CHÚ GIẢI KINH DUY MA CẬT

Đời Hậu Tần, Ngài Tăng Triệu.

PHẨM 14: CHÚC LỤY

Chánh văn: Bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc rằng: “Này Dilặc! Nay Ta phó chúc cho ông pháp Vô thượng Bồ-đề đã được chứa nhóm từ vô lượng ức a-tăng-kỳ kiếp đến nay.

Ngài La-thập nói: Kinh này là nhân của bồ đề, sở dĩ không phó chúc cho ngài A-nan là vì ngài A-nan không có thần lực, không thể hoằng truyền, còn ông Duy-ma không phải là bậc Đại sĩ ở cõi này nên cũng chẳng trao phó; ngài Văn-thù thì luôn du phương không có trụ xứ nhất định nên cũng không phó chúc. Phó chúc cho ngài Di-lặc là vì ngài sẽ thành Phật ở cõi này. Đức Phật dùng thần lực tuyên bố, là muốn thành tựu công đức cho ngài Di-lặc.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Kinh Bất Tư Nghị tức là đạo Vô thượng Bồ-đề của Phật, đạo ấy sâu xa, khó có thể trong chốc lát mà thành tựu, như ta đã từ vô lượng kiếp chẳng tiếc thân mạng, bố thí thịt xương chất cao hơn núi Tu-di, máu nhiều hơn sông biển, cần khổ tích tụ đến nay mới thành tựu, thương xót loài quần sinh mãi si mê chìm đắm, cho nên mới ban cho kinh văn. Nhưng quần sinh đức mỏng, ma sự quá nhiều, đạo ta lại quá khó, nếu chẳng do ông, hẳn chẳng thể hoằng truyền kế thừa chánh pháp, vì thế phó chúc cho ông.

Chánh văn: Những kinh thế này sau khi Phật diệt độ, vào thời mạt pháp, các ông phải dùng thần lực diễn nói lưu thông cùng khắp.

Ngài La-thập nói:

– Vận dụng thần lực thì có thể trừ dẹp ma oán, diễn nói cùng khắp mà không ngăn ngại.

Chánh văn: Cõi Diêm-phù-đề, chớ để cho đoạn dứt.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Thành cao thì phải bảo vệ, đạo quý thì ma hưng khởi, nếu chẳng có thần lực thì không biết lấy gì để chế phục, nên khuyên dùng thần lực.

Chánh văn: Vì sao? Vì ở đời vị lai sẽ có những thiện nam, thiện nữ và trời, rồng, quỷ thần, càn-thát-bà, la-sát… phát tâm Vô thượng Bồđề, thích Đại pháp, nếu chẳng được nghe các kinh như thế ắt mất lợi ích lớn.

Ngài La-thập nói:

– Nếu chẳng nghe được kinh này hoặc là đọa vào Nhị thừa thì mất lợi ích lớn Đại thừa.

Chánh văn: Các người như thế, nghe kinh này ắt sinh tin thích, phát tâm hy hữu, sẽ đảnh lễ vâng thọ, rồi tùy thuận những điều lợi lạc mà chúng sinh cần có để rộng tuyên thuyết.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Việc lưu thông hay ngăn ngại, lợi ích hay tổn hại của pháp như thế, cho nên khuyên ngài Di-lặc vâng thọ, diễn nói.

Chánh văn: Này Di-lặc nên biết! Bồ-tát có hai tướng.

Ngài La-thập nói:

– Nếu người thích những câu văn hay đẹp, thì trao cho văn từ ngôn cú, nếu người thích kinh sâu xa thì chỉ dạy yếu nghĩa. Cần nên biết tướng ấy, cho nên phải luận đến hai tướng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Hành sâu hay cạn, mỗi mỗi đều có tướng riêng biệt, được mất đều trình bày để khuyên bảo hộ trì chánh pháp.

Chánh văn: Thế nào là hai?

1. Thích câu văn hay đẹp, bóng bẩy.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Văn là gì? Đó là phương tiện để hiển bày diệu chỉ, mà người mới học trí còn nông cạn, chưa thể được ý quên lời, bỏ gốc tìm ngọn nên chỉ thích câu văn hay đẹp bóng bẩy.

Chánh văn:

2. Chẳng sợ nghĩa sâu xa, thâm nhập như thật.

Ngài Tăng Triệu nói:

Yếu chỉ thì sâu xa, lời diệu thì trái tục, nếu chẳng phải là bậc có trí dũng thì ai có thể vào được?

Chánh văn: Nếu thích câu văn bóng bẩy trau chuốt, thì biết đó là hàng Bồ-tát mới học. Nếu đối với các kinh điển sâu xa không nhiễm, không chấp trước kia mà chẳng sợ sệt, thâm nhập được vào đó, nghe rồi tâm thanh tịnh thọ trì, giảng nói, như lời nói tu hành, thì biết đó là bậc tu hành đã lâu.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Sự sâu xa của kinh không nhiễm không trước, nếu chẳng phải là bậc tu hành đã lâu thì ai có thể không sợ sệt?

Chánh văn: Này Di-lặc! Lại có hai pháp gọi là Bồ-tát mới học.

Ngài La-thập nói:

– Muốn khiến cho người tin nhận kinh điển sâu xa, đề phòng lỗi của hàng mới học, nên nói rộng về lỗi của hàng mới học.

Chánh văn: Chẳng thể quyết định đối với pháp sâu xa. Thế nào là hai pháp?

1. Những kinh điển sâu xa chưa được nghe, khi nghe thì sợ sệt, sinh tâm nghi ngờ.

Ngài La-thập nói:

– Mới nghe thì sợ, suy nghĩ thì nghi ngờ, nghi ngờ thì sinh hủy báng.

Chánh văn: Chẳng thể tùy thuận, hủy báng chẳng tin mà lại nói rằng: “Từ trước đến nay ta chưa từng nghe kinh này! Nay kinh này từ đâu có?” Nếu có người hộ trì giảng nói các kinh sâu xa như thế thì không chịu thân cận cúng dường cung kính, hoặc có lúc lại nêu lỗi của người ấy.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Một là, hủy báng pháp; hai là, hủy báng người.

Chánh văn: [Nếu có hai pháp này, nên biết Bồ-tát mới học sẽ tự làm tổn hại mình mà chẳng thể ở nơi pháp sâu xa mà điều phục tâm. Này Di-lặc! Lại có hai pháp làm cho Bồ-tát dầu tin hiểu pháp sâu xa, nhưng vẫn còn bị thương tổn, chẳng thể chứng Vô sinh pháp nhẫn.] Ngài Tăng Triệu nói:

– Trên tuy đã nghe được kinh sâu xa, mà chẳng thể tin hiểu, nay tuy đã tin hiểu mà chẳng thể hành trì. Lần lượt nói rõ các lỗi để răn dạy hàng hậu học.

Chánh văn: Hai pháp là gì?

1. Khinh các Bồ-tát mới học mà chẳng chịu dạy dỗ. Ngài La-thập nói:

– Tự cho mình đã hiểu kinh sâu xa nên sinh tâm ngã mạn.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Tuy hiểu được nghĩa sâu xa, nhưng vì chưa dụng tâm được, nên tôn mình mà khinh người, chẳng thể chỉ dạy làm lợi ích, đây là chướng ngại bên ngoài của người học.

Chánh văn:

2. Tuy hiểu pháp sâu xa, mà còn chấp tướng phân biệt. Ngài La-thập nói:

– Tuy chẳng sinh ngã mạn, mà còn phiền não chấp tướng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Nhân nơi tin hiểu mà sinh chấp tướng, phân biệt. Tuy nói là hiểu mà thật chưa họp chân giải ngộ. Đây là chướng ngại bên trong của người học.

Chánh văn: Bồ-tát Di-lặc nghe nói như thế xong, bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Thật chưa từng có! Như lời Thế Tôn nói.

Ngài La-thập nói:

– Khen ngợi lời kinh và sự luận biện về tướng sai biệt của Bồ-tát mà Đức Phật đã nói ở trên.

Chánh văn: Con nên xa lìa các lỗi như thế!

Ngài Tăng Triệu nói:

– Bậc Đại sĩ Nhất sinh bổ xứ há có lỗi ấy sao, mà nghe rồi nói là trừ bỏ? Sở dĩ phát ra lời này là vì những người chưa xả bỏ được lỗi ấy.

Chánh văn: Nguyện xin kính giữ pháp Vô thượng Bồ-đề mà Như Lai đã gom tập từ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp đến nay. Nếu ở vị lai có thiện nam, tín nữ nào cầu Đại thừa, thì con sẽ làm cho tay người ấy cầm được kinh này và ban cho họ sức ghi nhớ.

Ngài La-thập nói:

– Dùng sức thần thông gia bị khiến cho họ được sức ghi nhớ chẳng quên.

Hỏi:

– Khi xưa ma thường xuất thế gian phá hoại não loạn người học, nay vì nhân duyên gì mà ma chẳng đến?

Đáp:

– Đó là nhờ ân của Ưu-ba-quật. Khi Đức Phật còn tại thế có một ngoại đạo Tát-giá Ni-kiền Tử rất thông minh lanh lợi, giỏi luận nghị, tâm rất cống cao khinh mạn. Ngoại đạo biết pháp của Phật cao sâu vi diệu, ý muốn xuất gia nên mới hỏi Đức Phật rằng: “Nếu tôi xuất gia thì có được trí đức, thanh danh như Phật chăng?” Đức Phật đáp: “Không được!” Ngoại đạo lại hỏi: “Được như ngài Xá-lợi-phất chăng?” Đức Phật đáp: “Không được!” Như thế cứ lần lượt hỏi so sánh với năm trăm đệ tử, cho đến hỏi: “Có được như La-hầu-la chăng?” Đức Phật đều đáp chẳng được. Bấy giờ, Ni-kiền tử nói: Tôi xuất gia chẳng được như Phật, chẳng bằng các đệ tử thì cần gì phải xuất gia! Lại tiếp rằng: “Sau này có được như thế chăng?” Đức Phật đáp: “Đến đời sau khi không còn các bậc Đại nhân, thì ngươi mới chứng đắc.” Ni-kiền tử mệnh chung; sau khi Đức Phật Niết-bàn một trăm năm, thời vua A-dục thì vị này tái sinh, xuất gia tu đạo chứng quả A-la-hán, có thanh danh lớn; giáo hóa người trong nước đắc quả A-la-hán, trừ những gia đình độ vợ chẳng độ chồng, độ chồng chẳng độ vợ không tính, còn những gia đình vợ chồng đều đắc quả A-la-hán, nếu dùng thẻ mà tính thì thẻ xếp đầy một ngôi nhà, sau khi nhập Niết-bàn dùng thẻ này để đốt thân cũng đủ, không còn cần những vật khác. Khi chưa Niết-bàn vị A-la-hán này thường tọa thiền trong rừng vắng, một hôm thấy một con chó đói khát, gầy yếu sắp chết, ngài thường bớt phần ăn của mình mà cho chó, các Tỳ-kheo mỗi mỗi cũng bớt phần của mình để cho. Chó ăn quá no trướng bụng sắp chết. Bấy giờ, các Tỳ-kheo ngồi trên võng vòng quanh con chó kia trông nom, tụng kinh, thuyết pháp cho nghe, chó phát tâm thiện, nhìn các vị Tỳ-kheo, nghe pháp âm rồi mạng chung sinh về cõi Trời thứ sáu, có oai đức lớn, cùng ngồi với ma vương. Bấy giờ, thân chó đã thối rữa. Ma vương suy nghĩ rằng, vì nguyên do gì mà có vị đại nhân này cùng ngồi với ta? Nghĩ thế liền quán xét bản duyên biết được là chó, vô cùng tức giận nói rằng: “Đây là Tỳ-kheo Ưu-ba-quật khiến con chó thối này cùng ngồi với ta, nên tìm phương kế để hủy nhục.” Bấy giờ, Tỳ-kheo Ưu-ba-quật đang tọa thiền nhập định diệt hết trong rừng, ma dùng tràng hoa trang nghiêm cõi Trời mà kết nơi trán của Tỳ-kheo Ưu-ba-quật rồi nói lớn để bốn chúng cùng thấy: “Vị Tỳ-kheo này đã ở nơi vắng lặng mà còn trang sức thế kia, sao gọi là người có giới đức thanh tịnh được.” Trong chốc lát Ưu-ba-quật xuất định, biết trên đầu có tràng hoa, biết do ma làm, nên nói rằng: “Ngươi là ma vương”, Ngài liền biến thây chó chết thành một tràng hoa rất đẹp rồi nói với ma vương rằng: “Ngươi cúng cho ta một tràng hoa, ta cũng dùng một tràng hoa đáp trả, ngươi có thể mang nó”, nói xong dùng thần lực treo tràng hoa vào cổ ma vương, treo xong thì tràng hoa trở thành thây chó chết, trương sình rữa nát vô cùng hôi thối. Ma dùng hết thần lực mà chẳng thể nào lấy ra được, bèn đến cầu Đế Thích, Đế Thích chẳng nhận, lại trở về sáu tầng trời cõi Dục đến cầu các Phạm thiên, tất cả đều chẳng nhận giúp, chẳng thể nào mở cho ông ta được và bảo hãy về cầu vị Tỳ-kheo ấy. Ma liền đến trụ xứ của Ưu-ba-quật khẩn cầu mở tràng hoa hôi thối. Ưu-ba-quật nói rằng: “Ngươi hãy thệ từ nay về sau cho đến khi pháp diệt hết, không còn xuống nhân gian não loạn người tu hành nữa.” Vả lại, ta tuy đã thấy pháp thân Phật, nhưng chưa thấy được sắc thân, bây giờ ngươi hãy vì ta biến thành thân Phật. Nếu được như thế, ta sẽ mở tràng hoa hôi thối ấy cho ngươi! Ma liền phát lời thệ như thế, rồi nói tiếp rằng: “Khi tôi biến thành thân Phật, thì ngài chớ nên lễ kính tôi!” Liền khi ấy, ma vào trong rừng lớn biến thành thân Phật đầy đủ tướng quý và vẻ đẹp, hào quang phóng rực rỡ, có các đệ tử như ngài Xá-lợi-phất vây quanh, từ trong rừng đi đến. Ưu-ba-quật khen ngợi, vui mừng không xiết kể, quên mất lời hứa, nên liền đảnh lễ. Ma vội nói: “Sao lại trái lời hứa mà kính lễ tôi.” Ưu-ba-quật nói: “Ta khởi tưởng Phật mà kính lễ.” Lúc ấy tự nhiên tràng hoa hôi thối kia tự mất. Ma liền nói: “Phật chân đại Từ, đại Bi, tôi não hại Phật rất nhiều mà Phật chẳng báo trả, mà nay Tỳ-kheo lại báo trả quá nặng như thế! Tỳ-kheo Ưu-ba-quật nói rằng: “Đức Phật đại Từ, đại Bi hay dung thứ, khoan hòa nhẫn nhịn được, còn ta là hàng Tiểu thừa không làm được như thế. Nhân duyên ma chẳng đến thế gian nói tóm tắt như thế!

Ngài Tăng Triệu nói:

– Ngầm khai phát tâm của chúng sinh để tăng trưởng niệm thiện cho họ.

Chánh văn: Khiến họ thọ trì, đọc tụng, diễn nói cho người khác nghe. Bạch Thế Tôn! Nếu đời sau có người thọ trì đọc tụng kinh này, rồi nói cho người khác nghe, nên biết đó chính là nhờ thần lực của Di-lặc kiến lập.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Định công lao của mình ở vị lai, để trừ dẹp sự dò xét của các ma.

Chánh văn: Đức Phật nói: “Thật quý thay! Thật quý thay! Này Dilặc, như lời ông nói, Ta sẽ hỗ trợ cho niềm vui của ông.” Bấy giờ, các Bồ-tát chắp tay bạch Đức Phật rằng: “Sau khi Như Lai diệt độ, chúng con sẽ truyền bá đạo Vô thượng Bồ-đề khắp các cõi nước ở mười phương và chỉ bày cho những người thuyết pháp được kinh này.” Bấy giờ, trời Tứ Thiên vương thưa rằng: “Bạch Thế Tôn! Tại tất cả cõi như thành, ấp, thôn xóm, núi rừng, đồng vắng… nếu có quyển kinh này, có người đọc tụng, giảng nói thì con sẽ dẫn quyến thuộc đến đó nghe pháp, và bảo vệ người đó, khiến trong vòng một trăm do-tuần không để ai làm hại được.” Bấy giờ, Đức Phật bảo A-nan rằng: “Ông hãy thọ trì kinh này, truyền cho đời sau.” A-nan thưa rằng: “Dạ, con thọ trì rồi. Bạch Thế Tôn! Kinh này tên là gì?” Đức Phật đáp: “Kinh này tên là Duy-ma-cật Sở Thuyết, cũng gọi là Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát Pháp Môn, ông nên ghi nhớ.” Khi Đức Phật thuyết kinh này xong, trưởng giả Duy-ma-cật, Văn-thù-sư-lợi, Xá-lợi-phất, A-nan… và các hàng trời, người, a-tu-la, toàn thể đại chúng đều vui mừng cung kính tin nhận vâng theo.

LỜI TỰA SAU KHI KHẮC LẠI BẢN KINH DUY MA

Đầu đông năm Nhâm ngọ, tôi từ Hữu bộ _trực lại quán chuyển vận sứ ở giang Nam nhận chiếu về lại gia tộc, theo tthuyền thuận dòng mà xuôi. Bấy giờ là ngày mồng tháng 10, dừng thuyền nơi bờ Hồ khẩu, trời gần tối, có một người khoảng năm mươi tuổi y phục và dáng vẻ như người đánh cá, đứng trên bờ vái mà thưa rằng: Tôi nhiều đời sống nơi sông nước (phương Nam sống nơi thuyền bè gọi là sống nơi sông nước) biết nước phong thủy, biết luồng nước từ hang núi ra, nay xin báo rằng: Ngày 14 sẽ có gió lớn. Tôi bèn ghi vào sách. Mấy ngày sau lại mộng thấy một người áo đen, lộ nửa người khỏi nước, tự nói là sẽ tha cho nạn sông nước và cần mười quyển kinh Duy-ma-cật. Tỉnh dậy cảm thấy lạ lùng. Ngày 14 quả nhiên gặp cuồng phong nơi nhánh sông Địch, thuyền bốn lần muốn lật chìm, cuối cùng là được yên ổn quả như những sự thấy nghe trước đó. Cả nhà thoát khỏi rơi vào bụng cá đều cảm thấy may mắn. Khi đến kinh sư, tôi tìm cầu mười quyển kinh Duy-ma-cật khắp nơi mà chẳng có. Mấy tháng sau, nơi nhà người thân, tôi trông thấy một hòm kinh, mở ra thì thấy đó là một bộ kinh Duy-ma mười quyển. Đẹp đẽ thay sức công đức và sự thủ hộ của cung rồng đối với hải tạng thù thắng lời vàng kệ ngọc này. Thật sáng tỏ thay, sáng tỏ thay bộ kinh, vậy mà hàng ngu tối chẳng thể khởi tin thì thật đáng thương xót! Nhân đó tôi cho thợ khắc lại với chí nguyện truyền bá rộng khắp. Để nêu bày sự linh dị mà ghi lại ngày tháng. Làng Đạo đức, 15 tháng . Thuần hóa thứ 4 đời Tống Công thần khai quốc Trương Tề Hiền thuật.