SỐ 225
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Nam Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 22: HỌC

Thiện Nghiệp bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát học vô thường là học trí Nhất thiết, học không từ chỗ nào sinh, học bỏ dâm dật, học diệt độ, là học trí Nhất thiết.

Phật bảo Thiện Nghiệp:

–Này Thiện Nghiệp! Như ông đã hỏi học vô thường là học trí Nhất thiết thì tại sao Như Lai vốn không tùy theo nhân duyên mà được? Như Lai vốn không giữ lấy thì có hết được chăng?

Thiện Nghiệp thưa:

–Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!

–Như vậy là học trí Nhất thiết Minh độ vô cực, bốn Vô sở úy, mười Lực của Như Lai đều là học pháp của chư Phật. Nếu Bồ-tát Đại sĩ thực hành việc học này thì bọn tà ma và quyến thuộc không thể phá hoại được, mà còn mau được địa vị không thoái chuyển, được ngồi gần dưới gốc cây Phật, được học Phật đạo, được học tập giáo pháp, Từ bi ưa thích cứu giúp khắp tất cả chúng sinh. Học ba hợp, mười hai pháp môn là chuyên học để giúp cho chúng sinh trong mười phương được diệt độ là tiến dần dần đến Phật đạo, học nhập vào pháp môn cam lồ. Người siêng năng mới học pháp này. Người thực hành pháp học này là học hướng dẫn người ở mười phương đến khi chết không đọa vào địa ngục, cầm thú, ngạ quỷ, không bao giờ sinh nơi biên địa, ngu si, nghèo khổ, không bị các thứ bệnh tật đau đớn, không phá mười giới, không chạy theo thế tục thờ cúng dâm, thần, tránh xa người không giữ mười giới, không nguyện sinh lên tầng trời Vô tưởng, mà từ trong Minh độ sinh ra oai thần của Minh tuệ quyền biến, nhập thiền nhưng không tùy theo thiền, không tùy theo pháp thiền. Bồ-tát học như vậy là được năng lực thanh tịnh, năng lực vô sở úy, năng lực thanh tịnh Phật pháp.

Thiện Nghiệp bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Các pháp vốn đều thanh tịnh, vì sao Bồtát đắc được pháp tịnh?

Đức Phật dạy:

–Bồ-tát học như thế là học các pháp thanh tịnh vô sở đắc. Như vậy khi Bồ-tát thực hành Minh độ không hối hận, không nhàm chán mới được gọi là hành. Người chưa đắc đạo, ngu si không hiểu pháp này nên không thấy việc đó. Bồ-tát vì mọi người nên thường tinh tấn, đang tiến đến buông bỏ ngã, do đó được năng lực tinh tấn vô sở úy. Thực hành pháp này là học trí Nhất thiết, giống như đất sinh ra vàng thì đất đó rất ít có. Lại giống như người cầu thành Chuyển luân thánh vương thì ít có, mà người cầu thành Tiểu vương lại nhiều. Trong số những người này phần nhiều cầu Thanh văn, Duyên giác. Nếu đã có sơ phát tâm, Bồ-tát ít có tùy theo Minh độ. Nếu dạy bảo đạt được địa vị không thoái chuyển thì Bồ-tát nên ra sức học tập để được không còn thoái chuyển. Bồ-tát thực hành Minh độ không có ý tức giận đối với người, không tìm lỗi của người, tâm không tham lam keo kiết, không phá giới, ôm hận, biếng nhác, mê loạn. Tâm sáng suốt học Minh độ, là chiếu sáng các độ, tất cả đều nhập vào pháp môn ấy. Đạo đức đầy đủ như có người nói rằng: “Đây là cái của tôi” thì bên ngoài dính mắc mười hai phẩm, tất cả đều cúng dường suốt đời cho người trong một cõi Phật, không bằng giữ gìn định thanh tịnh của Minh độ trong chốc lát. Vì sao? Vì từ pháp này mau chứng được đạo Vô thượng chánh chân. Bố thí cho kẻ nghèo khổ khắp mười phương để mong cầu cảnh giới và trí tuệ của Phật, như sư tử một mình bước đi. Muốn được chỗ Phật phải học Minh độ. Học Minh độ là học các pháp.

Thiện Nghiệp thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát còn học pháp Thanh văn hay không?

Phật dạy:

–Bồ-tát học công đức của Thanh văn trí Nhất thiết, nhưng không trụ trong đó. Bồ-tát học Phật thì không ai hơn được. Đối với trí Nhất thiết không hoại không diệt. Nếu ai nghĩ nhớ thọ trì Minh độ này sẽ được trí Nhất thiết, là thực hành hạnh Minh độ vô cực vô tướng.