SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Phẩm 14: DỨT TRỪ CÁC KIẾN CHẤP

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Con cũng muốn nói vì sao Bồ-tát được gọi là Đại Bồ-tát.

Phật bảo Xá-lợi-phất: – Ông cứ nói.

Ngài Xá-lợi-phất nói:

–Kiến chấp về: Ngã, kiến chấp về thọ, kiến chấp về mạng, kiến chấp về chúng sinh, kiến chấp về sự sinh, kiến chấp về dưỡng dục, kiến chấp về chúng số kiến, kiến chấp về người, kiến chấp về sự tạo tác, kiến chấp về sự sai khiến tạo tác, kiến chấp về sự khởi lên, kiến chấp về sự sai khiến khởi lên, kiến chấp về thọ nhận, kiến chấp về khiến thọ nhận, kiến chấp về sự hiểu biết, kiến chấp về sự nhận thức, kiến chấp về đoạn, kiến chấp về thường, kiến chấp về có, kiến chấp về không, kiến chấp về ấm, kiến chấp về nhập, kiến chấp về giới, kiến chấp về đế, kiến chấp về nhân duyên, kiến chấp về niệm xứ, cho đến kiến chấp về pháp Bất cộng, kiến chấp về Phật đạo, kiến chấp về sự thành tựu chúng sinh, thanh tịnh cõi nước Phật, Phật, kiến chấp về chuyển pháp luân. Vì dứt trừ các kiến chấp trên đây mà nói pháp cho người nên Bồ-tát được gọi là Đại Bồ-tát.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Vì sao kiến chấp về sắc là kiến chấp luống dối? Vì sao kiến chấp về thọ, tưởng, hành, thức cho đến kiến chấp về chuyển pháp luân là kiến chấp luống dối?

Xá-lợi-phất nói:

–Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật, vì không có phương tiện nên Bồ-tát đối với sắc sinh kiến chấp, đối với thọ, tưởng, hành, thức cho đến chuyển pháp luân sinh kiến chấp, vì pháp dụng có thủ đắc.

Ở đây, Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật dùng năng lực phương tiện mà nói pháp cho họ nghe để dứt trừ các kiến chấp luống dối, vì pháp dụng không thủ đắc.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Con cũng muốn nói vì sao mà Bồ-tát được gọi là Đại Bồ-tát.

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ông cứ nói.

Tu-bồ-đề nói:

–Tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tâm không gì sánh bằng này chẳng chung với tâm Thanh văn, Bích-chi-phật. Vì sao? Vì đây là tâm của Nhất thiết trí vô lậu, chẳng bị trói buộc, cũng chẳng chấp trước tâm của Nhất thiết trí vô lậu chẳng bị trói buộc này, vì vậy mà Bồ-tát được gọi là Đại Bồtát.

Xá-lợi-phất hỏi:

–Thế nào là tâm không gì sánh bằng của Đại Bồ-tát chẳng chung với tâm Thanh văn, Bích-chi-phật?

Tu-bồ-đề nói:

–Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm trở đi không bao giờ thấy một pháp nào có sinh, có diệt, có cấu uế, có thanh tịnh, có thêm, có bớt. Nếu đã là pháp chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng cấu uế, chẳng thanh tịnh, chẳng thêm, chẳng bớt thì trong đó không có tâm Thanh văn, không có tâm Bích-chiphật, không có tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không có tâm Phật. Đó gọi là tâm không gì sánh bằng của Đại Bồ-tát, chẳng chung với tâm Thanh văn, Bích-chiphật. Xá-lợi-phất nói:

–Như lời Tôn giả Tu-bồ-đề nói, đối với tâm của Nhất thiết trí vô lậu chẳng bị trói buộc này cũng chẳng chấp trước.

Này Tu-bồ-đề! Sắc cũng chẳng chấp trước; thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng chấp trước, bốn Niệm xứ cho đến pháp Bất cộng cũng chẳng chấp trước. Sao ngài chỉ nói tâm này chẳng chấp trước?

Tu-bồ-đề nói:

–Phải lắm, sắc cho đến pháp Bất cộng cũng chẳng chấp trước.

Xá-lợi-phất:

–Tâm phàm phu cũng là vô lậu chẳng bị trói buộc, vì tánh rỗng không. Tâm Thanh văn, tâm Bích-chi-phật, tâm chư Phật cũng là vô lậu chẳng bị trói buộc, vì tánh rỗng không.

Tu-bồ-đề nói:

–Đúng lắm!

Xá-lợi-phất nói:

–Sắc cũng là vô lậu chẳng bị trói buộc, vì tánh là không. Thọ, tưởng, hành, thức cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sinh ra cũng là vô lậu chẳng bị trói buộc, vì tánh là không. Bốn Niệm xứ cho đến mười tám pháp Bất cộng cũng là vô lậu chẳng bị trói buộc, vì tánh là không. Tu-bồ-đề nói:

–Vâng, như lời Tôn giả Xá-lợi-phất đã nói, tâm phàm phu cho đến pháp Bất cộng cũng là vô lậu chẳng bị trói buộc, vì tánh là không.

Xá-lợi-phất nói:

–Như lời Tu-bồ-đề đã nói, vì tâm là không nên chẳng chấp trước tâm.

Này Tu-bồ-đề! Vì sắc là không nên chẳng chấp trước sắc. Vì thọ, tưởng, hành, thức cho đến ý xúc sinh thọ là không, nên chẳng chấp trước, thọ, tưởng, hành, thức, cho đến chẳng chấp trước ý xúc sinh thọ. Vì bốn Niệm xứ là không cho đến pháp Bất cộng là không, nên chẳng chấp trước bốn Niệm xứ, cho đến chẳng chấp trước pháp Bất cộng. Tu-bồ-đề nói:

–Vâng, vì sắc là không nên đối với sắc chẳng chấp trước. Cho đến vì pháp Bất cộng là không nên đối với pháp Bất cộng chẳng chấp trước.

Đại Bồ-tát lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật dùng tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tâm không gì sánh bằng chẳng chung với tâm Thanh văn, Bích-chi-phật, cũng chẳng nghĩ nhớ có tâm không gì bằng này, cũng chẳng chấp trước tâm không gì sánh bằng này, vì tất cả pháp dụng là có không thật. Do đó mà Đại Bồ-tát được gọi là Đại Bồ-tát.