SỐ 225
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Nam Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Phẩm 14: VỐN KHÔNG

Thiện Nghiệp bạch Phật rằng:

–Bạch Đức Thế Tôn! Các pháp theo thứ lớp không bị dính mắc, không nghĩ tưởng giống như hư không. Kinh này không từ đâu sinh, các pháp tìm cầu không thật có.

Thiện tử trời Ái dục, Thiên tử trời Phạm thiên thưa:

–Những điều Tôn giả Thiện Nghiệp thực hành giống như Đức Như Lai dạy, chỉ nói về trí tuệ như hư không.

Thiện Nghiệp nói:

–Như Lai là tùy theo Như Lai dạy. Thế nào là tùy theo sự chỉ dạy? Như pháp không từ đâu sinh là tùy theo sự chỉ dạy. Đây là vốn không, không đến vốn không có dấu vết đi. Các pháp vốn không, Như Lai cũng vốn không, không khác. Tùy theo pháp vốn không chính là tùy theo Như Lai vốn không. Như Lai vốn không kiến lập là tùy theo Như Lai chỉ dạy và các pháp không khác. Không khác với pháp vốn không nên không có người làm ra, vì tất cả đều vốn không. Lại cũng không có pháp vốn không nên bình đẳng không khác. Đối với chân pháp, vốn không có các pháp vốn không, không có quá khứ, vị lai, hiện tại. Như Lai cũng vậy. Đây là pháp vốn không chân thật. Bồ-tát đắc được bổn không, Như Lai gọi địa vị này là lục chấn. Đây là Như Lai nói về pháp vốn không. Đây là đệ tử Thiện Nghiệp tùy theo Như Lai dạy. Lại nữa, năm ấm Dự lưu, Tần lai, Bất hoàn, Ứng nghi, Duyên giác không thọ. Đó là tùy theo lời dạy.

Thu Lộ Tử bạch Phật rằng:

–Bạch Đức Thế Tôn, pháp vốn không rất sâu xa!

Lúc Đức Thế Tôn đang nói về pháp vốn không, có hai trăm Tỳ-kheo đắc đạo Ứng cúng, năm trăm Tỳ-kheo-ni đắc đạo Dự lưu, năm trăm vị trời và nhân dân đều đắc được pháp không từ đâu sinh, vui mừng ở trong ấy kiến lập, sáu mươi vị Bồ-tát mới học đắc đạo Ứng nghi.

Phật bảo Thu Lộ Tử:

–Vào thời quá khứ, sáu mươi người này đều cúng dường năm trăm Đức Phật và Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định nhưng không biết về không. Do hoàn toàn không có sự giúp sức của phương tiện khéo léo để đắc được Minh độ nên bây giờ đều rơi vào đạo Thanh văn. Bồ-tát có đạo đức hoàn toàn không sắc, không nguyện; vì không đắc được phương tiện khéo léo của Minh độ nên ở trong đó rơi vào hai đạo kia (Thanh văn, Duyên giác). Ví như con chim lớn, thân dài hai muôn dặm nhưng không có cánh, từ trên trời tự rơi vào không trung, muốn trở về có được không? Thu Lộ Tử thưa:

–Không thể đến đất được, bạch Đức Thế Tôn!

Đức Thế Tôn hỏi:

–Nó muốn cho thân không đau đớn, có thể không đau được chăng?

Thu Lộ Tử thưa:

–Không được, bạch Đức Thế Tôn! Con chim đó hoặc buồn rầu, hoặc chết. Vì sao? Vì thân nó lớn mà không có cánh. Giả sử Bồ-tát trong số kiếp nhiều như cát sông Hằng thực hành Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, cầu sắc định, không nhập vào rỗng không, không nhập vào Minh độ, không đắc được trí tuệ khéo léo mà phát tâm cầu Phật đạo, tất cả muốn làm Phật thì đối với đạo đắc được Thanh văn, Duyên giác. Nếu ở chỗ Phật, thực hành đầy đủ các việc như trên, lại nghe trí Nhất thiết Phật đều nghĩ nhớ cầu như sắc. Đó là không giữ gìn giới, định, tuệ của Như Lai, không biết trí Nhất thiết, chỉ nghe âm thanh, tâm tưởng như nghe, rồi từ đây thực hành đạo Vô thượng bình đẳng Tối chánh giác thì không thể được, liền ở Trung đạo rơi vào trong đó. Vì sao? Vì không nắm bắt được pháp sâu xa.

Thu Lộ Tử bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Như lời Ngài đã nói, nghĩ nhớ trung tuệ, Bồ-tát lìa xa pháp sâu xa thì đắc được đạo Thanh văn, Duyên giác. Nếu người nào thật muốn chứng được đạo Vô thượng chánh chân Tối chánh giác nên học trí tuệ khéo léo, quyền biến minh huệ của Minh độ.

Thiên tử trời Ái dục, Thiên tử trời Phạm thiên bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Khó hiểu về đạo Vô thượng chánh chân.

Thiện Nghiệp thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Thật khó hiểu rõ. Theo như con nghĩ thì tuệ của đạo Vô thượng chánh chân này dễ được. Vì sao? Vì không có từ đâu thành Phật. Vì sao? Vì các pháp đều rỗng không nên tìm cầu pháp không thật có. Do đó, việc thành Phật, cầu pháp không thật có, nên việc cầu Phật này dễ được thôi.

Thu Lộ Tử nói:

–Theo như ngài đã nói thì khó nắm bắt được. Vì sao? Vì hoàn toàn không nghĩ tưởng là đang thành Phật. Pháp này như hư không, nếu dễ được thì tại sao hằng hà sa Bồ-tát đều theo đuổi.

Thiện Nghiệp thưa:

–Thế nào, dùng năm ấm để đuổi theo chăng?

Thu Lộ Tử đáp:

–Không phải.

Thiện Nghiệp hỏi:

–Lìa năm ấm đuổi theo chăng?

Thu Lộ Tử đáp:

–Không phải.

Thiện Nghiệp hỏi:

–Thế nào, chẳng lẽ Thu Lộ Tử nói năm ấm vốn không đuổi theo sao?

Thu Lộ Tử đáp:

–Không phải.

Thiện Nghiệp hỏi:

–Lìa pháp hữu đuổi theo chăng?

Thu Lộ Tử đáp:

–Không phải.

Thiện Nghiệp hỏi:

–Thế nào, do pháp vốn không này làm cho đuổi theo chăng?

Thu Lộ Tử đáp:

–Không phải.

Thiện Nghiệp hỏi:

–Lìa pháp hữu làm cho đuổi theo chăng?

Thu Lộ Tử đáp:

–Không phải! Pháp này không có được thì pháp ở đâu làm cho theo đuổi?

Thu Lộ Tử thưa:

–Như ngài đã nói: “Đại sĩ Thiện Thệ đều không đuổi theo. Đức Phật dạy có ba hạng người có đức cầu Thanh văn, Duyên giác cho đến Phật đạo. Đối với ba hạng người không kể là ba, vì cầu một đạo như Thiện Nghiệp đã nói.”

Mãn Chúc Tử nói với Thu Lộ Tử:

–Thiện Nghiệp nói về một đạo là việc đáng hỏi.

Thu Lộ Tử thưa:

–Nếu nói về một đạo thì tôi nhân theo đây để hỏi.

–Thế nào, ở trong pháp vốn không thấy ba đạo chăng?

Đáp:

–Không thấy. Vì sao? Vì từ trong vốn không chẳng thể có ba việc.

Thiện Nghiệp hỏi:

–Pháp vốn không là một việc được chăng?

Đáp:

–Không được.

Hỏi:

–Vậy ở trong pháp vốn không có được một đạo chăng?

Đáp:

–Không được.

Thiện Nghiệp nói:

–Nếu xét kỹ thì không thể được, tại sao lại nói đạo Thanh văn, Duyên giác? Như Đức Phật đã nói về đạo, vốn không chẳng khác nghe, tâm vốn không, không biếng nhác thì chắc chắn đắc được Tối chánh giác.

Phật dạy:

–Đúng vậy, không khác. Nhờ oai thần của Phật làm cho ông nói về pháp vốn không bình đẳng không khác.

Thu Lộ Tử hỏi:

–Thế nào là giác?

Đức Phật dạy:

–Giác là đạo Vô thượng chánh chân.

Thiện Nghiệp hỏi Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đối với Bồ-tát thế nào là thành tựu?

Phật dạy:

–Tất cả mọi người đều xem là bình đẳng thì tâm Từ càng thêm thương xót, không được tức giận. Thực hành theo lời này thì nên học theo việc này.