ trì
Kinh pháp vi diệu ấy
Sẽ ở đời vị lai
Bảo hộ tất cả chúng.

Tôn giả Mục-kiền-liên thưa:

Thế Tôn Đấng Tối Thượng
Thanh tịnh các chúng sinh
Thọ trì kinh điển này
Quán sát và phụng hành.
Trải trăm ngàn ức kiếp
Không đọa vào cõi ác
Được chư Phật thọ ký
Kế thừa pháp Như Lai.

Tôn giả A-nan thưa:

Con hầu bên cạnh Phật
Nghe vô số kinh pháp
Nhưng chưa từng được nghe
Kinh pháp vi diệu này.
Nay con được nghe học
Phật tự thân giảng dạy
Nguyện lưu truyền kinh này
Để cầu đạo Vô thượng.

Nghe vậy, Đức Thế Tôn khen ngợi các Bồ-tát, Thanh văn, Đế thích, Phạm thiên, chư Thiên, Rồng, Thần:

–Lành thay, lành thay! Các thiện tín! Các ông có thể bảo hộ, lưu truyền kinh pháp ấy. Một lần nữa Như Lai phó chúc kinh này cho các ông. Chúng sinh nào học pháp Đại thừa nhưng chưa đạt pháp nhẫn, nếu nghe, thọ trì, đọc tụng kinh này sẽ được gặp Phật, không bao lâu sẽ đạt đạo quả Bồ-đề vô thượng. Thanh văn thọ trì kinh này sẽ được ở trong hội chúng đầu tiên nơi Đức Phật Di-lặc. Duyên giác thọ trì kinh này thì dù la thời không Phật, vẫn thành tựu đạo Duyên giác. Phật giảng pháp này, có vô số chúng sinh phát tâm Bồ-đề vô thượng, vô số Bồ-tát đạt địa không thoái chuyển, vô lượng Bồ-tát đạt pháp Nhẫn vô sinh, vô số cõi nước chấn động đủ sáu cách, ánh sáng chiếu soi, hoa trời tự nhiên rải xuống cúng Phật. Các Bồ-tát đến từ mười phương đều tung rải hoa báu cúng dường Phật, phụng trì kinh này, nêu rõ công đức, thưa:

–Nhờ công đức vô lượng nên chúng con được đến đây, nghe kinh pháp nầy, chúng con nguyện làm mọi việc để Đức Thích-ca trụ mãi ở đời và kinh này được lưu truyền khắp cõi Diêm-phù-đề. Tỳkheo, Tỳ-kheo-ni, thiện nam, tín nữ nào thọ trì kinh này sẽ được bảo hộ, sẽ sống lâu, tạo lợi ích cho mọi loài.