KINH ĐẠI BI
(ĐẠI AI KINH)
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 8

Phẩm 24: QUÁ KHỨ

Phật nói:

–Thiện nam! Cách vô lượng vô số kiếp không thể nghĩ bàn ở thời quá khứ, có Đức Phật hiệu Ly Cấu Quang, là Đấng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sỹ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Cõi nước tên Thiện ly cấu, kiếp tên Chiếu minh. Cõi ấy thanh tịnh, mặt đất là lưu ly sáng như gương, đất đai bằng phẳng, có các hàng cây bảy báu; có hoa sen báu to bằng bánh xe, tươi đẹp ưa nhìn. Nhà cửa cung điện, tinh xá đều bằng vật báu. Cuộc sống của trời, người ở đây như cõi trời thứ sáu Tự tại thiên. Họ sống an nhàn, ít tham, sân, si, tự tại tịch tĩnh. Cõi này không có mặt trời mặt trăng, vì Đức Ly Cấu Quang luôn phóng ra ánh sáng soi chiếu khắp cõi nước, ngày đêm luôn sáng. Hoa sen khép biết trời tối, hoa sen nở biết trời sáng. Đức Ly Cấu Quang có tám trăm ức đệ tử Bồ-tát, vô số vô lượng Bồtát xuất gia, Bồ-tát tại gia phát tâm Bồ-đề vô thượng. Ở cõi này không có ngoại đạo hoặc các thừa pháp khác, chỉ có Đại thừa. Chúng sinh thuần tịnh, không thoái chhuyển. Đức Ly Cấu Quang giảng pháp không, vô tướng vô nguyện. Đức Phật thọ mạng nữa kiếp, chúng sinh ở cõi này được phân thành hai: Số ở dưới đất, cất nhà cửa trên đất là người, chúng ở trong hư không là trời. Cuộc sống của họ không khác nhau. Trời người ở đây một lòng phụng Phật, không có tà ý, tôn thọ kinh pháp Phật, tư duy pháp Phật. Cõi nầy không có người nữ, không có tội lỗi, không dục trần, chúng sinh ở đây chuyên học ba pháp: Giới, định, tuệ. Giới: Luôn tâm niệm tu tập trí tuệ, trừ các hành. Định: An trụ tâm ý, thành tựu thần thông. Trí: An trụ trí Ba-la-mật, đạt biện tài phân biệt. Thiện nam! Đó là pháp Ba-la-mật. Các Bồ-tát ở đây không thọ giới cấm, vì luôn thanh tịnh. Lúc ấy, Đức Thế Tôn giảng thuyết pháp vô thượng. Trong chúng Bồ-tát có Bồ-tát tên là Quang Thủ, rời tòa ngồi, trịch vai áo bên phải, quỳ sát gối phải, chắp tay bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Thế nào là Tổng trì? Bồ-tát an trụ Tổng trì nào để nghe hiểu tất cả pháp Phật và diễn thuyết cho chúng sinh?

Phật nói:

–Thiện nam! Bồ-tát an trụ nơi Tổng trì Bảo diệu sẽ làm được việc ấy.

Bồ-tát thưa:

–Xin Như Lai giảng rõ để chúng con lãnh hội, tu học thành tựu các Tổng trì.

Đức Phật Ly Cấu Quang liền nói kệ:

Đạt Tổng trì Bảo diệu
Cần trừ hết trần cấu
Vào dơ nhưng không nhiễm
Không nhiễm một pháp não.
Tâm tịch tĩnh, không chấp
Đạt Tổng trì Bảo diệu
Thành tựu Tổng trì này
Soi rọi khắp tất cả.
Thân, khẩu luôn thanh tịnh
Tâm sáng lìa nhiễm uế
Bình đẳng hành Từ bi
Là Tổng trì Bảo diệu.
Vượt thoát ba mươi hai
Trừ tất cả vọng tưởng
Lìa hy vọng mong cầu
Là Tổng trì Bảo diệu.
Mạnh mẽ đến các cõi
Đức lớn tựa hư không
Hiểu tất cả tịch tĩnh
Là Tổng trì Bảo diệu.
Không đoạn diệt Tam bảo
Trừ ba cấu ba đời
Khô cạn dòng khổ não
Là Tổng trì Bảo diệu.
Diệt tham dục, sân, si
Trừ trần lao nhơ uế
An tọa cội Bồ-đề
Là Tổng trì Bảo diệu.
Tất cả các âm thanh
Thượng trung hạ trong đời
Vào trong một âm thanh
Là Tổng trì Bảo diệu.
Siêng tu hiểu pháp mầu
Thông đạt các nghĩa câu
Không chấp ta hay người
Là Tổng trì Bảo diệu.
Trong biện tài phân biệt
An trụ nơi bốn đạo
Bốn thiên vang ba cõi
Là Tổng trì Bảo diệu.
Thông đạt nghĩa đệ nhất
Thọ bốn hạnh bình đẳng
Tu tập năm thần thông
Là Tổng trì Bảo diệu.
An trụ bốn Ý chỉ (bốn Niệm xứ)
Tùy thuận bốn Chánh cần
Phụng hành bốn Thần túc
Là Tổng trì Bảo diệu.
Vừa thọ trì năm Căn
Lại an lập năm Lực
Tu tập bảy Phần giác
Là Tổng trì Bảo diệu.
Thực hành tám Thánh đạo
Quán sát pháp tịch tĩnh
Thành tựu pháp giải thoát
Là Tổng trì Bảo diệu.
Thần thông đi các cõi
Tùy thuận đạo giải thoát
Trừ diệt mọi phiền não
Là Tổng trì Bảo diệu.
Soi sáng cả ba đời
Bằng hào quang tịch tĩnh
Mắt thanh tịnh chiếu soi
Là Tổng trì Bảo diệu.
Mắt tịnh là mắt pháp
Cũng là mắt Như Lai
Tịnh trần cấu, ma quân
Hủy hoại cả năm ấm.
Thanh tịnh các ma chết
Đủ oai lực trừ ma
An trụ Tổng trì này
Đi lại vô số cõi.
Gặp vô lượng Thế Tôn
Nghe hiểu kinh pháp Phật
Với oai lực Tổng trì
Nhớ rõ pháp đã nghe.
Phân biệt các nghĩa lý
Giảng thuyết cho trời, người
Với trí tuệ sáng soi
Hiểu rõ việc báo ứng.
Biết các pháp bằng tuệ
Trụ Tổng trì Bảo diệu
Biện tài không chướng ngại
Thành tựu ba mắt tịnh.
Trọn vẹn ba giải thoát
Tinh tấn trọn Tổng trì
Trong tất cả Tổng trì
Bảo diệu là hơn hết.
Thiền tọa và giải thoát
Thành tựu Đà-la-ni
An trụ trong thần thông
Nhờ thành tựu pháp này.
Như tất cả sông suối
Đều đổ về bien cả
Tổng trì này cũng vậy
Hàm chứa vô lượng pháp.
Thông hiểu mọi tâm ý
Thành tựu trí vô tận
Phước đức không bờ bến
Là nhờ sức Tổng trì.
Trọn vẹn các tướng tốt
Tánh trí đều thanh tịnh
Như ngọc sáng không vết
Là nhờ sức Tổng trì.
Thâm nhập tạng pháp mầu
Đạt pháp Nhẫn vô sinh
An trụ địa không thoái
Lúc giảng pháp Tổng trì.
Vô số các Bồ-tát
Cầu đạt đạo Bồ-đề Đã đạt
Tổng trì này Sẽ dễ thành quả Phật.
Các Đức Phật mười phương
Thuyết pháp vì chúng sinh
Người thành tựu Tổng trì
Đủ biện tài không ngại.
Biết căn tánh lòng tin
Tùy thuận mọi quần mê
Chưa đủ tài giảng thuyết
Nhưng khi đạt Tổng trì.
Sẽ giảng truyền chánh pháp
Độ trăm ngàn chúng sinh
An lập pháp Đại thừa
Kiên trụ Tổng trì này. Vô số na-do kiếp
Tán thán công đức đó
Không thể nào nói hết
Công dụng Tổng trì này.

Thiện nam! Đức Ly Cấu Quang nêu giảng Tổng trì này, có ba vạn hai ngàn Bồ-tát đạt Tổng trì. Bồ-tát Quang Thủ cũng đạt.

Thiện nam! Ông biết không, Bồ-tát Quang Thủ thời ấy nay chính là ông đây. Nhờ vậy Bồ-tát Tổng Giáo Vương hóa độ chúng sinh ở cõi ác, có thể thưa hỏi pháp nơi Như Lai, thông suốt câu nghĩa, không tâm do dự, trừ mọi nghi ngờ, giảng thuyết pháp mầu. Các ông hãy tự quán sát để thành tựu pháp Tổng trì này.