SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.
QUYỂN 25 – 26
Phẩm 20: DA–DU–ĐÀ–LA THẤY ĐlỀM MỘNG
Thiên tử Tác Bình thấy Thái tử xuất thành đến lâm viên, giữa đường gặp tử thi sinh tâm chán nản ngũ dục thế gian, trở về nội cung tĩnh tọa tư duy. Qua sáu ngày sau, Thiên tử Tác Bình lại nghĩ và nói: “Bồ-tát Hộ Minh, vị Đại sĩ nay vì say đắm ngũ dục, tâm sinh phóng dật chẳng chịu xa lìa, ta nay sẽ vì Thái tử tạo nhân duyên khuyến thỉnh.” Suy nghĩ như vậy rồi, lúc ấy Thiên tử Tác Bình lại tạo điều kiện khiến Thái tử xuất gia, cảm động đến nhân duyên đời trước của Thái tử khiến Thái tử tự nhiên có ý muốn đến lâm viên du ngọan. Thái tử gọi người đánh xe vào bảo:
-Người đánh xe tài giỏi, khanh mau mau sửa sang xe giá nghiêm chỉnh, nay ta muốn đến hoa viên thưởng ngoạn.
Người đánh xe nhận lệnh, liền đến tâu Đại vương Tịnh Phạn:
-Xin Đại vương biết cho, hôm nay Thái tử muốn đến viên lâm dạo chơi thưởng ngoạn.
Đại vương Tịnh Phạn liền ban sắc lệnh dân chúng nội thành Ca-tỳ-la dọn dẹp sạch sẽ và trang hoàng nghiêm chỉnh như bao lần trước không khác, cho đến rung chuông loan báo nội thành: Trên con đường Thái tử đi qua tuyệt đối không được xuất hiện các hạng người: già, bệnh, chết, tàn tật… khiến cho Thái tử thấy được sinh tâm chán nản thế gian.
Người đánh xe nhận lệnh, trang hoàng xe ngựa tốt đẹp, đến trước Thái tử tâu:
-Thưa Thái tử đã đến giờ xuất hành.
Thái tử liền ngồi trên xe, oai đức thế lực trông thật tôn nghiêm, ra đi từ cửa Bắc thành Ca-tỳ-la mà thẳng đến lâm viên.
Lúc ấy, Thiên tử Tác Bình dùng sức thần thông, cách trước xe Thái tử chẳng bao xa, biến thành một vị Sa-môn cạo bỏ râu tóc, thân đắp chiếc ca-sa đại y để hở vai bên phải, tay phải chống tích trượng, tay trái bưng bình bát đi ven lề đường.
Thái tử thấy rồi liền hỏi người đánh xe:
-Đây là người gì mà cung cách đàng hoàng, dung nghi tề chỉnh, ung dung tản bộ ở phía trước ta, mắt đăm đăm nhìn phía trước một tầm, không liếc ngó hai bên, chú tâm mà đi, không giống như bao nhiêu lữ hành khác, đầu cạo nhẵn không để râu tóc, sắc phục toàn một màu đỏ thẫm nhuộm bằng vỏ cây, không giống màu áo trắng thế tục, bát màu da cam giống như bằng đá xông khói.
Thiên tử Tác Bình dùng thần thông khiến người đánh xe đáp:
-Tâu Đại thánh Thái tử, người này gọi là kẻ xuất gia.
Thái tử lại hỏi:
-Sao gọi là kẻ xuất gia? Họ làm việc gì?
Người đánh xe đáp:
-Tâu Đại thánh Thái tử, người này thường làm các việc lành, bỏ các việc ác, đem tâm bình đẳng đối xử với mọi người, thích làm việc bố thí, khéo điều phục các căn, có tài hàng phục tự thân, đem lại sự an lạc cho mọi người, thường đối với tất cả chúng sinh phát tâm đại Từ bi không bao giờ làm cho một chúng sinh nào sợ sệt phiền não, hoàn toàn không sát hại chúng sinh, lại hay phát tâm giúp đỡ. Tâu Thái tử, do vì những việc như vậy, gọi là người xuất gia.
Thái tử lại hỏi:
-Này người đánh xe tài giỏi, do vì cớ gì khiến người này có thiện tâm làm các việc như vậy? Các việc đó, từ việc làm lành…cho đến hoàn toàn không sát hại tánh mạng chúng sinh. Vậy ngươi hãy đánh xe đến bên người xuất gia kia.
Người đánh xe vâng lệnh đáp:
-Tâu Thái tử, hạ thần sẽ tuân lệnh.
Người đánh xe liền cho xe hướng về người xuất gia.
Khi Thái tử đến bên người xuất gia, người liền thưa hỏi:
-Thưa Tôn giả Đại sĩ, ngài là người gì?
Lúc ấy, Thiên tử Tác Bình dùng thần lực khiến người xuất gia cạo bỏ râu tóc kia đáp:
-Tâu Thái tử, ngày nay người ta gọi tôi là kẻ xuất gia.
Thái tử lại hỏi:
-Thưa nhân giả, tại sao lại gọi là người xuất gia?
Người xuất gia đáp:
-Tâu Thái tử, tôi thây tất cả sự việc trong thế gian hết thảy đều vô thường, quan sát như vậy rồi tôi bỏ tất cả sự nghiệp ở đời, xa lìa thân tộc, chi cầu mong giải thoát nên xả tục xuất gia. Rồi tôi lại nghĩ: “Ta phải dùng phương tiện gì để có thể cứu vớt chúng sinh? Đối với thế gian ta phải sống biết đủ, làm các việc lành…cho đến hoàn toàn không sát hại sinh mạng tất cả chúng sinh.” Thưa Thái tử, vì những lý do đó, gọi là người xuất gia.
Thái tử lại nói:
-Thưa nhân giả, việc làm của ngài hết sức tốt đẹp vì ngài quán sát biết được tất cả sự việc thế gian là vô thường, biết như vậy rồi ngài lại đem lòng lành ban bố sự an lạc cho tất cả chúng sinh… cho đến không sinh tâm sát hại mà lại đem sự sống, bố thí sự an ổn cho chúng sinh.
Rồi nói kệ:
Quán biết thế gian pháp vô thường
Muốn cầu vô thượng đạo Niết-bàn
Oán thân bình đẳng tâm quán sát
Chẳng tạo thế pháp dục, tham, sân
Ở dưới gốc cây trong rừng núi
Hoặc nơi gò mả đất hoang vu
Các pháp hữu vi đều xa lánh
Sống đời khất thực quán chân như.
Thái tử vì kính pháp nên từ trên xe bước xuống đi bộ hướng đến người xuất gia đầu mặt đảnh lễ sất đất rồi đi quanh ba vòng; sau đó Thái tử lên xe ra lệnh người đánh xe hồi giá về cung.
Khi ấy, trong cung có một thể nữ tên là Lộc Nữ từ xa trông thấy Thái tử vào cung, do tâm ái dục nàng cất tiếng nói kệ:
Đại vương Tịnh Phạn hưởng thú vui
Ma-ha-ba-xà rất toại ý
Trong cung thể nữ thật tuyệt vời
Người nào sẽ được gần Thái tử.
Thái tử nghe bài kệ này khắp thân run sợ, lệ nhỏ như mưa, trong tâm chỉ ưa mến cảnh Niết-bàn, các căn thanh tịnh hướng về Niết-bàn mà nói thế này:
-Ta cần phải đeo đuổi cảnh giới Niết-bàn, ta nay cần phải chứng Niết-bàn, ta nay cần phải đi đến Niết-bàn và ta nay cần phải trụ vào Niết-bàn.
Một hôm, Đại vương Tịnh Phạn cùng bá quan văn võ tề tựu chung quanh nơi cung điện, Thái tử bỗng nhiên bước đến đứng bên cạnh Đại vương, chắp tay cúi đầu nói:
-Con nay muốn xuất gia, cúi xin Đại vương cho phép con được toại ý để cầu quả Niết-bàn. Phụ vương phải biết, tất cả chúng sinh rồi sẽ biệt ly.
Khi Đại vương Tịnh Phạn nghe Thái tử tâu như vậy, cả người run rẩy, tay chân rã rời, giống như cây bị voi lớn lay gốc, mắt đầy ngấn lệ, nghẹn ngào bảo Thái tử:
-Thái tử con yêu dấu của ta nên bỏ ý định ấy đi, nay chưa phải là lúc con xuất gia, ta cũng trải qua thời thiếu niên khi các căn buông lung theo thú vui, ta không tu các pháp hạnh cũng chưa từng thọ các khổ thế gian, lại ta không tu các khổ hạnh mà cũng chưa từng thấy các ái dục xấu xa. Con khởi ý như vậy, con thật rất khó có thể chịu đựng được. Này Đồng tử, con đang độ thanh xuân, tâm ý chưa ổn định, chưa hàng phục các căn mà muốn ở nơi vắng vẻ hẻo lánh, khi đó con không thể chịu nỗi khổ hạnh. Này Đồng tử, con nên đợi khi ta tuổi già, chừng đó nếu ta muốn xuất gia tu hành khổ hạnh, ta sẽ truyền ngôi và trao quốc gia lại cho con mà vào thâm sơn vắng vẻ tu hành khổ hạnh. Này Đồng tử, con không nên trái lời của ta, không thuận ý của cha mà xuất gia tu khổ hạnh, hiện tại ở đời con mang tiếng bất hiếu vì trái lời dạy bảo của kẻ bề trên. Do vậy con nên đem tâm tinh tấn này ở trong cung chớ vội xuất gia, an tâm ở lại nhà thực hiện các pháp thế tục. Này Đồng tử, phàm làm người thế gian, trước phải thọ hưởng thú vui ngũ dục, rồi sau đó mới nghĩ đến việc phát tâm xuất gia.
Thái tử đáp:
-Tâu phụ vương, ngày nay cha không nên ngăn cản chí xuất gia của con. Vì sao? Nếu ngày nay có người đang ở trong căn nhà bốc cháy ngùn ngụt, muốn chạy ra khỏi nhà thoát nạn, lúc đó người này rất dũng mãnh, không có một thế lực nào có thể ngăn cản được. Tâu phụ vương, cái gì có sinh thì có diệt, cái gì có hợp thì có tan. Nếu như có người biết tất cả pháp thế gian đều bị biệt ly mà không bỏ pháp biệt ly đó thì người này không phải là kẻ được lợi ích lớn. Lại như người đời có sự việc còn dở dang, giờ chết sắp đến mà không vội vã làm cho hoàn tất, thì đây không phải là người có trí tuệ sáng suốt.
Rồi Thái tử vì phụ vương mà nói kệ:
Nếu thấy tất cả đều vô thường
Các pháp hữu vi đều tiêu diệt
Đành lìa thân thuộc bỏ thế gian
Giờ chết đến, sự nghiệp phải thành.
Đại vương Tịnh Phạn lại ân cần nói với Thái tử:
-Này Đồng tử, con yêu dấu của ta, nhất định không được bỏ ta đi xuất gia.
Các đại thần cũng theo sự hiểu biết của mình qua các kinh điển đời xưa để lại đều can gián Thái tử:
-Kính bẩm Thái tử, lẽ nào ngài không nghe trong luận Vi-đà có nói từ kiếp ban sơ cho đến nay, các hàng vua chúa thuở xưa niên thiếu, mỗi vị tự cai trị nước của mình, giáo hóa dân chúng, khi đến tuổi già có con cháu chánh thống nối nhau. Các vua đem vương vị trao cho Thái tử, nhiên hậu mới vào trong núi tu hành các pháp hạnh. Vì lý do đó, ngày nay Thái tử không được riêng mình làm trái phép tắc của Tiên vương.
Đại vương nghe các đại thần nói như vậy nước mắt nhỏ như mưa, hai mắt không chớp, đăm đăm theo dõi sắc mặt Thái tử.
Lúc ấy, Thái tử sinh tâm lưỡng lự ưu sầu, gương mặt không được vui, trở về nội cung. Thái tử về đến cung điện, tất cả các thể nữ ở xa trông thấy hết thảy đều vui mừng liền rời chỗ ngồi hoặc có nàng chắp tay bái chào, hoặc có nàng tỏ vẻ duyên dáng, hoặc có nàng ca múa, hoặc có nàng đến hầu hạ. Thấy Thái tử ngồi rồi, chúng bị lửa ái dục thôi thúc nổi lên phừng phực nên vây quanh Thái tử cùng nhau cười cợt vui đùa, oai đức của Thái tử sáng ngời, các tướng tốt thể hiện rõ ràng, cùng nhau vui vẻ thọ hưởng dục lạc giống như ở cung trời Tự tại.
Lúc ấy các tướng tốt và vẻ đẹp của Thái tử đồng xuất hiện, luôn luôn tươi đẹp, ngày đêm Thái tử dạo chơi, thể nữ lại thấy các tướng tốt của Thái tử xuất hiện tốt đẹp như vậy trong tâm sinh ra ý tưởng đây là điều chưa từng có, phải chăng ngài là Nguyệt Thiên tử giáng xuống trần gian. Thể nữ thấy tướng mạo Thái tử tốt đẹp như vậy lại càng sinh tâm tham đắm nên có nàng liếc mắt đưa tình, hoặc có nàng nhìn không nháy mắt, hoặc có nàng xít xoa, hoặc có nàng vẫy tay gọi. Do vì thần lực của Thái tử, khiến tâm dục ngài không nổi lên, lại không cười giỡn.
Khi Thái tử rời phụ vương trở về nội cung, Đại vương Tịnh Phạn lập tức gọi người đánh xe vào hỏi:
-Này người đánh xe tài giỏi! Thái tử có đến lâm viên không?
Người đánh xe đáp:
-Bạch Đại vương xin ngài biết cho, Thái tử ý muốn đến trong viên lâm nhưng giữa đường thấy một người tóc râu đều cạo, thân đắp chiếc y nhuộm màu hoại sắc, tay bưng bình bát. Thái tử thấy người này rồi liền ra lệnh hồi giá, ngài về trong cung an tọa tư duy.
Đại vương nghe như vậy liền suy nghĩ: “Lời dự đoán của tiên A-tư-đà quả không sai, e rằng Thái tử xả tục xuất gia, ta nay phải tăng thêm thú vui ngũ dục khiến Thái tử say đắm, không nghĩ đến việc xuất gia.” Nghĩ rồi Đại vương liền ra lệnh tăng thêm thú vui ngũ dục, ra lệnh thể nữ trong cung làm cho tâm Thái tử thọ khoái lạc, mà không còn nghĩ đến việc xuất gia.
Liền lặp lại với bài kệ:
Giữa đường Thái tử gặp Sa-môn
Thân đắp y sồng nhuộm vỏ cây
Hoan hỷ chí cầu Vô thượng đạo
Thâm tâm chỉ thích hạnh xuất gia.
Thấy sinh già bệnh khổ vô cùng
Sa-môn trì bình đi khất thực
Nhàm chán thế giới ba độc lìa
Ái mộ vô vi cầu giải thoát.
Sinh lão bệnh tử các khổ đau
Thái tử muốn lìa các khổ đó
Trên đường gặp được bậc xuất gia
Chí chân vừa gặp lòng hớn hở.
Muốn bỏ tham sân các não phiền
Ta nên xuống tóc nhập sơn lâm
Thái tử chí cầu chân thật pháp
Gặp được Sa-môn rất vui mừng.
Ngồi xe tứ mã khéo điều hành
Muốn ra ba cõi, nhân ngắm cảnh
Giữa đường gặp kẻ mặc y sồng
Chí hướng bồ đề nay được thỏa.
Bấy giờ Đại vương lại vì Thái tử bày ra nhiều thứ ngũ dục, bao nhiêu những gì đã có, mỗi thứ đều được gia tăng, mặt thành bao quanh cung điện cũ của Thái tử đều được canh giữ nghiêm ngặt. Đặc biệt hơn nữa Đại vương cho xây thêm thành lũy cao lớn, chung quanh cung điện Thái tử cho đào hào thật sâu, trên đầu tường thành an trí lưới bảy báu, giữa các mắt lưới treo chuông rung, các cửa trong cung điện được tăng thêm phần canh giữ, sớm chiều mở cửa tiếng động vang dội đến khắp bốn cửa thành bên ngoài. Bố trí vô số binh xa tượng mã và quân lính mặc áo giáp, sát cánh bên nhau, họ đều được tổ chức theo đội ngũ chỉnh tề chặt chẽ.
Lại bên ngoài cung điện, nơi cửa thành trong ngoài bố trí trăm ngàn tráng sĩ hình dung đẹp đẽ oai hùng, rất dũng cảm, tất cả đều có khả năng đánh tan quân thù, thân mặc chiến bào, tay cầm chĩa ba, côn, trường kiếm, giáo mác, cung tên…, tất cả những thứ binh khí như vậy là để canh giữ Thái tử; lại tăng thêm sắc lệnh cho hàng thể nữ nội cung, ngày đêm ca nhạc múa hát, không được gián đoạn để phô bày tất cả thú vui. Các thể nữ có tài làm mê hoặc luôn luôn kề cận bên Thái tử, dùng ái dục ràng buộc, khiến Thái tử say đắm không nghĩ đến việc xả tục xuất gia.
Bấy giờ, quốc sư có một người con tên là ưu-đà-di (nhà Tùy dịch là Thông Biện) thông minh trí tuệ có tài biện luận, lúc ấy Đại vương Tịnh Phạn cho sứ đòi ưu-đà-di. Khi ưu-đà-di đến, Đại vương hỏi:
-Này ưu-đà-di, ngươi thông minh tài trí, nay có thể đến hầu Thái tử Tất-đạt-đa, ngươi hãy dùng đủ mọi cách khiến Thái tử tâm được an ổn, vui thích ở trong cung, chớ để Thái tử nhàm chán xa lìa cung điện xuất gia.
Đại vương cho mời tất cả quyến thuộc họ Thích cùng nhau hội họp, nhà vua nói:
-Này tất cả quý vị trong hoàng tộc, ý ta lo rằng Thái tử Tất-đạt-đa nhất định không ở nhà, ngày nay các vị có cách gì giúp đỡ ta, khiến Thái tử bỏ ý định xuất gia.
Đại vương cùng hoàng tộc bố trí bên ngoài cửa thành phía Đông năm trăm đồng tử dũng kiện đầy mưu lược, có tài dụng binh, đều rất dũng mãnh, những tráng sĩ này có sức mạnh ít ai địch lại. Mỗi đồng tử có năm trăm chiếc xe tự quay quanh mình, mỗi chiếc xe lại có năm trăm người khỏe mạnh vây quanh. Như vậy cho đến các cửa thành: Nam, Tây, Bắc theo thứ lớp, mỗi thành đều có năm trăm người phòng vệ như đã nói trên. Lại có các vị kỳ lão đại thần họ Thích đứng cảnh giác tại các ngã tư, đầu đường lớn nhỏ trong thành cùng nhau giữ gìn Thái tử. Đại vương Tịnh Phạn lại bố trí một đội quân đặc biệt gồm năm trăm tráng sĩ hết sức tinh nhuệ, thân mặc áo giáp, cỡi voi hay ngựa tuần hành chung quanh bốn mặt thành. Tất cả các cửa cung điện được bố trí canh giữ suốt cả ngày đêm.
Lúc Quốc đại phu nhân Ma-ha Ba-xà-ba-đề Kiều-đàm-di tập trung tất cả thể nữ trong cung căn dặn:
-Này các khanh phải biết, từ ngày nay trở đi ngày đêm không được ngủ, đem ngọc phát quang treo lên đầu các cây phướn để ban đêm khỏi tối tăm, lại mọi nơi đều thắp đèn dầu tô hay đèn sáp, luôn luôn dùng lồng đòn chụp lại đừng để tắt. Các cửa cung cần phải đóng chặt thật kỹ lưỡng, ngoài giờ quy định không ai được mở cửa ra vào thân thể các ngươi phải trang sức thật lộng lẫy, đều mang chuỗi anh lạc, các ngươi nắm chuyền tay nhau thành vòng tròn bao quanh Thái tử, đừng để Thái tử vượt qua; khi các khanh cầm cung, đao, dao, mác… các khí cụ như vậy, hoặc đứng gác hay ngồi canh, ngày cũng như đêm luôn luôn lưu ý, không được lơ đễnh để Thái tử bỏ đi. Nếu Thái tử đi xuất gia rồi, thì cung điện chúng ta trống không, buồn tẻ mất hết thú vui.
Ưu-đà-di, con trai của Quốc sư được cử làm cận vệ Thái tử, khi ông ta bước vào trong cung điện, thấy Thái tử ngồi giữa chính điện đang tư duy, tất cả thể nữ đều im lặng. Ưu-đà-di thấy cảnh buồn tẻ như vậy, nói với các thể nữ:
-Các ngươi đều là những người có tài nói năng, khéo chiều ý người, biết biến điều buồn thành niềm vui, có hình dung đẹp đẽ dễ thương, thế gian không ai sánh bằng, mỗi nàng đều có tài hoa như vậy, tại sao ngày nay các nàng bỏ mất tài năng ấy mà đành đứng im như vậy? Các nàng phải làm cung điện sống động huy hoàng như cung điện Uất-đơn-việt ở phía Bắc. Lại nữa các nàng có thể làm chánh hậu hay chánh phi của Đại vương trời Hộ thế Tỳ-sa-môn ở phương Bắc, huống nữa là trong cung điện ở trần gian mà không làm được hay sao? Này các thể nữ, các nàng tại sao để Thái tử xa lìa ái dục? Giả sử như đối với hàng thánh nhân chân chánh, các nàng vẫn có thể làm cho họ đam mê ngũ dục, huống nữa là ngày nay đối với Thái tử Thích-ca nơi trần gian này, mà không khiến Thái tử say đắm hay sao? Này các thể nữ, các nàng có tài ăn nói dịu dàng khôn ngoan, có thể biến giận thành vui, khéo biết tâm lý đàn ông, các nàng có thân phụ nữ, có rất nhiều ưu điểm thuận lợi làm lung lạc tâm trí đàn ông, cùng phái nữ mà thấy các nàng còn sinh tâm ái dục, huống nữa là nam nhi mà không say đắm các nàng hay sao? Giả sử có người đàn ông trong thế gian sống chung với các nàng mà không sinh tâm ái dục, hoàn toàn không có việc như vậy. Rồi Đồng tử Ưu-đà-di nói kệ:
Này các nàng thể nữ,
Các nàng nhiều ưu điểm.
Có tài mê hoặc người,
Thân nàng khéo quyến rũ
Giả sử người ly dục,
Hay các Tiên chân chánh.
Thấy được sắc các nàng,
Nhất định sinh tâm dục.
Huống nữa Thái tử này,
Thấy các nàng đùa cợt.
Mà không sinh ngũ dục,
Thật không có việc ấy.
Như vậy các thể nữ tự ở trong khả năng quyến rũ của mình biết dùng ưu điểm sẵn có, ta thấy các nàng ai ai cũng sẵn có những ưu điểm như vậy, mà không làm cho Thái tử ở bên các nàng, tự sinh tâm ái dục, thì ta không vui lòng. Mỗi người trong các nàng hãy cố gắng dùng mọi cách làm cho Thái tử sinh tâm dục nhiễm, chớ để Thái tử nhàm chán xa lìa.
Này các thể nữ, lẽ nào các nàng không nghe: Xưa nước Ca-thi có một Tiên nhân tên là Đề-ba-đa-na (nhà Tùy dịch là Duyên Thượng Sinh) bị dâm nữ Tôn-đà-lê làm mê hoặc. Tiên nhân có oai đức như chư Thiên không khác, chư Thiên còn không dám làm gì được, mà bị dâm nữ Tôn-đà-lê làm mê hoặc nên đi bộ theo nàng ta vào thành Ca-thi.
-Lại thuở xưa có một Tiên nhân tên là Độc Giác, từ thuở ấu thời cho đến lớn chưa hề dâm dục, một hôm nọ có dâm nữ tên là Thương Đa (nhà Tùy dịch là Tịch Định) làm Tiên nhân mê hoặc, mất hết thiền định và năm phép thần thông.
-Lại thuở xưa có một Tiên nhân tên là Tỳ-thương-mật-đa (nhà Tùy dịch là Hóa Chi) trải qua nhiều năm tu khổ hạnh, đã từng không ăn đến mười năm, lúc bấy giờ có một dâm nữ tên là Di-ca-na (nhà Tùy dịch là Nhất giả) hết sức xinh đẹp, Tiên nhân cũng bị nàng ta làm mê hoặc.
Các Tiên nhân có thần thông như vậy, phần lớn đều bị các dâm nữ mê hoặc, Lôi cuốn vào các việc ái dục thế gian, huống nữa ngày nay Thái tử Tất-đạt-đa đang độ thanh niên sức lực cường tráng, thân thể dịu dàng, lại là con của một Đại vương, am tường mọi việc, vậy các nàng nên đem hết tâm lực cung phụng, khiến cho Thái tử ở bên các nàng sinh tâm tham đắm, chớ để ngôi vua bị tuyệt diệt.
Các thể nữ nghe lời cổ vũ của Ưu-đà-di con quốc sư như vậy, cùng nhau hướng đến Thái tử diễn đủ trò ủy mị mê hoặc để tâm Thái tử thêm hoang mê, hoặc có nàng biểu diễn điệu múa, hoặc có thể nữ ca hát ngâm vịnh tán thán thú vui ngũ dục âm thanh ngọt ngào, hoặc có nàng trổi nhạc, hoặc có nàng làm trò cười biến khuôn mặt thành hình kỳ dị, hoặc có nàng phát ra một trăm thứ tiếng nói câu văn khác nhau, hoặc có nàng ở trước Thái tử biểu diễn dáng đi kiều diễm, hoặc có nàng đem đủ các loại hoa tươi đẹp khác nhau dâng lên Thái tử, hoặc có nàng hòa hợp trăm thứ hương, xoa trên thân Thái tử, hoặc có nàng thổi ngón tay tạo ra đủ loại tiếng chim, hoặc có nàng lại thưa hỏi Thái tử:
-Thưa Thánh chủng vương tử, xin ngài nghe những lời trào phúng ân ái thế tục.
Thái tử ở trong cung nghe những lời vui đùa gợi tình như vậy sinh tâm suy nghĩ: “Chúng sinh trong thế gian bị các khổ bức bách, các khổ đó là: sinh, già, bệnh, chết… nó đã làm não loạn như vậy, mà không chịu xa lìa các khổ để tìm nơi nương tựa, ta nay phải làm phương tiện khéo léo gì để vượt các sinh, già, bệnh, chết ở thế gian.”
Lại các thể nữ bày đủ trò ca múa âm nhạc, hoặc những trò gợi tình, Thái tử thấy vậy tâm không sinh một chút ưa thích. Lúc đó trong hàng cung nữ có một nàng tự tay cầm lấy tràng hoa Mạt-lợi bước đến đeo vào cổ Thái tử, mà mắt Thái tử nhìn nàng chăm chăm không nháy, nhìn rồi tự tay cởi lấy tràng hoa Mạt-lợi, cầm nơi tay từ trong cửa sổ vứt ra bên ngoài.
Lúc ấy Ưu-đà-di con vị quốc sư thấy Thái tử ngồi ngay ngắn chánh niệm tư duy, không vướng mắc cảnh giới hữu vi thế gian, lại không tham đắm sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngọt… Thấy như vậy rồi, ưu-đà-di là người thông minh trí tuệ, lại dùng bao nhiêu lời lẽ can gián Thái tử:
-Tâu Đại thánh Thái tử, tôi được Đại vương sai đến đây làm bạn giúp vui Thái tử, nay tôi muốn hỏi Thái tử, xin ngài cho phép, vì tôi thấy Thái tử đối với việc đời tại sao tâm không vướng mắc? Rồi nói kệ:
Nói qua tình bạn hữu,
Ác can, thiện khuyên làm.
Ách nạn cứu giúp nhau,
Mới thật gọi bạn hiền.
Ưu-đà-di nói kệ rồi lại thưa tiếp:
-Thưa Đại thánh Thái tử, nay tôi đã là bạn của Thái tử rồi, các việc tốt xấu phải cùng nhau bàn bạc, nếu thấy việc bất thường xảy đến mà làm ngơ bỏ qua thì không thể gọi là bạn; do đó ngày nay tôi muốn cùng Thái tử trò chuyện tâm tư, với tấm lòng của một người bạn chân thành, xin Thái tử lãnh nạp: Ngày nay Thái tử đang độ thanh niên, sức khỏe cường tráng, tôi thấy Thái tử hình như không muốn hưởng sự vui sướng ở đời, mà muốn xa lìa các thể nữ, không muốn sông gần bên họ, họ có gì đáng ghét? Phàm tâm người thế tục đều thuận theo như vậy. Con đường tình ái là căn bản, thân người phụ nữ chỉ để hàng trượng phu quý trọng, lấy họ làm vui, nếu Thái tử quyết định xa lìa thú vui ngũ dục, thì đối với họ sự phú quý vinh hoa nơi cung điện chỉ là hình phạt, xin Thái tử đem lời dịu dàng tình cảm an ủi hàng cung nữ khiến họ sinh tâm vui mừng, Ưu-đà-di nói kệ:
Nữ được trọng làm vui,
Trọng là vui hơn hết.
Không trọng chỉ có sắc,
Như cây không có hoa.
Lúc ấy, Thái tử ở gần bên ưu-đà-di con của vị quốc sư, nghe những lời nói như vậy, ngài dùng những lời nói khéo léo với giọng điệu đầy buồn thương, như tiếng sấm rền rền được bao phủ bởi áng mây, như người nhạc sĩ tài giỏi phổ ra âm điệu thâm trầm trả lời Ưu- đà-di:
-Này ưu-đà-di, ta đã biết ông là lương bằng thiện hữu của ta, ông đem tâm tốt can gián mở mang tâm trí ta được sáng tỏ, ta cũng hiểu ý ông, đối với ta rất thân mật hậu trọng, ta nay cũng không trái ý ông, nay ông thấy ta có những lỗi như vậy, ta nay sẽ thuận theo ý ông, nhưng ta không phải không biết hưởng thú vui ngũ dục thế gian, ta quan sát tất cả sự việc trong thế gian, hiểu biết một cách rõ ràng, vì ta thấy thế gian vô thường bại hoại, do thế gian này đáng sợ, ta sinh tâm chẳng vui. Rồi nói kệ:
Vinh hoa tuy khoái lạc,
Bị sinh, già, bệnh, chết.
Bốn khổ này nếu không,
Tâm ta nào chẳng vui.
Thái tử nói kệ rồi, lại nói với Ưu-đà-di:
Ông nên quan sát những thể nữ này đã bị cảnh già đoạt lấy nhan sắc đẹp đẽ. Mỗi người tự thấy nhau tâm không vui vẻ, sẽ thấy chỉ có người ngu mới muốn ở trong đó sinh tâm mê đắm. Rồi ngài nói kệ:
Pháp sinh già bệnh chết,
Đối sinh lão bệnh này.
Nếu sinh tâm ưa đắm,
Đồng cầm thú khác gì.
Thái tử cùng với ưu-đà-di con vị quốc vương đối đáp đàm đạo qua lại, khi Thái tử thấy ánh sáng mặt trời khuất bóng liền vào trong cung cùng thể nữ thọ hưởng khoái lạc ngũ dục hết sức vui vẻ, thể nữ cùng nhau tụ tập đứng chung quanh. Trong đêm đó chánh phi của Thái tử là nàng Da-du-đà-la có cảm giác mang thai. Cũng trong đêm đó, di mẫu của Thái tử là Kiều-đàm Ma-ha Ba-xà-ba-đề trong giấc ngủ mộng thấy một con trâu trắng chúa ở trong thành cất tiếng rống vang, rồi chậm rãi ra đi mà không có một người nào cản lối. Lại trong đêm đó Đại vương Tịnh Phạn mộng thấy ở trung tâm thành dựng một cây lọng trời Đế Thích được trang hoàng bằng nhiều thứ quý giá và các chuỗi anh lạc, giống như núi chúa Tu-di, từ dưới đất vọt lên trụ trong hư không, lại trong chiếc lọng Đế Thích này chiếu ra ánh sáng chói lọi khắp bốn phương, lại bốn phương nổi lên những đám mây to lớn, kéo đến phủ trên cây lọng này rồi giáng xuống một trận mưa dữ dội, nước mưa xối xuống rửa sạch chiếc lọng; lại trong hư không tuôn xuống đủ thứ hoa đẹp chung quanh cây lọng Đế Thích; lại có vô lượng tiếng nhạc du dương, không có người sử dụng mà tự trổi lên; lại có một chiếc tán trắng tinh, các ngọc quý làm cán, vàng ròng làm kèo, trông thật xinh xắn đẹp đẽ, tự nhiên đến che bốn phía trên cây lọng trời Đế Thích; lại có bốn vị Đại thiên vương cùng quyến thuộc đến thành này, mở cửa thành rước chiếc lọng Đế Thích đi.
Cũng trong đêm đó Da-du-đà-la hết sức mỏi mệt ngủ say, trong giấc mộng thấy hai mươi điềm chiêm bao rất đáng kinh hãi, thân tâm run sợ chẳng an, lấy làm quái dị kinh hoàng, bỗng nhiên thức giấc.
Khi ấy Thái tử hỏi Da-du-đà-la:
-Vì cớ gì ái khanh đang ngủ bỗng nhiên thức dậy run rẩy, hơi thở hào hển kinh sợ như vậy? Này ái khanh, vì cớ gì, hiện giờ chúng ta không phải ở rừng tử thi, cũng không phải nằm giữa những tử thi, cũng không phải ở trong núi, cũng không phải ở giữa đồng hoang, mà ta đang ở vương cung nơi thành Ca-tỳ-la này, được vô lượng vô biên lực lượng mang khí giới bảo vệ, nơi đây thật an toàn, không sợ dã thú, lại cũng không lo giặc cướp đến nhiễu hại, nơi đây hết sức an vui, không có gì phải lo sợ, ta nay thấy tâm nàng hết sức sợ hãi, sinh tâm ưu sầu lo lắng, bỗng nhiên thức dậy là do nguyên nhân gì?
Da-du-đà-la, chánh phi của Thái tử lệ nhỏ như mưa, buồn rầu sợ sệt nghẹn ngào thưa Thái tử:
-Tâu Đại thánh Thái tử, hôm nay trong giấc mộng thiếp mộng thấy hai mươi điều biến đổi, cúi xin Thái tử lắng nghe, thiếp sẽ kể lại: Thưa Thái tử, thiếp ở trong mộng thấy tất cả chung quanh đại địa này chấn động.
Thưa Thái tử, tiếp đến, thiếp lại thấy cây lọng trời Đế Thích đổ nhào xuống đất.
Thưa Thái tử, kế đến, thiếp lại thấy mặt trời, mặt trăng và các tinh tú từ trên hư không rơi xuống.
Thưa Thái tử, kế đến, thiếp lại thấy một chiếc tán hết sức trong sạch tốt đẹp, lúc ấy thiếp theo núp dưới chiếc tán này, chiếc tán thương mến và che chở thiếp; bỗng nhiên Xa-nặc, con của mụ tỳ nữ dùng sức mạnh đến cướp lấy chiếc tán của thiếp mang đi.
Thưa Thái tử, kế đến, thiếp lại thấy các ngọc quý giá trang điểm trên búi tóc của thiếp bị một chiếc dao đến cắt mang đi.
Thưa Thái tử, kế đến, thiếp lại thấy bao nhiêu chuỗi anh lạc trên mình thiếp bị nước cuốn trôi.
Thưa Thái tử, kế đến, thiếp lại thấy dung nhan của thiếp đẹp đẽ tuyệt vời bỗng nhiên trở thành xấu xí.
Thưa Thái tử, kế đến, thiếp lại thấy tay chân của thiếp bỗng nhiên rời khỏi thân người.
Thưa Thái tử, kế đến, thiếp lại thấy thân hình thiếp bỗng nhiên lõa thể.
Thưa Thái tử, kế đến, thiếp lại thấy giường nằm của thiếp xưa nay, khi thiếp đang ngồi hầu hạ Thái tử, chiếc giường bỗng nhiên ngã nhào xuống đất.
Thưa Thái tử, kế đến, thiếp lại mộng thấy chiếc giường mà thiếp cùng Thái tử nằm ngủ thọ lạc, bỗng nhiên bốn chân giường gãy đổ.
Thưa Thái tử, kế đến, thiếp lại mộng thấy một hòn núi lớn toàn bằng các chất ngọc, bốn cạnh sắc bén, hết sức cao, bỗng nhiên bị thiêu đốt, núi kia sụp đổ xuống đất.
Thưa Thái tử, kế đến, thiếp mộng thấy trong cung của vua Tịnh Phạn có một cây hết sức tốt đẹp bỗng nhiên bị gió cuốn mất.
Thưa Thái tử, kế đến, thiếp mộng thấy vầng trăng tròn sáng ở giữa các ngôi sao trong cung này bỗng nhiên biến mất.
Thưa Thái tử, kế đến, thiếp mộng thấy vầng mặt trời ở trong cung điện này trong sáng tỏa chiếu ngàn vạn tia sáng xung quanh, bỗng nhiên biến mất, thế gian tối tăm không chút ánh sáng.
Thưa Thái tử, kế đến, thiếp mộng thấy trong cung điện thành này có một cây đuốc thắp sáng di chuyển ra ngoài thành.
Thưa Thái tử, kế đến, thiếp mộng thấy vị thần từ trước bảo vệ thành này, khắp minh được trang sức bằng chuỗi anh lạc, hình dung tuấn tú rất dễ cảm, đứng ngoài cửa thành bỗng nhiên buồn khóc kêu than.
Thưa Thái tử, kế đến, thiếp lại mộng thấy thành Ca-tỳ-la bỗng nhiên biến thành khoảng đồng trồng đáng sợ như ban đêm, tâm không thể vui được.
Thưa Thái tử, kế đến, thiếp mộng thấy nước các ao trong thành Ca-tỳ-la bỗng nhiên vẩn đục và tất cả cây cối hoa quả cành lá trong thành đều rơi rụng che kín khắp mặt đất.
Thưa Thái tử, kế đến, thiếp mộng thấy tất cả tráng sĩ thân mặc áo giáp, tay cầm dao gậy bao quanh khắp bốn mặt thành cùng nhau chạy đuổi theo Thái tử.
Thưa Thái tử, thiếp mộng thấy hai mươi việc như vậy, tâm rất lo sợ kinh hãi, nghi ngờ không an, không biết đây là điềm gì? Hậu quả lành hay dữ? Hay là mạng thiếp sắp lìa trần? Hay là sự ân ái với Thái tử sắp biệt ly? Do đó tim thiếp như trống đánh, rúng động sợ hãi không đủ sức chế ngự, nên ở trong giấc ngủ bỗng nhiên giật mình thức dậy.
Thái tử nghe nói như vậy, tâm suy nghĩ, ta nay chẳng bao lâu sẽ xả tục xuất gia, vì thế hôm nay Da-du-đà-la thấy điềm chiêm bao hết sức kinh hãi như vậy. Lúc ấy, Thái tử bảo Da-du-đà-la:
-Này ái phi Da-du-đà-la, nàng dầu có thấy một ngàn chiếc lọng trời Đế Thích ngã nhào xuống đất đối với nàng có thương tổn gì? Ví dầu nàng lại thấy một ngàn mặt trời mặt trăng và các tinh tú rơi rụng xuống đất, đối với nàng có ảnh hưởng đau khổ gì? Nàng dù thấy một ngàn chiếc lọng bị Xa-nặc con của tỳ nữ dùng sức mạnh mang đi, đây chỉ là sự cướp đoạt chỉ thấy trong giấc mộng, nào có quan hệ với sự thật ban ngày, mà có gì tâm nàng phải rối loạn? Nàng chẳng nên ưu sầu, nàng là đại phi quý nhất của ta, chớ nên suy nghĩ sinh ra sợ hãi, ở trong thế gian tự có những điềm chiêm bao hư vọng như vậy, nàng chẳng nên ôm lòng sợ hãi, chỉ nên an ổn bình thường mà ngủ. Nàng là chánh phi duy nhất của ta, đang độ thanh xuân, dáng điệu yêu kiều, ta e rằng sự sợ hãi như vậy làm tổn thương đến sức khỏe nàng. Này Da-du-đà-la, nàng chỉ thọ hưởng sự an vui, chưa từng bị đau khổ.
Nàng nghe Thái tử giải thích như vậy, yên tâm nằm ngủ trở lại. Thái tử vì muốn an ủi vỗ về Da-du-đà-la nên đồng nằm ngủ, cùng nhau hoan lạc hưởng thú vui ngũ dục. Đêm đó Thái tử cũng nằm thấy năm giấc mộng lớn:
Giấc mộng thứ nhất: Thái tử thấy nằm trên giường bằng cõi đại địa với chiếc gối bằng núi Tu-di lót trên đầu, tay trái gác trên biển cả phương Đông, tay phải gác trên biển cả phương Tây và hai chân gác trên biển cả phương Nam.
Giấc mộng thứ hai: Thái tử thấy một cọng cỏ tên gọi là “kiến lập” gốc mọc từ rún, ngọn tận cõi trời sắc cứu cánh.
Giấc mộng thứ ba: Thái tử thấy bốn con chim màu sắc rực rỡ từ bốn phương bay đến đậu dưới hai chân rồi tự nhiên biến thành thuần một màu trắng.
Giấc mộng thứ tư: Thái tử thấy có bốn con thú màu trắng, đầu toàn sắc đen, đến liếm từ gót chân cho đến đầu gối Thái tử.
Giấc mộng thứ năm: Thái tử thấy một ngọn núi phẩn rất cao lớn rộng rãi, Thái tử đi kinh hành trên ngọn núi phẩn này mà không bị dính phẩn uế.