SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 22

Phẩm 26: THÂN (Gần gũi)

Không tin, tâm ganh ghét

Làm đôi bên tranh chấp

Điều người trí dứt bỏ

Ngu làm cho là vui.

Không tin, tâm ganh ghét, làm đôi bên tranh chấp: Người ta ở đời, lòng tin không vững chắc, lại cũng không tin Phật, Pháp, Tăng, Chân như, Tứ đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo thì dù tài sản chất chứa cao tới trời đi nữa vẫn không đáng nương cậy. Ngày lìa đời thì của cũng không mang theo được. Vì đời này không chịu bố thí, nên không làm được công đức gì. Rốt cuộc vẫn như cũ không có gì đổi mới. Như có loài chim chỉ ưa ăn thịt, trên núi có loại cây mà lá nó giống như màu thịt, nên ngày đêm con chim cứ rình chụp, nó ngóng cổ dài ra. Trên cây thì lá ấy giống thịt, nhưng lá vẫn là lá thôi. Con chim kia cứ bị mê lầm trói buộc không tự giác ngộ, nó cứ chờ mãi không thôi nên phải chết đói. Vì sao? Đều bởi tâm tham không chịu sửa đổi.

Nghe lời người này đi nói lại cho người kia, nghe lời người kia đi nói lại cho người này, khiến cho hai bên tranh chấp, làm cho mọi việc không thành tựu. Trong tâm ganh ghét sinh ra bụi nhơ, cho nên nói: Không tin, tâm ganh ghét, làm đôi bên tranh chấp.

Điều người trí dứt bỏ: Người trí biết lễ tiết nên xa lánh mọi hiềm nghi, không sống trong mê loạn, không gần gũi người ngu dù chỉ trong khoảnh khắc, huống gì là mãi sống gần với hạng người ấy? Người trí là người biết những việc xưa nay, hiểu rành mọi chuyện đề phòng khi chưa xảy ra. Mọi việc làm không sai trái, ý nghĩ và lời nói ăn khớp nhau, lời nói không mắc lỗi lầm. Biết rành nghĩa sâu kín, ý không lầm lẫn. Chỉ từ ý nghĩa một câu mà giảng nói truyền bá vô số những điều mà người không hiểu, cho nên nói: Điều người trí dứt bỏ.

Ngu làm cho là vui: Dù cho có người có tâm tốt khuyên răn dạy bảo cho người chưa hiểu biết tiến lên. Họ dùng chánh đạo dạy bảo cho thấy được cửa đạo, nhưng những người chưa hiểu biết này không nghe lời chỉ dạy mà còn nghi ngờ, chúng coi địa ngục là nhà ở tốt mà không hề suy nghĩ về gốc tai ương kiếp sau, nên làm điều ác, không làm việc lành. Bởi vậy mà lần hồi đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, cho nên nói: Ngu làm cho là vui.

———————-

Kính tin, không ganh ghét

Tinh tấn, tin, học rộng

Được người trí kính trọng

Hiền thánh cho là vui.

Kính tin, không ganh ghét: Như có người tin sâu Phật pháp, Thánh chúng, dốc lòng tin hiểu Khổ, Tập, Diệt, Đạo; không a dua, nịnh hót mà tâm ý mềm mỏng, thờ phụng cung kính các vị phạm hạnh, ngày lo siêng năng tụng tập, đêm thì kinh hành. Vị ấy chăm chú, tinh tấn nhưng không mất oai nghi, sắc mặt vui tươi hòa ái, trước cười sau nói, không làm thương tổn ý người khác, cho nên nói: Kính tin, không ganh ghét.

Tinh tấn, tin, học rộng: Người tu hành thì trên hết phải là tinh tấn, huống gì là người học rộng, thu thập sự thấy nghe sâu rộng về giới, tuệ, bố thí khắp cả. An ổn vô vi, chỗ nào cũng là đạo tràng. Giảng nói chỉ bày những điều mình biết cho người đến học, cho nên nói: Tinh tấn, tin, học rộng.

Được người trí kính trọng: Thường phải gần gũi học hỏi. Giới thân chưa vẹn toàn thì cố gắng cho vẹn toàn. Định thân, tuệ thân, kiến thân, kiến giải thoát thân chưa tròn đủ thì cố gắng làm cho tròn đủ, cho nên nói: Được người trí kính trọng.

Hiền thánh cho là vui: Người tu hành gần gũi bậc Hiền thánh, không nề gian lao khổ nhọc. Dù có gặp bảy ngàn ức tai nạn vẫn không màng thân mạng. Dù gặp khổ đến như vậy, vẫn không bị phân tâm cho nên nói: Hiền thánh cho là vui.

———————

Không gần các bạn xấu

Không gần người phi pháp

Gần gũi thiện tri thức

Thường được gặp chánh pháp.

Không gần các bạn xấu: Nếu người tu hành mà gặp các bạn xấu thì hành động xấu mỗi ngày gia tăng, đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Dù cho việc làm trước kia chân chánh, tâm ý trong sạch như tấm lụa trắng cũng bị nhuộm dơ bẩn. Nếu có người ưa thích chó, heo, dê, tâm không xa lìa thì chúng cũng mãi đeo đẳng bên mình, không rời. Điều mà heo, chó ưa thích thì trên hết là dọn hốt phân dơ, nhà xí chuồng heo là ao tắm của chúng, chúng dính đầy dơ bẩn. Gần gũi bạn xấu cũng giống như vậy. Đeo đẳng theo chúng thì không bao giờ được một điều lành, cho nên nói: Không gần các bạn xấu.

Không gần người phi pháp: Kẻ sống phi pháp thì có năm tội không cứu được là: Không giới luật, không niềm tin, không nghe chánh pháp, không có trí tuệ, không bố thí. Hạng người như vậy chớ nên gần gũi họ. Ai theo làm bạn với họ thì đọa vào đường ác, không đến cảnh giới tốt đẹp được, cho nên nói: Không gần người phi pháp.

Gần gũi thiện tri thức: Việc tu học mỗi ngày có kết quả mới, mở lời thì ôn hòa mềm mỏng, tương ứng với tâm ý. Có làm điều gì thì không tổn thương ý người khác. Cười trước khi nói, lời nói khớp nhau, cho nên nói: Gần gũi thiện tri thức.

Thường được gặp Chánh pháp: Gặp Chánh pháp chỉ cho gặp Phật, Bích-chi-phật, Thanh văn. Không có chúng sinh nào hơn Phật, ngoài Phật thì không ai hơn Bích-chi-phật, ngoài Bích-chi-phật thì không có chúng sinh nào hơn Thanh văn. Những ai có lòng tin đối với ba bậc ấy thì đạt đến chỗ rốt ráo, không rơi vào ba đường hiểm nạn, cho nên nói: Thường được gặp Chánh pháp.

———————

Đi đường phải đề phòng

Người giữ giới học rộng

Lo liệu vô số việc

Nghe lời dạy bảo hay

Đều phân biệt khác nhau

Đi đường phải đề phòng: Như nhiều người cùng đi trên đường phải đề phòng khi mở lời hỏi. Trong khoảng đồng trống có nhiều quỷ thần. Nếu nói những lời ác thì quỷ thần sẽ được dịp làm hại ta; còn nói những điều lành thì quỷ thần theo ủng hộ, nơi mình đến sẽ không gặp kẻ ác, cũng không gặp kẻ cướp, cho nên nói: Đi đường phải đề phòng.

Người giữ giới học rộng: Tin nhận lời Phật dạy, lấy tâm làm đầu. Như lời Phật dạy các thầy Tỳ-kheo là hãy tu Tam-muội, chánh thọ định ý. Dù đi hay ngồi cũng không để trái phạm lỗi lầm, sẽ được các vị trời, quỷ thần đến ủng hộ. Vì sao? Bởi biết vâng lời Phật dạy, cho nên nói: Người giữ giới học rộng.

Lo liệu vô số việc: Ngày đêm suy nghĩ, ngồi thiền tụng kinh, giữ giới, học rộng, bố thí. Cho nên nói: Lo liệu vô số việc.

Nghe lời dạy bảo hay, đều phân biệt khác nhau: Như người tu hành nghe lời dạy bảo hay thì tâm ý không lầm loạn. Các câu văn hợp nhau nên thành tựu các đạo quả: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Căn lành thêm nhiều, đến được đạo vô vi, cho nên nói: Nghe lời dạy bảo hay, đều phân biệt khác nhau.

———————

Gần xấu tự nhận chìm

Gần lành được tiếng khen

Người tốt thường tự tốt

Là nhờ thân chân chính.

Gần xấu tự nhận chìm: Như có người gần gũi bạn ác thì mỗi ngày một tổn giảm, không đến chỗ rốt ráo. Như giữa đêm chỉ có bóng tối, không có ánh sáng. Gần gũi bạn ác cũng giống như vậy, căn lành ngày một hao mòn, pháp ác ngày càng tăng, cho nên nói:

Gần kẻ xấu là tự nhận chìm.

Gần lành được tiếng khen: Những gì mà người cao thượng làm thì được khen ngợi. Như ngày trăng rằm, ánh sáng chiếu xa không chỗ nào không có ánh sáng. Người tu pháp lành cũng giống như vậy, tiếng tốt đồn xa, đâu đâu cũng biết, cho nên nói: Gần người lành được tiếng khen.

Người tốt thường tự tốt: Việc làm chuyên chánh, tu đạo Vô thượng. Như bậc Tu-đà-hoàn thì mong tu pháp Tư-đà-hàm, bậc Tư-đà-hàm thì mong tu pháp A-na-hàm. Bậc A-la-hán thì tự chuyển biến thêm nhiều các công đức lành, cho nên nói:

Người tốt thường tự tốt.

Là nhờ thân chân chánh: Phải tìm cách hay, làm các công đức trang nghiêm thân mình. Trong tâm muốn được tiếng khen đồn xa, muốn các vị trời và người đời kính trọng thì phải tự cẩn thận, chớ khởi phiền não mà giữ, cho nên nói: Là nhờ than chân chánh.

——————–

Người lành thì trọn lành

Đó do gần người lành

Trí tuệ là trên hết

Giữ giới thường vắng lặng.

Người lành thì trọn lành, đó do gần người lành: Người trí nương vào trí tuệ để thành đạo Thánh. Như vàng ròng tử ma trong ngoài tinh sạch, đúc thành món đồ gì đều được cả. Người trí cũng vậy, gần gũi Thánh hiền, để lại lời dạy cho đời được tồn tại mãi mãi, cho nên nói: Người lành thì trọn lành, đó do gần người lành.

Trí tuệ là trên hết, giữ giới thường vắng lặng: Người tu hành thì trước phải cầu pháp của bậc Thượng nhân, cho nên nói: Trí tuệ là trên hết, giữ giới thường vắng lặng.

———————-

Như cá sống nước đọng

Người tham liền bắt lấy

Ưa thích nào biết tanh

Gần ác cũng như thế.

Như cá sống nước đọng, người tham liền bắt lấy: Như có đàn cá tụ tập chỗ nước hôi hám, khó đến gần, người có tâm tham đắm không màng hôi thối, có thấy gì là dơ dáy đâu; kẻ ngu cố chấp cho là cá ngon lắm, không dè ăn lâu ngày có hại cho thân, mùi thối tỏa ra bên ngoài. Người quen sống với thói ác cũng giống như vậy.

Gần gũi người xấu ác thì ta thành kẻ xấu ác, căn lành hao mòn và hành động ác ngày càng thêm nhiều, cho nên nói: Như cá sống nước đọng, người tham liền bắt lấy, ưa thích nào biết tanh, gần ác cũng như thế.

———————

Cây Mật quỳ, lá Hoắc

Chúng sinh đi hái lấy

Xông lá, thơm bay xa

Gần lành cũng như thế.

Cây Mật quỳ, lá Hoắc, chúng sinh đi hái lấy: Như có người khéo xem xét, họ đi hái lá về, dù không đào được rễ nó, nhưng hái được lá thơm có mùi hương thơm ngát, dù cho để nơi nào, rồi đem chúng đi, chỗ ấy vẫn còn thơm mãi. Tu học với thiện tri thức, cũng giống như vậy. Công đức tốt để thành người ngày càng chứa nhóm lên nhiều, cho nên nói: Cây Mật quỳ, lá Hoắc, chúng sinh đi hái lấy, xông lá, mùi thơm bay xa, gần lành cũng như vậy.

———————-

Chính mình không làm ác

Mà gần gũi kẻ ác

Bị mọi người cười chê

Tiếng xấu ngày thêm nhiều.

Chính mình không làm ác, mà gần gũi kẻ ác: ở thế gian có nhiều người không làm những việc xấu như dâm dật, trộm cắp, tánh không uống rượu cờ bạc, ăn chơi, nhưng người ấy lại thường ngồi trong quán rượu, hoặc vào các động mãi dâm, hay ngồi trong nhà chứa bài bạc, người chủ trông thấy cho rằng: “Anh này muốn làm những việc không đúng pháp này, nhưng còn nhút nhát đó thôi.

Anh này trước kia rất trong sạch, sao bây giờ lại muốn làm những việc không đúng pháp này?” Tiếng xấu về anh, đồn vang khắp nơi.

Nhiều người truyền rao với nhau như vậy, họ chê bai, tiếng đồn xấu ngày càng thêm nhiều. Cho nên nói: Chính mình không làm ác, mà gần gũi kẻ ác, bị mọi người chê cười, tiếng xấu ngày them nhiều.

———————–

Thấy gì đáng học, học

Biết gì nên gần, gần

Tên độc nằm trong bao

Người tốt bị ô nhiễm

Người mạnh khỏe trừ dơ

Không làm bạn kẻ ác.

Thấy gì đáng học, học; biết gì nên gần, gần: Trên thế gian đời, có nhiều người chưa tự biết xét mình, ý không giữ chắc mà làm theo những việc ác; không được dạy bảo, nên thấy việc thì làm theo, thấy việc ác thì làm theo việc ác, thấy điều thiện thì làm theo điều thiện. Đem sự hiểu biết của mình mà chỉ dạy người khác. Tự thân không sửa đổi thì làm sao sửa đổi cho người. Giống như mũi tên độc làm ô nhiễm kẻ khác. Chính mình làm ác lại dạy người làm ác. Người trí quán sát những việc đó nên không bao giờ làm ác, cho nên nói: Thấy gì đáng học thì học, biết những gì nên gần thì gần, tên độc nằm trong bao, người tốt bị ô nhiễm, người mạnh khỏe trừ dơ, không làm bạn kẻ ác.

———————-

Cho nên biết quả báo

Người trí phân biệt rõ

Không đáng thân không làm

Nên làm theo người hiền

Tỳ-kheo thực hành đạo

Chịu khổ, dứt các lậu.

Cho nên biết quả báo, người trí phân biệt rõ: Chúng sinh tạo nghiệp khác nhau nên quả báo khác nhau, hoặc như cây Hấn tuy tầm thường nhưng dùng làm thuốc quý, hoặc như tội nặng nhưng dễ cứu. Chỉ có người tỉnh biết mới diệt trừ được. Những gì mà người trí làm thì tự xét rõ ràng, nếu có lỗi lầm thì tự sửa đổi. Như ngựa ương ngạnh thì phải đánh bằng roi, sau đó mới điều phục. Việc làm của

người trí cũng giống như vậy. Điều hiềm khích phát sinh thì tự hối hận không, cho nên nói: Bậc Thánh biết quả báo, người trí phân biệt rõ.

Không đáng thân không làm, nên làm theo người hiền: Không đáng thân là những việc làm phi nghĩa. Miệng luôn nói lời dạy bảo nhưng không bao giờ có ảnh hưởng tốt, đem đến việc ác cho người lấy đó làm thích thú. Những ai làm việc ác đó thì trôi lăn trong đêm dài sinh tử, chịu khổ vô lượng, thần thức điên đảo sai lầm, tâm ý bị phiền não nóng bức. Người hiền là bậc hiểu biết mọi việc, không còn lầm lạc điều gì, làm khuôn mẫu cho người, ăn nói thông thạo không lúng túng. Đem trí tuệ sang của mình mà chỉ bày cho chúng sinh. Ai nghe âm thanh ấy đều được độ thoát, cho nên nói: Không đáng thân không làm, nên làm theo người hiền.

Tỳ-kheo thực hành đạo, chịu khổ, dứt các lậu: Người tu hành giữ gìn tâm ý, các nghiệp lành đầy đủ, tám phẩm của bậc Hiền thánh, đạo Thánh của Như Lai là hạnh thường tu hành của chư Phật, Thế Tôn. Lại dùng pháp chịu đựng khổ đau của Hiền thánh để dứt các hữu lậu, trở thành vô lậu, cho nên nói: Tỳ-kheo thực hành đạo, chịu khổ, dứt các lậu.

———————–

Kẻ ngu dù cả đời

Thờ phụng người trí sáng

Vẫn không biết pháp chân

Như muỗng múc thức ăn.

Người ngu trên đời này, dù có ở chung với người trí trong trăm năm nhưng tâm ý họ mờ mịt, không biết đâu là pháp chân, thế nên bậc Thánh dùng cái muỗng để thí dụ, suốt ngày múc thức ăn, nhưng chính nó thì không biết mùi vị của thức ăn. Dụ cho kẻ ngu kia, dù được sống với Thánh hiền, nhưng tâm ý mê lầm, không đạt được chánh giáo. Sống tạm trên đời mà không có ích lợi gì, cho nên nói: Kẻ ngu dù cả đời thờ phụng người trí sáng, vẫn không biết pháp chân, như muỗng múc thức ăn.

————————

Người trí trong giây lát

Phụng thờ bậc Thánh hiền

Biết mỗi mỗi pháp chân

Như lưỡi biết các vị.

Người trí tu học, tâm ý lanh lợi, nghe một điều mà biết tới muôn điều, đoán trước những việc chưa xảy ra. Việc làm đúng lúc không hề lầm lẫn. Phân biệt mọi việc không lúng túng, như lưỡi nếm các vị ngọt, mặn, nhạt đều biết. Việc người tu học làm, tìm rõ gốc ngọn, biết rõ pháp trắng, pháp đen. Biết nguyên nhân vì sao sinh bệnh, biết nguyên nhân nhờ đâu hết bệnh, biết điều này điên đảo, điều kia không điên đảo, biết rõ hết tất cả để bốc thuốc Thánh, cho nên nói: Người trí trong giây lát phụng thờ bậc Thánh hiền, biết mỗi mỗi pháp chân, như lưỡi biết các vị.

Nói lược việc này, do người không có trí tuệ hiểu biết nên làm những việc của kẻ ngu; họ không có mắt nên gọi là người ngu; chỉ có người trí mới biết rõ việc ấy. Mắt chính là mắt của bậc Thánh hiền; chỉ có người trí mới có loại mắt ấy. Họ không biết pháp chân do Tam-da-tam-phật nói. Người không biết pháp chân, chính là kẻ ngu.

————————-

Người trí ngay một câu

Giảng nói hàng trăm nghĩa

Kẻ ngu tụng ngàn câu

Không hiểu nghĩa một câu.

Người trí ngay một câu, giảng nói hàng trăm nghĩa: Người trígiữ tâm thấu đạt rõ ràng đạo thuật, sống trong thiền cảnh không rối loạn để tinh luyện thần thức, đầy đủ bốn biện tài, dứt hẳn phiền não. Chỉ hỏi nghĩa một câu mà thấu nghĩa của trăm ngàn chương, cho nên nói: Người trí ngay một câu, giảng nói hàng trăm nghĩa.

Kẻ ngu tụng ngàn câu, không hiểu nghĩa một câu: Kẻ ngu tâm ý họ mê lầm từ tối đi vào tối, không thấy được ánh sáng rực rỡ, nên dù tụng ngàn chương vẫn không hiểu nghĩa một câu. Thế nên, người trí xa lánh họ, không làm việc với họ, cho nên nói: Kẻ ngu tụng ngàn câu, không hiểu nghĩa một câu.

———————–

Hiểu rành nghĩa một câu

Điều người trí tu học

Kẻ ngu thích xa lìa

Lời chân Phật nói ra.

Thuở xưa, có thầy Tỳ-kheo đến chỗ Phật, bạch:

–Cúi xin Đức Thế Tôn rủ lòng Từ bi thương xót chỉ dạy con những điều con chưa hiểu, mong Ngài nói pháp thích ứng với long người, để khi nghe pháp xong tâm ý con được bừng sáng mà được độ thoát.

Khi ấy Đức Thế Tôn lược nói nghĩa, bảo Tỳ-kheo ấy:

–Những gì không phải là thầy thì nên bỏ.

Vị Tỳ-kheo bạch Phật:

–Con đã hiểu.

Đức Phật hỏi vị Tỳ-kheo:

–Nghĩa mà Ta vừa nói, thầy hiểu ra sao?

Thầy Tỳ-kheo bạch:

–Sắc không phải là của ta, cho nên con bỏ nó.

Đức Phật bảo:

–Hay lắm! Đúng như lời thầy vừa nói.

Cho nên nói: Hiểu rành nghĩa một câu, điều người trí tu học.

Kẻ ngu thích xa lìa, lời chân Phật nói ra: Bậc Thánh ở đời dạy bảo chúng sinh bằng đại đạo bình đẳng. Nhưng kẻ ngu thì tâm mê, thần thức khó sửa đổi. Có kẻ thấy Như Lai thì lấy tay che mắt, hay có kẻ nghe pháp mà lỗ tai như bít. Hay có kẻ thấy dấu chân Như Lai có vết bánh xe tròn in trên đất thì họ dùng chân xóa đi.

Những hạng người như vậy là tội lỗi sâu dày vững chắc, khó thay đổi được. Chư Phật, Thế Tôn nhiều như số cát sông Hằng đời quá khứ đã nói pháp trong cảnh Vô dư. Nhưng hạng chúng sinh ấy giữ khư khư kiến chấp ngu si của mình lâu ngày, dù cho cam lộ rải xuống lan tràn, nhưng họ vẫn không thấy, không nghe. Chết than này, thọ thân khác, lăn lộn trong sinh tử, không lúc nào ra khỏi. Đó là do vô minh ngu hoặc trói buộc.

————————

Oán ghét có trí, thắng

Không theo nghĩa bạn thân

Kẻ ngu dạy điều trái

Dần đến đường địa ngục.

Oán ghét có trí, thắng: Người có tâm oán ghét nhưng tự biết lầm lỗi ấy, với bản tính sáng suốt, họ biết đề phòng những chuyện chưa xảy ra, thường tự nghĩ rằng: “Nếu giờ đây ta làm những việc không đúng pháp dù chỉ tự hại mình, không gây hại cho ai, nhưng chắc chắn vẫn có nhiều oán thù, suy nghĩ để báo thù thì sức ta không làm nổi. Biết phải làm sao? Chẳng bằng thực hành tâm Từ bi thì sẽ thắng được oán thù.” Cho nên nói: Oán ghét, nhưng có hiểu biết thì thắng.

Không theo nghĩa bạn thân: Người bạn thân mà tâm ý còn nghi ngờ, điên đảo, ý ưa thích dạy bảo mọi người cùng chung vui với họ, ghét thì cùng ghét, ưa thì cùng ưa, sau chịu quả báo đọa vào địa ngục, cho nên nói: Không theo nghĩa bạn thân, kẻ ngu dạy điều trái, dẫn đến đường địa ngục.

———————

Người ngu cho mình ngu

Nên biết đó người trí

Người ngu cho mình khôn

Là ngu nhất trong ngu.

Người ngu cho mình ngu, nên biết đó người trí: Người ngu tự suy nghĩ, ăn năn mình không bằng người, nghĩ rằng những việc ta làm thật không đúng pháp, gieo trồng các gốc tội, mở toang cửa địa ngục, đóng kín đường Niết-bàn, ngày đêm tha thiết tự trách: “Ngày nay ta sống trong đời bị các kết sử trói buộc, phiền não làm ô nhiễm, bỏ thân này thọ thân khác, cứ thế trôi lăn trong sinh tử, không ra khỏi ba cõi.” Nghĩ vậy nên tự ăn năn, quở trách đi tìm thầy tìm bạn, dần dần đến chỗ vô vi, cho nên nói: Người ngu cho mình ngu, nên biết đó người trí.

Người ngu cho mình khôn là ngu nhất trong ngu: Kẻ ngu ở trên đời thường tự khen ngợi mình, cho rằng: “Ta mới là tôn quý, còn kẻ khác không thông đạt bằng ta. Đời này và đời sau, không có tội gì cả. Sự hiểu biết của ta hiếm có trên đời”. Hạng ấy tự tán dương tên tuổi mình và bôi bác đức hạnh người khác. Họ nào biết nạn khổ trong sinh tử, chỉ tu hạnh phàm phu, cho nên nói: Người ngu cho mình khôn là kẻ ngu nhất trong những người ngu.

———————

Có người khen kẻ ngu

Chê bai người có trí

Chê trí, còn có hơn

Khen ngu không cao thượng.

Có người khen kẻ ngu: Việc làm của người ngu là được mọi người khen ngợi thì không hề phân biệt việc làm kia là cao quý hay thấp hèn, lành hay ác. Thế nên việc đáng lẽ khen thì lại đi chê trách, cho nên nói: Có người khen kẻ ngu.

Chê bai người có trí: Dù bị hủy báng nhưng người trí không buồn phiền, bởi tự biết quả báo do oan đối đời trước mà ra, cho nên nói: Chê bai người có trí, chê trí còn có hơn.

Khen ngu không cao thượng: Người ta sống trên đời này, kết thành phe nhóm ngu hoặc, nên hễ nghe ai khen họ thì họ vui mừng hớn hở, không kiềm chế được, không biết rằng lâu ngày có hại cho thân, cho nên nói: Khen ngu không cao thượng.

———————-

Chớ nghe người ngu nói

Chớ sống chung kẻ ngu

Với họ nhiều tai nạn

Như sống với kẻ thù.

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong thành La-duyệt-kỳ (Vương xá). Một hôm, Ngài cùng đi trên đường với thị giả A-nan. Khi thấy Điều-đạt từ phía trước đang đi lại, Đức Phật liền bảo A-nan:

–Chúng ta nên rẽ sang ngả khác, không nên gặp người ngu kia.

Tôn giả A-nan liền bạch Phật:

–Vì sao hôm nay Thế Tôn sợ gặp Điều-đạt này như vậy? Sao lại phải rẽ qua ngả khác?

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Ta tự nhớ lại thuở xưa, nhờ phước đức Ta đã tạo ra mà được thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác; Ta không thấy ma, hoặc các vị trời, ngoại đạo dị học, Sa-môn, Phạm chí nào có khả năng làm cho Như Lai sợ, việc ấy không bao giờ có. Khi Ta ngồi dưới cội Bồ-đề, các kết sử chưa dứt hết thì ác ma Ba-tuần sai mười tám bộ chúng, hiện ra đầu người mình thú, vượn khỉ, sư tử, cọp, rắn độc và mọi hình thù ghê rợn khác, rồi đẩy núi, phun lửa, mặc giáp sắt, quơ kiếm, dao, xà mâu cùng nhau gầm rống inh ỏi, như lấp kín trời đất.

Chúng cố làm cho Ta lo sợ. Nhưng Ta vẫn không hề làm lay động Ta dù một mảy lông, huống chi là bây giờ, Ta đã thành Chánh đẳng giác, là Bậc Tôn Quý trong ba cõi, lẽ nào lại sợ kẻ ngu Điều-đạt kia, việc ấy không bao giờ có.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Chớ nghe người ngu nói

Chớ sống chung kẻ ngu

Ở chung với người ngu

Như sống với kẻ thù

Nên lựa nơi ở riêng

Sống với người thân thiết.

Người ta ở trên đời này, nên sống chung với người có trí tuệ sáng suốt, ra thì hoan hỷ vào thì cùng vui. Đối đãi với nhau cung kính như cha mẹ, anh em không khác, giống như người thân, tâm ý khoan dung, nhờ cung kính nhau như vậy nên đều đến chỗ vô vi, cho nên nói: Nên chọn nơi ở riêng, sống với người thân thiết.

——————–

Nên thờ người học rộng

Và cả người giữ giới

Là bậc Thượng trong người

Như trăng giữa muôn sao.

Nên thờ người học rộng và cả người giữ giới: Người học rộng hiểu rõ thế gian vô thường, thấy suốt ba cõi, biết quả báo đời này, đời sau, tự biết các công đức đầy đủ, thường gần gũi bậc Hiền và người giữ giới đầy đủ, định đầy đủ, tuệ đầy đủ, giải thoát đầy đủ, giải thoát tri kiến đầy đủ. Cho nên nói: Nên thờ người học rộng và cả người giữ giới.

Là bậc Thượng trong người, như trăng giữa muôn sao: Năm phần pháp thân chưa đầy đủ phải cố gắng thực hành đầy đủ, là bậc tôn quý nhất trong đại chúng không ai sánh nổi, như trăng giữa muôn sao, ánh sáng soi chiếu khắp nơi, không có gì sánh bằng, cho nên nói: Là bậc thượng trong người, như trăng giữa muôn sao.