PHỤ TỬ HỢP TẬP KINH
(KINH CHA CON GẶP NHAU)
Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Nhật Xưng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 20: THỌ KÝ ĐẠI PHẠM THIÊN VƯƠNG

Khi ấy, trong hội có sáu mươi ức chúng Phạm Thiên tử, thấy các A-tu-la cho đến Tha hóa tự tại thiên cúng dường Thế Tôn, lại nghe Đức Như Lai thọ ký cho họ, hoan hỷ phấn khởi kinh ngạc chưa từng có. Ở đời chư Phật quá khư, các Thiên tử này thân cận cúng dường tích tập căn lành, tu tập thiền định sâu xa, vượt pháp thế tục; đối với chánh pháp của Đức Phật đều được pháp lạc tối thượng thậm thâm, thông đạt lìa mọi lý luận, sinh lòng tin hiểu quyết định. Biết rõ các pháp không phải làm, không phải không làm; không phải sinh, không phải không sinh; không phải được, không phải không được; không phải tận, không phải không tận, không phải lìa, không phải khong lìa, không phải dơ không phải không dơ; không phải ngu, không phải không ngu, không phải trí; không phải không trí, không phải thấy không phải không thấy; không phải thủ, không phải không thủ; không phải không, không phải không không, không phải tướng, không phải không tướng; không phải nguyện, không phải không nguyện. Các Thiên tử này biết như vậy cho nên tâm không đắm trước, xa lìa các tưởng, không có chỗ nương tựa mong cầu, không co các thứ cầu tưởng, không có tác giả tưởng, không có pháp tác giả tưởng, không có phàm phu tưởng, không có pháp phàm phu tưởng, không có Thanh văn tưởng, không có pháp Thanh văn tưởng, không có Duyên giác tưởng, không có pháp Duyên giác tưởng; không có Bồ-tát tưởng, không có pháp Bồ-tát tưởng; không có Như Lai tưởng, không có pháp Như Lai tưởng; không có Niết-bàn tưởng, không có pháp Niết-bàn tưởng; không có luân hồi tưởng, không có pháp luân hồi tưởng. Các Thiên tử này rõ được pháp tánh như hư không, không có nhiễm trước, đối với pháp Phật lìa tưởng phân biệt.

Lúc đó, Phạm Thiên vương chắp tay hướng lên Đức Phật với ý vắng lặng nói kệ khen Phật:

Như Lai đầy đủ tuệ bình đẳng
Tu hạnh vắng lặng đến bờ giác
Thuyết pháp tịch tĩnh độ quần sinh
Quán các thế gian thường vắng lặng.
Bồ-đề tịch tĩnh vốn không nhiễm
Nương cảnh vắng lặng không động loạn
Thường ăn vị cam lồ tịch tĩnh
Đối với tất cả đều thông đạt.
Đạo tịch tĩnh tối thượng như vầy
Người khéo quán sát được diệu lạc
Nương tám Chánh đạo từng huân tu
Hay đoạn phiền não trói thế gian.
Tu pháp tịch tĩnh chứng Bồ-đề
Đó là lời Phat trước đã nói
Nhất định đến được thành Niết-bàn
Như Phật Thế Tôn không có khác.
Nếu người chánh giác giáo của Phật
Thọ trì đọc tụng siêng tu tập
Cầu hướng vắng lặng môn giải thoát
Tất cả thế gian không ai bằng.
Khéo tu bình đẳng đạo vắng lặng
Các căn hóa vui thường thanh tịnh
Đủ các phước tuệ trang nghiêm khắp
Như Na-la-diên có sức mạnh.
Nếu rõ pháp cam lồ tịch tĩnh
Thì mới dứt sạch các hữu tướng
Quán sát thế gian không chỗ nương
Là con tối thượng của Như Lai.
Người này đã từng gặp chư Phật
Gieo trồng vô biên thắng thiện căn
Đạt môn Đẳng trì vắng lặng này
Dứt trừ các hoặc không nhiễm trước.
Do đủ chánh niệm lực tinh tấn
Lìa mọi siểm khúc tưởng biếng nhác
Biết rõ sinh tử tức Niết-bàn
Hay lìa xa các tướng thế gian.
Chư Phật xuất hiện ở thế gian
Diễn nói pháp vắng lặng giải thoát
Người trí thông đạt không có nghi
Vĩnh thoát biển sinh tử luân hồi.
Nếu người dối uẩn cầu giải thoát
Đối pháp tịch tĩnh không ham thích
Chỉ ngộ pháp uẩn không chắc chắn
Đối Phật Bồ-đề sinh sợ hãi.
Lìa dục tâm tịnh cầu giải thoát
Hay dùng minh tuệ khéo lựa chọn
Các người ngu trước dục chấp tướng
Nên Phật chưa khai thị cho họ.
Nếu chấp tịch diệt cũng là trói
Không thể thành tựu Nhất thiết trí
Không khởi tất cả tâm chấp trước
Đó là khéo trụ hạnh vô tướng.
Hay đến chỗ vô danh an ổn
Đạt được công đức Phật thanh tịnh
Dứt trừ tranh luận phục ma oán
Hay đoạn tất cả trói phiền não.
Con dùng ý tịch tĩnh bình đẳng
Tán thán công đức tụ Mâu-ni
Hồi hướng pháp giới các hữu tình
Đồng chứng quả Bồ-đề vô thượng.

Lúc đó, Đại phạm Thiên vương biết các Phạm chúng Thiên tử khát ngưỡng công đức của Phật, chắp tay hướng lên Đức Phật nói kệ rằng:

Mâu-ni rõ được pháp thế gian
Quyết định hư giả như hư không
Cũng như mây thu và điện chớp
Phật thường chỉ rõ dứt các vọng.
Như người trong mộng bị đói bứt
Gặp thức ăn ngon thật tối thượng
Nhưng thật không ăn cũng không người
Pháp Như Lai chứng cũng như vậy.
Lại như người trong mộng đói khát
Được uống nước cam lồ mát mẻ
Nên biết khát uống thảy đều không
Pháp Như Lai chứng cũng như vậy.
Như ở trong mộng nghe tiếng hay
Những lời nói ấy thật không được
Cũng không người nói và người nghe
Rõ pháp như vậy không nghi hoặc.
Lại như tiêu sáo phát tiếng hay
Tiếng ấy vốn không có tự tánh
Người trí quán uẩn lý như vậy
Biết uẩn tự tánh không thể được.
Không làm không thọ không chúng sinh
Không có tạo nghiệp và thọ báo
Cũng không người thọ quả báo kia
Đức Phật biết rõ được lý này.
Ví như ma-ni thể trong suốt
Để nó trên áo tùy sắc biến
Tự tánh các pháp vốn không trần
Tùy theo phân biệt nhiễm càng tăng.
Lai như thổi ốc phát tiếng lớn
Nhưng tìm tiếng vang không được gì
Tự tánh tiếng ấy xưa nay không
Phật rõ các pháp cũng như vậy.
Lại như thức ăn ngon thế gian
Bởi do các vị hợp lại thành
Quán tự tánh nó xưa nay không
Phật rõ các pháp cũng như vậy.
Như tràng Đế Thích cực kỳ cao
Vô tư mà hiện các sắc tượng
Tự tánh tràng ấy xưa nay không
Thế Tôn chứng pháp cũng như vậy.
Ví như thân mượn các duyên thành
Tìm thể tướng ấy không thể được
Nên biết các uẩn vốn như vậy
Pháp Như Lai chứng cũng như thế.
Như khi đánh trống phát ra tiếng
Làm cho người nghe sinh vui thích
Nhưng tiếng vang ấy xưa nay không
Pháp Như Lai chứng cũng như vậy.
Như người dùng đùi đánh vào trống
Hãy tìm xem tiếng hiện nơi đâu
Đến khi tiếng lặng hướng phương nào
Pháp Như Lai chứng cũng như vậy.
Lại như tiếng trống không yêu ghét
Lìa duyên ẩm ướt tieng mới vang
Thân này hư giả cũng như vậy
Pháp Như Lai chứng cũng như thế.
Như người đánh trống phát tiếng vang
Tiếng ấy mặc tình không sở triệu
Rõ thân như thế tự tánh không
Pháp Như Lai chứng cũng như vậy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn biết được tâm niệm của các Phạm chúng Đại Phạm vương với ý tịch tĩnh khen ngợi Như Lai, liền từ trong miệng phóng ra ánh sáng lớn, khiến chúng hội thấy ánh sáng này rồi, chánh kiến kiên cố, tuệ thanh tịnh tăng trưởng.

Lúc đó, Tôn giả Tỳ-kheo Mã Thắng dùng kệ thưa hỏi:

Hôm nay Như Lai hiện tướng lạ
Phóng quang thanh tịnh rất hiếm có
Các hàng trời, người, rồng, quỷ, thần
Thấy thần biến này đều nghi hoặc.
Mâu-ni tối thượng Điều Ngự Sĩ
Hiện điềm tốt này vì nhân gì
Xin Phật khai diễn nhân phóng quang
Khiến các chúng hội tâm vui thích.
Chúng con nhất tâm sinh khát ngưỡng
Chiêm ngưỡng từ dung không tạm rời
Nếu được nghe tiếng phạm âm Phật
Mỗi mỗi trừ nghi sinh tin hiểu.
Như Lai hiện việc thần thông này
Là vì tự niệm các chúng sinh
Duyên gì phóng quang thanh tịnh này
Nay đã đúng lúc xin khai thị.
Đại Thánh Mâu-ni phương tiện lực
Khiến thời co phát tâm tăng thượng
Các chúng chắp tay đứng trước Phật
Cúi xin Như Lai mau diễn nói.

Lúc đó, Đức Thế Tôn vì Tỳ-kheo Mã Thắng nói kệ rằng:

Mã Thắng ông thấy ánh sáng này
Vì muốn thành thục hết hữu tình
Chúng hội nếu nghe lời ta nói
Thì đối Bồ-đề không thoái chuyển.
Đại phạm Thiên vương các phạm chúng
Thông đạt pháp tánh trừ nghi hoặc
Ở trong vô lượng vô biên kiếp
Tu tập vô biên hạnh thanh tịnh.
Đối các cảnh giới không nhiễm trước
Tâm như hư không không trở ngại
Thường ưa lợi lạc các hữu tình
Nhưng lại không chứng quả Bồ-đề.
Như vậy họ ở đời vị lai
Quá hơn vô lượng hằng sa kiếp
Tu chứng đầy đủ môn giải thoat
Thành tựu vô biên nhẫn lực lớn.
Rồi sau mới thành đạo vô thượng
Hiệu là Đại Nhẫn Lực Như Lai
Điều phục nhiếp hóa các quần sinh
Quán các thế gian đều vắng lặng.
Phật ấy thọ mạng rất lâu dài
Xưa cùng tu hành các kiếp số
Đủ đại oai đức và danh xưng
Cứu khổ sinh tử của hữu tình.
Cõi Phật kia thật là nghiêm tịnh
Giàu có sung túc không ai bằng
Dù có trải qua vô lượng kiếp
Nói công đức ấy không thể hết.
Phật kia nói pháp chẳng nghĩ bàn
Tự tánh không tịnh không chỗ nương
Tất cả chúng sinh trong cõi ấy
Thành thục thiện căn không tổn giảm.
Dứt sạch tận nguồn khổ luân hồi
Không còn ai thọ thân sau nữa
Cũng không tên quỷ, súc, địa ngục
Chỉ có các hành khổ Thiên lưu.
Do ngộ các hành là vô thường
Đều phát thắng nguyện sinh nhàm chán
Thế nên hữu tình ở cõi kia
Vĩnh viễn xa lìa già, bệnh, chết.
Lại hữu tình kia khéo tu hành
Tai không nghe đến các tiếng khác
Chỉ nghe vô ngã và vô thường
Khổ, không, tịch tĩnh pháp vô tướng.
Phụng trì lời Phật không buông lung
Thường tu thuần định hạnh chân thật
Hướng cầu cam lồ môn giải thoát
Tối thượng tối thắng đạo Bồ-đề.
Tất cả chùa tháp ở cõi kia
Hoặc tường, hoặc vách và cây rừng
Đều phát tiếng Phạm âm thanh tịnh
Người nghe đều lên địa không thoái.
Là sức thần thông của Như Lai
Diễn tám thứ tiếng Phạm âm này
Nghe rồi xả bỏ dòng sinh tử
Cầu chứng tịch tĩnh vui chân thường.
Tất cả chúng sinh ở cõi ấy
Ở thời quá khứ hằng sa kiếp
Vì Bồ-đề nên từng tu hành
Nay theo thứ tự được thành Phật.
Đại Phạm Thiên vương các Phạm chúng
Do thường tu chứng lý tịch diệt
Lúc đó Phật kia và chúng sinh
Đồng ăn vị cam lồ tịch diệt.
Lại quán chúng sinh giới vốn không
Chưa từng tạm khởi tưởng mệt mỏi
Nên hay biến nhập các pháp tánh
Thường tu hạnh vô tướng vắng lặng.