PHỤ TỬ HỢP TẬP KINH
(KINH CHA CON GẶP NHAU)
Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Nhật Xưng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 18: THỌ KÝ LẠC BIẾN HÓA THIÊN
Khi ấy, Lạc biến hóa Thiên chủ cùng bảy mươi ức Thiên tử quyến thuộc thấy các A-tu-la vương cho đến Đổ-sử-đa Thiên và các Thiên tử ở chỗ Phật cung dường rộng lớn, tùy hỷ sâu sắc phấn khởi vô lượng, lại nghe Như Lai thọ ký cho họ. Các Thiên tử nghe lời nói này rồi thân ý thư thái, được trụ thật tế, đối với pháp thắng nghĩa lìa các nghi hoặc.
Khi ấy Lạc biến hóa Thiên vương từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Đức Thế Tôn chắp tay cung kính bạch rằng:
–Bạch Thế Tôn! Như con hiểu được nghĩa Đức Phật đã nói, tất cả các pháp gọi là thật tế, là vô lượng tế, vô ngại tế, vô trụ tế, vô tận tế, vô nhị tế, phi tế, vô tế gọi là thật tế.
Thưa Thế Tôn! Nói thật tế nghĩa là không điên đảo. Vô lượng tế là không có phần hạn. Vô ngại tế là không phải hòa hợp. Vô trụ tế là lìa tự tánh. Vô lượng tế là không có sinh. Vô nhị tế là chỉ có một tướng. Phi tế là thể chẳng phải có. Vô tế là vốn vô cùng cực.
Thưa Thế Tôn! Pháp thật tế này là khắp mọi nơi, hữu vi vô vi thông đạt vô ngại, không có một pháp nào là không phải thật tế, cho đến Bồ-đề cũng là thật tế.
Pháp nào gọi là Bồ-đề? Tất cả pháp gọi là Bồ-đề, cho đến nghiệp ngũ vô gián cũng gọi là Bồ-đề. Vì sao? Vì pháp Bồ-đề lìa tự tánh, nghiệp ngã vô gián cũng lìa tự tánh. Thưa Thế Tôn! Lại nghiệp ngũ Vô gián tức là cảnh giới Vô dư Niết-bàn. Vì sao? Vì tánh của các pháp lìa tướng tội. Thế nên, nghiệp vô gián gọi là cảnh Niếtbàn. Thưa Thế Tôn! Người trụ luân hồi có thể cầu Niết-bàn. Trong thật tế ấy không có hai tướng, không có sinh tử có thể lìa, không có Niết-bàn có thể chứng. Vì sao? Vì lìa tự tánh. Thưa Thế Tôn! Nay con đối với lý thật tế này không có nghi hoặc. Nếu người nào đối với pháp này mà lìa nghi hoặc, nên biết người này đã từng ở chỗ Phật quá khứ, được thọ ký Chánh đẳng Chánh giác.
Khi ấy, Đức Thế Tôn nghe Thiên vương nói lời như vậy, muốn khiến cho đại chúng tịnh tâm tin hiểu thanh tịnh hoan hỷ, liền từ nơi tòa phóng ánh sáng lớn. Tôn giả Tỳ-kheo Mã Thắng dùng kệ thưa hỏi:
Điều Ngự Sư thương xót thế gian
Ở giữa đại chúng hiện điềm này
Trong miệng phóng ra ánh sáng lớn
Tướng này không phải là không nhân.
Nay đây những người đến tập hội
Đều sinh tâm cung kính thanh tịnh
Xin nói nhân duyên phóng quang này
Để trừ tất cả các nghi hoặc.
Nếu như họ nghe lời Phật dạy
Nhất tâm lắng nghe và tin thọ
Tôn trọng lời Phật phụng hành theo
Thệ cầu quả Vô thượng Bồ-đề.
Cúi xin Như Lai mau diễn nói
Thương xót quần sinh tâm khát ngưỡng
Chư Thiên thân ta đều thư thái
Quyết định tự biết sẽ thành Phật.
Khi ấy, Đức Thế Tôn vì Tỳ-kheo Mã Thắng nói kệ rằng:
Mã Thắng nay hỏi việc phóng quang
Như Lai phóng quang đều có nhân
Ông nay lắng nghe chớ nghĩ gì
Nay ta thọ ký cho chư Thiên.
Hóa Lạc Thiên vương và quyến thuộc
Lần lần thành tựu Nhất thiết trí
Ở trong đại chúng các trời người
Rống tiếng sư tử nhiếp dị luận.
Ví như tất cả trong hang núi
Không sinh châu ngọc không có lầm
Như vậy Hóa lạc các trời người
Quyết định đương lai sẽ thành Phật.
Ví như khi mặt trời lặn xuống
Thì không lâu mặt trăng xuất hiện
Các Thiên tử ấy đạt pháp tánh
Tự biết nhất định thành Chánh giác.
Ví như thế gian mặt trời sáng
Quán sát sắc tượng đều thấy rõ
Các Thiên tử ấy đạt pháp tánh
Sẽ được Như Lai Nhất thiết trí.
Ví như thế gian khi trời tối
Hữu tình đều biết mặt trời lặn
Các Thiên tử kia đạt pháp tánh
Sẽ được minh tuệ chiếu sáng tỏ.
Ví như thế gian các suối sông
Thảy đều chảy ra ngoài biển cả
Các Thiên tử kia đạt pháp tánh
Nhất định mau chứng đại Bồ-đề.
Như dùng ngói gạch ném hư không
Lực hết rớt xuống ắt như vậy
Các Thiên tử kia đạt pháp tánh
Không lâu thành Phật không còn nghi.
Nếu người thông đạt pháp tánh này
Nhập Phật tri kiến lìa hý luận
Họ sẽ chứng được công đức lớn
Hướng đến Bồ-đề không bao xa.
Giả sử hai mươi na-do-tha
Tệ ma nói ta không thành Phật
Do đủ chánh kiến đạt pháp tánh
Không thể thoái chuyển tâm Bồ-đề.
Như vậy các chúng Thiên tử kia
Hiểu rõ pháp tánh tâm không trước
Mỗi mỗi hy vọng được thọ ký
Ta chuyển cố gắng sinh vui thích.
Các Thiên tử ấy tu từ lâu
Không từ người khác mà hiểu rõ
Tự biết quyết định được Bồ-đề
Những người có trí đều tùy hỷ.
Tỳ-kheo Mã Thắng nên biết rõ
Nếu người cầu Bồ-đề vô thượng
Thường ưa thân cận Phật Thế Tôn
Quán các pháp tánh không chướng ngại.
Tự mình biết rõ được chánh lý
Lại khiến người khác khéo thông đạt
Tùy theo năng lực mà hiểu biết
Đó là người hành pháp đệ nhất.
Nếu trăm ngàn kiếp hành khổ hạnh
Đem thân máu thịt mà bố thí
Trong khoảng sát-na rõ pháp tánh
Phước này rộng lớn lại hơn kia.
Tất cả chư Phật thời quá khứ
Hiện tại cứu độ các chúng sinh
Cho đến vị lai các Thế Tôn
Thảy đều theo đó mà tu tập.
Hóa Lạc Thiên vương và quyến thuộc
Nay ở trước ta khởi cúng dường
Thuở xưa đã từng trồng nhân phước
Nên nói hiểu rõ pháp thậm thâm này.
Những người trí tuệ ở thế gian
Phải nên tu chứng Tam-ma-địa
Nếu nương vào Đẳng trì tối thắng
Người này đến được đường Phật đi.
Tỳ-kheo Mã Thắng nên biết rõ
Các Phật tử này ngộ pháp tánh
Thường hay thọ chơi cảnh giới Phật
Nhiếp phục tất cả các dị luận.
Thế nên siêng tu nghiệp thanh tịnh
Nhất định xa lìa nghiệp khổ não
Thích luôn thân cận thầy nói pháp
Được thành đạo Bồ-đề vô thượng.