CHÚ GIẢI KINH DUY MA CẬT

Đời Hậu Tần, Ngài Tăng Triệu.

PHẨM 10: PHẬT HƯƠNG TÍCH

 

Chánh văn: Bấy giờ, ngài Xá-lợi-phất suy nghĩ rằng: “Đã đến giờ thọ thực, các Bồ-tát sẽ thọ thực nơi đâu?” Ngài La-thập nói:

– Chỉ môt mình ngài Xá-lợi-phất khởi niệm là có ba lý do:

  1. Thân kết nghiệp chẳng thể không cần bồi dưỡng.
  2. Dứt tuyệt ý nơi Đại thừa, tâm thích pháp chẳng sâu xa.
  3. Suy từ thân mình có cần, nên cho đại chúng cũng thế, là bậc Thượng thủ trong hàng đệ tử nên phải sắp đặt cho chúng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Bày biện giường ghế, sắm sửa thức ăn là lẽ thường đãi khách, nhưng nay lại đợi khách phát khởi trước là để dẫn sinh sự luận nghị. Ngài Xá-lợi-phất bấy giờ là bậc trưởng thượng trong chúng hội, nên thường cùng nhau phát động đầu mối luận nghị.

Ngài Đạo Sinh nói:

  • =Chẳng nghĩ đến các đệ tử là vì các Thanh văn tự có pháp khất thực riêng.

Chánh văn: Ông Duy-ma-cật biết tâm niệm của ngài Xá-lợi-phất nên nói rằng: “Đức Phật nói tám Giải thoát, nhân giả đã tin nhận hành trì, há lại có tâm muốn ăn xen lẫn với nghe pháp ư?

Ngài La-thập nói:

– Có thể ở pháp trước kia được tự tại vô ngại, vô ngại thì tâm tưởng phiền lụy nên phế bỏ. Cũng có thể nói rằng giải thoát dùng để nhàm chán thân, xả bỏ sự chấp trước, mà nay lại nghĩ đến việc thọ thực, há chẳng quá trái ngược với chỉ thú ư?

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đức Phật nói tám Giải thoát chính là món ăn quý của vô dục, là thức ăn thượng hạng để nuôi lớn pháp thân; nhân giả đã tự thân thọ nhận, tức không còn tham cầu nhiều. Nhưng nay trái lại xen vào ý tưởng muốn thọ thực mà nghe pháp, há không có tâm hoàn toàn đến cầu pháp ư?

Ngài Đạo Sinh nói:

– Tám Giải thoát lấy bất tịnh quán làm môn đầu tiên mà thức ăn là vật bất tịnh, đã lấy sự thể hội tám giải làm bản hoài thì còn có tâm muốn ăn ư? Vả lại, trong pháp không có thức ăn đáng ham muốn, vì thế chẳng nên dùng tâm muốn ăn mà nghe pháp.

Chánh văn: Nếu muốn ăn, hãy đợi trong chốc lát, tôi sẽ cúng ngài một bữa ăn chưa từng có.

Ngài La-thập nói:

– Chẳng biến hóa ra vì e rằng dẫn đến sự khinh chê là hư vọng. Còn chẳng lấy cơm bình thường, là vì nếu chẳng phải tịnh diệu thì không có lợi ích. Muốn làm cho chúng hội thấy cõi nước thanh tịnh. Vả lại, nhân nơi cơm thơm mà đạt được chủ ý hoằng đạo. Vì thế từ việc ngài Xá-lợi cầu thức ăn mà xin cơm ở cõi Hương tích.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Cơm thông thường là pháp sinh dục, trừ bỏ món ăn tham dục mà được món ăn chưa từng có.

Chánh văn: Bấy giờ, ông Duy-ma-cật nhập tam-muội, dùng thần lực hiện bày cho đại chúng thấy cảnh giới ở phương trên cách đây hơn bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật có một cõi nước tên là Chúng hương, có Đức Phật hiệu là Hương Tích hiện đang trụ. Mùi hương cõi nước này bậc nhất trong các mùi hương kỳ diệu cõi Trời của người và các cõi Phật trong mười phương. Nước này không có tên là Thanh văn và Bích-chiPhật, chỉ có các Đại Bồ-tát thanh tịnh nghe Phật thuyết pháp. Tất cả các vật ở nước này đều do chất hương tạo thành như lầu gác, vườn hoa, đường kinh hành… Mùi hương ấy lan tỏa khắp vô lượng thế giới trong mười phương. Lúc ấy Đức Phật và các Bồ-tát cõi kia đang ngồi thọ thực, các Thiên tử đồng có tên là Hương Nghiêm phát tâm Vô thượng Bồ-đề, cúng dường Phật và các Bồ-tát. Đại chúng ở cõi này đều thấy rõ. Bấy giờ, ông Duy-ma-cật hỏi các Bồ-tát rằng: “Các Nhân giả! Vị nào có thể đến xin cơm của Đức Phật cõi kia?”

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đã hiện ra cõi nước kia, lại suy tìm người có thần lực khiến đến xin cơm.

Chánh văn: Do sức oai thần của ngài Văn-thù-sư-lợi nên tất cả đều im lặng.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Ngài Văn-thù muốn hiển oai đức của ông Tịnh Danh, nên dùng thần lực chế phục khiến đại chúng đều im lặng.

Chánh văn: Ông Duy-ma-cật nói: “Các nhân giả! Không hổ thẹn sao?”

Ngài Tăng Triệu nói:

– Khích lệ người chưa thành đạo.

Chánh văn: Ngài Văn-thù-sư-lợi nói: “Như Đức Phật dạy: Chẳng nên khinh người chưa học.”

Ngài Tăng Triệu nói:

– Sách tấn người mới học.

Chánh văn: Bấy giờ, ông Duy-ma-cật chẳng rời tòa, ngồi yên trước chúng hội, hóa ra một vị Bồ-tát có tướng quý và vẻ đẹp trang nghiêm rực rỡ, oai đức thù thắng hơn cả đại chúng, rồi nói với vị hóa Bồ-tát rằng: “Ông hãy qua cảnh giới ở phương trên cách đây hơn bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật có một nước tên là Chúng hương, Đức Phật hiệu là Hương Tích và các Bồ-tát đang cùng ngồi thọ thực. Ông đến đó theo như lời tôi mà thưa rằng: “Duy-ma-cật cúi đầu lễ chân Thế Tôn, vô cùng cung kính, thăm hỏi Đức Thế Tôn đi đứng có ít bệnh ít não chăng? Sức khoẻ được an ổn chăng?”

Ngài La-thập nói:

– Không nói “không có” mà nói là “ít” vì muốn nói rõ thân là gốc bệnh, là gốc nên vứt bỏ.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Muốn chỉ bày có thân thì chẳng tránh khỏi bệnh, cho nên kính hỏi Như Lai, nên nói ít bệnh ít não!

Chánh văn: Nguyện được xin món cơm thừa của Thế Tôn mang về cõi Ta-bà làm Phật sự.

Ngài La-thập nói:

– Phật sự tức việc giáo hóa chúng sinh.

Chánh văn: Khiến cho những người thích pháp nhỏ.

Bản khác nói: Người ưa thích nhỏ hẹp.

Ngài La-thập nói:

– Sự ưa thích chẳng cao xa, đều gọi là nhỏ, chẳng phải chỉ riêng Tiểu thừa.

Chánh văn: Được đạo rộng lớn và cũng làm cho thanh danh của Như Lai vang khắp.” Ngài La-thập nói:

– Muốn khiến cho người nghe mà tin rồi phát đạo tâm, ba việc này là chủ ý của việc xin cơm.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Nói cơm thừa là lời nhún nhường kính thuận. Cõi kia nhân mùi hương để lưu thông đạo lớn, cõi này thì chúng sinh có chí nguyện nhỏ hẹp, cho nên nói xin cơm thừa để làm Phật sự.

Chánh văn: Bấy giờ, vị hóa Bồ-tát liền ở trước chúng hội bay lên phương trên. Đại chúng đều thấy vị ấy đến nước Chúng Hương lễ chân

Đức Phật. Lại nghe tiếng nói rằng: “Duy-ma-cật xin cúi đầu đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, vô cùng cung kính thăm hỏi Thế Tôn hằng ngày đi đứng có ít bệnh ít não, sức khoẻ an ổn chăng. Nguyện được món cơm thừa của Thế Tôn đem về cõi Ta-bà làm Phật sự, khiến cho những người thích pháp nhỏ được đạo lớn và thanh danh của Như Lai vang khắp.” Các Đại sĩ nước Chúng hương thấy vị hóa Bồ-tát, đều khen là việc chưa từng có và suy nghĩ rằng: “Bậc Thượng nhân này từ đâu đến? Cõi Ta-bà ở nơi nào? Sao gọi là người ưa thích pháp nhỏ? Rồi liền đem các việc ấy hỏi Đức Phật.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Các vị Đại sĩ nước kia đều được thần thông, nhưng chẳng thể thường hiện tiền. Vả lại, cõi ấy thuần là Đại thừa, chẳng nghe danh từ ưa thích pháp nhỏ, nên mới sinh nghi vấn này.

Chánh văn: Đức Phật bảo rằng: “Ở phương dưới cách đây bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật có một thế giới tên là Ta-bà, Đức Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni, hiện đang trụ ở đời ác có năm trược, vì những chúng sinh thích pháp nhỏ mà giảng thuyết đạo pháp. Cõi Ta-bà này có một vị Bồ-tát tên là Duy-ma-cật, trụ ở Bất tư nghị giải thoát, đang nói pháp cho các Bồ-tát khác nghe, nên sai vị Hóa Bồ-tát này đến tán thán danh hiệu ta và tán thán cõi này để cho các Bồ-tát cõi kia tăng trưởng công đức. Các Bồ-tát nước Chúng hương nói rằng: “Vị Đại sĩ đó như thế nào mà có thể hóa ra vị Bồ-tát có đức, lực, thần túc, vô úy như thế?” Đức Phật nói: Rất lớn! Vị Đại sĩ này thường sai hóa Bồ-tát đi khắp mười phương làm Phật sự, lợi ích chúng sinh. Khi đó Đức Như Lai Hương Tích dùng cái bát ở nước Chúng hương bới đầy cơm thơm trao cho Hóa Bồ-tát, lúc ấy chín trăm vạn vị Bồ-tát cõi Chúng hương đồng thưa rằng: “Chúng con muốn đến cõi Ta-bà để cúng dường Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đồng thời ra mắt ông Duy-ma-cật và các Bồ-tát.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Nghe Đức Phật Hương Tích khen ngợi công đức của Phật và Bồtát cõi Ta-bà, nên đồng muốn đi.

Chánh văn: Đức Phật bảo: “Các ông nên đi, nhưng phải thu nhiếp mùi hương nơi thân, chớ khiến cho chúng sinh cõi kia khởi tâm tham đắm.

Ngài La-thập nói:

– Quá giận thì cuồng, quá vui thì mê, nên phải thu nhiếp mùi hương, ngăn chặn nguyên nhân khiến kia mê hoặc.

Hỏi:

– Nếu thế, vì sao không thu nhiếp mùi hương của cơm?

Đáp:

– Do thần lực của Phật, nên có thể ngăn chặn nguồn mê hoặc mà phát khởi đạo tâm cho họ. Vì thế mà chẳng nhiếp thu.

Chánh văn: Nên chuyển thân hình vốn có của các ông, chớ nên khiến cho những người cầu đạo Bồ-tát ở cõi kia phải tự hổ thẹn mình thấp kém.

Ngài La-thập nói:

– Hổ nhiều thì đọa, thẹn ít cũng phiền não, hai hoặc này cùng nhau đến thì cách đạo càng xa. Trên nói tham đắm, ở đây nói hổ thẹn thấp hèn. Hai môn cùng hiển thị cho nhau, nhưng văn lại ước lược.

Chánh văn: Lại các ông đến đó chớ khởi tâm khinh khi mà sinh ý tưởng ngăn ngại. Vì sao? Vì mười phương cõi nước đều như hư không. Hơn nữa, chư Phật vì muốn hóa độ những người thích pháp nhỏ, nên không hiện ra cõi nước hoàn toàn thanh tịnh. Bấy giờ, hóa Bồ-tát đã nhận bát cơm, cùng với chín trăm vạn Bồ-tát cõi kia, nương oai thần của Phật và sức của ông Duy-ma-cật, bỗng nhiên biến mất ở cõi kia, trong khoảng khắc về đến phương trượng của ông Duy-ma. Ông Duy-ma-cật lại hóa ra chín trăm vạn tòa Sư tử trang nghiêm tốt đẹp như trước, mời các Bồ-tát cõi kia đến ngồi trên đó. Hóa Bồ-tát liền dâng bát cơm thơm cho ông Duy-ma-cật, mùi thơm xông khắp thành Tỳ-da-ly và cõi tam thiên đại thiên. Lúc ấy các Bà-la-môn, Cư sĩ… trong thành Tỳ-da-ly nghe được mùi hương này, thân tâm khoan khoái nên khen là điều chưa từng có.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Mùi hương lạ xông vào thân thể, khiến tâm thư thái dễ chịu.

Chánh văn: Khi ấy trưởng giả chủ Nguyệt Cái dẫn theo tám mươi bốn ngàn người vào trượng thất của ông Duy-ma-cật.

Ngài La-thập nói:

– Cõi nước ấy chẳng có vua, chỉ có năm trăm cư sĩ cùng nhau trị quốc. Nay nói chủ ắt do mọi người tôn kính mà gọi thế.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Nước Tỳ-da-ly không có vua, chỉ có năm trăm trưởng giả cùng nhau chăm lo việc nước. Nguyệt Cái được mọi người kính trọng, nên gọi là chủ. Từ đây trở xuống đều là do nghe mùi hương mà vân tập đến.

Chánh văn: Thấy trong ấy rất đông các vị Bồ-tát, và các tòa Sư tử cao rộng trang nghiêm, tất cả đều vui mừng kính lễ các Bồ-tát và Đại đệ tử rồi đứng về một phía. Các vị địa thần, thần hư không và chư thiên ở cõi Dục nghe mùi hương cũng đến trượng thất của ông Duy-ma-cật. Bấy giờ, ông Duy-ma-cật bảo ngài Xá-lợi-phất và các vị đại đệ tử Thanh văn rằng: “Các Nhân giả! Hãy dùng món cơm có vị cam lộ của Như Lai.”

Ngài Đạo Sinh nói:

– Vì trước kia nghĩ đến việc thọ thực, nên nay mời dùng. Cũng muốn nhân đây để nói thức ăn là lý. Nêhoàn là pháp cam lộ, nếu ăn thức ăn này ắt sẽ được Nêhoàn, cho nên trong món cơm có vị cam lộ.

Chánh văn: Từ đại Bi huân tập.

Ngài La-thập nói:

– Huân có ba nghĩa:

  1. Quả báo của đại bi.
  2. Do tâm bi nghĩ đến.
  3. Dùng mắt từ nhìn xét.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Khiến cho người đắc ngộ là sức huân tập bên ngoài, đâu có thể nói năng lực của thức ăn là sức đại Bi ư? Thế thì món cơm là hơi do đại Bi huân kết.

Chánh văn: Không nên dùng tâm hạn lượng mà ăn món cơm này, nó sẽ không tiêu.

Ngài La-thập nói:

– Ăn món cơm này nên phát tâm Đại thừa, lập nghiệp lớn, đó gọi là báo ân, báo ân gọi là cơm tiêu.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Trước chỉ bày pháp thọ thực. Cơm này là quả của đại bi. Được ý bi lập ra, được tâm bi hưng khởi, nên nói là do đại bi huân kết. Dùng ý có hạn lượng mà ăn món cơm này thì chẳng thể tiêu. Nếu biết món cơm này do đại bi huân kết thành, chẳng thể nghĩ bàn, phát đạo tâm mà thọ thực thì cơm tiêu, báo được ân của thí chủ, không có ý hạn lượng ngăn ngại.

Ngài Đạo Sinh nói:

– Món cơm có từ đại bi thì không hạn lượng, nhưng tự tâm hạn lượng nói ít, thì cơm sẽ chẳng tiêu.

Chánh văn: Có các Thanh văn khác nghĩ rằng: “Cơm này quá ít, mà đại chúng cũng nên ăn.” Ngài Tăng Triệu nói:

– Món cơm chẳng thể nghĩ bàn thì Nhị thừa chẳng thể thông đạt, nên mới phát sinh niệm nghi này.

Chánh văn: Hóa Bồ-tát nói: “Chớ nên dùng trí hẹp đức nhỏ của Thanh văn mà so lường với phước tuệ vô lượng của Như Lai!

Ngài Tăng Triệu nói:

– Vô lượng phước tuệ tức là nhân của món cơm thơm, phàm có nhân vô lượng ắt có quả vô lượng, nếu nhân hạn lượng thì quả cũng có hạn lượng. Vô lượng phước tuệ của Như Lai, thì trí nhỏ hẹp của Thanh văn há có thể lường được ư?

Chánh văn: Bốn biển còn có thể cạn nhưng món cơm này chẳng thể hết. Dẫu cho tất cả mọi người ăn một vắt cơm lớn như núi Tu-di, ăn mãi trong một kiếp, cũng chẳng thể hết. Vì sao? Vì đây là món cơm dư của bậc có đầy đủ công đức vô tận giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến, nên chẳng bao giờ hết.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Như Lai có đầy đủ vô tận công đức năm phần pháp thân. Món cơm của thân báo ứng như thế làm sao có thể hết.

Chánh văn: Bát cơm như thế, cả chúng hội đều đã dùng no đủ mà vẫn còn. Các vị Bồ-tát, Thanh văn, trời, người ăn món cơm này thì thân thể an ổn khoan khoái, thí như các Bồ-tát ở cõi Nhất thiết lạc trang nghiêm. Lại từ nơi lỗ chân lông phát ra mùi thơm vi diệu như mùi hương từ các cây cối ở cõi Chúng hương. Bấy giờ, ông Duy-ma-cật hỏi các Bồ-tát nước Chúng hương rằng: “Như Lai Hương Tích dùng phương tiện gì để diễn pháp?” Đáp: “Như Lai ở cõi nước của chúng tôi không dùng văn tự thuyết pháp, chỉ dùng các mùi hương làm cho trời người vào luật hạnh.”

Ngài La-thập nói:

– Nêu lên phần nhiều như thế. Ở trên có nói thuyết pháp, nhưng chưa hẳn là có ngôn thuyết. Có người nhân mùi hương mà thông đạt giáo pháp thì công năng cũng đồng như ngôn thuyết.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Cõi nước ấy chẳng phải hoàn toàn không có ngôn ngữ, nhưng vì mùi hương là căn bản để thông đạt Phật đạo, như ở cõi này lời nói là căn bản để thông đạt Phật đạo. Cũng có người nhân nơi thần thông biến hóa mà ngộ đạo.

Chánh văn: Các Bồ-tát đến ngồi dưới các cây phát ra mùi hương, nghe được mùi hương vi diệu này, liền chứng đắc tam-muôi Nhất thiết đức tạng. Khi được tam-muội này thì đầy đủ tất cả công đức của Bồ-tát.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Sức của tam-muội này có thể sinh ra tất cả các công đức.

Chánh văn: Các Bồ-tát kia hỏi ông Duy-ma-cật rằng: “Đức Thíchca Mâu-ni thì dùng phương tiện gì để diễn pháp?” Duy-ma-cật đáp rằng: “Chúng sinh ở cõi này ngang ngạnh khó giáo hóa, nên Phật phải dùng lời lẽ cứng cõi, sắc bén để điều phục họ.

Ngài La-thập nói:

– Như Lai thuyết pháp, có ba trường hợp:

  1. Dùng lời nhu hòa.
  2. Dùng lời cứng rắn sắc bén.
  3. Vừa nhu hòa vừa sắc bén.

Nói về hạnh thiện đạt quả vui thú thì dùng lời nhu hòa; nói về hạnh ác chiêu quả khổ thì dùng lời cang cường; khen thiện chê ác thì vừa nhu hòa vừa cang cường.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Bậc Thánh giáo hóa đâu có thường nhất, chỉ tùy vật mà thích ứng. Ở cõi này chúng sinh ngang ngạnh nên dùng giáo pháp cứng mạnh để thích hợp.

Chánh văn: Nói đó là địa ngục, đó là ngạ quỷ, đó là súc sinh, đó là nơi hiểm nạn.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chỉ tất cả tám nơi nạn.

Chánh văn: Đó là nơi người ngu sinh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Ngoại đạo dị học, gọi là nơi người ngu sinh.

Chánh văn: Đây là thân tà hạnh, là quả báo của thân tà hạnh; đó là khẩu tà hạnh, là quả báo của khẩu tà hạnh; đây là ý tà hạnh, là quả báo của ý tà hạnh; đây là sát sinh, là quả báo của sát sinh; đây là trộm cắp, là quả báo của trộm cắp; đây là tà dâm, là quả báo của tà dâm; đây là vọng ngữ, là quả báo của vọng ngữ; đây là lưỡng thiệt, là quả báo của lưỡng thiệt; đây là ác khẩu, là quả báo của ác khẩu; đây là lời vô nghĩa, là quả báo của lời vô nghĩa.

Ngài La-thập nói:

– Bản tiếng Phạm ghi là tạp thuyết. Phàm chẳng vì thiện pháp và Niết-bàn mà khởi khẩu nghiệp thì đều gọi là tạp thuyết.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Trau chuốc làm cho lời nói, câu văn thêm bóng bẩy hoa mỹ làm vui lòng người đều gọi là lời vô nghĩa.

Chánh văn: Đây là tham lam, tật đố, là quả báo của tham lam tật đố; đây là sân hận, là quả báo của sân hận; đây là tà kiến, là quả báo của tà kiến; đây là xan lận, là quả báo của xan lận; đây là phá giới, là quả báo của phá giới; đây là giận hờn, là quả báo của giận hờn; đây là lười biếng, là quả báo của lười biếng; đây là loạn ý là quả báo của loạn ý; đây là ngu si, là quả báo của ngu si; đây là kết giới, là giữ giới, là phạm giới.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Như Luật tạng đã thuyết rõ.

Chánh văn: Đây là điều nên làm, đây là điều không nên làm, đây là chướng ngại, đây là không chướng ngại.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Phạm luật có người bị tội nặng không chướng đạo, bị tội nhẹ mà chướng đạo, là tùy thuộc vào ba chướng: Nghiệp chướng, báo chướng và phiền não chướng.

Chánh văn: Đây là phạm tội, đây là lìa tội, đây là tịnh, đây là cấu, đây là hữu lậu, đây là vô lậu, đây là tà đạo, đây là chánh đạo, là hữu vi, là vô vi, là thế gian, là xuất thế gian, là Niết-bàn. Vì có những hạn người khó giáo hóa, tâm như khỉ vượn, nên dùng biết bao nhiêu phương pháp để chế ngự tâm họ rồi mới điều phục được.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Vì khó giáo hóa, cho nên phải chỉ rõ tội phước như vậy.

Chánh văn: Ví như voi ngựa hung hăng không thể điều phục, thì phải đánh đập đau đớn đến thấu xương, sau đó mới điều phục.

Ngài La-thập nói:

– Ngựa có năm loại:

  1. Thấy bóng roi liền điều phục.
  2. Bị đánh roi mới điều phục.
  3. Dùng dùi nhọn đâm vào da mới điều phục.
  4. Xuyên đến thịt mới điều phục.
  5. Đâm thấu xương mới điều phục.

Chúng sinh căn cơ lợi độn cũng có năm loại:

  1. Vừa thấy vô thường hiện nơi người thì tâm liền ngộ.
  2. Thấy sự vô thường hiện bày nơi bậc Thiện tri thức thì tâm mới ngộ.
  3. Thấy sự vô thường đến với anh em thân thuộc, tâm mới ngộ.
  4. Thấy vô thường đến với cha mẹ, tâm mới ngộ.
  5. Vô thường đến nơi thân, chịu cùng cực đau khổ, lại phải nói lời khổ, thì tâm mới ngộ.

Chánh văn: Chúng sinh ngang ngạnh khó giáo hóa như thế, nên phải dùng tất cả lời bức thiết như thế mới vào được luật hạnh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chẳng có móc, dùi thì không biết lấy gì để điều phục voi ngựa, nếu chẳng có lời khổ thì không biết lấy gì điều phục chúng sinh khó giáo hóa.

Chánh văn: Các Bồ-tát cõi kia nghe nói như thế, thì nói rằng: “Thật chưa từng có! Như Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ẩn thần lực vô lượng tự tại, dùng những phương pháp mà người nghèo khổ ưa thích để độ thoát tất cả chúng sinh.”

Ngài La-thập nói:

– Giấu hình tích, che ánh quang minh, hiện đồng với kẻ hành khất nghèo cùng, tự đồng với kẻ hành khất thì có thể giao tiếp với họ, giao tiếp thì dễ gần gũi, nên được người nghèo cùng tin thích.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Chư Phật đều bình đẳng, nhưng hiện hình tích có sai biệt, đó là do chí nguyện nhỏ hẹp của quần sinh hạ liệt vậy. Đức Phật ẩn thần lực tự tại để đồng như kẻ nghèo cùng thô lậu, thuận với sở thích của họ mà cứu giúp. Cảm ứng vô cùng, chẳng thuộc tịnh uế, đây là việc chưa từng có.

Chánh văn: Các Bồ-tát cõi này cũng chịu khổ sở, khiêm nhường, dùng vô lượng đại bi sinh vào cõi Phật này. Ông Duy-ma-cật nói: “Các Bồ-tát cõi này đối với chúng sinh có lòng đại bi kiên cố, thật như lời các ngài đã nói.”

Ngài Tăng Triệu nói:

– Đúng như lời khen của các Bồ-tát.

Chánh văn: Nhưng một đời ở cõi này làm lợi ích cho chúng sinh, còn hơn ở cõi khác tu hành trăm ngàn kiếp.

Ngài La-thập nói:

– Ví như vị lương y gặp lúc xảy ra kiếp dịch bệnh, thực hành y thuật cùng khắp, ban phát thuốc men cho tất cả; những người được chữa trị rất nhiều, thì việc cúng dường cũng vô lượng. Bồ-tát Đại sĩ ở nơi bất tịnh cũng như thế, chúng sinh ác càng nhiều, thì việc cứu giúp càng rộng lớn. Có mười loại thuốc pháp chữa trị tất cả các bệnh. Giáo hóa rộng thì lợi ích sâu, một đời hơn cả vạn kiếp.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Thực hành chẳng cần phải lâu mà quý ở chỗ có được lợi ích.

Chánh văn: Vì sao? Vì ở cõi Ta-bà có mười điều thiện mà các Tịnh độ khác chẳng có. Mười điều thiện là:

  1. Dùng bố thí để nhiếp độ kẻ bần cùng.
  2. Dùng tịnh giới để nhiếp độ kẻ phá giới.
  3. Dùng nhẫn nhục để độ kẻ sân hận.
  4. Dùng tinh tấn để độ người lười biếng
  5. Dùng thiền định độ người loạn tâm.
  6. Dùng trí tuệ độ người ngu si.

Ngài La-thập nói:

– Si có hai loại:

  1. Ngu si đối với tất cả pháp.
  2. Không thông đạt pháp sâu xa của chư Phật.

Trong cõi bất tịnh có hai loại ngu si, trong cõi tịnh chỉ có một loại là không thông đạt pháp sâu xa của chư Phật.

Chánh văn:

  1. Thuyết pháp trừ nạn để độ người bị tám nạn.
  2. Dùng pháp Đại thừa để độ hàng Tiểu thừa.
  3. Dùng các căn lành để độ người không có đức.
  4. Thường dùng bốn Nhiếp pháp để thành tựu chúng sinh.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Phàm thiện do nơi ác mà sinh, tịnh từ nơi uế mà tăng. Cõi này có mười pháp ác nên có mười đức tăng trưởng. Cõi kia thuần là thuận nên không có đất để lập đức. Vì thế trăm ngàn kiếp tu hành không bằng một đời.

Bản khác ghi: Mười ác nghiệp.

Ngài La-thập nói:

– Mười ác nghiệp có ba phẩm là thượng, trung, hạ. Thượng là quả báo địa ngục, trung là quả báo súc sinh, hạ là quả báo ngạ quỷ. Trong mỗi phẩm lại phân ba phẩm nhỏ, như thế gồm chín phẩm. Hành bất thiện thì chiêu cảm chín phẩm quả báo khổ trong ba đường ác.

Chánh văn: Các Bồ-tát cõi kia nói: “Bồ-tát thành tựu mấy pháp mà ở cõi này tu hành không lầm lỗi (sang vưu) được sinh về cõi Tịnh.

Ngài La-thập nói:

– Bồ-tát có hạnh sâu xa thì không có điều nghi này. Còn đối với các Bồ-tát công hạnh cạn mỏng, khi ở cõi bất tịnh sợ rằng hạnh còn cạn, công còn kém nhỏ, chưa thể tự cứu khổ. Ví như chỉ có một ít nước nóng mà đổ vào sông lớn, sức yếu mà cứu người bị chìm, chưa thể cứu vớt, thì cả hai đều trầm luân. Cho nên hỏi thực hành pháp gì để được sinh Tịnh độ.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Muốn sách tấn các Bồ-tát mới học ở cõi này, khiến cầu sinh tịnh độ, nên mới nêu câu hỏi trên.

Chánh văn: Ông Duy-ma-cật nói rằng: “Bồ-tát thành tựu tám pháp, thì ở cõi này tu hành không lầm lỗi mà được sinh về Tịnh độ. Tám pháp là gì? Đó là:

 Làm lợi ích tất cả chúng sinh mà chẳng mong cầu báo đáp, thay thế chúng sinh chịu mọi khổ não, tất cả công đức có được đều ban cho chúng sinh.

Ngài Tăng Triệu nói:

1. Thay thế chúng sinh chịu khổ, chẳng chấp tự thân; tất cả công đức tạo được đều ban cho chúng sinh, đâu vì có ích mà mong muốn họ báo đáp? Nếu chẳng vì chúng sinh thì lẽ ra đã vào Niết-bàn từ lâu rồi! Vì họ mà chịu khổ, làm cho họ được độ trước; họ đi ta lưu lại, lại chẳng phải là thay thế; nghĩa là tất cả những việc lợi ích rốt ráo cho chúng sinh này là một pháp.

Chánh văn:

2. Tâm bình đẳng đối với chúng sinh, khiêm hạ không ngại.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Oán thân chẳng khác, hạ mình tôn kính người, tôn ti bình đẳng, tâm không khởi mảy may phân biệt là pháp thứ hai.

Chánh văn:

3. Đối với các Bồ-tát tâm kính như Phật.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Bồ-tát là bến bãi cầu đường của chúng sinh, thuộc về Tam bảo, tôn kính các ngài như Phật thì ta được tăng trưởng công đức, đây là pháp thứ ba.

Chánh văn:

4. Những kinh chưa được nghe, nghe chẳng sinh nghi ngờ.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Kinh của Phật nói ra, khi được nghe thì tin thọ, chẳng cho rằng vì chưa nghe mà sinh nghi hoặc; là pháp thứ tư.

Chánh văn:

5. Không trái nghịch với hàng Thanh văn.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Ba thừa tuy khác mà tông yếu chẳng khác, chẳng vì có Đại, Tiểu mà sinh tâm chống trái, là pháp thứ năm.

Chánh văn:

6. Chẳng ganh ghét khi thấy người được cúng dường.

Ngài La-thập nói:

– Suy tìm nguyên do được cúng dường, là từ nơi việc làm ở đời trước, ganh ghét chỉ vô ích, chỉ nên tu thiện, dùng lý lẽ để an tâm nên ganh ghét chẳng sinh.

Chánh văn: Chẳng tự cao khi mình được lợi lạc.

Ngài La-thập nói:

– Nếu tu thiện, trì giới mà được lợi dưỡng thì nên tự nghĩ rằng: “Người cúng dường có công đức chẳng phải là vì ngã. Giả sử có ngã, thì người chẳng thấy có vì lý đã vô ngã, thì tâm cống cao không có chủ.” Suy nghĩ như thế thì tâm cống cao tự trừ diệt.

Chánh văn: Ở nơi đó mà điều phục tâm mình.

Ngài La-thập nói:

– Tức trong hai việc người được cúng dường và ta được lợi lạc mà điều phục tâm. Điều phục tâm thì như trước đã nói. Ba câu này hợp thành một việc.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Người gieo thì người được, sao lại ganh ghét? Ta trồng thì ta được, đâu có gì mà cống cao? Trong hai pháp này mà khéo tự điều phục, là pháp thứ sáu.

Chánh văn:

7. Thường xét lỗi mình, chẳng nói lỗi người.

Ngài La-thập nói:

– Như có một vị Tỳ-kheo tọa thiền trong rừng vắng, khi đến giờ thì ôm bát ra khỏi rừng khất thực, một hôm đi giữa đường thì bị một tên giặc ác giương cung nhắm bắn. Vị Tỳ-kheo ấy rộng lượng tha thứ, chỉ tự trách mình mà chẳng sinh tâm giận ghét, lại còn chỉ vào bụng mình mà nói rằng: “Người nên bắn vào đây! Ta vì cái bụng mà cần phải ra khỏi rừng để dẫn đến phiền não này, đây là tội của các bụng vậy.” Tự xét mình mà khoan thứ cho người tương tự như thế. Còn chẳng rao nói lỗi người, chẳng như vị Duy-na độn căn kia nếm vật dơ trong đất mà tìm lỗi người.

Từ câu xét lỗi mình đến câu cầu các công đức là chung cho một việc.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Thường xét lỗi mình thì lỗi tự tiêu, rao nói lỗi người thì lỗi về nơi ta, là pháp thứ bảy.

Chánh văn:

8. Hằng dùng nhất tâm mà cầu tất cả các công đức.

Đó là tám pháp.

Ngài Tăng Triệu nói:

– Trần cấu dễ tăng, công đức khó đủ. Nếu chẳng có nhất tâm chuyên cầu thì không biết lấy gì để thành tựu. Đầy đủ tám pháp này, thì tu hành không lầm lỗi, rốt cuộc được sinh Tịnh độ.

Chánh văn: Ông Duy-ma-cật và ngài Văn-thù-sư-lợi ở trong đại chúng thuyết pháp này xong thì có trăm ngàn trời người phát tâm Vô thượng Bồ-đề, mười ngàn vị Bồ-tát chứng được Vô sinh pháp nhẫn.