SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 14

Phẩm 14: LỢI DƯỠNG (Phần 1)

Cây chuối vì lõi chết

Lõi lau, trúc cũng vậy

Lừa, la mang thai, chết

Người do tham bỏ mạng.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt. Lúc ấy, có vị Tỳ-kheo tên Điều-đạt, thông minh học rộng, ngồi thiền nhập định mười hai năm, tâm không lay động, mười hai hạnh đầu đà không hề thiếu sót như lúc bắt đầu. Khởi tu pháp quán bất tịnh, hơi thở ra vào rõ ràng, từ pháp bậc nhất thế gian cho đến pháp Đảnh đều phân biệt sáng tỏ. Tụng kinh Phật sáu muôn lần, voi chở cũng không hết. Nhưng về sau, lui sụt, dần dần sinh ác niệm. Ý mong được cúng dường, tham đắm lợi dưỡng thế gian, Điều-đạt đến chỗ Thế Tôn, trán lạy sát chân Phật rồi đứng qua một bên. Trong giây lát, Điều-đạt bước đến bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, cúi xin Ngài giảng về phương pháp để tu chứng được thần túc cho con nghe. Nghe được phương pháp ấy con sẽ khéo tu hành để chứng được thần túc, sau đó con sẽ đến các nơi khác để giáo hóa.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Tỳ-kheo Điều-đạt:

–Hôm nay sao thầy lại nói về vấn đề thần túc, sao thầy không học tập về ý nghĩa của bốn pháp vô thường: ý nghĩa của vô thường, ý nghĩa của khổ, ý nghĩa của không, ý nghĩa của vô ngã?

Lúc ấy Tỳ-kheo Điều-đạt liền suy nghĩ: “Lý do mà Như Lai không nói cho ta về ý nghĩa thần túc là vì Ngài sợ có kẻ sẽ hơn mình, xấu hổ vì thua người ta”. Điều-đạt liền bỏ đi, đến chỗ ngài Xá-lợi-phất thưa với Xá-lợi-phất:

–Dạ thưa Hiền giả, cúi xin ngài nói về phương pháp tu để chứng được thần túc cho tôi nghe. Nghe được phương pháp ấy tôi sẽ khéo tu hành để chứng được thần túc, sau đó tôi sẽ đến các nơi khác để giáo hóa.

Bấy giờ, Xá-lợi-phất bảo Tỳ-kheo Điều-đạt:

–Hôm nay sao thầy lại nói về vấn đề thần túc, thầy học thần túc để làm gì? Sao thầy không học về ý nghĩa của bốn pháp vô thường: ý nghĩa của vô thường, ý nghĩa của khổ, ý nghĩa của không, ý nghĩa của vô ngã?

Lúc ấy, Tỳ-kheo Điều-đạt trong tâm suy nghĩ: “Tỳ-kheo Xálợi- phất tự xưng là trí tuệ bậc nhất, nhưng theo ta xét thấy thì trí tuệ của ông ta khác gì lửa đom đóm so với mặt trời mặt trăng, sự tụng tập kinh Phật của ta không có ai bằng mà còn chưa biết được phương pháp tu để chứng được thần túc, huống gì Tỳ-kheo Xá-lợiphất,làm sao ông ta biết được”. Nghĩ xong, Điều-đạt bỏ đi, đến chỗ ngài Mục-kiền-liên, thưa với ngài:

–Tôi nghe dòng họ cao quý của ngài, thần đức vô lượng, thần túc biến hóa không gì ngăn ngại được. Cúi xin ngài nói về phương pháp tu để chứng được thần túc cho tôi nghe. Nghe được phương pháp ấy tôi sẽ vang theo mà tu hành, rồi đến các nơi khác để giáo hóa.

Ngài Mục-liên bảo Điều-đạt:

–Thôi đi Điều-đạt! Thầy nghe phương pháp tu để chứng được thần túc ấy làm gì? Tôi nghe người bắt đầu tu hành thì trước phải học ý nghĩa của bốn pháp vô thường: ý nghĩa của vô thường, ý nghĩa của khổ, ý nghĩa của không, ý nghĩa của vô ngã. Lại còn phải tinh tấn tu hành Tứ thiền thì mới có được thần túc.

Nghe nói vậy, Điều-đạt sinh tâm tức giận, nghĩ: “Ông Mụcliên này tự khoe khoang thần túc của mình không ai bằng. Sở dĩ ông ta không nói phương pháp tu để chứng được thần túc cho ta nghe, vì sợ rằng thần túc của người khác sẽ hơn mình, nếu ta có được thần túc thì ông ấy sẽ mất hết tiếng khen. Thế nên, ông ấy không nói phương pháp để tu chứng được thần túc cho ta nghe”.

Tỳ-kheo Điều-đạt trong tâm suy nghĩ: “Hôm nay, ta đã đi xin học phương pháp để tu chứng được thần túc khắp nơi nhưng không ai chịu dạy ta cả. Ta có đứa em là A-nan, nó học rộng, nghe nhiều, đầy đủ mọi công đức. Nó có bốn tâm vô lượng như đại Từ… bao trùm khắp tất cả, rõ xưa, biết nay, ba đời đều thấu suốt, bây giờ ta sẽ đến hỏi về phương pháp tu để chứng được thần túc. Nếu A-nan chỉ cách cho ta, ta sẽ khéo tu hành.” Rồi Điều-đạt liền đến chỗ Tôn giả A-nan, bảo A-nan:

–Anh nghe em biết rành về phương pháp tu để chứng được thần túc phải không? Hãy nói cho anh biết với, anh được thần túc rồi, sẽ đến các nơi khác để giáo hóa.

Bấy giờ ngài A-nan liền nói phương pháp để tu chứng được thần túc cho Điều-đạt nghe. Nghe xong, Điều-đạt tìm nơi thanh vắng, chuyên tâm nhất ý, từ thô đi vào tế, lại từ tế trở lại thô, dung tâm cất thân lên, rồi dùng thân điều khiển tâm, thân tâm hòa hợp, từ từ rời khỏi mặt đất. Lúc đầu tưởng tượng thân mình nhỏ xíu như hạt mè, rồi lớn dần như hạt hồ đào, rồi dần dần cất lên, khỏi mặt đất. Từ mặt đất lên giường, từ giường lên nóc nhà, từ nóc nhà lên đến lưng trời. Giữa lưng trời, Điều-đạt hiển hiện mười tám thứ thần biến, ẩn hiện tự do, phía trên thân thì phun lửa, phía dưới thân phun nước, phía dưới thân ra lửa, phía trên thân ra nước. Hiện ra ở phía Đông, ẩn mất ở phía Tây, hiện ra ở phía Tây, ẩn mất ở phía Đông.

Bốn phương đều cũng như thế. Hoặc chia thân vô số, rồi nhập lại thành một thân.

Lúc bấy giờ, Điều-đạt tự nghĩ: “Giờ đây, ta đã được thần túc. Vách đá ta còn qua được thì không còn gì ngăn ngại. Bây giờ ta hãy hóa thành một đứa trẻ với hình tướng xinh đẹp, năm chỗ trên đầu, gương mặt tươi hồng như hoa đào.” Rồi đứa bé đến ngồi trên gối của thái tử A-xà-thế, lúc cười, lúc khóc, với tính chất của một đứa trẻ. Nhưng chỉ có A-xà-thế biết đó chính là Điều-đạt mà thôi.

Suốt ngày, thái tử vui chơi với nó không biết chán. Hoặc hát ru cho nó ngủ, hay tung mình nó lên rồi đưa hai tay hứng. Lúc ấy, thái tử A-xà thế thầm nghĩ: “Thần túc của Điều-đạt hơn Sa-môn Cù-đàm kia, có khả năng thực hiện vô số phép biến hóa.” Lúc ấy, mỗi ngày A-xà-thế cấp cho Điều-đạt năm trăm nồi thức ăn, thường xuyên cúng dường, không để thiếu thốn. Bấy giờ, có rất đông Tỳ-kheo thấy thái tử A-xà-thế mỗi ngày cung cấp cho Điều-đạt năm trăm nồi thức ăn như vậy, các thầy bèn cùng nhau đến chỗ Thế Tôn, lễ lạy sát chân Ngài rồi bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, vừa rồi chúng con đi khất thực trông thấy thái tử A-xà-thế cung cấp cho Điều-đạt năm trăm nồi thức ăn.

Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Tỳ-kheo các thầy chớ khởi lên ý nghĩ ấy. Điều-đạt tham lợi cúng dường, vì sao? Vì Điều-đạt được cúng dường thì chẳng những tự giam hãm mình vào vòng tội lỗi, mà còn giam hãm người khác vào vòng tội lỗi, rơi vào vực sâu tội lỗi, cả hai đều mắc tội. Các Tỳ-kheo nên biết, nói là tự giam hãm mình vào vòng tội lỗi là giống như cây chuối kia, kẻ ngu tìm cái lõi không bao giờ được; cây trúc, cây lau cũng lại như vậy; con lừa, con la mang thai cả hai cùng bỏ mạng; người đời vì ham của cải mà sau đó mất mạng. Tỳ-kheo Điều-đạt cũng lại như thế, tham đắm lợi dưỡng, do lợi dưỡng ấy mà tự mất mạng.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Giờ đây Ta sẽ nói thí dụ cho các thầy nghe, người có trí tuệ dựa vào trí tuệ mà tự hiểu.

Xưa, có bầy kên kên sống trong núi sâu, chúng đều còn bú.

Kên kên bảo con nó rằng:

–Nếu con muốn học bay lơ lửng trong hư không, hễ nhìn xuống mà thấy đất như cái mâm thì thôi, đừng bay lên cao nữa. Vì sao? Vì trên cao ấy có những luồng gió chướng làm hại các con, đầu não và tứ chi của các con sẽ tản mác khắp nơi.

Lúc ấy, bầy chim non này không nghe theo lời dạy bảo của bố mẹ chúng. Chúng bay vượt quá cao, bị gió chướng thổi mất mạng, lông cánh vương vãi khắp chốn.

Tỳ-kheo các thầy chớ sinh khởi ý tưởng ấy. Tỳ-kheo Điều-đạt sẽ đón nhận tai ương như thế trong ngày gần đây chứ không xa.

Các Tỳ-kheo lại nên biết, như có bầy rùa, rùa cha mẹ bảo các con rằng:

–Các con hãy tự giữ mình, chớ đến chỗ ấy. Nếu đám thợ săn bắt được các con, họ sẽ phanh thây các con làm năm phần.

Nhưng đám rùa con này không nghe lời cha mẹ dạy, cứ kéo đến chỗ nọ vui chơi, nên bị thợ săn bắt hết. Có một con thoát nạn trở về được. Rùa cha hỏi:

–Các con từ đâu trở về vậy? Các con không đến chỗ ấy chứ?

Rùa con đáp:

–Chúng con rủ nhau đến chỗ ấy chơi, nhưng không thấy thợ săn đâu cả, chỉ thấy một sợi dây dài cột ở sau đuôi thôi.

Rùa cha bảo con:

–Sợi dây ấy đuổi theo sau các con vốn có từ lâu rồi, chứ không phải ngày nay mới có. Tổ tiên, cha mẹ của các con, đều bởi sợi dây ấy mà mất mạng.

Các Tỳ-kheo nên biết, như loài chồn hoang lúc nào cũng rình chờ giống thú nuôi bài tiết ra phân, chúng lấy đó làm thức ăn.

Chúng ăn xong, lại đại tiện ra đó rồi bỏ đi. Tỳ-kheo Điều-đạt vì tham lam nhận lấy của cúng dường cũng lại như vậy, chẳng những tự giam hãm mình vào vòng tội lỗi mà còn giam hãm kẻ khác vào vòng tội lỗi. Các thầy Tỳ-kheo chớ tham đắm cúng dường, như Tỳ-kheo Điều-đạt kia.

Đức Phật lại dẫn thêm thí dụ nữa:

Thuở xưa, ở nước Đại Nguyệt Chi theo phong tục, lễ nghi thông thường là người ta nấu lúa mì với bơ cho heo ăn. Lúc ấy con ngựa tài giỏi trong cung nói với mẹ nó:

–Chúng con luôn luôn hết mình giúp vua, không kể xa gần, không tiếc mạng sống, nhưng chỉ ăn cỏ, chỉ uống nước vũng.

Ngựa mẹ bảo ngựa con:

–Các con cẩn thận, chớ khởi lên ý nghĩ ấy, chớ ưa thích món lúa mì nấu bơ kia, như thế, không bao lâu sẽ có sự linh nghiệm.

Rồi thời tiết nóng bức, năm mới sắp đến, nhà nào cũng trói heo cho vào chảo nước sôi, chúng kêu la thảm thiết. Ngựa mẹ bảo các con:

–Các con còn nhớ chăng, cái món lúa mì nấu bơ ấy? Muốn chứng nghiệm sự thật, các con hãy đến đó xem.

Các ngựa con đều xét biết, hiểu ra những ý nghĩ trước kia là sai lầm. Giờ tuy vẫn ăn cỏ, khi gặp lúa mạch thì từ chối không ăn.

Lúc bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Phật:

–Tỳ-kheo Điều-đạt là người có công đức như thế nào mà lại được cúng dường như thế?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các thầy chớ khởi lên ý nghĩa ấy, chớ tham đắm lợi dưỡng,  như thế không bao lâu sẽ thấy sự hiệu nghiệm mà Tỳ-kheo Điềuđạt phải gánh chịu.

Khi ấy Đức Thế Tôn quán sát ý nghĩa này, vì muốn thị hiện ngọn đèn sáng lớn cho chúng sinh đời sau, cũng muốn làm cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, nên Ngài nói bài kệ trên trước đại chúng.

QUYỂN 15

Phẩm 14: LỢI DƯỠNG (Phần 2)

Cây chuối vì lõi chết

Lõi lau, trúc cũng vậy,

Lừa, la mang thai, chết

Dũng sĩ tham bỏ mạng.

Cây chuối vì lõi chết: Bẹ nọ bao bẹ kia, lớp này nối lớp kia, muốn kiếm cái lõi nó sẽ không bao giờ được. Cây chuối, hễ nhảy con là cây chuối mẹ sắp chết. Trúc, lau cũng giống như vậy. Cho nên nói: Cây chuối vì lõi mà chết; lõi lau, trúc cũng vậy.

Dũng sĩ tham bỏ mạng: Dũng sĩ là vị đại tướng mạnh mẽ, có khả năng đẩy lùi giặc bên ngoài, kẻ gian tà bên trong không dám nổi dậy. Người như vậy mới gọi là đại tướng. Nhưng vị đại tướng kia cứ lo nghĩ rằng mình không là người nổi bật hơn mọi người, rồi vì tham, ông đi vào trận sâu không ra khỏi được phải tự bỏ mạng.

Hoặc có kẻ, bên trong thì yếu hèn, nhưng bên ngoài thì tỏ ra mạnh dạn. Nếu gặp lúc chiến đấu, thấy địch thì trong tâm sợ hãi. Nhưng khi vua ban thưởng thì cứ nghĩ mình là người có công lớn nhất, Tỳ-kheo Điều-đạt cũng lại như vậy, thọ nhận của tín thí mỗi ngày năm trăm nồi thức ăn mà tự xưng là mạnh mẽ, cho là mình có khả năng chiến đấu với các quân địch kết sử, nhưng trái lại là rước họa vào thân. Cho nên nói: Dũng sĩ tham bỏ mạng.

Lừa, la mang thai, chết: Như con lừa, con la dâm dục quá mạnh, cố tình giao hợp tự gây ra tai họa. Đã tự giết mình lại giết cả con trong bụng. Chính mình không được an lạc thì làm sao đem an lạc lại cho ai? Tỳ-kheo Điều-đạt, do lợi dưỡng ấy, nên sau khi chết sẽ đọa vào ngục A-tỳ, đó gọi là tự giam hãm mình vào vòng tội lỗi.

Thế nào gọi là làm cho kẻ khác cũng bị giam hãm vào vòng tội lỗi? Đó là Điều-đạt đã khiến A-xà-thế bố thí của cải không kể xiết, nhưng không đưa đến quả báo tốt, không được phước đức. Cho nên nói làm cho kẻ khác cũng rơi vào vòng tội lỗi. Hai tội gộp lại đưa đến bỏ mạng. Cho nên nói: Lừa, la mang thai, chết.

——————-

Như vậy, tham không lợi

Phải biết từ si sinh

Ngu vì thế hại Hiền

Đứng đầu ở địa ngục.

Như vậy, tham không lợi: Tỳ-kheo Điều-đạt học được phép thần túc, là tự rước họa vào mình. Nếu Điều-đạt không được thần túc thì tội lỗi kia không đáng kể. Đã tham lợi dưỡng thì không thể đến chỗ rốt ráo, cho nên nói: Như vậy, tham không đưa đến ích lợi.

Phải biết từ si sinh: Hầu hết người phàm phu đều không có ý chí vững chắc, hoặc từ chánh chuyển sang tà mà không tự hay biết.

Nếu được của tín thí thì tự lấy làm sung sướng mà không nghĩ đến sau này sẽ chịu quả báo ra sao, cho nên nói: Phải biết việc ấy từ ngu si sinh ra.

Ngu vì thế hại Hiền: Các pháp lành đều là pháp tu tập của Hiền thánh, người ngu không thể tu tập được, cho nên nói: Ngu vì thế làm hại Hiền thánh.

Đứng đầu ở địa ngục: Tỳ-kheo Điều-đạt đã thông suốt hơi thở ra, hơi thở vào, khởi lên ý tưởng bất tịnh, cho đến pháp Đảnh cũng lại như thế, vì thần thông, tham đắm lợi dưỡng mà tự giam hãm mình vào vòng tội lỗi, cho nên nói: Đứng đầu ở địa ngục.

——————

Người ngu ham lợi dưỡng

Cầu mong được tiếng khen

Tại gia thì ganh tị

Đi tu, mong cúng dường.

Người ngu ham lợi dưỡng: Không thể phân biệt rõ pháp lành. Bên trong sinh tâm ganh tị, bên ngoài mong cúng dường, muốn làm cho bốn bộ chúng lúc nào cũng cung kính mình. Cho nên nói:

Người ngu ham lợi dưỡng.

Cầu mong được tiếng khen: Ngày đêm rình bắt nhà vua, các quan, một ức cư sĩ, dựa vào thế lực cường hào, ham cầu được tiếng khen. Xem xét, suy nghĩ để thích ứng với mọi tình hình, nhằm làm vui lòng người kia để được lợi dưỡng. Hoặc thường ở trong đại chúng, nói chuyện vu vơ muôn thứ, mục đích tỏ ra mình khôn, muốn chỉ có mình là bậc tôn quý, còn những kẻ khác đều là hèn hạ. Trong tâm mong được y phục, thức ăn, giường chõng, đồ nằm, thuốc men chữa bệnh, còn những người khác không được như vậy.

Kinh điển mà Tỳ-kheo Điều-đạt tụng niệm thì sáu muôn thớt voi chở cũng không hết. Suốt mười hai năm thường ở nơi núi vắng rừng sâu, giữ giới vững chắc như giữ bình Cát tường. Nhưng vì tham đắm lợi dưỡng nên bao nhiêu công đức mà Điều-đạt có được đều bị lửa giận dữ thiêu đốt. Cho nên nói: Cầu mong được tiếng khen.

Tại gia thì ganh tị: Hoặc có cư sĩ tại gia, những điều phiền lụy của gia đình tự theo bên mình, nên thường sinh tâm ganh tị, nghĩ rằng: “Nay ta không muốn thấy mặt người giữ giới thanh tịnh.

Nếu có người phạm hạnh thanh tịnh đến nhà ta, dù chỉ giây lát nghỉ ngơi, ta cũng sẽ mời ông ta về chỗ cũ ngay, đừng nói gì là ở suốt ngày đêm. Nếu muốn ở lại thì ta cũng không cúng dường.” Cho nên nói: Tại gia thì sinh ganh tị.

Đi tu, mong cúng dường: Người tu hành kia lại nghĩ rằng:

“Nay ta là người xuất gia thanh danh, đạo đức đều vượt hơn mọi người, ngay cả loài bò bay máy cựa, các loài có thân hình hằng ngày đến cúng dường y phục, ăn uống, giường chõng, đồ nằm, thuốc men trị bệnh, khiến người khác không được cúng dường như ta. Nếu thấy người khác được cúng dường thì liền sinh tâm ganh tị như bị mất kho báu.” Cho nên nói: Đi tu mong cúng dường.

—————–

Đừng cậy lợi dưỡng

Vì nhà bỏ tội

Đó không chí ý

Tiếng khen ích gì?

Đừng cậy lợi dưỡng: Người giữ hạnh phải tinh tấn mạnh mẽ, ít muốn biết đủ với chí hướng thật vững chắc. Thường lựa nơi thanh vắng suy nghĩ quán tưởng về những điều xấu ác, bất tịnh, qua đó suy nghĩ niệm lành. Nếu người ta ở đời mà tham đắm lợi dưỡng, thì tự làm tăng them kiêu mạn, biếng nhác, dần dần rơi vào vòng tội lỗi, cho nên nói: Đừng cậy vào lợi dưỡng ấy.

Vì nhà bỏ tội: Đối với bất cứ ai dù nhà vua, trưởng giả, một ức cư sĩ, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Sa-di, Sa-di-ni đi nữa, cũng không để người ta biết mình là người xứ nào, gia đình nào, hay nói cho người ta biết về thần đức, giới hạnh đầy đủ của mình, cho nên nói:

Vì gia đình mà bỏ tội.

Đó không chí ý: Lìa xa mọi duyên ác, tu tập vô lượng định. Dù gặp việc ác trái với thệ nguyện của mình thì sự nghiệp thực hành cũng không tự vì mình, cho nên nói: Có việc, mà mình không quan tâm.

Tiếng khen ích gì: Phải ẩn kín, không để ai biết mình giữ giới tinh tấn tu hạnh A-luyện-nhã. Mỗi hành động, cử chỉ đều không để cho ai biết. Phiền não đã sạch, tâm ý đã mở tỏ, ghi nhớ mạnh mẽ, ăn nói lanh lợi, trí tuệ vô lượng, nhưng không muốn nghe người khen ngợi công đức của mình, cho nên nói: Được tiếng khen có ích gì.

—————–

Người ngu suy tưởng ngu

Ham muốn, kiêu ngạo tăng

Lạ thay lợi dưỡng kia

Đến Niết-bàn khác nhau.

Người ngu suy tưởng ngu: Người ngu thì thường nghĩ đến việc ác, chỉ mong lợi dưỡng, nhưng đức hạnh mình thì không xứng đáng.

Muốn chỉ có mình là người tôn quý nhất giữa đại chúng, phải được mọi người lễ bái cung kính, muốn người khác phải thấp hèn, cho nên nói: Người ngu suy tưởng ngu.

Ham muốn, kiêu ngạo tăng: Người ngay thẳng, thành thật thì nhàm chán lợi dưỡng. Người này giữ giới, học rộng bố thí, đầy đủ mọi công đức, tri kiến giải thoát, không pháp tu quán nào không nhập. Công đức đã đầy đủ, xứng đáng được cúng dường. Phước đức do hóa độ người có công năng tiêu hóa của cải ấy, lại còn có khả năng cứu giúp họ. Đó gọi là tiếp nối dòng giống Như Lai, kế thừa Hiền thánh, cho nên nói: Ham muốn, kiêu ngạo (ngày càng) tăng.

Lạ thay lợi dưỡng kia: Nó có nghĩa là phi pháp. Người khởi tâm tham đắm lợi dưỡng thì phước đức ngày một tổn giảm, chẳng phải là chỗ cốt yếu, bỏ chánh theo tà, phải biết nó không phải là điều Thánh hiền dạy bảo, cho nên nói: Lạ thay lợi dưỡng kia.

Đến Niết-bàn khác nhau: Đường dẫn đến Niết-bàn rốt cuộc là khác nhau. trước phải học pháp nhiệm mầu của thế tục, sau đó, mới học tập đạo pháp của Hiền thánh, kế là chứng được quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà hàm, A-na-hàm, A-la-hán, cho nên nói: Đến Niết-bàn khác nhau.

—————-

Biết rõ về lợi dưỡng

Tỳ-kheo chân Phật tử

Không ưa thích lợi dưỡng

Thanh vắng dứt tâm loạn.

Biết rõ về lợi dưỡng: Người tu hành biết lợi dưỡng thật khó tiêu. Nếu thân có tì vết mà còn nhận lãnh của tín thí dồi dào kia thì khác gì chiếc xe đã cũ mục, trục, bánh không còn chắc chắn nên khi chở nặng nó phải sụm thôi. Nhận lợi dưỡng cũng giống như vậy, thân không giữ gìn giới luật mà còn nhận ân người thí, chắc chắn tự rơi vào đường ác. Cho nên nói: Biết rõ về lợi dưỡng.

Tỳ-kheo chân Phật tử: Đệ tử của các Phật quá khứ đầy đủ công đức này. Các đệ tử của chư Phật Thế Tôn đời tương lai cũng sẽ đầy đủ công đức ấy.

Thế nào là đệ tử Phật?

Đáp: Có bốn hạng đệ tử là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm,A-la-hán. Bốn hạng đệ tử ấy nhất định vâng làm theo lời Phật dạy, dù cho ngoại đạo, tà giáo, bọn người ác có biến hóa ra bao nhiêu hình tượng để thử lòng tin của bốn hạng đệ tử này thì cũng không bao giờ họ được dịp phá hoại. Vì sao? Vì bốn hạng đệ tử này đã thấu hiểu chỗ chân thật rồi.

Tại sao hàng phàm phu thấp kém không được gọi là đệ tử Phật? Đáp: Vì tâm họ còn do dự, không quyết định, lúc thì theo lời Phật dạy, lúc lại làm theo ngoại đạo dị học. Hạng người như thế, không được gọi là đệ tử Phật.

Còn các vị đệ tử Hiền thánh này thì gốc rễ kính tin của họ vững chắc, nhất định vâng theo lời Phật dạy, kính thờ Tam Bảo, đó mới được gọi là đệ tử Phật. Hoặc có chỗ nói là khi có gốc rễ kính tin, không còn ngờ vực, mà Như Lai đã chứng được thì gọi là Tỳ-kheo chân Phật tử.

Không ưa thích lợi dưỡng: Vì sao? Vì Như Lai không nói hai lời. Như trong kinh nói: Ngài bảo các Tỳ-kheo: “Kẻ nào mà trong tâm còn tham đắm lợi dưỡng ngon ngọt thì sẽ đi vào đường ác, không đến với đạo được. Chỉ những ai xa lìa được lợi dưỡng thì họ mới thành đạo chứng quả.”

Hỏi:

–Đã chứng quả A-la-hán thì đầy đủ rồi sao còn phải tu đạo nữa?

Đáp:

–Vì các giác quan chưa đầy đủ sự phân biệt, cho nên đối với pháp lui sụt phải tìm phương cách để đến với gốc không lui sụt, khiến họ trở thành người có gốc không bao giờ lui sụt. Lại phải tìm phương cách để tiến đến chỗ người niệm pháp. Người niệm pháp lại phải tìm phương cách để đến chỗ người hộ pháp. Người có gốc hộ pháp, phải tìm phương cách để đến chỗ người có gốc an trú trong định. Người có gốc an trú trong định phải tìm phương cách đến chỗ người có gốc vô ngại. Cứ như thế, dần dần tiến đến nghiệp công đức. Giống như hạnh vững chắc, bất động, thì tự mình đạt tới Vô nguyện vô tưởng không định, cho nên nói: Không ưa thích lợi dưỡng.

Thanh vắng dứt tâm loạn: Thường phải thực hành năm pháp thanh tịnh nhàn tĩnh: Một là Hỷ, vui mừng đối với pháp mà mình đã đạt được. Hai là An ổn, làm cho chúng sinh an ổn, ngăn chúng sinh làm ác. Ba là Tự thủ, là giữ hạnh mình, không để lỗi lầm. Bốn là Niệm, niệm định không tán loạn. Năm là Đãi, thực hành điều lành, bỏ điều ác. Cõi Dục là nguồn gốc của căn tán loạn. Thế nên phải khéo tìm phương cách, siêng cầu giải thoát, không muốn sinh lại cõi Dục nữa, cho nên nói: ở nơi thanh vắng dứt loạn tưởng.

——————-

Muốn sự sống yên

Dứt nghĩ, tự tỉnh

Không biết toan tính

Y phục, uống ăn.

Muốn sự sống yên: Sự sống được yên ổn, có hai việc: một là sự sống của thân, hai là sự sống của trí tuệ. Hễ có sự sống của thân thì có sự sống của trí tuệ, nếu không có sự sống của thân thì làm sao có sự sống của trí tuệ? Như vậy, người tu hành thường phải tự bảo vệ và nuôi dưỡng sự sống trí tuệ, cho nên nói: Muốn sự sống yên.

Dứt nghĩ, tự tỉnh: Thế nào là dứt nghĩ, tự tỉnh mình? Tỉnh mình là giữ giới, học rộng, bố thí. Đó là pháp nhiệm mầu. Nếu đối với nghĩa bậc nhất thì phải tiến tới quả vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Cho nên nói: Phải dứt nghĩ, tự tỉnh.

Không biết toan tính: Thuở xưa, có một thầy Tỳ-kheo đến chỗ Đức Thế Tôn, trán lạy sát chân Ngài, chắp tay bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài cho phép các thầy Tỳ-kheo tự khỏa thân đi giáo hóa nhân gian, cho khác lạ thế gian, như thế há không vui sao?

Đức Phật bảo với thầy Tỳ-kheo ấy:

–Ôi! Việc thầy nói là người si mê, là không hợp với giới luật của Hiền thánh, trái ngược với đạo pháp. Khỏa thân là pháp của ngoại đạo, dị học Ni-kiền tử, chẳng phải là điều nên làm tron pháp luật Hiền thánh của Ta. Nếu chúng Tăng khỏa hình đi trong thế gian thì có khác gì các loài thú nuôi? Không còn biết gì là cao quý thấp hèn, cha mẹ, dòng họ?

Lại có một thầy Tỳ-kheo lạ đến chỗ Đức Thế Tôn, bạch Phật:

–Cúi xin Bậc Đại Thánh cho phép các thầy Tỳ-kheo mặc áo dệt bằng tóc.

Đức Phật bảo thầy Tỳ-kheo ấy:

–Đó là y phục của ngoại đạo dị học, chứ chẳng phải là y phục đúng với pháp luật Hiền thánh của Ta. Người ngu nên biết, mặc thứ áo dệt bằng tóc có năm thứ nhơ bẩn: một là nhơ bẩn, hôi hám, hai là khó đến gần, ba là làm lợi ích cho vi trùng, bốn là sinh nhiều rận rệp, năm là lúc thời tiết nóng bức thì càng nóng lắm, khi gặp tiết trời lạnh thì càng lạnh. Phàm là đạo sĩ thì chỉ nên mặc y Tăng-già-lê thôi, vì nó là vật tượng trưng cho chư Phật, Hiền thánh quá khứ.

Cho nên nói: Không biết toan tính.

Y phục, uống ăn: Đã nói y Tăng-già-lê, sao còn nói y phục, thức ăn?

Đáp:

–Nói y phục là chỉ cho Nê-hoàn-tăng, Tăng-kì-chi, An-đà-vệ, Uất-đa-la-tăng. Còn nói thức uống là gồm có: Mía, nước đường phèn, nước trái bồ đào, nước hắc thạch mật. Còn thức ăn thì gồm có: Nếp, bún gạo khô, lúa mạch, lúa mạch khô, đậu phụ. Thức ăn chính thì cơm, cháo đứng đầu. Các thức ăn uống mà dở thì sinh chán ghét.

Một hôm, vua thỉnh một thầy Tỳ-kheo, rồi bảo quan Thái giám sửa soạn thức ăn uống thật ngon cho Tỳ-kheo dùng giống như thức ăn của mình. Ăn xong, thầy Tỳ-kheo này giã từ vua ra ngoài.

Vua hỏi:

–Thầy ăn uống xong chưa?

Đáp:

–Xong rồi.

Vua suy nghĩ: “Thức ăn cúng dường thầy Tỳ-kheo hôm nay chắc dở lắm vì thấy sắc mặt thầy không vui, chắc chắn không còn nghi ngờ gì nữa.” Vua lại mời thầy Tỳ-kheo này ngày mai lại đến thọ thỉnh. Thầy Tỳ kheo giã từ vua, trở về tinh xá. Hôm sau, thầy lại vào cung vua, lần này, chính vua sớt nhiều thức ăn cúng dường thầy Tỳ-kheo. Thầy dùng xong, vua hỏi:

–Thế nào đạo sĩ, ngài dùng có ngon miệng chăng?

Thầy Tỳ-kheo đáp:

–Cũng như thức ăn mà ta thường ăn.

Trong lòng vua nổi giận, nghĩ rằng thức ăn do chính vua chuẩn bị thế mà đạo sĩ lại nói: Như thứ mình thường ăn. Vua lại mời thầy Tỳ-kheo hôm sau đến thọ thỉnh. Hôm sau, vua lấy rượu đắng nấu với đậu làm món ăn cho Tỳ-kheo. Thầy Tỳ-kheo dung xong, vua hỏi:

–Thế nào, Đạo sĩ dùng có ngon miệng không?

Đáp:

–Cũng như thức ăn mà ta thường ăn.

Vua hỏi đạo sĩ:

–Ăn thức ăn ngon, cũng nói là như thức ăn ta thường ăn, ăn thức ăn dở, cũng nói như thức ăn ta thường ăn, chắc có lý do gì, xin nói cho trẫm biết.

Thầy Tỳ-kheo đáp:

Như hoa cây Chiêm-bặc

Ra dầu dùng bôi xe

Cao hôi, cho bay xa

Há quý ngon bỏ dở.

Trăm vị giữ mạng sống

Giữ thân thể hành đạo

Rượu đắng nấu vẫn ăn

Toàn mạng đều nhờ nó.

Nghe xong, trong tâm vua cảm thấy hổ thẹn, không dám nhìn Tỳ-kheo, liền thưa:

–Việc làm của trẫm thật xấu hổ vì có ác ý xúc nhiễu Hiền thánh. Như người ngu không tự suy nghĩ, mới có ý nghĩ muốn xô ngã núi Tu-di, nhưng không thể hại được Hiền thánh mà lại tự làm tay mình bị thương, dùng cái ca nhỏ mà muốn lường nước biển. Nay trẫm đã làm một việc cũng giống như vậy, với ý nghĩ hẹp hòi, thiên lệch mà đo lường tâm rộng lớn của Thánh hiền vương.

Vua lại suy nghĩ: “Người tu hành ăn uống không phải vì ngon miệng mà là để nuôi sống thân mạng, được tu hành đạo, cũng không mong hiện đời được quả báo tốt. Đời này bố thí tốt, sau được quả báo tốt, bố thí ô uế bị quả báo ô uế, như bóng hình.” Vì thế, người trí giả phải bố thí thanh tịnh, không khởi vọng tưởng, cho nên nói: Y phục, uống ăn.

——————–

Không trông mong lợi

Không nịnh hót ai

Không sống nhờ người

Giữ pháp hạnh mình.

Không trông mong lợi: Thuở xưa, các Tỳ-kheo mới học đạo không bao lâu, tham đắm khất cầu, khất thực được thức ăn đều xấu dở, không ngon. Đi đến nơi nào khất thực nếu được thức ăn, thì cũng sớm hay trễ, làm cho tâm lui sụt, không thể thực tập hành trì, khiến lòng buồn bã, dần dần trở thành gian dối, chuyển sang tu tập pháp thế gian, không còn luận bàn giảng nói khế kinh, luận A-tỳ-đàm nữa. Đức Thế Tôn bảo:

–Tỳ-kheo các thầy hãy quán sát nhân duyên đời trước của mình, mọi thứ đều có quả báo. Như Tỳ-kheo Thi-bà-la và A-na-luật do công đức đầy đủ nên hai vị không mong cầu mà lợi dưỡng có dư. Dù có phước nhưng cũng không nên biểu lộ bằng cử chỉ hành vi, thí như biết được nhân duyên đời trước có cao, thấp cũng không nên khởi tâm ganh ghét.

Cho nên nói: không trông mong được lợi dưỡng.

Không nịnh hót ai: Hạnh phải chuyên nhất, thân tâm tương ưng. Bên ngoài tỏ vẻ ngu khờ nhưng bên trong thì có trí tuệ mạnh mẽ. Ý nghĩ trong tâm và lời nói ra không trái nhau, thường phải xa lánh những ý tưởng bất chính gian tà.

Thuở xưa, tại làng Câu-tú-na-la nước Kế-tân, lúc ấy có một gã thích chuyện gian dối, nịnh hót. Ở địa phương ấy có ngôi chùa tháp tên Bà-bàn-na. Có một thầy Tỳ-kheo thường cung cấp nước sạch cho Tăng chúng. Thầy Tỳ-kheo này giả vờ làm kẻ gian xảo đang tụ tập nơi chùa chiền. Các Tỳ-kheo đều mặc áo bá nạp, rất nhiều màu sắc, cùng đến thôn ấy để gặp mặt chủ nhà. Sau khi chào hỏi, các thầy đều ngồi qua một bên. Gia chủ buồn khóc năm vóc gieo sát đất thưa:

–Các Đạo sĩ từ đâu đến nhà kẻ nghèo hèn này vậy? Có phải các ngài đến từ ao hoa sen, hay từ thế giới phương khác đến, hay từ núi Thần tiên đến?

Trong tâm gia chủ rất quý kính các thầy bèn thỉnh các thầy Tỳ kheo ngày mai đến nhà thọ thực. Các thầy Tỳ-kheo đáp:

–Chúng tôi đến đây chỉ vì mình ông đó! Hôm nay vì muốn thành tựu cho nhau, nên chúng tôi không nhận lời người khác thỉnh.

Dù ông muốn tìm độ người là chính, nhưng phải tìm ra người có ruộng phước tốt. Ở đây có ngần ấy người không có lỗi lầm.

Nghe vậy, chủ nhà liền vào bên trong sai người giúp việc:

–Các ngươi hãy mau sửa soạn các thức ăn ngon, vì có nhiều Thần nhân, Đạo sĩ đến đây và ta muốn cúng các vị ấy.

Lúc bấy giờ các thầy Tỳ-kheo nói với người chủ:

–Hiền sĩ có biết không? Chúng tôi đã tu học nhiều năm, kinh hành, tới lui đều có phép tắc, trong sáu thời đều hành đạo, khác với lúc bình thường. Chúng tôi muốn đi kinh hành từ sáng đến chiều, từc hiều đến sáng hôm sau. Khi mặt trời mọc mới được phép ăn, không trái với giới luật.

Vị Thượng tọa trong chúng vào nói với vị đàn-việt:

–Chỉ có một mình tôi được gọi là ngồi ăn một bữa, ăn uống các món ngon và dưa trái. Lát nữa, đến giờ ngọ trai, ta sẽ chú nguyện cho.

Người đàn-việt nghe vậy vui mừng hớn hở, không kiềm chế được, sắm sửa các thức ăn ngon, để vào bát, đặt dưa trái bên trên, rồi bước tới nhận chú nguyện. Rồi lại lấy bơ, bánh, mật trộn với bột và dâng lên riêng cho vị Thượng tọa. Chờ khi Đạo sĩ ăn xong, ta ăn món còn dư trong bát sẽ được phước.

Tỳ-kheo thọ thực, chú nguyện xong, bèn hỏi đàn-việt:

–Có nước uống gì ngon không?

Vị thí chủ thưa:

–Thức uống nhà nghèo thì có thứ như: Nước Bồ đào, mía, thạch mật. Vậy Tôn giả thượng tòa cần thứ nước nào?

Vị đạo sĩ đáp:

–Các thứ nước đàn-việt vừa kể, từ khi sinh đến giờ, tôi chưa uống, chưa được nếm lần nào. Nước mà tôi hỏi là thứ nước trong vắt kia, là thứ tích lũy nhiều năm ngon ngọt, vị không thay đổi thì ta mới uống.

Người đàn-việt rất ngạc nhiên, khi nghe nói thế bèn suy nghĩ:

“Than ôi! Tai họa gây nên sự biến này. Ta khởi lên ý nghĩ này cho rằng các đạo sĩ đều là bậc A-la-hán toàn bích chứng đắc sáu thứ thần thông. Nhưng giờ đây xét qua tung tích của họ, thì họ chính lại là bọn giặc cướp nguy hiểm.” Đàn-việt liền nói với Đạo nhân:

–Từ thuở nhỏ đến giờ, tôi không biết uống rượu, nên đâu dám cúng dường rượu cho Đạo nhân!

Vị Đạo nhân liền lấy tiền trong xa-lặc (túi) đưa cho người đàn-việt và bảo:

–Nếu nhà không có rượu thì hãy cầm số tiền này đi mua rượu về cho tôi.

Người đàn-việt nghe nói vậy liền lấy tay bịt lỗ tai lại: “Than ôi, thật lạ lùng, vì sao? Đạo sĩ lại mang bên mình sinh nghiệp này? những người này đều là phường ăn bám vô lại. Đạo sĩ đâu có tâm đạo gì?”, liền nói với Đạo nhân:

–Hãy sai người khác (đi mua rượu) vì tôi không phải là đày tớ của thầy mà thầy sai tôi đến nhà bán rượu? Thực là Đạo nhân ăn bám. Trước đây ta không biết nên bị thầy xem thường. Nay ta không bao giờ để bị thầy lừa dối nữa.

Thầy Tỳ-kheo bảo:

–Thôi đi! Đàn-việt chớ hủy báng như thế, sở dĩ chúng tôi đến đây cũng chỉ vì muốn thức tỉnh mình ông mà thôi. Từ trước đến nay, ông hao tiền tốn của làm việc bố thí nhưng không gặp người chân chánh. Ông hãy bớt giận nghe tôi nói thí dụ.

Đàn-việt thưa:

–Hay lắm, tôi rất muốn nghe.

Tỳ-kheo nói:

–Hãy nghe cho kỹ! Như người giỏi bắn cung, đứng cách xa trăm bước mà bắn sợi lông thì luôn luôn trúng, nếu bắn cao, thấp, trái, phải đều không trúng đích. Còn như lấy mặt đất làm mục tiêu mà bắn thì dù cao thấp, Đông, Tây, Nam, Bắc cũng đều bắn trúng, không sai chạy. Nay đại chúng đây cũng lại như thế, bố thí không lựa chọn thì sẽ gặp được chân nhân, còn nếu lựa chọn để bố thí thì luôn luôn gặp được, phần nhiều uổng công phí của mà không được lợi ích. Trong đại chúng đây có đủ Bốn quả, Bốn song, Tám bối, mười hai Hiền sĩ, đều có đủ cả. Nếu muốn lấy được châu báu thì phải ra biển cả hay lên núi báu Tu-di, muốn cầu Hiền nhân chứng quả A-la-hán thì phải vào trong đại chúng. Đàn-việt hãy nghe cho rõ, ta sẽ nói thêm một thí dụ. Người có trí tuệ thì nhờ thí dụ mà được hiểu.

Ngày xưa, ở cõi nước cao quý này, có một người cư ngụ ở Nam Thiên trúc trở về, y về chung với một người bạn. Rồi y ăn nằm với nữ chú thuật gia là Xa-bà-la. Lúc y có ý định trở về nhà thì liền bị hóa thành lừa, không thể trở về được. Người bạn bèn bảo:

–Nhiều năm chúng ta vắng nhà, hoàn toàn không có tin tức gì về mọi việc tốt xấu tai biến quê nhà. Ý anh thế nào, có muốn trở về nhà không? Nếu muốn về thì hãy sửa soạn.

Người kia trả lời:

–Tôi nào biết nghĩ xa, nên mới gặp chuyện xui xẻo vì tôi ăn nằm với nữ chú thuật, nên vừa có ý muốn trở về nhà thì liền bị hóa thành lừa. Tâm thần rối loạn, trời đất trống trơn, không còn biết gì là Đông, Tây, Nam, Bắc nữa. Thế nên, không thể về được. Người bạn bảo:

–Sao anh mê lầm như vậy? Trên đỉnh núi Nam này có một loại cỏ tên là Già-la-ba-la. Nếu ai bị chú thuật trấn áp mà ăn cỏ thuốc ấy vào thì liền trở lại thân người.

Người kia nói:

–Nhưng tôi không biết thứ cỏ ấy, thì phải làm sao bây giờ?

Người bạn bảo:

–Anh cứ đến đó lần lượt ăn rồi sẽ tự gặp nó.

Người này liền nghe theo lời dạy bảo của bạn là nếu bị thành lừa thì đến núi Nam cứ lần lượt ăn cỏ thì sẽ được trở lại than người…

Rồi anh này tom góp các thứ châu báu và được cùng bạn, bình yên trở về nhà.

Đàn-việt nên biết, ở đây cũng giống như thế, những người mê lầm một lòng tín thí để cầu chứng quả A-la-hán, nhưng ai là người chứng quả? Ngay đây tìm mãi vẫn không bao giờ gặp được. Vì muốn cầu chân nhân La-hán là phải tìm ngay trong đại chúng, theo thứ lớp cúng dường thì sẽ gặp bậc Hiền thánh, chứng quả không còn ngờ vực gì nữa. Đàn-việt lại phải lắng nghe điều này!

Ngày xưa, khi Đức Phật còn tại thế, bà Đại Ái Đạo, dì ruột của Phật, dùng chỉ vàng dệt thành y, dâng lên cúng dường Phật.

Đức Phật bảo bà:

–Muốn bố thí thì hãy vào trong đại chúng, vì sao lại chỉ đối riêng mình Ta? Vì Ta cũng chỉ là một người trong đại chúng mà thôi. Có thể chia nhỏ y này ra rồi mang chỉ vàng ấy dệt thành y và cúng dường cho Thánh chúng.

Như Lai là Đấng Tôn Quý nhất trong ba cõi mà còn không thể nhận của bố thí một cách thiên vị, nên Ngài đã nhường cho Thánh chúng, chứ không lấy riêng về cho mình. Người đàn-việt có nghe vị chủ chùa Bà-bàn-na ở trong thành phía Nam của nước này, từng cung cấp nước cho chúng Tăng chăng?

Người đàn-việt thưa:

–Tôi nghe việc ấy lâu rồi, nhưng từ khi sinh ra đến giờ, tôi chưa gặp mặt người ấy. Giờ đây, tôi mới biết vị ấy là bậc Hiền thánh.

Thầy Tỳ-kheo nói:

–Từ trước đến giờ, có biết bao tệ nạn gian xảo, giả dối, lừa gạt đàn-việt, như tôi so sánh ấy, chẳng phải một người. Từ nay trở đi, nếu đàn-việt muốn làm phước thì phải vào trong đại chúng, lúc đó quả báo mà mình mong cầu sẽ được kết quả.

Lúc bấy giờ thầy Tỳ-kheo liền nói bài kệ:

Rắn độc, mang trên cổ

Mặc y vằn như cọp

Đi như hạc rình cá

Im lặng không nói năng.

Không bốn tâm vô lượng

Dối trá gạt chủ nhân

Nên phải lìa nịnh hót

Luyện tinh thần bằng Chân.

Như Lai giáo hóa khắp

Sáng ngời trong ba cõi

Sở dĩ được lợi dưỡng

Bởi có đạo Thánh hiền.

Bố thí dứt tham tiếc

Hết lòng thờ Tam bảo

Nhờ đó, lìa gian dối

Dùng pháp để dưỡng tính.

Người đàn-việt liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, gieo năm vóc sát đất kính lạy Thánh chúng, xin được sám hối:

–Hôm nay được gội nhuần những điều mà từ trước đến giờ con chưa được nghe. Tuy nói là cha mẹ, tôn trưởng nhưng cũng không thể chỉ đường. Vì cốt yếu là mong gặp được ân Thánh để dứt bỏ hẳn tâm nhơ bẩn. Từ nay trở đi, nếu bố thí thì không luận ít hay nhiều, đều phải đến trong đại chúng, không dám tự ý. Nay, một lần nữa, con xin tự quy y. Mong các Hiền thánh đều làm thầy con. Con xin cúng dường bốn món y phục, thức ăn, giường ghế, đồ nằm, thuốc men trị bệnh.

Cho nên nói: Không nịnh hót ai.

Không sống nhờ người: Thuở xưa, Tỳ-kheo Điều-đạt cùng năm trăm vị Tỳ-kheo nhận sự cúng dường trọng hậu và các vật lặt vặt, nên thường đến thăm viếng vua không để làm phật lòng vua.

Năm trăm thầy Tỳ-kheo này đều nhờ Điều-đạt mà được lợi dưỡng, tự mình không có công đức nên không đáng quý. Nếu phải tự mình đầy đủ các pháp, tự được cúng dường, thì mới là quý. Cho nên nói: Không sống nhờ người.

Giữ pháp hạnh mình: Pháp chỉ cho các pháp lành, phải thường nhớ chúng cho đầy đủ. Không nhận từ kẻ khác và không truyền trao cho kẻ khác. Sa-môn và bạch y phải dùng nội giáo của chính mình mà dứt nghĩ, thường nên tinh tấn, không làm mất pháp độ. Thường tu học theo chánh pháp không rơi vào tà đạo, cho nên nói: Giữ chắc pháp hạnh của mình.

——————-

Tự có không cậy

Không trông nhờ ai

Tỳ-kheo trông mong

Không được chánh định.

Tự có không cậy: Phàm người đã giữ gìn công đức thì không thấy mình có công đức, làm mà không thấy mình làm, không cậy vào công đức của mình mà khinh thường người khác là không có công đức. Như các đệ tử của Tỳ-kheo Điều-đạt, họ thật sự không có công đức mà luống nhận của tín thí, đều khởi tâm mong cầu cho rằng mình là tôn quý nhất, không ai bằng. Cho nên nói: Tự có không cậy.

Không trông nhờ ai: Các đệ tử Điều-đạt, mỗi người đều phải biết kiềm chế không được gièm pha nhau, phải khen ngợi danh dự, hễ ai không khen ngợi danh dự thì bị đuổi ra khỏi chúng Tăng, đúng ra phải nói không có công đức mà lại nói khống là có công đức. Thế nên Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Các thầy đều phải tự giữ gìn cẩn thận, chớ có nói khống là mình có công đức, làm những việc không đúng với mình thì sẽ vời lấy tai họa, không đến được chỗ rốt ráo”. Cho nên nói: Không trông nhờ ai.

Tỳ-kheo trông mong, không được chánh định: Ý thường kiêu hãnh, có sự mong cầu. Tâm ý không chuyên nhất, không làm theo chánh hạnh thì không bao giờ được tâm ý an định. Phàm người nhập định thì quan trọng là phải chuyên ý, không còn niệm nào khác, cho nên nói: Tỳ kheo còn trông mong kẻ khác thì không đạt chánh định.

——————-

Muốn sự sống yên

Dứt tâm, tự tỉnh

Như chuột trong hang

Ẩn mình tu pháp.

Muốn sự sống yên: Sự sống yên ổn có nghĩa là nhóm họp các điều lành, mở rộng chỗ sâu kín, để nuôi sự sống, chứ không phải chỉ có ăn với mặc mà thôi. Cho nên nói: Muốn sự sống yên.

Dứt tâm, tự tỉnh: Giữ giới, học rộng, bố thí, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, lấy đó làm chuỗi anh lạc để trang sức. Cho nên nói Sa-môn tự tỉnh giác.

Như chuột (trốn) trong hang: Loài chuột bọ ở sâu trong hang vững chắc không còn lo sợ gì, không bị người ác hay loài côn trùng khác xâm chiếm, sát hại, không bị lửa cháy, nước ngập, cho nên nói: Như chuột trốn trong hang.

Ẩn mình tu (giáo) pháp: Đầy đủ pháp nội cấm của Sa-môn, ẩn mình chỗ thanh vắng, tâm ý thảnh thơi vắng lặng, ăn uống tiết chế, biết đủ. Dù loài người hay chẳng phải loài người cũng không có được dịp phá hại mình được. Cho nên nói: Ẩn mình tu giáo pháp.

———————-

Muốn sự sống yên

Dứt tâm, tự tỉnh

Đến chỗ biết đủ

Nhớ tu một pháp.

Muốn sự sống yên: Con người ở khắp trong bốn biển, vượt qua mọi gian nan, càng tăng thêm khổ nhọc, không mảy may việc lành, cho nên nói: Muốn sự sống yên.

Dứt tâm, tự tỉnh: Ăn phải biết đủ, không được mong nhiều.

Nếu muốn được y phục, thức ăn, giường ghế, đồ nằm, cũng không bao giờ được mong nhiều. Cho nên nói: Dứt tâm, tự tỉnh.

Đến chỗ biết đủ, nhớ tu một pháp: Một pháp là gì? Một pháp là đối với các pháp lành đều biết đủ, cho nên nói: Nhớ tu một pháp.

——————-

Chế lợi, nhận vừa

Giữ giới, suy nghĩ

Được người trí khen

Thanh khiết, chớ lười.

Chế lợi, nhận vừa: Cẩn thận giữ hạnh của mình, không để bị đắm nhiễm theo đường tà. Nếu được lợi dưỡng thì trước hết phải khuyên tín thí cúng dường đại chúng, sau đó mới tự nhận. Phải vì bốn bộ đệ tử Tỳ kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, hay vì nhà vua, các quan, một ức cư sĩ, trưởng giả giàu có, đêm ngày thưa hỏi, nghe nhận, thường lấy nhường nhịn làm đầu, rồi sau mới đến lượt mình, cho nên nói: Phải tiết chế lợi dưỡng, nhận vừa phải.

Giữ giới, suy nghĩ: Chuyên ý giữ giới, dù mảy may cũng không trái phạm. Ra vào tới lui không mất oai nghi. Giữ tâm tu tập cấm giới như đang gặp kiếp hỏa, cho nên nói: Giữ giới, suy nghĩ.

Được người trí khen: Người có trí tuệ thì ý chí tôn sùng điều cao thượng sáng tỏ, hổ thẹn vì mình không theo kịp điều cao thượng ấy. Thấy có người giữ hạnh thì sẵn sàng giúp đỡ để họ thành tựu hạnh ấy. Và ca tụng, đề cao khen ngợi danh đức của người ấy, cho nên nói: Được người trí khen.

Thanh khiết, chớ lười: Ngày đêm tinh tấn, ngồi, nằm, đi kinh hành vẫn không quên việc làm gốc của mình. Từ sáng đến chiều tối, đến sáng hôm sau, luôn suy nghĩ chỉ quán, dù khi ăn, khi nghỉ cũng không lãng quên, cho nên nói: Thanh khiết, chớ lười nhác.

———————

Tỳ-kheo ba đạt

Giải thoát, vô lậu

Hiểu ít biết ít

Người trí nhớ nghĩ.

Tỳ-kheo ba đạt: Người căn tánh bén nhạy, công đức cao sâu, được giải thoát vô ngại, bỏ tám, trừ nhập. Đó gọi là một minh cũng gọi là một đạt. Khi dứt sạch hết lậu gọi là hai minh. Được các thần thông gọi là ba minh. Lại có thuyết nói: Dứt hết các lậu gọi là một minh. Biết mình sinh ra từ đâu, gọi là hai minh. Tự biết thân đời trước, gọi là ba minh. Cho nên nói: Tỳ-kheo ba đạt (ba minh).

Giải thoát vô lậu: Người giữ hạnh kia đã dứt bỏ già chết.

Chết có bốn nghĩa: Một là chết kết sử, hai là chết năm ấm, ba là chết rốt ráo, bốn là chết ở cõi trời Tự tại. Đó là bốn thứ chết. Thầy Tỳ kheo có ba đạt thì hàng phục hẳn hai thứ ma. Thế nào là hang phục hai thứ ma? Một là ma kết sử, hai là ma trời. Cho nên nói: Giải thoát vô lậu.

Hiểu ít biết ít: Trí tuệ của bản thân mình rộng khắp không bến bờ, nhưng không ban rải khắp cõi đời, không giao thiệp qua lại với tri thức (thế gian) chỉ có người hiểu biết mới phân biệt được. Cho nên nói: Hiểu ít biết ít.

Người trí nhớ nghĩ: Được các bậc phạm hạnh quý kính, biết rõ thần lực của người ấy, lòng tin được tự tại, không còn gì ngăn trở được. Cho nên nói: Người trí nhớ nghĩ.

——————-

Còn thức ăn uống

Được người cúng dường

Có ra pháp ác

Do ganh cúng dường.

Còn thức ăn uống, được người cúng dường: Đều do đời trước thích làm việc bố thí mà đời nay sinh vào nhà giàu sang, nhiều tài sản vật báu, tướng mạo xinh đẹp, mặt tươi hồng như hoa đào, trước khi nói đã nhoẻn miệng cười, vẻ mặt lúc nào cũng hòa vui, tâm thức sáng rỡ, thong minh trí tuệ, học rộng tài cao, việc gì cũng rõ biết. Đến nơi nào cũng làm nhiều pháp sự. Cho nên nói: Còn thức ăn uống, được người cúng dường.

Có ra ác pháp, do ganh cúng dường: Hoặc có người tu học lần lượt nối tiếp nhau được cúng dường. Theo pháp cúng dường thì từ một người được cúng dường, người sau làm theo lại đến cúng dường, mà không thể phân chia được trí tuệ sâu cạn, đạo đức ít nhiều. Từ đó, người có trí tuệ trở lại tỏ thái độ khinh bỉ, kiêu ngạo, gian dối, thích hư danh, trở lại cung kính lấy chân làm ngụy, cho ngụy là chân, cho mình là phải, người là quấy, phỉ báng lẫn nhau, nghĩ rằng: “Ta có trí tuệ, tài năng hơn người, còn người là kẻ hiểu biết nông cạn”, từ đó tìm dịp giết hại oan uổng người lương thiện, người chết nhiều vô hạn. Khiến cho những người trí ẩn mình không xuất hiện. Kẻ ngu si, gian ác thì tha hồ buông lung trong đời, cho nên nói: Có ra ác pháp, do ganh cúng dường.

——————

Nhiều tri thức họp

Cưỡng mặc pháp y

Chỉ mong ăn uống

Giường ghế, đồ nằm.

Nhiều tri thức họp, cưỡng mặc pháp y: Có người gian xảo dối trá mặc y bá nạp, ngoài thì biểu hiện dáng dấp kín đáo, nhưng bên trong thì tâm ý như người đời, cùng ở chung với họ, khi bước đi thì mắt nhìn phía trước không rời. Cho nên nói: Nhiều tri thức họp, cưỡng mặc pháp y.

Chỉ mong ăn uống, giường ghế, đồ nằm: Có nữ thanh tín đi đường gặp hạng ấy thì đều cung kính, phát sinh tâm lành. Ngay khi thấy thì tín nữ kia như hoa nở tươi dưới ánh mặt trời, tâm ý thương xót, không thể bỏ đi. Hạng người ấy, dù mặc y bá nạp mà lòng như sói lang, như chồn rình chuột, không có giới hạnh mà nhận của thí, không nghĩ gì về đạo đức, lừa dối người đời, không còn biết gì tới kinh điển, giới luật.

Chúng sinh trốn chạy như núi băng lở sụp, như người khát cần nước uống, mình trần được áo, tâm ý cung kính, hi vọng được phước, nghĩa là đối với ruộng phước tốt, không còn tội lỗi. Cho nên nói: Chỉ mong ăn uống, giường ghế, đồ nằm.

——————–

Phải biết tội ấy

Lợi dưỡng đáng sợ

Nhận ít không lo

Tỳ-kheo thanh thản.

Phải biết tội ấy, lợi dưỡng đáng sợ: Lợi dưỡng là chứng bệnh đã ăn sâu vào xương tủy. Khi chết rơi vào đường ác chắc chắn không còn nghi ngờ. Nhiều nỗi lo sợ, không bao giờ được yên. Nếu sống ở nhân gian thì gặp nhiều tai họa. Muốn tự đề phòng thì không ai sốt sắng giúp đỡ, sống thì sợ chết, đi nơi khác thì sợ giặc. Cho nên nói: Phải biết tội lỗi, lợi dưỡng đáng sợ.

Nhận ít không lo, Tỳ-kheo thanh thản: Hoặc có những người nam, người nữ thuộc dòng họ cao quý giữ lòng tin vững chắc, từ biệt vợ con, xuất gia học đạo, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y. Tới giờ ôm bát đi khất thực là đem phước đức rộng lớn đến cho chúng sinh, được thức ăn ngon hay dở cũng đều chú nguyện cho thí chủ.

Nhờ ân phước này mà tất cả đều được độ thoát. Nhưng đối với người thiếu hiểu biết, không hóa độ cùng khắp, biện tài nhạy bén không biết cách thích ứng lại được tám bộ chúng như trời, rồng, quỷ thần, tôn kính trọng đãi, đến nghe chánh pháp và thọ Tam tự quy với họ, vô số quỷ thần sạch hết các bụi nhơ, được mắt pháp thanh tịnh, cho nên nói: Nhận ít không lo, Tỳ-kheo thanh thản.

——————

Không ăn không sống được

Ai không ăn vật thực

Việc ăn là trước tiên

Biết vậy không nên ganh.

Không ăn không sống được: Tất cả loài chúng sinh có than hình, đều nương nhờ vào ăn mà sống được. Hoặc có người tham ăn uống, vì cái tham ấy mà có ngàn muôn chúng sinh bị giết hại. Lại có chúng sinh tâm không keo kiệt, đối với những việc ăn uống họ không tha thiết lắm. Sở dĩ như thế là vì họ nghĩ đến tám điều của bậc Đại nhân nên ăn uống chỉ đủ để nuôi thân. Cho nên nói: Không ăn không sống được.

Ai không ăn vật thực: Nhờ ăn mà người ta có hơi thở ra vào, thần thức ổn định, tụng kinh hành đạo. Tuy có bốn cách ăn, nhưng ăn từng miếng là trước hết. Tới lui, đi lại, làm xong mọi việc. Cho nên nói: Ai không ăn vật thực.

Việc ăn là trước tiên: Người tu hành tâm thường quán tưởng thức ăn, thức ăn này từ đâu đem lại, rồi nó sẽ đi về đâu? Phân biệt từng thứ rõ ràng, do ăn mà đắc quả. Cho nên nói: Việc ăn là trước tiên.

Biết vậy không nên ganh: Hoặc có người tu hành ẩn mình nơi núi sâu ở riêng một mình nơi thanh vắng, cô đơn một bóng, không bè bạn. Sống với một tượng Phật, không có đồ chúng. Sở dĩ họ không ham thích ở đời là vì thấy người ta kích bác nhau cay độc mà biết đề phòng kỹ mọi lo âu khi chưa xảy ra, hoạn nạn xảy ra do có đôi, nước ngập tràn lan từ nơi nguồn. Nếu không có đôi thì ta không có hoạn nạn gì. Thế nên, bậc Thánh nhân dạy người nên sống nơi thanh vắng, tránh nơi ồn náo, nhờ đó không còn ý niệm ganh ghét. Cho nên nói: Biết vậy, không nên ganh tị.

———————-

Ganh trước tổn mình

Sau mới tổn người

Đánh thì bị đánh

Không thể dứt được.

Ganh trước tổn mình: Như có người té xuống bùn nhơ, không thể trèo lên khỏi hố bùn, mình còn không cứu mình được thì làm sao cứu giúp ai, phải tìm cách cứu nạn ấy. Cho nên nói: Ganh trước tổn mình.

Sau mới tổn người: Khi mình được cứu độ rồi mới tìm cách cứu độ người chưa độ, cho nên nói: Sau mới tổn người.

Đánh thì bị đánh: Đều do tâm người chưa bỏ việc phải quấy. Điều ấy làm rõ luật nhân quả như ngửa mặt lên hư không phun nước miếng, nước miếng trở lại rớt xuống mặt mình, không thể dính người khác. Tiếng vang là vắng lặng, vô hình, bị người mắng nhiếc, nhưng có âm thanh, tai ta nghe đến hoàn toàn không có hình chất, vì sao trong pháp vắng lặng mà lại sinh ra hỷ nộ một cách ngang ngược? Người ngu thiếu suy nghĩ nên sinh ra thức tưởng, tranh phải quấy với nhau, đưa đến mất mạng, cho nên nói: Đánh thì bị đánh.

Không thể dứt được: Người ngu giữ ý đến chết vẫn không đổi. Nếu gặp lợi dưỡng thì cho là vật sở hữu của mình, đối với lợi dưỡng ấy sinh ra ganh tị nên không có tâm rộng lớn, cho nên nói:

Không thể dứt được.