SỐ 225
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Nam Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 25: CHÚC LỤY

Phật bảo A-nan:

–Này A-nan! Người nào an lập như vậy là an lập giống như Phật. Muốn an lập giống như Đấng Nhất Thiết Trí thì nên làm theo Minh độ dạy. Nên biết hành giả này từ cõi người hay trên tầng trời Đâu-thuật đến, từ lâu nghe và thực hành Minh độ. Vì sao? Vì sau khi Phật diệt độ, giáo pháp xuất hiện ở thế gian hay xuất hiện trên cõi trời Đâu-thuật, có người thực hành hoặc viết chép, lại còn đem dạy cho người khác, ưa thích gom góp phước đức, biết cúng dường nhiều Đức Phật về sau, không ở trong Thanh văn, Duyên giác làm công đức, có theo học Minh độ đưa đến hiểu biết đúng về tuệ. Bồ-tát này không khác gì như được đối diện với Phật. Có công đức này, vị ấy dùng để cầu hội Thanh văn, Duyên giác chắc chắn thành Phật. Nếu thực hành pháp này thì phải lìa xa hai đạo này.

Phật bảo A-nan:

–Này A-nan! Ta giao phó Minh độ này cho ông. Những gì ta đã nói ở các kinh khác, ông đều lãnh thọ, hãy nên xả bỏ, quên hết đi, vì nó quá ít ỏi. Được theo Phật lãnh thọ Minh độ, ông cũng nên xả bỏ quên hết đi vì nó quá nhiều. Hãy học cho thấu đáo, lãnh thọ, viết chép đầy đủ, chớ để thiếu sót.

Từ xưa đến nay, kinh Phật bình đẳng, không khác. Nếu người nào có tâm Từ đối với Phật thì nên lãnh thọ, kính lễ, cúng dường pháp này, vì đó là cúng dường chư Phật ba đời, báo trọn ân Phật. Nếu ai có tâm từ hiếu đối với Phật, không bằng cung kính Minh độ một cách cẩn thận, chớ quên mất một câu. Những lời phó chúc lớn lao đến như vậy, nếu có người nào không muốn lìa các Kinh pháp, Tỳ-kheo Tăng, chư Phật ba đời thì không nên lìa bỏ pháp này. Chư Phật ba đời đều từ nơi pháp này sinh ra. Vì sao? Vì sáu Độ chính là mẹ của các Bồ-tát Đại sĩ. Đức Phật không thể nói hết trong các tạng Kinh pháp. Nếu đem dạy tất cả người trong tất cả các cõi Phật, làm cho họ được đạo Thanh văn thì dù có dạy đúng đi nữa, cũng chưa báo được ân Phật, không bằng giảng nói về Minh độ một cách đầy đủ cho các Bồ-tát nghe trong khoảng thời gian ít hơn một ngày, hoặc một bữa ăn, hay trong chốc lát, phước ấy còn hơn độ nhiều người được đạo Thanh văn. Bồ-tát Đại sĩ tư duy về trung tuệ được công đức, vượt hơn Thanh văn, Duyên giác chắc chắn sẽ được địa vị không thoái chuyển, không bất trung đạo đọa lạc.

Khi giảng nói về Minh độ, bốn chúng đệ tử, các Thiên vương, các Quỷ thần vương trong một cõi Phật nhờ oai thần của Phật Thíchca, tất cả đều thấy Đức Phật Vô Nộ, Tỳ-kheo Thanh văn, các Bồ-tát cũng nhiều vô số, bỗng nhiên biến mất.

Đức Phật bảo A-nan:

–Này A-nan! Ví như thấy trong cõi nước không có người, rồi lại hiện có. Đức Phật Vô Nộ và các Bồ-tát, Thanh văn, các kinh tìm cầu không thấy cũng giống như vậy. Pháp không thấy pháp, pháp không niệm pháp. Vì sao? Vì các kinh pháp không niệm, không thấy, cũng không được lợi ích.

Phật bảo A-nan:

–Này A-nan! Các kinh pháp đều không, không có gì thọ trì, không thể nghĩ nhớ. Vì như nhà ảo thuật hóa thành người, các kinh pháp cũng vậy, không nghĩ nhớ, không thọ trì. Vì sao? Vì không có hình tướng. Bồ-tát thực hành hạnh này, học pháp này là thực hành và học theo Minh độ, nhiều gấp trăm ngàn muôn lần trong các môn học cao tột. Đây là làm an ổn chúng sinh khốn khổ trong khắp mười phương, là học theo pháp Phật. Có người thích ứng với việc học này, đưa tay nâng một cõi Phật rồi lại dính mắc vào chỗ cũ. Người không hiểu biết thì từ việc học này mà thành pháp Tuệ vô ngại. Vô số các Đức Phật ba đời ở khắp mười phương đều từ Minh độ mà thành Phật, cũng không thêm, không bớt, cho nên không thể cùng tận, hư không cũng không cùng tận.