SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 22

Phẩm 25: NÓI RỘNG

Dù tụng ngàn chương

Không hiểu ích gì.

Thà hiểu một câu

Nghe xong chứng đạo.

Dù tụng ngàn chương, không hiểu ích gì: Người ta ở đời có nhiều người học cao học rộng mà không hiểu nghĩa lý. Lại cũng không hiểu nghĩa vị, nghĩa câu. Giống như có người vác nhiều cây cối đến trăm ngàn bó, rất cực nhọc, nhưng không biết dùng vào việc gì, cho nên nói: Dù tụng ngàn chương, không hiểu ích gì.

Thà hiểu một câu, nghe xong chứng đạo: Thuở xưa có người chứa nhiều tiền của, lúa thóc đầy bồ. Vì muốn đi xa nên bán lúa thóc ấy, đổi lấy vô lượng châu báu. Sau lại đổi châu báu ấy lấy nhiều bạc tốt, ý còn ngại nhiều nên đổi bạc tốt lấy vàng tử ma, ý vẫn còn ngại nhiều nên đổi vàng tốt lấy hạt châu ma-ni như ý. Khi vừa ý rồi thì so với trước khi đổi chẳng có khác gì. Ở đây cũng như thế, dù học nhiều nhưng một câu một chữ không hiểu, trong khi đó, chỉ cần hiểu một nghĩa là đạt kết quả, cho nên nói: Thà hiểu một câu, nghe xong chứng đạo.

———————–

Thuộc đến ngàn câu

Pháp nghĩa đầy đủ

Chẳng bằng một câu

Mà dứt tâm vọng.

Thuộc đến ngàn câu, pháp nghĩa đầy đủ: Phần nhiều người tu học hiểu được nghĩa vị nhưng không thể suy nghĩ chủ đích của nghĩa cho nên sai lầm, không đến chỗ rốt ráo, vì thế nên nói rằng:

Thuộc đến ngàn câu, pháp nghĩa đầy đủ.

Chẳng bằng một câu, mà dứt tâm vọng: ở thế gian có nhiều người học cao hiểu nhiều, có khả năng suy nghĩ một câu, hiểu trăm ngàn nghĩa, các nghĩa liền lạc nhau không mất đầu mối. Do vậy dần dần đạt đến đạo vô vi, cho nên nói: Chẳng bằng nghe một câu, mà dứt tâm vọng.

Lại nữa, dù sống trăm năm, nhưng hủy phá giới luật, tâm không yên định thì không bằng chỉ sống trong một ngày mà cúng dường người giữ giới.

Lại nữa, dù sống trăm năm, nhưng hủy phá giới luật thì mất ba việc: Ngồi thiền, tụng kinh, giúp đỡ người khác. Những hạng người ấy không nên gần gũi; hạng người ấy sống lâu trên đời chỉ để chứa nhóm vô lượng tội ác, chết đọa địa ngục chịu vô lượng khổ, như xe lửa nóng, lò nung, núi dao, rừng kiếm, súc sinh, ngạ quỷ cũng như vậy. Cho nên nói: Dù sống trăm năm, nhưng hủy giới luật, tâm không yên định.

Không bằng chỉ sống trong một ngày mà cúng dường người giữ giới là người giữ giới, tu hành định ý trong một ngày được vô số vô lượng công đức, không thể thí dụ so sánh. Người ấy sống lâu trên đời chứa nhóm vô lượng công đức. Nếu sinh lên cõi trời thì hưởng phước tự nhiên, cho nên nói: Không bằng chỉ sống một ngày mà cúng dường người giữ giới.

———————

Dù sống trăm năm

Nhưng không tuệ, định

Không bằng một ngày

Có định, tuệ sáng.

Dù sống trăm năm, nhưng không tuệ, định: ở đời có nhiều người không biết hổ thẹn, không khác gì lục súc như lạc đà, lừa, voi, ngựa, heo, chó… chúng sống không tôn ti trên dưới. Người không có trí tuệ được ví như các loài ấy. Kẻ ngu bị bao vây trong tối lăm, không thấy được ánh sáng, cho nên nói: Dù sống trăm năm nhưng không tuệ, định.

Không bằng một ngày, có định, tuệ sáng: Người có tuệ sang hiểu sâu pháp luật kinh điển, từ một câu cho đến cả ngàn nghĩa, suy nghĩ kỹ lưỡng không cho là khó, cho nên nói: Không bằng sống một ngày, có định, tuệ sáng.

——————–

Dù sống cả trăm năm

Biếng nhác, không tinh tấn

Không bằng sống một ngày

Siêng năng không hèn yếu.

Dù sống cả trăm năm, biếng nhác không tinh tấn: ở thế gian có người tâm thường biếng nhác nên mọi việc làm không thành tựu. Chính mình đã bị đọa lạc lại còn khiến cho kẻ khác chìm trong sinh tử. Kẻ tự nhận chìm thì mất năm phần pháp thân, không đến được đại đạo vô vi. Tự mình lầm đường lại dạy người làm cho họ chìm trong sinh tử. Nếu thọ nhận y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men trị bệnh của tín thí thì không thể tiêu hóa, từ khi sinh cho đến khi chết đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Dù được sinh làm người thì cũng sinh nơi biên địa, sinh ra không gặp Phật, dính mắc vào tám nạn như thế trí biện thông, … Vì sao? Vì do đời trước không chứa nhóm phước đức, cho nên nói: Dù sống cả trăm năm, biếng nhác không tinh tấn.

Không bằng sống một ngày, siêng năng không hèn yếu: ở thế gian có người tinh tấn mạnh mẽ hiểu thế gian là vô thường, than người khó được, Phật ra đời khó gặp, sinh ở trung tâm đất nước cũng khó được, các giác quan đầy đủ cũng khó được, xin làm Sa-môn trong pháp Thánh hiền cũng khó được nghe pháp chân thật, cũng không gặp người có trí tuệ. Người hiểu như vậy phải tinh tấn cầu đạo quả, đạt đến Niết-bàn, cũng không phải là điều khó. Nhờ tu tập đầy đủ nên người này sẽ thành tựu pháp thân vô lậu, cho nên  nói: Không bằng sống một ngày, siêng năng không hèn yếu.

————————

Dù sống cả trăm năm

Không biết việc sinh, diệt

Không bằng sống một ngày

Hiểu rõ việc sinh diệt.

Dù sống cả trăm năm, không biết việc sinh diệt: Người ta sống trên đời bị vô minh trói buộc, không thể mở ra được. Trong thời gian trăm năm ấy họ gây ra vô lượng tội, cũng không biết sinh là gì, diệt là gì, tuy được xuất gia học đạo, nhưng sống trong pháp của Như Lai mà không hiểu rõ pháp sinh diệt, vì vậy vẫn là phàm phu, không tới được vô vi, đó không phải là việc làm của Sa-môn Tỳ-kheo, xa lìa kho tang Như Lai, không gần được rương báu của Phật. Cho nên nói: Dù sống cả trăm năm, không biết việc sinh diệt.

Không bằng sống một ngày, hiểu rõ việc sinh diệt: Người ta sống ở đời quán sát các pháp tất cả đều luống dối. Sinh ra không biết tại sao sinh, diệt cũng không biết tại sao diệt. Nhưng nếu phân biệt rõ mỗi thứ thì hiểu được cội gốc, đến ngày lâm chung không còn lo lắng sợ hãi điều gì. Đối với nơi sẽ sinh về, thần thức không lầm lạc, gặp được Thánh hiền, nghe pháp được giải thoát, cho nên nói: Không bằng sống một ngày, hiểu rõ việc sinh diệt.

Tóm lại, quán sát sự khổ đau từ đâu sinh ra. Người ta ở đời nào biết bởi đâu có khổ, bởi đâu hết khổ. Tuy là Tỳ-kheo, nhưng không biết việc làm của Tỳ-kheo, cho nên nói: Quán sát sự khổ đau từ đâu sinh ra.

Nên quán sát hữu lậu hết: Người không biết rõ hữu lậu nên bị giam giữ mãi trong ba cõi, năm đường, trôi lăn trong sinh tử không lúc nào ra khỏi. Người trí tu tập quán sát hữu lậu này, biết từ đâu sinh ra và bằng cách nào để dứt bỏ nó; việc sinh ra biết từ đâu mà sinh; diệt biết từ đâu mà diệt thì sẽ dần dần đến cảnh giới Vô lậu.

Lại phải quán sát hành tích bất động. Nếu có người không đủ khả năng quán xét hành tích bất động nên tự mình bị rơi vào sinh tử. Tuy là Sa-môn nhưng không có hạnh Sa-môn, dù là Bà-la-môn nhưng không có hạnh Bà-la-môn. Bởi bốn việc nhân duyên nên tuy là pháp sâu kín nhưng nếu có người học quán sát biết rõ hành tích

bất động, thì tâm không lay động, cũng không dời đổi, dần dần tới được bến bờ vô vi.

Lại phải quán xét hành tích bất tử. Như người ta ở đời, không biết rõ sinh tử, nên họ chết là thần thức ra đi, gió tan lửa diệt, khiến cho linh hồn tan mất, thân thể cứng đơ, không còn gì ở trong ấy. Nhưng người học đạo tu tập, mặc ba pháp y cạo bỏ râu tóc, nhưng không thể quán sát chết thế nào là chết, sinh thế nào là sinh, cũng không thể tu phạm hạnh thanh tịnh. Hành tích bất tử nghĩa là Niết-bàn dứt hết phiền não, ấy là bước vào cõi vô vi, lặng lẽ vui sướng, không còn sinh, không còn già, không còn bệnh, không còn chết, cho nên nói phải quán xét hạnh bất tử.

Lại nữa, phải quán xét hành tích thanh tịnh, đạo là thanh tịnh không hề nhơ bẩn. Đạo này có công năng gột rửa nhơ bẩn, chứ không phải gom nhóm dơ bẩn.

Kế đến là người học phải suy xét bầu trời trên cao kia, pháp này, không phải là cái thấy biết từ chỗ nhìn quen của người đời, đối với tất cả các pháp cao thượng, tôn quý nhất, không gì sánh bằng, đó chính là Niết-bàn dứt hết phiền não.

Người tu hành quán xét cội gốc dấu vết cam lộ nên không còn ý tưởng đói khát, không còn ý tưởng nóng bức. Ai không thấy điều ấy thì mãi mãi rơi vào sinh tử, không đạt được bản tâm. Còn đối với người không đạt được vị cam lộ thì phước nghiệp đầy đủ, đem của mình thí cho người, không hề hối tiếc.

———————-

Dù sống đến trăm tuổi

Ở núi rừng, thờ lửa

Chẳng bằng trong khoảnh khắc

Giữ hạnh, tự tu hành.

Dù sống đến trăm tuổi, ở núi rừng, thờ lửa: Thuở xưa, có các Phạm chí khổ hạnh ép xác, họ sống ngoài đồng hoang hay núi sâu cúng tế thần lửa. Lúc nào cũng chiêm ngưỡng, lễ bái, không trái với nghi lễ thờ lửa. Họ lựa củi sạch, hoa trái tốt, đốt các loại hương thơm cúng dường, mong được ân phước. Khi ấy, các Phạm chí tự nghĩ lại: “Ta ở trong núi rừng tu luyện phép lạ, một lòng thờ thần lửa đã trăm năm rồi, nay đã đến lúc phải thử xem ân phước của thần lửa đến mức độ nào. Nếu thần lửa biết sự cúng thờ bấy lâu thì sẽ hiện ra cho thấy. Nếu không có ân phước thì cúng thờ làm gì cho mệt.” Khi ấy, vị Phạm chí tâm không nghĩ xa, ông đưa hai tay rờ lửa đang cháy phừng. Tay bị cháy, cánh tay đau nhức không thể diễn tả được. Ông thầm nghĩ: “Ta thờ cúng thần lửa đã ngần ấy năm, thật là vô cùng luống uổng. Thật, ta đã đem than này mà rước lấy tai họa khổ sở.”

Khi ấy, có thầy Tỳ-kheo tu đạo ở cách khu rừng đó không xa, bảo Phạm chí:

–Phạm chí nên biết, tính chất của lửa là nóng cháy chứ nào biết ân nuôi dưỡng cao thấp chi đâu. Nếu nay Phạm chí muốn học đạo thì tôi có vị thầy Thánh nhân là bậc tôn quý nhất trong ba cõi.

Khi Ngài đi thì như nhẹ bước trên hư không, không hề trở ngại, khi Ngài ngồi thì ánh sáng phát ra, soi khắp mười phương. Phạm chí hãy đến đó ra mắt Ngài, nếu ông nghe được pháp môn sâu kín thì từ bờ này sẽ đến bờ bên kia.

Vị Phạm chí nghe xong, tâm ý mở tỏ, liền được thầy Tỳ-kheo dẫn đến chỗ Đức Phật. Vị Phạm chí trán lạy sát chân Phật rồi ngồi qua một bên. Khi ấy Đức Thế Tôn quán sát Phạm chí này là người đáng được độ nên Ngài liền nói bài kệ giữa đại chúng:

Dù sống đến trăm tuổi

Ở núi rừng thờ lửa

Chẳng bằng trong khoảnh khắc

Giữ phạm hạnh tu hành.

Khi ấy tâm Phạm chí được rỗng rang giải thoát, các thứ bụi nhơ đều dứt sạch, được mắt pháp trong sạch. Đức Phật bảo Phạm chí:

–Ông ở chốn núi rừng cả trăm năm thờ cúng các thần chỉ luống công, không đến được chỗ rốt ráo. Giờ đây ông đã biết đâu là chân đạo thì chẳng bằng trong giây lát, chính mình giữ hạnh tu hành. Người ta ở đời cố giữ cái ngu cho đến chết không bỏ, thờ cúng thần lửa không tự tỉnh biết, cứ mãi ôm cái ngu đi vào bong tối, không thể tự sửa đổi. Nếu ai biết việc ấy không chân thật, thường suy nghĩ rằng: “Các thứ bệnh đang hành hạ kia từ đâu tới và nó đi về đâu? Tất cả đều không phải pháp chân thật, nếu được như vậy mà nhận lãnh bốn thứ cúng dường y phục, thức ăn, giường nằm, thuốc men trị bệnh, thì mới có thể tiêu hóa, không có lỗi lầm.” Cho nên, người thờ phụng cúng dường bông đẹp hương thơm, hương nhiều loại, cờ phướn bằng lụa là mới được phước đức không thể kể. Trăm năm thờ lửa không bằng trong giây lát như thời gian búng ngón tay mà thực hành tâm Từ, phước này tôn quý nhất không có gì hơn, khó cân, khó lường, không thể dùng thí dụ để so sánh, khác gì so sánh hạt cải với núi Tu-di, chút nước dấu chân trâu mà so với biển cả bao la, chút bụi dính trên mong tay mà so với mặt đất mênh mông, chút lửa đom đóm mà so với ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Công đức của tâm từ là như vậy, huống gì là trong trăm năm tu đức đầy đủ. Nương vào phước ấy, dù trải qua trăm ngàn kiếp vẫn không bị đọa vào phàm phu. Chúng sinh đều kính thờ, mong mỏi, đều bởi kiếp trước chứa nhóm công hạnh từ tâm mà được như vậy, cho nên nói: Không bằng trong giây lát mà thực hành tâm Từ.

———————-

Tháng này sang tháng khác

Kẻ ngu chỉ lo ăn

Họ không kính tin Phật

Mười sáu không được một.

Tháng này sang tháng khác, người ngu chỉ lo ăn: Có những người chỉ ham ăn để nuôi thân mạng, không biết nghĩ đến tai ương hoạn nạn đời sau. Tính chất của bốn đại khác nhau, thần thức ở trong đó phân biệt được phải trái, người trí biết đúng sự thật, kẻ ngu hiểu trái ngược, không biết đời này đời sau, không biết việc làm thiện ác, trôi lăn trong ba đường, tám nạn không lúc nào ra khỏi, cho nên nói: Tháng này sang tháng khác, kẻ ngu chỉ lo ăn.

Họ không kính tin Phật, mười sáu không được một: Nếu có ai trong một ngày, nửa ngày hay khoảng thời gian, nửa thời gian của khoảng búng ngón tay, mà hết lòng tin Phật, tâm không dời đổi thì họ được phước khó lường không thể tính kể, không thể dùng thí dụ để so sánh. Phước đến từ chỗ âm thầm, không hình, không tướng, bỗng nhiên tự đến công đức vô cùng, cho nên nói: Họ không kính tin Phật, mười sáu phần không được một phần.

Tóm lại, bởi họ không tin pháp cho nên mười sáu phần không được một phần. Trong ngàn muôn ức kiếp thường nghe tiếng pháp, pháp ở đây là Niết-bàn dứt hết phiền não. Như kinh nói: Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Nay Ta nói cho các thầy nghe ba thứ tôn quý bậc nhất:

  1. Phật là Đấng Tôn Quý bậc nhất.
  2. Pháp là thứ tôn quý bậc nhất.
  3. Tăng là người tôn quý bậc nhất.

Vì sao nói Đức Phật là đấng tôn quý bậc nhất? Có các loài chúng sinh có chân, không chân, một chân, hai chân, bốn chân, cho đến nhiều chân, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, cho đến phi tưởng, phi phi tưởng thì trong ấy, Như Lai là Bậc Tôn Quý, là bậc trên hết, không còn ai trên Ngài. Cho nên, này các Tỳ-kheo, nếu ai dốc lòng tin Phật thì đó là người có lòng tin bậc nhất, vì là người có lòng tin bậc nên họ được phước bậc nhất, vì được phước bậc nhất, nên được làm người giàu sang tôn quý nhất trên cõi trời hay cõi người. Cho nên nói Đức Phật là Đấng Tôn Quý bậc nhất.

Vì sao nói Pháp là thứ tôn quý bậc nhất? Pháp có hai loại là pháp hữu vi và pháp vô vi; là pháp dứt hết phiền não, không còn tham dục, không còn sinh diệt, là pháp Niết-bàn; là thứ tôn quý, là thứ trên hết không có gì hơn. Những ai kính pháp ấy là người có lòng tôn kính bậc nhất, vì là người có lòng tôn kính bậc nhất cho nên được phước bậc nhất. Bởi được phước bậc nhất, nên được làm người giàu sang, tôn quý nhất trên cõi trời hay cõi người, cho nên nói: Pháp là thứ tôn quý bậc nhất.

Vì sao nói Tăng là người tôn quý bậc nhất? Trong đại chúng đông đảo người tu hợp cùng các đệ tử tùy tùng thì Như Lai là Đấng Tôn quý, là Đấng trên hết, không còn ai hơn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, nếu ai dốc lòng kính tin Tăng chúng thì đó là tôn quý bậc nhất. Vì có lòng kính tin bậc nhất, nên họ được phước bậc nhất, vì được phước bậc nhất nên được làm người giàu sang tôn quý nhất trên cõi trời hay cõi người, cho nên nói: Tăng là người tôn quý bậc nhất.

Người không có từ tâm, mười sáu không được một: Các loài chúng sinh đêm ngày bị trói buộc trong nọc độc của tham sân, chúng ăn nuốt lẫn nhau. Bởi có tâm giận dữ đối với cha mẹ nên họ đâu có lòng từ mà che chở chúng sinh? Việc ấy không bao giờ có được, cho nên nói: Người không có từ tâm, mười sáu không được một.

Không thương xót chúng sinh, mười sáu không được một: Như nơi này xứ nọ, có biết bao tên họ con người, không thể tính kể, nhưng nếu có người nhập định lòng từ mà giáo hóa cứu giúp cùng khắp, không hề lựa chọn kẻ tốt người xấu, ai đáng cho, ai không đáng cho mà là bố thí bình đẳng không hai, như nhau không khác, như vậy mới gọi là bố thí chân thật. Cho nên nói: Không thương xót chúng sinh, mười sáu không được một.

Hoặc có cõi nước gọi chúng sinh ấy là loài bò, bay, máy, cựa, trong hạng ấy ai là người mạnh mẽ, không nề gian lao, thường cung cấp cho cõi nước ấy những thứ cần dùng, không để họ thiếu thốn, đó gọi là tâm bố thí, còn loài bò, bay, máy, cựa kia, do không có thần kỳ nên mười sáu phần không được một phần.

Bởi không tu theo chánh pháp nên chúng sinh bị rơi vào ngoại đạo, dị học Ni-kiền tử … mà tự cho là tôn quý. Ngoại đạo này, họ dùng sắt dát mỏng quấn quanh bụng tự khoe khoang với người đời, rồi họ bảo với nhau rằng: “Các Sa-môn đạo sĩ dòng họ Thích này là những kẻ ngông cuồng ở thế gian. Họ cạo đầu, đắp y phủ vai trái, tự cho mình là tôn quý. Chúng ta xét thấy quả đó chính là điềm xấu xuất hiện ở đời, lừa gạt người đời, đâu có gì là tôn quý.

Nếu ai bố thí cho hạng người ấy thì sau này sẽ bị quả báo nhơ bẩn, bất tịnh. Nằm chiêm bao thấy họ thì khi thức dậy sẽ gặp điều xấu, huống gì là đi đường gặp mặt họ.” Thế nên, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Nếu ai kính tin chánh pháp không bị đứt mất thì dù có gặp trăm ngàn gian khổ các nạn, tâm cũng không thay đổi, một lòng tin tưởng, không làm theo tà kiến sai lầm. Đó mới gọi là chánh pháp Như Lai. Ai không tin thì trong mười sáu phần chưa được một phần. Nếu ai có lòng tin đối với chánh pháp thì được phước vô lượng không thể tính lường. Hơn cả trăm ngàn vạn ức lần, không thể dùng thí dụ để so sánh”.

Thế nào gọi là mười sáu phần chưa được một phần? Khi nói mười sáu là nói đến mười sáu nước lớn, vì nói về sống với nhân nghĩa thì không có nơi nào hơn mười sáu nước trong cõi Diêm-phù này. Nơi đây có những người hiểu biết những việc xưa nay, giảng nói nhiều nghĩa sâu kín, luôn luôn giải quyết xử, dứt hẳn. Tên mười sáu nước ấy là:

  1. Ương-già.
  2. Mặc-kệ-đà Bình-sa vương.
  3. Ca-thi.
  4. Câu-tát-la Ba-tư vương.
  5. Tố-ma.
  6. Tu-la-tra.
  7. Ác sinh vương Bạt-tha.
  8. Bạt-la Ưu Điền vương.
  9. Át-ba.
  10. A-bà-đàn-đề Ưu-đà-la-diên vương.
  11. Cưu-lưu.
  12. Bát-giá-la A-câu-lam vương.
  13. Trác-nan
  14. Gia-bát-na.
  15. Kiếm-phù.
  16. Vốn thiếu nước 16.

Mười sáu nước lớn này thông suốt muôn lẽ, mọi việc chẳng hề sai lầm, biện bác nhanh chóng. Khi học thì không rối rắm nặng nề mà lại đạt được nghĩa cao siêu. Nghiên cứu đến nơi đến chốn, giảng nói truyền bá nghĩa lý rộng rãi không cùng. Trong mười sáu nước này, người thường hành bố thí, tâm kính mến nghĩa lý cao siêu thì họ chỉ đi qua mười sáu nước tự nhiên cũng đủ thành tựu được oai nghi lễ tiết rồi, không cần ai dạy, không cần bắt chước ai.

———————-

Ai lo cúng thần linh

Nhiều năm mong được phước

Thì trong bốn phần kia

Kẻ ấy không được một.

Ai lo cúng thần linh, nhiều năm mong được phước: Ngoại đạo dị học điên đảo tà kiến, ngu mê không tỉnh ngộ, suốt năm lo cúng tế thần linh thì tốn hao của cải của người dân không thể kể xiết.

Họ đã ném bao nhiêu đồ ăn ngon ngọt vào lửa, họ cho là được phước, ai dè mắc họa. Đó là bởi họ giữ chặt sự si mê của mình, không tự sửa đổi, cho nên sau khi chết đọa vào nơi tăm tối, không thấy được ánh sáng rực rỡ của trí tuệ, cho nên nói: thì trong bốn phần kia, kẻ ấy không được một. Vì thế Thánh nhân từ từ dạy bảo, chỉ đường dẫn lối, dẫn dắt người ngu mê được đến nơi an ổn, làm việc lành trong giây lát mà có giá trị hơn cả năm.